Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng các dân tộc thiểu số ở Điện Biên

Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng các dân tộc thiểu số ở Điện Biên

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở Điện Biên

Kỳ II (tiếp theo và hết)

Chu Thuỳ Liên
Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, tỉnh Điện Biên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Giao Trong Doi Song Tin Nguong Cua Cac Dan Toc Thieu So O Dien Bien 1

3. Dấu tích các ngôi chùa, tháp, miếu ở Điện Biên:

Hiện nay, ở khu vực Mường Luân có Tháp Mường Luân, cạnh đó còn nền chùa, theo lời các vị cao niên thì năm 1965, chùa đã bị bom Mỹ san phẳng.

Ở Chiềng Sơ có Tháp Chiềng Sơ nhưng nền chùa không còn.

Ở xã Noong Luống trên núi Chom Chảnh còn nền Chùa mang tên Vạt Bua Hôm tương truyền xây từ thời Chúa Lự (khoảng thế kỷ 9 -10).

Ở Mường Nhà có vết tích một ngôi chùa, một doanh nhân Điện Biên trong quá trình khai thác đá, đã đào được một bức tượng Phật. Ông ta mang về nhà thờ.

Hiện tại bảo tàng các dân tộc Điện Biên lưu giữ một số tượng Phật, tương truyền là xưa kia có người lấy trộm tượng mang về. Gia đình xảy ra điều không hay, đến khi tỉnh có chủ trương sưu tầm hiện vật, các gia đình mang đến tặng lại bảo tàng tỉnh.

Ở Mường Nhé xưa có một miếu thờ khá to mang tên: Tá Miếu, trong Miếu có đầy đủ đại diện tín ngưỡng phật giáo, nho giáo và đạo giáo. Miếu thờ Phật, Thánh, Thần và các vị có công với bản làng với đất nước.

Tá Miếu là nơi thờ tự, cầu may của đồng bào 10 dân tộc huyện Mường Nhé, nhân dân các dân tộc ở khu vực 3 nước Việt- Trung- Lào. Trước năm 50 của thế kỷ trước, theo thông lệ nhân dân khu vực biên giới chia nhau, mỗi năm một nước đứng ra làm chủ lễ. Nếu năm nay, Thoàn Tràng (trưởng vùng) Việt Nam đứng chủ lễ, năm sau đến Thoàn Tràng Lào, năm sau nữa đến Thoàn Tràng Trung Quốc. Buổi lễ 3 nước tổ chức chung nhau lần cuối cung là năm 1949(1).

Như vậy ở Điện Biên đã từng có Chùa, có Tháp, có Miếu và có cả sư sãi. Người Mông Điện Biên gọi Bụt hay Phật là Giở Sâu- Pò Sâu (Ông Sâu- bà Sâu), người Mông quan niệm Giở Sâu- Pò Sâu có thể biết mọi việc xấu tốt, đồng thời Giở Sâu- Pò Sâu cũng giúp họ vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống. Vì vậy, người Mông cũng hay hỏi Giở Sâu- Pò Sâu mọi vấn đề trong cuộc sống, ông Mo người Mông gọi là (Txir Sur – Chí Sú) sẽ thay mặt các gia đình hỏi các vấn đề có liên quan và làm lễ cho gia đình.

Theo lời ông Lầu A Vừ, sinh sống ở bản Sa Dung, Điện Biên Đông thì xưa kia, ông Mo căn cứ vào chỉ dẫn của Giở Sâu- Pò Sâu mà thực hiện nghi lễ được dân gian hóa theo phong tục của người Mông.

Hiện nay, trong cộng đồng người Mông ở Điện Biên có một số vị mo rất được kính trọng đó là: Ông Lầu Nỏ Sa, ông Mùa A Tú. Ông Lý A Lệnh, bà Ly Thị Sáy….là những Thầy Mo, Thầy Bùa rất có lòng với đồng bào. Họ được cộng đồng người Mông Điện Biên và nhân dân quanh vùng, không cùng dân tộc cũng rất kính trọng, vì họ là người truyền dạy nhiều câu bùa, lấy thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Giao Trong Doi Song Tin Nguong Cua Cac Dan Toc Thieu So O Dien Bien 3

Bà Ly Thị Sáy 78 tuổi

4. Ghi lại một vài câu chuyện dân gian:

Truyền thuyết về Vạt Bua Hốm Trong người Lào Noong Luống “… Không biết năm nào, tháng nào vào một đêm sau lễ Căm bản, Căm mướng, thủ lĩnh người Lào vùng này nằm mơ thấy có một bông hoa sen ngàn cánh màu trắng, to lớn, lơ lửng trên đỉnh núi Chom Chảnh, bên cạnh nhiều hoa sen nhỏ hơn, rất nhiều màu sắc, tỏa ra muôn ánh hào quang. Trên mỗi hoa sen tùy loại to bé, thủ lĩnh người Lào nhìn thấy các đức Phật, Bồ Tát, ai cũng có trang phục rất đẹp. Hương hoa sen tỏa thơm ngát. Tỉnh dậy, ông vẫn còn cảm giác đâu đó trong ngôi nhà sàn lâu năm bóng nước của mình vẫn phảng phất mùi hoa sen.

Nhưng kỳ lạ hơn, khi sáng ngủ dậy ông thấy một hồ sen rộng ngút mắt với những bông sen đủ màu xanh, tím, đỏ, trắng vươn lên trên mặt nước trong xanh, cách chân núi Chom Chảnh không xa. Điều kỳ lạ đó, ông đã kể lại cho các bô lão nghe. Các vị bô lão và thủ lính người Lào cùng nhau đến hồ sen đó, thưởng thức mùi thơm tinh khiết của hoa sen.

Rồi dân khắp bản mường đều đến xem ao sen đó. Câu chuyện về giấc mơ của thủ lĩnh người Lào và sự hiện hữu của ao sen ấy truyền đi xa mãi. Nhân dân khắp nơi về tụ hội khu vực này, ngày càng đông.

Cho là điềm lành, thủ lĩnh người Lào bàn với các vị bô lão và nhân dân xây Chùa để ghi nhớ sự kiện này..”

“…Sau một thời gian, với rất nhiều công sức của mọi người. Ngôi Chùa thành hình. Bên cạnh Chùa đó xưa còn có một cái Tháp rất cao, trên tháp còn có chỗ để quan sát. Từ trên Tháp có thể nhìn tới tận Tây trang, và nhìn được khắp cả lòng chảo Điện Biên. Khi Chùa xây xong, thủ lĩnh người Lào tập hợp các vị bô lão và đại diện các gia đình đề nghị đặt tên cho Chùa, mỗi người đặt cho chùa một cái tên, nhiều tên quá nên sau này những ngôi chùa này có nhiều tên gọi khác nhau là vì vậy…”.

Dưới chân núi Chom Chảnh, cho đến nay vẫn còn một ao sen, nhưng không còn hoa sen xanh mà chỉ còn hai loại sen màu Trắng và màu Hồng. Vào mùa hoa sen, nhiều đôi trai gái trước lúc cưới đã đến đây vừa chụp ảnh lưu niệm, vừa thầm cầu chúc cho cuộc sống của vợ chồng mình sau này có nhiều may mắn bởi ao sen này đã xuất hiện từ xa xưa, từ truyền thuyết gắn với ngôi Chùa Thiêng.

Noong Luống đã chứng kiến bao biến thiên của nhiều thời đại. Thiên tai, địch họa đi qua, sen lại điềm nhiên nở và lặng lẽ dâng cho vùng quê này sắc hương. Vì vậy con người cũng phải sống tốt, sống thiện. Người làm ít việc thiện thì lên Liên Pan Nọi- Bàn hoa sen nhỏ, người làm nhiều việc tốt, lo cho nhiều người sẽ được lên Liên Pan Luông – Bàn hoa sen lớn. Như những vị Phật, Bồ Tát xưa đã xuất hiện trong giấc mơ thủ lĩnh người Lào thủa nào.

Truyền thuyết Chùa Mẹ thử con

Ngôi chùa được xây dựng vào khoảng trước năm 1666, do ông Pha Xay người Lào xây dựng. Ông là một hoàng tử được vua Lào giao cai quản vùng đất ở dọc sông Nậm Núa. Chùa Pa Thơm có hai tên: một tên theo tiếng Lào gọi là “Vạt Thẳm Phả Chảu hay Chùa Hang của ông Phả Chảu”. Ông Pha Xay xây ngôi Chùa này để các con cháu có tội lỗi gì với cha mẹ thì đến đó sám hối tạ lỗi suốt đời với người cha, mẹ đẻ của mình. Chùa này còn có một tên nữa của theo truyền thuyết của người Lào là Chùa Mẹ thử con. Đây là một câu chuyện hay, mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc với nhiều dị bản khác nhau để nói về tình cảm của mẹ – con và triết lý nhân sinh trong đạo hiếu, giáo dục con cái.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Giao Trong Doi Song Tin Nguong Cua Cac Dan Toc Thieu So O Dien Bien 2

Vết tích Chùa Lá hay Chùa Mẹ thử con

Đồng bào các dân tộc khi đến chùa Mẹ thử con thường khấn nội dung: “Trước các vị Phật, Bồ tát, các vị Thiên Long, các vị thổ thần bà sẽ không đi bước nữa mà ở vậy nuôi hai người con khôn lớn. Mong Trời Phật phù hộ cho các con mạnh khoẻ, ngoan ngoãn”.

Trong quá trình đi điền dã chúng tôi còn ghi chép được các sự tích như Sự tích Khấu tốm khuốt khêm (bánh gù mặn), hoặc sự tích vì sao có tục gói bánh chưng; nguồn gốc Tết té nước (BUN PI MẠY) của người Lào vv… đều gắn với các câu chuyện tín ngưỡng có liên quan đến đời sống tâm linh – tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc, kỳ lạ thay rất nhiều trong số đó là những hình thức tín ngưỡng Phật giáo.

Mỗi dân tộc ở Điện Biên có sự khác nhau, có những nét riêng biệt về văn hóa truyền thống như: tiếng nói, phong tục tập quán, khác nhau về trang phục, lễ hội…đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.

Rất thú vị khi bức tranh đa sắc màu ấy lại có một gam màu chung đó là cùng theo thuyết “Vạn vật hữu linh” thì những ảnh hưởng sâu đậm nhất trở thành lẽ sống của các dân tộc Điện Biên đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật trong mọi khía cạnh đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Điện Biên. Nếu không có khảo cứu công phu, đối chiếu và so sánh thì thoạt nhìn thoáng qua, sẽ không dễ gì nhận ra.

Chu Thuỳ Liên
Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ Dân Gian Việt Nam, tỉnh Điện Biên
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

CHÚ THÍCH:
(1) Ghi theo lời kể của ông Vù Go Xá, bản Đoàn Kết, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường