Phật giáo Trung Quốc thời nhà Đường - Việc nghiên cứu, học tập giáo lý của Phật giáo được phát triển mạnh mẽ nhờ các nhà sư Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã lên đường sang Ấn Độ để nghiên cứu Phật giáo và đem kinh sách Phật giáo từ Ấn Độ về Trung Quốc dịch sang tiếng Hoa.
ThS. Nguyễn Đắc Tùng, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á CN. Nguyễn Thị Hiền, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, Học viện Cảnh sát nhân dân Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024
Tóm tắt: Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, thời nhà Đường là một hoàng triều cai trị Trung Quốc gần 3 thế kỷ (618-907) là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Mặc dù các hoàng đế nhà Đường thường là những người theo Đạo giáo, nhưng họ lại rất sùng bái Phật giáo và đạo Phật đã trở nên cực kỳ phổ biến. Thời nhà Đường, Phật giáo đã được chấp nhận rộng rãi và được công nhận là tôn giáo thống trị trên khắp cả nước.
Từ khóa: Nhà Đường, Phật giáo, nhà sư, Trung Quốc, Ấn Độ.
1. Khái quát về Phật giáo Trung Quốc trước thời nhà Đường
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới, ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ V TCN sau đó du nhập vào Trung Quốc từ rất sớm bằng cả đường bộ và đường thủy vào thế kỷ thứ II TCN.
Đường bộ: giai đoạn đầu, Phật giáo được du nhập vào Trung Quốc bằng đường bộ do các nhà sư Ấn Độ truyền vào, đặc biệt là theo con đường tơ lụa. Đây là con đường giao thông huyết mạch để nối kết hai nền văn minh Ấn Độ - Trung Quốc.
Đường thuỷ: Phật giáo lại được du nhập vào Trung Quốc bằng đường thuỷ, mà chủ yếu là từ các hải cảng thuộc tỉnh Quảng Đông. Bởi đi theo đường thuỷ vừa nhanh và thuận lợi, lại ít gian nan nguy hiểm hơn đi bằng đường bộ. Hơn nữa, ở giai đoạn này thì không chỉ có các nhà sư mang Phật giáo truyền vào, mà một phần là do chính các nhà sư Trung Quốc trực tiếp sang Ấn Độ để cầu pháp(2).
Theo truyền thuyết Trung Quốc, đời vua Tần Thuỷ Hoàng năm thứ IV (năm 243 TCN), có một nhà sư tên là Thích Lợi Phòng đem kinh Phật truyền vào Trung Quốc. Vua Tần Thuỷ Hoàng cho việc đó là quái gở, liền bắt đem bỏ ngục, nhưng đến nửa đêm vua thấy có người thân vàng cao một trượng sáu thước tới phá ngục cứu ra. Vì thế vua rất sợ hãi và dập đầu kính lễ(2).
Từ thời nhà Tần (221-206 TCN), Phật giáo như một hệ tư tưởng, một nền văn hóa bắt đầu từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc. Phật giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc vào thời Nam Bắc triều (386-589). Đến thời nhà Tùy (581-619 SCN), Phật giáo trở lên hưng thịnh, phát triển mạnh mẽ như một quốc giáo và có ảnh hưởng rộng lớn, sâu sắc tới văn hóa Trung Quốc(3).
2. Phật giáo thời nhà Đường
Thời nhà Đường được coi là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Các vua thời nhà Đường ban hành một số chính sách bảo trợ và phát triển Phật giáo trong cả nước như một tôn giáo chính thống. Với hỗ trợ của các vua thời nhà Đường, chùa chiền và đền thờ Phật giáo đã được xây dựng khắp đất nước.
Vào năm 668, vua Đường Cao Tông ban chiếu xây dựng 3 ngôi chùa Phật giáo và 3 ngôi đền Lão giáo tại nhiều địa phương khác nhau nhân dịp vua Đường Cao Tông đến Đài Sơn cúng tế thiên địa, chi phí xây dựng do triều đình cung cấp.
Cũng trong năm 668, triều đình nhà Đường bảo trợ cho Đạo Thế biên soạn hoàn tất bộ Bách Khoa Phật Giáo với tựa đề “Pháp Uyển Châu Lâm”, bao gồm 100 chương. Sau khi vua Đường Cao Tông qua đời vào năm 683, vua Đường Trung Tôn lên ngôi hoàng đế nhưng Võ Hậu vẫn nắm quyền nhiếp chính.
Vào năm 690, Võ Hậu tự phong đế với hiệu là Tắc Thiên. Do hệ tư tưởng triết học Nho giáo không cho phép phụ nữ tham gia chính trị. Do vậy, Võ Hậu lấy giáo lý Phật giáo làm nền tảng. Nhằm thu phục sự ủng hộ của nhân dân, ngay sau khi xưng đế Võ Tắc Thiên ra lệnh xuất ngân khố xây dựng hai chùa Đại Vân, một tại kinh đô Trường An và một tại kinh đô Lạc Dương.
Với sự ủng hộ của triều đình, Phật giáo càng ngày càng hưng thịnh. Phật giáo được ưu đãi hơn Đạo giáo. Chính điện thờ Phật được xây dựng ngay trong nội thành của kinh đô Trường An và Lạc Dương. Các nhà sư thường được phép cư ngụ ngay trong chùa để hằng ngày tụng kinh, dâng hương và thuyết pháp cho hoàng tộc(4).
Đến cuối triều đại nhà Đường, các hoàng đế Trung Quốc bắt đầu ủng hộ Đạo giáo hơn Phật giáo; các tu sĩ nam nữ bị thế tục hóa; đền thờ và thư viện đã bị phá hủy. Vị thế ảnh hưởng của Phật giáo trong văn hóa Trung Quốc bắt đầu suy giảm khi triều đại nhà Đường suy tàn. Các tu viện và chùa Phật giáo trước đây được miễn thuế đã bị nhà Đường đánh thuế.
Vào năm 845, vua Đường Vũ Tông ra lệnh đóng cửa 4.600 tu viện Phật giáo cùng với 40.000 ngôi chùa và miếu, mỗi huyện chỉ được giữ một ngôi chùa và phá hủy tất cả chùa tháp còn lại, Phật giáo lại bị xem là tôn giáo ngoại quốc, tăng ni chịu sự kiểm soát của triều đình, 260.000 tăng ni phải trở lại cuộc sống thế tục; đây được coi là một trong 4 cuộc đàn áp Phật giáo ở Trung Quốc.
Mặc dù lệnh cấm được vua Đường Tuyên Tông dỡ bỏ vào năm 846 sau khi vua vua Đường Vũ Tông băng hà nhưng sau cuộc đàn áp Phật giáo vào năm 846, Phật giáo chưa bao giờ lấy lại được vị thế thống trị một thời trong văn hóa Trung Quốc(5).
Nhiều nhà sư đã hành hương đến Ấn Độ và trở về với những kinh điển Phật giáo được dịch sang tiếng Hoa đã làm phong phú thêm Phật giáo ở Trung Quốc.
Nhà sư Huyền Trang (596-664) rời Trung Quốc vào năm 629 bằng đường bộ sang Ấn Độ để sưu tầm kinh điển Phật giáo(6). Sau khi đến Ấn Độ, nhà sư Huyền Trang đã đến lưu trú hai lần tại đại học Nalanda để nghiên cứu và học tập tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) và giáo lý Phật giáo. Nhà sư Huyền Trang đã dành 16 năm ở Ấn Độ để sưu tầm kinh điển Phật giáo.
Đến năm 645, nhà sư Huyền Trang trở về kinh đô Trường An với gần 700 cuốn kinh Phật giáo trên lưng 20 con ngựa. Tại kinh đô Trường An, nhà sư Huyền Trang dành thời gian còn lại của đời mình vào công tác phiên dịch số kinh điển ấy cho đến khi qua đời, từ đó người Trung Quốc hiểu sâu hơn về Phật giáo(7).
Vào năm 671, nhà sư Nghĩa Tịnh (635-713) lên tàu buôn ở cảng Quảng Châu, Trung Hoa đến Tamralipti, miền Nam Ấn Độ năm 673. Tại Tamralipti, nhà sư Nghĩa Tịnh gặp nhà sư Đặng Đại Thừa, đệ tử của nhà sư Huyền Trang, nhà sư Nghĩa Tịnh ở đây 1 năm để học tiếng Sanskrit, sau đó hai người cùng nhau theo chân các thương gia đến miền Trung Ấn Độ và du hành khắp nơi.
Vào năm 675, nhà sư Nghĩa Tịnh đến chùa Nalanda và ở lại đây 10 năm để học tập, nghiên cứu kinh điển Phật giáo. Sau khi có được một lượng lớn kinh điển tiếng Sanskrit, nhà sư Nghĩa Tịnh chuyển về Srivijaya thuộc Ấn Độ để dịch sang tiếng Hoa. Tuy nhiên, vào năm 689 nhà sư Nghĩa Tịnh quay về Quảng Châu để tìm thêm người cộng sự đối với một công việc to lớn như thế.
Sau khi đã tuyển chọn được 4 nhà sư ở Quảng Châu, vào năm 690, nhà sư Nghĩa Tịnh đã cùng họ trở lại Srivijaya để tiếp tục sự nghiệp phiên dịch. Vào năm 695, nhà sư Nghĩa Tịnh chính thức trở lại Trung Quốc bằng đường biển sau hơn 5 năm sống và làm việc tại Ấn Độ. Sau hơn 20 năm kể từ ngày hồi hương ngài cống hiến toàn bộ thời gian và năng lực vào việc phiên dịch tổng cộng 56 bộ kinh và 230 quyển.
Cống hiến quan trọng nhất của Nghĩa Tịnh là công tác phiên dịch toàn bộ Luật tạng của Mùlasarvastivàda (Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) sang tiếng Hoa(8).
3. Một số ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc thời nhà Đường
Về tư tưởng, tôn giáo
Do sự đề cao Phật giáo của nhà Đường, đạo Phật đã từng bước hội nhập vào đời sống của người dân Trung Quốc. Sự hội nhập ấy diễn ra không phải chỉ một giai đoạn, một thời điểm mà xuyên suốt chiều dài lịch sử của triều đại nhà Đường. Giáo lý Phật giáo phổ biến rộng rãi trên cả nước. Thời nhà Đường, Phật giáo đã được chấp nhận rộng rãi và được công nhận là tôn giáo thống trị trên khắp cả nước. Trong một nền văn hóa có nhiều truyền thống triết học và tôn giáo lâu đời, đặc biệt là Đạo giáo và Nho giáo.
Ba hệ thống tín ngưỡng này cùng tồn tại ở những mức độ khác nhau trong triều đại nhà Đường. Nho giáo hướng dẫn lĩnh vực xã hội - quản lý, giáo dục, đời sống gia đình, các mối quan hệ giữa các tầng lớp trong xã hội. Nó cung cấp các hướng dẫn đạo đức để duy trì trật tự xã hội. Đạo giáo đưa ra những ý tưởng thần bí, mang tính khoa học về sức khỏe, hạnh phúc, khả năng sinh sản và tuổi thọ của một người.
Trong bối cảnh Trung Quốc, Phật giáo chủ yếu đề cập đến thế giới bên kia, ảnh hưởng của những hành động tốt và xấu; giải quyết những bất hạnh trong cuộc sống; hướng tới sự giải thoát khỏi đau khổ(9). Phật giáo đã được nhà Đường chấp nhận rộng rãi và được công nhận là tôn giáo thống trị trên khắp cả nước.
Về xã hội
Phật giáo đóng một vai trò đáng kể trong xã hội nhà Đường. Chùa chiền không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lễ hội mà còn là nơi học tập, trau dồi đạo đức, văn hóa của người dân Trung Quốc.
Ở nông thôn, các ngôi chùa Phật giáo thực hiện các chức năng kinh tế quan trọng: vận hành các nhà máy và máy ép dầu; giữ an toàn các vật có giá trị. Một số ngôi chùa đóng vai trò khám chữa bệnh, giáo dục, các ngôi chùa sở hữu một lượng lớn đất đai. Các nhà sư cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ chặt chẽ của họ với những quý tộc giàu có, những người tìm cách trốn thuế bằng cách đăng ký đất đai của họ dưới tên một ngôi chùa(10).
Các lễ kỷ niệm lớn vào thời nhà Đường thường được nhà chùa tổ chức để vinh danh những người cai trị, vào những ngày lễ hội, để tôn vinh những công trình công cộng mới và để bảo vệ đất nước khỏi nạn đói hoặc bị xâm lược(11).
Về văn học
Văn học Phật giáo thời nhà Đường phát triển chưa từng có. Trong văn học Phật giáo thời nhà Đường có một hiện tượng nổi bật đó là sự thịnh hành của thơ Thiền. Thời nhà Đường, các ông Hàn Câu, Lữ Bổn Trung là những người đã đem phương pháp tham Thiền để giảng dạy cho người học làm thơ(12).
Sở dĩ thời nhà Đường là thời kỳ hoàng kim nhất của thơ ca Trung Quốc, được tôn xưng là “Thịnh Đường”, đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hàng trăm tác gia nổi tiếng cùng nhiều tuyệt tác, chính là nhờ cảm thức Thiền trong thơ.
Thời đó, rất nhiều tác gia tên tuổi đã dùng phương pháp tham Thiền để làm thơ hoặc chịu ảnh hưởng Thiền lý trong thơ như: thi Phật Vương Duy, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên, Tô Đông Pha, Tô Triệt, Kiểu Nhiên, Tư Không Đồ,v.v.. rất nhiều tác phẩm lý luận thi ca dựa trên nền tảng lý luận triết học tư tưởng Thiền như: Tuyết của Liễu Tông Nguyên(13), Thương lãng thi thoại của Nghiêm Vũ, Thi thức của Thích Kiểu Nhiên,v.v..
Thiền đã hoá thân thành phương thức sáng tạo và chiếm lĩnh nghệ thuật đã tạo nên một thời huy hoàng vô tiền khoáng hậu với những đặc trưng của thi ca thời nhà Đường(14).
Về nghệ thuật
Nghệ thuật Phật giáo thời nhà Đường cũng phát triển rực rỡ. Nổi tiếng là các hang động ở Đôn Hoàng, hang đá Long Môn, v.v. đã được đục đẽo thêm các bức bích họa Phật giáo. Sự kiện lớn vào thời nhà Đường là xây dựng trong Hang đá Long Môn. Hang đá Long Môn ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc là kiệt tác chạm khắc tiêu biểu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo Trung Quốc thời trung đại.
Hang đá Long Môn với gần 2.800 bia đá, chữ khắc cùng gần 100.000 tượng Phật được chạm khắc tinh xảo, phản ánh xu hướng trỗi dậy và nghệ thuật hang động của Phật giáo thế tục hóa nhà Đường(15).
Hội họa Phật giáo thời nhà Đường dựa trên sự hội nhập sâu hơn vào truyền thống dân tộc đã đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật, đặc biệt là tranh bích họa chưa từng có, chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử hội họa Trung Quốc. Họa sĩ Ngô Đạo Tử đã đưa nghệ thuật hội họa vào cuộc sống, ông chủ yếu tham gia vào việc vẽ các bức tranh Phật giáo trên các tường ở chùa ở kinh đô Lạc Dương, Trường An đạt thành tựu cao về nghệ thuật(16).
Kết luận
Có thể thấy rằng, thời nhà Đường là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc. Dưới thời nhà Đường việc nghiên cứu, học tập giáo lý của Phật giáo được phát triển mạnh mẽ nhờ các nhà sư Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã lên đường sang Ấn Độ để nghiên cứu Phật giáo và đem kinh sách Phật giáo từ Ấn Độ về Trung Quốc dịch sang tiếng Hoa, từ đó giúp người Trung Quốc hiểu biết sâu hơn về Phật giáo.
Phật giáo thời nhà Đường có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực xã hội, văn học và nghệ thuật, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Trung Quốc.
ThS. Nguyễn Đắc Tùng, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á CN. Nguyễn Thị Hiền, Trung tâm Lưu trữ và Thư viện, Học viện Cảnh sát nhân dân Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3/2024 ***
Bình luận (0)