Ba pháp môn Chỉ-Quán-Thiền có thể đươc gom vào một chữ: THIỀN. Đó là pháp môn nhắm đến "Bản Giác Diệu Minh, phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi bất tự nhiên, vô phi và bất phi, vô thị và phi thị, lìa tất cả tướng, là tất cả pháp".
Tác giả: Khánh Hoàng Plano - April 18, 2024
Kinh Thủ Lăng Nghiêm (Dịch giả Phạn-Hán: ngài Bát Lạt Mật Đế (?-?), dịch giả Hán Việt: Hòa thượng Thích Duy Lực (1923-2000)) là kinh thuộc hệ thượng thừa, viên đốn, liễu nghĩa, có tên gọi đầy đủ là :"Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm".
(Tương truyền, tổ Huyền Sa Sư Bị (835-908) đã nhân xem kinh này mà được phát minh tâm địa). Nhưng mãi đến năm 705 (đời vua Đường Trung Tông), kinh mới được sa môn Bát Lạt Mật Đế xả thân, tự xẻ cánh tay để dấu kinh rồi đem kinh đến Quảng Châu (Trung Quốc).
Kinh sau đó đã được dịch từ Phạn văn sang Hán văn với ngài Bát Lạt Mật Đế là vị “dịch chủ” (chủ tọa đạo tràng dịch Kinh): Ngài tụng nguyên bản Phạn văn 10 quyển của Kinh, sa-môn Di Già Thước Khư dịch nghĩa, sa môn Hoài Địch dịch văn, cư sĩ Phòng Dung nhuận sắc, hiệu chính.
Nơi phần đầu quyển 1, Kinh nêu ra cơ duyên bị nạn nữ nhân Ma Đăng Già của ngài A Nan. Ngài buồn khóc và cúi xin, thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy về 3 pháp CHỈ- QUÁN- THIỀN để tu hành thành tựu đạo quả Bồ Đề. Ba pháp môn này nhìn chung là 3 pháp tu trực tiếp ngay nơi tâm thức của con người, tâm thức của Bát Thức Tâm Vương và của Như Lai Tàng bản thể. Bát Thức Tâm Vương và Như Lai Tàng bản thể theo thứ tự chính là Vọng Tâm sinh diệt và Chân Tâm thường trú được khai thị trong Kinh.
Bát Thức Tâm Vương gồm có Tiền Lục Thức (Sáu Thức Trước) ở nơi 6 thân căn là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỹ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức; thức thứ bảy là Mạt Na thức, thức thứ tám là A Lại Da thức. Bát thức Tâm Vương được khởi sinh từ bản thể Như Lai Tàng tâm thanh tịnh. Tuy nhiên, con người phàm phu thường khó cảm nhận được tới các tâm thức sâu xa bên trong, mà chỉ sống gần gũi, say mê với Tiền Lục Thức, bám víu theo cảnh trần bên ngoài khiến phát sinh vô lượng phiền não (tham, sân, si …), khổ đau.
Đây chính là nguyên nhân khiến phàm phu gây tạo và hứng chịu vô lượng nhân quả không ngưng nghỉ trong bao kiếp luân hồi. Như thế, nhìn chung, 3 pháp môn Chỉ-Quán-Thiền có thể được xem là con đường tu tập, mở ra hành trình giúp đưa hành giả trở về cội nguồn thanh tịnh của sự sống và giải thoát trọn vẹn. Theo trình tự chủ ý, đức Phật đã hiển bày đại thiện xảo, khéo léo, tuyệt vời khai thị về 3 pháp môn này cho ngài A Nan, giúp Ngài đắc Sơ Thiền, rồi đắc quả vị Tu Đà Hoàn cùng quả vị Tư Đà Hàm ngay dưới lời dạy.
Chỉ (Samatha, tiếng Pali ) là khiến tâm được tĩnh lặng từ nơi sự chặn đứng lại, giới hạn lại sự tán loạn, vọng động, vọng tưởng, vọng niệm của tác dụng "Liễu Cảnh” lăng xăng, vướng chấp, khởi niệm theo cảnh trần của Tiền Lục Thức, trong đó Ý thức có vai trò chủ chốt, quyết định, quan trọng nhất.
Lý do là Tiền Lục Thức, còn gọi là Thức Đệ Tam Năng Biến (để phân biệt với A Lại Da thức và Mạt Na thức là Đệ Nhất và Đệ Nhị Năng Biến), là thức Năng Biến tiếp xúc trực tiếp với trần cảnh nên nó có tầm mức hoạt động rất đa dạng, phong phú, mạnh mẽ nhất. Điều này cũng khiến Ý thức là nguyên nhân trực tiếp gây tạo ra vô lượng nghiệp chướng, chủng tử nghiệp thức cho biết bao kiếp đời trầm luân, đau khổ.
Bát Thức Qui Củ Tụng (Tác giả: Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602–664)) minh họa sự phong phú đa dạng này qua 4 câu đầu của bài kệ (12 câu) về Đệ Lục Ý thức:
"Tam tính, tam lượng, thông tam cảnh Tam giới luân thời dị khả tri Tương ưng tâm sở ngũ thập nhất Thiện ác lâm thời biệt phối chi"
Tạm dịch:
"Ba tính, ba lượng, thông ba cảnh Ba cõi xoay vần có thể dễ biết Tương ưng với năm mươi mốt tâm sở Đến lúc thiện ác riêng biệt chi phối".
Về pháp môn tu Chỉ, theo Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán (Tác giả: tổ Trí Khải (538-597), Dịch giả: Hòa thượng Thích Thanh Từ (1924- )):
"Pháp môn tu Chỉ có 3 thứ:
1.- Hệ duyên thủ cảnh chỉ: Là buộc tâm tại chót mũi và giữa rún v.v... khiến tâm không tán loạn. Kinh chép: “Buộc tâm không buông lung, cũng như xích con vượn”.
2.- Chế tâm chỉ : Là tùy tâm vừa khởi liền kiềm hãm lại, không cho nó dong ruổi tán loạn. Kinh chép: “Năm căn, tâm là chủ, thế nên các ông phải khéo dứt tâm”. Hai phần trên thuộc về sự tướng không cần phân biệt rộng.
3.- Thể chân chỉ : Là tùy tâm khởi niệm tất cả pháp đều biết do nhân duyên sinh, nó không có tự tính thì tâm không chấp. Nếu tâm không chấp thì vọng niệm dứt, cho nên gọi là Chỉ. Như bài kệ trong kinh:
“Trong hết thảy các pháp, Nhân duyên sinh không chủ. Dứt tâm suốt nguồn gốc, Gọi là vị Sa-môn.”
Qua đây, có thể nhận thấy phần tu Chỉ của Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán, nơi 2 pháp đầu ("Hệ Duyên Thủ Cảnh Chỉ" và Chế Tâm Chỉ) đã chú trọng, tập trung nhiều nơi công phu tu tập khiến ngừng lại, giới hạn lại các tác dụng "Liễu Cảnh", lăng xăng, vướng chấp, khởi niệm theo cảnh trần bên ngoài của Tiền Lục Thức, và kềm giữ Tiền Lục Thức, không cho Tiền Lục Thức vướng mắc, chấp thủ vào nơi cảnh trần.
Riêng pháp “Thể Chân Chỉ” đã có thêm phần vận dụng tâm thức vừa được phần nào lặng trong từ 2 pháp vừa nói mà quán sát, thấu rõ về lý Nhơn Duyên, thấy rõ thêm tất cả sự vật đều không có thực thể, không có tự tính nên chỉ là các pháp hữu vi, vô thường, sinh diệt theo nhân duyên tụ tán.
Đối chiếu với Duy Thức Học, có thể cảm nhận chỗ của "Hệ Duyên Thủ Cảnh Chỉ" chính là chỗ của 6 thức (Tiền Lục Thức); chỗ của "Chế Tâm Chỉ" chính là chỗ của độc nhất Ý thức (không có Tiền Ngũ Thức); và chỗ của “Thể Chân Chỉ” chính là chỗ của phần Ý thức đã được tịnh hóa, được tinh luyện, chắt lọc để trở nên thanh tịnh khiến vắng bóng, không còn có các vướng chấp thô trọng vào phân biệt cảnh trần (nên chỗ này cũng thường nôm na được gọi là chỗ của bắt đầu có được tâm Đạo).
So sánh với 3 thứ pháp môn tu Chỉ của Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán, kinh Thủ Lăng Nghiêm, trong Quyển I, đã khai mở pháp môn tu Chỉ thậm thâm, cao diệu. Nhưng lại rất tương ưng, thích hợp với tâm thức hiện có lúc đó của ngài A Nan, rất gần gũi, đặc sắc, mà lại rất hiệu quả.
Thông qua sự dắt dẫn của đức Phật, đấng Đại Từ Bi, đấng Đại Trí Tuệ..., đấng đã tỏ tường tất cả căn cơ, ước muốn của muôn loài chúng sinh; Ngài A Nan đã nương nhờ theo thần lực của đức Phật mà thành tâm, chuyên tâm theo từng lời Phật dạy, từng câu Phật hỏi để từ nơi Tịnh thức, cùng Trực Tâm, Thâm Tâm... của chính Ngài, ngay đó đưa ra các câu trả lời thích đáng.
Đây là Ngài đã tự động chóng vánh thông suốt qua, kinh qua các giai đoạn "Hệ Duyên Thủ Cảnh Chỉ" cùng "Chế Tâm Chỉ" mà ngay đó thể nhập vào ngay nơi nội tâm tự thể "Thể Chân Chỉ".
Trong phần chỉ dạy về tu Chỉ này, đức Phật đã khéo léo dẫn dắt, hướng dẫn, khơi mào, khai thị vô cùng ý nhị và đúng lúc cho ngài A Nan. Đức Phật nêu ra các câu hỏi lúc đầu có ý nghĩa đơn giản, cụ thể như chỉ hỏi về lý do Ngài phát tâm xuất gia theo đức Phật đến các câu hỏi về "Tâm ở chỗ nào?”; các câu hỏi càng lúc càng có ý nghĩa thâm sâu, tinh tế, vô hình, vô tướng…
Phần dẫn dắt khéo léo tuyệt vời này đã khiến giúp ngài A Nan tự đưa ra câu trả lời rồi ngay sau đó, Ngài tự nhận biết ra là câu trả lời vừa rồi của mình chưa đúng, nên Ngài lại tự nêu ra câu trả lời khác bổ chính lại cho câu trả lời vừa có trước mà dần dà được hướng dẫn đi sâu vào tâm thức.
Bảy lần trả lời về bảy chỗ của Tâm đã khiến giúp Ngài lắng đọng tâm thức, trở nên càng lúc càng được định tĩnh, định tâm nên Ý Thức Ngài cũng dần dà được tinh lọc, tinh luyện (tạm gọi là Tịnh Thức của Chính Niệm, Tỉnh Giác) mà trực nhập, đi sâu vào trong cõi tâm thức thanh tịnh của chính mình. Điều này cũng khiến giúp trí tuệ Ngài càng lúc càng được trong lặng, nhẹ nhàng, thênh thang, rộng khắp.
Bảy lần trả lời về bảy chỗ của Tâm của Ngài nguyên văn trong Kinh là:
1. "Nay con nhận được mắt con ở trên mặt con và tâm thức ở trong thân”,
2. "Con nghe lời dạy của Như Lai, ngộ được tâm con thật ở ngoài thân”,
3. "Tâm giác tri này đã chẳng biết trong mà thấy bên ngoài, theo con nghĩ là nó ẩn núp sau con mắt",
4. "Con lại thiết nghĩ rằng, thân thể của chúng sinh, tạng phủ ở trong, khiếu huyệt (ngũ căn) ở ngoài, nơi tạng thì tối, nơi khiếu thì sáng. Nay con ở trước mặt Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy bên ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong thân",
5. "Con đã từng nghe Phật khai thị chúng rằng: Tâm sinh nên các pháp sinh, pháp sinh nên các tâm sinh. Nay con suy nghĩ, chính cái suy nghĩ ấy là tâm của con; tùy sự suy nghĩ tâm liền có, cũng chẳng ở trong, ngoài và chính giữa",
6. "Khi Phật với Văn Thù và các Pháp Vương Tử luận về thật tướng, con cũng nghe Phật nói tâm chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Theo như con nghĩ, vì chẳng biết trong nên chẳng phải ở trong, thân tâm cùng biết một lượt nên chẳng phải ở ngoài, nay cùng biết một lượt mà chẳng thấy bên trong, tất phải ở giữa",
7. "Khi xưa con thấy Phật với bốn đại đệ tử (Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất) cùng chuyển pháp luân, thường nói "cái tâm giác tri chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở giữa, chẳng ở chỗ nào cả, tất cả vô trước gọi là tâm. Vậy con vô trước, được gọi là tâm chăng? ".
Như thế, 7 câu trả lời của Ngài về câu hỏi "Tâm ở chỗ nào?" đã đi từ nơi Tiền Ngũ Thức (Con mắt ở đâu?), đến nơi Ý thức (Tâm ở đâu?), rồi đến nơi Ý thức cùng Mạt Na thức và A Lại Da thức (Cái thể hay suy nghĩ, phân biệt, nhận biết ở đâu?).
7 chỗ này đi từ Tâm ở nơi thân căn (“Tâm ở trong thân”, “Tâm ở nơi con mắt”, “Tâm ở nơi não bộ suy nghĩ “), đến nơi cảnh trần và pháp trần (“Tâm ở bên ngoài thân”, “Tâm ở nơi thấy tối”, “Tâm ở nơi thấy sáng”), và đến ở khoảng giữa (Tâm ở giữa Thân Căn và Cảnh Trần); rồi sau cùng Ngài đã trả lời là Tâm hiểu biết, phân biệt của Ngài “không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa”, tâm Ngài “không có bám víu vào chỗ nào cả”.
Đức Phật đã không khai thị 7 câu trả lời này của Ngài là đúng hay không đúng, mà đức Phật chỉ vô cùng khéo léo đặt ra những câu hỏi có chiều hướng ngược lại khiến giúp Ngài tự nhận ra các điểm còn chưa đầy đủ, chưa bao khắp, còn thiếu sót trong câu trả lời của mình rồi ngay đó, liền có câu trả lời khác thay thế.
Đó là do vì 7 chỗ trong 7 câu trả lời của Ngài đều chỉ là chỗ của vọng thức, tạp niệm, vọng tưởng: 5 chỗ đầu là còn thuộc về Tiền Lục Thức do tự nơi Ý Thức Ngài phân biệt, nhận biết ngay khi được đức Phật hỏi; chỗ thứ sáu thuộc về Mạt Na thức, là do Ngài nhớ lại lời đức Phật cùng Bồ Tát Văn Thù và các Pháp Vương Tử luận về nghĩa Thật Tướng rồi Ngài mường tượng ra;
Chỗ thứ bảy thuộc về A Lại Da thức, là do Ngài nhớ lại lời đức Phật cùng với bốn vị đại đệ tử (Mục Kiền Liên,Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất) cùng chuyển pháp luân, thường nói "cái tâm giác tri chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng ở giữa, chẳng ở chỗ nào cả, tất cả vô trước gọi là tâm” rồi Ngài chỉ nói lặp lại lời tương ưng với A Lại Da thức này.
Cả 7 chỗ này không phải là chỗ của Chân Tâm mà đức Phật muốn ngài minh liễu. Bởi vì Chân Tâm, Như Lai Tàng bản thể, vốn là thể tính thanh tịnh, khoáng đạt, mầu nhiệm, không có Tự Tính, vô thể, vô tướng, rỗng rang, vô tại - vô bất tại , mênh mang trùm khắp, thường hằng, bất động, vô sinh, phi hòa, phi hợp , vô sở trụ, bình đẳng, vô phân biệt... Nên nếu nói “Tâm có chỗ nào” tức là thừa nhận Tâm đó không có trùm khắp, không có thường hằng, tâm còn có phân biệt, tâm còn có chỗ trụ, tâm chưa thực sự bình đẳng...
Cũng là thừa nhận Tâm đó chỉ còn là ở mức Tiền Ngũ Thức (Nhãn thức trụ nơi trần cảnh, Nhĩ thức trụ nơi âm thanh, Tỷ thức trụ nơi hương, Thiệt thức trụ nơi vị, Thân thức trụ nơi chạm xúc) hoặc còn ở mức Ý thức (Ý thức trụ nơi pháp trần) mà thôi.
Như thế, có thể nhận định là hành trình tâm thức của Ngài trong suy tưởng, tư duy về "Thất Xứ Truy Tâm" chính là các kết tinh tốt đẹp của hình thái pháp môn tu Chỉ đặc sắc, độc đáo nơi kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Quán (Vipassana, tiếng Pali) được tạm định nghĩa trong bài viết này là dùng Tịnh Thức của Chính Niệm, Tỉnh Giác (của phần tu Chỉ nêu trên) mà quán sát, quán chiếu, soi rọi để rõ biết, phân biệt tận tường sự vật được quán đến.
Tịnh thức của Chính Niệm, Tỉnh Giác này có thể được xem tương ưng với "Tuệ Minh Sát" (trí tuệ để quán sát được minh bạch rõ ràng). Các pháp quán thường được nhắc đến là quán về các thể tính Khổ- Vô Thường- Vô Ngã (Tam Pháp Ấn) nơi các sự vật hữu vi và về Niết Bàn tịch tịnh (Pháp Ấn thứ tư) nơi giải thoát Vô Vi pháp.
Cũng theo Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán, pháp môn tu Quán có 2 thứ:
“Đối trị quán: Như quán bất tịnh đối trị tham dục, quán từ bi đối trị giận hờn, quán giới phân biệt đối trị chấp ngã, quán sổ tức đối trị loạn động...
Chính quán: Quán các pháp không tướng đều do nhân duyên sinh; nhân duyên không tính tức là thật tướng. Trước rõ cảnh bị quán tất cả đều không thì tâm năng quán tự nhiên không khởi. Những đoạn văn trước và sau đã bàn nhiều về lý này, xin để tự hiểu. Như bài kệ trong kinh nói:
"Các pháp không bền chắc, Thường ở trong tâm niệm, Người thấu đạt lý không, Tất cả không khởi niệm"
Có thể xem pháp môn Đối Trị Quán nơi Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán chính là pháp môn Ngũ Đình Tâm Quán. Theo bộ sách Phật Học Phổ Thông (Tác giả : Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973)), Ngũ Đình Tâm Quán gồm có 5 pháp Quán chính yếu như sau:
“Quán Sổ Tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí, Quán Bất Tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục, Quán Từ Bi, để đối trị lòng sân hận, Quán Nhân Duyên, để đối trị lòng si mê, Quán Giới Phân Biệt, để đối trị chấp ngã”.
Qua Duy Thức Học, Ngũ Đình Tâm Quán được xem là 5 pháp môn để khiến dừng lại và làm tiêu tan đi các phiền não cùng các chấp trước Ngã tướng nơi Ý Thức . Như thế, 3 Phiền Não Căn Bản (Tham, Sân, Si) được đối trị theo thứ tự lần lượt bởi Quán Bất Tịnh, Quán Từ Bi, và Quán Nhân Duyên. Pháp quán Sổ Tức đặc biệt đươc dùng để đối trị 8 Đại Tùy Phiền Não (bệnh tán loạn tâm trí ) bao gồm: Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn, và Bất Chính Tri.
Cả 4 pháp Quán này được xem là có ở trong phạm vi hoạt động của Ý thức. Chỉ riêng pháp Quán Giới Phân Biệt để đối trị chấp Ngã là bắt đầu có quan hệ đến Mạt Na thức. Vì chấp Ngã có nguồn gốc từ Mạt Na thức (thức tư lương chấp Ngã): Mạt Na thức nhận Kiến phần của thức A Lại Da làm bản thể rồi đóng vai trò đón đưa chủng tử từ nơi kho tàng nghiệp thức của A Lại Da mà tư lương, lăng xăng đủ mọi vụ việc.
Do vậy, pháp Quán Giới Phân Biệt có phạm vi, đối tượng tương đối rất đa dạng, phong phú mà lại tiềm ẩn, thâm sâu hơn so với các pháp Quán Đối Trị khác.
Vì đó là Quán về các đối tượng:
+ về 5 Uẩn (Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn, và Thức Uẩn),
+ về 6 Nhập hay gọi là 6 Căn (Nhãn Căn, Nhĩ Căn, Tỹ Căn, Thiệt Căn, Thân Căn, và Ý Căn),
+ về 12 Xứ (gồm có 6 Ngoại Xứ, Xứ thuộc về bên ngoài Thân, Xứ của cảnh trần: Sắc Xứ, Thanh Xứ, Hương Xứ, Vị Xứ, Xúc Xứ, Pháp Xứ và 6 Nội Xứ, Xứ thuộc về nơi Thân, Xứ của 6 Căn: Nhãn Xứ, Nhĩ Xứ, Tỹ Xứ, Thiệt Xứ, Thân Xứ, và Ý Xứ),
+ về 18 Giới (gồm có 6 Ngoại Giới, Giới thuộc về bên ngoài Thân, Giới của cảnh trần: Sắc Giới, Thanh Giới, Hương Giới, Vị Giới, Xúc Giới, Pháp Giới; và 6 Nội Giới, Giới thuộc về nơi thân căn và nơi tâm thức: Nhãn Giới, Nhĩ Giới, Tỹ Giới, Thiệt Giới, Thân Giới, và Ý Giới; và 6 Thức Giới, Giới chỉ thuần là tâm thức: Nhãn Thức Giới, Nhĩ Thức Giới, Tỹ Thức Giới, Thiệt Thức Giới, Thân Thức Giới, và Ý Thức Giới).
Như thế, nhìn chung Đối Trị Quán có thể được xem là sự vận dụng phần Tịnh Thức của Ý thức để soi chiếu lại các lăng xăng, vướng chấp của chính nó (Ý thức) và thông qua sự soi chiếu này, các phiền não, vướng chấp hư vọng nơi Ý thức sẽ tự dần dà được tiêu tan, không còn hiện diện nữa.
Ngoài pháp Quán Đối Trị, Pháp Yếu Tu Tập Thiền Chỉ Quán đã phân biệt thêm về pháp Chính Quán là pháp quán tất cả sự vật, đối tượng mà thông rõ về Lý Nhân Duyên. Cũng có thể cảm nhận pháp Chính Quán này chính là pháp Tứ Niệm Xứ Quán thường được nhắc đến. Pháp Tứ Niệm Xứ Quán minh thị ra 4 chỗ quán chiếu (Thân, Thọ, Tâm, Pháp) để cho tâm niệm được an trú. Bốn pháp quán ấy là:
1. Thân Niệm Xứ Quán:
Là quán chiếu thân, rõ được thân là bất tịnh, là căn nguồn gốc của mọi tội lỗi, là do nhân duyên giả hợp mà có ra, không phải là thật thể trường tồn.
2. Thọ Niệm Xứ Quán:
Là quán sát các cảm thọ (Ưu, Khổ, Hỷ, Lạc, Xả) đều do nhân duyên giả hợp mà có ra, đều là khổ.
3. Tâm Niệm Xứ Quán:
Là quán sát các tâm (từ Tiền Lục Thức cho đến Mạt Na thức, A Lại Da thức) đều do nhân duyên giả hợp mà có ra, đều là Vô thường, chuyển biến, sát na sinh diệt không ngừng.
4. Pháp Niệm Xứ Quán:
Là quán sát tất cả vạn pháp (bao gồm cả Thân Xứ, Thọ Xứ,Tâm Xứ vừa nêu trên) đều do nhân duyên giả hợp mà có ra, đều là duyên khởi, nên là vô ngã.
Pháp Tứ Niệm Xứ Quán giúp tâm niệm được an trú mà liễu tường được các nhân duyên sinh khởi, rõ được 4 chỗ Thân- Thọ- Tâm- Pháp đều không có thực thể, không có tự tính. Quán liễu được như vậy khiến giúp chủ thể Năng Quán không còn khởi sinh.
Điều này có ý nghĩa là nay Đệ Lục Ý thức của hành giả đã thông tỏ được Lý Nhân Duyên, đã nhận biết, phân biệt tỏ tường được về tính cách như huyễn, như mộng...của vạn sự, vạn vật, của 3 hòa hiệp Căn-Trần-Thức nên phần Tịnh thức (nơi Ý thức) không còn có bất kỳ chấp luyến nào nơi trần cảnh và cả nơi khởi sinh tâm Ý thức. Hai bên Sở thức và Năng thức đều được buông xả, tâm thức chấp Ngã không còn hiện diện, nên có thể gọi là tâm thức hành giả nay đã vượt qua Đệ Thất Mạt Na thức mà vào đến Đệ Bát A Lại Da thức.
Chỗ này được xem là đã Kiến Đạo, tương đương với giai vị Sơ Địa (Hoan Hỷ Địa) của Thập Địa Bồ Tát bên Bồ Tát thừa, hoặc được xem tương đương với giai vị Tu Đà Hoàn (Nhập Lưu) bên Thanh Văn thừa.
Duy Thức Học đặc biệt có pháp Ngũ Trùng Duy Thức Quán (Năm lớp quán Duy Thức), quán từ cạn thô đến sâu tế, được mô tả tóm lược như sau:
1. Khiển Hư Tồn Thực: là khiển trách, loại bỏ đi những vướng chấp cảnh trần nơi Ý thức thô cạn (Khiển Hư) mà giữ lại những cái chân thực ,sâu tế hơn nơi Tịnh Ý Thức (Tồn Thực),
2. Xả Lạm Lưu Thuần : là xả bỏ những cái còn là dư thừa, tạp nhạp nơi Tịnh Ý thức (Xả Lạm) mà lưu giữ lại những cái tinh thuần hơn (Lưu Thuần). Đây cũng là khiến cho tất cả các tâm sở (ác, thiện, vô ký), phần dụng năng của Ý thức đều được tịch lặng, cũng là khiến cho Tịnh Ý thức được thêm sức lực cần thiết để soi chiếu, xuyên suốt vào Mạt Na thức và A Lại Da thức,
3. Nhiếp Mạt Qui Bổn: là thu nhiếp lại phần Tịnh Ý thức (Nhiếp Mạt) mà trở về thể nhập vào Mạt Na thức và A Lại Da thức (Qui Bổn),
4. Ẩn Liệt Hiển Thắng: là che khuất đi, không màng đến, không bận tâm, để ý đến các phần yếu kém, tất cả các tâm sở, phần dụng năng của 2 thức Mạt Na thức và A Lại Da thức (Ẩn Liệt) mà chỉ chú trọng đến phần thể tính của 2 thức này (Hiển Thắng),
5. Khiển Tướng Chứng Tính: là chê trách phần hiển ra tướng trạng, phần tập khí- nghiệp thức-chủng tử của A Lại Da thức (Khiển Tướng) mà thể nhập vào Như Lai Tàng Tự Tính (Chứng Tính).
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm từ cuối quyển 1 cho đến hết quyển 4, đức Phật đã từ bi vô lượng và vô biên thiện xảo, đã vô cùng khéo léo dẫn dắt, khai ngộ cho tâm thức ngài A Nan được vào sâu đến nơi Kiến Đạo. Khi Ý thức của Ngài đã được tịnh hóa sau phần "Thất Xứ Truy Tâm" (tu Chỉ), đức Phật đã khai thị lần lượt về tu Quán qua hai thứ gốc rễ căn bản, qua Tâm Phan Duyên, qua Tính Thấy, qua Chân Tâm. Tất cả được tạm cảm nhận và tổng hợp sơ lược như sau:
1. Về hai thứ gốc rễ căn bản: gốc rễ sinh tử từ vô thỉ luân hồi là Tâm Phan Duyên (theo Duy Thức Học, đây là Mạt Na thức và Ý thức, vô thỉ hữu chung), và gốc rễ thanh tịnh là thể tính Niết Bàn vốn sẵn từ vô thỉ giải thoát (theo Duy Thức Học, đây chính là A Lại Da thức và Như Lai Tàng tâm, vô thỉ vô chung),
2. Về Tâm Phan Duyên:
2.1. Tâm Phan Duyên chỉ có khả năng ghi nhận, phân biệt, hiểu biết được về các cảnh trần, các pháp trần Sở Duyên bên ngoài. Nên những gì Tâm Phan Duyên hiểu biết được chỉ là ngón tay (ngón tay chỉ mặt trăng), không phải là mặt trăng,
2.2. Tâm Phan Duyên không có tính thường hằng, nó có đến rồi có đi, giống như người khách trọ, không phải là ông chủ như Chân Tâm,
2.3. Tâm Phan Duyên có các hiện tướng đều có chỗ trả về, nên Tâm Phan Duyên chỉ là Thức; không như Chân Tâm, Chân Tính mầu nhiệm không có chỗ trả về.
3. Về Tính Thấy:
3.1. Tính Thấy thường hằng, không sinh diệt: "Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay, nhưng nếu không có con mắt, thì vẫn có cái Thấy". Tính Thấy bất động, không đến-không đi, không là khách trần dao động, mà chính là ông chủ ở yên,
3.2. Tính Thấy xưa nay vốn là trùm khắp pháp giới, không phải chỉ có ở trước mắt; Tính Thấy hiện diện ở khắp các nơi chốn mà không bị co rút hay dãn lớn (trong không gian chật hẹp hay rộng rãi),
3.3 Tính Thấy không phải là vật, vì nếu như vậy, người này có thể thấy được Tính Thấy và cả Cái Không Thấy của người kia, nên Tính Thấy này chính là Chân Tính của ta,
3.4. Tính Thấy vượt lên ý nghĩa vướng chấp về "Thị" và "Phi Thị": Tính Thấy không “là” , cũng không “chẳng phải là” đối với vật bị thấy,
3.5. Tính Thấy giống như Hư Không, xa lìa tất cả các tướng, nên Tính Thấy không có dạng tướng vuông tròn: Hư Không không có tướng vuông tròn mà chỉ tùy theo dạng tướng đồ đựng mà có ra vuông tròn,
3.6. Tính Thấy ở ngay trong thân tâm 5 uẩn vô thường của chúng sinh,nhưng nó không phải là Tưởng, và cũng không phải là do Vọng Tưởng mà có; vì Tính Thấy cùng với vạn tượng, luôn cả 6 Căn, 6 Trần, 6 Thức... đều là từ nơi Bồ Đề thể tính lưu xuất,
3.7. Tính Thấy không là Nhân Duyên vì khi 9 Duyên của cái Thấy được trả vể nơi bản gốc, cái Thấy vẫn tồn tại . Cái Thấy không có chỗ trả về này đươc Kinh gọi là Tính Thấy thanh tịnh của Tiền Lục Thức, là Kiến Tinh diệu minh, hay là Mặt Trăng Thứ Hai. Mặt khác, cái Nhân sâu xa, Nhân cứu cánh của cái Thấy chính là A Lại Da thức và Như Lai Tàng bản thể rất khó có thể nhận biết ra, rất khó nói tận tường, chỉ có các bậc Đắc Đạo mới rõ được.
(Nhân Duyên hòa hợp chỉ khiến có ra Tứ Khoa giả tạm: 5 Uẩn, 6 Nhập, 12 Xứ, 18 Giới, mà không thể khiến tạo ra Tính Thấy),
3.8. Tính Thấy cũng không là Tự Nhiên vì nó không có tự tính bản thể , không có cái thể tự nhiên; nhưng Tính Thấy cũng không phải là không tự nhiên vì nó đã vượt ra ngoài Lý Nhân Duyên,
3.9. Tính Thấy cũng không là tướng Hòa Hợp, cũng không là tướng Phi Hòa Hợp:
Cái Thấy của chúng sinh phàm phu là tướng Hòa Hợp vì đều có hàm chứa Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp, đều còn là cái Thấy bệnh. Cái Thấy bệnh này là cái Thấy còn bị vướng chấp bởi kho tàng chủng tử nghiệp thức nơi A Lại Da thức, cái Thấy còn có 2 bên Người thấy và Cảnh bị thấy (Năng Kiến và Sở Kiến), cái Thấy còn bị dính kẹt vào các sắc tướng (sáng- tối, trong-đục, thông- bít...). Nhưng Tính Thấy cũng không phải là tướng Phi Hòa Hợp, vì không thể rời lìa các sắc tướng mà hiển hiện Tính Thấy , cũng không thể tìm thấy có ranh giới giữa Tính Thấy và cảnh trần…
4. Về Chân Tâm (Như Lai Tàng bản thể):
4.1. Chân Tâm là Tâm nhiệm mầu, viên mãn, sáng suốt, thường trú không phải là các Vọng Tưởng, vì các Vọng Tưởng vốn không có tự thể (thể tính độc lập) nhưng tất cả các pháp, bao gồm các Sắc pháp, các Tâm pháp, các Tâm Sở, các Duyên, các Sở Duyên...được sinh khởi là do từ nơi Chân Tâm biến hiện ra,
4.2. Do vì chúng sinh mê muội, điên đảo nên đem Chân Tâm rỗng suốt mà biến ra Hư Không và Sắc Chất, những cảnh ám muội, rồi khi Sắc Chất xen lộn với tâm Vọng Tưởng, hòa hợp nhau mà khiến có ra Tứ Khoa ( 5 Uẩn, 6 Nhập, 12 Xứ, 18 Giới)...
Rồi ngoài thì buông lung theo Cảnh trần, trong lại duyên theo Pháp trần nên tâm thức có ra các Tưởng lăng xăng mà vọng nhận cho đó là Tâm, là Tính. Do vậy, mê lầm cho rằng Tâm ở trong Sắc thân, mà không rõ được là cả Sắc thân cùng vạn tượng cảnh trần bên ngoài đều là vật biến hiện từ nơi Chân Tâm,
4.3. Khi các nhân duyên hòa hợp nên 4 Khoa (5 Uẩn, 6 Nhập, 12 Xứ, 18 Giới) cùng 7 Đại (Địa Đại, Hỏa Đại, Thủy Đại, Phong Đại, Không Đại, Kiến Đại, Thức Đại) được trả về, hoàn nguyên vào Như Lai Tàng bản thể là lúc hành giả được Kiến Đạo, chứng đắc Sơ quả Tu Đà Hoàn.
Nhìn chung, pháp Quán nơi kinh Thủ Lăng Nghiêm đã được đức Phật khéo léo dắt dẫn ngài A Nan từ Ý thức vướng chấp cảnh trần dần dà được vào sâu nơi Mạt Na thức rồi chạm đến A Lại Da thức cùng Như Lai Tàng bản thể; thiện xảo vượt qua được cả lý Nhân Duyên, lý Tự Nhiên, lý Hòa Hợp, Lý Phi Hòa Hợp....
Ngay sau khi rõ về Tâm Phan Duyên, ngài A Nan dù chưa chứng được Thánh quả thanh tịnh vô lậu nhưng Ngài đã thấy được cõi Sơ Thiền (Ly Sinh Hỷ Lạc địa) rồi đến khi được đức Phật khai thị thấu suốt về Chân Tâm Như Lai Tàng bản thể, Ngài liền chứng được Sơ Quả Tu Đà Hoàn, gọi là địa vị thấy rõ được các chủng tử nghiệp thức còn sót lại nơi A Lại Da thức để còn ra công xa lìa, xả bỏ;
Cùng thấy rõ được con đường Tu Đạo của các bậc Đăng Địa Bố Tát mà khởi tu, khởi sự đi trên con đường tu tập cứu cánh (Kiến Đạo Khởi Tu) mà chứng đạt được các quả vị giải thoát trọn vẹn.
Thiền (Dhyana, tiếng Pali): Đã có rất nhiều định nghĩa về Thiền, nhưng trong bài viết này có thể tạm định nghĩa đơn giản Thiền là sự sống trọn vẹn với các tâm thức đã được tịnh hóa từ 2 công phu Chỉ và Quán nêu trên. Như thế, Thiền có ý nghĩa rất rộng, bao trùm cả Chỉ và Quán.
Do đây khiến có ra rất nhiều các từ ngữ khác nhau như Thiền Chỉ, Thiền Quán, Thiền Định, Thiền Tuệ...(tùy theo hình thái dụng công tâm thức tu tập); Thiền Dục Giới, Thiền Sắc Giới, Thiền Vô Sắc Giới (tùy theo mức độ tu chứng trong 3 cõi); Thiền Tọa, Thiền Hành,Thiền Trụ, Thiền Ngọa, ...(tùy theo hình thái dụng công thân căn trong tu tập); Thiền Cắm Hoa, Thiền Trồng Rau, Thiền Ngắm Trăng...(tùy theo hình thái sinh hoạt trong đời sống hàng ngày) đã thường được nhắc đến…
Thiền thường được phân định ra 5 loại là:
1. Ngoại Ðạo Thiền: như Thiền của Bà La Môn Giáo, cách thức luyện tập của các ông Alara Kalama, ông Uddka Ramaputta, cùng các pháp thiền định của các phái Du Già. Các Thiền này dù giúp tâm thức hành giả vượt thoát qua Dục Giới, nhưng còn bị vướng kẹt nơi Sắc Giới và Vô Sắc Giới, vì chưa đạt đến Diệt Tận Định của bậc A La Hán.
Điều này được cảm nhận là khả năng tối đa của Thiền Ngoại Đạo chỉ có thể vượt qua Ý Thức (Thức tư duy chấp Pháp) và vượt qua Mạt Na thức(Thức tư lương chấp Ngã) mà tạm thời được chạm vào A Lại Da thức, kho tàng chủng tử nghiệp thức, mạng mạch của xiết bao sinh tử, luân hồi. Nhưng Thiền Ngoại Đạo chưa có khả năng thể nhập vào Như Lai Tàng bản thể, cõi Niết Bàn tịch tịnh thâm sâu nhất trong Phật Đạo.
2. Phàm Phu Thiền: là phương cách tĩnh tâm, lắng đọng phần Ý thức, khiến Ý thức bớt đi phần nào lăng xăng, đuổi bắt, bám víu nơi 6 trần cảnh của phàm phu. Phương cách này chỉ giúp phàm phu vơi bớt, tạm thời quên đi các khổ đau, dằn vặt, âu lo của cuộc sống; tạm thời có được chút ít niềm vui giả tạm...trong đời sống hàng ngày.
Do vậy, khả năng tối đa của Phàm Phu Thiền là chỉ có được một ít Thiền Chỉ, một ít Thiền Quán trong phạm vi Ý thức, mà khó có thể vào tới được các cảnh giới Thiền Định, Thiền Tuệ sâu xa hơn thuộc phạm vi Mạt Na thức, A Lại Da thức, và Như Lai Tàng bản thể.
3. Tiểu Thừa Thiền: là phương cách tu Thiền với chủ trương “ Nhân Không Pháp Hữu” (Hành giả là Không, Pháp chứng là Có), dựa trên 2 pháp tu căn bản là Ngũ Ðình Tâm Quán và Tứ Niệm Xứ Quán đã nêu các ở phần trên. Được gọi là Tiểu Thừa (cổ xe nhỏ) vì quả vị cao nhất của Tiểu Thừa Thiền là A La Hán (tương đương với quả vị Bồ Tát Đệ Bát Địa bên Đại thừa), chưa phải là các quả vị Cửu Địa Bồ Tát, Thập Địa Bồ Tát, Đẳng Giác, Diệu Giác, Phật như ở bên Đại Thừa Thiền.
Và có khi sau khi đắc quả A La Hán, các Ngài nhập Niết Bàn tịch diệt hẳn, không còn tái hiện trở lại nơi thế gian để tiếp tục giáo hóa, cứu độ chúng sinh nữa. Ngoài ra, có thể cảm nhận là đối tượng Thiền của Tiểu Thừa Thiền còn bị hạn hẹp nơi thân căn và tâm thức, nhất là nơi Ý thức, mà ít chú trọng vào đến Như Lai Tàng bản thể như ở bên Đại Thừa Thiền.
4. Ðại Thừa Thiền: là phương cách tu Thiền với chủ trương “Nhơn Pháp Nhị Không” (Hành giả và Pháp chứng, cả hai đều Không), theo tinh thần Bồ Tát Đạo là "Thượng Cầu Phật Ðạo, Hạ Hoá Chúng Sinh" (Trên Cầu Phật Ðạo, Dưới Hóa Ðộ Chúng Sinh). Ý nghĩa về Đại Thừa đã được tổ Mã Minh (sống vào khoảng giữa thế kỷ 1 và 2 sau Tây lịch) khai thị rõ trong tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận.
Đại Thừa Thiền dựa vào giáo lý nơi các kinh điển Đại Thừa, các bộ Luận Đai Thừa mà có ra nhiều tông phái như Thiên Thai Tông (dựa vào kinh Pháp Hoa), Hoa Nghiêm Tông (dựa vào kinh Hoa Nghiêm), Tam Luận Tông (dựa vào 3 bộ Luận: Trung Luận, Thập Nhị Môn Luận, và Bách Luận)…, nên có khi thường được gọi là Thiền Giáo Môn
5. Tối Thượng Thừa Thiền: được xem là Thiền "dĩ tâm truyền tâm" và "dĩ tâm ấn tâm", truyền trao và ấn khả, ấn chứng trực tiếp Chân Tâm từ vị Thầy đến vị đệ tử. Tối Thượng Thừa Thiền được xem bắt nguồn từ đức Phật Thích Ca ấn truyền trực tiếp tổ vị thứ nhất đến tổ Ca Diếp trong giai thoại "Niêm Hoa Vi Tiếu" trên pháp hội Linh Sơn. Tổ vị sau đó được truyền trao qua đến Nhị Tổ A Nan (sinh sau đức Phật 30 năm), Tam Tổ Thương Na Hòa Tu, Tứ Tổ Ưu Ba Cúc Đa,...rồi đến vị tổ thứ 28 là tổ Bồ Đề Đạt Ma (?-532).
Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc vào khoảng năm 520 và trở thành Sơ Tổ Thiền Tông của Trung Quốc. Ngài truyền pháp cho Nhị Tổ Huệ Khả (486-593). Dòng Pháp được truyền tiếp nối đến Tam Tổ Tăng Xán (?- 606), rồi đến Tứ Tổ Đạo Tín (580-651), Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601-674), và sau cùng đến Lục Tổ Huệ Năng (638-713).
Lục Tổ phát dương quang đại dòng Thiền của Sơ Tổ qua các vị Đại Đệ Tử như tổ Thanh Nguyên Hành Tư (660-740), tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744), tổ Thần Hội(668-760)... khiến dần dà thành tựu ra 5 tông phái Thiền kỳ đặc của dòng Thiền Trung Quốc, còn được gọi tên là Tổ Sư Thiền.
5 tông phái này được gọi tên theo tên theo các Tổ với năm sinh và năm mất của Ngài như sau: 1.Tông Lâm Tế (tổ Lâm Tế: ?-867), 2. Tông Qui Ngưỡng (tổ Qui Sơn 771-853, và tổ Ngưỡng Sơn: 804-899), 3. Tông Vân Môn (tổ Vân Môn:?-949), 4. Tông Tào Động (tổ Tào Sơn:?-?, và tổ Động Sơn: 807-869), và 5. Tông Pháp Nhãn (tổ Pháp Nhãn: 885-958).
Tôn chỉ của Tối Thượng Thừa Thiền (Tổ Sư Thiền) được đúc kết ngắn gọn qua bài kệ 4 câu, 16 chữ của tổ Bồ Đề Đạt Ma:
"Bất lập văn tự Giáo ngoại biệt truyền Trực chỉ chân tâm, Kiến tính thành Phật"
Tạm dịch:
"Không qua kiến lập văn tự Truyền riêng ở ngoài Giáo lý Chỉ thẳng ngay nơi Chân Tâm Thấy ra Giác Tính mà thành Phật".
Trong nhà Thiền có câu chuyện về "vượt ra ngoài giáo lý, kinh sách" này nơi ngài Huyền Sa Sư Bị (835-908): "Một hôm, tổ Tuyết Phong (822-908) hỏi Ngài: "Cái gì là Đầu Đà Bị?", Ngài đáp: Trọn chẳng dám dối người". Hôm khác, Tổ lại hỏi: "Đầu Đà Bị tại sao chẳng đi tham vấn các nơi?"; Ngài liền thưa: "Đạt Ma chẳng qua Đông độ, Nhị Tổ chẳng đến Tây thiên". Ngay đó, Tổ liền gật đầu ấn chứng.
Qua bài kệ của tổ Bồ Đề Đạt Ma, và qua lăng kính Duy Thức Học, ta có thể rút ra 3 nhận định:
1. Trong khi "Kiến Đạo" (quả vị Tu Đà Hoàn, hoặc Sơ Địa Bồ Tát) là "Khởi Tu", ở đây Sơ Tổ khẳng định "Kiến Tính là thành Phật ". Quả vị Kiến Tính là quả vị A La Hán, hoặc Bát Địa Bồ Tát , còn gọi là Bất Động Địa Bồ Tát. Lý do là Kiến Tính tức là thấy ra đầy đủ được Giác Tính và sống trọn vẹn được với Giác Tính, với Như Lai Tàng bản thể.
Nơi giai vị A La Hán, mọi công phu tu tập đã được hoàn tất tốt đẹp, tâm của các Ngài đã giải thoát khỏi tất cả các Dục lậu, các Hữu lậu, các Vô Minh lậu; các Ngài biết là: 'Sinh đã tận, Phạm Hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái này nữa'; các Ngài nay chỉ tiếp tục giáo hóa, cứu độ chúng sinh và được tiếp nhận hồng ân chư Phật để thành Phật.
2. Chỗ thấy được và sống được với Giác Tính với Giác Tính, với Như Lai Tàng bản thể này đã hoàn toàn vượt qua khỏi Bát Thức Tâm Vương (Tiền Ngũ Thức, Ý thức, Mạt Na thức, và A Lại Da thức). Toàn bộ Bát Thức Tâm Vương nay đã không còn tồn tại nữa vì đều đã được chuyển hóa thành Tứ Trí: Ý thức thành Diệu Quán Sát Trí, Mạt Na thức thành Bình Đẳng Tính Trí, Tiền Ngũ Thức thành Thành Sở Tác Trí, A Lại Da thức thành Đại Viên Cảnh Trí.
Do vậy tất cả các Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân của Tâm Bất Tương Ưng Hành pháp nơi A Lại Da thức đều đã trở nên thừa mứa, không còn cần phải sử dụng đến. Cả vị Thầy lẫn người đệ tử đều không còn phải cần đến những khuôn sáo có sẵn nhưng nay đã trở nên rỗng tuếch đối với các vị.
3. Để vượt qua Bát Thức Tâm Vương, trước nhất cần phải vượt qua 2 trở ngại lớn nhất, 2 thức hung hãn nhất, là Đệ Lục Ý thức (thức tư duy chấp pháp) và Đệ Thất Mạt Na thức (thức tư lương chấp ngã). Do vậy, Tổ Sư Thiền có pháp Tham Thoại Đầu hoặc Tham Công Án rất phổ biến, nhất là trong các dòng thiền Lâm Tế tông và Tào Động tông.
Phương pháp Tham Thiền của Thiền Thoại Đầu và Thiền Công Án được cảm nhận trước hết là khiến giúp giảm thiểu rồi triệt tiêu công năng phân biệt và chấp trước vào pháp trần của Ý thức bằng cách hướng thẳng Ý thức vào Mạt Na thức mà Mạt Na thức thường được ví như là Thùng Sơn Đen, Đầu Sào Trăm Trượng, Vô Thủy Vô Minh,…
Đây được gọi nôm na là "dùng Nghi Tình, dùng Cái Không Biết để tu”...; tương ưng với lớp Quán thứ ba ("Nhiếp Mạt Qui Bổn") trong Ngũ Trùng Duy Thức Quán của Duy Thức Học. Rồi đến khi nhân duyên, thời tiết chín mùi, khi Mạt Na thức và A Lại Da thức được vượt qua, hành giả sẽ được chứng Đạo, thấy Tính.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm từ quyển 4, đức Phật đã khai thị về Tính Giác, chỉ bày Chân Thắng Nghĩa về Tính Giác , về sự sống sâu thẳm nhất của Thiền tông, được cảm nhận và ghi nhận sơ lược như sau:
1. Tính Giác vốn là cái Diệu Minh, vốn là cái thường hằng, trùm khắp, tự sáng suốt, tự trong lặng, tự đầy đủ, thanh tịnh trang nghiêm, gọi là Giác Minh,
2. Tính Giác có thể tính nhiệm mầu vốn không đồng, không khác nên không là cái Bị Nhiễm Ô bởi bất kỳ cái nào khác. Như trong nhà Thiền có câu chuyện kể: Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) đến Tào Khê tham yết Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Tổ hỏi: "Ở đâu đến?", Ngài thưa: "Ở Tung Sơn đến." Tổ lại hỏi: "Đem vật gì đến?", Ngài trả lời không được, bèn ở lại với Tổ. Sau tám năm, Ngài chợt có tỉnh, liền đến trình Tổ: "Nói một vật là không đúng".
Tổ liền hỏi: "Lại có thể đạt đến chăng?" Ngài đáp: "Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được." Tổ bèn ấn chứng: "Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ngươi đã như thế, ta cũng như thế",
3. Tính Giác cũng không sinh tạo ra các thứ nhiễm ô. Vì các thứ này được sinh ra từ gốc các Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp của các loài chúng sinh. Do vậy, không thể nói là tại sao Tính Giác thanh tịnh bản nhiên mà bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi sơn hà đại địa, như câu hỏi của ngài Phú Lâu Na trong kinh,
4. Tính Giác không là Sở Minh, không là cái Minh Giác, cái Bị Soi Sáng bởi bất kỳ cái nào khác. Điều này có nghĩa là Tính Giác không do nơi Vọng Tưởng phân biệt mà có ra,
5. Nếu vọng lập cái Sở Minh, cái Năng Minh hư vọng cũng được sinh khởi mà dẫn đến sự sinh khởi ra các Niệm Tưởng nhiễm trước trần cấu, đưa đến phát sinh vô lượng Phiền Não. Rồi do Phiền Não dấy động, khiến thành ra thấy có thế giới, có hư không, có 4 Đại (Phong Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Thủy Đại) nên lại có vọng lập ra 3 thứ Tương Tục là Thế Giới Tương Tục, Chúng Sinh Tương Tục, và Nghiệp Quả Tương Tục.
Ba thứ Tương Tục này đều chỉ là các Tướng Điên Đảo sinh khởi từ Vọng Minh, rồi từ nơi Vọng Minh mà lại có phát hiện ra các tướng trạng hữu vi (sơn hà, đại địa...) thứ lớp trôi chảy, tiếp nối không dừng,
6. Tính Giác không sinh Mê, Mê cũng không sinh Mê: Không thể nói là các bậc Giác ngộ, đã chứng nhập Giác Tính thanh tịnh, sáng suốt, nhiệm mầu đến lúc nào lại sinh ra các tướng hữu vi, nghiệp quả hữu lậu trở lại; cũng không thể nói là do Mê mà sinh Mê, vì Mê vốn là không có gốc rễ, không có khả năng sinh khởi,
7. Tính Giác viên dung, trùm khắp pháp giới, như Hư Không là Vô Tướng nhưng không ngăn cản các Tướng hữu vi (sáng - tối, trong - đục...) phát huy; tướng sáng không do mặt trời, cũng không do hư không, nhưng cũng không ngoài mặt trời và hư không,
8. Tính Thể vốn có của 4 Đại (Phong Đại, Địa Đại, Hỏa Đại, Thủy Đại) cũng viên dung, chân thật giống như Tính Giác vì chỉ là thuần nhất một Chân Tâm, viên minh diệu giác. Nhưng Tính Giác, Chân Tâm lại không phải là 4 Đại, không phải là các hiện tượng hư vọng nơi 4 Đại, nên không thể hỏi tại sao các Đại tính xung khắc mà lại có thể dung lẫn nhau hoặc hỏi tại sao sắc- không, sáng- tối lấn đoạt lẫn nhau,
9. Tính Giác nơi đức Phật sử dụng là bản tính Chân Giác diệu minh, không sinh, không diệt, hợp với Như Lai Tàng bản thể thanh tịnh, trong sáng, nhiệm mầu, chiếu soi khắp cùng pháp giới. Trong pháp giới ấy, Một là Vô Lượng, Vô Lượng là Một. Đó cũng là đạo tràng Pháp Thân Bất Động khắp cùng pháp giới 10 phương, nơi đầu một sợi lông mà hiện ra Phật độ cho 3,000 Đại Thiên thế giới, ngồi trong một hạt bụi nhỏ mà chuyển Đại Pháp Luân…
Tựu trung, 3 pháp môn Chỉ-Quán-Thiền có thể đươc gom vào một chữ: THIỀN. Đó là pháp môn nhắm đến "Bản Giác Diệu Minh, phi nhơn duyên, phi tự nhiên, phi bất tự nhiên, vô phi và bất phi, vô thị và phi thị, lìa tất cả tướng, là tất cả pháp", nhắm đến sự sống tinh nguyên, thanh tịnh nhưng lại thường hằng, chu biến khắp pháp giới. Sự sống này không phải chỉ hiện hữu nơi các đức Phật, các vị Bồ Tát, các vị Thanh Văn… mà vẫn luôn có sẵn và có đủ nơi tất cả muôn loài chúng sinh.
Đó là sự Bình Đẳng tuyệt đối quá đổi tuyệt vời mà đức Bổn Sư đã tuyên thuyết vô cùng thiện xảo nơi kinh Thủ Lăng Nghiêm này vậy.
Tác giả: Khánh Hoàng Plano - April 18, 2024
Bình luận (0)