PGs Ts Triết học Nguyễn Đức Diện Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022
Tóm tắt: Sự ra đời của Phật giáo Đại thừa không chỉ phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội xã hội Ấn Độ cổ, trung đại thời kỳ ấy, mà còn là sự thích ứng với tinh thần thời đại. Triết lý Phật giáo Đại thừa với tôn chỉ "mọi người sinh ra đều bình đẳng về tính Phật", đều có khả năng "thành Phật". Nghĩa là, mọi người đều có quyền hưởng thụ tín ngưỡng tôn giáo. Giác ngộ không dựa vào dòng họ cao, thấp mà dựa vào phẩm hạnh nông hay sâu. Sự ra đời của tư tưởng Đại thừa được xem như một phong trào chấn hưng giá trị nhân văn trong triết lý và tiến trình lịch sử phát triển của Phật giáo. Từ khóa: Phật giáo, Đại thừa, Tiều thừa, Bồ Tát, A La hán Phân loại ngành: Tôn giáo học
1. Mở đầu:
Vào khoảng hơn 100 năm (sau Công nguyên) sau khi Phật Thích Ca nhập cõi Niết bàn, Phật giáo có sự phân chia Bộ phái. Nguyên nhân của sự phân chia Đại thừa và Tiểu thừa là do bất đồng ý kiến giữa các chư tăng trong việc hiểu và giải thích kinh Phật. Từ đây, tăng đoàn Phật giáo chia làm hai: Phái của các vị trưởng lão gọi là Thượng tọa bộ (Theravađa). Phái này chủ trương bám sát kinh điển, giữ nghiêm giáo luật, phật tử chỉ giác ngộ cho riêng mình và thờ đức Phật, mong chứng quả La Hán. Phái chiếm số đông (Đại chúng - Mahasanghika) chủ trương không chấp vào kinh điển, khoan dung trong việc thực hiện giáo luật, thu nạp rộng rãi tất cả những ai muốn quy y, giác ngộ, giải thoát cho mọi người, thờ nhiều Phật, nhân vật lý tưởng là Bồ Tát. Qua các lần kết tập (3,4) phái Đại chúng soạn ra kinh sách riêng và lấy tên là Đại thừa (Mahayana), nghĩa là cỗ xe lớn (chở được nhiều người) và gọi phái Thượng tọa là Tiểu thừa (Hynayana), nghĩa là cỗ xe nhỏ (chở được một người).
Bài viết tập trung phân tích Vai trò của các Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa qua Kinh Hoa Nghiêm.
2. Vai trò của các Bồ tát trong Phật giáo Đại thừa
Khi Phật giáo phát triển thành tôn giáo, tăng đoàn (sangha) ngày càng đông, đức Phật đã khuyến khích mỗi người đi về một hướng để truyền bá đạo lý. “Cùng với tăng đoàn, Phật cũng đi khắp lưu vực sông Hằng giáo hóa cho mọi người không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Những ai có khả năng xuất gia tu hành và dìu dắt kẻ khác đều được thu nhận vào tăng đoàn. Những người muốn hướng thiện, song còn bận bịu với gia đình và xã hội đều được chấp nhận làm phật tử tại gia. Phật phá bỏ những tín ngưỡng thần linh vu vơ, chỉ rõ sai lầm trong cách nhận định chân lý, cải tạo những tập tục xấu hại như giết súc vật để cúng tế, cầu đảo. Phật cũng mạnh dạn chống đối chế độ giai cấp lạ kỳ bất công có nguồn gốc từ kinh điển Bà La Môn”(1). Chủ trương “khuyến khích mỗi người đi về một hướng để truyền bá đạo lý, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, người nào có khả năng xuất gia tu hành và dìu dắt kẻ khác đều được thâu nhận vào tăng đoàn…” cho thấy, triết lý giác ngộ của Phật giáo vừa kế thừa tinh hoa văn hóa Ấn Độ, vừa đáp ứng những đòi hỏi của đời sống tôn giáo, của thực tiễn xã hội.
Thực tiễn đã chứng minh, những cuộc chấn hưng trong lịch sử tôn giáo thế giới nói chung, Phật giáo nói riêng đều có xu hướng đề cao tính tự do, tự tại, không câu nệ vào giáo lý cũng như ngôn ngữ tôn giáo. Nghĩa là, thông qua thực tiễn xã hội, giáo lý Phật giáo được giải thích rộng thêm, hoặc bổ sung nội dung mới, từ đó mở ra khả năng tham gia của các phật tử vào những hoạt động vượt giới hạn tu dưỡng tâm linh của Phật giáo. Quá trình thế tục hóa làm cho các tôn giáo chủ động “nhập thế” hơn, ngược lại, “nhập thế” cũng làm cho quá trình thế tục hóa diễn ra nhanh hơn. Điều đó cho thấy, “nhập thế” phải đồng thời đáp ứng hai yêu cầu: thứ nhất, giáo lý cần có sự bổ sung, “làm mới” cho phù hợp với quan niệm về thế giới và nhân sinh, thứ hai, Giáo hội Phật giáo mà trực tiếp là các tăng, ni, phật tử tích cực tham gia vào những hoạt động “vượt giới hạn tu dưỡng tâm linh của Phật giáo”, nhưng vẫn giữ được tinh thần của Phật.
Lịch sử tồn tại và phát triển của Phật giáo từ thời Nguyên thủy đến Phật giáo Bộ phái rồi đến Phật giáo Đại thừa đã chỉ rõ, cùng với sự biến động của lịch sử, thì Phật giáo cũng đã có sự thay đổi theo dòng lịch sử. Sự ra đời của Phật giáo Đại thừa giúp cho triết lý Phật giáo ngày càng đa dạng hơn, đúng như tác giả Cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa viết: “Phật giáo Đại thừa ra đời không gì khác hơn là nhằm thích ứng với tinh thần thời đại, luôn thể hiện tính tích cực, phong trào quần chúng và chủ trương đưa Phật pháp về cứu cánh giải thoát”. Nếu Phật giáo Nguyên thủy chủ trương bám sát kinh điển, giữ nghiêm Giáo luật, phật tử chỉ giác ngộ cho riêng mình và thờ đức Phật, mong chứng quả La Hán, thì Phật giáo Đại thừa lại chủ trương khoan dung trong việc thực hiện giáo luật, thu nạp rộng rãi tất cả những ai muốn quy y, giác ngộ, giải thoát cho mọi người, thờ nhiều Phật, nhân vật lý tưởng là Bồ tát. Thậm chí, Phật giáo Đại thừa còn chủ trương ai cũng có thể thành Phật nếu biết giác ngộ. Tinh thần ấy phản ánh đúng tư tưởng của Phật khi còn tại thế. Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có tính Phật” (Nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật tính), nghĩa là Phật và chúng sinh có cùng tính Phật, có cùng bản thể, đều có khả năng thành Phật.
Đầu Công nguyên ở Ấn Độ hình thành một xu hướng mới của Phật giáo và khác hẳn với Tiểu thừa ngay từ trong tiền đề xuất phát của nó(3). Nhận thức mới của Phật giáo Đại thừa không chỉ ở việc suy xét các luận điểm vốn được coi là phổ biến trong giáo lý nhà Phật về giải thoát, mà còn liên quan chặt chẽ đến hình ảnh Bồ Tát (theo tiếng Sanscrit nghĩa là giác ngộ chúng sinh) với vai trò chủ thể của tha lực trong quá trình vận hành “cỗ xe lớn” đó.
Thứ nhất, số lượng các Bồ tát trong Đại thừa không bị hạn chế(4), bởi những ai tin vào Phật và trải qua sự tu luyện tinh thần đều có thể trở thành một trong số những vị Bồ Tát.
Thứ hai, nội hàm của khái niệm Bồ Tát cũng được xét lại một cách toàn diện. Bồ Tát trở thành một trong những hình tượng trung tâm của Đại thừa, nói đúng hơn là hình tượng tôn giáo lý tưởng của Đại thừa. Bồ Tát của Đại thừa được coi như một sinh thể trải qua tất cả các giai đoạn hoàn thiện để đi tới giác ngộ, nhưng lại không nhập Niết bàn bởi Ngài sự thấu hiểu nỗi đau của tất cả các chúng sinh. Ngài chấp nhận ở lại chốn luân hồi để làm vơi nỗi đau của tất cả chúng sinh, đồng thời giúp họ được giải thoát.
Trong các kinh điển Đại thừa, Bồ Tát được sánh với người hào sảng, luôn chia sẻ những cái nhỏ nhất như thức ăn cho người khác. Bản tính của Bồ Tát là đại hạnh, đại trí, đại bi, đại nguyện..., tức là những phẩm chất cho việc thực hiện ý niệm vốn có về giải thoát mọi phiền não của trần thế, đồng thời còn biểu hiện như một người hướng đạo cho những đối tượng có đức tin chân chính vào Phật để đạt tới chân lý tối thượng là giải thoát. Đại thừa dựa trên quan niệm về Tam Phật độ, cho rằng: “1. Pháp tính độ - Độ của tự tính thân, tức là lý chân như. Thân độ này và thể tuy không sai biệt nhưng tướng tính chẳng giống nhau, cho nên lấy giác tướng năng tri làm Phật (tức thân), lấy pháp tính sở tri làm độ; 2. Thụ dụng độ - tức quốc độ mà báo thân thụ dụng, là do tịnh thức tương ứng với đại viên kính trí biểu hiện ra và tương tục tới hết thời vị lai, lấy sắc vô lậu làm thể…; 3. Biến hóa độ - quốc độ mà biến hóa thân ở, dựa vào Đại từ bi lực thành sở tác trí, ứng với sơ địa trở xuống cho đến hết thảy phàm phu, hoặc hiện Tịnh độ, hoặc hiện Uế độ”(5). Tam Phật độ được hiểu là ba cấp độ của Bồ Tát đạo: thực hiện tròn đầy hai điều lợi – lợi mình và lợi người mà thành Phật quả. Đó chính là vai trò đạo đức của Bồ Tát trong giải thoát luận của Đại thừa.
Nội dung cơ bản của Bồ Tát đạo là phát triển bồ đề tâm, tức tu bồ đề tâm, làm cho ba tâm thái (trực tâm, thâm tâm và đại bi tâm) được sinh khởi, phát triển, trưởng dưỡng, thành thục và viên mãn. Tuy nhiên, sự viên mãn đó không phải là sự kết thúc của một quá trình tu bồ đề tới mức hiểu một cách giản đơn là ngừng lại hay chấm dứt; cũng không phải là tiếp tục, mà viên mãn là hoàn toàn siêu thoát và tự tại với thời gian và không gian. Bởi lẽ, “con đường Bồ Tát đạo gọi là viên mãn khi tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn… Vì hạnh nguyện này vô biên, vô lượng, không bao giờ cùng tận, do đó hạnh giác tha cũng trở nên vô biên, vô cùng… đến khi nào chúng sinh được độ hết rồi, nghiệp của chúng sinh cũng đã cạn dứt, phiền não của chúng sinh cũng trừ sạch… lúc ấy nguyện độ sinh của tôi [đức Phổ Hiền] kết thúc. Nhưng chúng sinh, cho tới nghiệp và phiền não không bao giờ hết sạch, do đó nguyện độ sinh này cũng chẳng hề dứt…”(6). Vậy cảnh giới mà Bồ Tát đạt tới đỉnh cao của quá trình tu bồ đề là viên mãn mang tính siêu việt, nằm ngoài không gian và thời gian là gì? Trong kinh Hoa Nghiêm định nghĩa cảnh giới đó là “tam muội” (samadhi). Tam muội không chỉ là mục đích của tu bồ đề, mà còn là phương pháp.
Gọi tam muội là mục đích bởi nó bao hàm cả chân không lẫn diệu hữu. Hai cái này đối lập nhau: diệu hữu là cái hữu phi hữu, tức cái có mà không phải là có; còn chân không là cái không phi không, tức cái không mà không phải là không. Chân không là cảnh giới tuyệt đối vốn siêu việt động tịnh, chính là nơi các A La Hán đạt tới. Trong khi đó, những kẻ phàm tục lại sống trong chân không và vũ trụ nhị nguyên.
Sở dĩ gọi tam muội là phương pháp là vì phiền não của chúng ta không bao giờ chấm dứt, nghiệp chướng vẫn còn, nếu chúng ta cầu xin A La Hán thì ngài không bao giờ nghe thấy, còn Bồ Tát với năng lực đại trí, đại hạnh đã động lòng đại bi (đại bi tâm) đã giúp chúng ta có thể vừa sống trong cõi chân như tuyệt đối, vừa tự tại trong vũ trụ nhị nguyên.
Một hiện tượng tam muội được hiện ảnh trên mặt nước và có khả năng tương tác, tương nhập với vạn cảnh, tạo nên sự diệu hữu trong kinh Hoa Nghiêm gọi đó là “Hải ấn tam muội”. Chẳng hạn, “trong cơn tam muội, Bồ Tát thấy có một cõi nước nào đó không có Phật, hoặc không có chính pháp (năng lực thấy biết); ngài bèn thị hiện thành một vị Phật ở cõi đó để thuyết pháp (năng lực tương tác, tương nhập):
Hoặc có cõi nước không có Phật, Nơi đó (Bồ Tát) thị hiện thành chính giác. Hoặc có quốc độ không biết pháp, Bồ Tát thuyết cho kho diệu phá(7).
Năng lực tương tác, tương nhập của Bồ Tát là sự tự tại với nhân duyên, do đó mọi việc ngài làm đều “chẳng có phân biệt, chẳng máy động”, nhưng khi chúng ta tập trung vào một niệm, thì sự thị hiện của ngài “biến ở mười phương”. Năng lực tự tại của ngài được thể hiện ở sự biến hóa trong không gian, tương tự như mặt trăng ứng hiện trên vô số mặt nước, cùng một lúc chúng ta có thể thấy trăng in ở bất kỳ chỗ nào có nước.
Sự thị hiện đó có thể là:
“Hoặc hiện thanh văn và độc giác, Hoặc hiện thành Phật, phổ trang nghiêm, Như thể khai xiển Tam thừa giáo(8), Rộng độ chúng sinh vô lượng kiếp. Hiện thân đồng nam hoặc đồng nữ, Thiên, long, với lại a tu la, Ma hầu la già, và các bộ,(9) Tùy họ thích gì thì hiện đó. Hình tướng chúng sinh đều khác biệt, Việc làm, lời nói cũng vô lượng, Những thứ như thế đều hiện được”(10).
Với sự thị hiện tự tại thần diệu như vậy, Bồ Tát đã dùng tới “vô lượng phương tiện dạy chúng sinh”, nhưng tâm của ngài vẫn “chẳng có phân biệt, chẳng máy động”.
Để có những năng lực siêu việt như vậy, Bồ Tát trải qua một quá trình tu đạo theo hướng phát bồ đề tâm, tức là đặt mục tiêu vào con đường tu tu giác ngộ, sau đó làm việc hóa độ chúng sinh. Nếu không phát bồ đề tâm mà làm mọi thiện hạnh thì đó không phải là nghiệp thiện, mà là nghiệp ma. Do đó, phát bồ đề tâm đòi hỏi phải hun đúc trong lòng một khuynh hướng kiên định. Kinh Hoa Nghiêm đã vẽ ra một lộ trình gồm 52 chặng đường tu chứng, đó là: thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và các bước tiến tu.
Thứ nhất, Thập tín là chặng đường đầu tiên của Bồ Tát đạo về phát tín tâm. Chặng đường này không phải dành cho bất kỳ đối tượng nào, mà chỉ dành cho những ai có căn lành. Nghĩa là những người có chí hướng tu bồ đề tâm, quyết vì tín tâm mà xả bỏ mọi thứ một cách dễ dàng như tài sản, thậm chí cả thân mạng. Như vậy người có căn lành mới có khả năng gặp Phật hay Bồ Tát, Thánh tăng, hình ảnh của các ngài gây ấn tượng trong khối óc và con tim, đó là tiền đề dẫn dắt người tu hành đi tới giác ngộ. Theo Kinh Hoa Nghiêm, “đó là sơ phát tâm thủy thành chính giác, nghĩa là bắt đầu từ đó chúng ta thành Phật, tức có một ông Phật trong tâm ta rồi và dùng đức hạnh nuôi tâm ta”.
Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, “Hành bồ tát đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, lấy niềm tin làm chuẩn. Đức Phật dạy niềm tin là mẹ sinh ra tất cả công đức lành. [Cho nên] bước đường tu của chúng ta trong giai đoạn thập tín nhằm xây dựng niềm tin mình cho vững chắc ở Tam bảo… Theo Bồ Tát đạo, chúng ta không tu một mình, phải có Bồ Tát quyến thuộc là những người tốt, Bồ Tát mười phương nhiếp trì, các ngài cảm đức mà đến với chúng ta”.
Thứ hai, Bồ tát thập trụ là khái niệm dùng để chỉ ngôi vị tu hành của Bồ Tát kiến đế trở lên, nhưng xét theo 52 chặng (tương ứng với 52 ngôi vị) thì Bồ Tát thập trụ đứng sau Bồ Tát thập tín với 10 cấp bậc từ thấp lên cao. Bồ Tát thập trụ gồm: Sơ phát tâm trụ, Trị địa trụ, Tu hành trụ, Sinh quí trụ, Phương tiện cụ túc trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ và Quán đảnh trụ. Trong đó có thể nêu một số trụ chủ yếu như: Sơ phát tâm trụ là bậc thứ nhất của Bồ Tát thập trụ thể hiện sự quyết tâm một lòng hướng đến vô thượng đẳng giác, tức là giác ngộ chân lý một cách cao nhất không ai có thể sánh được; Trị địa trụ, là sự lập hạnh Bồ Tát, tiến sang bước thứ hai để khởi tâm thương xót chúng sinh, không giận không thù oán với bất kỳ ai, kể cả những người hại mình; Tu hành trụ, là tinh thần an trụ, không rời bỏ pháp Phật. Chú tâm vào việc học Phật pháp để thâm nhập vào Không môn hay Thiền môn, sống với chân tâm, không để tâm rơi vào tình trạng vọng tâm. Mặt khác, Phật dạy chúng ta không chỉ trụ vững trong Phật pháp, mà mọi hoạt động sống phải “tùy duyên” như Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thể hiện trong bài “Cư trần lạc đạo phú”, nó hoàn toàn phù hợp với tông chỉ của Hoa Nghiêm:
“Tùy thuận thế duyên vô quái ngại, Niết bàn sinh tử đẳng không hoa”.
Chính tâm trụ là vượt qua mọi thử thách, cản trở trên bước đường tu bồ đề để vững tâm ở Phật đạo; Đồng chân trụ là đạt tới cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, làm cho đức hạnh của Bồ Tát không ai sánh bằng, bởi mọi việc làm của ngài xuất phát từ chân tính thanh tịnh, không cần giữ lời, giữ ý mà lời nói, ý tứ luôn thanh tịnh, tác động cho người an vui, v.v.
Thứ ba, là Bồ Tát thập hạnh. Trải qua Bồ Tát thập tín với tín niệm vững vàng vào Phật pháp, đến Bồ Tát thập trụ chú trọng tới vấn đề thiền định để tâm được yên trụ vững chắc ở Phật pháp, chuyển sang giai đoạn thứ ba đức Phật dạy thập hạnh là chính hạnh của Bồ Tát, tức các pháp dành cho những người có phúc đức, trí tuệ. Thập hạnh gồm: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ, Phương tiện, Nguyện, Lực và Trí.
Bố thí là hạnh đứng đầu trong thập hạnh của Bồ Tát. Sự bố thí không chỉ có tài sản, mà cả bản thân của Bồ Tát; bố thí mà không cầu danh lợi, cho mà không chấp, không nghĩ bởi ngài có trực giác. Mục tiêu của Bồ Tát là đưa người đáng được bố thí, tức là người có duyên đến Vô thượng Bồ đề. Đó là Bồ Tát thể hiện tính vị tha, lợi tha vì mục tiêu cứu giúp người mà không vì một chút quyền lợi riêng nào. Đó là tinh thần vô ngã.
Trì giới là pháp tu thứ hai của Bồ Tát hạnh. Kinh Hoa Nghiêm lấy thập thiện giới làm chính để giúp cho ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được thanh tịnh, trong đó tập trung chủ yếu vào ý nghiệp, bởi vì khi ý nghiệp được thanh tịnh thì thân nghiệp và khẩu nghiệp cũng thanh tịnh theo. Ý nghiệp mà thanh tịnh thì sẽ trở thành người ít dục, tri túc, nhìn sự vật chính xác hơn, vì không tham nên lòng không bực tức và buồn phiền. Trong quá trình hành đạo, Bồ Tát luôn thận trọng cân nhắc để không làm tổn hại chúng sinh. Nếu bất đắc dĩ phải hy sinh một người để làm lợi cho số đông thì Bồ Tát coi đó là món nợ mà ngài phải trả.
Nhẫn nhục trong quá trình hành Bồ Tát đạo là đức kiên nhẫn, có mục tiêu rõ ràng để thành Phật và cứu nhân độ thế. Nếu thiếu đức tính kiên nhẫn, bỏ nửa chừng do chán nản thì công lao xây dựng bị mất trắng. Hòa thượng Thích Trí Quảng cho rằng, “chỉ sợ mình sai trái, không sợ người hiểu sai. Hiểu sai thì hiểu lại, càng thương mình hơn. Chúng ta nhịn chịu để sau độ họ, không phải nhịn để họ gõ đầu chơi. Phật dạy Bồ Tát phải lập chí kiên trì giữ đạo, nguyện độ chúng sinh, không thay đổi”.
Tinh tiến là hạnh siêng năng, không sợ gian khó, chỉ lo sợ không đủ tài đức để hành Bồ Tát đạo. Thiền định là phép tu hành Bồ Tát đạo làm cho tâm yên tĩnh. Trí tuệ là hạnh thứ sáu trong thực hành Bồ Tát đạo, là kết quả của quá trình học tập giáo pháp, suy tư trong thiền định và đi vào đời giúp người. Thiền định và trí tuệ luôn song hành với nhau bởi “tu định không trí là tà định; tu trí thiếu định là phiền não trí”. Vì vậy, theo Hòa thượng Thích Quảng Đức: “Trong 6 pháp ba la mật, tôi chủ trương đi ngược, tức phải có trí tuệ và bình tĩnh mới bố thí, nhẫn nhục, tinh tiến đạt kết quả tốt. Bình tĩnh, sáng suốt, cộng thêm ba nghiệp thanh tịnh, cùng một số quyến thuộc giỏi tốt, hành Bồ Tát đạo nhất định thành công”…
Thứ tư, là Bồ Tát thập hồi hướng. Theo kinh Hoa Nghiêm, ngồi yên một chỗ mà tâm tác động cho muôn loài phát tâm Bồ đề là hồi hướng. Tu hồi hướng là sự nỗ lực đầu tư vào ba vấn đề chính: đầu tư về trí tuệ, đầu tư cho pháp giới chúng sinh và đầu tư cho chân như thật tướng. Theo đó: Hồi hướng Vô thượng Bồ đề là dốc toàn lực, toàn tâm để phát triển hiểu biết. Vì vậy “mục tiêu của Bồ Tát là nâng trình độ tri thức đến độ cao nhất. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian không có gì Bồ Tát không biết… Bồ Tát Tăng phát huy trí tuệ càng cao, quả chứng càng lớn. Mọi việc, đất đai, chùa chiền… có thể bỏ, nhưng phải giữ trí tuệ, trí tuệ còn là còn tất cả”.
Hồi hướng pháp giới chúng sinh là hồi chuyển pháp giới mà mình đã tu hành tới chúng sinh. Theo đó, “tu hồi hướng pháp giới chúng sinh, bao nhiêu thiện căn công đức chúng ta đều gửi vào tâm chúng sinh thì không bao giờ mất. Phật pháp cửu trụ cũng ở dạng này. Và chúng ta tu được cũng nhờ đức Phật hồi hướng pháp giới chúng sinh”. Hồi hướng Vô thượng Bồ đề và hồi hướng pháp giới chúng sinh có quan hệ tương hỗ ở chỗ, để có hiểu biết chính xác thì Bồ Tát phải trải qua văn tư tu không ngừng nghỉ, lấy đó làm trí tuệ để giáo hóa chúng sinh, đến lượt mình, Bồ Tát lại nhờ giáo hóa chúng sinh mà tăng thêm hiểu biết. Và, “khi thành tựu được hai pháp hồi hướng Vô thượng Bồ đề và pháp giới chúng sinh, Bồ Tát phải xả bỏ tất cả để thực hành pháp hồi hướng chân như thật tướng… Xả tất cả, trở về với chân như thật tướng, Bồ Tát trở thành biểu tượng cao quý, đến đâu cũng mang an lạc cho mọi người, thể hiện vô trụ xứ Niết bàn”(11).
Hồi hướng chân như thật tướng là buông bỏ mọi thành quả để hướng nội, tìm về cội nguồn chân như tâm. “Sống với chân như tâm là chân thật bất hư, như như bất động… Và từ chân như tâm, tùy nhân duyên, Bồ Tát hiện thân tướng khác nhau, làm việc khác nhau. Nhưng duyên hết, việc hết, còn tâm chân như muôn đời không thay đổi”(12).
Bồ Tát còn lấy tự giác và giác tha làm mục đích tối thượng của sự phát triển Bồ đề tâm. Đó là điểm tích cực của Bồ Tát trong việc thực hiện vai trò cứu độ chúng sinh. Tuy nhiên, sự bố thí, hồi hướng cũng thể hiện mặt hạn chế nhất định, đó là đối tượng được bố thí và hồi hướng lại không phải là tất cả chúng sinh, mà là những đối tượng có căn tính và cơ duyên tốt mới được thụ hưởng những điều đó.
3. Kết luận
Vai trò của Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa có sự khác biệt với A La hán của Tiểu thừa ở chỗ giải thoát cho bản thân và chúng sinh, kể cả chúng sinh trong cõi Sa bà. Song, sự lựa chọn đối tượng để cứu độ rõ ràng là mâu thuẫn với chủ trương giải thoát cho tất cả chúng sinh khổ đau của Phật giáo nguyên thủy.
Hình ảnh Bồ Tát và con đường tu Bồ Tát đạo trong giáo lý Đại thừa suy cho cùng, là sự phản ánh năng lực đại trí, đại bi của Phật giáo đối với chúng sinh cả nơi cõi phàm tục, là sự khuyến khích con người tinh thần hướng thiện và vị tha đối với kẻ không tốt với mình. Nghiên cứu vai trò của Bồ Tát trong Đại thừa Phật giáo giúp chúng ta có cách nhìn cuộc đời lạc quan hơn, yêu đời và yêu người một cách chân thành hơn.
PGs Ts Triết học Nguyễn Đức Diện Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 3.2022 ***CHÚ THÍCH: (1) Thích Thiện Châu (1988), Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp Trúc lâm Thiền viện. 9 Rue de Neuchatel 91140 Villebon sur Yvette. Tel. (1) 60.145815, FRANCE. (2) Nguyễn Quang Cư (2014), Cơ sở hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 7 (133). (3) Trong thời kỳ phân chia các bộ phái, tức một trăm năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni qua đời, Đại chúng bộ đã phát triển lập trường của Phật giáo nguyên thủy theo hướng duy tâm chủ quan, cho rằng thế giới vạn pháp chỉ là giả tạm, do đó mang tính ảo ảnh, chỉ có tâm mới là duy nhất. Tuy nhiên, bản tâm không phải là bất biến, bởi khi nó tiếp xúc với “khách trần” tự nó sẽ không còn trong sạch, thanh tịnh, mà trở nên vọng tâm (tâm sai biệt). Do đó, giải thoát không ngoài mục đích làm cho tâm trở về với bản tính trong sạch, thanh tịnh (“tâm tính bản tịnh”) vốn có của nó. Lập trường này là cơ sở lý luận để Phật giáo Đại thừa phát triển thành hệ thống lý luận duy tâm khá sâu sắc và hoàn chỉnh. (4) Trong Phật giáo Tiểu thừa, các Bồ Tát những đối tượng xuất hiện trước thời điểm giác ngộ, trong đó có cả Thích Ca Mâu Ni khi chưa đạt tới sự viên giác, do đó số Bổ Tát không vượt quá 24. (5) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1994). Từ điển Phật học Hán – Việt, tập II, Hà Nội, tr.1319-1320. (6) Kinh Hoa Nghiêm (2003). Phẩm Hiền Thủ, Đường đạo vô biên, Thích Hằng Trường (dịch và lược giải), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr.189-190. (7) Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hiền Thủ, Đường đạo vô biên Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hiền Thủ, Đường đạo vô biên, sđd, tr. 202-203. (8) Tam thừa giáo: giáo pháp Tam thừa gồm: Thanh văn thừa, tức Tiểu thừa; Duyên giác thừa, còn gọi là Trung thừa; Đại thừa, còn gọi là Bồ Tát thừa. (9) Ma hầu la già: là một trong 8 Bộ chúng, là một pháp môn thân phổ môn thị hiện của Đức Đại Nhật Như Lai. (10) Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Hiền Thủ, Đường đạo vô biên, sđd., tr. 205. (11) Hòa thượng Thích Trí Quảng (2000): Lược giải kinh Hoa Nghiêm, Nxb TP Hồ Chí Minh, tr. 59.
Bình luận (0)