Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở Điện Biên

Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở Điện Biên

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thạc sĩ Chu Thùy Liên – Chi Hội trưởng chi Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, tỉnh Điện Biên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Các dân tộc thiểu số Điện Biên có nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhưng quy lại là tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, coi mọi sự vật, hiện tượng đều có linh hồn.
Cùng với tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, thì những ảnh hưởng của “tam giáo” là Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo khá rõ, các sắc thái ảnh hưởng đã làm nên sự đa dạng, đa thanh, đa sắc màu của văn hóa tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Điện Biên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Phat giao trong doi song tin nguong cua cac dan toc thieu so o Dien Bien 1

1. Đôi nét về địa lý và tín ngưỡng của cư dân ở Điện Biên

1.1. Vị trí địa lý, dân số và thành phần dân tộc

Điện Biên là tỉnh biên giới, thuộc khu vực Tây Bắc của tổ quốc, cách thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây. Phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La. Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu. Phía Tây và Tây Nam giáp các tỉnh Phông Xa Ly và Luangpra Bang của Lào. Phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Điện Biên có đường biên giới dài là 400,86, dân số là 598.856 người (thống kê năm 2019), dân tộc thiểu số là: 494.786 người, chiếm 82.62% dân số toàn tỉnh.
Điện Biên có 19 dân tộc anh em: Người Mông có dân số: 228.279 chiếm sấp sỉ 38 %, tiếp đến người Thái: 213.714 chiếm sấp sỉ 35 %, đứng thứ 3 là người Kinh có dân số: 104.061 chiếm sấp sỉ 17% dân số toàn tỉnh, còn lại là các dân tộc khác đó là các dân tộc: Dao; Khơ Mú; Hà Nhì; Lào; Hoa (Hán); Kháng; Mường; Cống; Xi Mun; Si La; Nùng; Phù Lá; Thổ; Tày; Sán Chay và dân tộc khác.

1.2. Lịch sử hình thành

Ở Điện Biên có qua những di chỉ khảo cổ ở hang Thẩm Khương thuộc bản Pó, Chiềng Sinh; hang Thẩm Púa, khu vực Mường Đăng huyện Tuần Giáo, có niên đại cách nay khoảng 450 triệu năm, thuộc nền văn hoá Hòa Bình, các di vật này được phát hiện và khai quật vào những năm 1972, 1995 và công bố vào các năm 1974, 1976, 1995, 2003, 2008 với tổng gần 300 hiện vật và di chỉ khảo cổ Thẩm Tâu (Mường Chà) có trên 2000 hiện vật theo dự đoán là có hai lớp văn hoá chồng lên nhau.

Lớp thứ nhất thuộc nền văn hoá Hòa Bình, có niên đại cách nay từ 9000 đến 7000 năm, lớp thứ 2 có niên đại khoảng 3500 đến 3000 năm, tương đương giai đoạn tiền Đông Sơn ở khu vực Đồng Bằng sông Hồng(1). Các di vật gồm: đá cuội được ghè đẽo thô sơ, công cụ hạnh nhân, hình đĩa, rìu mài, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, rìu có vai chặt, nạo, mũi nhọn, rìu tay, chày, bàn nghiền, hòn ghè, 4 ngôi mộ táng. Các công cụ bằng xương, vỏ ốc, bi và thổ hoàng, thóc cháy và đặc biệt có tới: 29 trống đồng Hêgơ II, III, VI thuộc thời đại Đông Sơn.

Như vậy có thể chứng minh rằng, từ thời thượng cổ ở Điện Biên đã có người sinh sống.

Trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, vùng đất này thuộc nhiều vùng đất và mang nhiều tên khác nhau: Khi thì Điện Biên thuộc Khương Vực, Nam Chiếu – Đại Lý, lúc thuộc Vân Nam Trung Quốc, lúc thuộc quận Tân Hưng, Châu Lâm Tây, Lộ Đà Giang, trấn Thiên Hưng, châu Gia Hưng, Quy Hóa rồi Lai Châu, Điện Biên thuộc nước Việt Nam xưa và nay.

Tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đổi tên Ninh Biên thành Điện Biên vào năm 1841. Tên Điện Biên hay Điện Biên Phủ có từ ngày đó.

Ngày 28 tháng 6 năm 1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu, (nay là Điện Biên và Lai Châu); Ngày 26 tháng 11 năm 2003 Quốc hội ra nghị quyết chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu). Tỉnh Điện Biên chính thức thành lập ngày 01 tháng 01 năm 2004(2).

2. Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống các dân tộc Điện Biên

Trong quá trình điền dã tôi thấy mức độ tiếp nhận ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống văn hóa các dân tộc có độ đậm nhạt khác nhau, cũng như theo các tông phái, hệ phái Phật giáo khác nhau. Có dân tộc tiếp nhận giáo lý, triết lý đạo Phật nhưng cũng có dân tộc vừa tiếp nhận giáo lý, triết lý Phật giáo vừa thực hành các nghi lễ, nghi quỹ hay tụng các bản Kinh đã được dịch ra tiếng dân tộc và có các phiên bản, dị bản khác nhau.

Nhưng dù theo tông phái nào của Phật giáo thì đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên cũng tâm niệm rằng Phật là đấng cứu nhân, độ thế, luôn mang đến cho con người và muôn loài những điều tốt đẹp. Vì vậy đồng bào cũng quan niệm: Con người sống ở trần gian phải sống tốt vì chết chưa phải là hết, mà chết là về với tổ tiên ông bà, là lên niết bàn lớn, niết bàn nhỏ. Nếu sống tốt được lên cõi trên, sống không tốt, sống ác sẽ phải xuống âm ty, địa phủ, cuộc sống là có nhân, có quả, có luân hồi.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Phat giao trong doi song tin nguong cua cac dan toc thieu so o Dien Bien 4

Chùa Linh Quang, đồi Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên – Ảnh: Văn Thông

2.1. Về tông phái

Trong cộng đồng các dân tộc Điện Biên thì một bộ phận trong nhóm Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Kadai) bao gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Thổ, Lào, Sán Chay, Thái, Lào chịu ảnh hưởng của Phật giáo Thượng toạ bộ. Nhóm Tạng Miến, (ngữ hệ Hán Tạng) là các dân tộc: Mông, Dao, Hà Nhì, Si La, Cống, Phù Lá, Si La của Điện Biên, La Hủ của Lai Châu, Lô Lô ở Hà Giang và một bộ phận người Thái có nguồn gốc là cư dân Khương Vực, Nam Chiếu – Đại Lý xưa lại chịu ảnh hưởng của Phật giáo Kim Cang Thừa, bởi họ một thời đã là con dân nước Nam Chiếu (738- 937) tiếp sau đó là nước Đại Lý (937-1253). Thời kỳ cực thịnh (năm 860), quốc gia Nam Chiếu bao gồm: Vân Nam, Tứ Xuyên, Tây Bắc Việt Nam, Chính Bắc của Lào và Miến Điện. Tôn giáo chính của Nam Chiếu – Đại Lý là Mật tông. Đây là dòng Phật giáo kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, hình thành vào thế kỷ 5, 6 tại Bắc Ấn Độ.[ ] Từ vua quan đến dân chúng ai cũng sùng đạo Phật.

Bên cạnh các dân tộc thiểu số thì một bộ phận đồng bào Kinh đồng bằng Bắc bộ chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa hiển giáo chủ yếu là những người lên Điện Biên cách nay khoảng 1, 2 thế kỷ. Họ là nghĩa quân của cụ Hoàng Công Chất, là gia nhân của ông Hoàng Bình Chính; là nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích. Người lãnh đạo thành Hưng Hoá và là thủ lĩnh lãnh đạo nhận dân Tây Bắc chống Pháp. Theo lời kể ông Cầm Trọng thì khi còn sống, ông được nhân dân các dân tộc Tây Bắc tôn làm “Phật Sống”. Cũng có người mới đến Điện Biên trong thế kỷ 20 trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ và đến trong những giai đoạn sau này.

2.2. Về hình thức thờ tự

Ở vùng đất ngày xưa Điện Biên có chùa, có sư sãi thì đồng bào có đi chùa và con cháu đồng bào được đến chùa học giáo lý và học chữ dân tộc mình. Ở vùng có Miếu thì đồng bào cũng hay đến Miếu cầu an, thể hiện lòng tri ân với Chư Phật, Bồ Tát, các vị thần, thánh, thổ địa và các vị tiền bối hy sinh cho bản mường, đất nước. Ở những vùng không có Chùa, Tháp, Miếu thì hầu hết đồng bào các dân tộc Điện Biên, ngay cả người Kinh xưa kia bàn thờ Phật cũng phối thờ với bàn thờ gia tiên.

2.3. Về nhân vật được thờ

Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thổ Điện Biên, thì đồng bào thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Mẹ Thích Ca, và một nhân vật gọi là Pụt Ngạn, bàn thờ rất đơn giản, trên là hàng cờ đảng, cờ Tổ quốc, dưới là tờ giấy đỏ viết chữ nôm dân tộc, phía trước là bát hương. Đồng bào quan niệm rằng đức Quán Thế Âm có thể giúp trừ tà ma, chữa bệnh; Bàn thờ được đặt cao hơn bàn thờ gia tiên. Lễ vật cúng chay như hoa quả, các thứ bánh không nhân. Đức Thích Ca được gọi là Me Pựt Sích Ca – Mẹ Bụt Thích Ca(4). Người Thái Điện Biên lại không nói rõ thờ vị Phật nào mà chỉ khấn mời chung chung, trong lễ Xên Bản, Xên Mường, phần mời xướng báo các Then trên Mường Trời xuống(5): “Xin mời khóm cây nhỏ hoa sen/Ông Vua to ngồi trên cao chức lớn”… “Mời ông vua ăn hương ăn hoa/Vua thắp đuốc Bu Xá”. “Bu xá” tiếng Thái dịch ra tiếng Việt là “Bụt – Phật”. Mâm “Bu Xá” là mâm chay có: Xôi trộn đường, chộn chua, bát thóc, bát gạo đều cắm hoa, nến sáp ong, đĩa trầu cau, 04 sải vải trắng, 04 sải thắt lưng tơ tằm, vòng, bạc tiền giấy, 25 phễu xôi chia như sau:

– Xâu thứ nhất có 5 phiễu: 3 pễu ngọt, 2 phễu chua
– Xâu thứ 2, có 8 phễu: 04 phiễu chua, 04 phễu ngọt
– Xâu thứ 3 có 12 phễu trong đó có: 6 phễu ngọt, 6 phiễu chua

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Phat giao trong doi song tin nguong cua cac dan toc thieu so o Dien Bien 2

Tháp Mường Luân, Điện Biên – Ảnh: Minh Khang

2.4. Về di sản Tháp Mường Luân và tháp Chiềng Sơ(6)

2.4.1 Tháp Mường Luân

Nguồn gốc và quá trình tồn tại

Tháp Mường Luân và chùa Xá Lị là công trình kiến trúc văn hóa cổ độc đáo, thuộc bản Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điên Biên). Theo các nhà khoa học, công trình này được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XVI (1569-1594, thời Lê).

Nguồn gốc của tòa tháp và ngôi chùa thường được nhân dân trong vùng lưu truyền bằng các huyền thoại. Có huyền thoại cho rằng: vào năm 1569, triều đình Miến Điện (Myanma ngày nay) đem quân tấn công Luông Pha Băng và kinh đô Viêng Chăn của đất nước Ai Lao (Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày nay), một số người dân vùng Thượng Lào đã lánh nạn sang các tỉnh biên giới của nước Đại Việt (Việt Nam ngày nay), trong đó có tỉnh Điện Biên.

Năm 1594, chiến tranh Miến – Lào kết thúc, nhưng một bộ phận người Lào đã định cư lại Điện Biên, trở thành những cồng dân người Việt gốc Lào. Vốn là dân tộc theo đạo Phật từ lâu đời nên khi chạy giặc sang định cư tại Điện Biên, dân tộc Lào đã mang theo văn hóa Phật giáo cùng những phong tục tập quán liên quan đến văn hóa chùa tháp. Cùng với những người dân bản địa, người Lào đã xây dựng lên tháp Mường Luân và ngôi chùa Xá Lị để làm nơi thờ cúng Phật tổ và tổ chức các sinh hoạt cộng đồng vào khoảng những năm 1569-1594 (năm 2113-2138 tính thẹo Phật lịch). Vì vậy có thể nói tháp Mường Luân là chứng nhân ghi dấu ấn sự có mặt của người Lào trên đất Điện Biên, đồng thời cũng là dẫn chứng về tình đoàn kết Việt – Lào, đùm bọc nhau trong cơn binh lửa loạn ly.

Địa điểm tòa tháp và ngôi chùa

Tháp Mường Luân là nơi đựng xá lị của các vị sư. Chùa Mường Luân mang tên Hoa Sen. Lưng dựa vào thế núi cao, mặt hướng về thung sâu, bên cạnh là dòng sông Mã, nước chảy trong vắt, thỉnh thoảng dòng chảy lại tung bọt trắng xóa khi gặp những tảng đá lởm chởm hai bên bờ. Truyền thuyết của các dân tộc bản địa kể rằng khi tìm địa điểm xây dựng tháp, người xưa đã nhận thấy một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền, trong tư thế đầu quay về đất Việt, lưng quay sang nước Lào nên đã chọn khu vực này để xây dựng tháp.

Mặt khác, nhìn phong cảnh tháp ta cũng thấy đó là vùng sơn thủy hữu tình vừa lãng mạn nên thơ vừa uy nghi, phù hợp với vẻ đẹp tôn nghiêm của tín đồ Phật giáo, đồng thời rất thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động Phật giáo: các lễ cầu cúng Phật giáo, tắm tượng Phật…). Mỗi buổi sáng sớm, sương núi vương quanh ngọn tháp. Mặt trời nhô lên cao, cao dần, ánh nắng rực vàng phủ lên cả tòa tháp, muôn ánh hào quang từ những mảnh gương trên đỉnh tháp chiếu rọi không gian xung quanh, loang loáng trên dòng sông Mã, trên những vạt núi đồi xanh thẫm trập trùng, lác đác đây đó những ngôi nhà sàn đơn sơ của người Lào, người Thái nằm rải rác trên lưng núi.

Nguyên vật liệu xây dựng

Để xây dựng tòa tháp và ngôi chùa cổ, người xưa đã sử dụng vật liệu: gạch cổ (gạch đặc, có kích thước lớn), vôi, mật mía,.. Điều này đã làm cho tháp Mường Luân và ngôi chùa trở lên độc đáo, có giá trị thẩm mĩ, đặc biệt là về những giá trị kiến trúc văn hóa cổ.

Đặc điểm tháp Mường Luân

Tháp là một khối trụ có hình bút tháp, mặt cắt hình vuông. Nhìn từ xa ta thấy tháp cao vút lên nền trời xanh với những đường nét sắc sảo, thanh lịch càng tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình. Tháp bao gồm 4 phần cơ bản: bệ tháp, chân tháp, thân tháp và ngọn tháp.

Tháp Mường Luân xưa kia, không có bậc thang lên tháp nhưng ngày nay. Nhà nước đã đầu tư xây dựng các bậc thang từ dưới chân đồi lên đến tháp, tạo điều kiện cho khách tham quan lên tháp được dễ dàng. Bệ tháp (móng), cổ xưa được xây dựng theo kiểu móng đặc, xây bằng gạch, mật mía, mỗi chiều rộng khoảng 8m, chiều cao khoảng 0,6m. Hiện nay tháp đã được trùng tu lại ‘bằng đá xanh (đá hộc) và xi măng. Chân tháp là một khối hình vuông, có góc tròn vững chắc, được xây nối tiếp bệ tháp, theo kiểu giật cấp thu nhỏ dần, có chiều cao khoảng 1,7 m.

Thân tháp cao 15,5m; được chia làm 4 tầng, tại điểm giao nhau giữa các tầng đều đắp nổi các hình họa tiết đê phân biệt (hình con chim đang bay, rồng cuốn, quả trám, cánh sen, lưỡi mác, mặt trời và lắp các gương con…). Càng lên cao tháp càng thu nhỏ về chiều rộng nhưng lại vươn cao hơn về chiều cao. Ngọn tháp có hình búp sen đang vươn cao. Trên gắn những mảnh gương. Khi nắng chiếu vào, ánh sáng lấp loáng cả một vùng.

Đặc điểm của chùa Hoa Sen

Chùa nằm bên phải tòa tháp, có tường gạch xây bao xung quanh ngôi chùa, Chùa được dựng cột gỗ chồng rường, mái lợp ngói đất hình vẩy cá. Trong chùa có 5 pho tượng Phật, pho lớn nhất cao gần lm, toạ ở chính giữa; 4 pho nhỏ ngồi bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, tất cả đều được đúc bằng đồng đen. Tương truyền trong các pho tượng đều có rất nhiều bạc(7). Khoảng những năm 1980, những pho tượng này đã bị đánh cắp.

Kể từ khi xây dựng cho đến nay tính đã hơn 400 năm, mảnh đất Điện Biên nói chung, Mường Luân nói riêng đã trải qua bao thăng trầm, bao phen bị giặc dã xâm lấn. Ngôi chùa và tòa tháp đã chịu sự tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt miền rừng núi, khiến công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi chùa Xá Lị đã bị phá, tượng phật bị lấy cắp, dấu tích của ngôi chùa chỉ còn là cái nền gạch nham nhở và hai mảng tường đổ nát rêu phong… Một vài bộ phận của tháp cùng bị đập phá (Cách đây hơn 2 thế kỷ, khoảng thế kỷ XVIII, khi giặc cờ vàng xâm chiếm Mường Then – Mường Thanh, chúng đã đập vỡ đỉnh tháp và phá một số bộ phận của tháp VỊ chúng tưởng rằng người xưa đã cất giấu báu vật hoặc kim loại quý trong tháp). Đến nay, toàn bộ ngọn tháp nghiêng về phía Đông Bắc, dưới chân tháp nhiều chỗ bị xói lở, làm lộ ra những vết đứt gãy bệ móng.

Nhận thức rõ về di sản văn hóa cổ quý giá này, nhà nước ta đã xếp hạng công nhận tháp cổ Mường Luân là di tích lịch sử. văn hoá cấp quốc gia từ năm 1980. Từ đó đến nay, Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã đầu tư kinh phí để trùng tu lại tòa tháp(8) nhưng chưa đầu tư kinh phí để xây dựng lại ngôi chùa Hoa Sen.

Tháp Mường Luân bây giờ đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Lào và các dân tộc bản địa nữa mà nó còn là điểm du lịch hấp dẫn khách thập phương đến thăm quan, khám phá.

2.4.2. Những truyền thuyết về ngọn tháp

Truyện kể việc tìm địa điểm xây dựng tháp

Trong quá trình tìm địa điểm xây dựng Tháp Mường Luân, người ta đã xem xét nhiều nơi nhưng thấy chưa thật ưng ý. Một đêm, ông thầy cúng trong bản mơ thấy có vị Phật ngồi tọa trước mặt, nhìn lại gần thì đó là trái núi mang hình người. Sáng hôm sau ông dẫn mọi người đến quả núi trước bản tìm kiếm. Đứng từ xa nhìn lại thấy ngọn núi trước mặt có dáng giống như một người đang ngồi thiền theo hướng “hua táng Keo, eo táng Lao” (Đầu quay về phía Việt, lưng quay về phía Lào, ứng với giấc mơ đêm trước). Dưới chân núi là dòng sông Mã nước chảy trong vắt. Hai bên bờ sông là những tảng đá to trôi dạt từ trên đầu nguồn về. Những tảng đá này trông giống như cả đàn voi lớn (hàn sảng) đang phủ phục dưới chân núi. Thấy cảnh vật sơn thủy hữu tình vừa linh thiêng vừa hài hòa như bức tranh thủy mặc, những người Lào đã quyết định xây Tháp Mường Luân và chùa Xá Lị tại địa điểm này.

Truyện kể về sự mất tích của những pho tượng

Người già trong bản Mường Luân 1 kể rằng: Trong chùa Xá Lị có thờ 5 pho tượng Phật được đúc bằng đồng đen nhưng bây giờ các bức tượng đó không còn nữa. Cách đây vài chục năm, do tham lam bạc trắng, bọn trộm cắp cho rằng trong những bức tượng Phật tọa tại chùa Xá Lị chứa đầy vàng bạc nên đã rủ nhau đến khênh trộm tượng Phật. Đêm ấy, khi mọi người đã ngủ say, chúng lẻn đến ngôi chùa và hò nhau khênh tượng ra khỏi chùa. Lạ thay, càng đi xa ngôi chùa, những tượng Phật ngày càng nặng hơn nhưng bọn trộm vẫn cố sức khênh cho đến khi vừa rời khỏi bản thì các tượng Phật tưởng như nặng hằng ngàn tấn, khiến những người khênh không thể nhúc nhích được. Trong bản những con gà trống đã bắt gáy báo hiệu trời sắp sáng, thấy không thể đi thêm được nữa, để tránh bị bại lộ, bọn trộm bàn nhau đẩy tượng xuống sông Mã để phi tang vật chứng. Vài tháng sau, những người ăn trộm tượng (có cả người trung tuổi, người trẻ tuổi) cứ tự nhiên không đau ốm, bệnh tật mà lại lăn đùng ra chết.

2.4.3. Tháp Chiềng Sơ

Nguồn gốc

Tháp Chiềng Sơ nằm ở cuối bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu lịch sử nào khẳng định niên đại xây tòa tháp nhưng qua nghiên cứu về hình dáng và chất liệu xây dựng tòa tháp, một số nhà khoa học đã cho rằng rất có thể tòa tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV-XVI cùng với thời đại xây dựng của tháp Mường Luân và tháp Mường Và, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Điều đặc biệt là những tòa tháp này có kiến trúc không giống với bất kỳ loại kiến trúc tháp cổ nào của Việt Nam. Quá trình điền dã tại tháp Chiềng Sơ, chúng tôi được cụ Lò Văn Khún sinh năm 1930, là người Thái cho biết, khi cụ còn bé khoảng 7 hoặc 8 tuổi (năm 1937) đã thấy tháp Chiềng Sơ ở đó rồi. Cụ được nghe ông bà kể lại tòa tháp này do người Lào di cư sang Việt Nam xây dựng. Theo cụ Khún tháp có tên gọi là “Chiềng Sơ” vì nơi đây xưa kia là trung tâm của mường bản lớn có tạo phía ở và cai quản. “Chiềng” là từ 1 đơn vị hành chính trong xã hội phong kiến xưa (thành Chiềng Lề – thành Bản Phủ, xã Chiềng sơ ở Thuận Châu…). Đơn vị hành chính này tương đương với trung tâm, thị trấn ngày nay; cũng có người giải thích rằng: tháp có tên: “Chiềng Sơ” là do người Kinh đọc chệch từ: “Chiêng Sơ”, theo tiếng địa phương “chiêng” có nghĩa là tết, hằng năm vào những ngày lễ, tết ở đây thường diễn ra các lễ hội, các hoạt động vui chơi tập thể của người dân quanh vùng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Phat giao trong doi song tin nguong cua cac dan toc thieu so o Dien Bien 3

Tháp Chiềng Sơ, Điện Biên – Ảnh: St

Quanh cảnh xung quanh tháp Chiềng Sơ

Tháp Chiềng Sơ được xây dựng trên một quả đồi xinh đẹp, phía bên phải của Tháp là con suối chảy trong vắt quanh năm và cánh đồng của cư dân bản địa; phía xa, sau tháp là bản Co Muông (bản có nhiều cây muỗm). Bên trái của tháp là bản Nà Muông (bản cây muỗm mọc nhiều thành một khoảng rộng).

Từ vị trí của tòa tháp ta thấy, cũng như Tháp Mường Luân, người xưa cũng lựa chọn địa điểm xây dựng tòa tháp là nơi có sơn thủy hữu tình, thuận lợi cho việc thực hiện các sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của cư dân Lào: Lễ tắm tượng Phật hằng năm, rước nước lên tháp, các hoạt động văn nghệ dưới chân tháp và các nghi thức liên hoan cộng đồng.

Đặc điểm hình dạng của Tháp

Nhìn tổng thể từ xa ta thấy Tháp được xây dựng theo hình nậm rượu có đế vuông; dưới to, lên trên thu nhỏ dần. Tháp Chiềng Sơ có chiều cao là 10,5m (phần ngọn tháp bị gẫy cao 1,6m), được chia làm 3 phần: phần chân tháp, thân tháp và ngọn tháp. Nguyên vật liệu xây dựng tháp chủ yếu là vôi, vữa mật và gạch cổ. Trong đó gạch loại to (gạch vồ) để xây chân tháp, gạch nhỏ (gạch chỉ) để xây thân tháp và ngọn tháp.

Chân tháp xây đặc, hình vuông vững chãi cao 2,2m, giật cấp dưới to, lên trên nhỏ dần và được chia thành 5 bậc. Bậc thứ 5 của chân tháp xây theo hình vuông, góc tròn, nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt, khoảng cách giữa bậc thứ 4 và bậc thứ 5 có một đường chỉ thắt nhưng tạo thành một đường gờ nổi. Toàn bộ phần chân tháp không trang trí hoa văn, bên ngoài lớp gạch xây chân tháp còn được chát một lớp áo bằng vôi, cát và mật.

Thân tháp xây hình ống dạng lục lăng, ở giữa có trang trí các hình hoa văn hình tròn, nối tiếp và các đường gờ nổi chạy vòng quanh chia thân tháp ra thành hai phần: Phần dưới của thân tháp hình tròn, xung quanh trang trí hoa văn hình cánh sen cách điệu. Tất cả hoa văn đắp nổi, bố trí hài hòa xung quanh thân của tháp. Trong đó, nổi bật nhất đó là hình con rồng gồm 5 cặp được đắp nổi uốn mình, đầu và đuôi rồng chụm vào nhau. Theo các nhà nghiên cứu cho biết những con rồng này nhỏ như những con rắn mà văn hóa ấn Độ giáo vẫn tôn thờ. Nó mang trên mình lớp vẩy đặc trưng, không giống với bất cứ phong cách thể hiện rồng ở các thời kỳ nào của lịch sử Việt Nam. Có thể nói cả tòa tháp với đường nét kiến trúc mềm mại, hài hòa đến từng chi tiết nhỏ đã tạo cho người xem có sự cuốn hút đến lạ kỳ.

Phần trên của thân tháp được trang trí bằng 3 lớp hoa văn và các đường tiếp tuyến chạy vòng quanh thân tháp: 2 lớp phía dưới là các hình cánh hoa sen đang nở hướng lượn xuống dưới; lớp trên là các hoa văn hình ngọn lửa, mặt trời và các hình hoa lá,… bên trong những hoa văn này có gắn các mảnh gương nhỏ, khi mặt trời lên các mảnh gương phản chiếu tia nắng mặt trời tỏa ánh hào quang ra xung quanh.

Ngọn tháp xây phẳng dạng hình ống lục lăng, phần chính giữ của ngọn tháp xây phình to ra lên trên thắt lại tạo hình cổ chai, trên miệng loe được trang trí như phần trên của thân tháp. Hiện nay do thời gian cùng khí hậu nên những phần trang trí đã bị gãy (Phần này đã bị gẫy nằm cách chân tháp 2m, ngoài nguyên nhân do khí hậu, thời gian thì còn do con người tưởng có vàng, ngọc quý cất giấu nên đã phá ngọn tháp để tìm kiếm).

Ang thờ trước tháp và hệ thống tượng

Mặt trước phía bên phải của tháp xây một ang thờ hình chữ nhật cao khoảng 0,8m, cạnh khoảng 0,6 x 0,5m. Phần giữa ang thắt nhỏ, trang trí hoa văn 8 cánh, 4 cạnh của ang thờ còn trang trí 4 tượng vũ nữ (như kiểu tượng vũ nữ Asara). Hiện nay 3 bức tượng đã bị mất cắp, chỉ còn lại 1 bức. Các hoa văn xung quanh ang thờ đều được đắp nổi xen kẽ những đường chỉ tạo gờ chạy vòng quanh. Mặt ang được xây phẳng, xung quanh có gờ cao, đây là nơi xưa kia khi thực hiện các lễ cúng, người dân vẫn thường đặt hoa quả, lễ vật và bát hương lên mặt ang để làm lễ.

Xung quanh chân tháp ở 4 góc có đặt 2 con voi ở phía trước mặt tháp và ở phía sau tháp đặt 2 con chó, tất cả các con vật trên đều được bố trí đầu quay về phía trước của tháp. Trải qua thời gian tượng những con vật này không còn nguyên vẹn, có những con đã bị sứt tai, vòi…

Ngôi chùa

Theo người dân ở bản Nà Muông kể lại, xưa kia bên cạnh tòa tháp còn có một ngôi chùa thờ Phật, có các nhà sư trông coi. Trong chùa có rất nhiều pho tượng bằng đất nung và một pho tượng to bằng đồng tọa ở gian chính. Hiện nay, bức tượng đồng đã bị lấy trộm, các bức tượng bằng đất nung bị kẻ trộm đập vỡ, vì chúng nghi trong những bức tượng này có cất giấu vàng, bạc. Ngôi chùa cũng bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích là những hằng chân móng.

Ngôi chùa và tòa tháp Chiềng Sơ xưa kia là nơi linh thiêng, nơi gửi gắm những nhu cầu về mặt tâm linh của tộc người Lào. Hiện nay, tuy ngôi chùa đã bị phá, những tín ngưỡng về Phật giáo trong tộc người này cũng đã và đang bị mai một, bị địa phương hóa nhưng hằng năm cứ vào đầu xuân từ mùng 1 đến mùng 3 Tết (Âm lịch) bà con người Lào trong các bản lân cận không kể già trẻ, trai gái vẫn cùng nhau tập trung ở đây để dâng lễ vật cầu xin thần linh phù hộ cho nhân an vật thịnh, bản làng được đầm ấm, yên vui và nhiệt tình tham gia vào các trò chơi dân gian của dân tộc như: ném còn, đẩy gậy, đu quay, múa sạp, múa xòe… hay biểu diễn các tiết mục văn nghệ như hát dân ca, múa lăm vông, lăm tơi.

Tháp Chiềng Sơ là một công trình kiến trúc có giá trị rất lớn về mặt lịch sử văn hóa, là một di sản văn hóa vật thể của các dân tộc ở Chiềng Sơ nói riêng, các dân tộc Việt Nam nói chung. Vài chục năm trở về đây, do thời tiết khí hậu, đặc biệt là do sự vô ý thức của con người, tòa tháp đã và đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng: Ngọn tháp bị gãy, bệ móng của tháp bị người dân đào bới lung tung để tìm cổ vật, các tượng thờ phần bị lấy cắp, phần bị đập vỡ… Hiện nay tòa tháp đã được công nhận là di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia(9) và đã được đầu tư kinh phí để trùng tu.

Thạc sĩ Chu Thùy Liên – Chi Hội trưởng chi Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, tỉnh Điện Biên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2022

Còn nữa…

CHÚ THÍCH:
(1) https://dantocmiennui.vn/phat-hien-4-di-tich-mo-tang-va-hon-2000-tieu-ban-tai-hang-tham-tau/318178.html
(2) “Lịch sử hình thành tỉnh Điện Biên”. Đài phát thanh ― truyền hình Điện Biên.
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Kim-cương-thừa
(4) Ghi theo lừi kể của bà Sầm Thị Tân, cán bộ nghỉ hưu, phường Him Lam, TP. Điện Biên phủ
(5) Lễ Xên Mường của người Thái Đen ở Mường Then, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tác giả Lương THị Đại, trang 39-40
(6) Theo tư liệu về tháp Mường Luân và tháp Chiềng Sơ của Bà Trần Thị Phượng, Phó Phòng Di Sản, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.
(7) Ông Nguyễn Trung Sỹ – Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – cho biết: Khoảng năm 1971-1975, ông Sỹ * lúc ấy là cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Điện Biên – đã vài lần đến khảo sát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cho tháp Mường Luân. Tự tay ông tắm cho các pho tượng và phát hiện “bên trong mỗi pho tượng có hằng vốc tiền bạc ữắng, nhân dân trong vùng không ai dám lấy vì cho đó là đồ thờ tự linh thiêng”.
(8) Ngày 9-2-1980, Bộ Văn hóa thông tin có Quyết định số 10/QĐ-VH-TT, xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp I cho tháp Mường Luân; 24 năm sau, ngày 27-10-2004, đoàn cán bộ của Sờ Văn hóa thông tin Điện Biên do Phó Giám đốc Lương Phượng Các dẫn đầu, đã tới khảo sát để lập dự án trùng tu di tích tháp Mường Luân; Đến tháng 9-2005, dự án đã được phê duyệt với kinh phí 300 triệu đồng, từ nguồn vốn chống xuống cấp của Bộ Văn hóa thông tin. Trong “Năm du lịch Điện Biên 2004”, tháp Muờng Luân được ban tổ chức xác định là một trong số những “điểm đến” của du khách.
(9) Theo Quyết định số 1255/20ll/QĐ-BVH-TT&DL, ngày 14/4/2011 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tháp Chiềng Sơ thuộc loại “Di tích kiến trúc nghệ thuật”.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường