Khi phố phường Hà Nội thắp lửa đỏ rực bởi phượng vĩ chan hòa và tím ngăn ngắt sắc bằng lăng nhẹ dịu, đó là khi mùa hạ chính thức đặt những bước chân đầu tiên, thật khẽ; cũng đồng thời báo hiệu một mốc thời gian khiến tất cả phật tử chúng ta háo hức chờ mong, đón đợi… Xuân qua hè tới, mùa của rộn rã niềm vui và rưng rưng niềm xúc động: mùa Phật Đản, lại về!
Đối với mỗi người, ngày Phật Đản lại mang một ý nghĩa khác nhau và đối với tôi, Phật Đản chính là tiếng gọi thiêng liêng để “trở về”: Trở về với chốn an yên sau bão giông cuộc đời, trở về với miền đất tâm linh vô giá mà nhiều khi ta bỗng lãng quên...
Bước chân vào sân chùa với hương hoa đại dịu nhẹ, ta đắm mình trong không gian thơm hương thảo mộc, thơm tới thức tỉnh tâm can và ngắm nhìn sân chùa được thiết trí trang nghiêm nhưng không kém phần rực rỡ với cờ phướn bay phấp phới trong nắng hè. Đài Quán Âm vẫn êm đềm nép mình dưới hàng cây xanh ngát, mái chùa vẫn lặng lẽ với tiếng chuông nhẹ bay vào thinh không.
Âm vang tiếng vọng hồng chung
Gọi người thức tỉnh thoát vòng u mê
Hồng chung ngát ý bồ đề
Chuông ngân thanh thoát đường về bến hoa.
Chốn thiền môn luôn đem đến cho ta cảm giác thư thái và bình yên vô cùng! Hồng trần dù có muôn vạn nẻo sầu nhưng ta trở về đây với những bước chân nhẹ tênh đến lạ kỳ. Khoảnh khắc khi ta đứng giữa sân chùa hay đối trước Tam bảo, kính cẩn chắp tay bạch trước tôn tượng của đấng Từ Phụ và khẽ nói: “Thưa Cha, chúng con đã trở về” và nghe lòng nhẹ lặng, cảm nhận cả không gian như quyện cùng làn hương trầm và câu Kinh, nhịp mõ… Khi ấy, ta thấy tâm mình như “trở về” với bản thể tinh khôi và bồi hồi nhớ lại cuộc đời của đấng Thế Tôn đáng kính!
Vào ngày Rằm tháng Tư Âm lịch hằng năm, khắp nơi lại tưng bừng tổ chức lễ kỷ niệm ngày đức Phật Đản sinh, để ghi nhớ công đức của đức Phật, Người thị hiện nơi cõi ta bà này với một mục đích duy nhất: Khai thị chúng sinh, ngộ nhập Phật tri kiến. Người xuất hiện giữa cõi đời đầy ô trược này vì hạnh phúc và an lạc của chư Thiên và loài người; dựng đứng lại những gì đã xiêu vẹo, khai mở những gì đã bị che lấp.
Người thị hiện giữa chốn nhân gian như để dẫn lối cho chúng sinh quay về con đường thanh lương, con đường của sự giải thoát.
Sự xuất hiện của đức Thế Tôn như vầng thái dương sáng lòa, như làn gió mát thổi qua những trưa hè oi bức, làm dịu lại những chặng đường tử sinh, như tiếng nói làm chấn động cung ma, như tiếng rống của sư tử quét sạch bao sân si, phiền não bám víu nơi thân tâm này. Đức Phật đã dùng cung thiền định, kiếm trí tuệ vung lên chặt hết mê tình từ vô thủy kiếp, hùng dũng tung ra khỏi vạn trùng lưới vô minh, đưa chúng sinh vượt thoát bể khổ trầm luân. Và sự xuất hiện này đã đi ngang qua dòng chảy của thời gian hơn 2500 năm, ấy vậy mà những hình ảnh, những tư tưởng, những thông điệp mang trong mình chất liệu của từ bi và tuệ giác ấy vẫn luôn chảy về trong tâm thức của tất cả những người có duyên với Người và cả thế gian này.
Rất tĩnh lặng. Rất một mình. Đức Phật gõ cửa nhân gian, đến với chúng sinh bằng trái tim trinh nguyên, trong sạch vô ngần. Như một người Cha đứng nơi cửa nhà chờ đợi những đứa con của mình trở về rồi nhẹ nhàng nói: “Mấy đứa con về rồi đó à…” cùng nụ cười trìu mến, thân thương!
Để rồi đến ngày Phật Đản, sau bao ngày ngụp lặn trong biển khổ trầm luân, ta như chợt tỉnh cơn mê, nhớ về đấng Từ Phụ. Nâng gáo nước thơm rồi nhẹ nhàng rưới lên tôn tượng của đức Phật. Ta nâng niu, trân trọng từng chút một bằng tất cả sự kính trọng của một người con dành cho người Cha của mình.
Vì ẩn chứa trong lễ tắm tượng Phật có ý nghĩa rất thiêng liêng, cao cả. Dâng hoa và nước chỉ là hình thức bên ngoài, hàm chứa trong đó là bài học ý nhị mà đức Thế Tôn truyền trao: Phật tính vốn luôn hằng hữu trong mỗi chúng sinh nhưng lại bị bụi bặm của phiền não, tham sân che lấp. Nên mỗi dịp Phật Đản, mỗi lần tắm tượng Phật là cơ hội chúng ta tìm lại tự tính thanh tịnh bên trong mỗi người. Phải dùng hoa trí tuệ, hương thơm đức hạnh qua dòng nước từ bi gột rửa tâm mình để Phật tính hiển lộ. Đó mới là ý nghĩa thực sự của lễ tắm tượng Phật.
Vì vậy, mong tất cả những ai đã có duyên đặt chân đến cửa chùa, xin hãy tìm cách bước vào cửa Đạo, bước tới gần hơn nữa và đứng cạnh bên đức Phật, không phải chỉ bên tượng Phật theo nghĩa đen mà hãy tìm hiểu, lắng nghe, học hỏi và hành trì theo lời dạy của đấng Từ Phụ. Để một ngày nào đó, ta sẽ tìm gặp Phật ngay chính trong “tâm” ta, chứ không chỉ là tôn tượng đức Phật mà ta đã lễ lạy bao lâu nay, vẫn thấy cách xa muôn trùng.
Hãy tập sống bằng sự bao dung và tha thứ, hướng đến đời sống thánh thiện và cập bến giác của sự giải thoát. Rồi tự nhủ với lòng mình: Chỉ có một ngày lễ để cung nghinh đức Phật Đản sinh; nhưng ta có cả một đời, cả một tâm tư để Phật hằng hiện hữu và luôn luôn có một nơi để chúng ta “trở về”, sau những tháng ngày lang thang vô định, trên con đường dài sinh tử luân hồi…
Kính mừng Phật Đản PL.2562!
Tác giả: Kim Tâm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
Bình luận (0)