TT.Thích Thiện Hạnh Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

LTS: Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất “mỹ tục khả phong”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng; nơi khởi dựng cơ đồ của thủy tổ Việt Nam- Kinh Dương Vương, nơi phát tích vương triều Lý- Triều đại khai mở và xây dựng nền văn minh Đại Việt. Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với nền Văn minh sông Hồng. Luy Lâu từng là trung tâm kinh tế, chính trị, tôn giáo (Phật giáo) cổ xưa nhất ở Việt Nam. Bắc Ninh cũng là tỉnh có nhiều ngôi chùa cổ kính, nơi gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chào mừng Đại hội IX GHPGVN, Tạp chí NCPH trân trọng giới thiệu bài viết tổng quan về quá trình xây dựng và phát triển Phật giáo tỉnh Bắc Ninh.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Phat Giao Bac Ninh 40 Nam Hinh Thanh Va Phat Trien 1

Sơ lược lịch sử

Trong lịch sử Trung tâm Luy Lâu là nơi đầu tiên có trường dạy chữ, và hệ thống di tích, chùa tháp, với trung tâm là chùa Dâu cùng nhiều nguồn di vật, tài liệu như tượng pháp, bia ký, bản khắc Cổ Châu Pháp Vân và lễ hội chùa Dâu, lễ hội Phật giáo lớn nhất trong đồng bằng Bắc Bộ với các nghi lễ Tắm Phật, rước Tứ Pháp, rước nước… chứng tỏ Luy Lâu là tổ đình của Phật giáo Việt Nam và kết tinh văn hóa Việt Nam cổ với văn hóa Phật-Ấn, Nam Á và Trung Á, văn hoá Nho Lão (Trung Hoa- Đông Á) để rồi sinh thành bản sắc văn hoá Kinh Việt.

Đến thời Ngô Quyền, Giao Châu gồm các vùng phía nam sông Hồng và sông Đuống, thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, một phần Hưng Yên. Các vua thời Lý lập Phủ Thiên Đức (vốn là châu Cổ Pháp). Bắc Ninh là đất phát tích nhà Lý- triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử- văn hoá kiệt xuất như: Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, Lý Thường Kiệt... Đây là nơi vang vọng bài thơ Nam quốc sơn hà - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ khác nhau, địa phận Bắc Ninh cũng có nhiều biến đổi, sau hoà bình lập lại năm 1954, tỉnh Bắc Ninh nói chung và thị xã Bắc Ninh nói riêng tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế suốt quá trình xây dựng chính quyền nhân dân và chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Bắc Giang trên cơ sở hai phủ Đa Phúc, Lạng Giang tách ra từ tỉnh Bắc Ninh.

Vào năm 1963 tỉnh Bắc Ninh được sát nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Mặc dù không còn vị trí tỉnh lỵ như trước đây (lúc đó Bắc Giang trở thành tỉnh lỵ của tỉnh mới sát nhập), nhưng thị xã Bắc Ninh vẫn là một trung tâm kinh tế xã hội quan trọng của Hà Bắc, nhất là trong mối quan hệ giao lưu với thủ đô Hà Nội.

Tháng 10/1962, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Hà Bắc(1). Đến tháng 11/1996, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn chia tách tỉnh Hà Bắc, tái lập hai tỉnh Bắc Ninh(2) và Bắc Giang. Bộ máy hành chính tỉnh Bắc Ninh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 đến nay.

Chùa Tổ, Bắc Ninh - Ảnh: Minh Khang

Thời kỳ 1975- 1981

Sau đại thắng mùa xuân 1975, Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc tiến lên CNXH, Phật giáo Việt Nam đã hóa thân vào vận hội mới của dân tộc. Năm 1981, Hội nghị thống nhất 9 hệ phái(3) tổ chức Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức Phật giáo duy nhất là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với tăng, ni, phật tử Việt Nam.

Sự ra đời Phật giáo tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh- Bắc Giang)

Nhìn lại trong 40 năm, sau ngày Đại hội Thống nhất Phật giáo toàn quốc thành công mỹ mãn và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Bắc đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo tỉnh nhà, ghi đậm nét son vàng trên trang sử Phật giáo nước nhà thời hiện đại, điều này thể hiện trọn vẹn sứ mạng thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước nói chung, và tại tỉnh nhà nói riêng quy về một mối, trở thành một tổ chức Giáo hội Phật giáo duy nhất, sau hơn một ngàn năm phân tán và hoạt động rời rạc.

Từ khi thành lập đến nay, toàn thể tăng, ni, phật tử đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, phát huy tính sáng tạo, chúng ta dễ dàng nhận thấy Phật giáo tỉnh nhà thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, thông tin truyền thông, quan hệ quốc tế…; đời sống sinh hoạt tu học của tăng, ni, phật tử ngày càng được nâng cao; cơ sở thờ tự và hệ thống giáo dục Phật giáo ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại; tăng, ni, phật tử được tạo điều kiện ra nước ngoài học tập hay thuyết giảng; các đạo tràng tu học Phật pháp được tổ chức quy củ, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh; chất lượng tu học của tăng, ni, Phật tử và hoằng pháp ngày càng được nâng cao; công tác từ thiện đóng góp thiết thực vào đời sống an sinh xã hội. Những thành tựu vượt bậc này là nền móng cho sự phát triển bền vững của Giáo hội, đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường niềm tin đạo pháp của tăng, ni và Phật giáo đồ trong và ngoài tỉnh.

Chùa Dâu, Bắc Ninh - Ảnh: Minh Khang

Tính từ ngày thành lập đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh đã trải qua 8 nhiệm kỳ, với hai giai đoạn lịch sử (trước và sau khi chia tách tỉnh Hà Bắc thành: Bắc Giang và Bắc Ninh năm 1996) gánh vác trọng trách lãnh đạo điều hành của BTS. Theo dòng thời gian, sự ổn định và phát triển của Giáo hội ngày càng vững chắc, thể hiện qua những thành tựu phật sự trong mỗi nhiệm kỳ. Điều này minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Giáo hội, tinh thần hòa hợp đoàn kết của Chư tôn đức tăng, ni và tinh thần phát huy sáng tạo, sâu sát thực tiễn và đổi mới phù hợp trong điều hành phật sự của Chư tôn đức lãnh đạo BTS qua từng nhiệm kỳ và qua từng giai đoạn lịch sử.

Phật giáo tỉnh Bắc Ninh kế thừa và vận dụng

Trong giai đoạn chuyển giao và kế thừa vận dụng lèo lái Phật giáo tỉnh Bắc Ninh Hòa thượng Thích Thanh Sam, với cương vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, ngài đã uyển chuyển vận dụng từ bi, trí tuệ một cách linh hoạt, diệu dụng để ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Bắc Ninh từng bước đi vào hoạt động hanh thông trôi chảy. Trong giai đoạn này hình thành bộ máy hành chính Giáo hội với cơ cấu nhân sự đầu tiên của GHPGVN tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là giai đoạn khởi đầu thành công nhất trong công cuộc xây dựng hình thành ngôi nhà Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, là bước đầu hình thành bộ máy hành chính của BTS Phật giáo cấp huyện, thị xã, thành phố diễn ra suôn sẻ, êm đẹp, trên tinh thần nhất quán vì lợi ích đạo pháp và dân tộc, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Chùa Đại Bi, Bắc Ninh - Ảnh: St

Hằng năm, nhân những ngày đại lễ của Phật giáo như: Phật đản, Vu lan, lễ hội, đón bằng di tích... là dịp để Giáo hội tuyên truyền đạo đức, lối sống cho đồng bào phật tử, hướng dẫn mọi người sống “tốt đời, đẹp đạo”, triển khai nhiều hoạt động phật sự, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào phật tử và nhân dân, tạo nên diện mạo mới cho Phật giáo tỉnh nhà trên tất cả các mặt: Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, hướng dẫn phật tử, từ thiện xã hội…Hiện nay, các chùa trong tỉnh thành lập các đạo tràng, CLB, lớp học giáo lý cho thanh thiếu niên phật tử, tạo sân chơi cho giới trẻ tu tập và tìm hiểu Phật pháp. Vào nhũng dịp hè, các khoá tu “Hiểu và Thương”, “Thắp sáng niềm tin- Ươm mầm tuổi trẻ”, “Hành trang vào đời”... được mở để hướng dẫn các em những bài học về đạo làm người, có cuộc sống lành mạnh, hướng thiện, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trong các nhiệm kỳ vừa qua, nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc nói chung và Phật giáo nói riêng, Phật giáo tỉnh đã triển khai những chương trình hoạt động như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “tăng, ni, phật tử hiến máu tình nguyện, hiến máu khẩn cấp”, “Bếp ăn/Nồi cháo tình thương”, “Bánh mì từ thiện”, “Áo ấm mùa đông”, “Kệ đồ cũ cho người khó khăn”, “Lớp học tình thương”, cưu mang, nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ, mồ côi, bất hạnh, bảo trợ cho các cháu được đi học và sống tại một số chùa... để giúp đỡ những mảnh đời còn khó khăn. Nhiều chùa thường xuyên trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, khám và cấp phát thuốc miễn phí, xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho người tàn tật, thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh, các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Trong nhiệm kỳ mới, nhiệm vụ hoạt động phật sự lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Đại hội Phật giáo tỉnh đã suy cử 51 thành viên tham gia BTS, Thượng tọa Thích Thanh Phụng được suy cử làm Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Trong suốt chiều dài lịch sử, với sự thay đổi tên gọi hành chính khác nhau đã chứng tỏ vai trò trọng yếu của Bắc Ninh trong lịch sử dân tộc và văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa và truyền thống Phật giáo nói riêng, Bắc Ninh mãi là một miền quê ''địa linh nhân kiệt".

TT.Thích Thiện Hạnh Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Nghị quyết của Quốc hội khóa II ngày 27-10-1962. (2) Nghị quyết của Quốc hội khóa IX ngày 6-11-1996. (3) Thống nhất 9 Hệ Phật: 1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; 2. Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; 3. Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; 4. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; 5. Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam; 6. Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ; 7. Giáo hội Tăng già phái Khất sĩ Việt Nam; 8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thiên Thai Giáo quán tông; 9. Hội Phật học Nam Việt.