Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Phật giáo thời Trần và Huyền Trân công chúa

Phật giáo thời Trần và Huyền Trân công chúa

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nguyễn Quang Khải
Nguyên PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tóm tắt: Huyền Trân công chúa chịu ảnh hưởng của môi trường Phật giáo thời Trần. Xét về phương diện xã hội, những ảnh hưởng đó mang tính tích cực để bà thực hiện đời sống tu hành.
Từ khoá: phật tính, công chúa, thời Trần, Huyền Trân công chúa, đức tính, tu hành.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Huyen Tran Cong Chua 1

1. Phật tính trong con người Huyền Trân chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội và môi trường Phật giáo thời Trần

1.1. Phật tính là gì

“Phật tính” là thuật ngữ Phật học, từ lâu được sử dụng tương đối phổ biến trong giới tăng sĩ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản. Phật tính được “Phật học đại từ điển” định nghĩa:

“Phật giả, giác ngộ dã. Nhất thiết chúng sinh giai hữu giác ngộ chi tính, danh vi phật tính”(1) (“Phật, đó là sự giác ngộ. Tất cả chúng sinh đều có tính giác ngộ, gọi là phật tính”).

Từ định nghĩa phật tính, chúng ta có thể hiểu, phật tính là tính giác ngộ của con người. Là con người, ở mức độ khác nhau, ai cũng có tính giác ngộ. Tuy nhiên, ở mỗi hoàn cảnh sống, năng lực nhận thức, phẩm chất trí tuệ khác nhau, tính giác ngộ cũng khác nhau. Tính giác ngộ khác nhau đó, hình thành nên sự khác nhau trong cách ứng xử của mỗi người với các mối quan hệ xã hội. Xuất phát từ quan niệm như vậy, khi tìm hiểu về công chúa Huyền Trân, chúng tôi muốn tìm hiểu từ phương diện phật tính của bà.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Huyen Tran Cong Chua 2

1.2. Phật tính của công chúa Huyền Trân chịu sự tác động của môi trường xã hội thời Trần

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), tập II, tháng 2 năm 1287, “Nhà Nguyên phát quân ba hành sảnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng; quân Mông Cổ, quân Hán Nam cùng quân Vân Nam và quân người Lê ở 4 châu ngoài biển (tức là các châu: Nhai, Quỳnh, Đạm, Vạn trên đảo Hải Nam- chú số 104, tr. 206) chia đường vào cướp. Sai bọn Vạn hộ Trương Văn Hổ chở 70 hộc lương do đường biển đi theo. Lại đặt Chinh Giao Chỉ hành Thượng Thư sảnh, cho Áo Lỗ Xích làm Bình Chương sự, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm Tham tri Chính sự”(2).

Cuộc xâm lược này đến tháng 3 năm 1288, bị quân dân Đại Việt đánh bại. Ô Mã Nhi bị bắt, Thoát Hoan thì trốn được về nước.

Sau chiến thắng có ý nghĩa lịch sử đó, triều đình bắt tay ngay vào việc phục hồi kinh tế, ổn định đời sống thần dân. Sách ĐVSKTT, tập II chép:

“Mùa hạ tháng 4 năm Mậu Tý (1288), thượng hoàng ngự ở lang Thị vệ (vì cung điện bấy giờ đã bị giặc đốt hết), đại xá cho thiên hạ. Phàm nơi nào từng bị binh lửa cướp phá thì tha tô ruộng và tạp dịch toàn phần, các chỗ khác thì giảm bớt hoặc miễn theo thứ bậc khác nhau” (sđd, tr. 62).

Đối với những người có công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần này, họ đều được phong thưởng tương xứng với công trạng của họ: Hưng Đạo vương được phong Đại vương, Khắc Chung được ban quốc tính và được cho làm Đại Hành khiển, Nguyễn Khoái được phong liệt hầu, được ban thực ấp, gọi là Khoái lộ, nay là huyện Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên. (sđd, tr. 64-65).

Đối với những người đầu hàng giặc, triều đình cũng phân loại rất rõ. Về việc này, sách ĐVSKTT cho chúng ta biết cách đối xử với mỗi loại đối tượng là rất công minh:

“Trước kia, quân Nguyên sang lấn, các vương hầu quan liêu, nhiều người đến hàng ở dinh giặc. Đến khi giặc thua, bắt được một hòm sớ biểu của những người hàng giặc, thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Duy có kẻ nào trước đây đã đầu hàng giặc rồi thì tuy bản thân ở triều đình của giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội lưu đầy tử, điền sản tịch thu làm của nhà nước, bỏ quốc tính”. (sđd, tr. 65).

Trong việc chống tham nhũng dưới triều Trần, sách ĐVSKTT chép:

“Cho Phí Mạnh làm An Phủ sứ Diễn Châu. Mạnh ở chức chưa được bao lâu, có tiếng đồn là tham ô, vua gọi về đánh trượng, rồi lại cho về trị sở, lại được tiếng là công bình liêm chính. Người Diễn Châu có câu rằng: “Diễn Châu An phủ thanh như thuỷ” (sđd, tr.68).

Có thể nói, môi trường xã hội trên đây có ảnh hưởng không nhỏ đến Phật tính của Huyền Trân công chúa. Đó là sự giác ngộ về vị thế của mình trong xã hội.

1.3. Phật tính của công chúa Huyền Trân chịu sự tác động của môi trường Phật giáo thời Trần

Phật giáo thời Trần là sự tiếp tục truyền thống truyền đăng của các Thiền phái: Vô Ngôn Thông, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Thảo Đường, đồng thời hình thành một dòng thiền mới, đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Vào thời Trần, mặc dù Nho giáo được đề cao, có tiếng nói quan trọng trong xã hội, nhưng về mặt văn hóa tâm linh, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn trong giới quí tộc, quan lại và trong xã hội.

Dưới triều Trần, nhiều vị vua, nhiều vị hoàng thân, quốc thích, nhiều quan lại, trí thức cao cấp đã xuất gia tu Phật. Họ là những người am hiểu kinh điển, giáo lý nhà Phật đến độ sâu sắc. Tiêu biểu là các vị: Trần Thánh Tông, Trần Nhân tông, Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung, Lý Đạo Tái,… Nền tảng tri thức để các vị thiền sư, cư sĩ này đi sâu vào đạo Phật là họ có trình độ Nho học thực sự uyên bác.

Tìm hiểu một số thư tịch cổ và khảo sát thực tế, chúng ta biết được rằng cơ sở thờ tự Phật giáo thời Trần vẫn có quy mô rất rộng lớn; nhiều hoàng hậu, phi tần, vương công quý tộc công đức ruộng, tiền vào chùa với số lượng lớn; số lượng người ở chùa rất đông. Cũng như thời Lý, sức mạnh kinh tế và sức mạnh tinh thần của nhà chùa thời Trần là rất mạnh.

Kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo thời Trần có bước phát triển so với thời Lý. Chùa Dâu (Thanh Khương, Thuận Thành) được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sửa chữa, mở rộng và xây thêm nhiều hạng mục công trình vào thời Trần Anh Tông (1293- 1314), chùa Thái Lạc ở Văn Lâm, Hưng Yên (trước năm 1947 thuộc tỉnh Bắc Ninh), chùa Non Nước ở Ninh Bình,… là những ngôi chùa lớn cũng được sửa chữa và mở rộng quy mô.

Về đội ngũ tăng sĩ, mặc dù thời Trần không có nhiều tăng sĩ nổi tiếng như thời Tiền Lê và thời Lý, nhưng lại có đặc điểm mà các thời đại trước không có.

Đặc điểm lớn nhất của Phật giáo thời Trần là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một thiền phái mới được hình thành mang bản sắc văn hóa Việt, đó là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh) được hình thành năm 1299 do vua Trần Nhân Tông đứng đầu. Điểm đặc biệt là trong số các vị cao tăng của Phật giáo thời Trần có nhiều vị là tác gia lớn, trước tác nhiều bộ sách. Tiêu biểu là vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang,… Vua Trần Thái Tông có đến 5 tác phẩm(3). Còn Huyền Quang, qua tác phẩn Ngọc tiên tập, chúng ta thấy ông là một nhà thơ trữ tình có cảm quan nghệ thuật tinh tế trước cảnh sắc thiên nhiên.

Một điểm đặc biệt nữa là, Phật giáo thời Trần có sự đan xen rất nhuần nhuyễn với Nho và Lão.

Tình hình Phật giáo ở thời Trần trên đây chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến Phật tính của Huyền Trân công chúa.

2. Tính tích cực của Phật tính trong con người Huyền Trân- xét về phương diện xã hội

2.1. Biểu hiện Phật tính trong con người Huyền Trân công chúa là đã giác ngộ được trách nhiệm làm con, làm dân của một vương triều, làm mọi việc có thể để đền ơn đấng sinh thành và sự yên ổn của vương triều.

Theo sách “Chùa Hổ Sơn, đền Huyền Trân xưa và nay” của chùa Hổ Sơn- đền Huyền Trân (sách không ghi năm xuất bản và nhà xuất bản) cho chúng ta biết: “Ni sư Hương Tràng tên thật là Trần Huyền Trân, sinh năm 1287, con gái út của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Khâm Từ” (tr. 38).

Theo ĐVSKTT, “Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân” (sđd, tr.92). Như vậy, tính ra năm đó, Huyền Trân đã 19 tuổi (nếu tính theo cách của người xưa là 20 tuổi). Ở tuổi ấy, con gái mới đi lấy chống, người xưa đã cho là muộn. Chưa thấy có tài liệu nào nói về lý do muộn chồng của công chúa Huyền Trân, nhưng có lẽ là do bà muốn chọn người tài đức hơn người cho xứng với ngôi vị và nhan sắc của mình. Thế rồi, bỗng bà được vua cha gả cho vua nước làng giềng. Về việc này, sách ĐVSKTT chép:

“Mùa Hạ tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), gả công chúa Huyền Trânchovuanước Chiêm Thành là Chế Mân. Trước đây, thượng hoàng đi chơi các địa phương, sang nước Chiêm Thành đã trót hứa gả con gái cho. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn điển vua nhà Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm lời thơ bằng quốc ngữ để chê cười” (sđd, tr. 92).

Xem xét lại việc này, chúng tôi thấy, việc gả công chúa Huyền Trân không đơn giản chỉ là giữ lời hứa của hai quốc vương với nhau, mà có lẽ quan trọng hơn là vua Trần nhân việc này để mở mang bờ cõi. Về việc này, sách ĐVSKTT chép:

“Tháng Giêng, mùa xuân năm Đinh Mùi (1307), đổi hai châu Ô, Lý làm châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân. Trước, vua Chiêm Thành là Chế Mân đem đất hai châu ấy làm lễ vật dẫn cưới. Người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý của triều đình, chọn người trong bọn chúng bổ cho làm quan, lại cấp cho ruộng đất, tha tô thuế cho 3 năm để vỗ về” (sđd, tr. 93).

Xét về tâm lý một vị công chúa cành vàng lá ngọc như Huyền Trân, chắc chắn, đây không phải là cuộc hôn nhân mà nàng mong muốn. Nhưng nàng cũng không phản đối, có lẽ, một là, giữ đạo làm con, hai là xuất phát từ quyền lợi đất nước, quyền lợi của vương triều mà phải thuận theo. Đây là sự giác ngộ về nghĩa vụ thần dân, muốn đem thân mình để đền ơn bậc sinh thành và báo đền xã tắc.

2.2. Biểu hiện Phật tính trong con người Huyền Trân công chúa là nêu cao tấm gương không quản gian khó trên bước đường tu tập của một ni sư

Ở tuổi 19 mới lấy chồng, nhưng 11 tháng sau, Huyền Trân đã thành người đàn bà goá. Sách ĐVSKTT chép:

“Mùa hạ, tháng 5 năm Đinh Mùi (1307), vua Chiêm Thành là Chế Mân chết” (sđd, tr.93). Có lẽ vì thương con gái còn quá trẻ đã goá chồng và có thể sẽ bị lên đài thiêu để được chết theo chồng (theo tục Chiêm Thành), nên mùa đông, tháng 10 năm đó (1307), nhà vua sai Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả Bộc xạ Trần Khắc Chung và An Phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử là Đa Da về nước với cớ “Nếu công chúa hoả táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng hãy ra bờ biển làm lễ chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào đàn thiêu. Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đón lấy công chúa, đem về, rồi tư thông với công chúa, loanh quanh mãi ở đường biển, lâu ngày mới về đến kinh sư” (sđd, tr. 94).

Đoàn quân của Trần Khắc Chung đi Chiêm Thành đón Huyền Trân đến tận tháng 8 năm 1308 mới về đến Thăng Long. Như vậy, họ đã lênh đênh trên biển những 10 tháng (từ tháng 10 năm trước đến tháng 8 năm sau). Căn cứ vào truyền thống sinh hoạt tình dục rất thoải mái của giới quý tộc thời Trần, câu chuyện tình ái giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân trong những ngày đó mà sử cũ đã chép, không thể không xảy ra.

Sách “Chùa Hổ Sơn-đền Huyền Trân”, ghi: sau khi về nước bằng đường biển “công chúa lên núi Yên Tử gặp vua cha là Trần Nhân Tông. Ngài chỉ dạy con về núi Hổ Sơn tu hành, xưa có tổ mẫu đã từng tu. Công chúa đã xuống tóc với quốc sư Bảo Phác ở núi Trâu Sơn (nay thuộc huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh) và được đặt pháp danh là Hương Tràng. Sau ba tháng, Hương Tràng trở về núi Hổ (Nộn Sơn) vào tháng 9 năm 1309” (sđd, tr. 2-3).

Sách trên không có tác giả, không dẫn nguồn, nên khó kiểm chứng độ tin cậy. Nhưng nếu đây là những ghi chép căn cứ vào các thư tịch cổ thì chúng ta biết được: Huyền Trân về tu ở chùa Trâu Sơn vào tháng 6 năm 1309, tức là 10 tháng sau khi bước chân lên đất liền. Trong thời gian 10 tháng đó, chắc chắn Huyền Chân đã ngộ ra nhiều điều về cuộc sống trần thế nên đã quyết định xuất gia đi tu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Huyen Tran Cong Chua 3

2.3. Phật tính của Huyền Trân công chúa còn để lại dấu ấn ở nơi bà đã tu hành

Theo “Chùa Hổ Sơn-đền Huyền Trân”, nhà sư Hương Tràng viên tịch ngày 9 tháng Giêng (Âl) năm 1340, hưởng dương 53 tuổi, 31 tuổi đạo. Trong thời gian ở chùa Hổ Sơn, nhà sư Hương Tràng đã hướng dẫn cho dân địa phương việc khẩn hoang, cày cấy, trồng dâu chăn tằm, tìm cây chế thuốc chữ bệnh cho dân; dạy dân thực hành phép tu thập thiện(4).

Phật tính của Huyền Trân công chúa còn được các triều đại sau này ghi nhận, như triều Lê, triều Tây Sơn, triều Nguyễn. Rất tiếc các thư tịch cổ và các đạo sắc phong từ đầu đời Nguyễn trở về trước không còn. Hiện tại, chúng ta chỉ thấy ở đây còn một số đạo sắc phong đời vua Khải Định ban tặng cho bà. Đó là các đạo sắc hiện còn được lưu giữ tại đền Huyền Trân:

Đạo sắc đề ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917):

“Sắc cho xã Hổ Sơn huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định phụng thờ linh thần công chúa Huyền Trân cùng linh thần công chúa Thuỵ Bảo triều Trần. Khi sống có công bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, lúc thác hiển nhiều linh ứng. Vậy nên, trẫm gánh vác mệnh lớn, nghĩ đến ơn của thần, sắc phong hai vị là: Trinh Uyển Dực bảo Trung hưng tôn thần. Chuẩn cho được thờ phụng. Ngõ hầu chư vị tôn thần tương trợ, phù hộ, che chở cho dân ta thần. Kính thay!”

Đạo sắc đề ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924):

“Sắc cho xã Hổ Sơn huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định hãy thờ phụng tôn thần công chúa Huyền Trân triều Trần, vốn được phong “Trinh Uyển Dực bảo Trung hưng tôn thần”. Khi sống có công bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, khi chết hiển nhiều linh ứng. Lễ tiết là dịp ban tặng sắc phong, chuẩn cho được thờ phụng. Vậy, nhân tứ tuần đại khánh tiết, trẫm ban chiếu thư, thi ân trọng hậu, tặng phong lên bậc Trai Tịnh trung đẳng thần. Đặc chuẩn cho được thờ phụng, dùng ngày này làm ngày lễ của đất nước. Kính thay”.

Ngoài đền làng Hổ Sơn huyện Vụ bản tỉnh Nam Định, công chùa Huyền Trân còn được dân làng Yên Ninh huyện Phụ Dực tỉnh Thái Bình và phường An Tây TP Huế lập thờ. Tại đền làng Yên Ninh huyện Phụ Dực (nay là Quỳnh Phụ) tỉnh Thái Bình, dân làng còn giữ đạo sắc đề ngày 15 tháng 3 năm 1917:

“Sắc cho xã Yên Ninh huyện Phụ Dực tỉnh Thái Bình trước nay đã thờ Huyền Trân thần nữ, có nhiều linh ứng. Nay thừa mệnh lớn, nghĩ ơn che chở của thần, phong là: Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần. Chuẩn cho dân làng được thờ tự, ngõ hầu thần che chở bảo hộ dân ta. Kính thay!”.

Tóm lại, tìm hiểu về Huyền Trân công chúa có thể có nhiều cách tiếp cận, nhiều hướng tiếp cận. Với cách tiếp cận từ phương diện phật tính của con người, chúng tôi thấy Huyền Trân công chúa có cách thể hiện phật tính của mình theo hoàn cảnh sống của một vị công chúa của một triều đại với chiến công ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông rất lừng lẫy và cũng là người có cảnh ngộ tình duyên éo le. Rất tiếc, cho đến nay, không còn nhiều thư tịch ghi chép về bà, vì vậy mong nhận được nhiều chia sẻ của các nhà nghiên cứu.

Nguyễn Quang Khải
Nguyên PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

***

CHÚ THÍCH:
(1) Đinh Phúc Bảo (soạn), Phật giáo đại từ điển, tập I, Hoa Tạng Phật giáo thị thông đồ thư quán xuất bản, năm Kỷ Tỵ (1989), tr. 1164 (tiếng Trung).
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, 1972, tr. 58-59
(3) Đó là: Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi, Kim cương tam muội kinh chú giải, Bình đẳng lễ sám văn, Khóa hư lục; vua Trần Nhân Tông có 5 tác phầm: Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Trúc Lâm hậu lục, Thạch thất mỵ ngữ, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già thoái sự; Pháp Loa có 9 tác phẩm: Tham thiền chỉ yếu, Kim cương tràng Đà la ni kinh khoa chú, Niết bàn đại kinh khoa sớ, Pháp hoa kinh khoa sớ, Lăng già khoa sớ (4 quyển), Bát nhã tâm kinh khoa sớ, Pháp sự khoa văn, Độ môn trợ thành tập, Nhân vương hộ quốc nghi quỹ.
(4) Thập thiện: là 10 điều thiện, ngược với 10 điều ác: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ (nói lời tục tĩu), không tham dục, không nóng giận, không tà kiến.

THƯ MỤC THAM KHẢO:
– Đinh Phúc Bảo (soạn), Phật giáo đại từ điển, tập I, Hoa Tạng Phật giáo thị thông đồ thư quán xuất bản, năm Kỷ Tỵ (1989), (tiếng Trung);
-Ngô Sĩ liên, Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, NXB Khoa học xã hội, 1972;
-Chùa Hổ Sơn- đền Huyền Trân, Chùa Hổ Sơn- đền Huyền Trân (không ghi năm xuất bản, nhà xuất bản);
-Tư liệu điền dã.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường