Nền tảng tinh thần của vương quốc Bhutan và những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại
Bhutan là vương quốc Phật giáo Kim Cương thừa cuối cùng trên thế giới.
Ba bậc thầy vĩ đại đã để lại dấu ấn tâm linh sâu sắc nhất ở Bhutan là đức Phật, đức Liên Hoa Sinh và đức Zhabdrung Rinpoche. Đức Liên Hoa Sinh được tôn kính như vị Phật thứ hai bởi vì Ngài đã trao truyền giáo lý Phật giáo từ Ấn Độ đến với Bhutan và nhiều vùng miền khác trên dãy Himalaya vào thế kỷ thứ VIII. Thánh tăng Zhabdrung Rinpoche đã thống nhất các vùng miền và thiết lập nên vương quốc Bhutan vào năm 1626, với mong nguyện điều hành đất nước dựa trên những lời dạy của đức Phật, để đem lại lợi lạc tới cho tất thảy người dân.
Là một đất nước Phật giáo Kim Cương thừa, những tự viện, học viện hay am thất Phật giáo do nhà nước hay do tư nhân quản lý đều được trì giữ và có tầm ảnh hưởng to lớn. Nhà nước cùng nhân dân phật tử đều nhiệt thành hết mực hộ pháp cho chư tăng, ni. Xã hội Bhutan vẫn mang trong mình niềm tin sâu sắc đối với giáo lý của Phật giáo Kim Cương thừa và trở thành lối sống thường nhật của người dân. Các tự viện và chốn mật thất ẩn tu rất phổ biến. Phật giáo được giảng dạy nơi học đường. Người dân dành một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để thực hành chuyên nhất giáo pháp.
Theo một kết quả từ cuộc khảo sát toàn dân về việc sử dụng thời gian vào năm 2015, trung bình một người dành khoảng 36 phút mỗi ngày để trì tụng mật chú, cầu nguyện hay hành thiền. Con số trung bình này tăng lên đến khoảng 2 giờ 25 phút đối với những người trên 60 tuổi (Center for Bhutan and GNH Studies, 2015 – kết quả từ Trung tâm Nghiên cứu Bhutan và GNH, năm 2005). Kết quả này cho thấy, người dân dành nhiều thời gian cho những hoạt động tâm linh hơn khi họ về già.
Lãnh đạo
Xin hãy tìm hiểu đôi chút về phương thức lãnh đạo ở Bhutan. Hình mẫu lãnh đạo đến từ triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến Quốc vương và những nhà lãnh đạo trong nước (Karma Ura 2010). Theo dòng lịch sử, khắp châu Á, những bậc quân vương đều hướng tới lý tưởng của một nhà lãnh đạo Phật giáo. Ví dụ điển hình là các bậc Chuyển luân Thánh vương (Sanskrit: Chakravartin), một bậc Thánh vương cai trị toàn cầu. Hình ảnh về một nhà lãnh đạo thực hành Phật pháp đã truyền cảm hứng cho các đời quốc vương của Bhutan. Các vị đã nỗ lực sống và điều hành đất nước theo những giáo lý giác ngộ, ví như “Mười phẩm chất của một vị Quân vương” trong những bài pháp thoại của đức Phật.
“Mười phẩm chất của một vị Quân vương” có thể được áp dụng cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào ở mọi thời đại. Đó là từ bi tâm, sự quảng đại, chính trực, hạnh tri túc, không tà niệm, bất bạo động, nhẫn nại và tùy thuận nhu cầu, lợi ích của người dân (Rahula, 1959-2001, tr.84-85). Thêm nữa những đức tính cao quý trong sáu công hạnh Ba la mật như: Tâm quảng đại, tính kỷ luật, nhẫn nại, sự bền bỉ, chính niệm và tuệ giác cũng giúp cho nhà lãnh đạo mang lại lợi ích vô số cho người dân. Chuyển luân Thánh vương hay một mẫu hình lãnh đạo theo giáo lý Phật giáo, là hiện thân của đức Bồ tát Quán Thế Âm tràn đầy bi mẫn, trăm ngàn mắt, trăm ngàn tay. Ngài ban trải từ bi tâm tới hết thảy chúng sinh đang trầm chìm trong nỗi thống khổ và gieo những duyên thù thắng để dìu dắt chúng sinh tới bến bờ giải thoát (Walter, 2009). Từ bi và trí tuệ của Bồ tát Quán Thế Âm là những phẩm chất và lý tưởng mà những bậc quân vương và những nhà lãnh đạo mong ước thực hành theo.
Trong Phật giáo Kim Cương thừa, một nhà lãnh đạo ít nhất cần có ba phẩm chất là bi, trí và dũng. Một nhà lãnh đạo, dù là bậc quân vương hay quan lại đều phải có hiểu biết toàn diện về khổ đau và con đường đến với an lạc đích thực. Tri thức uyên bác và quyền lực sẽ không mang lại lợi lạc đích thực nếu thiếu từ bi và trí tuệ. Chỉ có từ bi tâm mới dẫn dắt nhà lãnh đạo làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh, bao gồm cả loài người và động vật. Trong một thế giới ngày càng đòi hỏi chuyên môn hóa và tri thức cao độ, một nhà lãnh đạo không thể thông thạo được hết mọi lĩnh vực. Nhưng bất kể nhà lãnh đạo từng được đào tạo trong lĩnh vực gì, phẩm chất căn bản nhất phải có là tâm từ bi. Nhà lãnh đạo có tình thương yêu chân thực với mọi chúng sinh, gồm cả con người và loài vật, là bản chất của triết lý lãnh đạo trong Phật giáo. Phẩm chất lãnh đạo này nơi các đời vua đã góp phần hình thành phương thức lãnh đạo giác ngộ ở Bhutan.
Phương thức quản trị
Bất kể chế độ lãnh đạo nào, kể cả Phật giáo, dù có trí tuệ tới mức nào, cũng không thể tạo ra được sức ảnh hưởng dài lâu trừ khi tầm nhìn của nhà lãnh đạo được chuyển hóa thành thể chế chính trị. Trong quản lý xã hội, mọi giá trị mà người dân mong muốn cần được lưu giữ trong cơ cấu quản trị và phát triển, với các chính sách và mục tiêu rõ ràng cùng với phương thức đánh giá lại những mục tiêu và chính sách đã ban hành.
Trong một quốc gia mà Phật giáo là quốc giáo, giá trị căn bản kiến tạo các chính sách phát triển cần phù hợp với triết lý về kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh. Dựa trên tuệ giác căn bản của Phật giáo: “Tất thảy chúng sinh đều mong có được hạnh phúc và an lạc”, cho nên giá trị quan trọng nhất của Bhutan là hạnh phúc, không phải giá trị vật chất như GDP. Trong tri kiến của Phật giáo, hạnh phúc của mọi chúng sinh đến từ một đời sống nội tâm an bình.
Lý tưởng về một chính phủ dựa trên cả khoa học và Phật giáo của Bhutan được áp dụng vào thực tiễn dựa theo chỉ số GNH (Gross National Happiness - Tổng Hạnh phúc Quốc dân), được khai sáng bởi đức vua đời thứ tư (nhiệm kỳ 1972-2006). Mô hình GNH được áp dụng lên các chương trình và kế hoạch phát triển trọng điểm. Nội hàm của GNH rất đa dạng bao hàm cả những nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của con người. Mô hình GNH ngày một mở rộng và các chính sách, chương trình hỗ trợ, được dựa trên chín chỉ số. Chín chỉ số này lần lượt là:
1. Tinh thần lành mạnh 2. Quỹ thời gian cân đối 3. Tính cộng đồng 4. Sự đa dạng và bảo tồn văn hóa 5. Sự đa dạng và bảo tồn hệ sinh thái 6. Sức khỏe 7. Giáo dục 8. Quản trị tốt 9. Mức sống hoặc điều kiện vật chất.
Đời sống của con người với con người và đời sống con người với mọi loài có mối liên hệ phụ thuộc sâu sắc trên nhiều phương diện. Các chính sách phát triển tập trung vào sức khỏe, giáo dục, quản trị tốt và điều kiện sinh hoạt của người dân, thường được coi trọng trong tất cả các chương trình phát triển. Thế nhưng, theo tri kiến Phật giáo, sức khỏe nội tâm, cách sử dụng quỹ thời gian, tính cộng đồng, bảo tồn bản sắc dân tộc và hệ sinh thái cũng không kém phần quan trọng giúp mang lại một đời sống hạnh phúc trọn vẹn.
Đức vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck từng chia sẻ rằng GNH là “sự phát triển dựa trên giá trị”. Hầu hết các giá trị căn bản của GNH đều dựa trên các nguyên lý Phật giáo. Chẳng hạn, các chỉ số đo lường GNH bao gồm cả các trạng thái tâm thức như từ bi, mãn nguyện và an lạc. GNH còn bao hàm cả đo lường mức độ căng thẳng và sức khỏe tinh thần của người dân. Thời gian hành thiền và cầu nguyện hàng ngày cũng được tính trong thước đo GNH.
Hạnh phúc không chỉ tới từ những điều kiện vật chất mà còn khởi nguồn từ nhiều phương diện khác của đời sống. Cũng như vạn vật phát triển hài hòa với nhau, nhân của hạnh phúc không nên bị giới hạn ở một số điều kiện. Nhu cầu con người rất đa dạng. Đời sống con người liên quan tới nhiều nhân tố như xã hội, tâm lý, kinh tế và văn hóa và những nhân tố này không thể đánh đổi chỉ bằng thu nhập. Khi những nhu cầu trên được đáp ứng, hạnh phúc tự nhiên sẽ tới. Mô hình GNH được bổ trợ bằng các chỉ số tổng hợp để theo dõi ảnh hưởng của các chính sách và chương trình phát triển. Thế nên, việc áp dụng mô hình GNH phụ thuộc rất nhiều vào phản hồi và đánh giá từ những cuộc khảo sát.
Mô hình GNH hiện nay được áp dụng để đánh giá và chỉ đạo các chương trình và kế hoạch của chính phủ, chưa chú trọng đúng mức tới lĩnh vực tư nhân (Center for Bhutan and GNH Studies, 2016). GNH không thể hiệu quả nếu những đóng góp của doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân không phản ảnh đúng vai trò của mình. Trên toàn thế giới, GDP được tạo ra hầu hết bởi những công ty lớn chứ không phải chính phủ, kết quả là những công ty đó thường nắm quyền nhiều hơn nhà nước. Những tập đoạn kinh tế khổng lồ này ảnh hưởng to lớn đến môi trường, cộng đồng, văn hóa và khí hậu hơn là người tiêu dùng.
Trước hoàn cảnh này, Bhutan đã cho ra đời chứng nhận kinh doanh GNH tới các doanh nghiệp và tập đoàn hoạt động tại Bhutan. Với sáng kiến này, chúng tôi bắt đầu chào đón bất cứ tập đoàn nước ngoài nào sẵn sàng tham gia phong trào này. Các doanh nghiệp thông thường có thể chú trọng tới lợi nhuận, doanh thu và sự tăng trưởng mà lờ đi những mối quan tâm quan trọng khác. Thế nhưng, một công ty với triết lý GNH có thể giảm thiểu những khổ đau và tạo ra niềm an vui cho người lao động và người dân nói chung. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp đó không được tàn phá môi trường cũng như không được khơi dậy lòng tham của con người.
Giá trị Phật giáo đối với môi trường và chúng sinh đã hình thành nên triết lý cốt lõi của GNH về sự toàn vẹn sinh thái ở Bhutan. Trong tri kiến Phật giáo, không chỉ con người, mà tất thảy chúng sinh, ai ai cũng đều mong có được hạnh phúc, an vui, bình an và hòa bình. Con người phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, không chỉ vì hạnh phúc của riêng mình mà còn vì lợi lạc của những loài khác.
Khi nhìn lại lịch sử tiến bộ trên toàn cầu về nhân quyền và tự do, chúng ta có thể thấy việc bảo vệ nhân quyền đang ngày có kết quả lớn hơn. Do đó, những sinh mạng bị mất vì chiến tranh, giết chóc và khủng bố đã giảm thiểu một cách đáng mừng. Nhưng bức tranh tiến bộ đó lại không bao gồm đời sống của loài vật, cho dù là loài nuôi hay hoang dã. Số lượng động vật bị giết mổ trên thế giới, thường là vô cùng tàn bạo, đã tăng lên đáng lo ngại trong thời gian gần đây. Theo thống kê, hàng năm, có 66 tỷ gia súc và 84 tỷ những loài khác bị giết hại (Occupy for Animals, 2017). Loài vật sinh ra và bị lấy mạng chắc chắn cũng trải nghiệm những nỗi đau không khác con người. Chúng cũng có tâm lý, hành vi và sự tiến hóa giống như chúng ta. Thực trạng một lượng khổng lồ động vật bị giết hại đáng nhận được sự quan tâm hơn nữa của toàn nhân loại.
Phật giáo đã nuôi dưỡng cách ứng xử của người dân Bhutan đối với môi trường và động vật. Tuy có diện tích nhỏ nhưng Bhutan lại là một trong những quốc gia thực hiện cam kết mạnh mẽ nhất bảo tồn thiên nhiên. Bhutan có một hệ sinh thái vô cùng đa dạng. Theo thống kê, có 5.000 loài thực vật, 200 loại động vật có vú và 700 loài chim. Đất nước đã dành 51% diện tích cho khu vực tự nhiên và môi trường hoang dã (Trích theo: Department of Forests and Park Services, N.d).
Hiến pháp Bhutan cam kết duy trì tối thiểu 60% diện tích lãnh thổ là rừng. Hiện nay, khoảng 72% diện tích đất là rừng bao phủ. Bhutan là đất nước đầu tiên tuyên bố sẽ cân bằng lượng carbon thải ra hàng năm. Cả nước hàng năm chỉ thải ra 2,2 triệu tấn khí carbon nhưng những khu rừng lại có thể loại trừ được gấp ba lần số lượng đó. Những nỗ lực bảo tồn này sẽ không thể thực hiện được ở Bhutan nếu không có sự đồng thuận trên toàn quốc dựa trên những giá trị của Phật giáo.
Phật giáo và sự phát triển của nhân loại
Quay trở lại chủ đề chính của chúng ta, “Đóng góp của Phật giáo đối với sự phát triển nhân loại”. Giáo pháp của đức Thế Tôn về bản chất chỉ dạy cho con người cần sống như thế nào. Đời sống của con người có bản chất vô thường và vô ngã. Trong vô số những lời dạy của đức Thế Tôn, những điều về luân thường đạo lý luôn có liên quan mật thiết đến sự phát triển của con người. Con người chỉ thật sự phát triển khi họ tìm thấy con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau. Ngài dạy rằng, muốn thật sự chấm dứt khổ đau, con người cần có tuệ giác, năng lực thấu hiểu và điều phục các dòng tâm tiêu cực nơi mình. Do thiếu hiểu biết hay thuật ngữ gọi là vô minh, con người thường không thấu hiểu được bản chất của đời sống và vạn vật. Vô minh thực chất có nghĩa là “không thấu hiểu” hay không nhận ra được mối liên hệ phụ thuộc sâu sắc giữa mọi loài trong thế giới.
Theo tri kiến của Phật giáo, con người trải nghiệm đời sống qua ba cửa: thân, khẩu và ý. Tịnh hóa tam nghiệp chính là nền tảng mang lại an vui đích thực trong Phật giáo. Sự phát triển của con người phụ thuộc vào những tiến bộ trong những rèn luyện này. Về thân, thân thể con người trực tiếp điều khiển mọi hành động. Tri kiến Phật giáo Kim cương thừa cho rằng, thân người là nơi lưu chứa các kinh mạch và các nguồn năng lượng, muốn sử dụng và chuyển hóa chúng một cách đúng đắn, đòi hỏi chúng ta phải rèn luyện thân tâm, từ những thực hành đơn giản như kiểm soát hơi thở, yoga tới những pháp tu tập thượng thừa.
Lời nói hay âm thanh là một dạng trải nghiệm khác của con người. Âm nhạc, lời tụng niệm, trì chú và những âm thanh của tự nhiên có sức ảnh hưởng to lớn đến nhận thức và sự an lạc của con người. Sự phát triển của con người cũng dựa rất nhiều vào những âm thanh có năng lực chữa lành những nỗi khổ đau trong tâm con người. Trên hết, trong một xã hội hiện đại khi mà quyền lực của truyền thông ngày một có sức ảnh hưởng to lớn, thì giao tiếp đúng đắn hay chính ngữ càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Về ý, mọi tông phái Phật giáo đều coi trọng bước thực hành nền tảng là giữ tâm chính niệm, trong sáng và tĩnh tại. Dòng tâm thức cần được giải phóng khỏi những tạp niệm. Và giai đoạn cao nhất, theo tri kiến Phật giáo Kim Cương thừa, chính là cảnh giới bất nhị có thể đạt tới qua hai giai đoạn hành trì là giai đoạn Phát sinh và Thành tựu. Các giai đoạn này đòi hỏi năng lực quán tưởng cao độ.
Những hành giả thượng căn giành trọn cuộc đời rèn luyện những phương pháp đặc biệt như Tam mật tương ưng để Thành tựu ở mức độ cao nhất. Thế nhưng, những Phật tử thông thường, theo Phật giáo Kim Cương thừa, ít nhất có thể thực hành thập thiện nghiệp và tránh xa thập ác nghiệp. Đây chính là thước đo của sự phát triển con người cũng như các xã hội ở một số vùng thuộc Himalaya.
Trong Phật giáo, sự phát triển bao hàm cả về vật chất lẫn tinh thần, với điều kiện người đó phải tìm cho mình một lối sống đúng đắn. Lối sống này bao gồm những nhu cầu chính đáng. Sự chính đáng của những nhu cầu này có thể được xác định bằng cách đánh giá khách quan công dụng của chúng và không được mang tính tương đối. Nguyên nhân của suy thoái và những hệ lụy phần nhiều do bởi tinh thần của con người.
Mục đích tu học và rèn luyện trong Phật giáo hướng tới giúp con người có hiểu biêt và chính kiến về bản chất của đời sống. Như vậy tu học và rèn luyện trong Phật giáo là tiến trình điều phục tam độc. Ba độc tham, sân, si thường được minh họa qua hình ảnh: con lợn đen, rắn xanh và gà trống đỏ. Thế nhưng, việc trừ bỏ ba thứ độc này không còn là vấn đề cá nhận mỗi người nữa mà ngày nay những nhà phản biện xã hội đã chỉ ra rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội mà tham, sân, si đang dần được thể chế hóa thông qua các doanh nghiệp, hệ thống sản xuất vũ khí và sự dẫn lối sai lầm của cả hệ thống truyền thông và nền công nghiệp quảng cáo.
Lời kết
Thật đáng khích lệ khi chứng kiến Phật giáo đang được áp dụng ở các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự, các tổ chức cộng đồng, các thiết chế tôn giáo, tổ chức phi lợi nhuận, các trường đại học, doanh nghiệp, diễn đàn và rất nhiều các loại hình tổ chức khác. Phật giáo một lần nữa lại hòa nhập với xã hội và tập trung vào việc xây dựng những điều tốt lành cho cộng đồng. Những đóng góp to lớn của Phật giáo trong lĩnh vực sức khỏe toàn diện, bảo tồn môi trường, cải thiện chính sách quản trị, giải quyết xung đột, cải cách truyền thông và nâng cao nhận thức tiêu dùng chính là những minh chứng lớn nhất.
Chúng ta đang phải đối mặt với một tương lai đầy thử thách và khó khăn với những cuộc chạy đua vũ trang, sự sụp đổ của hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, nghiện ngập, bất bình đẳng, xung đột và sự thống trị mang tính công nghệ của con người. Thế nhưng, là những người con Phật, chúng ta luôn tâm niệm rằng không có gì là bất biến và mọi hoàn cảnh đều có thể chuyển hóa. Những dự định trong tương lai chỉ là những khả năng có thể xảy ra và chúng ta có thể thay đổi tương lai bằng những mong nguyện và giá trị tốt lành.
Phật giáo đã và đang đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển toàn diện của con người và khích lệ mọi người cùng chung tay thực hiện sứ mệnh cao cả này. Chúng ta đang đứng ở trong dòng chảy của một hướng đi tốt lành và chúng ta có thể duy trì tốt bằng cách nuôi dưỡng ba phẩm chất giới - định - tuệ tồn tại sẵn đủ nơi thân tâm mỗi người.
Nguồn: Tsering Tobgay, Buddhist Contributions to Human Development, Journal of Bhutan Studies, Vol 38, Summer 2018. Đây là Bài thuyết trình của nguyên Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay (nhiệm kỳ 2013-2019) tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, Thái Lan. Bài thuyết trình được tạp chí Journal of Bhutan Studies biên tập lại.
CHUYÊN ĐỀ BHUTAN: Chuyên đề được thực hiện bởi dịch giả La Sơn Phúc Cường, sự đóng góp tư liệu và lược dịch bởi Cư sĩ Anh Vũ và Nguyễn Thị Trang (Học viện Tài chính), sự cộng tác của cư sĩ Cát Khánh Công ty Lantours. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2020
Bình luận (0)