Tác giả: Thích Nhuận Thông Chùa Vạn Phước, 55 Tuệ Tĩnh, Phường 13, Quận 11, Tp.HCM
Con người vì không biết “Phản quan tự kỷ” nên gây ra nhiều điều tội lỗi, khiến hàng vạn sinh linh phải ngậm ngùi trong đau khổ, khóc ngất trong câm hận mà không cách nào hồi biện được. Tuy nhiên, có người vì hổ thẹn mà tự gấp rút sửa sai, chí thành ăn năn sám hối, nhưng cũng có kẻ chẳng chịu thấy lỗi của mình, cứ ung dung bảo thủ, che giấu cái sai mà không hề tàm quý.
Thấy được tội lỗi của chúng sinh gây ra chất chồng như núi, nhiều như biển cả. Với lòng đại từ đại bi, đức Thế Tôn đã ân cần lập ra nhiều phương thức sám hối nhằm giúp cho chúng sinh tiêu trừ tội chướng, xả bỏ oan khiên nhiều kiếp, giải trừ tích nghiệp nhiều đời, liễu ngộ được chính pháp mà thoát ly sinh tử.
1. Thấy tội của mình mà phát lồ sám hối
Phàm sinh ra làm người: “Hà nhân vô tội, hà giả vô khiên”, không ai mà không có tội lỗi, không ai không có sai lầm. Vì lẽ đó, nên khi có lỗi thì phải gấp rút sửa sai, ăn năn sám hối, thấy tội của mình gây ra cần cầu phát lồ, không nên che giấu. Bởi lẽ, tất cả chúng sinh đều bị chi phối bởi nghiệp, cho nên đắm chìm trong sinh tử biết bao lần, dạo chơi trong luân hồi ra vào mấy bận. Đức Thế Tôn vì lòng từ mẫn nên đã bày ra nhiều phương chước để chữa lành tâm bệnh tùy theo căn cơ và thể tánh của chúng sinh, trong đó sám hối là một trong những liều thuốc trị bệnh một cách hiệu quả nhất nhằm giúp chúng sinh diệt trừ tội lỗi, đoạn tận phiền não, chấm dứt khổ đau.
Cụ thể, chúng ta sẽ được thấy qua kinh Tu Thâm, khi đức Thế Tôn và đồ chúng được sự tôn trọng, cung kính, cúng dường của Quốc Vương, Đại Thần, Bà la môn, gia chủ, cư sĩ và người thế gian. Ngược lại, các ngoại đạo do không được sự cung kính, tôn trọng, cúng dường lợi dưỡng của quốc vương, đại thần, Bà la môn, gia chủ, cư sĩ như trước nữa liền sinh tâm ganh ghét nên tụ tập tại giảng đường Vị tằng mà bàn luận: “Chúng ta từ trước đến nay, thường được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ cung kính, cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn”[1]. Khi đó, ngoại đạo cử Tu Thâm là một người thông minh, lanh lẹ, đến xin xuất gia với đức Phật rồi lén nghe xem đức Thế Tôn thuyết những gì mà khiến cho mọi người đều cung kính và quy phục, sau đó trở về báo lại với nhóm ngoại đạo. Thế rồi, Tu Thâm đến chổ đức Phật xin được xuất gia, sau khi nghe Thế Tôn giảng về về trí pháp trụ xong, Tu Thâm xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh, thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ, thoát khỏi nghi, được niềm tin không do ai khác, được độ không do người khác. Bấy giờ, Tu Thâm cúi đầu đảnh lễ đức Phật, đồng thời trình bày về việc ngoại đạo giao phó lẻn vào trong tăng đoàn xin xuất gia với mục đích là để nghe trộm pháp của Thế Tôn, nay xin Thế Tôn rủ lòng từ bi xin cho sám hối. Thế Tôn nghe xong liền chấp nhận lời sám hối của Tu Thâm: “Ta nhận sự sám hối của ngươi. Ngươi nên nói đầy đủ: ‘Ngày xưa vì con ngu si, bất thiện, vô trí nên ở trong Chính pháp luật trộm lén xuất gia. Ngày nay ăn năn lỗi lầm, tự thấy tội, tự biết tội, trong đời sau sẽ thành tựu luật nghi, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm.’ Vì sao? Vì người có tội tự thấy, tự biết và ăn năn lỗi lầm nên ở đời sau luật nghi sẽ thành tựu, công đức tăng trưởng, cuối cùng không thoái giảm” [2]. Ở đây, đức Phật đã rõ hết tất cả tâm ý của Tu Thâm từ khi bước chân vào Tăng đoàn để xin xuất gia, nhưng Ngài muốn Tu Thâm tự nhìn ra lỗi của mình mà ăn năn sám hối và tự nói lên những điều sai trái của mình. Đây là tinh thần tự giác trong nhà Phật.
Do đó, đức Phật dạy rằng người có tội tự thấy, tự biết ăn năn sám hối lỗi lầm của mình thời sẽ được tăng trưởng công đức, mặt khác càng nâng cao giá trị về mặt đạo đức cho bản thân. Khi tự thấy lỗi, nói lên lỗi của mình chính là ta đã tự sám hối cho chính mình, tự rủ bỏ tội lỗi của bản thân, giúp cho lương tâm không bị cắn rứt nữa, dù cho ta có lời xin lỗi với người đối diện hay không, nhưng ta tự thấy lỗi và ăn năn thì chính là nhân cách của bản thân lúc này đã hoàn thiện. Đồng thời, khi nói lên lời xin lỗi với người, họ sẽ cảm thông cho những lỗi lầm mà mình đã gây ra với họ, khi đó tâm mình sẽ được an ổn và không còn chướng ngại: “thứ nhất tự tâm mình cảm thấy an ổn không còn chướng ngại, khi mình đã thật lòng sám hối; thứ hai qua những lời công khai sám hối này, người khác cũng sẽ cảm thông cho mình, và sẵn sàng tạo điều kiện cho mình thăng tiến trong cuộc sống. Có lẽ đó là 2 lý do mà đứt khuyên một người phạm sai lầm cần phải phát lồ” [3].
Cho nên, đức Phật thường tán thán trên đời này có hai hạng người đáng quý nhất: một là hạng người không tạo tội, hai là hạng người tạo tội mà biết ăn năn, sám hối. Thấy được tội lỗi của mình gây ra mà sinh tâm tàm quý, hổ thẹn, biết hổ với trời và biết thẹn với người. Trong kinh Tạp A Hàm đã từng đề cập: có vị Tỳ kheo ni sinh tâm nhiễm trước với Tôn giả A Nan, tuy nhiên ngài A Nan thâu nhiếp các căn, xoay lưng lại, khiến cho Tỳ kheo ni cảm thấy vô cùng hổ thẹn với những việc mình làm mà thành tâm phát lồ sám hối.
Như vậy, đạo Phật đề cao tinh thần tự giác, từ biết lỗi, thấy lỗi mà tự tâm sám hối, sám hối như vậy tội nào cũng hết, nghiệp nào cũng được giải trừ.
2. Cử tội
Con người chúng ta thường có sở trường là thích nói lỗi của người khác mà không bao giờ nhìn lại cái lỗi của mình, thấy lỗi của người mà chẳng thấy lỗi của mình. Với cách sống không nhìn lại chính mình như thế thì sẽ dễ gây khổ đau và phiền não cho kẻ khác, ngược lại bản thân cũng sẽ bị người đời chỉ trích. Vì lẽ ấy mà trong kinh Tạp A Hàm thường đề cập đến vấn đề cử tội dành cho những cá thể không tự giác.
Cụ thể: “Nếu các Tỳ-kheo khởi lên tranh cãi với nhau, có Tỳ-kheo phạm tội, Tỳ-kheo cử tội. Nhưng Tỳ-kheo này, nếu không bằng vào tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, thì nên biết Tỳ-kheo này ngang ngạnh lâu dài, tranh cãi, kiện tụng càng tăng, chống đối nhau, nuôi hận càng ngày càng sâu. Đối với những tội lỗi đã khởi lên, không thể dùng Chính pháp luật ngăn chặn cho dừng lại được”[4]. Thế nhưng, cũng có vị Tỳ-kheo bằng tư duy đúng mà tự phản tỉnh quán sát, chịu khiển trách, thì vị Tỳ-kheo này không có tính ngang ngạnh lâu dài, không chống đối nhau và hận thù không còn tăng trưởng. Vị Tỳ-kheo bằng tư duy của mình nghĩ thế này: “Ta thật sự không phải, không tốt, không nên tạo tội, để cho người khác bắt gặp mình. Nếu ta không tạo tội này thì người kia sẽ không bắt gặp. Vì người kia bắt gặp ta phạm tội, khiến họ không vui vẻ và hiềm trách nên cử tội. Còn những Tỳ-kheo khác nếu nghe cũng sẽ hiềm trách “[5]. Vì nghĩ như vậy, biết rằng mình có tội nên người khác thấy được cái tội của mình mà nêu ra. Tội được nêu lên để chỉ trích này không nhất thiết bằng sự ganh ghét của người cử tội, nhờ có người cử tội mà ta thấy được lỗi lầm của mình mà ăn năn sám hối, do đó cần phải có sự biết ơn đối với người đã giúp mình nhận ra lỗi lầm. Cho nên, có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”. Mặt khác, trước khi muốn cử tội kẻ khác, người này cần phải có tư duy quán sát, do thấy tội của kẻ khác nên mới nêu ra, nhưng có khi vì lòng tốt của mình muốn cho người đó thấy được cái sai mà nêu ra cái tội của họ, làm họ buồn lòng, hoặc sẽ mất mặt trước đám đông. Như vậy, khi thấy người khác làm sai mình không nêu ra hay sao? Vì sợ họ buồn, giận, mất mặt nên mình sẽ không nói đến cái tội xấu mà họ đã gây nên hay sao? Từ vấn đề này đức Phật dạy: “người có tội và người cử tội phải y cứ vào tư duy đúng, tự quán sát đừng để cho sự ngang ngạnh tăng trưởng thêm lên. Này các Tỳ-kheo, không nên tranh tụng nữa, nếu việc tranh tụng có khởi lên thì có thể dùng Chính pháp luật ngăn chặn khiến nó dừng lại”[6].
Nếu người cử tội đúng với sự thật, thời cũng nên dùng năm pháp vì lợi ích mà khiến cho không phải hối hận, người bị cử tội đúng với sự thật cũng phải y theo 5 pháp mà không sân hận, không hối hận; nếu sinh tâm sân hận thì cũng dùng năm pháp mà làm cho tâm sân hận được giải tỏa. Những người khi bị cử tội đúng với sự thật mà sinh tâm thù hận, sân nhuế là do những vị này: “cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính Giới luật, không trọng Sa-môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu Niết-bàn”[7]. Còn ngược lại, khi bị cử tội đúng với sự thật, vị này không sinh tâm thù hận, sân nhuế thì phải biết người này: “tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chính tín, biết hổ thẹn, tinh cần chính niệm, chính định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa-môn, tôn sùng Niết-bàn, vì pháp xuất gia, không vì kế sống; những Tỳ-kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống cam lộ”[8].
Qua đây, ta thấy việc muốn cử tội một ai đó phải nương theo năm pháp mà thực hiện. Vì sao? Vì lòng người thường ưa sự ngang ngạnh, che giấu, luôn nghĩ mình tốt, kẻ khác là xấu, nên khi bị chỉ trích, hay khi có người khác nói đến lỗi của mình liền sinh tâm oán hận, ghét ganh, bởi tâm người này ưa sự dối gạt, không thật thà, càng không biết tàm quý là gì. Còn đối với người tâm không giả dối, biết hổ thẹn thì cúi đầu nhận lỗi, ân cần sám hối, sửa sai.
3. Sám hối là cách làm sạch ba nghiệp
Bởi lẽ tất cả mọi việc làm thiện ác đều do chủ ý của tâm, tư tâm sở (cetana) hun đúc, thúc đẩy cho thân làm bậy, khẩu nói bậy dẫn đến tội lỗi và sai lầm: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm là chủ, tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm niệm bất tịnh, khổ não liền theo sau, như xe theo bò vậy; Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm là chủ, tạo tác, nếu nói hay hành động, với tâm niệm thanh tịnh, an lạc liền theo sau, như bóng chẳng rời hình” [9]. Vì thế mà phải gấp rút sám hối, phản tỉnh ba nghiệp, ba nghiệp chính là nguồn gốc của mọi khổ đau, do vậy phải dõng mãnh làm cho ba nghiệp thanh tịnh thì tội lỗi liền tiêu. Vậy 3 nghiệp là gì? Thế nào là nghiệp thiện? Thế nào là nghiệp ác? “Nghiệp (zh. yè 業, sa. karma, pi. Kamma) đều có ý nghĩa là sự tạo tác, hành động, hành vi. Nhưng ở đây chúng ta cần chú ý nghiệp trong Phật giáo đặc biệt chú trọng vai trò của ý nghiệp (manas-krman), tức là hành vi có ý thức, vì nó chính là chủ nhân của mọi hành vi thiện và ác”[10].Ví như hằng ngày mình thích đờn ca, xướng hát thì nơi mình thường thích lui tới lại qua đó là rạp hát và hí trường, còn hằng ngày mình thích rượu chè, cờ bạc thì nơi mình thường thích lui tới lại qua đó là sòng bài và quán rượu, nhưng hằng ngày mình thích đi chùa, nghe pháp thì nơi mình thường thích lui đến lại qua đó là chùa chiềng và pháp hội, do vì nghiệp chiêu cảm, thúc đẩy mà có những hành vi tốt xấu xảy ra.
Ba nghiệp chính là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. So với cách sám hối của Phật giáo Nguyên thủy chỉ chú trọng đến ý nghiệp, nên vận dụng việc thiền quán để kiểm soát ba nghiệp, còn đối với Phật giáo Đại thừa thì chú trọng đến thân nghiệp và khẩu nghiệp, nhưng chung quy đều phải dựa vào cả ba nghiệp để tu tập sám hối “Phật giáo Nguyên thủy chú trọng ‘ý nghiệp’, còn Phật giáo Đại thừa chú trọng đế thân nghiệp và khẩu nghiệp, nhưng xét cho cùng cả hai hệ thống kinh điển đều dựa vào ba nghiệp để tu tập sám hối” [11]. Đối tượng sám hối trong kinh điển Đại thừa thường hướng đến tất cả chúng sinh trong thế gian này, bất luận tôn giáo, sắc tộc, đa chủng cư dân. Tuy mỗi chúng sinh mang hình hài khác nhau, nhưng khi đã có mặt trên cuộc đời này ắt do nghiệp chi phối nên có thân tức phải có tội lỗi, vì vậy cần phải sám hối. Cách sám hối này thường dựa vào tụng kinh, bái sám, tụng đọc danh hiệu Phật, lạy Phật làm phương pháp sám hối.
Điển hình là trong kinh A Hàm đối tượng sám hối không chỉ dành riêng cho hàng xuất gia như bên Phật giáo Nguyên thủy mà dành cho tất cả các chúng sinh như: việc sám hối của Tỳ kheo ni khi có tâm nhiễm trước với Tôn giả A Nan, việc sám hối của ngoại đạo Tu Thâm hay Bà la môn mạ lỵ đức Phật trong kinh Tạp A Hàm, cho đến sự sám hối của Vua A Xà Thế trong kinh Trường A Hàm…v.v… Theo sự phân tích của Thượng Tọa Thích Hạnh Bình qua tác phẩm “Đạo Phật xưa và nay” với phần “ Ý nghĩa pháp sám hối trong đạo Phật”, cho chúng ta một cách nhìn thực tế về vấn đề “tội”, từ động cơ nào, hành vi nào gây nên tội lỗi: “Tội, thông thường người Phật tử chúng ta được hiểu là những hình thức trừng phạt trong địa ngục như đã được mô tả trong các kinh điển Phật giáo, là kết quả của việc làm bất thiện. Thật ra khái niệm 6 đạo hay 5 luân hồi, nó vốn là khái niệm được sử dụng trong tôn giáo truyền thống của Ấn độ, không phải khái niệm chuyên môn đặc trưng của Phật giáo, đức Phật thấy nó có giá trị và ích lợi trong việc giáo dục, lấy nó làm phương tiện răng đe khuyên dạy con người, cho nên đức Phật đã vay mượn nó để mô tả sự nguy hiểm của hành vi bất thiện của 3 nghiệp, sẽ dẫn đến nổi khổ cho con người, cũng giống như là nổi khổ trong địa ngục [12]. Qua đây cho thấy hành vi của 3 nghiệp có thể tạo nên thiện pháp “các nghiệp lành của thân, miệng, ý; đó gọi là thiện pháp” [13], nhưng cũng từ đó gây ra bất thiện pháp “các nghiệp chẳng lành của thân, miệng, ý; đó gọi là pháp bất thiện”[14]. Trong đó, ý nghiệp vẫn là quan trọng nhất, do ý nghiệp mà khởi lên tất cả tội kéo theo một hệ lụy đó là thân nghiệp bắt đầu làm bậy và khẩu nghiệp vô tư nói bậy. Từ đó gây ra “nhân” bất thiện, hễ nhân bất thiện thì quả sẽ bất thiện. “Như vậy, Phật giáo đề cập đến khái niệm 'tội' là đề cập đến nghiệp, đề cập đến nghiệp là đề cập đến 'ý nghiệp; đề cập đến nghiệp là đề cập đến nhân của khổ, đề cập đến tội là đề cập đến kết quả của ác nghiệp”[15]. Thế nhưng con người chúng ta cứ ung dung làm theo chủ kiến của mình, đi theo thói quen và bản năng của mình mà mặc tình phúng túng, tạo nên vô lượng vô biên tội lỗi mà không hề hay biết. Khi quả ác đã trổ cành xanh lá, lúc đó mới ân cần cầu xin sám hối thì nghiệp lực lúc này đã quá sâu nặng, tuy biết ăn năn sám hối nhưng hậu quả đã để lại cho bản thân là không hề nhỏ. Cho nên có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”.
Quả thiện hay quả ác đều tùy thuộc ở hành vi, “hành vi thiện hay ác được gắn liền với ba độc tham, sân và si. Nếu hành động nào gắn liền với ba độc được gọi là căn bản bất thiện, ngược lại là căn bản thiện” [16]. Như vậy, “nghiệp thiện” chính là những hành vi vắng bóng ba độc tham, sân, si, cho nên tạo ra những chuỗi việc làm thiện, từ đó dẫn đến nghiệp cũng thiện. Còn “nghiệp ác” tức là hành vi có sự kết cấu với ba độc tham, sân, si tạo nên những việc làm bất thiện, đưa đến nghiệp bất thiện. Tuy nhiên “bất cứ hành vi nào không được ý tham gia nhân thức thì hành vi ấy không thể gọi là thiện nghiệp hay ác nghiệp” (Thích Hạnh Bình, “Dịch chú Và Đối Chiếu Các Bản Khác Nhau Về Dị Bộ Tông Luân Luận”)
Như vậy, muốn làm cho nghiệp được trong sạch thì trước phải làm thanh tịnh pháp căn bản, Hán gọi là “tịnh kỳ sơ nghiệp”, “Trước hết ngươi nên làm thanh tịnh nghiệp bản sơ của mình, sau đó tu tập phạm hạnh”[17], trong các thiện pháp này có được là do nghiệp của thân, khẩu, ý không gắn kết với ba độc tham, sân, si như đã nói trên, sinh ra căn bản thiện.
Mặt khác phải sám hối những tội lỗi mình đã gây ra và sẽ không tái phạm ở vị lai. Điều tất yếu nên làm để không tạo ra tội lỗi là thúc liễm các căn, đừng để cho các căn phan duyên với các trần, vì bản chất của chúng sinh thường bị các trần chi phối nên khởi lên ý niệm bất thiện, gây ra tội lỗi. “Mắt ưa xem huyễn cảnh hằng ngày, Tai thích tiếng mật đường dua nịnh… Đối với nội duyên, cần thực tập thiền quán để quán chiếu rũ bỏ những vọng niệm, thực hành các thiện pháp để nuôi dưỡng tư tâm sở. Vì hằng ngày chúng ta huân tập những thiện pháp thì ý niệm sẽ khởi lên những niệm thiện, đưa đến lời nói, hành động thiện, làm cho ba nghiệp cũng được thanh tịnh. Khi ba nghiệp được trong sạch rồi thì hành vi thiện sẽ có mặt, giúp tâm chúng ta không còn sân giận, oán thù, được thành tựu các thiện pháp như trong “Lương Hoàng Sám” có đề cập: “Ba nghiệp thanh tịnh không còn oán hận, tùy ý sinh lên thiên cung bảo điện, tứ vô lượng tâm, lục ba la mật thường hay tu hành, trăm phước nghiêm thân, vạn thiện đầy đủ, an trú vào nơi đại định Thủ Lăng Nghiêm, chứng thân kim cang”[18]. Như vậy, sám hối là cách tốt nhất để làm sạch ba nghiệp.
Kết luận
Vì bất giác một niệm vô minh cho nên chúng sinh mới trầm luân trong tam giới, qua lại trong sáu đường, vào ra trong sinh tử, tạo nên vô lượng vô biên tội lỗi. Thế nhưng bằng tuệ giác của đức Phật đã đưa các phương cách diệt trừ tội lỗi không gì ngoài sám hối. Cụ thể, ngang qua kinh Tạp A Hàm cho ta thấy nếu người tự thấy lỗi, biết lỗi của mình, thì cần cầu phát lồ sám hối, còn như người khác thấy lỗi của mình mà nêu lên thì cần nên tư duy, quán sát một cách thật đúng rồi sám hối tội lỗi đó mà không nên sân hận. Đồng thời, chú tâm vào hành vi của thân, khẩu, ý khởi lên thiện pháp hay bất thiện pháp, nếu là thiện pháp thì nên tiếp tục làm, nếu là bất thiện pháp thì nên gạn lọc ngay, không để tâm vướng mắc hay lệ thuộc vào nó, còn như đã bắt tay với tham, sân, si để tạo ra các nghiệp bất thiện rồi thì nên hổ thẹn mà sám hối, sám hối như vậy thì thiện pháp sinh trưởng, bất thiện pháp được đẩy lùi, ba nghiệp được thanh tịnh. Nếu đã khởi tâm sám hối thì tội tiêu diệt, phước tuệ nảy mầm, tạo nên một nhịp cầu gần hơn để đi đến bến bờ giác ngộ và giải thoát.
Tác giả: Thích Nhuận Thông Chùa Vạn Phước, 55 Tuệ Tĩnh, Phường 13, Quận 11, Tp.HCM ***TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Kinh a. Việt dịch: 1. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tập V – Bộ A Hàm V – Trung A Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm số 1, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, xuất bản 2000. 2. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh dịch, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tập VI – Bộ A Hàm VI – Kinh Tạp A Hàm số 2, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, xuất bản 2000. 3. Thích Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A Hàm, Tập I, kinh 15. “Kinh Tư”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
b. Hán tạng: 1. 《雜阿含經》 : CBETA , T02, no. 99. 2. 《中阿含經》: CBETA , T01, no. 26.
B. Luận - Sám Pháp - Sách 1. Thích Hạnh Bình, “Dịch chú Và Đối Chiếu Các Bản Khác Nhau Về Dị Bộ Tông Luân Luận”, Nxb Phương Đông 2016. 2. HT. Thích Viên Giác dịch, “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp Lương Hoàng Sám”, Quyển thứ 6, Tái bản lần thứ 8, Nxb Tôn giáo 2009. 3. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa Và Nay, “Ý Nghĩa Pháp Sám Hối Trong Đạo Phật”, Nxb Tôn Giáo 2006.
C. Web 1. Trực tuyến <https://quangduc.com/p157a8158/pham-song-yeu-twin-verses-tinh-minh-dang-ngoc-chuc> Tịnh Minh dịch, “Kinh Pháp Cú”, Phẩm “Song Yếu”, truy cập 26/5/2022
Bình luận (0)