Trang chủ Đời sống Phật giáo Hà Tĩnh với hoạt động xã hội hiện nay

Phật giáo Hà Tĩnh với hoạt động xã hội hiện nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS Nguyễn Thị Quế Hương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN
ThS. Nguyễn Ngọc Thúy
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

1. Vài nét về Phật giáo Hà Tĩnh hiện nay

Hà Tĩnh với vùng đất phía Bắc miền Trung nơi giao thoa và ảnh hưởng văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc, cũng như các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… Đây là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, là tỉnh nằm giữa gạch nối của hai miền đất nước, với diện tích khoảng 6.055,6km2, tổng dân số trên toàn tỉnh là hơn 1.280.782  (năm 2015) người[1], với vị trí địa lý ¾ diện tích là đồi núi, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, song khí hậu lại khắc nghiệt. Hà Tĩnh là tỉnh có dân số chủ yếu là người Việt (Kinh) chiếm tới 99% dân số, cùng với một số tộc người Thái, Mường, Chứt, Lào (với số lượng chỉ vài trăm hoặc vài chục người), thường sống xen ghép tại một số xã thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang[2]. Người Hà Tĩnh với chí khí kiên cường bất khuất, cần cù lao động  để vươn lên, cũng chính mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra những nhà cách mạng ưu tú, danh nhân văn hóa lớn như cụ Phan Đình Phùng, Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Trần Phú,… đặc biệt là danh nhân văn hóa lớn của thế giới Đại thi hào Nguyễn Du.

Phật giáo có mặt tại Hà Tĩnh từ lâu, tuy nhiên do biến động xã hội mà Phật giáo cũng có nhiều thăng trầm cùng với sự thăng trầm của lịch sử. Theo tác giả Nguyễn Quang Hồng cho biết, sự phục hồi và phát triển của Phật giáo Hà Tĩnh mới chỉ từ khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XXI, đặc biệt, sự kiện tháng 7 năm 2001, ban đại diện Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, đánh dấu bước tiến của Phật giáo tại Hà Tĩnh[3]. Phật giáo đã trở thành chỗ dựa tâm linh và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của một bộ phận người dân, cũng như có những đóng góp cho sự phát triển giá trị văn hóa truyền thống Hà Tĩnh. Đạo đức Phật giáo hướng con người đến với chân-thiện-mĩ, giúp con người tự điều chỉnh hành vi của bản thân và tự hoàn thiện bản thân tốt hơn. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo Hà Tĩnh đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, góp phần trong công tác an sinh xã hội của Hà Tĩnh nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung. Kế thừa những giá trị tinh thần đó, Tăng, Ni, Phật tử tỉnh Hà Tĩnh với phương châm hoạt động “Đạo Pháp –  Dân Tộc –  Chủ Nghĩa xã hội” đã không ngừng nỗ lực, phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp giữa những người có tôn giáo và không tôn giáo, giữa các dân tộc, thể hiện tình đoàn kết tôn giáo – dân tộc trên quê hương Hà Tĩnh.

Theo Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết[4]: Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh có 02 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. Đối với Phật giáo, toàn tỉnh có 127 ngôi chùa Phật giáo đang hoạt động ổn định, trong đó có 07 chùa được công nhận di tích cấp quốc gia, có 28 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh và khoảng 22.100 tín đồ (chiếm khoảng 1,2% dân số). Có 54 sư trụ trì, trong đó có 01 hòa thượng, 06 thượng tọa và 47 đại đức, ni sư. Như vậy so với những năm đầu phục hung, Phật giáo Hà Tĩnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc về chức sắc và tín đồ: năm 2004 lúc đó mới có 6 phật tử và 01 vị trụ trì, sau 13 năm (2004-2017), Phật giáo Hà Tĩnh đã có 75 vị tăng, Ni, trong khi năm 2007 mới có 1.300 phật tử, đến năm 2017 số phật tử lên đến 12.000 người[5]. Về tổ chức, hiện nay có Ban Trị sự (BTS) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh và 13 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp huyện. Phật giáo Hà Tĩnh với xu hướng nhập thế của Giáo hội, đồng hành cùng dân tộc đã tổ chức nhiều hoạt động như thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại các khu tưởng niệm nhân các ngày lễ. Tham gia công tác từ thiện xã hội, nhân đạo, giúp đỡ gia đình người nghèo khổ, khó khăn hoạn nạn, thiên tai,…. Các hoạt động phật sự của tăng, ni, phật tử tại các chùa, các cơ sở, các thiền viện vào các dịp như: Lễ Phật đản, lễ Vu Lan, mùa An cư kiết hạ, Đại hội Phật giáo cấp tỉnh… được tổ chức theo quy định của giáo hội và đúng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) được Ban trị sự Phật giáo các địa phương phối hợp, triển khai, gắn với nội dung xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa cảnh văn hóa”, …

Trong Đại hội lần thứ 4, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2022-2027) của GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Trên nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, với lý tưởng giác ngộ chân lý, hoà hợp chúng, hoà bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ đất nước với phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo Hà Tĩnh đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của Hà Tĩnh. Dưới đây, bài viết xin điểm qua một số hoạt động hướng đến xã hội của Phật giáo Hà Tĩnh thời gian qua.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Ha Tinh 1

Trung tâm Văn hóa Phật giáo – chùa Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Ảnh: Đăng Huy

2. Một số hoạt động xã hội của Phật giáo Hà Tĩnh thời gian qua

Hoạt động hướng đến xã hội của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng là các hoạt động thiện nguyện nhằm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những người dân nghèo khổ, khó khăn, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi,…. Việc thực hiện các hoạt động hướng đến xã hội chính là công tác cứu trợ xã hội, các hoạt động từ thiện xã hội, là thực hành hạnh bố thí, bằng hành động thiết thực: cho, hiến, dâng tặng, giúp đỡ sẻ chia về của cải vật chất (tài thí), chỉ dạy truyền trao phương pháp, cách thức sống và làm việc để có cuộc sống tốt đẹp…(pháp thí), đem cho sự không sợ hãi, giảm thiểu phiền muộn lo âu trong cuộc sống…. (vô úy thí) giúp cho mọi người có niềm tin yêu vào cuộc sống để vươn lên…. bố thí một cách bình đẳng không phân biệt, kỳ thị, không tư lợi cá nhân….  Mục đích chính của việc làm từ thiện chính là sẻ chia, giúp đỡ, yêu thương, xóa bỏ khoảng cách để gắn kết tình người, tình dân tộc… làm cho cuộc sống con người trở nên nhân văn và tốt đẹp hơn.

Giá trị Phật giáo đối với công tác xã hội đó là thực hành tốt Tứ Vô Lượng Tâm là các tâm từ, bi, hỉ, xả, là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “tứ vô lượng tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, v.v… thì mỗi người sẽ trở thành một công dân lý tưởng trong một thế giới hòa bình, an lạc”[6]. Chỉ có thực hành từ, bi, hỷ, xả mọi Phật tử mới phát triển được thánh hạnh, tâm Phật[7]. Cùng với tứ vô lượng tâm là hạnh bố thí. Ở Phật giáo Bắc truyền, hạnh Bố thí nằm trong Lục độ Ba – la – mật và Tứ nhiếp pháp của hàng Bồ Tát. Lục độ Ba la mật gồm sáu đức hạnh: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ; tứ nhiếp pháp gồm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Ngoài ra, hạnh Bố thí cũng nằm trong mười pháp Ba la mật của hàng Bồ Tát trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, gồm: Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Kiên nhẫn, Chân thật, Chí nguyện, Từ tâm, và Xả ly.  Như vậy, có thể nói vị trí của Hạnh Bố thí trong các tông phái Phật giáo đều giống nhau và quan trọng bật nhất. Hạnh Bố thí gồm ba loại: tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cụ thể hóa những giá trị đạo đức về các hoạt động hướng đến xã hội trong giáo lý, kinh sách thành chủ trương, đường hướng hoạt động của giáo hội trong các văn bản, Văn kiện Đại hội qua các nhiệm kỳ của giáo hội. Đặc biệt, trong Ban hoạt động TTXH của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm nhiều các phân ban phụ trách chuyên biệt khác nhau, trong đó có Phân ban cứu trợ nhằm cứu giúp kịp thời nạn nhân bị thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, những nơi khó khăn, nghèo khổ. Theo đó, GHPGVN các tỉnh, thành, trong đó có GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh đều tuân thủ các chủ trương, đường hướng hành đạo của GHPGVN đã ban hành. Theo đó, GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh cũng đề cao các hoạt động từ thiện xã hội, mong góp sức nhỏ bé vào an sinh xã hội, cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng làm giảm tải đi nhữn gánh nặng xã hội.

* Công tác hỗ trợ, cứu trợ

Với tinh thần từ bi cứu khổ, vô ngã vị tha của Phật giáo gắn với văn hóa truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Hà Tĩnh đã tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ, cứu trợ xã hội cho đối tượng nghèo khổ, thiếu may mắn trong xã hội. Theo Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2022-2027) của GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh cho biết[8]: trong 5 năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh kết hợp với chư Tăng, Ni cùng Phật tử làm tốt công tác từ thiện nhân đạo tại địa phương, bằng nhiều hình thức để liên kết mọi thành phần trong xã hội cùng tham gia công tác từ thiện, cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ gia đình chính sách, thương binh Liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo vượt khó, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Trong 05 năm qua, Ban Trị sự GHPG tỉnh luôn tích cực, chủ động trong công tác từ thiện, xã hội với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng, phát cháo miễn phí tại cơ sở y tế, thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh nghèo khó trong các dịp lễ, nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi. Năm 2020, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã trao tặng 200.000.000đ cho các hộ gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà. Ban Trị sự các huyện, thị đã hỗ trợ lũ lụt với tổng số tiền: 6.406.000.000 đ (sáu tỷ, bốn trăm linh sáu triệu đồng) và kết nối các đoàn từ thiện trong nước và nước ngoài về hỗ trợ lũ lụt là 19.430.000.000đ (Mười chín tỷ, bốn trăm ba mươi triệu đồng).  Các hoạt động từ thiện có thể kể đến như: tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó; tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách vào các dịp lễ tết, ủng hộ lũ lụt tại tỉnh Quảng Bình sau bão số 9 năm 2020, phát cơm cháo từ thiện tại một số bệnh viện tuyến huyện; Phát quà cho trẻ mồ côi, người tàn tật; gia đình chính sách ảnh hưởng chất độc da cam; khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ bệnh nhân chạy thận và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương, ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, tặng cơm hỗ trợ khu cách ly, ủng hộ quỹ vaccine.

Ngoài ra, BTS còn phối hợp với MTTQVN các huyện, thành phố, thị xã đều phối hợp, tổ chức thăm hỏi chức sắc, thân nhân chức sắc tôn giáo bị ốm đau, bệnh tật điều trị ở bệnh viện …

* Công tác phòng, chống đại dịch Covid-19

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về phòng, chống đại dịch Covid-19; Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và thực hiện tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết dân tộc – tôn giáo trong mọi mặt, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã tuyên truyền, vận động các tôn giáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống “Tốt đời, đẹp đạo” và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với Nhân dân, các tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có Phật giáo đã tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều hoạt động hỗ trợ, nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Cùng với những Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh, đặc biệt là văn bản hướng dẫn của Bộ Y Tế, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Hà Tĩnh luôn đề cao ý thức trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh và thực hiện rất nghiêm túc các quy định. Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội cho đến khi dịch bệnh được khống chế, nhiều hoạt động tôn giáo của Phật giáo đều tạm dừng hoặc hủy bỏ, hoặc chuyển sang thực hành nghi lễ online, hướng dẫn Phật tử tu học tại gia, tham gia các khóa lễ trực tuyến, nhằm giảm tải số người đến tập trung đông tại chùa trong một số ngày lễ trọng, góp phần cùng toàn thể xã hội phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Phat Giao Ha Tinh 3

Theo Báo cáo của Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cho biết[9]: Ban Trị sự giáo hội Phật giáo các cấp đã trao tặng tiền và nhiều trang thiết bị, nhu yếu phẩm ước tính trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đề xuất tặng thưởng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đối với Đại đức Thích Thanh Vượng Trưởng Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong phong trào chống dịch Covid -19. Các chức sắc, tín đồ Phật tử chấp hành và thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, đồng thời ủng hộ nhu yếu phẩm cho những người ở các khu cách ly; giải cứu nông sản trên địa bàn khu vực phong toả. Các Phật tử nấu cơm và phát hàng vạn xuất cơm nghĩa tình, hàng chục vạn chai nước; trực tiếp và gián tiếp thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhiều phần quà cho các bác sỹ, nhân viên bệnh viện, đặc biệt là các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Y tế Kỳ Anh, Bệnh viện Phổi Tp. Hà Tĩnh và Bệnh viện Cửa Khẩu Cầu Treo. Riêng trong hai năm 2020, 2021, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã vận động tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ vaccine, quỹ phòng, chống Covid-19 của tỉnh, ủng hộ vật tư y tế và thực phẩm cho các điểm cách ly, ủng hộ thuốc men, lương thực, quần áo… với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng, trao 70.000.000đ và 5.000 khẩu trang y tế  cho UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh, góp phần chung sức cùng toàn xã hội phòng chống dịch Covid-19.

* Công tác tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc

Theo Báo cáo tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cho biết[10]: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh đã ký  cam kết việc bảo vệ môi trường, phát huy tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, góp phần ổn định an ninh xã hội, hướng tới thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam đang nỗ lực thực hiện. Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959) ngày 31 tháng 3 năm 2018, năm 2022 lãnh đạo các ban nghành tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh thả 1 tấn cá giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản tại hồ Kẻ Gỗ ở Cẩm Xuyên và hơn 40.000 con cá giống tại đập Mạc Khê (xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh).

Với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh là một tổ chức tôn giáo nhập thế và thể hiện trách nhiệm xã hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tuyên truyền vận động Tăng ni Phật tử tham gia đợt sinh hoạt chính trị này đạt kết quả cao, cụ thể Tăng ni Phật tử đã tham gia bầu cử đạt 99%. Tăng Ni đã vận động tín đồ Phật tử tham đi bầu cử đầy đủ, đặc biệt trong nhiệm kỳ này Tăng Ni đã tham gia ứng cử HĐND các cấp. Trong những năm qua đã có các vị tu sỹ tham gia Ủy viên Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc các cấp: Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Đại đức Thích Quảng Nguyện, Đại đức Thích Hạnh Nhẫn, đại đức Thích Thiện Nhơn, Đại đức Thích Chánh Thành tham gia Mặt Trận Tổ quốc tỉnh; Đại đức Thích Tâm Phương, Đại đức Thích Thiện Nhơn, Đại đức Thích Tâm Quang, Đại đức Thích Chúc Cường đã tham gia Mặt Trận Tổ quốc cấp huyện.

Hưởng ứng các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tích cực hưởng ứng quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ đền ơn đáp nghĩa…, ngoài việc chấp hành đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, chức sắc, tín đồ luôn thực hiện nghĩa vụ của người công dân tốt, đồng thời cũng là người tu sỹ chân chính. Tăng Ni Phật tử Hà Tĩnh đã tích cực hưởng ứng, tham gia đầy đủ các phòng trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Vận động con em tín đồ Phật tử hăng hái lên đường nhập ngũ, làm tròn bổn phận công dân và các phong trào do địa phương phát động. Tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, hưởng ứng việc hiến đất làm đường. Phát huy truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” và tinh thần “phụng đạo yêu nước”, Tăng ni Phật tử tỉnh nhà đã tích cực hưởng ứng chương trình chung tay xây dựng biển đảo quê hương, chương trình cùng ngư dân bám biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ… Với đoàn kết dân tộc, tăng ni, tín đồ Phật giáo đã gắn bó, đoàn kết cùng đồng bào các tôn giáo và đồng bào không tôn giáo trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời hưởng ứng cùng Mặt trận Tổ quốc thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước. Từ khi thành lập, GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh luôn là thành viên nòng cốt trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc và phát huy truyền thống đại đoàn kết của các tôn giáo trong lòng dân tộc Việt Nam; Hưởng ứng cuộc vận động của cấp chính quyền treo cờ Tổ quốc tại cơ sở tôn giáo vào các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và các sự kiện quan trọng của tổ chức tôn giáo, 100% cơ sở Phật giáo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ lớn của đạo Phât giáo và của dân tộc[11].

* Công tác phối hợp với MTTQVN trong hoạt động Phật sự

BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với MTTQVN tỉnh và các huyện trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đồng bào có đạo tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Vận động treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo trong dịp lễ lớn của quê hương, đất nước; dịp kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9/2022 đã vận động được 412 cơ sở tôn giáo treo cờ Tổ quốc, trong đó, Phật giáo có 128/128 cơ sở  (126 chùa, 01 Thiền viện, 01 Trung tâm Phật giáo tỉnh) tổ chức treo cờ tại các cơ sở thờ tự đạt tỷ lệ 100%. Các địa phương đạt tỷ lệ 100% như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Vũ Quang, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh. Hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố, thị xã và các đoàn thể CT- XH cấp tỉnh thường xuyên phối hợp nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tôn giáo, của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo và Nhân dân về tình hình có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, tổng hợp báo cáo, phản ánh với cấp ủy, chính quyền và MTTQVN cũng như TW MTTQVN[12].

3. Một vài nhận xét

Từ khi hình thành và phát triển tại Hà Tĩnh, đặc biệt từ sau khi Phật giáo Hà Tĩnh được phục hưng đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển trên quê hương Hà Tĩnh. Có được những thành tựu đó chính là nhờ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đúng phương châm hoạt động của GHPGVN, phù hợp với truyền thống “hộ quốc an dân” của Phật giáo và xu thế phát triển của thời đại.

Với tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, phát huy nội lực đổi mới toàn diện, chung lòng xây dựng ngôi nhà Phật pháp trong lòng dân tộc. Phát huy cao độ tinh thần “phụng đạo yêu nước” nghìn đời của Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni Phật tử Hà Tĩnh cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố… đã không ngừng nỗ lực làm tốt bổn phận của người con Phật cũng như trách nhiệm của một công dân đất Việt, nhằm góp phần vào sự phát triển chung của Phật giáo và quê hương Hà Tĩnh, với chủ đề: “Ổn định  – Kế thừa  – Phát triển”. Với con đường phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ II (2017 – 2022) là ” Phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, tăng cường nội lực, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội” mà Tăng ni, Phật tử toàn tỉnh đã dành nhiều tâm lực để thành tựu trong suốt thời gian qua.

Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, chức sắc, nhà tu hành, tín đồ Phật giáo luôn ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Lấy đường hướng hành đạo làm chuẩn mực sống, nguyên tắc sống để vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo tham gia thực hiện các hoạt động xã hội nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mọi tín đồ, người dân cần được hỗ trợ. Việc các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ Phật giáo tham gia các hoạt động xã hội, cùng toàn dân giúp đỡ, chăm sóc người nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, là chất keo gắn kết đồng bào các tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo, gắn kết giữa đạo –  đời trong khối đoàn kết toàn dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh luôn nhận thức sâu sắc về hoạt động từ thiện là cơ hội để Phật giáo đi vào cuộc đời một cách nhẹ nhàng nhưng để lại trong lòng người dân một dư vị đầy tình thương và hiểu biết với sự chia sẻ, cảm thông. Mỗi người Phật tử, luôn chung sức, chung lòng vì sự nghiệp phát triển của ngôi nhà phật pháp, phát huy chí nguyện “Hoằng Pháp lợi sinh”, dấn thân hành đạo xây dựng cuộc sống lợi đạo, ích đời đúng phương châm “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, trong các hoạt động xã hội còn nhiều hạn chế cần khắc phục, do đó, Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cần tuân thủ đúng Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 55 có qui định về Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo đã quy định các tổ chức tôn giáo: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Bên cạnh đó, là các chính sách, luật, nghị định về công tác xã hôi, từ thiện xã hội là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh cần có kế hoạch, phương châm hoạt động cụ thể có tính chất lâu dài như trong Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh đã đề ra. Cần quy tụ được các cá nhân, tổ chức có lòng hảo tâm, không vụlợi, không vì danh tiếng. Không chỉ cứu trợ, từ thiện theo cách thụ động (cung cấp thực phẩm….) mà còn cần phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết chăn nuôi, trồng trọt làm chủ cuộc sống, không lệ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác.

TS Nguyễn Thị Quế Hương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXHVN
ThS. Nguyễn Ngọc Thúy
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

***

Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh
2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, (2022). Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2022-2027) của GHPHVN tỉnh Hà Tĩnh. Tài liệu phục vụ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
3. Nguyễn Quang Hồng, (2021). “Quá trình phục hưng Phật giáo trên địa bàn hai tỉnh nghệ An, Hà Tĩnh trong 20 năm đầu thế kỷ XXI”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4. Tr 3-12.
4. Nguyễn Thị Quế Hương, (2021). Tôn giáo với hoạt động từ thiện xã hội ở Việt Nam hiện nay. Nhiệm vụ cấp bộ do Viện Nghiên cứu Tôn giáo chủ trì.
5. Trần Hồng Liên (2010), Tìm hiểu chức năng xã hội của Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp. HCM.
6. Lê Bá Trình, Trần Thị Kim Oanh, Trần Văn Anh.(2017). Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện. Nxb Tôn giáo.
7. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, (2015). “Phát huy giá trị của tôn giáo nhằm xây dựng và nâng cao đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay„đề tài cấp Nhà nước, TS. Nguyễn Quốc Tuấn, chủ nhiệm, Hà Nội, Tài liệu lưu hành nội bộ tại Thư viện, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
8. https://hatinh.gov.vn/vi/gioi-thieu/tin-bai/2988/gioi-thieu-chung-ha-tinh truy cập ngày 28/12/2022
9. Tìm hiểu Kinh pháp cú (Dhammapada) của Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Diệu Phương Xuất Bản, 2006 đăng trên https://thuvienhoasen.org/a1175/14-tu-vo-luong-tam-tu-bi-hy-xa; ngày đăng 21/05/201012:00
10. http://mattran.org.vn.
11. https://phatgiao.org.vn
12. https://vbgh.vn

Chú thích
[1] https://hatinh.gov.vn/vi/gioi-thieu/tin-bai/2988/gioi-thieu-chung-ha-tinh  truy cập ngày 28/12/2022
[2] https://hatinh.gov.vn/vi/gioi-thieu/tin-bai/2988/gioi-thieu-chung-ha-tinh  truy cập ngày 28/12/2022
[3] Nguyễn Quang Hồng, (2021). “Quá trình phục hưng Phật giáo trên địa bàn hai tỉnh nghệ An, Hà Tĩnh trong 20 năm đầu thế kỷ XXI”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4. Tr 3-12.
[4] Báo cáo Tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh. Lưu hành nội bộ.
[5] Nguyễn Quang Hồng, (2021). “Quá trình phục hưng Phật giáo trên địa bàn hai tỉnh nghệ An, Hà Tĩnh trong 20 năm đầu thế kỷ XXI”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4. Tr 3-12.
[6] Tìm hiểu Kinh pháp cú (Dhammapada) của Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Diệu Phương Xuất Bản, 2006 đăng trên https://thuvienhoasen.org/a1175/14-tu-vo-luong-tam-tu-bi-hy-xa; ngày đăng  21/05/201012:00 SA
[7] Cũng xem: https://phatgiao.org.vn/tu-vo-luong-tam-la-gi-tu-bi-hy-xa-la-the-nao-d27136.html, bài đăng tải Thứ năm, 25/05/2017|11:42 và https://thuvienhoasen.org/a1175/14-tu-vo-luong-tam-tu-bi-hy-xa; ngày đăng  21/05/201012:00 SA..
[8] Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, (2022). Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2022-2027) của GHPHVN tỉnh Hà Tĩnh. Tài liệu phục vụ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
[9] Tổng hợp từ: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, (2022). Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ (2017-2022) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ (2022-2027) của GHPHVN tỉnh Hà Tĩnh. Tài liệu phục vụ Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
[10] Tổng hợp từ: Báo cáo Tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh. Lưu hành nội bộ.
[11] Tổng hợp từ: Báo cáo Tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh. Lưu hành nội bộ.
[12] Tổng hợp từ: Báo cáo Tình hình kết quả công tác tôn giáo năm 2022 của mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh. Lưu hành nội bộ.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường