Trang chủ Giáo lý - Lịch sử - Triết học Pháp Bảo Đàn Kinh đối với Phật giáo Việt Nam

Pháp Bảo Đàn Kinh đối với Phật giáo Việt Nam

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tóm tắt: Huệ Năng là vị tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa, với cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh nổi tiếng. Nhiều tư tưởng của Phật giáo Việt Nam đều trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều liên quan đến Pháp Bảo Đàn Kinh như hiểu phải tự mình hiểu; phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề; bất lập văn tự; muôn pháp đều ở nơi Bản Tâm mình; vô niệm, vô tướng, vô trụ; Phật tức tâm, tâm tức Phật; hòa quang hỗn tục (hòa quang đồng trần); giới, định, tuệ, tọa thiền, sám hối, đốn, tiệm; Phật tính bình đẳng; vô trụ; Bản lai Diện mục; hồi quang phản chiếu, v.v. …. Không chỉ Huệ Năng mà các học trò của Ngài như Mã Tổ (709-744), Bách Trượng (724-814), Tuyết Phong (822-908), Vân Môn (949-?), Lâm Tế (867-?), v.v…đặc biệt là thiền phái Lâm Tế, Vân Môn, Tào Động đều là khởi nguồn của dòng Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Lâm Tế ở Việt Nam.
Từ khoá: Pháp Bảo Đàn Kinh, Phật giáo Việt Nam

Huệ Năng (638- 713) là vị tổ thứ sáu của thiền tông Trung Hoa. Ông người đất Lĩnh Nam thuộc Bách Việt xưa. Chính vì vậy, có người cho rằng thiền của Huệ Năng là thiền của người Việt. Dĩ nhiên Việt ở đây là Bách Việt ngụ cư ở ven hai bờ sông Dương Tử.

Thuở nhỏ nhà nghèo, Huệ Năng phải đi kiếm củi nuôi mẹ. Một lần, sư ra chợ vào một nhà bán củi, bỗng nghe người trong nhà tụng đọc kinh Kim Cương, vừa nghe sư chợt tỉnh ngộ. Sư đến Hoàng Mai và trở thành môn đồ của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn (602-675). Ở với Hoằng Nhẫn, sư chuyên việc giã gạo, bổ củi. Vì người gầy ốm nên phải đeo thêm đá vào mình cho đủ nặng mới giã nổi gạo. Trải qua hơn sáu tháng, Hoằng Nhẫn biết thời kỳ phó pháp đã đến bèn bảo mỗi người làm một bài kệ để nói lên chỗ sở đắc của mình. Thần Tú làm bài kệ:

Thân thị Bồ đề thụ (Thân là cây Bồ Đề)

Tâm như minh kính đài (Tâm là đài gương sáng)

Thời thời cần phất thức (Luôn luôn phải lau chùi)

Mạc sử nhạ trần ai (Chớ để bám bụi bặm)

Huệ Năng nghe xong nói: Theo chỗ sở đắc của tôi, thì không phải như vậy. Nhưng cho rằng mình còn ít tuổi, không tiện đối đáp ngay, bèn đợi đến đêm mới nhờ người viết lên tường một bài kệ:

Bồ đề bản vô thụ (Bồ Đề vốn chẳng có)

Minh kính diệc phi đài (Đài gương sáng cũng không)

Bản lai vô nhất vật (Bản lai không một vật)

Hà xứ nhạ trần ai (Bám vào đâu bụi trần)

Hoằng Nhẫn biết chuyện, liền bước vào nhà giã gạo hỏi:

– Gạo đã trắng chưa?

Sư thưa: Bạch thày! Gạo đã trắng rồi, nhưng chưa sàng xảy.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Phap Bao Dan Kinh Doi Voi Phat Giao Viet Nam 1

Hoằng Nhẫn lấy tích trượng gõ vào đầu cối ba lần rồi bỏ đi. Sư biết ý, chờ lúc canh ba vào phòng, Ngũ tổ bèn trao y pháp cho. Sau đó sư về Tào Khê tu hành và hoằng dương Phật pháp. Sư mất ngày 8.3.713, thọ 76 tuổi. Học trò đắc pháp với sư có nhiều nhưng nổi tiếng hơn cả là Hành Tư ở Thanh Nguyên, Hoài Nhượng ở Nam Nhạc, Pháp Hải , Huệ Trung, Bổn Tịnh, Thần Hội, Huyền Giác, Huyền Sách,…

Theo ý kiến của nhiều học giả, Pháp Bảo Đàn Kinh nhiều khả năng được Thần Hội và các học trò của Huệ Năng ghi lại. Họ cho rằng tư tưởng trong Đàn Kinh chưa chắc đã phải của Huệ Năng, mà do các học trò của ông với lý do để chống lại phái Bắc phương của Thần Tú và đề cao phái Nam phương của Huệ Năng mà hình thành. Nhưng giả sứ có như vậy thì các học trò này cũng đều từ Huệ Năng mà ra, bởi vậy, Đàn Kinh ít nhiều cũng phản ánh tư tưởng của Huệ Năng. Vấn đề khó và mang tính chất khoa học ở chỗ trong Đàn Kinh thì tư tưởng nào thực sự là của Huệ Năng, còn tư tưởng nào được thêm vào và gán cho ông. Cho đến nay, hầu hết các học giả cũng như giới tu hành đều cho Đàn Kinh là tư tưởng của Huệ Năng. Đàn Kinh gồm 10 phần:

Phần thứ nhất là Hành do kể về cuộc đời của Lục Tổ (hành trạng và do lai của Lục Tổ). Phần này toát lên, phàm người thấy tính khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền; còn chần trừ do dự là chưa thông tỏ (mới tới cửa, chưa vào được trong nhà). Phần thứ hai nói về Bát Nhã (trí tuệ Bát Nhã) mà kẻ ngu người trí đều có, do tâm mê ngộ không đồng nên mới sinh kẻ ngu người trí; nói về minh tâm kiến tính. Phần thứ ba là Nghi vấn, tức những chỗ đệ tử nghi hỏi, thày trả lời. Phần thứ tư luận về Định, Tuệ. Phần thứ năm nghị bàn về Toạ thiền. Phần thứ sáu là Sám hối. Phần thứ bảy nói về Cơ duyên. Phần thứ tám liên quan đến Đốn, Tiệm. Phần thứ chín là Hộ pháp. Và phần cuối cùng là Phó chúc.

Trước khi đi vào phân tích một số tư tưởng trong Pháp Bảo Đàn Kinh có ảnh hưởng to lớn đến PGVN, trong bài Biện chứng pháp trong kinh Kim Cương, tôi đã cho rằng ở Việt Nam, Thanh Biện mất năm 686, chuyên tâm trì tụng kinh Kim Cương; trong khi đó ở Trung Quốc Huệ Năng mất năm 713 mới bắt đầu được thầy truyền dạy kinh Kim Cương. Sau khi thày mất, Thanh Biện lấy kinh Kim Cương làm chỗ dựa, điều đó chứng tỏ kinh Kim Cương vào thời trước đó đã khá phổ biến. Vậy, phải chăng kinh Kim Cương ở nước ta được phổ biến và quan tâm sớm hơn ở Trung Quốc mặc dù nó được dịch trên đất nước Trung Quốc? Huệ Năng ở đất Lĩnh Nam, đất của Bách Việt xưa. Từ đó, phải chăng người phương Nam thích hợp với kinh Kim Cương hơn người phương Bắc? Từ “Nam đốn Bắc tiệm” phải chăng nói lên người Bắc thích hợp với “tiệm” của Thần Tú, khuynh hướng trội trong kinh Lăng Già, còn người Nam thích hợp với “đốn” của Huệ Năng, khuynh hướng trội trong kinh Kim Cương? Một điều lý thú nữa là đoạn đối thoại giữa Huệ Nghiêm và Thanh Biện.

Huệ Nghiêm nói: Nếu nói kinh ấy (tức kinh Kim Cương) không phải là lời thuyết pháp của Phật thì thế là phỉ báng kinh; nếu lại nói đó đúng là những lời thuyết pháp của Phật thì lại là phỉ báng Phật. Sư đang nghĩ ngợi, còn định hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm phất trần đánh vào miệng. Sư đột nhiên lãnh ngộ, bèn sụp lạy. Trong lịch sử thiền tông Trung Quốc sau Huệ Năng có Mã Tổ, Đức Sơn, Lâm Tế luôn chủ về công án đánh, hét, quát để khai ngộ cho môn đồ. Ngay Mã Tổ (mất năm 788), sau Thanh Biện hơn 100 năm chứ chưa nói Đức Sơn, Lâm Tế về sau này. Vậy phải chăng, phương pháp đánh phất trần để khai ngộ cho trò có đầu tiên là ở nước ta, cụ thể là của thầy Huệ Nghiêm đối với trò Thanh Biện? Từ đó có người đặt vấn đề, liệu có thể công án đánh phất trần khai mở cho trò này truyền từ Việt Nam sang Trung Quốc?

Ngoài ra, khi nghiên cứu thiền tông ta thấy, chỉ đến Huệ Năng, thiền Trung Quốc mới có bước phát triển mới về chất trên bình diện lý luận mang đậm màu sắc Trung Hoa với tác phẩm Pháp Bảo Đàn Kinh (có người nói đây là thiền của người Việt); còn trên bình diện thực tiễn phải đến Bách Trượng với tác phẩm Bách Trượng Thanh Quy.

Bây giờ ta hãy thử nêu một số tư tưởng trong Đàn Kinh mà những tư tưởng này có vị trí, vai trò và ảnh hưởng to lớn, hoặc có liên hệ trực tiếp đối với Phật giáo Việt Nam. Trước hết ta có nhận xét, theo truyền thuyết, Boddhidharma – sơ tổ của thiền tông Trung Hoa – đã trao truyền cho Nhị tổ Huệ Khả cuốn kinh Lăng Già (Lankavatara sutra), nhưng bắt đầu từ Huệ Năng lại dùng kinh Kim Cương. Sự khác nhau giữa Lăng Già và Kim Cương ở chỗ nếu Lăng Già đưa ra thức thứ 7 là Manas, thức thứ 8 là Alaya; phân bát thức làm ba loại: chân thức, hiện thức, phân biệt thức; thừa nhận mặt tịnh và bất tịnh của Alaya: mặt bất tịnh phát khởi hiện tượng giới phân biệt, mặt tịnh phát khởi Pháp thân, Niết bàn, Chân như, bình đẳng giới; còn Kim Cương lại xiển dương học thuyết về không, chân không diệu hữu; Lăng Già nghiêng về tiệm thì Kim cương ngả về đốn.

Như ta thấy, cả Huệ Năng lẫn Trần Thái Tông (1226-1258, vua đầu tiên của nhà Trần) khi nghe câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Không nên trụ vào chỗ nào mà sinh tâm mình hay để cái tâm trống không chẳng trụ vào đâu cả) trong kinh Kim Cương mà giác ngộ. Tại sao lại như vậy? Bởi vì mọi sự vật hiện tượng đều không có tự tính (chân không). Mặc dù vạn pháp không có tự tính, nhưng chúng vẫn tồn tại (diệu hữu). Như vậy, xét về bản thể, chúng là không; nhưng xét về hiện tượng thì chúng lại tồn tại. Thực ra bản thể và hiện tượng không tách rời nhau, nên chân không tức diệu hữu, diệu hữu tức chân không. Bát Nhã, Kim Cương nghiêng về không. Không ở đây không phải là hư vô, trống rỗng, không có gì cả, mà nó chính là Trí tuệ Bát Nhã ( Prajna): ở phương diện chủ quan thì gọi là Prajna, ở phương diện khách quan thì gọi là Không. Ở Trần Thái Tông, không còn là cái đứng trên mâu thuẫn, vượt khỏi nhị biên, nó gần cái vô cực. Vạn pháp suy cho cùng là không, từ không, bởi vậy, không nên trụ cái tâm mình vào vạn pháp. Không trụ vào vạn pháp tức không trụ vào đâu cả, nghĩa là đối cảnh vô tâm, tức xem vạn pháp mà không thấy tướng của vạn pháp. Trần Nhân Tông có một câu nổi tiếng:” Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Thầy của Vô Ngôn Thông cũng nói:” Tâm địa nhược không tuệ nhật tự chiếu”. Người như vậy là người đã đạt đến giác ngộ. Trần Thái Tông cách Huệ Năng gần sáu thế kỷ, ấy thế mà cùng giác ngộ bởi một câu trong kinh Kim Cương. Phải chăng những tư tưởng lớn gặp nhau bất chấp mọi khoảng cách không thời gian?

Những tư tưởng trong Đàn Kinh như hiểu phải tự mình hiểu (hiểu cái hiểu của người khác không phải là thực hiểu, cũng giống như ăn cái ăn của người khác thì không bao giờ no); tất cả qui về một, một bao gồm tất cả; phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề (niệm trước mê muội tức là phàm phu, niệm sau giác ngộ tức là Phật; niệm trước dính cảnh tức là phiền não, niệm sau lìa cảnh tức là Bồ đề); bất lập văn tự; muôn pháp đều ở nơi Bản tâm mình (nếu không có người thế gian thì cả thảy muôn pháp vốn tự không có); vô niệm, vô tướng, vô trụ; Phật tức tâm, tâm tức Phật; hòa quang hỗn tục (hòaquang đồng trần) ; giới, định, tuệ, tọa thiền, sám hối, đốn, tiệm,v.v. …..đã có vị trí, vai trò và ảnh hưởng lớn đến các thiền sư thời Trần (1226-1399), đặc biệt là Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông (1279-1293). Quan niệm về Bản lai Diện mục của Huệ Năng đã được Trần Thái Tông kế thừa trong Khoá Hư Lục. Tất nhiên, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo thời Trần, còn chịu ảnh hưởng của nhiều dòng Phật giáo khác, nhưng nhìn chung, ảnh hưởng dòng Nam phươmg của Huệ Năng, dòng Phật giáo mà có người cho là của Việt, vẫn là dòng chủ lưu.

Một ngày kia, Huệ Năng đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu, lúc ấy có luồng gió thổi động lá phướn. Một thầy tăng nói: gió động; một thày khác nói: phướn động; hai người cãi nhau hoài không dứt. Huệ Năng bước tới nói: Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, ấy là tâm của nhân giả động. Câu truyện này rất giống với câu truyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ, kể rằng có người làm vườn, cuốc đất, một con giun bị đứt làm hai, một người nói: phía bên này động; người khác nói: phía bên kia động; hai người cãi nhau mãi; Tuệ Trung Thượng sĩ bước ra nói: chẳng phải bên này động, chẳng phải bên kia động, mà tâm của nhân giả động. Nếu tâm của hai người không động, không để ý tới hai nửa con giun thì có động hay không động cũng chẳng ai hay biết. Sở dĩ biết động là do cái tâm mình đã để ý đến nó, tức cái tâm mình động trước. Đến đây ta lại một lần nữa thấy những tư tưởng lớn gặp nhau. Phải nói thêm rằng câu chuyện này vô cùng có ý nghĩa đối với vấn đề cơ bản của triết học, tranh luận xem vật chất, ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau; cái nào quyết định cái nào; từ đó dẫn đến chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Phap Bao Dan Kinh Doi Voi Phat Giao Viet Nam 2

Khi Huệ Năng đến Hoàng Mai, Hoằng Nhẫn hỏi: Ngươi từ đâu đến?

Sư thưa: Từ Lĩnh Nam đến.

– Đến đây cầu việc gì?

– Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

– Người Lĩnh Nam không có Phật tính, sao cầu làm Phật được?

– Người có Nam Bắc, chớ Phật tính đâu có Bắc Nam.

Quan điểm này được Trần Thái Tông kế thừa một cách trực tiếp trong tác phẩm Khoá hư lục. Nếu Huệ Năng có tư tưởng hồi quang phản chiếu, muốn tìm Phật phải hành trình đi vào thế giới nội tâm bên trong chứ đừng hướng ra bên ngoài, phải minh tâm kiến tính vì ngoài tâm không có Phật, thì các thiền sư thời Trần, đặc biệt là Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Thái Tông cũng có tư tưởng như vậy.

Nhìn chung, Phật giáo Việt Nam chủ yếu là thiền tông, mà thiền tông này lại chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi dòng thiền Nam Trung Hoa tức dòng Huệ Năng mà có người nói là thiền của người Việt, bởi vậy, những tư tưởng trong Đàn Kinh, những quan điểm của Huệ Năng có vị trí, vai trò to lớn; ảnh hưởng khá sâu đậm đối với PGVN. Chả thế mà hầu hết các chùa đều có tượng Lục Tổ, thậm chí nhiều chùa còn khắc ghi bốn câu thơ của Ngài:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích Bồ đề
Kháp như cầu thố giác.

Không chỉ Huệ Năng mà các học trò của Ngài như Mã Tổ (709-744), Bách Trượng (724-814), Tuyết Phong (822-908), Vân Môn (949-?), Lâm Tế (867- ?), v.v…đều có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Việt Nam. Trong năm phái sau Huệ Năng có đến ba phái (Lâm Tế, Vân Môn, Tào Động) trực tiếp ảnh hưởng to lớn đến Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, người học trò của Bách Trượng là Vô Ngôn Thông (thế thứ ngang hàng với Qui Sơn, Huỳnh Bá) đã sang Việt Nam thành lập nên phái thiền thứ hai – dòng thiền Vô Ngôn Thông kéo dài từ 820 đến 1399. Thực ra dòng thiền nổi tiếng Trúc Lâm Yên Tử cũng thoát thai từ dòng thiền này. Một học trò của phái Vân Môn là Thảo Đường cũng thành lập ở Việt Nam một dòng thiền thứ ba, dòng thiền Thảo Đường kéo dài từ 1069 đến 1226. Dĩ nhiên, PGVN nói chung, thiền tông Việt Nam nói riêng có nhiều điểm khác với Phật giáo và thiền tông Trung Hoa, nhưng vấn đề này vượt khỏi khuôn khổ bài tham luận, mong được trình bày trước qúi vị ở một dịp khác.

Tóm lại, Pháp Bảo Đàn Kinh của Huệ Năng, vị tổ của dòng thiền phương Nam, có vị trí, vai trò to lớn đối với PGVN; ảnh hưởng sâu đậm đến mức nhiều dòng thiền ở Việt Nam đều thoát thai từ dòng thiền Nam phương này. Ngược lại, sự gần gũi giữa PGVN với Pháp Bảo Đàn Kinh của Huệ Năng-tổ của dòng thiền Nam phương, kết hợp với công án đánh phất trần vào miệng của thày Huệ Nghiêm, với việc Ngũ tổ cho người Lĩnh Nam là người man di, phải chăng nói lên rằng dòng thiền Nam phương này là dòng thiền do người Việt sáng lập? Nếu quả đúng như vậy thì có lẽ phải viết lại lịch sử thiền tông Việt Nam và Trung Quốc.

GS.TS Nguyễn Hùng Hậu
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Huệ Năng Lục Tổ. Pháp Bửu Đàn Kinh. Minh Trực Thiền Sư dịch, Sài Gòn 1944
2. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996
3. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997
4. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002
5. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường