Trang chủ Lịch sử - Triết học Phật giáo Thanh Hóa 1945-1954

Phật giáo Thanh Hóa 1945-1954

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

(Kỳ 2, tiếp theo Kỳ I Tạp chí NCPH Số tháng 5.2022)

Phật giáo Thanh Hóa 1945-1954 (Kỳ 1)

Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 1

Thành phố Thanh Hoá

Chùa Hưng Phúc (Tu Ba cổ tự) ở phường Đông Hương, năm 1947, thực hiện lệnh Tiêu thổ kháng chiến ngôi chùa phải giải hạ, chỉ còn lại Hậu cung.

Chùa Phúc Hưng, ở làng Phượng Đình, phường Tào Xuyên là địa chỉ gắn liền với hoạt động yêu nước của cụ Nguyễn Thị Hồng (hiệu là Như Tâm, lão thành cách mạng) cũng như những đóng góp trong kháng chiến. Cụ sinh ngày 15 tháng 10 năm 1907, tại làng Phượng Đình, là học sinh yêu nước trường Đồng Khánh (Huế) bị Pháp bắt giam (tù đày), bị đuổi học đã về làng và mở lớp học tại chùa để truyền bá chữ quốc ngữ cho dân làng. Cũng thời gian này làng thành lập Ban Cán sự Việt Minh thôn do ông Nguyễn Gia Lượng phụ trách. Tối ngày 18 tháng 8 năm 1945, chùa là điểm xuất phát của tự vệ địa phương tiến hành phá đường ô tô, đường sắt, chặt cây cản đường đoàn xe của quân Nhật từ Hàm Rồng qua địa phận Phượng Đình và tấn công chúng thu nhiều quân trang, quân dụng, xe tải và vũ khí. Sau Cách mạng tháng Tám, chùa Phúc Hưng là nơi mở lớp học Bình dân học vụ xoá nạn mù chữ cho nhân dân địa phương. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa còn là nơi tập kết cứu chữa thương binh.

Chùa Phúc Sơn (Phúc Long), làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi che chở cho cán bộ cách mạng hoạt động của làng Nguyệt Viên nói riêng và Hoằng Hoá nói chung.

Chùa Quy Cốc (Núi Đọ), ở thôn Phú Ân, xã Thiệu Khánh, huyện Thiệu Hóa nay thuộc thành phố Thanh Hóa lúc bấy giờ có quy mô khá to lớn với 3 gian Hậu cung, 5 gian Tiền đường, tường xây gạch, vì kèo gỗ, mái lợp ngói. Ngoài ra còn có nhà Tổ, nhà Tăng, giếng chùa, ruộng chùa đã được lựa chọn làm nơi giam giữ tù binh sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Tài liệu tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết, sau chiến thắng Điện Biên Phủ bộ đội ta đã bắt sống 11.721 lính đồn trú tại đây bao gồm lính Pháp, Trung Âu, Bắc Phi, Trung Phi và lính của chính quyền Bảo Đại, đưa về các trại giam ở Tuyên Quang, Yên Bái, vùng tự do Liên khu IV(1).

Những đóng góp của các chùa trong kháng chiến đã được chính những nhân chứng hồi đó thuật lại. Đỗ Tiến trong bài “Một chuyến áp giả tù binh độc đáo” đăng báo Nhân dân điện tử ngày thứ ba, 06 tháng 5 năm 2014 viết: “Trung tuần tháng 5-1954, được giao nhiệm vụ phụ trách mười chiến sĩ áp giải 200 tên tù binh Pháp từ Điện Biên Phủ về vùng tự do Liên Khu 4, tôi không khỏi băn khoăn lo lắng. Không phải lo quãng đường từ Điện Biên về huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) dài dằng dặc mà lo nhất là không biết tiếng Pháp… ngoài 200 tên tù binh Pháp, tôi còn được giao thêm 35 con trâu làm nhiệm vụ vận tải và là nguồn hậu cần dọc đường… ròng rã hơn một tháng trời, chúng tôi áp giải đoàn tù binh về tới huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đủ 200 tên, không một tên nào rớt lại dọc đường. Riêng đàn trâu thiếu mất 3 con chỉ còn 32 con. Lẽ ra số trâu này không phải mang về nhiều đến thế, nhưng do những tên tù binh Pháp lo ăn thịt trâu xong sẽ không có trâu cưỡi, nên trâu mới còn nhiều đến như vậy.”

Còn cụ Dương Xuân Thự cựu Phó Vụ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên cán bộ tại mặt trận nhớ lại: “Bộ đội ta giải hai trăm tù binh (chủ yếu là Âu Phi, một số người Pháp) từ Điện Biên về tới Thọ Xuân, Thanh Hóa mất gần hai tháng trời). Tôi phụ trách một đội phải quản lý, canh giữ khoảng 70 tên về giam ở chùa Quy Cốc, huyện Thiệu Hóa và một vài nơi nữa bên Thọ Xuân tôi không nhớ tên. Lúc này Thanh Hóa đang đói (vì phải huy động lương thực cho chiến dịch Điên Biên Phủ) và bộ đội ta cũng cạn lương sau 55 ngày đêm chiến đấu nên rất vất vả. Có lúc nhà chùa ủng hộ thóc, khoai và rau xanh để cho tù binh được bữa ấm bụng. Sau ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, có thỏa thuận về trao trả tù binh Việt – Pháp; tới tháng 9 năm 1954, chúng tôi dẫn họ ra thành phố Sầm Sơn để trao đổi tù binh. Và, nhận lại cả trăm bộ đội ta bị địch bắt và cũng đưa về nơi trên nuôi dưỡng, giao cho các đơn vị. Chính quyền và nhân dân các địa phương Thanh Hóa đã tận tình giúp đỡ chúng tôi vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Đáng tiếc do thời gian cách nay quá lâu nên tôi chỉ nhớ có một chùa đã giúp chúng tôi, còn mấy nơi nữa không nhớ tên”(2). Theo chúng tôi, đây chính là chùa Quy Cốc ở xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa.

Chùa Khánh Long tọa lạc ở làng Mỹ Dương, xã Hà Giang là làng có nhiều cây cối um tùm, rậm rạp, xung quanh là đầm và sông bao bọc vì thế trong thời kỳ kháng chiến, chùa là nơi cất giấu vũ khí, một đơn vị kho bạc Nhà nước sơ tán. Hoạt động được một thời gian thì bọn Việt gian chỉ điểm, quân Pháp đã cho máy bay B26 bắn phá hai lần vào ngày 22 tháng 7 năm 1951 và 11 tháng 3 năm 1953. Với những đóng góp to lớn đối với cách mạng, chùa được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá tặng Bằng khen “Đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược” ngày 18 tháng 3 năm 2008(3).

Trong suốt thời gian từ 1946 đến 1954, chùa Tăng Phúc và nhân dân Hạc Oa, xã Đông Cương đã đóng góp công sức to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nước nhà. Các nhà sư và Phật tử đã tích cực tham gia đóng góp cho tiền tuyến, động viên thanh niên, trai tráng lên đường nhập ngũ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 2

Huyện Thiệu Hoá

Chùa Là (còn gọi là chùa La), nằm ở Đông Nam xã Thiệu Tiến là một cơ sở cách mạng. Vào khoảng những năm 1945 đến 1950, núi Là là một trong những điểm hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Lương Bằng(4) bí danh Sao Đỏ, một trong những chiến sĩ cộng sản thuộc lớp đầu tiên của đất nước. Tại đây, ban ngày các chiến sĩ cách mạng ẩn nấp trong hang núi Là; ban đêm họp và ngủ tại chùa Là. Sau này do cơ sở cách mạng tại chùa Là và núi Là bị lộ nên nhân dân và chính quyền địa phương quyết định phá chùa để không cho bọn Việt gian lấy chùa làm cơ sở hoạt động.

Theo cụ Hoàng Khắc Tôn hiện ngoài 80 tuổi cho biết: Ở làng Là có ông Hoàng Văn Môn là một trong những người nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng đã được nhà nước tặng Bằng Người có công với cách mạng. Một trong những người được ông Môn nuôi giấu trong thời kỳ này là ông Nguyễn Lương Bằng(5).

Huyện Triệu Sơn

Chùa Thiên Thanh (còn có các tên khác là chùa Thượng, chùa Làng Vàng) được xây dựng ngay ở đầu làng Đại Đồng, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn. Chùa rộng tới hơn 7000m2 với nhiều cây xanh tốt. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi đặt công binh xưởng Phạm Hồng Thái sản xuất vũ khí. Sau đó, nhà chùa đã dành chỗ cho nhân dân từ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng tản cư đến ở tạm trong chùa.

Huyện Vĩnh Lộc

Chùa Báo Ân tọa lạc dưới chân núi Báo, trước mặt là dòng sông Mã uốn lượn ở xã Vĩnh Hùng, nơi có giao thông thủy bộ thuận lợi. Trong thời kỳ kháng chiến chùa là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và cứu chữa thương bệnh binh.

Chùa Phương Giai có tên chữ là Tiêu Nương tự, ở làng Phương Giai, xã Vĩnh Tiến. Chùa có quy mô tương đối lớn (bên trong nội tự khoảng 2500m2, bên ngoài khoảng 15.000m2, nhiều cây xanh nên trong kháng chiến chống Pháp, tại chùa đặt xưởng dệt thủ công rất lớn, chủ yếu dệt xà cạp (vải quấn chân) để cung cấp cho bộ đội ở chiến trường và dân quân du kích.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 3

Chùa Thái Bình (chùa Bèo) nằm ở làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc dựng cuối thế kỷ XIV, trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 chùa là nơi tập hợp các đội Tự vệ Cứu quốc, các hội Thanh niên Cứu quốc, hội Mẹ chiến sĩ, hội Phụ nữ Cứu quốc… được vận động tham gia vào Mặt trận Việt Minh.

Chùa Thiên Phúc (còn gọi là chùa Hà Lương), nằm trên một khoảng đất cao của làng Hà Lương, xã Vĩnh Thành, ngay sát bờ sông Mã tiếp giáp với làng Thọ Vực, xã Vĩnh Ninh. Mái chùa thấp thoáng dưới tán cây bàng cổ thụ bên phải là đình làng, phía sau là đền (nghè) trước đây vẫn là nơi diễn ra hội họp, tế lễ của dân làng. Sau Cách mạng tháng Tám chùa thường xuyên là nơi hội họp, huấn luyện dân quân, mở các lớp bình dân học vụ; là nơi tập kết, tuyển quân, huấn luyện cán bộ cách mạng.

Chùa Xuân Áng, ở làng Xuân Áng, xã Vĩnh Lộc không chỉ là nơi diễn ra hội nghị thành lập chi bộ Đảng Vĩnh Thạch mà còn là địa điểm tập hợp các đội quần chúng cách mạng. Sách Những sự kiện lịch sử đảng bộ huyện Vĩnh Thạch 1925-1945(6) chép: “…được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, một ngày tháng 4 năm 1934, Hội nghị thành lập chi bộ Đảng Vĩnh Thạch được triệu tập tại ngôi chùa làng Xuân Áng (xã Vĩnh Long). Tham dự hội nghị này có bảy đồng chí dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời…”. Trong cách mạng tháng Tám, chùa Xuân Áng là địa điểm tập hợp các đội Tự vệ Cứu quốc, các hội Thanh niên, hội Phụ nữ Cứu quốc.

Chùa Tường Vân (chùa Giáng), khu phố 3 thị trấn Vĩnh Lộc không chỉ được biết đến bởi phong cảnh thơ mộng mà còn là một cơ sở cách mạng của cán bộ và nhân dân các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Yên Định, Thạch Thành trong những năm kháng chiến đến ẩn náu, hội họp(7).

Huyện Yên Định

Chùa Thanh Nguyên ở lưng chừng núi Đổng Cổ nên còn có tên gọi khác là chùa Đổng), làng Đan Nê, xã Yên Thọ. Vào khoảng năm 1950 có xưởng quân giới đóng ở núi Xuân, còn hang động Trung Vân núi Đổng là nơi tập trung quân nên có tên là hang “Tòng quân”. Máy bay Pháp đã bắn phá vùng này làm ngôi chùa bị tạt ngói, do không sửa chữa kịp thời nên chùa đã bị sập hoàn toàn vào khoảng năm 1955.

2. Thiệt hại của Phật giáo trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp

Bên cạnh những đóng góp to lớn của Phật giáo Thanh Hóa đối với công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong giai đoạn này, chúng ta cũng phải ghi nhận rằng nhiều chùa ở Thanh Hóa cũng bị hạ giải theo lệnh tiêu thổ kháng chiến hoặc bị phá hủy bởi bom đạn của thực dân Pháp.

Dưới đây là thống kê cụ thể về các chùa bị hạ giải và phá hủy trong giai đoạn này.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 4

Năm 1953, tại ba tỉnh Bắc Trung Bộ Thanh – Nghệ – Tĩnh trừ số ít vùng công giáo, thành thị quân Pháp chiếm đóng, còn lại là vùng tự do – hậu phương rộng lớn của Liên khu III, Liên Khu IV và Thượng Lào. Bấy giờ, ở Nghệ An xảy ra tình trạng Đoàn Thanh niên Phật tử(8) của Hội Việt Nam Phật học (hậu thân của An Nam Phật học hội) tuyên truyền vận động hàng trăm thanh niên cứu quốc gia nhập tổ chức này. Chính quyền kháng chiến nhận định đây là hành động lôi kéo làm giảm lực lượng thanh niên tham gia kháng chiến chống Pháp(9). Bấy giờ Pháp sư Thích Trí Độ đang làm việc ở Hội Phật giáo cứu quốc, Mặt trận Liên-Việt Liên khu IV. Những năm 1940-1944 Pháp sư và bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật tử Hội An Nam Phật học) từng giảng dạy tại Phật học đường Báo Quốc (Huế) và quen biết với tổ chức này. Với sự thuyết phục khéo léo, uyển chuyển của ngài, tình trạng trên đã giảm thiểu và không lan ra Thanh Hóa(10).

Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 7/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Tài liệu Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, 1996.
(2) Ghi theo lời kể của cụ Dương Xuân Thự, (1928-2020) ngày 25 tháng 9 năm 2018 tại nhà riêng ở khu tập thể số 102, phố Đội Cấn, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội và sách Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.234.
(3) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.126-127.
(4) Nguyễn Lương Bằng (1904-1979) quê làng Đồng Thôn, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, từng làm Đại sứ tại Liên Xô, tháng 9 năm 1979 được bầu là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
(5) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 4, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.131.
(6) Những sự kiện lịch sử Đảng bộ huyện Vĩnh Thạch 1925-1945, Nxb Thanh Hoá, 1982, tr.28.
(7) Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo, 2011, tr.118.
(8) Tổ chức này do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập năm 1943 (ban đầu mang tên Đoàn Thanh niên Đức Dục) nhằm tập hợp các thanh niên Phật tử sinh hoạt và học tập theo giáo lý đạo Phật. Đây là một tổ chức hộ trì Phật pháp mạnh. Khi Tâm Minh Lê Đình Thám ra kháng chiến thì tổ chức này do Thượng tọa Thích Trí Thủ điều hành.
(9) Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1953, Nxb Chính trị quốc gia, 2007. Thông tri của Ban Bí thư ngày 21 tháng 4 năm 1953 Phật giáo
– Hội Phật giáo Khu IV hoạt động mạnh, lấy danh nghĩa trong Mặt trận Liên Việt nhưng họ cứ tuyên truyền: chống Macxit không tôn trọng tự do tín ngưỡng; cho kháng chiến là khổ làm giảm tinh thần chịu đựng của nhân dân; kể cả thuế nông nghiệp nặng.
– Mới đây họ triệu tập Hội nghị Phật giáo toàn Khu trong đó họ bố trí mấy việc cụ thể phạm tín ngưỡng ở địa phương gây thành chuyện phản đối; tuyên bố thành lập Ban Hướng dẫn Thanh niên Phật giáo khu, đòi gia nhập Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, ở Thanh – Nghệ – Tĩnh đều có lập Tỉnh đoàn thanh niên Phật giáo và cũng yêu cầu gia nhập Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
– Cơ sở của chúng phần nhiều ở các thôn trước đây đã tả khuynh trong khi thi hành chính sách ruộng đất, chúng thường dùng các hình thức diễn kịch, ca hát để hấp dẫn thanh niên.
– Cơ sở của chúng chưa điều tra được hết nhưng ở Xuân Nam (Nam Đàn) đã có 200 thanh niên cứu quốc vào Thanh niên Phật tử, ở Nghệ An cũng có chừng 600 thanh niên gia nhập Thanh niên Phật tử (tr.135).
(10) Theo lời kể của Đại tá CCB Đinh Thế Hinh (năm 2013), cán bộ Tiền khởi nghĩa, là một trong 27 nhà sư chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định cởi cà sa mặc chiến bào, hồi đó hoạt động ở Thanh Hóa. Hiện cư trú tại nhà E3 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Phạm Việt (Bộ CHQS tỉnh), Lực lượng vũ trang Thanh Hóa – năm đầu toàn quốc kháng chiến, báo Thanh Hóa ra ngày 19 tháng 11 năm 1996.
2. Tài liệu Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, 1996.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nga Sơn, Lịch sử Đảng bộ huyện Nga Sơn, tập 1 (1945-1975), Nxb Chính trị Quốc gia.
4. Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2000.
5. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Nga Điền, Lịch sử đảng bộ xã Nga Điền, Nxb Thanh Hoá, 2000,
6. Sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích và danh thắng, Hồ sơ di tích chùa Mại Đức, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, 2003.
7. Ủy ban nhân dân xã Tuy Lộc Ban Quản lý và Tôn tạo di tích chùa Ngọc Đới, Chùa Ngọc Đới: Lịch sử và Di tích, 2006
8. Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 412.
9. Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1953, Nxb Chính trị quốc gia, 2007. Thông tri của Ban Bí thư ngày 21 tháng 4 năm 1953 Phật giáo.
10. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc từ 1920-1953, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009.
11. Đỗ Hoài Tuyên (chủ biên), Chùa Việt Nam tiêu biểu, Nxb Tôn giáo, 2011.
12. Báo Văn hóa và Đời sống – cơ quan của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa số ra ngày 19 tháng 8 năm 2017.
13. GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1,2,3,4, Nxb Thanh Hóa, 2017.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường