Pháp là gì? Pháp là nó là nó, nó không là cái khác (nhậm trì tự tính - duy trì được tự tính). Nên các sự vật, hiện tượng trong đời đều gọi là pháp. Do vậy, từ pháp và từ sự vật, hiện tượng có ý nghĩa tương đương nhau, không khác nghĩa gì nhau.
Pháp được chia thành 2 loại: Pháp tục đế và pháp chân đế.
- Pháp tục đế là sự thật thường tình thế gian. Pháp tục đế có 2 là Danh chế định và Nghĩa chế định. Chế định là con người tự đặt tên và gán cho ý nghĩa nào đó. Hay nói cách khác, Pháp tục đế là từ và nghĩa của từ. Từ và nghĩa của từ, được ghép thành câu, thành đoạn văn, thành bài văn, thành tập sách, thành một hệ thống lý luận...
Như vậy những điều chúng ta được học, được nghe, được suy tư, được hiểu... thông qua nhận thức đều là pháp tục đế không phải pháp chân đế. Để tránh nhằm lẫn điều chúng ta hiểu cho là pháp chân đế, nhưng kỳ thật đó chỉ là pháp tục đế.
- Pháp Chân đế là sự thật bản thể, không bị biến đổi bản chất dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, khi nào chúng xuất hiện thì sẽ xuất hiện với tính chất như từ thuở nào: pháp chân đế được chia làm 4: Sắc pháp, Tâm, Tâm sở, Niết bàn. Từ "Sắc pháp", "Tâm", "Tâm sở", "Niết bàn" thuộc pháp tục đế. Còn vật các từ ấy dùng để chỉ đó là Pháp Chân đế.
Chân đế là pháp có thật không thay đổi tính chất dùng chúng xuất hiện trong không-thời gian nào. Pháp tục đế cảm nhận được bằng 6 giác quan. Pháp Chân đế là pháp bản thể nên chỉ thích hợp với những người trí thức thích phân tích sự vật, hiện tượng dưới góc độ mổ xẻ, chia chẻ để nhận thức sâu bản chất con người và thế giới.
Lưu ý, sự hiểu về pháp chân đế, còn đang nằm trong pháp tục đế, không phải là pháp chân đế. Chỉ có các hành giả không còn bị mộng tưởng, điên đảo nữa mới sống thật với pháp chân đế. Có người sống với pháp chân đế nhưng họ không biết gì về môn Vi Diệu Pháp cả.
Vi diệu pháp rất bổ ích cho sự nhận thức về con người và thế giới xung quanh, nhưng có thể làm ta nhầm lẫn giữa người hiểu pháp trong Vi diệu pháp và người giác ngộ pháp.
Hòa thượng Thích Đồng Bổn
Bình luận (0)