Thích Trung Thiện Học viên Cao học Phật học khoá II HVPGVN tại Huế

Niên đại Phật giáo truyền vào Việt Nam là đề tài được các học giả quan tâm, tìm hiểu từ rất sớm. Có nhiều giả thuyết được nêu ra xoay quanh vấn đề này. Song, những sử liệu được sử dụng làm chỗ y cứ còn tồn đọng nhiều giới hạn, thậm chí là đáng ngờ cần phải nhìn nhận lại. Trong khi chờ đợi một công trình nghiên cứu đáp ứng được lòng mong mỏi của những người quan tâm, chúng ta có thể dựa vào một số thư tịch, di chỉ khảo cổ để lại góp phần tìm ra câu trả lời khả dĩ cho vấn đề tranh luận đang tiếp diễn này.

Trước hết, chúng ta cùng điểm lại một số giả thuyết liên quan đến niên đại Phật giáo du nhập vào nước ta.

Khoảng thời gian sớm nhất Phật giáo truyền vào nước ta được đưa ra là vào thời đại Hùng Vương. Đầu tiên là giả thuyết Chử Đồng Tử được nhà sư Phật Quang truyền dạy giáo lí Phật giáo tại núi Quỳnh Viên, sau đó Chử Đồng Tử về dạy lại Tiên Dung. Sự việc này được lưu truyền trong truyện Nhất Dạ Trạch của Lĩnh Nam Trích Quái. Núi Quỳnh Viên được xác định là nằm ở cửa Sót. Căn cứ vào ghi chép này, người ta cho rằng Phật giáo du nhập vào nước ta từ thời Hùng Vương trong khoảng thế kỉ II-III Tr.TL và xem Chử Đồng Tử, Tiên Dung là những phật tử đầu tiên có tên tuổi.

Kết luận này có vẻ hơi vội vàng khi bỏ qua các giá trị lịch sử. Ta thấy, Lĩnh Nam Trích Quái là một tập hợp các câu chuyện lạ của Việt Nam được biên tập vào khoảng cuối đời nhà Trần và được hai nhà tri thức Kiều Phú, Vũ Quỳnh tiến hành nhuận chính vào cuối thế kỉ XV. Câu hỏi về nguồn tư liệu để biên tập tác phẩm này trở thành một nghi vấn lớn bởi trước đó không thấy nhà sử học nào biên tập. Hơn nữa, vào khoảng thế kỉ XII-XIII, sách vở nước ta hầu như bị nhà Minh đốt sạch. Thế thì, các tác giả dựa vào nguồn tư liệu nào để biên tập hay nhuận chính Lĩnh Nam Trích Quái. Ngay cả kết luận Chử Đồng Tử và Tiên Dung là những phật tử đầu tiên cũng cần phải xem lại. Cái tên Tiên Dung có thể là yếu tố do người sau đưa vào bởi trước đó các con của vua Hùng hầu như không thấy có tên gọi riêng, chỉ dùng một tên chung như con gái gọi là Mỵ Nương (chỉ người con gái đẹp), con trai gọi là Văn Lang. Chúng ta cũng không thấy ai họ Chử cả, cái tên Chử Đồng Tử ở đây chỉ cho chàng thanh niên (Đồng Tử) sống ở ven sông (Chử) chứ không phải là cái tên riêng của một người. Cho nên, giả thuyết liên quan đến Chử Đồng Tử, Tiên Dung chỉ có thể xem là huyền thoại thể hiện sự cứu khổ độ đời của Phật giáo và ước mong hòa bình của dân tộc ta chứ không thể xem đây là những chứng nhân lịch sử đánh dấu sự du nhập của Phật giáo.

Một đề nghị được đưa ra nhằm kiểm chứng giả thuyết này là tiến hành khảo cổ địa điểm truyền đạo của Phật Quang cho Chử Đồng Tử. Tuy nhiên, đề nghị này không mấy khả thi bởi địa điểm này quá rộng, thời gian trải qua lại quá xa, hơn hết chỗ sư Phật Quang ở chỉ là một thảo am nhỏ.

Kế đến là giả thuyết về dấu vết thành Nê Lê của đoàn truyền giáo thời vua Asoka. Giả thuyết này căn cứ vào Giao Châu Kí của Lưu Hưng Kì đời Tấn, trong đó ghi: “Thành Nê Lê ở phía Đông Nam huyện Định An, cách sông bảy dặm, tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn. Những người đốn hái gọi là Kim Tượng.”[1] Giao Châu Kí được Tăng Chiêu tái thiết vào năm 1820 từ những đoạn phiến trích dẫn rãi rác từ trong các tác phẩm Trung Quốc như Hậu Hán thư, Thủy kinh chú, Thái  bình ngự lãm... Giả thuyết này không mấy thuyết phục cho lắm bởi nguồn sử liệu quá mơ hồ, khả nghi và cho đến bây giờ vẫn không phát hiện một dấu tích khảo cổ nào đáng tin cậy của thành Nê Lê để lại cả.

Trong các thần tích của các xã có thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng. Lưu truyền rằng, sau khi bị Mã Viện đàn áp, nhiều nữ tướng đã mai danh ẩn tích trong các ngôi chùa làng và một số đã xuất gia như Bát Nàn phu nhân. Hiện nay, đền thờ của bà được tôn trí ở xã Tiên La, huyện Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngoài ra còn có các vị nữ tướng khác như bà Thiền Hoa, bà Vĩnh Huy, Công chúa Phương Dung, hai chị em Nguyệt Thai và Nguyệt Độ... Việc có vị nữ tướng được thờ trong các ngôi chùa làng xưa cũng dễ hiểu bởi theo truyền thống người Việt xưa nay, những vị xuất thân từ làng hay từ làng khác có công trạng với dân làng hay quốc gia thường được dân làng thờ tại đình làng. Một điều đáng nói đến, đình làng và chùa làng thường xây cạnh nhau và nhiều trường hợp chùa với làng hợp nhất lại bởi điều kiện chiến tranh hay một số lí do khác như thiếu kinh phí kiến tạo, tu bổ... Cho nên, chuyện một số nữ tướng được thờ trong chùa không nhất định là vì họ xuất gia. Chúng ta hiện chưa tìm thấy được nguồn sử liệu nào nói đến sự có mặt ni đoàn trong thời điểm này ở Việt Nam, ngay ở Trung Quốc  mãi cho đến thế kỉ thứ năm, ni đoàn mới chính thức có mặt.

Một sự kiện khác liên quan đến Phật giáo ở nước ta là người dân đã biết trồng hoa Uất Kim Hương cúng Phật từ thời Dương Phù tức khoảng năm 100 S.DL. Dữ kiện này được tìm thấy trong Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân (1518-1593): “Nam Châu dị vật chí của Dương Phù nói: Uất Kim đến từ nước Quyết Tân, người ta trồng trước để cúng Phật, vài ngày thì héo, sau đó giữ lại...”[2] Giả thuyết này chỉ có thể xem như Phật giáo xuất hiện ở nước ta buổi sơ khai mang tính chất tín ngưỡng thờ phụng chứ không thể y cứ vào đây để xác định niên đại du nhập.

Chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh

Theo Thiền uyển tập anh, trong phần tiểu sử Quốc sư Thông Biện (tức thiền sư Trí Không, ?-1134) có chép lại cuộc đối thoại giữa ngài với Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng thái hậu về nguồn gốc của Phật giáo Việt Nam. Thông Biện đã dẫn lời của nhà sư Đàm Thiên trình với vua Tùy Cao Tổ rằng: “Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng chùa hơn 10 ngôi, độ tăng hơn 500 người, kinh dịch 15 quyển...”[3] Tuy nhiên, tiểu sử của Đàm Thiên trong Cao Tăng Truyện không thấy đề cập đến cuộc gặp gỡ này. Một điều bất ngờ là Thiền uyển tập anh còn liệt kê ra những nhân vật truyền đạo ở Giao Châu như Ma-ha-kì-vực, Khương Tăng Hội, Chi-cương-lương và Mâu Tử. Căn cứ vào sự ghi chép này, một số học giả đã xem họ là những người truyền đạo đầu tiên ở nước ta và mốc thời gian Phật giáo du nhập vào nước ta là vào cuối thế kỉ thứ hai. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng từ thư tịch cho thấy Khương Tăng Hội và Mâu Tử học đạo và trở nên kiệt xuất tại Giao Châu. Điều này cho ta biết rằng, trước Khương Tăng Hội và Mâu Tử hẳn đã có những người truyền đạo khác, cho nên không thể xem các nhân vật trên là những nhà truyền đạo đầu tiên ở nước ta được.

Nhìn chung, các sử liệu ghi nhận sự xuất hiện của Phật giáo ở nước ta ở buổi ban sơ được trích dẫn ở trên xuất hiện khá trễ, cách xa sự việc ghi lại rất lâu xa, cho nên những giá trị lịch sử quá mờ nhạt, không thuyết phục để có thể xác nhận niên đại Phật giáo truyền vào nước ta. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều chứng cứ khác liên quan đến vấn đề này được tìm thấy trong các thư tịch cũng như các di chỉ khảo cổ để lại.

Bài Tựa Lý hoặc luận cho biết sau khi vua Hán Linh Đế mất (189), thiên hạ loạn lạc, chỉ có đất Giao Châu còn tạm yên, Mâu Tử dắt mẹ xuống Giao Châu lánh nạn. Ở Giao Châu, Thái thú Chu Sĩ Nhiếp (187-226) từng mời Mâu Tử ra làm quan nhưng ông không chịu. Năm 26 tuổi, Mâu Tử trở lại Thương Ngô lấy vợ và cũng được Thái thú ở đây kính trọng mời ra làm quan, đi sứ.

Chúng ta không xác định được niên đại của Mâu Tử nhưng dựa vào năm mất của Linh Đế và một số dữ kiện liên quan, Mâu Tử sinh ra trong khoảng thời gian 165-170. Mâu Tử người Khương Ngô (Quảng Tây ngày nay), khi qua Giao Chỉ ông chỉ một thanh niên nhưng khi trở về lại Trung Quốc là một học giả thông hiểu Nho giáo lẫn Phật giáo. Mâu Tử có thể học Nho giáo ở Trung Quốc nhưng chắc chắn ông học Phật ở Giao Châu. Điều này chứng tỏ Phật giáo đã phát triển mạnh ở đây trong một thời gian dài mới có thể đào tạo ra một Mâu tử giỏi như vậy. Hơn thế, khi viết Lý hoặc luận, Mâu Tử là một luận chủ, tự đưa câu hỏi tự trả lời hoặc giả tập hợp những câu hỏi của Nho gia đương thời, trong đó rất nhiều đoạn nói về sự đối kháng giữa Nho gia và Phật giáo. Đặc biệt, trong nội dung câu 16 của Lý hoặc luận cung cấp một thông tin về tình trạng phạm trai giới của hàng tu sĩ: “Nay Sa môn đam mê rượu ngon, hoặc có kẻ nuôi vợ con, buôn rẻ bán đắc, chuyên làm điều dối trá...”  Theo đó, vào thời điểm của Mâu Tử (cuối thế kỉ thứ hai), số tăng sĩ ở Giao Châu hẳn đã khá đông đảo nên mới xuất hiện tình trạng tha hóa như thế. Điều đó cũng là một dấu hiệu cho thấy Phật giáo phải định hình và phát triển khá lâu ở Giao Châu trước thời Mâu Tử.

Khẳng định trên càng trở nên thuyết phục khi chúng ta tìm hiểu những ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp Khương Tăng Hội (thế kỉ thứ ba) ở Lương cao tăng truyện hay trong bài tựa An Ban Thủ Ý.

Lương Cao tăng truyện cho biết Tăng Hội tổ tiên người Khương Cư (Soydian), mấy đời ở Thiên Trúc. Cha ngài qua Giao Châu làm ăn rồi sinh ngài ở đây.[4] Tài liệu không cho biết mẹ ngài người nước nào, nhưng nhiều khả năng mẹ của ngài là người Giao Châu vì trong những chuyến hải trình nguy hiểm hiếm thấy bóng dáng người nữ hay trẻ nhỏ xuất hiện.

Tăng Hội sang Trung Quốc từ năm 247 đến năm 280 thì mất. Như vậy, ngài sống ở Trung Quốc khoảng 33 năm, ở Việt Nam khoảng 35-40 năm. Trong bài tựa An Ban Thủ Ý, được Tăng Hội dịch từ Phạn sang Hán ngữ, có đoạn: “Tăng Hội tôi, sinh ra mới tới tuổi vác nổi bó củi thì cha mẹ đã qua đời. Bậc tam sư cũng theo nhau khuất núi. Mỗi khi ngước nhìn mây trời thường không khỏi cảm thấy xúc động, buồn thương rơi lệ...”[5] Bậc tam sư mà Tăng Hội nói đến là ba vị sư truyền giới cho Tăng Hội.

Ta thấy, Tăng Hội mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nương tựa cửa chùa một thời gian thì tam sư tịch nhưng ngài vẫn rất giỏi. Chúng ta không biết rõ ba vị thầy đó có phải là người ngoại quốc hay không, nhưng một điều chắc chắn ba vị thầy đó rất giỏi và khi ba vị thầy đó tịch mà Tăng Hội vẫn giỏi như thế cho thấy vẫn còn ít nhất một vị thầy nữa dạy ông. Điều đáng chú ý là, Tăng Hội hẳn đã xuất gia, học đạo, học thông chữ Phạn ở Giao Châu cũng như chú giải và trước tác kinh sách ở đây sau đó mới qua Giang Đông Trung Quốc truyền đạo. Điều này cho phép chúng ta tin rằng nền Phật học ở Giao Châu trong giai đoạn này phát triển rất mạnh mẽ mới có thể đào tạo ra một Khương Tăng Hội kiệt xuất như thế. Hay nói cách khác, Phật giáo đã tồn tại và phát triển ở Giao Châu trước thời Khương Tăng Hội từ rất sớm trước cả các trung tâm Phật giáo ở Trung Quốc như Lạc Dương và Bành Thành.

Một góc hang động Long Môn, Lạc Dương. Ảnh: St

Trong các vị thầy của Tăng Hội hẳn nhiên phải có người ngoại quốc ở vùng Trung Á hoặc Ấn Độ để có thể dạy Tăng Hội tiếng Phạn. Thông tin này trở nên tin cậy khi dựa vào những ghi chép trong các thư tịch khả tín. Đại Việt sử kí toàn thư phần Kỉ Sĩ vương có đoạn: “Anh em của Sĩ Nhiếp đều làm quan coi quận (Giao Châu), hùng trưởng một châu, ở lánh xa muôn dặm, uy tín không ai hơn. (Sĩ Nhiếp) khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết: kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương...”[6] Dữ kiện này cũng được tìm thấy trong Tam Quốc Chí phần Ngô Thư[7]. Sự xuất hiện của người Hồ (tức người Ấn Độ) cùng với những lễ nghi ở Giao Châu cho thấy văn hóa Ấn Độ phải được truyền qua đây trước đó rất lâu. Hơn nữa, Giao Châu vào thời Sĩ Nhiếp cai trị từ năm 187 đến năm 226 phát triển rất hưng thịnh, thậm chí là một nước độc lập, ít sự lệ thuộc hay chịu ảnh hưởng của nhà Hán.

Đến đây, câu hỏi được đặt ra là, các nhà truyền giáo đến Giao Châu bằng con đường nào?

Theo truyền thống, Phật giáo truyền đến Trung Quốc hay Việt Nam thông qua con đường bộ thường gọi là con đường tơ lụa. Tuy nhiên, có một thời gian dài biên giới phía Tây Trung Quốc bị đóng cửa và ngạc nhiên là hàng hóa vẫn xuất hiện ở Địa Trung Hải. Điều này cho thấy ngoài đường bộ vẫn tồn tại một con đường khác kết nối Trung Quốc với các nước phía Tây. Hậu Hán thư cho biết vào triều đại vua Hoàn Đế (89-105), Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị. Không lâu sau, do Tây Vực làm phản nên mối giao bang này bị trì hoãn. Từ đó, Ấn Độ chuyển hướng đi theo đường biển từ Nhật Nam đến Trung Quốc triều cống . Hay trong phần Tây Vực truyện trong Hậu Hán thư còn nhắc đến sự giao thương qua đường biển giữa nhà Hán với đế chế La Mã. Năm Diên Hy thứ chín (166), quốc vương La Mã là Marcus Aurelius Antonious phái đoàn sứ giả mang ngà voi, sừng tê giác... đi theo đường biển từ Nhật Nam đến Trung Quốc triều cống. Không nghi ngờ gì nữa, ngoài đường bộ còn tồn tại một tuyến đường trên biển.

Một minh chứng hùng hồn ở nền văn minh Óc Eo (được xem là thủ phủ của vương quốc Phù Nam xưa), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hai đồng tiền vàng có chạm hình của các hoàng đế La Mã Antoninus Pius (38-161) và Marcus Aurelius (161-180).[8] Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy tượng đồng và một số đồ gốm Ấn Độ, gương đồng thời Hậu Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy... Tất cả những dấu tích đó cho thấy từ rất sớm cư dân Óc Eo đã xác lập mối quan hệ với các thương nhân La Mã, Ấn Độ và Trung Quốc và nghiễm nhiên trở thành một minh chứng rõ nét về hoạt động của con đường tơ lụa trên biển. Giao Châu là trạm trung chuyển nối Địa Trung Hải và Trung Quốc và các nhà truyền giáo ngoại quốc đến Giao Châu bằng con đường này.

Tóm lại, để có thể xác định chính xác niên đại Phật giáo truyền vào nước ta là một điều không thể bởi nguồn tài liệu đề cập đến vấn đề này quá mờ nhạt. Tuy nhiên, ngang qua thư tịch và bằng chứng khảo cổ để lại, chúng ta có thể xác định được khoảng thời gian Phật giáo du nhập vào nước ta là ngay vào thế kỉ đầu công nguyên trước cả Trung Quốc và phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỉ thứ hai đến đầu thế kỉ thứ ba. Phật giáo truyền vào nước ta bấy giờ là Giao Châu từ những tăng sĩ ngoại quốc thông qua tuyến đường biển là chủ yếu.

Ngay từ những buổi đầu du nhập, Phật giáo dễ dàng bám rễ vào đời sống tâm linh của người Việt, đủ sức chuyển hóa nhân tâm con người và phát triển một cách nổi bật mà dấu ấn để lại là việc đào tạo nên những con người kiệt xuất như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, trở thành niềm tự hào đáng trân trọng của Phật giáo nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Hơn hết, sự hưng thịnh của Phật giáo trong giai đoạn này mang nội hàm cao quý khác, đó là minh chứng chắc thật thể hiện sự độc lập trong tư tưởng văn hóa, trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Từ sự độc lập này là nền tảng để dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng đấu tranh, giữ gìn chủ quyền lãnh thổ trong nhiều thế kỉ sau đó.

Thích Trung Thiện Học viên Cao học Phật học khoá II HVPGVN tại Huế ***

CHÚ THÍCH

[1] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, tr.32. [2] Sđd, tr. 27. [3] Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thị Thúy Nga dịch và chú giải, Thiền uyển tập anh, tr.84. [4] Xem Song Hào Lý Việt Dũng dịch, Cao tăng truyện sơ tập, tr. 54-61. [5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tr. 69. [6] Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, Đại Việt sử kí toàn thư, tr.98-99. [7] Nguyên văn: 燮兄弟並為列郡,雄長一州,偏在萬里,威尊無上。出入鳴鍾磬,備具威儀,笳簫鼓吹,車騎滿道,胡人夾轂焚燒香者常有數十。妻妾乘輜軿,子弟從兵騎,當時貴重,震服百蠻,尉他不足踰也。 [8] Thiếu Khang dịch (2020), Việt Nam thời dựng nước, tr.103-104.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Mật Thể (1969), Việt Nam Phật giáo sử lược, Hội Tăng Ni Bắc Việt xuất bản. 2. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, NXB Thuận Hóa, Huế. 3. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Phương Đông, TPHCM. 4. Tuệ Sỹ dịch, Khởi nguyên Phật giáo Việt Nam (Le Bouddhisme en Annam), Tạp chí Vạn Hạnh, tháng 11/1996, tr.7-16. 5. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thị Thúy Nga dịch và chú giải (2014), Thiền uyển tập anh, NXB Hồng Đức, TPHCM. 6. Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng (2013), Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Thời Đại, Hà Nội. 7. Song Hào Lý Việt Dũng dịch (2015), Cao tăng truyện sơ tập, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 8. Thiếu Khang dịch (2020), Việt Nam thời dựng nước, NXB Dân Trí, Hà Nội.