Trang chủ Lịch sử - Triết học Phân tích các khái niệm về tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả trong Kinh Kim Cang

Phân tích các khái niệm về tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả trong Kinh Kim Cang

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Nữ Huệ Thùy
Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Kinh Kim Cang là tiêu biểu cho một hệ tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa tối thượng – tư tưởng Tính Không. Tính Không là tính thật tại của các pháp hiện hữu lĩnh hội Tính Không là đạt đến quả vị Phật. Kinh dành cho những ai có tư tưởng đại thừa, vì khi người cầu học đại thừa nghe qua sẽ dễ sinh lòng hoan hỷ việc tiếp thu cũng trở nên nhẹ nhàng hứng thú hơn. Khi đã liễu ngộ hành giả như chợt thức tỉnh thấy mình bước ra từ đêm dài tối mịt có màn vô minh dày đặt đang bao phủ, phía trước là bầu trời quang đãng với muôn ngàn ánh sáng tươi đẹp đầy hy vọng. Cũng chính từ đấy mọi ưu tư sầu muộn như được trút bỏ, đặt các gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé xuống thật dễ dàng, thư thái. Các căn trần, thức, giới lúc này cũng chỉ là những thứ huyễn hoặc của kiếp nhân sinh bình dị không còn gì chi phối được tâm của hành giả, thân tâm trở nên thanh thoát, nhẹ nhàng vì không phải bám víu vào ai hay chấp giữ bất kỳ thứ gì.

Tính Không trong Đại thừa Phật giáo không phải được nhắc đến gói gọn bởi những hình thái tiêu cực mà chính là cái diệu hữu đang mở ra của chân trời hoạt dụng là phương tiện cứu cánh dành cho Bồ tát đi lại trong sáu nẻo luân hồi hành sự nghiệp độ sinh. Trung Luận có nhắc đến: “Nhất thiết pháp không”, lại còn đưa ra lập luận khác: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành”. Chính ngay câu đầu tiên đã trình bày rỏ ràng nếu hiểu theo văn tự nghĩa ngữ chúng ta có thể hiểu hết thảy các pháp vốn không có tự tính. Do vì các pháp vốn không có tự tính nên mới có sự chuyển y, mới có Niết bàn – nhất thiết pháp đắc thành vậy. Tư tưởng của Kinh Kim Cang đối với các quan niệm hữu ngã chính là trực tiếp phá vỡ các quan niệm về ngã ái, ngã dục đi đến thấy được thế giới phi hữu, vô trụ. Sự nhận thức vô ngã được nhìn dưới thế giới này cũng chính là quan điểm chủ đạo của Kinh Kim Cang. Vô ngã luận hay tâm Không là nơi mà Bồ tát an trụ tâm đó, là điểm để Bồ tát phóng chiếu thành con đường vạn hạnh. Thực hành vạn hạnh với tâm vô trụ là thấy rỏ cõi diệu hữu qua con đường Bồ Tát hàng phục tâm mình, nhưng do vì ngã chấp là kiến chấp cố hữu nhất của chúng sinh hơn nữa là đối với người dân Ấn, quan niệm về tự ngã được phân chiết rỏ ràng sâu sắc. Vậy nên trong phần nội dung Kinh Kim Cang có đưa ra các khái niệm về tự ngã (về sau được các luận sư gọi là tứ tướng) bị phủ định một cách triệt để và tứ tướng này cũng chỉ là bốn tên gọi khác nhau về ý tưởng một chủ tể đang ẩn nấp dưới cái thân tứ đại thô phù của chúng ta. Sau khi hành giả triệt phá ngã chấp cũng là để hiển bày Không – Tự – Tính vậy.

Người viết trình bày đề tài “Phân tích các khái niệm về tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh và tướng thọ giả trong kinh Kim Cang”. Với phương tiện còn hẹp trong tài liệu nghiên cứu cùng các bài viết tham khảo trên các web mong muốn sẽ giúp cho người đọc được lãnh hội các thâm ý trong tư tưởng kinh Kim Cang về tứ tướng. Trong phần nội dung sẽ có các phần phân tích, khái niệm về tứ tướng một cách vắn tắt, giúp người đọc thấu rỏ một cách dễ dàng không bị lệch lạc. Bên cạnh đó sẽ là các lập luận, so sánh rồi đưa đến lợi ích của một người khi thấu triệt các pháp, chứng đạt thực tại Niết bàn hiện hữu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong vo tru trong kinh Kim Cang 2

GIỚI THIỆU VỀ KINH KIM CANG

Lịch sử hình thành, vị trí kinh Kim Cang trong tạng Bát Nhã

Kinh Kim Cương (tiếng Phạn là Vajracchedika Sutra) là một trong những bộ Kinh trọng yếu nhất của Phật giáo Đại Thừa, hay còn gọi là bộ Bát Nhã ba-la-mật-đa, có nghĩa là trí tuệ siêu việt, giải thoát ngoài các pháp bị tác thành, rời khỏi thế giới ngã tướng của khái niệm. Kinh Kim Cang trình bày về trí tuệ siêu việt vững chắc và con đường thể nhập trí tuệ ấy, thứ trí tuệ như một thanh gươm báu có thể chặt đứt hết thảy tham ái, chấp thủ và vô minh, chặt đứt hết thảy phiền nảo và khổ đau. Sự kiên cố ấy phá trừ hết thảy những tà thuyết của ngoại đạo, từ đó không còn chấp trước sai lầm, mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát, giác ngộ.

Đức Phật đã dành suốt thời gian 22 năm liền để thuyết toàn bộ Bát Nhã. Bát Nhã ba-la-mật-đa chính là nói đến một tạng Kinh vô cùng vi diệu và thù thắng giải bày hết đầy đủ tinh thần Chân Không và Diệu Hữu, bao gồm 600 quyển được các dịch giả như Ngài Cưu-ma-la-thập, pháp sư Huyền Trang và Ngài Nghĩa Tịnh dịch ra từ Phạn sang Hán. Nói về tạng Bát Nhã thì có rất nhiều Kinh khác nhau tập trung chuyên đề về trí tuệ giải thoát, về chân như, không tính hay niết bàn.

Về lịch sử hình thành chưa có một luận thuyết nhất định rỏ ràng, hầu hết các nhà Phật học cho rằng Kinh này xuất phát từ miền Trung và Nam Ấn Độ. Theo Edward Conze, một trong những nhà học giả uyên thâm nhất về Bát Nhã đã chứng tỏ rằng bộ kinh này hiện thịnh hành tại miền Tây Bắc trong triều đại Kouchan (thế kỷ I SCN). Sự phát triển của Kinh kéo dài hơn 10 thế kỷ được chia ra làm 4 thời kỳ:

1) Từ 100 năm TCN đến 100 năm SCN là giai đoạn hình thành phần cơ bản của Kinh.
2) Trong 200 năm sau phần cơ bản này được tăng cường mạnh mẽ.
3) Trong 200 năm tiếp theo, cho tới 500 năm SCN, các ý tưởng căn bản được đúc kết lại thành những bài kinh ngắn, đồng thời những bài tóm tắt có vần điệu.
4) Trong giai đoạn cuối (600-1200 SCN) ảnh hưởng của Mật Tông bắt đầu thấy rỏ, với sự thâm nhập bởi các câu thần chú và làm giảm bớt ảnh hưởng của bộ Kinh. [1]

Tóm lại, thông qua nhiều luận thuyết về hình thức xuất hiện của kinh thì dễ hiểu nhất là vào thời kì rất sớm trong bộ kinh Bát Nhã ba-la-mật-đa vào khoảng thế kỷ I-II SCN.

Ý nghĩa đề kinh

Kinh Kim Cang Bát Nhã ba-la-mật. Đề Kinh bao gồm cả chữ Hán lẫn chữ Phạn, các dịch giả người Trung Hoa khi dịch Kinh chữ nào dịch được thì dịch, chữ nào không thể dịch hết ngữ nghĩa của chúng bắt buộc họ sẽ giữ nguyên âm tiếng Phạn.

“Kinh là chữ Hán, Kim Cang là một chất cứng hay phá các thứ khác mà các kim loại khác không phá được nó. Bát Nhã là âm theo tiếng Phạn nghĩa là chính trí tuệ, Ba-la-mật là âm theo tiếng Phạn hoặc dịch là đến bờ kia hoặc dịch là cứu kính viên mãn. Trí tuệ được cứu kính viên mãn gọi là Bát Nhã ba-la-mật” [2]

Trí tuệ nếu không thấu triệt, thường chúng ta có thể sẽ dễ nhầm lẫn với trí tuệ thế gian. Ở đời nếu người nào thông minh, khôn ngoan thành công trong các lĩnh vực cũng được cho là có trí tuệ. Vậy nên ở đây để tránh sự nhầm lẫn giới học Phật đã dùng từ “trí tuệ Bát Nhã” để nói lên trí tuệ xuất thế gian, đề cao sự chứng đắc tuệ giác mà chư hành giả đã đạt ngộ, thấy được cái diệu dụng của các pháp không có sự thấy chấp mê lầm. Do thấu được lẽ ấy, trí tuệ cứu kính không những phá được những tà thuyết sai lầm của ngoại đạo mà còn dẹp sạch những cấu uế trong tâm. Vì vậy, mà kinh Kim Cang là chất cứng, rắn chất nhất có thể phá tan các thứ kim loại khác. Hay nói khác hơn là Kim Cang Bát Nhã ba-la-mật là một thứ trí tuệ vững chắc, kiên cố giúp chư hành giả nhận thức đúng đắn, thấu rõ các khổ đau tham ái, không bị chi phối bởi lục trần và ngoại duyên.

Nội dung Kinh

Kinh Kim Cang được xem là kinh tóm lược tất cả các điểm chủ yếu của tạng Bát Nhã và Tâm kinh được xem là cốt lõi của tạng Bát Nhã. Nội dung kinh trình bày về Trí tuệ siêu việt hay trí tuệ Bát Nhã, còn gọi là Trí Như Lai hay Tri kiến Phật. Nói khác hơn, chính là trình bày về Tính Không của pháp giới. Để thể nhập Tính Không, việc đầu tiên chính là phải sẵn sàng Phát tâm Đại thừa và tâm Đại bi. Lúc này hành giả cần thực hiện nghiêm túc pháp tu Lục độ và luôn quán chiếu Vô tướng hay Vô trụ. Lục độ ở đây chính là tinh thần lìa tất cả tướng của nhân pháp hay ngã-ngã sở mà tiêu biểu kinh nêu bốn tướng ngã, nhơn, chúng sinh và thọ giả. Do vậy, những phần đầu của kinh trình bày về nguyên tắc và các phương pháp đoạn trừ chấp thủ tướng ngã và phần còn lại thì nói về những phương thức đoạn trừ chấp thủ của tướng pháp.

Tính Không, là một hình thức đạt được vượt ngoài mọi khái niệm ngôn ngữ, chính do công phu tu tập hành trì nghiêm mật mới có thể liễu ngộ và được ánh sáng Bát Nhã chiếu soi. Vậy nên, để hướng Tính Không đến với những người thực tu thực học hẵn là phải nương nơi phương tiện ngôn ngữ để giải bày, nói dễ hiểu là Văn tự Bát Nhã. Từ đó, sẽ đưa hành giả vào bước thực hành cụ thể với pháp Quán Bát Nhã, khi đạt được thiền quán thâm sâu sẽ tự mình thấy được cái Không, thấy rỏ được thực tướng của các pháp – Thực tướng Bát Nhã. Tóm lại, kinh Kim Cang có hình thức khá quan trọng chính là đúc kết lại tư tưởng Bát Nhã, dẫn đến phần nội dung sẽ có các điểm như sau:

“Nói lên Tính Không của tất cả các pháp (Chân Không), đó là Tính Vô Ngã hay Tính Duyên khởi và phủ nhận triệt để hết thảy Tính ngã.

Nói lên Tính Không, tính đó là Tính thật tại như thật của thế giới đang là này, với cái nhìn của trí tuệ ly tướng (Diệu Hữu)” [3].

Thực tại được hiểu chính là nằm ngay thế giới đang là này, cho nên Kinh Kim Cang chỉ bày pháp tu Lục Ba-la-mật để Bồ tát có thể phương tiện độ sinh mà vẫn an trú trong tướng thật (Thật tại Tính Không) ấy.

KHÁI NIỆM VỀ TỨ TƯỚNG VÀ TÁC HẠI CỦA CHÚNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TU TẬP

Khái niệm về tứ tướng

Về phần khái niệm tứ tướng có sự khác biệt nhau nhưng cùng đồng một nghĩa là quy chiếu về một thực thể bất biến làm chủ tể của chúng sinh hiện hữu, thực thể này vẫn thường được gọi là ngã. Trong bản kinh Kim Cang có đưa ra bốn khái niệm về ngã để có sự phân biệt, hay nói khác hơn thì trong kinh Lăng Già đưa ra sáu tên gọi khác cho ngã: atman, sattva, Jiva, posa, purusa, và pudgala, nhưng nhiều nhất vẫn là 16 ngã được định danh trong Đai Phẩm Bát Nhã vậy.

Tướng ngã

Tướng ngã Phạn ngữ là Atmasamina được hiểu là ý tưởng hay khái niệm về một thật ngã (atman) tiềm ẩn dưới cái thân thô phù, atman tồn tại trong mỗi chúng sinh hiện hữu hay bất cứ loài nào có sự mang sự sống. Vậy nên, Atman đồng nhất với Brahman được định dạng là cái ngã tiên nghiệm, sự vận hành của atman sẽ dễ đưa đến luân hồi sinh tử chúng sinh chỉ đạt được sự giải thoát tối hậu khi nhận ra bản chất thật của nó và đối trị.

Tướng nhân

Tướng nhân Phạn ngữ là Pudgalasamjna, là các ý tưởng hay khái niệm về một thực thể gọi là Pudgala. Pudgala có các nghĩa được hiểu như sau: thân thể, vật chất, ngã, linh hồn, cá nhân…Hán thường phiên âm là Bổ-đặc-già-la, và dịch nghĩa là nhân, sĩ phu, hữu tình, chúng sinh, ngã…Đối với Kỳ-na-giáo (Jainism) Pudgala là nhân tố vật chất trong hệ thống đa nguyên tương đối thực tại luận, là một trong sáu thật thể cấu tọa nên thế giới. Còn đối với Phật giáo Pudgala là một khái niệm hữu ngã luận của Độc Tử Bộ, quan niệm về sự luân hồi trong kiếp sống, đời sau là sự kế tiếp một chủ thể luân hồi. Ở một khía cạnh khác, được khái niệm tương đương với Atman trong Ấn giáo cho là cái ngã tạm thời vì Pudgala chỉ tồn tại khi có sự tạo tác của chúng sinh dẫn đến luân hồi không phải bất tử như Atman. Tóm lại, quan niệm chấp trước vào một chủ thể luân hồi có nghĩa là nhân tướng, Ngài Tăng Triêu có nhắc đến: “Trước sau không thay đổi được gọi là nhân, Cho nên ngoại đạo gọi nhân là thần, Ý nói trước sau không biến đổi”. [4]

Tướng chúng sinh

Chúng sinh tướng được chuyển dịch từ Sattvasamjna trong Phạn ngữ. Sattva có nghĩa là: hữu, hữu thể, tồn tại, sinh vật, linh hồn, riêng về Hán tạng nó được dịch là nhân, chúng sinh (theo Ngài Cưu Ma La Thập, Chân Đế, Nghĩa Tịnh) và là hữu tình (như Ngài Huyền Tráng). Sattva có nghĩa là sự tồn tại còn biểu thị tính chất trừu tượng.

Trong Triết học Ấn Độ, “Sattva được nói là nhẹ và sáng, rajas trì và động; tamas trọng và phú. Chúng cùng tác dụng cho một mục đích duy nhất là như một ngọn đèn” [5]. Theo đây nó là yếu tố khoái lạc hay mang đến sự khoái lạc, về hình tướng trôi nổi bồng bềnh, nhẹ nhàng và sáng láng chiếu rọi.

Có thể hiểu khác hơn theo Phật giáo, Sattva chỉ cho chúng sinh, hay một hữu tình hiện hữu. Chúng sinh này tồn tại biến chuyển trong vòng thời gian của quá khứ, hiện tại và vị lai, qua đây có thể thấy Sattva là một chủ thể luân hồi không ngừng trong sinh tử.

Tướng thọ giả

Thọ giả tướng Phạn ngữ là Jivasamjna là ý tưỡng hay khái niệm về một linh hồn tồn tại trong mỗi chúng sinh. Jiva, người Trung Hoa thường dịch nghĩa là mạng căn, đây là một khái niệm trừu tượng vô cùng phức tạp khi nói về cái tôi đang chế ngự trong mỗi chúng sinh, có thể hiểu là sự sống nên được gọi là thọ giả. Nếu atman là cái ngã tiên nghiệm thì ở đây Jiva lại là cái ngã thật nghiệm, nó tạo nghiệp thiện ác dẫn đến nguyên nhân hình thành thăng trầm sầu ưu của chúng sinh trong kiếp luân hồi. Atman có nhiệm vụ như kẻ quán sát toàn thể quá trình Jiva tạo nghiệp. Trích trong văn học Veda, Atman và Jiva được ví dụ như hình ảnh của hai con chim gắn bó thân thiết với nhau cùng trụ trên một nhành cây đầy trái ngon ngọt. Con chim thi hành nhiệm vụ ăn trái trên cây đó chính là Jiva, con chim còn lại chỉ mỗi tư thế đứng nhìn con chim kia thưởng thức mà không ăn.

Theo Kỳ Na giáo có đưa ra một lập luận, vạn vật hiện hữu trên cõi đời này được tạo thành từ hai yếu tố là linh hồn (Jiva) và phi linh hồn (Ajiva). Tự thân linh hồn này là hoàn hảo và vĩnh hằng nhưng vì chịu ảnh hưởng của thế giới hiện tượng, linh hồn có thể gánh vác thể xác và được tái sinh thêm nhiều lần trong thế giới này dưới dạng thức các hữu thể trên trời hoặc con người hoặc là sinh vật khác đến các hình thức đơn giản nhất.

PHÂN TÍCH CÁC KHÁI NIỆM VỀ BỐN TƯỚNG NGÃ

Thế Tôn dạy về con đường lìa tướng

Tất cả chúng ta một khi đã quyết tâm xuất gia theo đạo Phật sẽ luôn mang trong mình một đại tâm cầu đến quả vị Phật. Chính là tâm của người ấy lúc này phải luôn an trụ vì nếu cứ điên đảo mộng tưởng chạy theo các pháp, duyên ngoại cảnh thì sao thành Phật được. Thế nên, chính yếu của người tu hành là phát tâm vô thượng an trụ trong đó mỗi ngày khiến tâm định tĩnh sáng suốt, nhìn thấu các pháp và hàng phục các điên đảo vọng tưởng. Đức Phât dạy: Đối với tất cả muôn loài chúng sinh đưa họ đến chỗ Niết bàn chỗ không còn hình tướng để họ được diệt độ. Vì sao vậy? Vì nếu tu hạnh Bồ tát mà chúng ta còn thấy tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả trong đó thì không được xem là Bồ tát nữa. Những loài chúng sinh tồn tại dưới mọi hình thức nếu chúng ta độ được chúng vào vô dư Niết bàn thì không còn thấy chúng được diệt độ, có như vậy chúng ta mới hàng phục được tâm. Hiểu như sau: “Đối với pháp, Bồ tát nên không trụ vào pháp mà bố thí: nghĩa là bố thí mà không trụ vào các pháp sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tu-bồ-đề! Bồ tát nên bố thí không trụ vào pháp tướng như thế. Bởi vì sao? Nếu Bồ tát bố thí mà không trụ tướng, thời phước đức không thể nghĩ lường”. [6]

Khi tâm chúng ta còn sinh khởi, tác ý đến các tướng xung quanh khéo hay phân biệt, rồi từ những tướng đó tâm chúng ta khởi lên các ý tưởng bất thiện, tham dục sân hận, si mê, thấy các pháp điên đảo mộng tưởng xoay quần. Lúc này nếu chúng ta chú ý đến những tướng khác có liên hệ đến những niệm thiện lành, tối thượng thì bất cứ những niệm bất thiện trên liên hệ đến các tham sân si sẽ lập tức được loại trừ và nhiếp phục ngay. Với sự từ bỏ ấy tâm chúng ta không còn mộng tưởng đảo điên mà chính là đến lúc an trụ, vững trải, nhất tâm và định tĩnh hơn rất nhiều. Ví như hình ảnh một người thợ mộc thiện xảo, hay học trò của người ấy dùng các cọc trơn láng đánh bật ra, lấy ra, rút ra một cái cọc thô nhám…cũng vậy…khi một hành giả tu tập chú ý đến những tướng khác có kiên hệ đến các thiện pháp, tâm của vị ấy lúc này trở nên vững trải, an trú tâm, tâm định tĩnh.

Nguyên nhân sinh khởi ngã chấp

Tất cả các chấp sai lầm hay còn gọi là tà chấp đều do chấp ngã và chấp pháp mà sinh; nếu rời chấp ngã và chấp pháp thì không còn các chấp sai lầm.

– Chấp ngã

Chắc hẵn ai trong chúng ta trong cuộc sống này đều cho rằng: thân xác này là thật, tâm hồn này là thật. Thực ra có gì trên thế gian này gọi là thật chứ, về thân xác này chung quy lại cũng do tứ đại là đất, nước, gió, lửa, hợp lại mà cấu thành chứ không có gì gọi là thật như chúng ta từng nhận định vậy. Tại sao? Có phải chăng hằng ngày chúng ta thường nuôi sống thân này từ các thứ như thiên nhiên bên ngoài nào là: cơm gạo, nước sữa, không khí để thở hay sao…Khi mãn một đời, thì thân xác này tan rã lại trả về với các bụi đấy thôi. Đến đây chúng ta cũng nhìn ra được chính tâm hồn này cũng từng ngày thay đổi liên tục theo từng sát na thời gian, không bao giờ ngừng nghỉ khi con người chưa ngộ đạo, trải dài từ quá khứ đến vị lai thì lấy gì mà thật.

Trong đạo Phật, quan niệm rằng nếu chúng ta chấp thân tứ đại là mình, chấp tâm vô thường, biến hoại là mình, thì gọi là “chấp ngã”. Vì vậy bản ngã mà người đời coi như là một “linh hồn vĩnh cữu”, đó chỉ là “ảo tưởng” mà thôi. Chính cái ảo tưởng này là nguyên nhân của phiền não và khổ đau trong cuộc đời. Sự chấp ngã hư vọng, là Thức Mạt-na với những sức mạnh của nó là ngã kiến, ngã ái, ngã si, ngã mạn. Vọng chấp vào một cái tôi liền có sự phân biệt, thức chấp ngã đã phá vỡ thực tại thành sinh tử.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Tu tuong tinh Khong trong kinh Kim Cuong 1

– Chấp pháp

Chúng ta thường có quan niệm cho rằng mọi thứ đến với cuộc đời đều là thật, là sự tồn tại vĩnh hằng. Đối với tất cả sự xúc tác bên ngoài như tình cảm, tiền tài, danh vọng địa vị, các quan hệ xã hội đều luôn mong nghĩ nó sẽ tồn tại mãi mãi không. Cũng như chúng ta khi có địa vị cao, vợ con ngoan hiền thường mong muốn rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi, là thường còn. Nhưng chúng ta quên rằng, muôn pháp trên thế gian, muôn việc trên cõi đời, từ vật chất cho đến tinh thần đều biến chuyển đổi thay, không bao giờ ngưng. Nhứt là những thứ có hình thức, tướng mạo, lớn như quả địa cầu, dãy núi, nhỏ như trái cam, hạt cải, đều trải qua bốn giai đoạn: “sinh, trụ, dị, diệt”. Nghĩa là mọi vật được sinh ra bằng cách nào đó, trụ thế được một thời gian nào đó, rồi cũng đến lúc biến dị và cuối cùng là hoại diệt. Trong đạo Phật gọi đó là “vô thường” nếu mọi thứ tồn tại mà không có sự dịch chuyển thì làm gì có kẻ đi lên từ hai bàn tay trắng, chúng ta sẽ không thể giữ được những gì mình đang có của hiện tại.

Mọi pháp thế gian đều không tồn tại theo từng sát na thời gian. Một khu đô thị đẹp kiên cố, nhà cửa đông đúc, những chỗ vui chơi xa hoa thì chỉ sau một cơn bão hay động đất vừa qua thì nó sẽ không tồn tại nữa mà mọi thứ trả về với tự nhiên. Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Nghĩa là phàm ở trên đời những gì có hình thức, tướng mạo, có thể nhìn thấy bằng cặp mắt thường, đều là hư vọng, là giả tạm, không tồn tại vĩnh viễn, kể cả cái thân xác của chúng ta hiện có. Các vị Bồ tát sinh khởi ý niệm về pháp thì các vị đó sẽ chấp vào ngã, chấp vào chúng sinh, chấp vào sinh mạng, chấp vào sự hiện hữu.

Trong Kinh có nhắc đến các việc làm của Bồ tát: Bố thí, nhẫn nhục, trang nghiêm cõi Phật, thuyết pháp, giáo hoá chúng sinh. Khi bố thí, chúng ta phải kiên trì không chấp vào việc bố thí, người nhận thí và của thí. Khi bố thí phải thấy những gì họ cần, không chấp vào người thí, người nhận và vật bố thí. Do đó, chúng ta mới thực hiện được bất cứ thiện pháp nào luôn vô trụ chấp và buông xả hết vọng niệm, có thể dẫn đến chấp ngã, chấp pháp. Đây là quá trình tuệ quán và thực hành Tính Không.

Phương pháp đoạn trừ ngã chấp

Nhờ thấy biết như thật về ngũ uẩn mà Bồ tát Tất Đạt Đa xác chứng rằng chứng rằng: “Này các Tỳ kheo, khi nào ta đã liễu tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi thấy, này các Tỳ kheo, đối với thế giới chư Thiên Ma, Phạm Thiên, cùng với quần chúng Sa môn, Bà La Môn Chư Thiên, Loài người, Ta xác chứng đã chứng Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác”[7]. Đức Phật là bậc Toàn giác, còn chúng ta chưa chứng đạt được Sơ quả Dự lưu phước báu chỉ nằm trong hạng phàm phu tăng thuộc về loại bất giác nên mãi còn luận chuyển trong sáu nẻo sinh tử.

Hòa thượng Viện Trưởng từng lập lại câu nói: “Con người chỉ xứng đáng là con người chừng nào vượt được sự chi phối của thiên nhiên của nội giới và ngoại giới”[8] trong lần sang Trường Đại Học Delhi. Chứng minh rằng con người chỉ được đề cao khi họ thực sự vượt qua được mọi chi phối của Dục giới và Sắc giới. Chúng ta còn luân hồi trong sinh tử chỉ vì ham mê và dính mắc bởi thân ngũ uẩn này, khi chưa như thật viễn ly tham dục, nhiệt tình, khát ái thì năm uẩn biến hoại, thân ngũ uẩn này là địa ngục trần lao kiên cố phải phá trừ được nó thì sau đó mới diệt trừ hết thảy tham sân si thấy rỏ sự việc trong ba đời.

Đầu tiên chúng ta cần tu tập Bát Chính Đạo và Tam Pháp Ấn để dẫn đến yếm ly, ly tham, giải thoát, vượt qua sự chấp trước đối với vật chất, dù mang thân tứ đại vẫn không bị chi phối bởi nó. Phá được sự tác động của sắc thân thì tiếp theo mới phá được cảm thọ lúc này chính là lúc dụng công tu hành chứ không phải học mà có được. Chúng ta cần hạn chế tiếp xúc để không sinh cảm thọ, vì khi căn trần thức xúc duyên đối cảnh sẽ đưa đến cảm thọ, phải cách ly với trần nếu còn mắc kẹt thì vọng thức sinh, theo Quy Sơn Cảnh Sách có chép vậy: “Tức ý vong duyên, bất dữ chư trần tác đối, Tâm không cảnh tịch, Chỉ vị cữu trệ bất thông”. Phá được cảm thọ thì còn tưởng uẩn và thấy được tưởng cũng không thật có. Thật thế, khi ngồi an một chỗ, nhưng bên trong tồn tại dấy lên mọi hoạt động của hành rất mãnh liệt đưa chúng ta nghĩ ngợi đủ thứ, lăng xăng gọi là cuồng tâm, vọng tâm vô cùng nguy hiểm. Khi nổ lực phá trừ được nó thì đạt được vô tâm, tức tâm thanh tịnh, như trong kinh nói: “Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ thâm sâu thấy rỏ tự tính của năm uẩn là không, nên vượt thoát mọi khổ ách”. Phật dạy phá ngũ uẩn, phá trừ được phần nào chúng ta sẽ giải thoát được phần ấy. Nhìn cuộc đời thấy khác, nhìn Phật và Tăng đoàn cũng khác, từ ngôn ngữ và hành động của họ cũng khác, còn tính toán nhiều cách đối phó là người giả dối. Thích sống thanh thản, không phản ứng chống trả, không làm gì nhưng người xung quanh bảo vệ họ [9].

LỢI ÍCH CỦA PHÁ TRỪ NGÃ CHẤP

Quan niệm về học pháp

Là một hành giả mới tu Bồ tát hạnh nghĩa là còn bị chi phối bởi sinh tử khổ đau, vậy nên chúng ta luôn tinh tấn nương mình vào các pháp tùy phương tiện mà chọn cho mình một pháp môn thích hợp hành trì để có thể vượt qua khỏi sáu nẻo luân hồi, tiến đến con đường an lạc giải thoát. Trong quá trình tu tập, pháp mà chúng ta nương nhờ để có thể đạt được chân như, nó như hình ảnh của chiếc bè mà khi chúng ta mượn tạm để có thể qua sông. Sau khi đến bờ bên kia rồi thì phải bỏ chiếc bè lại cũng vậy khi chứng ngộ được rồi Chính pháp còn không mang theo huống nữa là phi pháp. Vì người ta sẽ thường nhớ ơn chiếc bè ấy đã đưa mình qua sông, lên bờ rồi lòng vẫn còn lưu luyến, từ đấy Đức Phật dạy luôn phân biệt rỏ ràng đâu là phương tiện đâu là cứu cánh, chớ lầm tưởng phương tiện là cứu cánh mà từ bỏ mục tiêu cao thượng của mình vậy. Trong Kinh Ngũ Hạ Phần Kiết, 205 cũng nói như vậy: “Ta thường nói các thầy nghe về ví dụ chiếc bè như thế nào, để các thầy biết xả bỏ chứ không phải để chấp thủ? Hiểu giáo pháp một cách sai lạc, người ta có thể đi vào cố chấp, từ cố chấp người ta đi sâu vào sai lầm, gây đau khổ cho mình và người”. Cốt yếu của người học Phật chính là dùng phương tiện để đạt đến cứu cánh, Niết bàn, giác ngộ, giải thoát là mục đích của sự tu hành, vậy nên cần phải hướng đến mục tiêu cao quý đó.

Quan hệ cá nhân

Những nỗi khổ đau, mất mát, các mối quan hệ tan rã của cuộc đời đều do chấp ngã mà ra, từ sự cố chấp thành kiến sâu nặng được hình thành từ tham sân si. Do vì cái tôi của chúng ta tồn tại, nghĩ nó là thật, là của mình nên không cho phép người khác làm tổn thương, hay làm đau đớn mình. Trong một mối quan hệ, là tình bạn, tình thương, hay bất cứ mối tình nghĩa nào đi chăng nữa, nếu như người khác có làm điều gì khiến mình tổn thương, xảy ra các cuộc cãi vả vì sự tính toán, ích kỷ của bất kì một ai thì lập tức vì cái tôi hiện hữu trong mình sẽ phản kháng lại và cũng trở mặt với nhau. Từ đấy, mọi mối quan hệ trong xã hội này sẽ dần bị đánh mất, không có điều gì đẹp đẽ sau đó. Nhìn lại, nếu một người biết tu tập, biết nhìn lại chính mình, sẽ luôn quán sát xem việc mình làm, sau mọi sự mâu thuẫn người ấy sẽ dùng cái tâm bao dung của mình để mà dung chứa cho lỗi lầm của cả hai, không phải như vậy là hèn nhát, mà là họ biết nuôi dưỡng tâm hồn không để cho nó chi phối họ được, lúc này sẽ không có sự chấp chặt mà dẫn đến khổ đau nữa. Như vậy sau tất cả, chúng ta sẽ có được tâm hồn luôn bình an, không bị chi phối bởi những chướng duyên của được mất, thay vào đó mọi người xung quanh chúng ta sẽ luôn cảm giác được thoải mái, bình an bởi từ trường tốt lành của chúng ta.

Quan hệ xã hội

Thực chất trong cuộc sống này thường hay xảy ra xung đột mâu thuẫn giữa các quốc gia chính là do sự nhận định sai lệch rằng: “Chúng tôi đúng, những người khác sai” hoặc là những lối sống thiếu tinh thần tôn trọng bình đẳng giữa các đất nước, các tôn giáo, các chủng tộc với nhau. Cả hai bên đều cố chấp vào những quan điểm, cách hiểu về vấn đề riêng của mình; nói cách khác họ đồng hóa họ một cách vô thức với những suy tư của họ. Các hình thức khái niệm và hạ thấp nhân phẩm của người khác thành kẻ thù nên họ có thể giết hại hay bạo lực, có những thành phần họ bị dính mắc vào cơn lốc điên cuồng của tội ác, oán thù, bạo động. Các hiện tượng trên đây chính là chúng ta đã quá coi trọng bản thân mình đối trước mọi người, nếu như chúng ra tu tập tinh tấn biết khiêm nhường trước mọi người tôn trọng quyền sống của nhau thì cuộc sống này sẽ trở nên tốt đẹp thân thiện, khắp nơi trên thế giới sẽ không tồn tại mọi sự khổ đau, hành hạ. Cũng như Đức Phật cũng từng dạy chúng ta: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, giọt nước mắt cùng mặn như nhau”.

KẾT LUẬN

Nói tóm lại, khái niệm về tướng có sự khác biệt nhau nhưng chúng đều có nhiệm vụ quy chiếu về một thực thể bất biến làm chủ tể đời sống của chúng sinh hiện hữu. Trong quá trình tu tập chúng ta không được khởi lên bốn tướng chấp thủ này bởi vì các tướng đều là hư vọng, nếu khởi lên thì không thể gọi là Bồ tát Đại thừa, khi chúng ta dùng con mắt hữu ngã nhị nguyên để giáo hóa chúng sinh thì khi ấy không phải là đạo rốt ráo vượt ngoài sự đối đãi. Về ý nghĩa nếu chấp trước vào một chủ thể nào đó được gọi là ngã này vậy, Kinh Lăng Già cũng có nêu ra rằng: “Đại Huệ! Lại có chúng sinh cầu chứng Niết bàn, tự nói đã biết ngã, nhân, chúng sinh, dưỡng giả, thủ giả, cho đây là Niết bàn… Đại Huệ! Những kẻ ấy không giải thoát, vì chưa thể thấy pháp vô ngã vậy” (Đại chính 16, tr. 597a).

Kinh Kim Cang chính yếu quý ở chỗ vô tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (chính là không nên khởi lên tâm trụ trước vào bất cứ đâu) đừng để tâm trụ, dính mắc vào nơi nào, và đặc biệt sinh tâm phân biệt. Ngoài việc không khởi lên các tướng trên trong quá trình hoằng pháp lợi sinh thì Bồ tát còn cần phải không khởi lên bất kỳ tâm phân biệt nhị nguyên nào, Bồ Tát mà còn phân biệt người và ta, chúng sinh và ta, trong khi bố thí không phải là Bồ Tát thực sự, vì nếu còn khởi các tâm phân biệt là Bồ tát đang đi trên quan điểm hữu ngã, là chướng ngại cái nhìn “hết thảy pháp vốn không” của thực tại. Bồ tát không còn chấp trước vào ý niệm về ngã, thể chứng tâm không, lìa bỏ tâm trụ trước, nhìn thế giới không phải là thế giới, thế nên thế giới mới thật là thế giới; từ đấy mà Bồ tát có thể độ thoát vô lượng chúng sinh, mà không thấy có chúng sinh nào được độ thoát. Đó cũng chính là diệu hữu được tác thành từ nghĩa Không, một đạo lý làm nền tảng cho con đường Bồ tát hạnh, Pháp cũng như chiếc bè, phải biết rời bỏ sau khi qua sông.

Tác giả: Thích Nữ Huệ Thùy
Học viên Thạc sĩ khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] [Trực tuyến] tại [26/09/20] <http://phaphoc.com/doc-va-hieu-kinh-kim-cuong-bat-nha-ba-la-mat-da/>
[2] HT. Thích Thanh Từ (2011), Kinh Kim Cang. Nxb Tôn Giáo. Hà Nội. tr.12-13.
[3] Kinh Kim Cang [Trực tuyến] tại: [Truy cập 20/09/2020] <https://thuvienhoasen.org/images/file/PTM3cJ1G0QgQAFx1/kinhkimcang-thichgiacqua.pdf >
[4] [Trực tuyến ] tại [26/09/20] https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=73D003
[5] [Trực tuyến ] tại [26/09/20] https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=73D003
[6] Thích Huệ Hưng dịch (1970), Kinh Kim Cang giảng lục. chùa Tuyền Lâm tái bản. tr.26.
[7] HT Thích Chơn Thiện (1997), Phật Học Khái Luận, VNCPHVN.
[8] HT Thích Trí Quảng, Báo Giác Ngộ, bài giảng Phá trừ ngũ uẩn vào thế giới tâm linh.
[9] HT Thích Trí Quảng, Báo Giác Ngộ, bài giảng Phá trừ ngũ uẩn vào thế giới tâm linh.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Văn Thiện 01/10/2022 - 11:32

Các thầy cho con thỉnh một quyển kinh kim cương
Sđt 0389119686

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường