Trang chủ Bài viết nổi bật Phật giáo Đại Việt thời vua Lê chúa Trịnh

Phật giáo Đại Việt thời vua Lê chúa Trịnh

Thiền sư Minh Châu Hương Hải có công đức lớn trong việc phục hưng và phát triển phái thiền Trúc Lâm đã bị mai một sau khi nhà Trần mất ngôi. Ngài đã biến chùa Nguyệt Đường thành một trong các Thiền lâm lớn nhất ở Đàng Ngoài.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Thiền sư Minh Châu Hương Hải có công đức lớn trong việc phục hưng và phát triển phái thiền Trúc Lâm đã bị mai một sau khi nhà Trần mất ngôi. Ngài đã biến chùa Nguyệt Đường thành một trong các Thiền lâm lớn nhất ở Đàng Ngoài.

NNC Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

(tiếp theo số 182)

3. Tây Định vương Trịnh Tạc (1653-1682)

Tháng tư năm Đinh Dậu (1653), Trịnh Tạc là con thứ 2 của Trịnh Tráng được cha chọn làm Nguyên súy chưởng quốc chính Tây Định vương, lên nắm quyền ở Đàng Ngoài. Chúa giúp 4 triều vua: Thần Tông, Huyền Tông, Gia Tông và Hy Tông, coi việc chính 25 năm, thọ 77 tuổi. Chúa chuộng tiết kiệm, tỏ giáo hóa, dựng phép tắc, định thể thống, thưởng phạt phân minh, quan lại xứng chức, nhân dân yên nghiệp, công lao, sự nghiệp đáng khen là rất thịnh.(1)

Năm Ất Mùi (1655), vua Lê Thần Tông ban sắc phong chùa Đậu (Pháp Vũ tự) An Nam đệ nhất danh lam – Danh lam bậc nhất của nước Nam.

Năm Bính Thân (1656), ngày lành, mùa thu, Trương tiên sinh tước Văn Thọ Nam ở Nam Đông tạc xong pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cúng vào chùa Ninh Phúc (tức chùa Bút Tháp) xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại(2).

Năm Tân Sửu (1661), quận chúa Lê Thị Ngọc Yên cúng cho chùa Hưng Phúc ở xã Hưng Giáo, huyện Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) 10 mẫu ruộng.

Tháng 10 năm Quý Mão (1663), Chúa nhắc lại 44 điều giáo hóa dân chúng, từ đó dân chúng dần dần sửa đổi theo phong tục thiện.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2023 Phat giao Dai Viet thoi vua Le chua Trinh 1

Chùa Keo, Vũ Thư (Thái Bình)-Ảnh: Minh Khang

Năm Cảnh Trị thứ 6 (Mậu Thân-1668), phi tần phủ chúa là Nguyễn Thị Ngọc Cảo cúng dường 100 hốt bạc và 3 mẫu ruộng tốt để sư trụ trì tu sửa chùa Đại Khánh, xã Trường Xá, huyện Gia Lương, Bắc Ninh. Đến năm Canh Ngọ (1690), cung tần của chúa Trịnh Tạc cúng dường 11 lạng bạc, 100 quan tiền để trùng tu Phật điện và cúng chùa 2 mẫu ruộng, 1 thửa ao. Có bia ghi lại.

Năm Tân Hợi (1671), đời vua Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc trùng tu chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhưng lại thu hẹp chùa từ 21 tòa nhà (làm năm 1632) còn 13 tòa.

Năm Nhâm Tý (1672), Chúa đem quân đánh chúa Nguyễn Phúc Tần. Sau cuộc chiến đẫm máu này hai bên Trịnh-Nguyễn không còn đánh nhau nữa, chấm dứt Trịnh-Nguyễn phân tranh.

Năm Nhâm Tý (1672), thiền sư Chân Huyền trùng tu chùa Dư Hàng (Phúc Lâm tự), quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đô úy Nguyễn Đình Sách làm quan thời vua Lê Huyền Tông (1633- 1671), ông xin vua cho từ quan để xuất gia về tu tại chùa Phúc Lâm.

Năm Giáp Dần (1674), trụ trì chùa Sùng Đức, núi Hàm Long, xã Yên Lập, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, dựng từ thời Trần là Mộ Đạo khi trùng tu chùa thấy tấm bia cũ do thiền sư Huệ Nhẫn soạn có kể lại lịch sử của chùa. Ông đã trích lục sao lại và biên soạn thành bia “Tứ Tự hồng danh”.

Đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa (1681- 1705), đổi tên chùa An Quốc thành chùa Trấn Quốc. Việc đổi tên này cho thấy vua Lê chúa Trịnh đã thành tâm tin vào Phật giáo, muốn dựa vào Phật giáo để phục hưng lại đất nước sau mấy trăm năm nội chiến tương tàn, đất nước điêu linh, dân chúng khốn khổ.(3)

Có thể nói, dưới thời chúa Trịnh Tạc, Phật giáo Đàng Ngoài phát triển mạnh mẽ. Dòng thiền Lâm Tế truyền thừa theo bài kệ của Trí Bản Đột Không do Chuyết Chuyết thiền sư (1590-1644) hoằng đạo tại chùa Vạn Phúc (Phật Tích) và chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) ở Bắc Ninh đã được các đệ tử Minh Hành và Minh Lương truyền bá khắp vùng Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội hình thành sơn môn Lâm Tế Chuyết Chuyết. Dòng thiền Tào Động do thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1636-1704) và đệ tử Chân Dung Tông Diễn (1640-1711) lan tỏa từ vùng Kinh Môn Hải Dương sang Thái Bình, Ninh Bình lên kinh thành Thăng Long, xứ Đoài, hình thành sơn môn Tào Động Hồng Phúc-Hòe Nhai.

4. Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn (1682 – 1709)

Ông là con trưởng Dương vương, lên trông coi việc chính từ năm 1682. Phò vua Lê Hy Tông giữ chính quyền 26 năm, được vua tôn trọng khác thường, tấu sớ không phải đề tên, vào chầu không phải lạy, lại cho đặt ghế ngồi coi chầu ngay bên tả, đủ các thứ yêu chuộng. Về chính trị thì thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc, cất dùng các anh tài, thành tích trông thấy rõ rệt.

Bia Tu tạo Pháp Vũ tự tại chùa Đậu cho biết Trịnh Căn khi còn chưa lên ngôi chúa đã từng đóng góp tu bổ chùa với quy mô lớn vào năm Dương Hoà 5 (1639) được vua Lê Thần Tông (1649 – 1668) ban sắc phong cho chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” (Danh lam bậc nhất của nước Nam).

Năm Mậu Ngọ (1678), niên hiệu Vĩnh Trị, vua Lê Hy Tông (1676-1705) thi hành chính sách hà khắc đối với Phật giáo, ra lệnh cho các quan trong khắp cả nước bất cứ nơi đâu, tăng, ni dù già dù trẻ đều đuổi hết về rừng. Trong bối cảnh Phật giáo bị đàn áp như vậy, thiền sư Tông Diễn rất đau lòng. Ngài xin Tổ Thông Giác Thủy Nguyệt cho mình rời chốn sơn giã về kinh thành Thăng Long, mong thức tỉnh nhà vua cứu đạo Phật khỏi pháp nạn. Tông Diễn tìm cách gặp vua Hy Tông, với những lời pháp nhũ sắc bén, Thiền sư đã chuyển hóa được vua nhận ra việc làm sai trái của mình và thấy được giá trị sự ảnh hưởng của đạo Phật trong đời sống dân chúng. Vì thế vua đã ban chiếu chỉ thu hồi lệnh trước để tăng, ni, được trở về chùa của mình, tùy duyên giáo hóa chúng sinh.

Năm Nhâm Tuất (1682), tháng 3, thiền sư Hương Hải cùng 50 đệ tử vượt biển từ Đàng Trong ra Bắc. Sau khi điều tra xong, chúa Trịnh Căn cho thầy trò ông tạm ở dinh trấn Sơn Tây rồi đưa ông về dinh trấn Sơn Nam, sai quan trấn Sơn Nam lấy ba mẫu đất làm chùa cho Hương Hải. Chúa rất mến mộ thiền sư Hương Hải, phong chức Vu Áng cùng 2 đệ tử giữ chức Ty sứ và Khố sứ; thưởng 300 quan tiền; mỗi năm được 24 lâu thóc, 36 quan tiền, một phân phiến lịch, một tấm vải trắng. Các đệ tử cũng được ban áo mũ, 12 lâu thóc, 12 quan tiền, vải.

Năm Giáp Tý (1684), thiền sư Chân Nguyên dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Hoa Yên ở Quảng Ninh.

Năm Ất Sửu (1685), vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Căn cho trùng tu chùa Diên Phúc (chùa Viên Quang) còn gọi là chùa Hành Cung ở xã Nam Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định. Ngày nay gọi là chùa Keo Hành Thiện(4).

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2023 Phat giao Dai Viet thoi vua Le chua Trinh 2

Chùa Keo, Hành Thiện (Nam Định) – Ảnh Minh Khang

Theo bia đá khắc năm Bính Dần (1686), đời vua Lê Hy Tông cho biết: thiền sư Viên Quang có công trùng tu chùa Thiên Trù và sửa sang động Hương Tích trở thành danh lam thắng cảnh của Đại Việt. Bia cũng cho biết 2 vương phi của chúa Trịnh Căn là 2 chị em Mai Thị Cư và Mai Thị Nhiên được Chúa cho đổi họ Đào đã cúng dường tiền của để trùng tu chùa Hương.
Năm Bính Dần (1686), niên hiệu Chính Hòa thứ 7 đời vua Lê Hy Tông, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà chúa Trần Thị Ngọc Am – đệ nhất cung tần của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bia đá còn ghi lại cảnh chùa thật huy hoàng: “… Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao,cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng…”.

Năm Kỷ Tỵ (1689), trùng tu chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Năm Nhâm Thân (1692), thiền sư Chân Nguyên cho dựng Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Động Ngọ (chùa Cập Nhất, chùa Phẩm) ở xã Trần Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Năm Giáp Tuất (1694), Chúa cùng cung tần Phạm Thị Lĩnh, ban tiền cho chùa Long Đẩu, xã Sơn Phúc, huyện Quốc Oai để mở rộng chùa to đẹp trang nghiêm hơn, xây Tam quan, hành lang bên trái, bên phải gồm 26 gian, năm Canh Thìn (1700) hoàn thành công trình, đúc chuông lớn.

Năm Bính Tý (1696), tháng 7, Chúa hạ lệnh nghiêm cấm tả đạo Gia Tô. Đầu năm Cảnh Trị (1663), đã nhiều lần cấm tả đạo Gia Tô nhưng không sao cấm hẳn được. Đến nay, hạ lệnh dò la xét hỏi một cách nghiêm ngặt để trị, phàm nhà thờ đạo, kinh sách đạo, thảy đều phá hủy, để trừ hết đạo dị đoan.(5)

Chùa Càn An, thôn Nam Đồng, xã Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội là danh lam cổ tích, trùng tu năm 1593. Mấy chục năm sau chùa bị hư hoại theo thời gian, các quan viên hương lão cùng dân làng tiến hành trùng tu chùa: xây Thượng điện, Tiền đường, Gác chuông, Tam quan, hành lang, đúc thêm tượng Phật, Bồ tát. Năm Chính Hòa thứ 18 (Đinh Sửu-1697), Giám sinh là Duy Cần soạn bia “Càn An tự bi ký” ghi lại công đức này.

Năm Mậu Dần (1698), đúc đại hồng chung chùa Keo, Thái Bình.

Năm Mậu Dần (1698), Chúa viếng thăm chùa Đậu ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội, có để lại bài thơ chữ Nôm vịnh cảnh chùa:

Thanh quang mẽ mẽ chốn đạo quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cửa mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải quyềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng.
Thịnh đức càng ngày càng hiển đức.
Rành thay rành rạch dấu đăng hương.

(Ngày lành tháng giêng năm Chính Hoà Mậu Dần (1698).(6)

Chúa đến viếng chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) huyện Tiên Du, Bắc Ninh có bài thơ Nôm vịnh cảnh chùa:

Thơ chùa núi Phật Tích
Kiền khôn vạn thiện một bầu đông
Nay nảy siêu nhiên chỉ lạ lùng
Hương vũ trăng thiền soi vặc vặc
Vân sông tiếng ngọc năng boong boong
Từ thanh leo lẻo như long hội
Non nhiễu trùng trùng cẩm tú phong
Luận thế giới này giai cảnh ấy
Có bề quảng đại có linh thông.

Năm Đinh Hợi (1707), trùng tu chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Binh: nền chùa được lát gạch hoặc lót bằng đá xanh, mặt trên được mài bóng.

Đầu thế kỷ XVIII, Chúa cho dựng chùa Tử Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Lúc đầu là hành cung nơi chúa đến nghỉ ngơi, du ngoạn với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm. Sau nâng lên thành chùa. Ngôi chùa mang tên gọi của núi “Tử Trầm sơn”.

Năm Kỷ Sửu (1709), Chúa ra lệnh cấm đạo Thiên chúa.

5. Hy Tổ Nhân vương Trịnh Cương (1709-1729)

Ông là con trưởng của Tấn Quang vương Trịnh Bính, chắt Chiêu Tổ Trịnh Căn. Vua Lê Dụ Tông kính trọng Chúa khác thường, cho tấu sớ không phải đề tên. Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền, của, thuế khóa đặt ra rõ ràng, đầy đủ. Chúa giữ chính sự 20 năm, thọ 44 tuổi.(7)

Năm Nhâm Thìn (1712), tháng 3, Chúa hạ lệnh cấm tả đạo Gia Tô. Triều đình đã nhiều lần ra điều lệnh cấm tả đạo Gia Tô, nhưng quan và dân sở tại tham của đút lót của họ, che giấu lẫn cho nhau, nên đạo ấy lan ra làm người ta mê hoặc mỗi ngày một sâu rộng. Vì thế, triều đình lại định điều lệ ngăn cấm: người nào biết có người theo đạo Gia Tô được phép tố cáo; người theo đạo ấy sẽ phải cắt tóc trên đỉnh đầu, thích vào mặt 4 chữ “Học Hòa Lan đạo”, và phát 100 quan tiền để thưởng cho người tố cáo. Nhưng cũng không sao ngăn cấm được.(8)

Năm Giáp Ngọ (1714), chúa Trịnh Cương nhân đi kinh lý ghé thăm viếng chùa Nguyệt Đường, phát tâm cúng dường cho chùa 1000 quan tiền. Chúa có ngự đề bài thơ sau:

Danh lam từng trải đã hay danh
Trình độ này đã âu hợp chốn trình
Pháp giới chăm chăm tuyên Phật pháp
Kinh lâu rờ rỡ diễn chân kinh
Công nhiều nhà có công vô lượng
Thế thuận vây lên thế hữu tình
Ngán tục chẳng hề mùi tục lụy
Lòng thiền tu cẩn chốn thiền quynh.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải có công đức lớn trong việc phục hưng và phát triển phái thiền Trúc Lâm đã bị mai một sau khi nhà Trần mất ngôi. Ngài đã biến chùa Nguyệt Đường thành một trong các Thiền lâm lớn nhất ở Đàng Ngoài.

Năm Giáp Ngọ (1714), Chúa và thái phi họ Trương xuất tiền của trong kho để trùng tu chùa Hàm Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đúc đại hồng chung, đúc Khánh, tô tượng. Tiến sĩ Nguyễn Quý Đức soạn bia “Hàm Long tự bi ký” ghi công đức đến năm Vĩnh Hựu 1 (Ất Mùi-1735), chúa giao cho chùa 30 mẫu ruộng ở phường Hồ Khẩu.

Năm Đinh Dậu (1717), sư Từ Nhẫn và Chí Thiện cùng thiện nam tín nữ xã trùng tu chùa Phúc Quang, xã Phú Lương, huyện Nam Sách, Hải Dương là ngôi chùa cổ.

Năm Mậu Tuất (1718), Chúa viếng thăm chùa Đậu (Thành Đạo tự, Pháp Vũ tự), làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, làm bài thơ chữ Nôm, đời sau viết trên biển gỗ, sơn son thiếp vàng treo ở chùa. Ngự đề:

Thơ chùa Pháp Vũ
Vô biên công đức dậy lừng danh,
Phơi ngỏ hồ thiên cảnh tứ thanh
Ngọc thỏ một vầng in địa trục,
Bàn long đòi thế mở đồng tranh.
Cầm thông gió quyến khi tuyên pháp,
Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh
Tiết gặp thăng bình nhân thưởng ngoạn
Tuệ quang hay được khí chung linh.

(Ngày 9 tháng 10 năm Vĩnh Thịnh mười bốn (1718).(9)

Chùa Phúc Long (chùa Tĩnh Lự, chùa Thiên Thai) ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh do Trịnh Tráng dựng năm Phúc Thái thứ 6 (1648), sửa lại năm Vĩnh Thịnh. Tháng 3 năm Kỷ Hợị (1719), chúa Trịnh Cương bắt dân 3 huyện Gia Định, Lương Tài và Quế Dương sửa chữa chùa Phúc Long từ năm Giáp Ngọ (1714). Có người nói việc ấy làm nhọc công sức của dân, Chúa bèn bãi bỏ.

Ngày 6 tháng 8 năm Canh Tý (1720), chúa ban bố giáo điều cho trong kinh và ngoài các trấn (gồm 10 điều):

Các cảnh già lam và chùa chiền, từ nay về sau, không được tự ý sáng tạo, tô tượng, đúc chuông. Phàm các tăng, ni hễ ai xuất gia từ bé, tự nguyện tu hành thì mới được ở lại trụ trì. Sư nam, nếu đã đến tuổi thành đinh, thì từ 50 tuổi trở lên mới được làm Tăng. Nếu ở những nơi danh lam cổ tích thì phải đợi lệnh chỉ chuẩn y, cấp cho độ điệp (mới được); còn các chùa khác chỉ cho mỗi chùa một, hai người sư ở lại trụ trì, ngoài ra đều thải về cả. Từ đây trở về trước nếu ai đã cắt tóc đi tu, ăn chay quanh năm thì hãy cứ để yên, không xét hỏi đến nữa. Còn từ nay về sau, phải tuân theo như trong lệnh cấm. Kẻ nào vi phạm, nếu quan địa phương xét ra biết rõ thì sẽ bắt hoàn tục, phải chịu đóng góp tạp dịch với dân để giảm bớt số người lười biếng chơi không(10).

Ngày mồng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1726), phủ chúa Quy định thể lệ về các chùa trong cả nước, về sự chuẩn định cho các sư trụ trì và về việc những người thế tục giúp việc đàn chay. Lại quy định về áo mặc cho các sư theo cấp bậc khi cúng lễ lúc ở thường:

1. Lúc cúng lễ

– Hòa thượng áo màu lục, ao cà sa đỏ, mũ cũng màu đỏ.

– Tăng chính và Tăng phó: áo mặc màu xanh; áo cà sa và mũ đều màu lục.

– Các Tăng chúng, người nào đã được cấp độ điệp: áo thâm, cà sa và mũ đều dùng màu xanh xanh.

2. Lúc trụ trì thường

– Hòa thượng áo màu xanh.

– Tăng chính và Tăng phó áo màu mực đen.

– Tăng chúng áo màu mộc lan, đen nhờ.

Chúa ra quy định: Phàm người thoát ly thế tục mới gọi là sư, đã là sư thì mới nương về tịch độ. Vậy phàm những người xuất gia, ăn chay trường thì đều được miễn hẳn các diêu dịch. Từ nay về sau (những người ấy) được phép trụ trì ở các chùa nơi danh lam thắng cảnh, dâng hương tụng niệm. Còn những người thế rục nào am tường các khoa cúng lễ thì chỉ được phép giúp vào một việc đàn chay sám hối. Lớp các sư cũ, hễ sư nào đã được cấp độ điệp thì mỗi chùa được cấp cho một người: những khi trong dân gian có lập đàn làm chay sám hối thì mới cho (người ấy) đến đàn trường, giúp việc làm pháp sư, chứ không được ở luôn trong bản tự. Ruộng Tam bảo của bản tự và các tiền của (của thập phương) cúng giàng thì cho Tăng thống được hưởng một phần năm. Chùa nào nếu không có sư ăn trường trai trụ trì thì cho dân xã sở tại chọn lấy người trạc 50 hay 60 tuổi trở lên mà không có vợ để trụ trì chùa, cúng lễ Phật. Làm vậy là cốt để lọc trong Phật giáo, và làm cho đạo thường được đứng đắn.(11)

Chùa Kim Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội dựng từ thời Lý, năm 1639 thời chúa Trịnh Tráng chùa được trùng tu. Từ năm 1720-1729, Hòa thượng Huệ Nguyên là Nội thị của chúa Trịnh Giang về đây tu đạo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2023 Phat giao Dai Viet thoi vua Le chua Trinh 3

Chùa Kim Liên (Hà Nội) – Ảnh Minh Khang

Năm Nhâm Dân (1722), thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) trụ trì chùa Long Động, Quảng Ninh, được triệu vào cung lập đàn chay Tiến Phúc và được sắc phong làm Tăng thống Chánh Giác Hòa thượng.

Năm Giáp Thìn (1724), Chúa truyền mở rộng phạm vi chùa Nguyệt Đường, Hưng Yên vì cơ sở hành đạo này đã trở nên chật hẹp. Lúc bấy giờ thiền sư Như Nguyệt, đệ tử của Hương Hải, đứng ra trùng tu xây dựng chùa. Chúa Trịnh Cương cho đo đất xung quanh chùa, thêm vào hơn 50 mẫu. Công việc xây dựng kéo dài trong nhiều năm mới hoàn thành.

Ngày 16 tháng 8 năm Đinh Mùi (1727), Trịnh Cương sai Trần Đình Ngọc làm chùa Thiền Tây Thiên ở huyện Tam Dương, Vĩnh Yên; sai Bùi Nhân Dục làm chùa Độc Tôn ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.(12)

Khi tuổi đã về già, Chúa đi tuần du không có tiết độ. Nhiều lần sai bọn hoạn quan chia nhau đi sửa dựng các chùa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để phòng bị khi đi du ngoạn. Cổ Bi huyện Gia Lâm là một địa điểm nổi tiếng vùng Kinh Bắc tiếp giáp với Như Kinh-quê của Trương thái phi-mẹ đẻ Trịnh Cương nên chúa thường tuần du đến xã ấy. Vì mê hoặc về thuyết phong thủy, Chúa muốn dời phủ đệ đến ở đất này. Chúa sai xây dựng phủ đệ mới, công việc một tháng phải hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành.

Năm Mậu Thân (1728), thay đổi ngạch tô thuế ruộng đất công một lần nữa theo hướng mở rộng nguồn thuế khóa một cách triệt để hơn. Ngay cả ruộng Tam bảo của nhà chùa chỉ miễn trừ một số nhất định như chùa nhỏ ở xã trừ 1 mẫu, đại danh lam trừ 24 mẫu, tiểu danh lam trừ 12 mẫu.

Ngày 25 tháng 4 năm 1728, phủ Chúa vâng lệnh truyền rằng: phàm các quan và dân trong cả nước, hễ ai có việc chiêu đê và làm tượng Phật ở các chùa để cầu phúc thì cho phép dùng gỗ và đá, chứ không được tô tượng Phật bằng đất hay làm tạp nham các tượng khắc bằng đất. Nếu ai dùng đồng để đúc tượng thì phải xin phép bề trên. Làm vậy là cốt để cho đạo Phật được trong sáng.(13)

Sắc phong thiền sư Từ Sơn Hành Nhất (1681- 1737) Tăng thống Tịnh Giác Hòa thượng (trụ trì đời thứ 3 chùa Tào Động Hòe Nhai).

Trịnh Thập (1696-1733) là em chúa Trịnh Cương. Ông được vua Hy Tông gả công chúa thứ tư và phong tước quan khi rất trẻ. Sau, ông xin phép chúa cho mình xuất gia và khai sáng chùa Liên Tông, mở đạo tràng ở chùa Hàm Long, Bắc Ninh. Ông theo học thiền sư Chân Nguyên được ban pháp danh Như Trừng Lân Giác. Ngài xuất gia và trụ thế không lâu nhưng đã để lại di sản to lớn là sáng lập và phát triển sơn môn Liên Tông và các tác phẩm Phật học như Ngũ giới quốc âm, Phật tâm luận.

Còn tiếp…

NNC Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 11.2023 Phat giao Dai Viet thoi vua Le chua Trinh 4

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường