Pháp sư Trí Độ đảm nhận vai trò Đốc giáo và giảng dạy xuyên suốt cho trường An Nam Phật học này từ năm 1934 đến 1945. “Vốn từng được huấn luyện về sư phạm, ông đã đưa vào trường An Nam Phật Học lối giảng dạy có phương pháp rất được các học tăng ưa thích”.

ĐĐ.TS. Thích Nhuận Huệ Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định. Giáo Thọ sư trường Trung cấp Phật học Bình Định, trú xứ tại Tu viện Nguyên Thiều. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt: Pháp sư Trí Độ là một danh tăng thế kỷ XX, học hạnh kiểm ưu, đa tài, đóng góp trên nhiều phương diện biên tập, viết bài cho Tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm; làm Đốc giáo giảng dạy tại trường An Nam Phật học, đào tạo ra những danh tăng kiệt xuất, mở trường giảng dạy Phật pháp tại miền Bắc để giữ gìn mạng mạch Phật giáo; thuyết pháp trên khắp vùng miền, mở nhiều lớp đào tạo giảng sư tại chùa Quán Sứ; biên dịch kinh luận, trước tác nhiều tác phẩm rất giá trị; tham gia kháng chiến cứu quốc; đóng góp nhiều phương diện cho Phật giáo miền Bắc với vai trò lãnh đạo; đóng góp trên phương diện ngoại giao giữa các tổ chức Phật giáo trong nước và quốc tế, … Với những đóng góp của ngài trên nhiều lĩnh vực, trong nhiều thời kỳ, trên khắp vùng miền Việt Nam và trên bình diện quốc tế, ngài xứng đáng là ngôi sao Bắc Đẩu trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

DẪN NHẬP

Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX ghi nhận sự kiện nổi bật là nửa thế kỷ đầu xuất hiện phong trào chấn hưng Phật giáo, những thập niên tiếp theo chứng kiến sự thống nhất Phật giáo và những thập niên cuối là sự thống nhất hoàn toàn các tổ chức Phật giáo được đánh dấu bằng sự kiện ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 07-11-1981, từ đó Phật giáo Việt Nam phát triển đi vào chiều sâu và diện rộng. Trong hai phong trào đầu, lịch sử đã ghi nhận những đóng góp to lớn của nhiều danh tăng, cư sĩ dấn thân vào công cuộc chỉnh lý Tăng giới, đào tạo Tăng tài, phát triển tổ chức, biên dịch Tam tạng, trước tác, xuất bản tạp chí, thuyết giảng Phật pháp, xây dựng chùa chiền,… nhằm xiển dương Chánh pháp, bài trừ mê tín, hoằng pháp lợi sanh cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam ngày càng xán lạn.

Trong hai phong trào đầu, ít Danh tăng Phật giáo Việt Nam nào mà có học hạnh kiêm ưu, đóng góp trên nhiều phương diện, trong nhiều thời kỳ, trên khắp vùng miền Việt Nam và trên bình diện quốc tế như Pháp sư Trí Độ.

Tôn ảnh pháp sư Trí Độ

I. THÂN THẾ VÀ THỜI KỲ HỌC TẬP, ĐI DẠY, HỌC ĐẠO

Pháp sư thế danh Lê Kim Ba, bút hiệu Bảo Liên Tử, pháp hiệu Hồng Chân, đạo hiệu Thích Trí Độ, sinh ngày 15 tháng 12 năm 18941 tại làng Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, nay là thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Từ khi thực dân Pháp xâm lược ta, họ từng bước áp đặt nền giáo dục của họ. Tuy nhiên, vì nhân dân ta còn nặng tư tưởng bài Pháp, thêm vào đó hệ thống giáo dục phong kiến vẫn còn đó, nên thực dân Pháp vẫn duy trì nền giáo dục Nho học, chỉ áp đặt nền giáo dục thực dân một cách từ từ, nhằm thu phục tầng lớp sĩ phu và đào tạo ra những con người phục vụ cho sự cầm quyền của họ. Nền giáo dục Nho học và Pháp - Việt tồn tại mãi đến năm 1918 tại Bình Định. Đến năm 1919, nền giáo dục Nho giáo hoàn toàn bị khai tử trên toàn lãnh thổ Việt Nam và nền giáo dục của Pháp trải qua nhiều cuộc cải cách được hoàn chỉnh dần.

Ngài sinh ra trong một gia đình Nho học, và đã thừa hưởng một nền giáo dục “giao thời” nên ngài được học chữ Nho, Pháp văn và chữ Quốc ngữ.

Năm 18 tuổi, ngài thi đỗ vào Collège de Quy Nhơn (trường Cao đẳng Tiểu học).2 Năm 20 tuổi, ngài tốt nghiệp và được bổ đi dạy bậc Ấu học ở trường làng Vĩnh Lưu.3 Chính tại đây, ngài đã làm quen với thầy giáo Võ Trấp (sau khi xuất gia có đạo hiệu Liên Tôn - Huyền Ý), một người học Nho đã thi đậu Tú tài, vừa dạy học vừa chuyên tâm nghiên cứu Kinh tạng. Từ sự giao tình, thường xuyên lui tới, đàm luận Nho học, Phật lý với thầy Võ Trấp nên ngài sinh lòng hâm mộ đạo Phật. Thầy Võ Trấp sau đó đã khuyến tấn, tiến dẫn ngài quy y, học hỏi Phật pháp với người cậu của mình là Hòa thượng Bích Liên, vốn là một Tăng sĩ quảng kiến đa văn về Nho - Thích thời bấy giờ, được ban đạo hiệu Trí Độ.4

Năm 1926, ngài được Hòa thượng Bích Liên đưa đến cầu pháp với Quốc sư Phước Huệ, vốn là một bậc nổi tiếng thông bác Kinh Luật Luận bậc nhất thời bấy giờ, cũng là bạn thâm giao với Hòa thượng Bích Liên. Từ năm 1920, Quốc sư mở lớp dạy Kinh Luật Luận tổ đình Thập Tháp. Năm 1927, đoàn tăng sĩ trẻ của Huế gồm các vị: Mật Khế, Đôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện, Chánh Huy, Chánh Thống, Vĩnh Thừa, Bích Phong, Chỉnh Túc,5… và nữ cư sĩ Cao Xuân Sang (tên thật Hồ Thị Hạnh, sau này xuất gia mang đạo hiệu Diệu Không) đã vào thăm học tại Phật học viện Thập Tháp này. Cùng với các học tăng từ Huế, Ngài đã tham học lớp học này trong bốn năm, từ 1927 đến 1931. Theo sự ghi nhận của pháp lữ đồng học Thích Đôn Hậu thì ngài tu học tinh tấn và là tấm gương sáng đáng nể phục: “Một điều đáng ghi thêm ở đây nữa là trong lớp học tại Phật Học Viện Thập Tháp hồi đó còn có cả thầy Trí Độ, lúc bấy giờ còn là cư sĩ, nhưng sự tu học của thầy rất tinh tấn. Trong các thời công phu sáng chiều, thầy không bỏ sót một thời nào. Thật là một tấm gương sáng cho ta nể vì”.6

Với trình độ thế học sẵn có, cộng thêm sự học hỏi, nghiên tầm giáo điển với nhị vị uyên thâm nội điển, bác lãm Nho giáo, Bách Gia Chư Tử là Hòa thượng Bổn sư và Quốc sư nên chẳng bao lâu, sở học Phật pháp của ngài rất uyên thâm và trở thành một vị học Phật lỗi lạc, được Quốc sư tin tưởng cho phép vừa học, vừa tham gia giảng dạy Phật pháp tại Phật học viện Thập Tháp từ năm 1929.

II. ĐÓNG GÓP CHO TẠP CHÍ TỪ BI ÂM, VIÊN ÂM

Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các pháp hữu như Trí Thiền, Từ Phong, Huệ Quang và các ông Commis Trần Nguyên Chấn, Phạm Ngọc Vinh,… thành lập Hội Nam kỳ Nghiên Cứu Phật Học; trụ sở của Hội đặt tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont, Sài Gòn. Sau khi thành lập, Hội quyết định xuất bản Tạp chí Từ Bi Âm để “đem đạo lý nhà Phật bày giải ra bằng chữ quốc văn, để hầu phổ thông cho khắp mọi người đều hiểu rõ”7 và làm cơ quan vận động, cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Khánh Hòa, chủ nhiệm Từ Bi Âm, liền thân hành ra Bình Định mời Hòa thượng Trí Hải - Bích Liên, vốn là một Tăng tài giỏi thơ văn, uyên bác Nho - Thích, mà ngài phát hiện trong lúc ngài làm Giáo thọ trường hương tại tổ đình Long Khánh - Quy Nhơn năm 1927, vào đảm nhận trọng trách Chánh chủ bút. Từ Bi Âm ra số đầu tiên ngày 24-11 năm Tân Mùi (01-01-1932). Từ Bi Âm phát hành được ba số, thì với sự đề nghị của Hòa thượng Trí Hải, ông Commis Trần Nguyên Chấn đã thay mặt Hội viết thư mời thầy Liên Tôn vào làm Phó chủ bút và mời ngài (cư sĩ Trí Độ) vào làm Trợ bút cho tờ tạp chí.

Trong thời gian cộng tác cho Từ Bi Âm, ngài đã cùng Hòa thượng Bích Liên, Pháp sư Liên Tôn, biên tập nội dung, hình thức cho tạp chí. Ngài đã dịch và chú giải Kinh A Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan Bồn,… có chú thích chữ Phạn.

Viết về Duy Thức trong một loạt bài mà đề tài là Luận Về sóng thức, dịch thơ Phép Lạy Hồng Danh Sám, luận giải Lời thích nghi ba câu hỏi của ông Hà Văn Ngạc… Những bản dịch, bài nghiên cứu này rất sâu sắc, mang tính khoa học cao.8 Có thể nói Từ Bi Âm trở thành tạp chí tiên phong, nổi danh, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, góp phần to lớn cho việc xóa bỏ mê tín, phổ thông hóa Phật học bằng chữ Quốc ngữ thì bộ ba Bình Định: Bích Liên - Liên Tôn - Trí Độ xứng đáng nhận công đầu vậy.

Năm 1934, ngài trở về Bình Định, và sau đó không lâu ra Huế và được mời làm phóng viên9, thành viên trong Ban Biên tập cho Tạp chí Viên Âm10, giảng dạy cho trường An Nam Phật Học. Trên tạp chí Viên Âm, ngài viết 2 bài: Tâm kinh tổng luận và Giá trị thiết thực của nhân sinh.

Chùa Trúc Lâm, Huế

III. ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC TĂNG TÀI CỦA TRƯỜNG AN NAM PHẬT HỌC

Nhằm chấn hưng Phật giáo, năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên cùng các cư sĩ đồng chí hướng như Lê Đình Thám, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân,… thành lập Hội An Nam Phật học, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm Huế. Nhằm tuyên dương Phật pháp, lợi ích cho đời, Hội đã cho xuất bản tạp chí Viên Âm làm cơ quan ngôn luận; tòa soạn đặt tại số 13, đường Champeau, Huế; số đầu tiên ra ngày 01-12-1933. Hội cũng cho thành lập Trường An Nam Phật Học tại chùa Vạn Phước năm 1933. Trường ban đầu thu nhận 50 học Tăng là các điệu có tư chất thông minh, con nhà hiền đức. Trường được dời về chùa Túy Ba năm 1936, rồi lại được chuyển về chùa Báo Quốc vào cuối năm ấy. Pháp sư Trí Độ bắt đầu đảm nhiệm trách vụ Đốc giáo của trường này từ năm 1935, thay cho Thượng tọa Mật Khế viên tịch ngày 10-5-1935. Đến năm 1938, sĩ số học Tăng của trường là 45 vị, và chỉ có 15 học Tăng trong số ấy được nhận học bổng của Hội. Trong số học Tăng của trường, có nhiều vị từ các tỉnh miền Nam tới như Nguyễn Văn Bình (Gia Định), Nguyễn Chí Quang (Trà Vinh), hay ngoại tỉnh thuộc Trung kỳ tới như Phạm Văn Quang (Quảng Bình), Đỗ Xuân Hàn (Quảng Trị), Nguyễn Văn Phương, Trí Hữu (Đà Nẵng), Trí Thuyên (Quảng Ngãi), Tâm Hoàn (Bình Định), Trí Nghiêm (Phú Yên).11

Chương trình giảng dạy của trường An Nam Phật Học được Hội hoạch định từ năm 1934 cho hai cấp Tiểu học (5 năm) và Đại học (5 năm) với đầy đủ Kinh Luật Luận, nghi lễ và ngoại văn (Hán văn, Pháp ngữ). Sau khi tốt nghiệp Tiểu học thì học tăng được thọ giới Sa-di; khi tốt nghiệp Đại học thì học tăng được thọ Tỳ-kheo, và có thể tiếp tục ở lại trường ghi tên vào Lớp tham cứu trong 5 năm để khảo cứu các bộ Kinh Luận Đại thừa, học nghệ thuật diễn giảng và cách thức hành đạo, tham gia giảng dạy và làm các Phật sự của Hội.12

Pháp sư Trí Độ đảm nhận vai trò Đốc giáo và giảng dạy xuyên suốt cho trường An Nam Phật học này từ năm 1934 đến 1945. “Vốn từng được huấn luyện về sư phạm, ông đã đưa vào trường An Nam Phật Học lối giảng dạy có phương pháp rất được các học tăng ưa thích”.13

Nề nếp tu học, quy củ thiền môn, học hạnh của tăng sinh tại An Nam Phật học lúc bấy giờ rất trang nghiêm. Không khí tu học ấy được phản ánh qua lễ đón Cụ Thượng thơ Bộ Giáo dục Quốc dân Phạm Quỳnh trong chuyến thăm trường ngày 19-5-1937. Lễ đón có gần như đầy đủ các vị lãnh đạo của Hội. Khi lễ Phật xong tại Chánh điện, Cụ Thượng thơ xuống lớp thăm học tăng. “Sau hiệu lịnh của thầy Đốc - Học là một nhà rất thâm đạo - lý, biệt hiệu là Trí-Độ, thời toàn trường học sanh đều cất tiếng chào và niệm Nam- mô A-di-đà Phật”.14 Sau khi nhận bó hoa và lời chúc của đại diện học Tăng, Cụ bắt đầu hỏi các điệu về các bài vở chữ Hán các điệu đã làm, và hỏi về lịch sử một vài vị Tổ sư đã có công dịch kinh chữ Pháp ra chữ Tàu. Cụ Thượng thơ sau đó tán thán trình độ tu học của học Tăng và công đức giảng dạy của Ban giảng huấn: “Trường Sơ đẳng Phật học lập ra chưa đầy ba năm mà học sanh đã là được bài chữ Hán, học Kinh Tiểu thừa, lý nghĩa đều đã rõ nhiều lắm. Trong các điệu lên nói chỉ có điệu mười, mười hai tuổi mà thôi, thật đáng khen công đức các ngài dạy dỗ”.15

Năm 1940, Ngài trở vào Bình Định. Tâm bồ-đề chín muồi, lại được sự khuyến khích của Pháp sư Liên Tôn nên Ngài xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Trí Hải tại chùa Bích Liên, quận An Nhơn. Sau đó, ngài đến chùa Thập Tháp tiếp tục cầu học với Quốc sư Phước Huệ trong thời gian ngắn, được Quốc sư ban pháp hiệu Hồng Chân.

Năm 1941, Ngài thọ tam đàn Cụ túc tại chùa Quốc Ân (Huế) do Hòa thượng Đắc Quang làm Đàn đầu truyền giới, giới tử Sa-di có ngài Trí Tịnh.16

Năm 1942, Hội An Nam Phật học cho xuất bản và giới thiệu tác phẩm nghiên cứu của ngài, “Thiện ác quả báo”.17

Ngày 22-02-1943, trường An Nam Phật Học tổ chức thi tốt nghiệp Trung đẳng sau 9 năm học tập, Pháp sư Trí Độ làm trưởng Ban khảo thí. Kết quả thi được xét trên 3 mặt: viết, vấn đáp, học hạnh để tốt nghiệp và lên Cao đẳng thì trong số 50 học tăng, chỉ có 6 vị đủ điểm: Võ Trọng Tường - Thích Thiện Siêu (Huế, Thủ khoa, điểm trung bình: 17.51), Phạm Văn Quang - Thích Trí Quang (Quảng Bình, đtb: 16.74), Nguyễn Văn Bình - Thích Trí Tịnh (Sài Gòn, đtb: 15.44), Đỗ Xuân Hàn - Thích Thiện Minh (Quảng Trị, đtb: 13.22), Trần Trọng Thuyên - Thích Trí Thuyên (Quảng Ngãi, đtb: 12.38) và Nguyễn Chí Quang (Trà Vinh, đtb: 12.40). Bốn người khác đủ điểm thi viết, nhưng thiếu điểm phỏng vấn, phải thi lại để được lên học Cao đẳng là Phạm Hoàng Thơ (Huế, đtb: 13.29), Nguyễn Hương (Sài Gòn, đtb: 12.20), Nguyễn Văn Phương (Đà Nẵng, đtb: 11.55) và Phan Văn Học (Đà Nẵng, đtb: 11.28).18

Trong lễ tốt nghiệp năm ấy, ông Chánh Hội trưởng Ưng Bàng đã ghi nhận công lao đóng góp của Pháp sư Trí Độ như sau:

“Thầy Trí Độ từ khi phát Bồ-đề-tâm làm Đốc giáo của trường, sau biết bao cuộc đào thải và đổi thay, với biết bao nhiêu công phu dạy dỗ đến nay mới đào tạo được sáu vị học Tăng đã thi đỗ lên lớp Cao đẳng. Nếu các đạo hữu đã được xem một bộ Cu-xá-luận, hoặc Quảng-bách-luận, hay Nhiếp-đại-thừa-luận, các đạo hữu sẽ nhận thấy phải biết bao công trình nghiên cứu mới có thể giảng dạy được. Như kỳ nghỉ hè năm trước, vì mượn không được, Thầy phải thân hành vào Nam kỳ để xem lại bộ Cu-xá-luận-ký trước khi giảng dạy, thì đủ rõ công trình nghiên cứu khó nhọc biết chừng nào, nhất là Thầy khi còn phải gắng dạy cho nhiều lớp trong trường.

Chúng tôi nói vậy không phải cốt để tán thán công đức của Trí Độ giữa toàn thể để làm vui lòng Thầy đâu vì chúng tôi đã nhận thấy Thầy đem Bồ-đề-tâm mà làm Phật sự, không nài các sự khen chê; nhưng cốt để cho các thầy học Tăng noi theo gương sáng “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” của Thầy mà gắng sức nghiên cứu kinh điển cho tường tận mà hoằng-dương lại cho tương lai, đừng để cho Pháp môn thâm diệu của Phật một ngày kia phải thất truyền vì không người kế hậu”.19

Năm 1943, Phật học viện Trúc Lâm tổ chức giới đàn, cung thỉnh Hòa thượng Đắc Quang làm Đàn đầu. Lúc bấy giờ, ngài, dù hạ lạp còn ít nhưng với học hạnh kiêm toàn, lại là Đốc giáo của trường An Nam Phật học nên ngài đã được cung thỉnh vào hàng Thập Sư truyền giới. Giới tử tại giới đàn này đa số là học tăng của trường An Nam Phật học; thọ Tỳ-kheo có ngài Trí Quang, Thủ Sa-di; giới tử Sa-di có ngài Trí Thuyên.20

Năm Giáp Thân (1944), trong dịp Phật đản, Tổng Trị sự Hội An Nam Phật học đã cho xuất bản tác phẩm dày công nghiên của ngài, “Bát Nhã Tâm Kinh chú giải”.21

Vào tháng 9 năm 1944, với vai trò Đốc giáo, ngài cùng với Giám đốc Thích Tịnh Khiết và những vị Giáo thọ chính của trường An Nam Phật học như Lê Đình Thám, Thích Trí Thủ,… đã xây dựng một chương trình học mới gồm 3 cấp sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng trong 6 năm, mỗi cấp 2 năm. Điều kiện tuyển sinh vào sơ đẳng là: tuổi trên 16; có bằng sơ đẳng Pháp-Việt (Primaire complémentaire), thông thạo Quốc ngữ; biết đọc và viết được chữ Hán; có thể cắt nghĩa một vài câu chữ Nho ra chữ Quốc ngữ; dịch được vài câu Quốc văn ra Hán ngữ và dịch được một bài Kinh Luận chữ Hán ra Quốc văn; trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh ngày 13-02-1945.22 So với chương trình mà Hội đã xây dựng năm 1934, chương trình hoạch định này khoa học, theo tầng bậc trình độ, thiết thực và phong phú hơn như bổ sung một số tác phẩm giảng lục của Thái Hư Đại sư và Đường Đại Viên cư sĩ. Điều kiện tuyển sinh cũng khó hơn.

Cùng trong năm 1944, ngài cùng với Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã dày công hợp lực chuyển trường lên xã Lựu Bảo để lập Tùng Lâm Kim Sơn. Đây là một sự án lớn của Hội An Nam Phật học nhằm làm nơi quy tụ đào tạo các cấp học: tiểu học, trung đẳng, đại học và tham cứu sau đại học. Nhưng sau ngày ngày Nhật đảo chánh Pháp, ngày 09-03-1945, kinh tế của Hội kiệt quệ, không đủ sức nuôi học tăng, Tùng Lâm Kim Sơn bị đóng cửa. Một số học tăng theo ngài Thiện Hoa vào Nam đến chùa Vình Tràng (Mỹ Tho), rồi, không lâu sau đó, dời về chùa Phật Quang (Trà Vinh) để tiếp tục tu học. Nhưng khi Cách Mạng Tháng Tám đến ngày 23-09-1945, phần lớn học Tăng hăng hái đi tham gia kháng chiến chống Pháp nên Phật học đường này bị đóng cửa.23

IV. ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP

Từ khi tham học tại Phật học viện Thập Tháp, những năm 1927- 1931, ngài đã được Quốc sư Phước Huệ cho phép giảng dạy giáo lý tại Phật Học viện này, cũng như tại một số Tổ đình ở Bình Định.

Khi làm báo tại tòa soạn Từ Bi Âm, những bản biên dịch kinh luận, bài vở đóng góp về phương diện giáo lý đã góp phần phổ thông hóa Phật học bằng Quốc ngữ, giúp nhiều người từ bỏ mê tín, hiểu rõ đạo Phật.

Chùa Thập Tháp, Bình Định

Trong thời gian ở Huế, bên cạnh công tác giảng dạy cho trường An Nam Phật Học, biên tập cho Viên Âm, ngài còn tham gia các công tác khác của Hội như giảng pháp. Tạp chí Viên Âm, số 26, tường thuật cuộc tháp pháp rất quy mô, long trọng của ngài này 03- 7-1937 tại làng của Giam Biều, gần chùa Linh Mụ. Buổi giảng có sự chứng minh của 4 vị Chứng minh Đạo sư của Hội, ông Lê Đình Thám, chức sắc làng Giam Biều và hơn 200 thính giả. Trong buổi giảng sáng hôm ấy, ngài giảng về đề tài: “Mê tín - Chánh tín”, nhằm giúp thính giả bài trừ mê tín, thực hành chánh tín. Buổi giảng đã thành công viên mãn, giúp được nhiều người quy hướng đạo Phật.24

Dù thời gian bận rộn với công tác giáo dục và hoằng pháp tại Huế, ngài vẫn ưu ái quê hương nên thỉnh thoảng về Bình Định để giảng pháp tại các đạo tràng.

Tháng 3 năm 1958, Hội Phật giáo Thống nhất được thành lập tại miền Bắc. Với vai trò là Hội trưởng suốt 21 năm liền cho đến cuối đời, ngài thấy rõ trong những năm đất nước có chiến tranh, dưới ách đô hộ khắc nghiệt của thực dân Pháp, giới Tăng đồ miền Bắc đa số không được học hành, Phật tử không được nghe giảng, học hỏi giáo lý nên Ngài đã mở nhiều lớp ngắn hạn từ 3 đến 5 tháng để đào tạo cấp tốc giảng sư phục vụ công tác hoằng pháp cho các tỉnh, thành. Những lớp ngắn hạn này được Ngài trực tiếp giảng dạy và mời những Hòa thượng giỏi Phật pháp khác vào Ban Giảng huấn. Từ năm 1963 đến năm 1964, khi các giảng sư nòng cốt tại các chi hội Phật giáo ở các tỉnh, thành đã được củng cố, nhằm nâng cao trình độ thuyết giảng cho các Giảng sư, ngài mở thêm một khóa “Tu học Phật pháp” trong một năm. Những năm tiếp theo đó, ngài liên tục giảng pháp tại chùa Quán Sứ và không ngừng mở các lớp để huấn luyện giảng sư nhằm phục vụ cho công tác hoằng pháp tại miền Bắc.

V. ĐÓNG GÓP CHO SỰ NGHIỆP CỨU QUỐC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Từ năm 1945 cho đến 1947, xu hướng tham gia cách mạng với tâm hồn trong trắng để cứu quốc trong giới Tăng đồ Phật giáo khắp ba miền trở nên phổ biến với khí thế rất hăng hái, mạnh mẽ. Hầu hết các Tăng sĩ trẻ đều tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc. Hầu như các trường Phật học trên khắp cả nước thời đó vì vậy đều đóng cửa. Các bậc Tôn túc hoặc trực tiếp tham gia phong trào hoặc đứng sau cố vấn, cổ vũ, hậu thuẫn cho giới Tăng sĩ trẻ. Trong giai đoạn 1945-1946, ngài cùng với Thượng tọa Mật Thể, Giác Phong - Bích Không, v.v… cổ vũ, tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc tại khu vực Bắc Trung phần, phụ trách các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Khi Hội Phật giáo Bắc kỳ đang trên đà phát triển và đổi tên thành Hội Việt Nam Phật giáo (1945), Hòa thượng Tố Liên, Phó Hội trưởng của Hội, vào năm 1946, đã mời ngài cùng với Hòa thượng Trí Quang ra mở trường tại Tùng lâm Quán Sứ nhằm đào tạo Tăng tài, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, tiếp nối công cuộc hoằng pháp lợi sinh.

Khi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946, ngài tản cư xuống chùa Phúc Chỉnh (Ninh Bình), sau đó về chùa Đào Viên (Thanh Hóa), rồi ra vùng tự do Thanh Hóa tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trên cương vị là một Tăng sĩ Hội Phật giáo Cứu quốc.

Vào ngày 03-03-1950, tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên Việt, ngài được Đại hội tin tưởng bầu làm Ủy viên Ủy Ban Liên Việt tại Thanh Hóa. Đến năm 1953, ngài được giao trọng trách làm Ủy viên Ủy ban Việt Nam Bảo vệ Hòa bình Thế giới.25

Từ năm 1955 - 1979, trong các kỳ Đại hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngài luôn được bầu làm Ủy viên đoàn Chủ tịch cho tổ chức này.

Ngài được bầu làm Đại biểu Quốc hội và giữ chức Ủy viên Ủy ban Thường Vụ Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 5 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với những đóng góp tích cực đó, ngài đã được Nhà Nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương độc lập hạng 2, Huân chương kháng chiến hạng 3.

VI. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO PHẬT GIÁO MIỀN BẮC, THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI VAI TRÒ LÃNH ĐẠO

Khi Hiệp định Genève được ký ngày 20-07-1954, đất nước bị chia đôi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ngài trở về trụ tại chùa Quán Sứ giảng dạy giáo lý cho Tăng Ni. Đứng trước thời cuộc và nhu cầu mới, ngài đã nỗ lực vận động Phật giáo tín đồ miền Bắc để thành lập một tổ chức Phật giáo Th g nhất. Hội Phật giáo Th g nhất Việt Nam ra đời vào tháng 3 năm 1958. Ngài được bầu vào ban Lãnh đạo Trung ương và giữ chức Hội Trưởng của Hội từ đó cho đến cuối đời. Sau khi Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, ngài đã mở nhiều khóa học ngắn hạn và dài hạn để đào tạo Tăng tài giữ gìn mạng mạch Phật pháp, huấn luyện các giảng sư truyền dạy giáo lý, hoằng pháp lợi sanh tại các tỉnh, thành miền Bắc. Vào năm 1963-1964, Ngài mở một khóa “Tu học Phật pháp” trong một năm.

Lớp chuyên nghiên cứu Duy Thức và Bách Pháp Minh Môn luận được ngài mở vào năm 1968 - 1969.

Vào năm 1970, tại chùa Hoằng Ân (thường gọi là chùa Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội), ngài mở trường “Tu học Phật pháp Trung ương”.

Năm 1972, Ngài mở trường “Trung Tiểu học Phật pháp Trung ương”, khóa học 2 năm, từ năm 1972 đến năm 1974. Sau khóa học đó, ngài mở tiếp lớp chuyên về “Nhị khóa hiệp giải”, khóa học 1 năm, từ năm 1974 đến năm 1975.

Sau ngày non sông đất nước thu về một mối, 1975, để tiền đồ Phật giáo Việt Nam thêm xán lạn, ngài hoạch định chương trình quy mô nhằm đào tạo Tăng tài phục vụ cho công tác đối nội và đối ngoại của Phật giáo Việt Nam.

Năm 1975, để duy trì mạng mạch Phật giáo, ngài mở giới đàn tại Tùng lâm Quán Sứ, cung thỉnh Hòa thượng Đức Nhuận làm Đàn đầu và ngài cùng các Hòa thượng: Tâm An, Quảng Dung, Viên Tu, Tâm Tịch, Nguyên Sinh làm Giới sư.

Năm 1976, với tư cách Ủy viên Thường vụ Quốc hội, ngài được cử tham gia phái đoàn của Nhà nước vào Sài Gòn để dự Hội nghị Hiệp thương Thống nhất đất nước. Liền sau chuyến đi này, ngài về thăm quê hương Bình Định, thăm chốn Tổ, nơi Ngài đã xuất gia tu học, thọ ân giáo dưỡng và thăm các Phật học viện, Tổ đình nơi ngài đã từng làm giáo thọ, thuyết giảng Phật pháp.

Đến đầu năm 1977, trường “Tu học Phật pháp Trung ương” được ngài cho khai giảng khóa học 4 năm (1977-1981) tại Tùng lâm Quán Sứ. Hậu thân của trường này là trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I, tại Hà Nội.

Năm Mậu Ngọ (1978), để học Tăng của trường và các vị xuất gia miền Bắc được chính thức thọ giới, ngài mở giới đàn tại chùa Quán Sứ do ngài làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Đức Nhuận làm Yết-ma, quý Hòa thượng khác làm Giới sư.26

VII. CÁC CÔNG TRÌNH BIÊN DỊCH, TRƯỚC TÁC

Về trước tác, Ngài đã viết nhiều bài nghiên cứu có giá trị trong tạp chí Từ Bi Âm như:

(i) Bài nghiên cứu “Luận về Sóng Thức”, được đăng từ số 8 đến số 12 ra năm 1932. Đây có lẽ là bài nghiên cứu về Duy Thức đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Dựa vào các kinh luận của Duy thức, bài luận chỉ ra biển Đại giác của chúng sanh nguyên là thanh tịnh, nhưng vì vô minh phát nghiệp lưu động mới thành ra sóng thức, tức sóng ác nghiệp, ô nhiễm, mê vọng của 8 thức khiến chúng sanh bị trầm luân sanh tử. Để sóng vọng thức không động, gió trần chẳng xao thì phải thực hành Giới - Định - Tuệ, tu pháp “Trực chỉ thiền” để thấy rõ các pháp là duyên khởi, thấu rõ thể tánh thanh tịnh của mình, hoặc tu pháp “Quán Duy thức” suy xét chỗ duyên khởi của vọng tâm trong 3 thời gian đều chẳng có, lúc ấy tánh Duy thức hiện, Như Lai trí phát lộ, chuyển 8 thức thành Tứ trí.

(ii) Pháp lạy Hồng Danh sám, đăng ở số 15, ra ngày 01-08-1932. Đây là bản dịch nghi thức của ngài Bất Động Pháp sư ra Quốc ngữ, 88 danh hiệu Phật vẫn giữ nguyên, phần đầu và kệ thập hạnh Phổ Hiền dịch ra thể thơ lục bát.

(iii) Lời thích nghi ba câu hỏi của ông Hà Văn Ngạc, gồm 15 trang chữ nhỏ, đăng trên số 21 và 22, ra năm 1932. Ông Ngạc hồ nghi tính bố thí của đất, nước và Mặt Trời - Mặt Trăng. Đại ý, Ngài giải thích: “Nước là một món sắc pháp của Như-lai-tạng; thế tánh của nó cũng là thể tánh của Như-lai-tạng. Nếu nước có thể tánh Như-lai-tạng, thì tức là thể tánh từ bi. Nước có thể tánh từ bi thì những sự ích cho chúng sanh đó tức là bố thí, chớ không phải đợi thật có cầm vật đem cho người, mới gọi là bố thí đâu”. Lời giải thích tương tự đối với nước và Mặt Trời - Mặt Trăng.

(iv) Sau khi chết còn hay mất? được đăng ở số 197 ra tháng 5 năm 1942. Trong bài này, ngài phân tích quan điểm sai lầm của các nhà duy vật và ngoại đạo. Ngài chỉ rõ nguyên nhân chính của cái chết là cái năng lực, hay nói cách khác là “Dị thục thức nghiệp lực”; ngài phá cái thuyết “chết rồi mất” và thuyết “linh hồn tồn tại mãi trong cảnh giới vô hình để vô hình hưởng thọ kết quả tốt xấu”, rồi kết luận “trong chỗ xu hướng của tự tâm mà phát khởi cảnh giới” (tùy nghiệp thọ sanh), trình bày 10 cảnh giới trong kinh Hoa Nghiêm và khuyên thực hành thiện nghiệp, dứt trừ ác nghiệp để thoát ly sanh tử. Để rõ hơn vấn đề này, ngài trích dịch một thiên biện luận: (iv) “Có đời sau hay không?” trong Kinh Trường A-hàm.

(v) Xuân và trường xuân được đăng ở số 205, ra tháng 1 năm 1943. Sau khi mạn đàm về xuân, ngài chỉ rõ muốn được trường xuân (thoát ly luân hồi) phải dùng thuốc tam quán (bất tịnh, từ bi, nhơn duyên) để trừ tam độc.

(vi) Nghiệp sai biệt của chúng sanh cũng được đăng ở số 205, luận về giáo lý nghiệp.

(i) Trên tạp chí Viên Âm, ngài viết 2 bài:

(i) Tâm kinh tổng luận đăng ở số 6 năm 1934, luận về giáo nghĩa của bài Bát Nhã Tâm kinh.

(ii) Giá trị thiết thực của nhân sinh đăng ở số 39 ra năm 1940, bàn về những giá trị thiết thực của đạo Phật đối với nhân sinh.

Các kinh sách và tài liệu do Ngài biên dịch và soạn thuật rất nhiều, song vì đất nước chiến tranh nên bị thất lạc hoặc chưa có điều kiện xuất bản như:

• Bát Nhã tâm kinh chú giải • Thiện ác quả báo • Bách pháp minh môn luận • Nhân minh nhập chính lý luận • Nhân minh khái yếu • Nhân minh học giải thích • Phật pháp khái luận • Toát yếu lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Các bản dịch giải, các bài viết và khảo luận của ngài thể hiện trình độ uyên thâm Kinh-Luận, Phật lý và tác phong nghiên cứu công phu, thâm hậu của ngài.

Các kinh ngài đã dịch trên Từ Bi Âm:

• Kinh A Di Đà • Kinh Vu lan bồn • Kinh Kim cương

Nhờ uyên thâm Hán ngữ, Quốc ngữ, lại giỏi Pháp văn và trong thời gian ngài ở chùa Linh Sơn (Gia Định) có Pháp Bảo Phương chứa nhiều kinh sách, tác phẩm bằng chữ Hán, Pháp văn, cộng thêm tinh thần làm việc nghiêm túc, cần mẫn nên những tác phẩm của ngài dịch rất có giá trị. Các kinh của ngài dịch vừa uyên bác, vừa gần gũi, hấp dẫn người đọc. Các chú giả của ngài rất cặn kẽ, tỉ mỉ, công phu, dễ hiểu, đầy tính khoa học và có lẽ ngài là nhà tiên phong dịch kinh chữ Hán tại Việt Nam ra chữ Quốc ngữ mà có chú thích tiếng Phạn.

Những kinh sách mà ngài đã trực tiếp chỉ đạo và đồng biên soạn với Ban Hoằng pháp Trung ương của Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam như:

• Kinh Thủ lăng nghiêm • Phật Tổ tam kinh • Bát thức quy củ tụng • Đồng mông chỉ quán • Phật học thường thức ...

VIII. ĐÓNG GÓP TRÊN PHƯƠNG DIỆN NGOẠI GIAO GIỮA CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

Về đối ngoại, ngài tham gia nhiều Hội nghị quốc tế, các phong trào hòa bình tại các nước và hoạt động xã hội như:

Năm 1956, ngài cùng cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đi Ấn Độ tham dự Đại hội Buddha Jayanti, kỷ niệm 2.500 năm của đạo Phật do Chính phủ 2 nước Ấn Độ và Nepal đồng tổ chức tại Kathmandu. Tại đây, phái đoàn đã gặp các vị lãnh đạo Tổng Hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Tịnh Khiết, Hòa thượng Huệ Quang và đoàn đại biểu Phật giáo Tiểu thừa Việt Nam trong đạo tình thâm thiết sau nhiều năm xa cách. Các vị trưởng đoàn đã đề nghị 3 phái đoàn sát nhập lại thành một đoàn duy nhất là đoàn Phật giáo Việt Nam để thể hiện tinh thần hòa hợp và Phật giáo dân tộc Việt Nam là một. Trong lễ này, ngài đã đọc tham luận: “Sự cống hiến của Phật giáo đối với văn học Việt Nam”.

Năm 1961, ngài làm Trưởng đoàn Phật giáo Việt Nam đi dự Đại Hội lần thứ VI của Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists - WFB) tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Năm 1964, ngài đại diện Phật giáo Việt Nam sang Trung Hoa tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.300 năm ngày viên tịch của ngài Huyền Trang (600-664). Trong Hội nghị này, ngài trình bày tham luận về công trạng của ngài Huyền Trang với Phật Phật giáo tại Á châu và mối quan hệ giữa Phật giáo nước ta với Phật giáo Trung Hoa.

Năm 1970, Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa Bình (ABCP) được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại Thủ đô Ulaanbaatar, Mông Cổ nhằm mang những nỗ lực của Phật giáo đồ trong việc ủng hộ thắt chặt hòa bình thế giới, hòa hợp, hợp tác giữa nhân dân các nước châu Á. Ngài với tư cách Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam dẫn đầu đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam miền Bắc sang tham dự Hội nghị. Trong phái đoàn còn có quý Hòa thượng: Tâm An, Đôn Hậu, Thiện Hào.

Năm 1972, Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa Bình (ABCP) tổ chức Đại hội lần thứ 2 tại Thủ đô Colombo, Tích Lan; năm 1974, Tổ chức ABCP tổ chức Đại hội lần thứ 3 tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Cả hai kỳ Đại hội này ngài đều dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc tham dự.

Qua sự các kỳ Hội nghị trên, Hòa thượng luôn dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự, tiếp xúc, đàm phán, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, thông hiểu lẫn nhau giữa Phật giáo và nhân dân các nước châu Á, đồng thời khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trong trách nhiệm vì hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam và quốc tế.27

IX. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Những năm cuối cuối đời, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng tinh thần của ngài vẫn minh mẫn. Ngài vẫn nghiên cứu nội điển, đọc sách báo và luôn chu toàn trọng trách chèo lái con thuyền Phật giáo miền Bắc, ưu tư việc thống nhất Phật giáo Việt Nam và hoằng pháp lợi sanh.

Tổ đình Hoằng Ân (Quảng Bá), Hà Nội

Tháng 10-1979, cùng quý Đại biểu của Hội Phật giáo miền Nam, ngài dự lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ đấu tranh bảo vệ hòa bình của tổ chức Phật giáo Châu Á bì Hòa Bình (ABCP) tại Hà Nội. Sau khóa lễ, chiều ngày 24-10-1979, ngài gọi thị giả đưa lên Chánh điện lễ Phật và đi quanh khuôn viên, thăm các cơ sở và phòng của Tăng chúng tại Tùng lâm Quán Sứ, xong về lại phương trượng đọc sách như thường lệ. Rồi ngài an nhiên thị tịch ngay tại tòa đọc, hưởng thọ 85 tuổi, 47 năm xuất sĩ. Nhục thân của ngài được cung thỉnh nhập vào Bảo Tháp Đại Nhạn, tại tổ đình Hoằng Ân (Quảng Bá). Hòa thượng Thích Đức Nhuận truy tán Giác linh ngài hiệu là Kim Quang.

KẾT LUẬN

Thật khó để nói hết công hạnh, đóng góp to lớn của một người đa tài, đóng góp trên nhiều phương diện, trong nhiều thời kỳ, trên khắp vùng miền Việt Nam và trên bình diện quốc tế như ngài.

Khi còn là cư sĩ, ngài là người cần mẫn học tập và “sự tu học của thầy rất tinh tấn. Trong các thời công phu sáng chiều, thầy không bỏ sót một thời nào. Thật là một tấm gương sáng cho ta nể vì”.28 “Thầy theo học với ngài Hòa thượng Phước Huệ hơn 10 năm trời, trai giới tinh nghiêm, đạo học uyên bác, tâm tuy cư sĩ, tâm tợ xuất gia, đã từng lo dắt dìu các trò tiểu học trên con đường Chánh tín”.29 Trên phương diện đối nhân xử thế, ngài là người thể hiện sâu sắc tấm lòng tôn sư trọng đạo, đối xử hòa hợp, đạo tình thâm thiết với các pháp lữ.

Trên cương vị là nhà làm báo, ngài thể hiện tính cộng sự cao, vừa làm công tác biên tập, vừa viết bài cho Từ Bi Âm, Viên Âm. Những bài viết của ngài vừa mang tính gần gũi, vừa uyên bác và phù hợp với thị hiếu thời đại và xu hướng chấn hưng Phật giáo.

Trên cương vị nhà trước tác ngài là một cây bút sung mãn, viết nhiều thể loại, khảo cứu tường tận. Là nhà dịch Kinh Luận, những bản dịch của ngài đối chiếu công phu, chú giải tường tận, vừa uyên bác, vừa dễ hiểu.

Là nhà tu hành, ngài giữ gìn giới luật tinh nghiêm, công phu miên mật, đạo hạnh sáng ngời nên được mời làm giới sư và Hòa thượng Đàn đầu truyền giới. Về phương diện thế sự, ngài là một công dân yêu nước nên đã tham gia kháng chiến, chống thực dân Pháp, góp phần thống nhất đất nước.

Trên cương vị là nhà lãnh đạo, ngài đã hoàn thành xuất sắc của các tổ chức Phật giáo cũng như đoàn thể. Có thể nói, từ năm 1956 cho đến 1979, ngài là lãnh đạo Phật giáo xuất sắc và quan trọng bậc nhất của Phật giáo miền Bắc. Trong vai trò ngoại giao, ngài đã tham dự nhiều hội nghị và tham gia lãnh đạo nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế, tạo nhịp cầu thông hiểu giữ Phật giáo Việt Nam và Phật giáo các nước bạn, nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế và góp phần cho quốc tế phát triển hòa bình, thịnh vượng.

Nhưng có lẽ đóng góp to lớn nhất, sáng chói nhất, và kì vĩ nhất của ngài là trên cương vị một nhà giáo dục. Vốn là nhà sư phạm được hấp thụ tinh hoa giáo dục của Nho giáo, của Tây học và của giáo lý uyên thâm từ nhị vị thông bác Tam tạng là Quốc sư Phước Huệ và Hòa thượng Bích Liên nên “ông đã đưa vào trường An Nam Phật Học lối giảng dạy có phương pháp rất được các học tăng ưa thích.”30 Trong suốt 10 năm, 1935-1944, ngài vừa làm Đốc giáo, tức hoặc định chương trình giảng dạy,31 trông nom trường sở, coi sóc học Tăng, vừa là người giảng dạy chính cho trường An Nam Phật Học. Thành quả hoa thơm, trái ngọt của trường này là đào tạo ra 50 học Tăng ưu tú, một thế hệ tăng tài, trong đó có những vị kiệt xuất như: Trí Quang, Trí Tịnh, Thiện Siêu, Thiện Minh, Trí Thuyên, Trí Hữu, Trí Thành, Thiện Hoa, Thiện Hòa,… và những danh Tăng trước đó mà ngài đã góp sức với Quốc sư Phước Huệ đào tạo tại Phật học viện Thập Tháp như: Mật khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Chánh Huy, Chánh Thống, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Bích Phong, Chỉnh Túc, Diệu Không, … Những danh Tăng này đã làm long thịnh Phật giáo xứ Huế và làm xương sống cho Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX.

Với học hạnh kiểm ưu, công hạnh Đạo - Đời toàn vẹn, và những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc như thế, Hòa thượng xứng đáng là ngôi sao Bắc Đẩu trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam.

ĐĐ.TS. Thích Nhuận Huệ Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định. Giáo Thọ sư trường Trung cấp Phật học Bình Định, trú xứ tại Tu viện Nguyên Thiều. Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

*** CHÚ THÍCH

1 Đây là ngày tháng năm sinh phổ thông trong các sách viết về ngài sau năm 1974; Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), trang 574, ghi Hòa thượng sinh năm 1895; Nguyễn Đại Đồng, “Pháp sư Thích Trí Độ - Ngôi sao sáng của đại cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX” trong Kỷ yếu HTKH Phật giáo và Văn học Bình Định, tập I, trang 427 cho rằng ngài sinh giờ Thìn ngày 18 tháng 8 năm Ất Mùi (1895). 2 Đây là cấp học cao nhất thời bấy giờ tại Bình Định. Trường Collège de Quy Nhơn dành cho học sinh các tỉnh duyên hải Miền Trung từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận và các tỉnh Cao Nguyên. Từ nhiều năm, hằng năm trường chỉ có 4 lớp với 180 học sinh trong đó Bình Định thường dưới 100 học sinh. Học sinh tốt nghiệp trường này thường được bổ đi dạy bậc Tiểu học tại các tổng hay bậc Ấu học tại các thôn (Hương trường). 3 Theo Địa Bạ Bình Định (2002), thời bấy giờ thôn Vĩnh Lưu thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 4 Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), trang 744 chép: “Năm 1919 ông được bổ đi dạy tại trường Vĩnh Lưu. Nơi đây, được gần gũi thiền sư Liên Tôn, ông trở thành hâm mộ đạo Phật. Thiền sư Liên Tôn khuyên ông tới thọ giới xuất gia với thiền sư Trí Hải chùa Bích Liên ở làng Háo Đức, quận An Nhơn.Năm 31 tuổi ông được thiền sư Trí Hải đưa tới chùa Thập Tháp để học với thiền sư Phước Huệ” e là không chính xác. Sự thật, chùa Bích Liên được Hòa thượng Chơn giám – Trí Hải khai kiến năm 1934 và Hòa thượng Trí Độ xuất gia năm 1940. Như vậy, lúc đó thầy giáo Võ Trấp chỉ tiến dẫn ngài quy y với Hòa thượng Chơn giám – Trí Hải tại một ngôi chùa nào đó chẳng hạn. 5 Thích Chỉnh Túc vô tham học năm 1930. 6 Thích Đôn Hậu, Trên những chặng đường (Hồi ký), dẫn lại trong Như Áng Mây Bay (2010), tr. 118. 7 Từ Bi Âm, số 1, tr. 6. 8 Những bài kinh và những bài nghiên cứu của ngài chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn trong mục “Đóng góp cho các Tạp chí” của chương này. 9 “Năm 1934, ngài Trí Độ cùng Thượng tọa Thích Mật Khế, Tổng Thư ký Sơn môn Thừa Thiên và giảng sư Hội An Nam Phật học, được Hội An Nam Phật học cử đi Quảng Ngãi dự lễ khai mạc Đại giới đàn chùa Sắc tứ Thạch Sơn ngày mùng 4 tháng 4 âm lịch với tư cách “phóng viên” của báo Viên Âm” (dẫn lại của Nguyễn Đại Đồng, “Pháp sư Thích Trí Độ - Ngôi sao sáng của đại cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX” trong Kỷ yếu HTKH Phật giáo và Văn học Bình Định, tập I, trang 429). 10 Viên Âm số 26 tường thuật cuộc thuyết pháp của ngài ngày 03-7-1937 tại làng Giam Biều. Trong lời giới thiệu, ông Lê Đình Thám cũng tán dương công đức của ngài giúp sức cho Viên Âm; Một ai tin trên tạp chí Viên Âm số 39, năm 1940, trang 20 cho hay: “Chúng tôi tin cùng Quí-độc-giả hay rằng thân mẫu thầy Trí Độ, Đốc học trường sơ-đẳng của hội An Nam Phật học, biên tập Viên Âm, đã tạ thế ngày 21 tháng bảy tại quí-quán, làng Phổ Trạch, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định”. 11 Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), tr. 614. 12 Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), tr. 610-1. 13 Sđd, tr. 745. 14 Viên Âm, số 25, tr. 50. 15 Sđd, tr. 51. 16 Thích Đồng Bổn, Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tr. 108. 17 Viên Âm, số 48, tr. 31. 18 Viên Âm, số 60, tr. 73. 19 Viên Âm, số 59, tr. 15-6. 20 Thích Đồng Bổn, Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tr. 114. 21 Viên Âm, số 79, tr. 36. 22 Viên Âm, số 73, tr. 18-22.; xem thêm Việt Nam Phật giáo Sử Luận (1994), tr. 611-4. 23 Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), tr. 615. 24 Viên Âm, số 26, tr. 42-3. 25 Nguyễn Đại Đồng, “Pháp sư Thích Trí Độ - Ngôi sao sáng của đại cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX” trong Kỷ yếu HTKH Phật giáo và Văn học Bình Định, tập I, tr. 430. 26 Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam (2017), tập I, tr. 557-8. 27 Thích nữ Đàm Trà, Hoạt động tôn giáo và xã hội của Hòa thượng Thích Trí Độ (1898- 1979) trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2016, tr. 32-33. 28 Thích Đôn Hậu, Trên những chặng đường (Hồi ký), dẫn lại trong Như Áng Mây Bay (2010), tr. 118. 29 Trích lời giới thiệu của ông Lê Đình Thám về ngài trong cuộc thuyết pháp của ngài tại làng Giam Biều ngày 03-07-1937, được đăng trên Viên Âm, số 26, tr. 42-3. 30 Việt Nam Phật giáo sử luận (1994), tr. 745. 31 Chương trình giáo dục 6 năm (Sơ đẳng, Trung đẳng, Cao đẳng) được hoạch định năm 1944 của trường An Nam Phật học mang tính bài bản, thiết thực và phong phú hơn so với chương trình trước cũng mang dấu ấn đóng góp của ngài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tạp chí Từ Bi Âm (trọn bộ). Tạp chí Viên Âm (trọn bộ). Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2006. Thích Đồng Bổn (chủ biên), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ thứ XX, tập I, II, III, Nxb Tôn giáo, 2017. Tâm Đức, Như áng mây bay - Cuộc đời của Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Thất chúng môn đồ ấn hành, USA, 2010. Kỷ yếu HTKH Phật giáo và Văn học Bình Định, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, 2018. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1994.