Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Pháp môn Tịnh Độ và hình ảnh tượng Phật A Di Đà thời Lý

Pháp môn Tịnh Độ và hình ảnh tượng Phật A Di Đà thời Lý

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Thánh Phú
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dưới triều Lý, tín ngưỡng Tịnh Độ đã trở nên phổ biến bằng việc đúc tượng thờ Phật A Di Đà. Trên thực tế, Tịnh Độ tông có ảnh hưởng rất lớn, đi vào đời sống nhân dân bằng con đường từ bi, cứu khổ cứu nạn. Hơn nữa, chúng ta không hề thấy xảy ra cuộc tranh luận về Tịnh Độ với các hệ tư tưởng khác cũng như sự đấu tranh tự thân để nó phát triển, mà nó hòa nhập vào các tông phái khác, điều này thấy rõ ở thời Lý, việc tạc tượng thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm ở trong các tông phái lớn thời bấy giờ như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông. Tịnh độ xây dựng thế giới Cực lạc, và cho rằng con người làm nhiều thiện sẽ được an lành trong cuộc sống và làm điều bất thiện thì đau khổ ở nội tâm.

Đạo Phật ra đời tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ V Công nguyên do Thái tử Tất Đạt Đa (Shidartha) sáng lập. Giáo lý cơ bản là Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên, dựa trên thuyết Duyên khởi để phân tích những hiện tượng sinh diệt nhân sinh. Trong quá trình phát triển, đạo Phật đã trải các lần kết tập và hình thành nên Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa cùng nhiều pháp môn tu tập khác nhau để hành giả được tịnh hóa thân tâm, đem lại sự giải thoát qua an lạc. Theo Phật giáo Đại thừa tu tập pháp môn Tịnh độ được xem thế giới thiện lành; cõi ấy mà người có công năng tu tập muốn được tái sinh sau khi chết. Muốn được cõi này một hành giả không chỉ trau dồi nghiệp lành, mà còn phải nguyện cầu các đức Phật ở các cõi đó cứu độ cho được tái sinh. Trong nhân gian, người ta thường hiểu Tịnh Độ là một nơi có vị trí địa lý nhất định, nhưng thật ra Tịnh Độ là một dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm và các phương hướng đông, tây, nam, bắc chỉ có tính chất hình tượng. Tịnh Độ không phải là mục đích cuối cùng trên con đường tu tập, chỉ là nơi được xem là cõi cuối cùng mà hành giả phải tái sinh để rồi đạt Niết bàn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tinh do nhan gian 1

1. Nguồn gốc Tịnh độ

Về lý thuyết, pháp môn này đã được sơ khai ở Ấn Độ do chính Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Kinh Quán vô lượng thọ (zh. 觀無量壽經, sa. Amitāyurdhyāna) cho chúng ta biết Thái tử A Xà Thế (Ajatashatru) vương quốc Magadha nổi loạn, nhốt cha là vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và mẹ là Hoàng hậu Vi-đề-hi (Vaidehi) của mình vào ngục tối. Sau khi Hoàng hậu thỉnh đức Phật, Ngài hiện ra và chỉ cho Hoàng hậu thấy tất cả các cõi quốc độ. Hoàng hậu đã chọn quốc độ của Phật A Di Đà và sau đó đức Phật dạy cho Hoàng hậu giáo pháp của Phật A Di Đà cùng cách tụng niệm để về quốc độ mà Hoàng hậu đã chọn. Cuối bài thuyết pháp, Phật Thích Ca Mâu Ni nói với A Nan Đà như sau: “Này A Nan Đà! Hãy ghi nhớ bài thuyết pháp này và lặp lại cho đại chúng ở Kỳ Xà Quật nghe. Thuyết giáo này, ta gọi đây là kinh A Di Đà”[1]. Sau này, kinh sách Tịnh Độ cũng được kết tập trong các kinh tạng khác như kinh Hoa Nghiêm với hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm, hay kinh Pháp Hoa cũng vậy, nhưng sự phát triển pháp môn Tịnh độ bước đầu không đáng kể. Chỉ đến khi Mã Minh ( zh. 馬鳴, sa. Aśvaghosha), miền Bắc Ấn Độ, người từng tham gia kiết tập lần thứ tư khoảng thế kỷ I trước Công nguyên với trước tác Đại thừa khởi tín luận, một tác phẩm không chỉ viết Đại thừa luận, bàn thuyết Chân như duyên khởi, Vạn pháp nhất tâm mà còn là tác phẩm ca ngợi pháp môn niệm Phật, không những thế, chính ông khuyên người tu hành phát nguyện vãng sinh Tây phương: “Nếu ai chuyên tâm niệm đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc phương Tây, đem các căn lành do mình tu được mà hồi hướng nguyện cầu sinh về thế giới ấy thì liền được vãng sinh”[2]. Rồi Long Thọ (zh. 龍樹; sa. nāgārjuna नागार्जुन; bo. klu sgrub ཀླུ་སྒྲུབ) người Nam Ấn Độ, tương truyền khi mới xuất gia tu tập theo Tiểu thừa, sau chuyển sang Đại thừa và hết sức cổ xuý cho phong trào chấn hưng phát triển Đại thừa. Trong toàn bộ các trước tác của ông, đáng chú ý là các tác phẩm Trung quán luận, Thập trung luận, Thập nhị môn luận, Đại thừa phá hữu luận … Những tác phẩm này, trước hết triển khai giáo lý Đại thừa, nhưng những vấn đề ông đề cập đến bao gồm cả tư tưởng vãng sinh Tịnh Độ.

Đến Luận sư Long Thọ thì pháp môn Tịnh Độ đã khá hoàn chỉnh, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển về sau của pháp môn này. Tuy nhiên, pháp môn này bước đầu phát triển không đáng kể ở Ấn Độ, cho nên khi nói về Tịnh Độ thì Trung Quốc chính là cái nôi để pháp môn này đơm hoa kết trái, trở thành một tông phái. Phật giáo du nhập, truyền bá vào Trung Quốc một cách tự nhiên, không hề xung đột mà hoà quyện với các tư tưởng truyền thống để có những bước tiến, bước phát triển nhanh chóng vào cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ II. Nhiều tư tưởng đạo Phật được truyền bá vào Trung Quốc và các tông phái cũng bắt đầu ra đời như: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật tông, Thiên thai tông, Hoa nghiêm tông, Tam luận tông, Câu xá tông và Thành thật tông. Mãi đến thế kỷ thứ IV trường phái Tịnh độ tông được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc do Huệ Viễn (zh. 慧遠; 334 – 416 ) sáng lập. Năm 402, Huệ Viễn thành lập Bạch Liên Xã, trong đó Tăng sĩ và Cư sĩ tu tập trước tượng A di đà và nguyên thác sinh về cõi cực lạc Tây phương. Huệ Viễn được xem là sơ tổ của Tịnh Độ tông. Sau đó Đàm Loan (476 – 542) là người phát triển tích cực Tịnh Độ tông Sư cho rằng trong thời “Mạt pháp” thì tự lực không còn đủ sức để giải thoát. Sự từ chối con đường gian khổ của những tông phái khác và chấp nhận giải pháp dễ dãi là dựa vào một tha lực là Đức A Di Đà. Theo sư, chỉ cần nhất tâm quan niệm danh hiệu A Di Đà là đủ để sinh về cõi của Ngài. Sự viết nhiều luận giải về kinh Quán vô lượng thọ. Trong thời này, Tịnh Độ tông được truyền bá rộng rãi, vì so với các môn phái khác tông này xem ra dễ hành trì hơn.

Mục đích của phép niệm danh hiệu Phật A Di Đà là tìm cách chế ngự tâm. Thường thường hành giả tự đặt cho mình một chỉ tiêu niệm bao nhiêu lần. Phép quán niệm này được xem là có thể giúp hành giả thấy được Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát tả, hữu là Quán Thế Âm (zh.觀世音菩; sa. Avalokiteśvara) và Đại thế chí (zh. 大勢至菩薩; sa. Mahāsthāmaprāpta) và biết trước được giờ chết của mình. Phép niệm này có thể thực hiện bằng cách đọc to hay đọc thầm. Không nhất thiết phải có tranh tượng Phật A Di Đà. Đó là cách tu thông thường nhất. Ngoài ra hành giả có thể thực hiện phép thứ 16 trong Vô Lượng kinh, bằng cách tạo linh ảnh của Phật A Di Đà vào thế giới Cực lạc, xem như hiển hiện trước mắt. Phép tu cao nhất của tông này là tự xem thể tính của mình chính là A Di Đà. Tất cả mọi hành giả của Tịnh Độ tông đều mong muốn được thấy Phật A Di Đà trong một linh ảnh, đó là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được tái sinh trong cõi Cực lạc. Niệm danh hiệu và tạo linh ảnh là điều kiện bên ngoài, lòng tin kiên cố nơi Phật A Di Đà là điều kiện bên trong của phép tu này, với hai điều kiện đó thì hành giả mới được tái sinh nơi cõi Cực lạc.

Pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam

2. Pháp tu Tịnh độ

Tịnh Độ tông không phân biệt người tu tại gia hay xuất gia, cách tu đơn giản là thành kính lễ bái và niệm hồng danh đức Phật A Di Đà (Lục Tự hồng danh: Nam Mô A Di Đà Phật). Rất chú trọng yếu tố thanh tịnh, thành kính, tín tâm niệm Phật. Con đường tu tập Tịnh Độ là dựa vào nguyện lực của đức Phật A Di Đà và Phật tử nhất tâm niệm Phật Pháp môn Tịnh Độ dựa trên ba nguyên tắc sau:

i. Tín (Niềm tin): Đây là điều kiện hàng đầu, không có niềm tin hoặc niềm tin chưa đủ mạnh thì không thể tu Tịnh Độ được. Vì thế: “Phật cho biết niềm tin là cửa ngõ duy nhất dẫn vào pháp tạng bí yếu của Như Lai”[3]. Sự tin tưởng là nền tảng tạo ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực lạc, thế giới của đức Phật A Di Đà. Tin đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc là có thật, đức Phật và Thánh Chúng luôn sẵn sàng tiếp độ tín đồ, chỉ cần tâm tin tưởng niệm Phật, quyết trí vãng sinh thì chắc chắn được vãng sinh.

ii. Nguyện (Tâm mong muốn): Khi niềm tin đủ mạnh thì ước nguyện muốn được vãng sinh thành nguyện lực, mọi hoạt động tâm lý đều hướng về Tịnh Độ và sẽ nhàm chán đời sống uế trước và bất an này, để ta nhất tâm niệm Phật. Người có thệ nguyện là người có lập trường vững chắc, là người kiên tâm Bồ Đề, người dám thệ nguyện rằng dù nghèo giàu sang hèn, bệnh hoạn, tật nguyền v.v… cũng không thay đổi chí hướng theo Phật Di Đà về nước Cực lạc. Người có “tâm nguyện sâu được nhận cõi thanh tịnh, tâm của chúng sinh ở trong cõi đó cũng thanh tịnh”[4]. Biểu hiện của sự ước nguyện phải là một: từ Thân, Khẩu, Ý ( ý nghĩ, lời nói và hành động) phải hợp nhất để tạo thành nguyện lực. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh Độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh Chúng ở thế giới Cực lạc Tây phương được.

iii. Hạnh (Hành trì): Khi tâm nguyện đã hướng về Tịnh Độ thì mọi lời nói việc làm đều được thường xuyên tu tập liên tục, tức là thực hành phương pháp luyện tập quán tưởng, đưa ta đến hợp nhất Thân – Khẩu – Ý, không để tâm bị tán loạn bởi sự chi phối của mọi hành vi bên ngoài. Việc “hành trì giới ba la mật. Ðó là Thánh vô lậu giới nhập bát Thánh đạo phần, giới tự nhiên, giới báo đắc, giới thọ đắc, giới tâm sinh; tất cả những giới đây đều chẳng thiếu, chẳng phá, chẳng tạp, chẳng trược, chẳng chấp là giới tự tại, là giới của người trí”[5] tạo nên công đức lành. Mọi việc làm thiện và công đức đều hướng về Tịnh Độ, hằng ngày có thời khóa để tụng niệm, quán tưởng Phật và nhờ vào sự làm việc về thân tâm như vậy mà ta có thể đắc định, thấy được Phật và Thánh Chúng ở cõi Cực lạc Tây phương.

Pháp tu Tịnh Độ là một tông phái lấy chú trọng niềm tin vào sự cứu độ chúng sinh của đức Phật A Di Đà, pháp tu chủ yếu là niềm hồng danh của đức Phật và quán tưởng về thế giới Cực lạc của Ngài. Đây là tông phái được phổ biến rộng rãi nhất, là con đường tu khá phù hợp với nhiều căn cơ , cho các Phật tử tại gia cũng như tu xuất gia. Từ thời nguyên thủy, đức Phật đã dạy trong các đối tượng quan niệm thì niệm Phật là đứng hàng đầu vì niệm Phật sẽ đưa tâm vào chính định. Con đường giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm, tức là sự nỗ lực cá nhân: “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình”[6] tư tưởng Tự Tính Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ làm cho pháp môn Tịnh Độ mang tính tự lực rất cao. Tín đồ Tịnh Độ cho rằng thường xuyên duy trì niệm Phật để đạt tới sự chuyên niệm, tâm hướng tới Phật, ngày đêm siêng năng không thoái chuyển, tu tập liên tục thì đức Phật sẽ hiện tiền, thế giới Cực lạc sẽ đến, đó là Niết bàn tự tại trần gian.

Pháp tu Tịnh Độ của Phật giáo Việt Nam thời Lê – Nguyễn

3. Tín ngưỡng Tịnh Độ Việt Nam ở thời Lý

Thời kỳ tín ngưỡng Tịnh Độ ở Việt Nam được các nhà sư thể hiện rõ ràng trong sinh hoạt từ triều đình đến thứ dân ở thế kỷ đầu. Tư tưởng này có lẽ sớm nhất trong trước tác Lý hoặc luận của Mâu Tử[7], đây là tác phẩm lý luận của Đại thừa, nhưng nội dung bố thí từ bi nhẫn nhục phần nào đó có tư tưởng Tịnh Độ. Rồi sau đó là Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội (? – 280) dịch vào thời Tam Quốc, nội dung cơ bản “trình bày các khái niệm Đại thừa về triết học”[8] nhưng ta vẫn thấy được những sinh hoạt Phật giáo thời kỳ này khá phong phú, ngoài những tư tưởng Phật giáo Đại thừa còn thấy tín ngưỡng Tịnh Độ được biểu hiện. Đặc biệt là vào thế kỷ V, với sự có mặt của kinh Vô lượng thọ do sư Đàm Hoằng (? – 455), một vị cao tăng Trung Quốc tu hành Tịnh Độ đến Tiên Sơn, Việt Nam tu học và truyền bá pháp môn này. Cao tăng truyện của Huệ Hạo chép: “Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, nhỏ tu giới hạnh, chuyên sành luật bộ. Trong khoảng Tống Vĩnh sơ (420 – 422) nam du Phiên Ngung, dừng lại chùa Đài, sau lại đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ, tụng Vô lượng thọ và Quán Vô lượng thọ kinh, lòng thề về An dưỡng”[9].  Vào năm Hiếu Kiến thứ 2 (455), nhóm củi trên núi, lén vào trong củi lấy lửa tự thiêu. Đàm Hoằng tụng trị kinh Vô lượng thọ và Quán Vô lượng thọ với một niềm tin mãnh liệt nơi Phật A Di Đà cùng với việc ông tự thiêu cũng cho thấy đến thế kỷ V, tư tưởng Tịnh Độ đã thể hiện rõ ở nước ta, mặt khác cũng cho thấy khi đó ở nước ta đã có nhu cầu bức thiết về tín ngưỡng Tịnh Độ. Trong khoảng thời gian này, ngay ở Trung Quốc, tông Tịnh Độ cũng chưa thành hình, Bạch Liên xã mới chỉ được xem là tiền thân của nó mà thôi. Ngay trong thời Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009), đây là giai đoạn đất nước ta bước vào thời kỳ tự chủ, Phật giáo được triều đình công nhận và phát triển hơn trước. Các tăng nhân được định phẩm trật như pháp sư Ngô Chân Lưu được tặng chức Khuông Việt đại sư, pháp sư Trương Ma Ni được tặng chức Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng Chân uy nghi. Nhất là khi Lê Đại Hành cầm quyền thường triệu các tăng thống vào triều để hỏi vận nước. Tuy sử liệu chép về Phật giáo thời kỳ này chủ yếu liên quan đến Thiền tông kết hợp với tín ngưỡng bản địa, với Đạo giáo cùng với nhu cầu thực tế của nhân dân nên mang nhiều yếu tố Mật tông nhưng còn cho thấy sự đề cao sự cứu vớt của các vị Bồ tát, đặc biệt là Quan Thế Âm Bồ tát nên tư tưởng Tịnh Độ vẫn được bảo lưu trong sự dung hoà với Thiền tông, Mật tông. Như vậy, trong thời Lý, tín ngưỡng Tịnh Độ được tiếp nối và phát triển mạnh mẽ, ngày càng rõ ràng hơn trước. Điển hình nhất có lẽ chính là việc vua Lý Thái Tông cho dựng chùa Diên Hựu vào năm 1049. Tương truyền, nhà vua tuổi đã cao mà chưa có con nên thường đến chùa cầu tự, trong một giấc mơ thấy đức Phật Quan Âm hiện lên đài sen ở một hồ nước hình vuông phía Tây thành, tay bế đứa bé trao cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu có mang và sinh con trai. Nhà vua đã dựng chùa có hình dáng như trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2017 Phat giao thoi Ly anh huong trong doi song lang xa 1

3.1. Những ngôi chùa thời Lý

Các ngôi chùa thời Lý Cùng với việc xây dựng kinh đô buổi ban đầu, việc xây chùa cũng được các vua nhà Lý chú trọng đồng thời. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu, tháng 7, vua rời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh phủ. Thuyền tạm đỗ ở dưới thành, có rồng vàng hiện ra ở thuyền ngự, vì thế đổi gọi là thành Thăng Long. Đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư thành phủ Trường Yên, sông Bắc Giang (sông Đuống) làm sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho hai vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tám sở đều dựng bia ghi công”[10]. Năm 1010 lúc vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ đã xây tám ngôi chùa ở quê vua là phủ Thiên Đức, tỉnh Bắc Ninh. Tại Thắng Long, vua cho dựng chùa Hưng Thiên Ngự, và gần điện Thái Hòa, chùa Vạn Tuế. Tiếp đó, vua cho lập các chùa Thiên Quan, Thiên Đức, Thiên Vương, Thắng Nghiêm, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ. Khắp trong nước chừng ba trăm ngôi chùa được tạo dựng và những chùa đã hư nát thì sửa chữa lại. Năm 1024, vua lại lập thêm chùa Chân Giáo. Năm 1036, vua Lý Thái Tông làm lễ khánh thành tượng Phật Đại Nguyện vừa đúc xong.

Năm 1040, vua lại khánh thành một nghìn pho tượng Phật bằng gỗ, một nghìn bức tranh Phật và một vạn cờ phướn. Năm 1041, đúc tượng Phật Di Lặc bằng đồng nặng bảy nghìn năm trăm sáu mươi cân đặt tại viện Thiên Phúc. Năm 1049, vua dựng chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột). Năm 1055, vua Lý Thánh Tông xây chùa Đông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu (Bắc Ninh). Năm 1056, vua khởi công xây dựng chùa Sùng Khánh Bảo Thiên, phát mười hai nghìn cân đồng để đúc chuông và tự tay thảo bài minh khắc trên chuông.

Năm 1057, trước chùa này, một ngọn tháp tên là Đại Thắng Tư Thiên được xây lên, mười hai tầng, cao hai mươi trượng. Cũng năm này xây hai chùa Thiên Phúc và Thiện Thọ, cùng đúc hai tượng Phạm Vương và Đế Thích bằng vàng thờ ở hai chùa này. Năm 1057, vua sai lang tướng là Quách Mãn tạc tượng Phật A Di Đà bằng đá ở huyện Tiên Du. Năm 1058, vua xây điện Linh Quang, Kiến Lễ và Sùng Nghi. Phía trước điện dựng lầu chuông một cột, sáu cánh hình hoa sen. Cũng năm này, tháp núi Đồ Sơn cao 42 m xây xong, vua ban hiệu là Pháp Trường Long. Năm 1070, dựng chùa Nhị Thiên Vương. Năm 1071, vua viết chữ “Phật” cao một trường sáu thước khắc vào bia đá để tại núi Tiên Du (Bắc Ninh).

Năm 1086, vua Lý Nhân Tông dựng chùa Lãm Sơn và xây tháp đá tại huyện Quế Dương. Năm 1091, vua dựng tháp Linh Tế. Năm 1105, vua dựng ba tháp đá tại chùa Lãm Sơn. Năm 1108, dựng đài Động Linh. Năm 1114, dựng lầu Thiên Phật. Năm 1117,  khánh thành tháp Vạn Phong Thành Thiện ở núi Trương Sơn. Năm 1118, khánh thành tháp Thất Bảo. Năm 1121, dựng chùa Quảng Giáo ở núi Tiên Du và khánh thành điện Trùng Minh ở chùa Báo Thiên. Năm 1122, khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh ở núi Đọi Sơn. Năm 1124, dựng chùa Hộ Thánh và xây đài Uất La. Năm 1127, khánh thành chùa Sùng Hưng Diên Thọ. Năm 1129, vua Lý Thần Tông khánh thành tám mươi tư nghìn bảo tháp bằng đất. Năm 1130, khánh thành chùa Quang Nghiêm Tư Thánh. Năm 1134, khánh thành ba tượng Tam Tôn bằng vàng. Phật giáo đời Lý được nhắc đến trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử lược  chẳng những xây dựng chùa tháp mạnh mẽ mà vua Lý Thái Tổ còn khắc kinh bản Đại Thừa khá nhiều.

Về kinh điển, nhà Lý bấy giờ sùng đạo Phật, nhà vua trọng đãi những người đi tu, lấy tiền kho ra để làm chùa đúc chuông. Năm 1011 vua Lý Thái Tổ đã cho dựng nhà tàng kinh Trấn Phúc để tàng chứa kinh điển. Tháng 6 năm Mậu Ngọ (1018), “vua sai quan là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang Tàu thỉnh kinh Tam Tạng đem về để vào kho Đại Hưng”[11]. Năm 1081, vua lại sai Viên ngoại lang Lương Dụng Luật sang Tống xin kinh Đại Tạng. Năm 1098, khi Nguyễn Văn Tín đi sứ sang Tống, vua cũng xin thêm một bản Đại Tạng [12]khác. Ta thấy nhu cầu sử dụng Đại Tạng thời bấy giờ rất lớn. Ấn bản Đại Tạng thứ hai tại Trung Hoa bắt đầu năm 1080 nhưng mãi đến năm 1176 mới hoàn thành. Ấn bản này m có 6.434 quyển gọi là Sùng Ninh Vạn Thọ Đại Tạng. Vậy tất cả các bản Đại Tạng mà nhà Lý thỉnh từ Tống quốc thời đó đều là ấn bản năm 983.

Những bản kinh thông dụng nhất như kinh Kim Cương, Dược Sư, Pháp Hoa, Viên Giác, … có lẽ đã được bắt đầu khắc bản in tại Việt Nam sau đó. Sách Thiền uyển tập anh nói rằng tổ phụ của Thiền sư Tín Học (mất năm 1190) đã làm nghề khắc bản in lâu đời. Chính vì nhu cầu ấn loát các kinh cần thiết mà nghề in xuất hiện tại nước ta[13]. Ngoài việc xây dựng chùa và thỉnh Đại Tạng thì việc tạo tượng ở thời Lý cũng được phát triển mạnh mẽ.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 9.2017 Phat giao thoi Ly anh huong trong doi song lang xa 2

3.2. Tượng Phật A Di Đà thời Lý

Chúng ta biết rằng sự xuất hiện phổ biến thức tượng A Di Đà và hình tượng thấp đất nung Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc, điêu khắc Việt Nam chính là sự phát triển ở mức độ đỉnh cao của tín ngưỡng Tịnh Độ tông thời Lý. Ba pho tượng Phật A Di Đà thời Lý bằng đá còn lại hiện nay là tượng chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Một Mái (Hà Tây) và tượng chùa Ngô Xá (Chương Sơn-Nam Định). Trong ba pho tượng này thì pho chùa Phật Tích là pho tượng đẹp nhất, tuy có nhiều người cho rằng đây không phải là tượng A Di Đà. Nhưng pho tượng chùa Một Mái thì chắc chắn là tượng Phật A Di Đà, theo sự xác nhận của dòng chữ khắc trên bệ tượng Những dòng chữ này ghi chép như sau: “Luật sư ở núi Thạch Thất, pháp hiệu là Trì Bát nhân tưởng niệm Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục dựng một đạo tràng lớn, muốn tạo tượng mà chưa thể được, mãi đến năm Hội Phong thứ 8 (1099), ông mới làm được tượng A Di Đà ở đây”[14]. Sư Trì Bát được khắc tên trên bề tượng chùa Một Mái chính là nhà sư thuộc thế hệ thứ 12 của phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi là học trò của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu Hà Bắc), cùng một thế hệ với các nhà sư nổi tiếng như Vạn Hạnh, Từ Đạo Hạnh… Cái tên Trì Bát cũng là do Sùng Phạm đặt cho. Sau khi Sùng Phạm viên tịch (1087), Trì Bát về tu ở chùa Tổ Phong, núi Thạch Thất. Minh văn trên bệ tượng chùa Hoàng Kim cũng nói Trì Bát ở núi Thạch Thất, như vậy là phù hợp với Thiền uyển tập anh, không rõ chùa Tổ Phong có phải là chùa Hoàng Kim ngày nay không? Trì Bát còn tham gia trùng tu nhiều chùa khác, với sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt. Việc làm tượng phật A Di Đà ở chùa Hoàng Kim là vào năm ông 50 tuổi. Trì Bát mất năm 1117 dưới triều Lý Nhân Tông.

Trì Bát là một thiền sư của một phái Thiền. Minh văn trên bệ tượng gọi ông là luật sư, hẳn vì ông chuyên về luật, một bộ phận của kinh điển Tam Tạng. Nhưng rõ ràng ông chịu ảnh hưởng của Mật tông. Ông để lại một bài kệ về lẽ sống chết mang màu sắc Thiền đó là: “Có chết ắt có sinh, có sinh ắt có chết. Chết thì người đời buồn, sinh thì người đời vui. Buồn vui, hai cái đều vô cùng, xoay vần từ cái nọ đến cái kia. Bao giờ đối với chuyện sinh và chết mà không quan tâm đến. Thì úm tô rô, úm tô rô, thăng nhập”[15]. Nhưng bài kệ kết bằng một câu thần chú phiên âm tiếng Phạn. Phái Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi là phải chịu nhiều ảnh hưởng của Mật tông, đến với Trì Bát có thể là từ người thầy của ông, nhà sư Sùng Phạm, đã ở Ấn Độ chín năm trước khi về trụ trì ở chùa Pháp Vân.

Mặt khác, qua những dòng chữ trên bệ tường chùa Hoàng Kim, ta còn biết rằng, Trì Bát đã chịu ảnh hưởng của Tịnh độ tông, tin vào thế giới Tây phương cực lạc và Phật A Di Đà, tích cực phát triển việc thờ cúng vị Phật này. Như vậy là ở nhà sư Trì Bát thôi, chúng ta cũng thấy hội đủ ảnh hưởng ba yếu tố Thiền, Tịnh, Mật của Phật giáo Việt Nam như đã được phân tích[16]. Việc tạo tượng Phật A Di Đà của sư Trì Bát được ghi trên hệ tượng chùa Hoàng Kim, cùng với một số bị ký khác, như bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, đã chứng minh sự phổ biến của tín ngưỡng A Di Đà trong Phật giáo thời Lý. Một số người cho rằng thời Lý chưa có việc thờ A Di Đà, và do đó không có tượng A Di Đà. Những dòng chữ trên bệ tượng thời Lý ở chùa Hoàng Kim đã bác bỏ luận điểm đó. Tín ngưỡng A Di Đà và Tịnh Độ tông còn được nhắc đến trên bia tháp Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Đọi (Hà Nam). Văn bia tháp này có nhắc đến tượng A Di Đà đặt trong hội đèn Quảng Chiếu trước cửa Đoan Môn. Văn bia Sùng Thiện Diện Linh là một minh chứng cho sự phát triển lan rộng của Phật giáo nói chung và tín ngưỡng Tịnh Độ thời kỳ này nói riêng. Trong một bài viết về tấm bia này của Giáo sư Hà Văn Tấn đã khẳng định thêm Phật giáo thời kỳ này không chỉ có yếu tố Mật tông mà còn biểu hiện rõ nét của tín ngưỡng Tịnh Độ theo cách bài trí tượng trong chùa: “Chính giữa một ngọn núi vàng; đặt tượng đẹp Như Lai Đa Bảo, hai tòa bạch ngân; bên tả đặt chân dung Phật A Di Đà; phía hữu để xá lỵ của sắc thân màu nhiệm”[17] với sự có mặt của Phật A Di Đà bên cạnh Phật Đa Bảo trong hội đèn Quảng Chiếu cầu nguyện cho Hoàng hậu Linh Nhân vãng sinh Tịnh Độ. Ở văn bia chùa Viên Quang dựng năm 1112 do sự Giác Hải trụ trì chép : “Tòa giữa Di Đà giáo chủ, mày trắng với mắt xanh long lanh; phía bên Trụ thế thượng nhân Bồ Đề Lạt Ma, mi đậm với dáng gầy hoàn bị”[18]. Trong Tịnh Độ tông cùng với tín ngưỡng A Di Đà , tín ngưỡng thờ Quán Thế Âm, vị Bồ tát dẫn dắt chúng sinh về cõi Tây phương Cực lạc cũng được thờ cúng rất phổ biến ở thời Lý. Điển hình là việc xây dựng chùa Diên Hựu (1049), một trong những mô hình chúa dạng hoa sen sớm nhất Việt Nam. Cho dù tín ngưỡng thờ Quan Âm có tách rời việc thờ A Di Đà, nhưng việc thờ hai vị Phật, Bồ tát này cho thấy Tịnh Độ được biết đến khá phổ biến trong giai đoạn này. Và chúng ta có thể thêm một lần nữa xác minh tính chất hòa nhập của những giáo lý Tịnh Độ này với các thiền phái rất thịnh hành thời bấy giờ.

Tóm lại, dưới triều Lý, tín ngưỡng Tịnh Độ đã trở nên phổ biến bằng việc đúc tượng thờ Phật A Di Đà, thiền phái cũng có tín ngưỡng này … Tuy nhiên , xuất phát điểm không nhất thiết từ kinh tạng của tông Tịnh Độ Trung Quốc, có lẽ trực tiếp hơn là từ kinh Pháp Hoa đã lưu truyền ở nước ta trước đó. Nó minh chứng cho sự phát triển liên tục của Phật giáo Việt Nam không phải là cái gì xa lạ mà chính là ở ngay sự thích ứng, hoà hợp, kết hợp nhịp nhàng với xã hội, tư tưởng, văn hoá truyền thống người Việt. Điều này thể hiện rõ trong Phật giáo sử Việt Nam, chúng ta không hề thấy xảy ra cuộc tranh luận về Tịnh Độ với các hệ tư tưởng khác cũng như sự đấu tranh tự thân để nó phát triển, mà nó hòa nhập vào các tông phái khác, điều này thấy rõ ở thời Lý, việc tạc tượng thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm ở trong các tông phái lớn thời bấy giờ như Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền phái Vô Ngôn Thông … Cho nên tín ngưỡng Tịnh Độ thời Lý có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh, văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam không chỉ ở quá khứ mà còn ở hiện tại và mãi là một phần không thể tách rời của Phật giáo Việt Nam.

Tác giả: Thích Thánh Phú
Học viên Cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

[1] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 46, Bộ Bảo Tích V, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 1374.
[2] Mã Minh, Đại thừa khởi tín luận, quyền hạ, T32n1667, tr.591b24.
[3] Thích Trí Quảng, Lược giải Kinh Pháp Hoa, Phẩm 2 Phương Tiện, TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 98.
[4] Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 10, Kinh Bi Hoa – Quyển III, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 790.
[5] Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh toàn tập, Tập 7, Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Nhứt Niệm, Nxb Thời Đại, 2012.
[6] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, Kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr 584.
[7] Mâu Tử, một sĩ phu người Hán tị nạn đến Giao Châu dưới thời Sỹ Nhiếp. Ông tinh thông Nho giáo, Đạo giáo nhưng khi đến chùa Dâu đã học đạo Phật và bênh vực đạo Phật bằng tác phẩm Lý hoặc luận.
[8] Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006, tr . 307.
[9] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp HCM, 2003, tr. 794 – Cao Tăng truyện 12 tờ 405c19-28.
[10] Cao Huy Gia dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.160. Nguyên văn chữ Hán: 「秋 七 月, 帝自 華 閭 城, 徙 都 于 京 府 大 羅 城, 暫 泊 城 下, 黄 龍 見 于 御 舟, 因 改 其 城 曰 昇 龍 城。古 法 州 曰 天 德 府, 華 閭 城 曰 長 安 府 , 北 江 曰 天 德 江。 詔 ? 府 錢 二 萬, 緡 賃 工 建 寺 于 天 德 府 ,凡 八 所 皆 立 碑 刻 功。」(Thu, thất nguyệt, Đế tự Hoa Lư thành, tỉ đô vu kinh phủ Đại La thành, tạm bạc thành hạ, hoàng long kiến vu ngự chu, nhân cải kì thành viết Thăng Long thành. Cổ Pháp châu viết Thiên Đức phủ, Hoa Lư thành viết Trường Yên phủ, Bắc Giang viết Thiên Đức giang. Chiếu phát phủ tiền nhị vạn, mân nhậm công kiến tự vu Thiên Đức phủ, phàm bát sở giai lập bi khắc công).Đại Việt Sử ký toàn thư (III), Bản ký toàn thư, quyển II, tờ 3a.
[11] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011, tr.89.
[12] Trần Quốc Vượng, Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, Tp. Huế, 2005, tr. 108.
[13] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2011, tr. 203.
[14] Nguyễn Văn Thịnh, Văn bia thời Lý, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 61.
[15] Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, 1977, tr. 350.
[16] Hà Văn Tấn, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội,1986, tr.61-96.
[17] Đinh Khắc Thuân, Văn bia chùa Phật thời Lý, Nxb Khoa học Xã hội, 2011, tr. 200.
[18] Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, Sđd, tr. 454.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Huy Gia dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 2009.
2. Đinh Khắc Thuân, Văn bia chùa Phật thời Lý, Nxb Khoa học Xã hội, 2011.
3. Hà Văn Tấn, Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1986.
4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tp HCM, 2003.
5. Cao Tăng truyện 12 tờ 405c19-28.
6. Mã Minh, Đại thừa khởi tín luận, quyền hạ, T32n1667, tr.591b24.
7. Nguyễn Duy Hinh, Triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006.
8. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, 2011.
9. Nguyễn Văn Thịnh, Văn bia thời Lý, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010.
10. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 1, Kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
11. Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 10, Kinh Bi Hoa – Quyển III, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
12. Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 46, Bộ Bảo Tích V, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
13. Thích Trí Quảng, Lược giải Kinh Pháp Hoa, Phẩm 2 Phương Tiện, TP. Hồ Chí Minh, 1999.
14. Thích Trí Tịnh, Trí Tịnh toàn tập, Tập 7, Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Nhứt Niệm, Nxb Thời Đại, 2012.
15. Trần Quốc Vượng, Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, Tp. Huế, 2005.
16. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.
17. Viện văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, 1977.

So sánh Tịnh độ cõi Phật A Di Đà và Thiên đường cõi Chúa

Tịnh Độ nhân gian

Hòa thượng Bích Liên và tư tưởng về pháp môn Tịnh Độ

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường