Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Phật giáo Thanh Hóa 1945-1954 (Kỳ 1)

Phật giáo Thanh Hóa 1945-1954 (Kỳ 1)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

1. Bối cảnh lịch sử

Sau khi khởi nghĩa ở Hoằng Hóa ngày 24-7-1945 thắng lợi, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị mở rộng để bàn chủ trương biện pháp đẩy mạnh phong trào cách mạng tiến lên. Trong thời gian tiến hành hội nghị quân Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 15-8-1945). Mặc dù chưa nhận được chỉ thị mới của Trung ương nhưng hội nghị Tỉnh ủy nhận định thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, phải gấp rút hành động ngay. Hội nghị đã quyết định cử cán bộ đi gặp Trung ương để báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời thành lập Ủy ban Khởi nghĩa kiêm Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời gồm 7 thành viên do ông Lê Tất Đắc làm Chủ tịch(1). Hội nghị kêu gọi phát động quần chúng, huy động lực lượng toàn dân trong tỉnh nổi dậy khởi nghĩa giành lấy chính quyền bằng cách kết hợp 2 hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đột kích, bất ngờ, đánh nhanh, thắng nhanh.

Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kịp thời phát động tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 18 và 19 tháng 8 năm 1945 ở các huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hà Trung.

Ngày 20 tháng 8 khởi nghĩa giành thắng lợi ở các huyện: Tĩnh Gia, Nông Cống, Đông Sơn, Cẩm Thủy, thị xã Thanh Hóa. Sáu huyện miền núi gồm Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân và Thường Xuân tuy cơ sở cách mạng chưa có nhưng bộ máy chính quyền cũ đã hoàn toàn tan rã.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 ky I 1

Ngày 23 tháng 8, Ủy ban Nhân dân cách mạng Lâm thời tỉnh về thị xã Thanh Hóa ra mắt đồng bào tại phố Vườn Hoa, ông Lê Tất Đắc đọc lời tuyên ngôn của chính quyền cách mạng tỉnh, công bố chương trình hoạt động của Việt Minh và kêu gọi toàn dân đoàn kết phấn đấu bảo vệ, phát huy thành quả của Cách mạng tháng Tám, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nền độc lập mới giành được, đồng thời tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Tất Đắc làm Chủ tịch(2).

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, tăng, ni, phật tử Hà Nội sang Gia Lâm đón Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời từ chiến khu Tân Trào về Hà Nội. Ngày hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Bà Đá thăm nơi thờ Phật và Nhà thờ Tổ, đến phòng Phương trượng thăm Hòa thượng trụ trì Thích Thanh Thao (tức Tăng cương Đỗ Văn Hỷ – một người con của Thanh Hóa), khuyến khích ngài vận động chư tăng, ni, các tín đồ ủng hộ cách mạng, góp công sức vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, một cuộc họp trọng thể được tổ chức tại trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức ở phố Nhà Thờ (gần chùa Bà Đá), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hơn 100 nhà tu hành Phật giáo đại diện cho các sơn môn ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên… do Hòa thượng Đỗ Văn Hỷ chủ trì, có các ông Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đại diện Mặt trận Việt Minh tham dự. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức của Phật giáo yêu nước lấy tên là Hội Phật giáo Cứu quốc. Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 9 người do Đỗ Văn Hỷ làm Chủ tịch, Thượng tọa Thích Thanh Đặc (Vũ Đại Nguyên) và bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết làm Phó Chủ tịch. Thượng tọa Thanh Đặc kiêm Tổng Thư ký(3).

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Hà Nội, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng ngày, Phật giáo Hộ quốc đoàn (tức Hội Phật giáo Cứu quốc đã gửi “Lời chúc từ Chính phủ Lâm thời” tỏ lòng cầu mong “Chính phủ Lâm thời nhanh chóng thu xếp ổn thỏa vấn đề nội trị, đối ngoại để có thể mau chóng chương trình kiến thiết quốc gia của Mặt trận Việt Minh mà 4,5 năm nay chúng tôi đã từng  ghi sâu trong tâm khảm, chúng tôi tuy bất tài nhưng cũng hết sức hi sinh để giúp đỡ Chính phủ mỗi khi cần đến”(4).

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân, nhưng bấy giờ nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn: nạn đói, nạn dốt (hơn 90% dân số mù chữ), ngân sách quốc gia trống rỗng. Trong khi đó các thế lực phản động quốc tế tập trung bao vây hòng xóa bỏ thành quả cách mạng mà nhân dân ta vừa giành được.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Chính phủ Lâm thời phải tập trung sức lực tiêu diệt “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, chính quyền cách mạng tỉnh Thanh Hóa, vừa phát động phong trào tăng gia sản xuất, đoàn kết tương trợ chống đói, vừa tổ chức phong trào bình dân học vụ xóa mù chữ. Tăng, ni các chùa trong tỉnh đã tận dụng đất đai trong ngoài tự viện để trồng ngô, lúa, khoai; nhiều chùa trở thành trường dạy chữ cho người chưa biết chữ mà các vị sư lại là những người thày. Các tăng, ni, phật tử tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng”(5), “Tuần lễ đồng”, ủng hộ “Quỹ Độc lập”(6), “Quỹ đảm phụ Quốc phòng”.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, tăng, ni, phật tử Thanh Hoá lại hòa cùng dòng người trong tỉnh và cả nước với các khẩu hiệu “Đoàn kết chống xâm lăng”, “Ủng hộ Tổng tuyển cử” nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu những người ưu tú vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Dân chủ Cộng hòa.

Ngay sau đó, từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1946, phật tử các địa phương lại tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp khoá I. Thắng lợi của hai cuộc bầu cử đã khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý thức làm chủ và nghĩa vụ của mỗi người công dân trong đó có các tăng, ni, phật tử đối với nhà nước công nông.

Sau bầu cử, bộ máy chính quyền từ tỉnh đến xã được chấn chỉnh lại. Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời được đổi thành Ủy ban Hành chính.

Thắng lợi của cuộc bầu cử đã làm tăng thêm lòng tincủa nhân dân vào Mặt trận Việt Minh, vào chính quyền, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, quyết tâm giữ vững và bảo vệ chính quyền của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Về phía thực dân Pháp, sau khi đánh chiếm Nam bộ ngày 23 tháng 9 năm 1945, Hải Phòng, Lạng Sơn ngày 20 tháng 11 năm 1946, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ thủ đô, đòi chiếm Sở Công an Hà Nội và đòi “quản lý” thành phố Hà Nội vào ngày 18 tháng 12 năm 1946.

Ngày 17-18 tháng 12 năm 1946, Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc, Hà Đông do Hồ Chủ tịch chủ trì, đã phát động cả nước đứng lên kháng chiến. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Tiếp đó ngày 22 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” nêu rõ đường lối chung chỉ đạo cuộc kháng. Đó là đường lối toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.

Thực hiện Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Đảng và lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thanh Hóa triển khai kịp thời các chủ trương kháng chiến của Đảng, chuyển hướng toàn bộ hoạt động phù hợp với giai đoạn mới – Giai đoạn vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

2. Phật giáo Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến toàn quốc

Trong cuộc kháng chiến kiến quốc với ưu thế “người đông, đất rộng, của nhiều”, Thanh Hóa đã trở thành một trong những tỉnh hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất, đóng góp có hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến của cả nước.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 ky I 2

Toàn quốc kháng chiến nổ ra được hai tháng, trước khi lên Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian vào thăm Thanh Hóa, vào trung tuần tháng 2 năm 1947. Người xác định vị trí, vai trò của Thanh Hóa là một tỉnh hậu phương trực tiếp, một tỉnh kiểu mẫu. Do vậy Người yêu cầu: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” cả về chính trị, kinh tế, quân sự. Để làm tốt vai trò một tỉnh kiểu mẫu, một hậu phương trực tiếp, theo Người, Thanh Hóa phải “làm cho người nghèo đủ ăn; Người đủ ăn thì khá giàu; Người khá giàu thì giàu thêm; Người nào cũng biết chữ; người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Muốn phấn đấu làm được như vậy, cần “Đem tài dân, sức của dân, làm lợi cho dân”. Các kế hoạch đề ra về quân sự, kinh tế, văn hóa, tăng gia sản xuất… phải sao cho thiết thực, có khả năng thực hiện được…

Thực hiện lời dạy của Người, nhân dân Thanh Hóa đã thực hiện nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến để ngăn chặn bước tiến của quân thù. Cuối năm 1947, toàn tỉnh đã cắt và đắp ụ 100km đường đá, bóc hơn 80km đường sắt, phá sập nhiều cầu lớn, phá hủy thị xã Thanh Hóa, thị trấn Sầm Sơn và Bái Thượng, gần 20 phố lẻ, trên 5000 nóc nhà (trong đó có một số chùa), phá gỡ và phá hủy 6 nhà máy lớn, 7 đồn binh kiên cố. Chi đội Đinh Công Tráng được thành lập từ những ngày đầu giành chính quyền (ngày 23 tháng 8 năm 1945), quân số 1500 người đã nhanh chóng đổi tên thành lập Trung đoàn 77(7). Đây là Trung đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Tháng 12 năm 1947, Trung đoàn đã có 1 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập, 2 trung đội với quân số 1652 người, đóng quân tại các vùng xung yếu miền Tây, ven biển, thị xã sẵn sàng đánh địch.

Tháng 12 năm 1946, Pháp sư Thích Trí Độ cùng một số vị trong Trung ương Hội Phật giáo Cứu quốc đã rời Hà Nội về vùng tự do Thanh Hóa. Ngài đã cùng các vị trong Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh vận động tăng, ni, phật tử tham gia các hoạt động kháng chiến theo sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt tỉnh. Pháp sư đã cùng các vị trong Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh vận động các tu sĩ Phật giáo và đồng bào phật tử phát huy tinh thần, ý thức dân tộc và đạo pháp chân chính đấu tranh loại bỏ mọi tiêu cực, không cho địch lợi dụng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để chống lại công cuộc kháng chiến kiến quốc. Điển hình như vụ đấu tranh loại bỏ âm mưu “Liên Tôn diệt cộng”, vụ Tuệ Quang, Tuệ Chiếu.

Ngay những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng “Tuần lễ Vàng”, “Tuần lễ Đồng” do Chính phủ phát động, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh đã vận động nhiều chùa xứ Thanh đem tượng và các đồ pháp khí bằng đồng và kim loại quý ủng hộ kháng chiến. Nhiều tăng, ni trong tỉnh đã làm trọn phận sự và nghĩa vụ công dân, điển hình như sư cụ Thích Thanh Cầm trụ trì chùa Gia (Vĩnh Phúc tự), huyện Hoằng Hóa đã xung phong ủng hộ 50kg thóc và 1 chỉ vàng vào Quỹ lúa khao quân của Hồ Chủ tịch. Ni sư Đàm Diêm, trụ trì chùa Ngọc Đới, huyện Hậu Lộc trong “Tuần lễ vàng” đã ủng hộ 2 chiếc nhẫn vàng.

Đặc biệt, Thanh Hóa là nơi có nhiều công binh xưởng sản xuất chế tạo vũ khí, đạn dược đặt trong hang đá, lại là vùng tự do rộng lớn, sự đóng góp kim loại của nhân dân không chỉ diễn ra trong “Tuần lễ Vàng”, “Tuần lễ Đồng” mà liên tục diễn ra trong suốt 9 năm kháng chiến. Nhiều chuông đồng, tượng đồng, khánh đồng, lư hương, và đồ thờ quý giá đã được các chùa và nhân dân xứ Thanh tự nguyện ủng hộ kháng chiến để sản xuất vũ khí – đạn. Phật giáo Thanh Hóa hiểu rằng đây là sự mất mát lớn đối với các chùa, nhưng sự đóng góp đó giúp cho kháng chiến thắng lợi, đất nước được độc lập, tự do.

Hầu hết các ngôi chùa của Thanh Hóa đều trở thành nơi hội họp, tụ tập đông người, thành nhà kho, trạm cứu thương, nơi dừng nghỉ, tập kết của bộ đội và dân quân du kích.

Huyện Cẩm Thủy

Động chùa Mổng nằm trong núi Mổng thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú, gồm có hai động. Động trên là một hang thông nhau, có chiều dài từ cửa phía Bắc đến cửa phía Nam là 42m, lòng động chỗ rộng nhất là 19m. Cửa động phía Bắc rộng 20m, cao 27m; cửa động phía Nam rộng 15m, cao 12m. Động dưới cũng là một hang động thông thiên có hai cửa: Cửa phía Bắc (cửa vào) rộng 7m, cao 9m; cửa phía Đông (cửa ra) rộng 20m, cao 18m, toàn bộ chiều dài của động khoảng 39m, chỗ rộng nhất cửa hang là 10m. Nhìn toàn vùng thì động chùa Mổng như được lọt vào giữa những dãy núi bao bọc ở phía Bắc, phía Tây và phía Đông. Với vị trí như vậy lại có hang động rộng rãi, trong kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược phục vụ cho chiến dịch Thượng Lào năm 1953(8).

Huyện Hà Trung

Làng Quan Chiêm rộng tới 1,2 km2, nằm ở trung tâm xã Hà Giang, phía Bắcgiáp làng Hoàng Vân (xã Hà Long); phía Đông giáp làng Mỹ Dương; phía Nam giáp làng Bái Đô xã Hà Tân và làng Đồng Ô xã Hà Tiến; phía Tây giáp làng Chánh Lộc cùng xã. Nơi đây dân cư đông đúc, giao thông thủy bộ thuận lợi, người dân kính ngưỡng Tam bảo. Chùa Phương Tích Sơn của làng Quan Chiêm, ngoài thờ Phật còn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và đức Thánh Trần. Nơi đây được cán bộ Việt Minh trước và sau Cách mạng tháng Tám thường xuyên lui tới hoạt động, vận động quần chúng đấu tranh.

Chùa Đô Mỹ, ở xã Hà Tân, trước cách mạng tháng Tám các vị tu hành ở chùa nhiệt tình tham gia cách mạng, che giấu cán bộ và làm liên lạc cho Việt Minh theo tinh thần nhà Phật Hoà quang đồng trần, Phật pháp bất ly thế gian giác. Chùa trở thành nơi liên lạc của các vị lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, các vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương. Nơi đây được đón các ông Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Lê Chủ về chỉ đạo phong trào, cũng là nuôi giấu các cán bộ cốt cán như Nguyễn Văn Huệ, Tạ Quý Quynh. Chùa là nơi đặt cơ quan ấn loát tài liệu của tỉnh. Chùa Đô Mỹ là nơi tiếp nhận lương thực, tiền của mà Ni sư Đàm Hiên là người thu nhận để chuyển giao cho chiến khu Ngọc Trạo ở huyện Thạch Thành.

Trong kháng chiến chống Pháp, để phòng ngừa quân Pháp từ Ninh Bình đánh vào, thực hiện lệnh tiêu thổ kháng chiến, nhiều đoạn tường chùa Đô Mỹ bị dỡ bỏ, tượng Phật được chuyển đi. Năm 1953 chùa trở nên hoang phế, địa phương dùng làm kho chứa lúa.

Chùa Ban Phúc (chùa Chìa) ở làng Đông Trung, xã Hà Bình là một địa chỉ có công với kháng chiến. Ni sư Thích Đàm Thắng (Bùi Thị Út, về trụ trì chùa từ đầu thập niên 1920) là người tích cực mua Công phiếu quốc gia và ủng hộ chính quyền kháng chiến hàng trăm gánh thóc.

Chùa Long Yên ở làng Yên Thôn, xã Hà Hải là nơi thành lập chi bộ Đảng Lĩnh Toại. Ngày 14 tháng 4 năm 1948 tại nhà Tổ chùa Long Yên, chi bộ Đảng Lĩnh Toại (gồm 4 xã Hà Phú, Hà Hải, Hà Toại, Hà Châu hiện nay) chính thức được thành lập gồm 5 người, là hạt nhân lãnh đạo nhân dân 4 xã trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Không những vậy, trong suốt 9 năm kháng chiến đầy cam go, ác liệt và lại ở ngay sát với vùng tạm chiếm Nga Sơn, Ni sư Đàm Thềm và tăng, ni, phật tử của chùa vẫn hết lòng với cách mạng. Vì vậy, chùa được chọn làm địa điểm hội họp, liên lạc của cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận; là trụ sở của Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Lĩnh Toại và nơi mở lớp học của trường Phan Tây Hồ (từ Liên khu III sơ tán vào Thanh Hoá)(9).

Quan Sơn Tự, còn gọi là chùa Con Nít tọa lạc tại núi Quan Sơn thuộc xã Hà Thanh (hương Thanh Đớn xưa) là ngôi chùa cổ, có quy mô lớn (rộng tới 4 ha). Nhờ vào vị trí kín đáo và quy mô rộng rãi nên trong kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi đặt công binh xưởng của bộ đội ta. Nơi đây từng bị quân Pháp đánh bom 5 lần vào năm 1951.

Huyện Hậu Lộc

Chùa Phúc Hưng có tên chữ là Liên Hoa tự ở làng Phú Mỹ, xã Xuân Lộc, chùa là địa điểm an toàn cho hoạt động của các tổ chức Đảng khi mới thành lập, xây dựng phong trào cách mạng của hai làng Phú Mỹ và Hữu Nghĩa thuộc xã Xuân Lộc. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, nhà chùa đã cùng với các lực lượng cách mạng trong huyện đi cướp chính quyền, lật đổ chế độ cũ, lập nên chính quyền công nông.

Chùa Ngọc Đới (chùa Cảm Cách, hay chùa Cách), làng Ngọc Đới, xã Tuy Lộc có công với cách mạng cả trong giai đoạn tiền khởi nghĩa lẫn trong thời kỳ kháng chiến. Trước cách mạng, sư cụ Đàm Diêm trụ trì chùa đã nuôi giấu nhiều cán bộ Việt Minh trong đó có Huyện ủy viên phụ trách tôn giáo là cụ Lý Ngọc Cuông (Lão thành cách mạng). Cụ được Ni sư Đàm Diêm mua xe đạp để đi công tác. Trong kháng chiến chùa đã ủng hộ hơn 500 kg thóc cho Qũy “Lúa khao quân” và mua nhiều Công trái kháng chiến. So với các chùa khác trong huyện, chùa Ngọc Đới luôn luôn ủng hộ ở mức cao nhất. Với những thành tích trên Ni sư Thích Đàm Diêm đã vinh dự có mặt trong đoàn Đại biểu huyện Hậu Lộc đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên ngày 20 tháng 2 năm 1947. Ghi nhớ công ơn của ni sư, ngày 21 tháng 8 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng có công với nước cho chùa Ngọc Đới và sư Đàm Diêm (QĐ 1100/QĐ-ttg).

Chùa Thiên Vương (chùa Rú), xã Quang Lộc, nằm trên một khu đất rộng, kín đáo với 5 gian Tiền đường và 2 gian Hậu cung. Dưới thời Nguyễn, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của cả vùng Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa. Trong thời kỳ Cần vương chống Pháp, chùa Thiên Vương là nơi cất giấu vũ khí của nghĩa quân Ba Đình. Trong những năm 1947 – 1954, chùa là nơi hội họp của cán bộ đảng viên xã Liên Cừ trước kia.

Chùa Tam Giáo (Chùa Đồng) ở làng Du Trung, thị trấn Hậu Lộc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sư chùa Tam Giáo cùng với nhân dân Du Trung đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Huyện Hoằng Hoá

Chùa Vĩnh Phúc (chùa Gia), xã Hoằng Phượng, nằm bên sông Mã, nhờ có giao thông thủy bộ thuận lợi, trong kháng chiến chống Pháp là trạm xá cứu thương, trạm trung chuyển bộđội và thương binh ngoài tiền tuyến về chữa bệnh dưỡng thương(10).

Tại sân chùa Trào Âm, xã Hoằng Lưu, đội tự vệ chiến đấu được thành lập, cùng với tự vệ các xã trong huyện đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 7 năm 1948. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi tổ chức những sự kiện như: Mít tinh kêu gọi nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, quyên góp cho Chính phủ Cụ Hồ; là nơi tuyển lựa và tiễn đưa hàng ngàn con em trong các xã quanh vùng lên đường nhập ngũ.

Huyện Nga Sơn

Ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng huyện Nga Sơn vừa mới được thành lập đã phải đương đầu với bọn Quốc Dân đảng do Mai Ngọc Giáp cầm đầu và bọn phản động đội lốt tôn giáo ra sức hoạt động chống phá cách mạng. Chúng tuyên truyền xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng, gây hoang mang trong nhân dân. Chúng tổ chức bắt cóc cán bộ, liên lạc với bọn phản động trong tỉnh, xây dựng cơ sở và lực lượng vũ trang với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng ở huyện.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2022 Phat giao Thanh Hoa 1945 1954 ky I 3

Để giữ vững an ninh chính trị, Ủy ban Lâm thời cách mạng huyện đã bắt giam và trừng trị những tên phản động như sư Tín ở chùa Giáp Ngoại và các tên Cả Đại, Đỗ Huỳnh (chùa Quảng Hiệp), Cán (chùa Mại Đức)… Nhằm ngăn chặn mọi hoạt động chống phá của bọn phản động đội lốt tôn giáo, Đội Tuyên truyền đã tuyên truyền sâu rộng trong đông đảo đồng bào, linh mục, tu sĩ về chính sách tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết kháng chiến kiến quốc và chính sách khoan dung đối với những người lầm đường theo giặc chống lại nhân dân(11).

Chùa Kim Thành, ở làng Thành Thôn, xã Nga Thành, trong 9 năm kháng chiến chùa là cơ sở cách mạng, là đầu mối liên lạc của cán bộ Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ và cũng là tai mắt để kịp thời báo động cho cán bộ biết mỗi khi giặc Pháp vào làng lùng sục, bắt bớ. Năm 1953, biết chùa là cơ sở cách mạng, giặc Pháp đã đốt chùa, phá tượng. Nhiều năm sau do không có người trụ trì chăm lo đèn nhang và tu sửa nên đến năm 1960 chùa bị hư hoại hoàn toàn.

Trong những năm kháng chiến chống Mại Đức (Kim Liên tự), làng Mại Đức, xã Nga Hưng, chỉ cách địch có 4 cây số, địa phương bị địch càn quét đánh phá ác liệt, bọn gián điệp, bọn phản động ngày đêm săn lùng ráo riết, song các hội nghị Đảng, các cuộc họp Việt Minh, các lần tập kết bộ đội chủ lực ở chùa đều được nhà chùa và nhân dân xóm Chùa, xóm Vạn, xóm Rú, che chở, bảo vệ an toàn. Nhà chùa và nhân dân đã ủng hộ lương thực, thực phẩm để nuôi cán bộ, nuôi quân chu đáo(12). Cuối năm 1948, tại đây có hội nghị thành lập tổ Đảng đầu tiên của làng, tiền thân của Đảng bộ xã Nga Hưng ngày nay do ông Trịnh Kế Thế là Tổ trưởng. Chùa, phủ Mại Đức cũng là nơi đặt văn phòng chi bộ Đảng Cộng sản Hà Huy Tập xã Tân Đức từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1950(13).
Chùa Kim Quy, còn gọi là chùa Yên Hạnh, thị trấn Nga Sơn, trước Cách mạng tháng Tám, không những là nơi thờ tự mà còn là nơi liên lạc bí mật của lực lượng tự vệ cứu quốc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi hội họp bí mật của cán bộ Việt Minh(14).

Chùa Hàn Sơn ở cạnh chân núi Cọc Đó, làng Chính Đại, xã Nga Điền. Năm 1948, sau khi quân Pháp đánh chiếm Điển Hộ – Chính Đại, các nhà sư và chú tiểu trong chùa tản cư về chùa Hoàng Cường và đi tham gia kháng chiến. Thời gian này chùa Hàn Sơn không chỉ là nơi che giấu cán bộ Việt Minh mà nhà chùa còn ủng hộ vật chất cho quỹ kháng chiến. Năm 1951, tiểu đoàn của ông Tường thuộc Trung đoàn Quang Trung có nhiệm vụ đánh bốt kè Chính Đại, chùa là địa điểm đặt máy thông tin và là trung tâm hội họp của du kích làng Chính Đại. Sau đó quân địch phát hiện ra, chúng thực hiện lập phòng tuyến trắng, cho xe ủi bằng chùa, chỉ còn lại tháp mộ cụ Nguyễn Đăng Kế(15).

Chùa Hải Vân (Cầu Hải), làng Cầu Hải, xã Nga Hải do sư cụ Nguyên Hải(16) trụ trì từ năm 1950. Bấy giờ xã Nga Hải (Đô Bái) là cửa ngõ của kháng chiến chống Pháp mạn Đông Bắc huyện Nga Sơn, vì vậy chùa tiếp tục là đầu mối liên lạc hoạt động cách mạng của địa phương. Tháng 12 năm 1951, khi bộ đội ta đánh bốt Văn Hải thì chùa Hải Vân trở thành nơi cứu chữa và chăm sóc thương binh.

Chùa Ngoại Thôn (Thanh Quang tự) ở làng Hồ Đông, xã Nga Thành, dựng từ thời Nguyễn. Từ năm 1937, chùa là cơ sở cách mạng. Năm 1941, chùa là đầu mối liên lạc của các cán bộ Việt Minh, là nơi nuôi giấu cán bộ về đây hoạt động cách mạng và cũng là tai mắt để kịp thời báo động cho cán bộ biết mỗi khi giặc vào làng lùng sục bắt bớ. Cuối năm 1951, khi bộ đội ta tiến đánh đồn Văn Hải thì chùa Thanh Quang trở thành địa điểm hội quân. Sau đó, quân Pháp phát hiện chùa là cơ sở kháng chiến chúng đã đốt chùa, phá tượng. Đến năm 1962, thì chùa bị hư hoại hoàn toàn.

Còn tiếp…

Cư sĩ Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2022

***

CHÚ THÍCH:
(1) Ông Lê Tất Đắc sinh ngày 10 tháng 10 năm 1906 tại Hoằng Phúc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm 19 tuổi, ông đã tích cực tham gia các phong trào của học sinh chống lại chế độ thực dân, phong kiến. Năm 1928, ông gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1929 chuyển sang Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Lê Tất Đắc là một trong những đảng viên của Đảng. Ông nhiều lần bị địch bắt và kết án tù. Đến tháng 3 năm 1945 ông vượt ngục, trở về Thanh Hóa tham gia chỉ huy chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
(2) Dương Trung Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr. 412, Báo Văn hóa và Đời sống – cơ quan của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa số ra ngày 19 tháng 8 năm 2017.
(3) Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc từ 1920-1953, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr. 237.
(4) Báo Cứu quốc ra ngày 2 tháng 9 năm 1945.
(5) Ngày 11 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi và phát động Tuần lễ Vàng bắt đầu từ ngày 17 đến 24 tháng 9 năm 1945.
(6) Ngày 14 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Lâm thời lập Quỹ Độc lập.
(7) Phạm Việt (Bộ CHQS tỉnh), Lực lượng vũ trang Thanh Hóa – năm đầu toàn quốc kháng chiến, báo Thanh Hóa ra ngày 19 tháng 11 năm 1996.
(8) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 3, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr. 263.
(9) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 2, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.133
(10) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.263-264.
(11) Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nga Sơn, Lịch sử Đảng bộ huyện Nga Sơn, tập 1 (1945-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.70-72.
(12) Sở Văn hóa và Thông tin Thanh Hóa, Ban Quản lý Di tích và danh thắng, Hồ sơ di tích chùa Mại Đức, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn, 2003, tr.4.
(13) Sách đã dẫn.
(14) GHPGVN tỉnh Thanh Hóa, Chùa xứ Thanh, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017, tr.126.
(15) Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Nga Điền, Lịch sử đảng bộ xã Nga Điền, Nxb Thanh Hoá, 2000, tr.45-52; Chú thích của Chùa xứ Thanh, tập 3, tr.107.
(16) Sư tên đời là Hoàng Cường, quê xã Nga Điền, huyện Nga Sơn. Năm 1950, sau khi Hòa thượng Tâm Đa viên tịch, sư về kế vị trụ trì chùa Hải Vân. Về sau sư về tu ở chùa Thư Điền xã Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định và mất ở đây (tr. 217, sách Hành trạng chư tăng ni Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa, 2017).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường