Trang chủ Chuyên đề Phác dựng đôi nét về lịch sử và giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử

Phác dựng đôi nét về lịch sử và giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng và giữ nước, 2000 năm kiến trúc phật giáo là một tấm gương phản chiếu lịch sử văn hóa – văn minh Việt Nam, 2000 năm kiến trúc chùa tháp Việt Nam là một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc và hiện đang sống trong các cộng đồng người Việt Nam.

Tác giả: PGS.TS. Tống Trung Tín
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

Tôi đặc biệt cảm ơn Ban tổ chức Hội thảo Khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng đã có lời mời tôi được viết bài tham luận. Đây là lĩnh vực nghiên cứu đặc biệt lý thú, hấp dẫn, có nhiều ý nghĩa cực kỳ cao đẹp nhưng lại hết sức lớn rộng, phức tạp và nhiều khi đặc biệt khó khăn gian khổ. Trong khuôn khổ của một tham luận ngắn này, tôi muốn phác dựng đôi nét ý tưởng đã hình thành từ lâu mà chưa thực hiện được trong cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu Khảo cổ học Kiến trúc Việt Nam của mình về lịch sử và giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Trong lịch sử văn minh thế giới nói chung, văn minh Việt Nam nói riêng, kiến trúc là một biểu hiện quan trọng vào bậc nhất của một nền văn minh. Những chứng cứ về những nền văn minh lớn nhất của thế giới dễ thấy nhất, dễ thuyết phục nhất chính là sự hiện diện của các công trình kiến trúc.

Trong các công trình kiến trúc đó, kiến trúc Phật giáo là một loại hình có số lượng nhiều, phong phú và dễ nhận biết nhất. Các di tích Phật giáo đồ sộ ở Ấn Độ (tháp Sanchi), ở Indonexia (Brobudur), ở Trung Quốc (Đôn Hoàng, Long Môn), ở Nhật Bản (chùa Vàng, chùa Đông Đại Tự), ở Việt Nam (chùa Keo, chùa Bút Tháp,…) là các ví dụ tiêu biểu.

Tuy nhiên, trong nền văn minh Việt Nam, kiến trúc Phật giáo Việt Nam có từ bao giờ, phát triển như thế nào, đặc trưng ra sao lại là các câu hỏi chưa có công trình nào giải đáp cặn kẽ, thấu đáo, khoa học và đầy đủ, đôi khi rất khó trả lời dù chỉ là bước đầu. Từ kinh nghiệm khảo cổ học, tôi xin thử bước đầu phác dựng tiến trình lý thú và khó khăn này với hi vọng góp phần nhỏ vào công việc to lớn đó.

1. Chùa tháp Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên

Thực ra, vấn vấn đề này hiện nay chưa rõ được mà cần phải chờ Khảo cổ học nghiên cứu lâu dài trong tương lai. Thư tịch cổ đã phản ánh các ngôi chùa Phật ở Việt Nam có từ khoảng 2.000 năm cách ngày nay trong đó có các ngôi chùa Tứ Pháp và am thờ ở khu vực Luy Lâu (Bắc Ninh) đánh dấu thời kỳ Phật giáo truyền vào Việt Nam đầu tiên từ Ấn Độ qua đường biển.

Khảo cổ học đã thử dò tìm chùa Pháp Vũ (chùa Đậu) huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, do hố dào nhỏ, dấu tích nền móng chưa tìm thấy mà mới chỉ thấy di vật gạch ngói thế kỷ 2 – 3. Như vậy còn phải tìm kiếm thăm dò rất nhiều. Nhưng bằng con đường nghiên cứu hiện trạng và hồi cố, tôi có thể suy nghĩ rằng cấu trúc những ngôi chùa Việt đầu tiên khá đơn giản và rất ít tượng Phật. Đó là chùa có một mặt bằng chùa chính hình vuông hoặc gần hình vuông để thờ một tượng Phật chủ và có một số kiến trúc phụ trợ đi theo. Loại mặt bằng này được lưu lại ở một số di tích chùa thời Lý, thời Trần sau này như chùa Kim Âu (Thanh Hóa), chùa Hắc Y (Yên Bái) giúp cho giả thuyết này bước đầu có cơ sở khoa học nhất định.

Các chùa Phật giáo Tứ Pháp đầu tiên của Việt Nam đều có số tượng Phật rất ít và hoàn toàn thờ các tượng thần Việt Nam được Phật hoá. Qua đó, có thể tin chùa Phật Việt Nam có từ khoảng thế kỷ 1-3 với đặc trưng văn hóa Việt rất đậm nét. Dĩ nhiên, theo truyền thuyết thì có thể có sớm hơn từ trước Công nguyên.

2. Chùa Phật Việt Nam thời kỳ tiếp theo (từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 9)

Số lượng ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng không có tư liệu khảo cổ cho chùa thời này. Các nhà nghiên cứu chùa Việt như Hà Văn Tấn, Nguyễn Duy Hinh đều giả thuyết rằng chùa thời kỳ này vẫn đơn giản là 1 bình đồ vuông. Điều này suy từ các chùa Tứ Pháp đến các chùa tiêu biểu thời Lý – Trần, theo tôi là có lý. Thời kỳ này, triều đại độc lập Tiền Lý của Lý Bí (544 – 602) có chùa Khai Quốc ở Hà Nội. Đặc biệt, thời kỳ này, thư tịch cổ đã nhắc đến có nhiều tháp Phật ở Giao Châu.

Sư Đàm Thiên thời Tùy (Trung Quốc) từng tâu với Tùy Văn Đế rằng “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc. Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến Giang Đông thì xứ ấy đã xây ở Luy Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh rồi”1. Minh chứng rõ rệt về tháp đã được khảo cổ học chứng minh. Đã phát hiện dấu tích tháp gạch có mặt bằng vuông duy nhất đầu thế kỷ 7 là Nhạn Tháp ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An minh chứng sự lan toả của Phật giáo ở Giao Châu thời đó cũng như minh chứng sức sống của văn hóa Việt cổ từ thời dựng nước trong bối cảnh văn hoá Phật giáo đang lan rộng khắp thế giới Đông Nam Á và Châu Á.

3. Chùa Phật Giáo ở Việt Nam trong thời kỳ Đinh – Tiền Lê (thế kỷ 10).

Thời đại Đinh – Tiền Lê là thời đại độc lập bắt đầu phát triển của Đại Việt (hay Đại Cồ Việt). Đây là một thời đại Phật giáo bắt đầu hưng thịnh. Dấu tích nghệ thuật Phật giáo phát hiện nhiều ở Kinh đô Hoa Lư và vùng Kinh phủ Đại La (Hà Nội). Thư tịch cổ và các bia ghi ở Hoa Lư có chùa Một Cột (Nhất Trụ), chùa Bà Ngô và ở Thăng Long…Hàng chục cột kinh tràng Phật đỉnh tôn thắng Đà la ni thời Đinh được phát hiện. Ở chùa Một Cột có Cột kinh Lăng Nghiêm thời Lê Đại Hành dựng năm 995.

Đặc biệt, lần đầu tiên, dấu tích của chùa Một Cột đã được Khảo cổ học thăm dò và phát hiện 2 móng cột kích thước rất lớn có mặt bằng hình vuông (1,30m x 1,30m), cao 2,75m cho thấy ngôi chùa này thời Đinh – Tiền Lê này rất lớn và kiên cố. Dấu tích nghệ thuật thời Đinh – Tiền Lê của toàn bộ Kinh đô Hoa Lư và kinh phủ Đại La nhuốm đẫm ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo như các hình tượng uyên ương, chim phượng, hoa sen phản ánh ảnh hưởng sâu đậm, rỗng rãi của Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê.

4. Sự thịnh đạt của chùa tháp Phật giáo thời Lý

Thời Lý là thời kỳ Phật giáo toàn thịnh, do vậy chùa tháp Phật giáo cũng phát triển toàn thịnh trong thời này.

4.1.Chùa

Về mặt vị trí, chùa thời Lý cùng với sự phát triển rộng khắp của Phật giáo đã có mặt ở mọi nơi, mọi địa hình của đất nước. Có những chùa ở các sườn núi cao như chùa Vĩnh Phúc, chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh),… Có những chùa tháp ở trên đỉnh núi như chùa Long Đọi (Hà Nam),…Có nhiều chùa ở vùng ven sông, ven biển, đồng bằng như chùa Viên Quang (Hà Nam), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hoá),… Chùa có mặt ở tận cùng vùng non cao hẻo lánh như chùa Bảo Ninh Sùng Phúc và chùa Nhùng (Tuyên Quang).

Chùa thường gồm một toà điện chính kết hợp với nhiều kiến trúc khác quây quần xung quanh. Tổng thể các kiến trúc của chùa Lý thường được bố cục thành hai kiểu bình đồ: hướng tâm và đăng đối trên một trục dài.

Bình đồ hướng tâm là kiểu bình đồ có một kiến trúc (hay điện) chính ở trung tâm, các kiến trúc khác quây quần xung quanh. Có thể thấy qua các tài liệu chữ viết, chùa Diên Hựu hay Một Cột (Hà Nội) là một ví dụ: chùa thờ Quan Âm có kiến trúc hành lang vây quanh, bên ngoài nữa là hồ Bích Trì. Bốn xung quanh bắc cầu vồng để đi vào2.

Cũng qua sử cũ, có thể thấy kiểu bình đồ này khá phổ biến thời Lý. Tuy nhiên, trên thực tế, kiểu bình đồ này chưa gặp nhiều. Dấu vết duy nhất chỉ còn gặp ở chùa Bách Môn (Bắc Ninh). Tại di tích này, các kiến trúc phụ, các cửa ra vào, các đường đi lối lại đều được sắp đặt rất cân xứng bốn xung quanh và hướng vào ngôi chùa ở chính giữa3.

Kiểu bình đồ thứ 2 là kiểu bình đồ có kiến trúc chính cùng các kiến trúc phụ sắp đặt đăng đối trên một trục dài. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ở kiến trúc trung tâm, nhiều khi đặc điểm hướng tâm vẫn được duy trì.

Có thể thấy kiểu bình đồ này qua miêu tả của văn bia chùa Diên Phúc ở Hải Dương có các kiến trúc được bố cục thứ tự từ ngoài vào trong gồm: hai ao sen – tam quan – nhà bia và lầu chuông – hành lang trước và hai hành lang bên – toà điện Thiên Thanh (chùa chính) – sân kho. Như vậy, rõ ràng chùa Diên Phúc được sắp đặt trên một trục dài, vừa có tính chất hướng tâm, bởi ngôi chùa chính được bao bọc bởi các hành lang và sân kho4.

4.2.Tháp

Ngoại trừ những cây tháp là kiến trúc chính (tháp Chương Sơn), trong tổng thể kiến trúc chùa, tháp thời Lý thường đứng trước hay sau ngôi chùa. Theo các nguồn tư liệu hiện biết, tháp thời Lý, tuỳ từng trường hợp có thể đứng trước, có thể đứng sau chùa. Chùa Một Cột, sử ghi rõ năm 1105, xây hai ngọn tháp ở trước sân chùa (Đại Việt sử ký toàn thư 1983: 299). Nhưng ở chùa Linh Xứng (Thanh Hoá), văn bia cho biết tháp Chiêu Ân được dựng phía sau chùa5.

Trong các cây tháp đã phát hiện thì tháp Phật Tích chưa rõ được vị trí chính thức, nhưng chùa Dạm thì tháp đứng trước chùa là khá rõ. Tháp Long Đọi (Hà Nam), tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Chương Sơn (Hà Nam) chỉ có một mình. Tháp Long Đọi (Hà Nam), tháp Tường Long (Hải Phòng) thời Lý có thể tương tự như tháp Chương Sơn, tức không đi liền với chùa. Cạnh các cây tháp này, ngày nay thường có chùa (chùa Long Đọi, chùa Chương Sơn), hoặc vết tích nền móng sau tháp Tường Long (Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Văn Sơn 1979). Nhưng đó là các kiến trúc muộn hoặc các vết tích chưa xác định rõ loại hình. Trong khi đó, sử cũ ghi rõ tại các nơi đó xây một ngôi tháp báu6.

Tháp thời Lý nói chung có mặt bằng hình vuông: Chân tháp Phật Tích 8,50m x 8,50m; chân tháp Tường Long 7,36m x 7,36m; chân tháp Chương Sơn 19m x 19m.

Tháp thời Lý có nhiều tầng khá cao: Tháp Báo Thiên 13 tầng cao vài chục trượng (Đại Việt sử ký toàn thư 1983: 283), tháp Sùng Thiện Diên Linh cao 13 tầng (Thơ văn Lý Trần 1977: 405), tháp Chiêu Ân (Thanh Hoá) cao 9 tầng7, tháp chùa Phật Tích cao 10 trượng, tháp Tường Long gần 20m (Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Văn Sơn 1979: 68). Chưa thể ước lượng chính xác một cây tháp Lý cao bao nhiêu mét. Nhưng dựa vào kích thước nền móng và vật liệu còn lại, có thể thấy thời Lý đã xây những cây tháp cao lớn vào bậc nhất trong lịch sử xây dựng chùa tháp Việt Nam8.

Chùa tháp thời Lý tiêu biểu cho nền kiến trúc thời Lý và góp phần minh chứng thuyết phục đặc trưng của văn minh Đại Việt thời Lý. Nối tiếp thời Đinh – Tiền Lê, nghệ thuật trang trí kiến trúc Việt Nam thời Lý thực chất là nền nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.

5. Sự thịnh đạt của chùa tháp thời Trần

Tiếp theo thời Lý, Phật giáo thời Trần tiếp tục phát triển toàn thịnh và phát triển ở tầm cao mới: xây dựng thành công Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam, một số hiện tượng không ở đâu có trong lịch sử Phật giáo Thế giới. Bởi vậy Phật giáo thời Trần tiếp tục toàn thịnh với nhiều đặc điểm mới, là đỉnh cao của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Phac Dung Doi Net Lich Su Kien Truc Pgvn 1

5.1. Chùa

Trong số chùa còn lưu giữ được vết tích kiến trúc thời Trần đã nghiên cứu, một số chùa do nhà nước xây dựng (chùa Phổ Minh, chùa Kim Âu), một số chùa do địa phương xây dựng (chùa Lấm, chùa Dâu, chùa Thái Lạc, chùa Bối Khê). Gần đây khảo cổ học đã phát hiện được một số chùa thời Trần ở vùng núi phía Bắc và một số chùa Trần của thiền phái Trúc Lâm. Không ngôi chùa nào giữ được nguyện vẹn cấu trúc ban đầu. Mỗi chùa chỉ giữ được một số thành phần nhất định nào đó, nhưng tập hợp chắt lọc lại vẫn có thể hiểu được khá rõ kiến trúc cơ bản của chùa thời Trần.

– Về mặt bằng, kiến trúc chùa trung tâm của chùa thời Trần vẫn là toà thượng điện có kết cấu gần hình vuông. Từ độ sâu 0,50m dưới lòng đất, đã tìm thấy mặt bằng khá nguyên vẹn của chùa Kim Âu (Thanh Hoá), có kích thước 13,60m x 13,0m. Chùa Hắc Y (Yên Bái) cũng có dáng dấp tương tự.

Một số chùa khác tuy vết tích nền móng đã bị tu bổ vào thời sau, nhưng do các kết cấu vì nhà của thời Trần còn bảo tồn khá tốt, cho thấy hình dáng, kích thước bình đồ của các chùa này tương tự như chùa Kim Âu: Chùa Dâu 14,1m x 10,4m, chùa Bối Khê 10,70m x 9,40m. Tại các ngôi chùa này, ngoài kiến trúc trung tâm, chưa rõ kiến trúc phụ được bố trí ra sao.

Thời Trần đã xây dựng thành công Thiền phái Trúc Lâm và Thiền phái này còn phát triển đến ngày nay. Việc nghiên cứu các chùa Trúc Lâm đã phát hiện thêm một số kiểu mặt bằng chùa mới. Mặt bằng chính chùa Lân, chùa Hoa Yên gần hình vuông. Mặt bằng hình chữ công lần đầu tiên đã được tìm thấy ở chùa Trại Cấp (Quảng Ninh), chùa Đám Trì (Bắc Giang). Như vậy, loại mặt bằng hình chữ công thời Trần, trước đây chúng tôi mới chỉ giả thiết thì nay đã tìm ra rất hoàn chỉnh dưới thời Trần. Đặc biệt, ngôi chùa có cấu trúc phức tạp do nhà nước xây dựng lần đầu tiên còn thấy rất rõ nét là chùa Phổ Minh. Chùa Phổ Minh cũng chính là một tổ đường của phái Trúc Lâm. Hơn 100 chân tảng đá hoa sen và các tượng rồng thần, sấu thần đá thời Trần cho thấy sự phức hợp nhiều thành phần kiến trúc chùa Phổ Minh được sắp xếp trên một trục dài.

Mặt bằng khá phức tạp khác của chùa thời Trần đã thấy ở Chùa Lấm (Quảng Ninh). Hẳn đây cũng là một ngôi chùa Trúc Lâm. Từ cửa vụng biển đi vào các nền móng kiến trúc còn lại theo những người khai quật được phân bố như sau: Tam quan (11m x 5m); Nhà tổ, hai dãy; Sân chùa có hai ngọn tháp hai bên (3,60 x 3,60m); Chùa Hộ (31m x 8m) có 9 gian, mỗi gian rộng 2,50m; Chùa Phật (12m x 11,50m); Thượng điện (29,0m x 8cm) có 9 gian; Khu Đông Bắc có một nếp nhà nhỏ 3 gian là bếp, hai giếng nước ngọt, một ao. Hà Văn Tấn cho rằng chùa Phật mới chính là Thượng điện. Tôi cho rằng ý kiến này đúng và giả thiết thêm rằng Thượng điện chính là Hậu đường có thể là một dạng nhà Tổ. Tổng thể chùa Lấm như vậy có cấu trúc hình chữ Tam,…

Chùa thời Trần đặc biệt phát triển nhiều ở vùng núi phía Bắc. Chỉ riêng Tuyên Quang, khảo cổ học đã phát hiện được 24 di tích có dấu tích văn hóa Trần.

5.2. Tháp

Theo thư tịch cổ, ngoài hai cây tháp Phổ Minh và Huệ Quang của Trần Nhân Tông, năm 1329, sư Pháp Loa xây một cây tháp đá và một cây tháp gạch ở viện Quỳnh Lâm cũng để xá lị Trần Nhân Tông. Năm 1330, sư Huyền Quang xây tháp Viên Thông ở chùa Thanh Mai. Năm 1334 xây tháp Đăng Minh ở sau chùa Côn Sơn9.

Dấu tích kiến trúc tháp thời Trần còn thấy khá rõ là tháp Phổ Minh, tháp Huệ Quang, tháp Bình Sơn, tháp Đăng Minh. Ngoài ra, có một số nền tháp khác ở Chùa Lấm phía Bắc đảo Thừa Cống (Quảng Ninh), các mô hình tháp trong mộ Dưỡng Phú10, mộ Xuân Hồng11, chùa Lân, chùa Hồ Thiên, Thái Lăng, Ngải lăng, Đồi Bia.

Trong các tháp thời Trần, tháp Huệ Quang có đế hình lục lăng (3m x 3,10 x 3,80 x 3,05 x 3m x 3,80m). Toàn bộ tháp thời Trần đều hình vuông: tháp Phổ Minh 5,21m x 5,21m, tháp Bình Sơn 4,45m x 4,45m, tháp Đăng Minh 1m x 1m, tháp Chùa Lấm 3,60m x 3,60m (tầng 1 của tháp Huệ Quang cũng trở lại gần hình vuông 2,84m x 2,89m).

Về độ cao chỉ còn thấy tương đối rõ ở hai tháp: tháp Phổ Minh cao 13 tầng (21,2m), tháp Bình Sơn trừ đỉnh bị gãy còn 11 tầng (15m) (tháp này nếu còn nguyên vẹn cũng cao 13 tầng)

Tháp Huệ Quang chỉ còn tầng đế được xếp đá hình múi bưởi và cố kết bằng cá chì. Tháp Phổ Minh có sự kết hợp chặt chẽ giữa đá và gạch. Đá là loại đá xanh khối hình chữ nhật, phẳng phiu được sắp xếp thật vuông vắn ở tầng đế. Trên mặt và xung quanh có chạm sen, cúc đường nét thanh mảnh.

Ở các tầng trên, các gốc tháp, cửa cuốn được xây bằng đá, tường tháp xây bằng gạch mỏng nhẹ và gắn kết chặt chẽ với nhau bằng mộng, dây chằng, keo vữa. Riêng những viên gạch xây ngăn cách các tầng tháp thì có một đầu vát cong lên, mặt ngoài chạm rồng. Nhiều viên gạch có chữ “Hưng Long thập tam niên” tức là gạch được sản xuất năm Hưng Long thứ 13 (1305) dưới thời Trần Anh Tông.

Tháp Bình Sơn được xây dựng toàn bằng các khối đất này hình vuông có hai cỡ 46cm x 46cm và 22cm x 22cm, và hình chữ nhật (45cm x 22cm). Để có thể dựng được cây tháp cao tầng bằng gạch như vậy, người ta đã xây một khối cột vuông thuôn vát dần từ dưới lên trên bằng gạch. Hết mỗi tầng lại xây nhô ra từ năm đến sáu hàng gạch để tạo diềm mái. Phía ngoài khối trụ xây ốp các khối đất nung vuông trang trí để làm vỏ áo tạo cho toàn bộ cây tháp vừa vũng vàng, vừa đẹp.

Để gắn kết các loại gạch với nhau, người ta dùng một loại đất mịn, có độ dẻo cao. Keo để dính gạch ốp được làm bằng vôi, mật và giấy dó. Để cho cây tháp gạch trụ vững được với thời gian, các viên gạch ốp còn được liên kết bằng mộng chốt, cá chì. Mộng chốt để gài néo gạch ốp vào khối gạch lõi, cá chì để cố định các viên gạch theo mặt thẳng đứng.

Ngoài ra còn có nhiều viên gạch như gạch hình chữ L cũng có tác dụng giằng giữ tường tháp thêm chắc.

Việc xây cất như trên khiến cho cây tháp đất nung được phủ kín bằng nhiều mô típ rồng, lá đề, mô hình tháp như một tác phẩm điêu khắc đẹp vẫn đứng vững cho đến tận ngày nay.

Tháp thời Trần không chỉ tìm thấy ơ vùng đồng bằng mà còn phát hiện được cả vùng biên viễn. Năm 1996, đã phát hiện dấu tích tháp đất nung tại miếu Hắc Y (Thần Áo đen) xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Tháp thời Trần không đứng một mình như một số cây tháp thời Lý. Trong tổng thể kiến trúc, trừ tháp Đăng Minh được xây sau chùa, còn tất cả các tháp khác đã nghiên cứu đều được xây trước chùa.

Như vậy, cũng như thời Lý, chùa tháp thời Trần tiếp tục phát triển nhiều và là minh chứng giá trị nổi bật vì nền văn minh thời Trần. Thời Trần cũng đặc biệt phát triển chùa làng. Điều đó nói lên ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo Trúc Lâm, thiền phái dân tộc duy nhất thành công ở Việt Nam.

6. Chùa thời Lê Sơ – thời Mạc

Thời Lê sơ, vương triều lấy Nho giáo làm tư tưởng chính đã hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Tuy nhiên theo thư tịch cổ và văn bia ở nhiều xã thôn tiếp tục có các chùa làng, nói lên sức sống của Phật giáo trong đời sống người dân Đại Việt.

Đến thời Mạc, Phật giáo phục hồi với các kiến trúc phát triển nhiều ở khu vực nhà Mạc làm chủ. Kiến trúc chùa Mạc tuy chưa phát hiện được mặt bằng xác thực nhưng về hình thức có xu hướng theo chùa thời Trần.

Ví dụ tiêu biểu là Chùa Cói (Tam Dương, Phú Thọ). Theo các bản vẽ còn để lại, ta thấy còn mang khá đậm phong cách kiến trúc thời Trần: vì kèo 4 hàng chân cột, khẩu độ lòng nhà hẹp, chiều cao thấp, các thành phần kiến trúc mập, câu đầu vẫn trên là cột. Phần giá chiêng vẫn còn ván bịt. Song khác với thời Trần, vì cái kẻ suốt đã mất. Con giường và bẩy hiên đã xuất hiện. Các chùa thời Mạc ở Hải Phòng còn có các thành bậc đá cham rồng thần và sấu thần.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tham Luan Hoi Thao Kien Truc Phac Dung Doi Net Lich Su Kien Truc Pgvn 2

7. Chùa thời Lê Trung hưng

Đây là thời kỳ Phật giáo Việt Nam phục hưng mạnh mẽ. Nhiều ngôi chùa lớn nhất Việt Nam được xây dựng thời kỳ này như chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Keo và các chùa Trúc Lâm (chùa Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn).

Trên mặt bằng xây dựng chùa Bút Tháp, ta thấy có các công trình sau: Tam quan – Gác chuông – Tiền đường – Thiêu hương – Thượng điện – Cầu đá – Tích thiện am; Sân – Nhà chung – Phủ thờ – Hậu đường hành lang. Bên trái chùa có một nhà Tổ và tháp Báo Nghiêm. Sau chùa có tháp Tôn Đức. Đặc biệt phía bên trái trên con đường dẫn vào chùa hôm nay còn có 2 tháp của cha con người thợ cả dựng chùa.

Dù có kết cấu phức tạp thế nào, trong cụm kiếm trúc chùa thời Lê, 3 nếp chùa (Tam bảo) vẫn được đặt ở phía trước (sau Tam quan) tạo thành một khối liền theo hình chữ công (I), chữ đinh (丁), hoặc nhà hình chữ công mái chữ đinh.

Ở thế kỷ XVII, đã phổ biến loại chùa có kiến trúc “nội công ngoại quốc” tương tự như hình thức từ thời Trần.

Một trong những nét độc đáo nhất trong kiến trúc Phật giáo thời Lê là sự tồn tại của một loại hình bố cục “Tiền Phật – Hậu Thánh” ở một số chùa như Chùa Thầy (Thiên Phúc tự ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây), Chùa Keo (Thiền Quang tự, Vũ Thư, Thái Bình). Cụm kiến trúc Chùa Thầy gồm có: 3 nếp chùa chính, điện Thánh, sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Các tấm bia hậu Phật ở đây khắc tên tuổi nhiều người trong hoàn tộc có niên đại 1652, 1673, 1683, 1684,… Thánh được thờ ở đây là nhà sư Từ Đạo Hạnh. Đặc biệt nữa các chùa Trúc Lâm gần như định hình mô hình “Tiền Phật – Hậu Phật tổ Trúc Lâm”. Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Phổ Minh tiêu biểu cho xu hướng này.

8. Chùa thời Tây Sơn

Ở phía Bắc, chỉ còn lại hai kiến trúc Phật giáo là chùa Tây Phương (Hà Tây) và chùa Kim Liên (Hà Nội) (Bản ảnh 15) được các nhà nghiên cứu cho là có niên đại Tây Sơn. Hai ngôi chùa này có kết cấu kiến trúc mặt bằng kiểu chữ tam (三), vì kèo kiến trúc truyền thống thời Lê thường làm kiểu “chồng diêm” với hệ vì “chồng rường – bẩy hiên” có bẩy ngang vuông góc với thân cột.

9. Các chùa thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn

Các chúa Nguyễn đi mở đất ở phương Nam đều sùng Phật và xây dựng nhiều chùa ở Đàng Trong như chùa Thiên Mụ nổi tiếng.

Theo thư tịch, chùa được xây dựng vào năm 1601, do chính chúa Nguyễn Hoàng cho xây. Ngay từ lúc mới ra đời, chùa Thiên Mụ đã là một trung tâm Phật giáo ở miền Trung. Sau đó, chùa được chính các chúa Nguyễn cho tu sửa nhiều lần. Vào năm Ất Tỵ (1655), chúa Nguyễn Phúc Tần cho tu sửa chùa. Tháng 4 năm Canh Dần (1710), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả chuông lớn, đường kính 1,4m, cao 0,5m, nặng 3205 cân. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế, đồng thời là một tác phẩm mỹ thuật quý giá khẳng định nghệ thuật đúc đồng ở thế kỷ XVIII ở Đàng Trong.

Tháng 6 năm Giáp Ngọ (1714), Nguyễn Phúc Chu lại cho tiếp sửa sang và xây dựng thêm nhiều điện to đẹp tráng lệ. Chúa tự làm một bài ký để ghi công đức của mình trong việc chấn hưng đạo Phật và những chi tiết mỹ thuật trong các bộ phận kiến trúc ở chùa, rồi cho khắc tấm bia đá cao 1,6m, rộng 1,2m trên lưng rùa. Chúa còn cho người sang Trung Hoa mua lại Tạng kinh, luật và luận hơn ngàn bộ để ở chùa.

Tổng kết các kiểu mặt bằng, một số nhà nghiên cứu cho rằng chùa Đàng Trong thế kỷ 17 – 18 thường có kiểu mặt chữ khẩu (口)gồm 4 tòa nhà ở 4 mặt phổ biến ở vùng Thuận Hóa. Kiểu mặt bàng chữ Tam (三) phổ biến đến Gia Định. Tuy nhiên, các tài liệu chưa chỉ ra các ngôi chùa cụ thể.

Khi nhà Nguyễn lên ngôi, các vua Nguyễn sùng Phật ở nhiều mức độ khác nhau. Nhìn chung, nhà Nguyễn đã định hình phong cách chùa Nguyễn. Hiện nay Di sản chùa Nguyễn có hàng nghìn và các chùa cổ trước đó còn lại được đều có dấu ấn chùa Nguyễn thế kỷ 19 – 20. Ở khu vực phía Bắc, các ngôi chùa Nguyễn lớn điển hình truyền thống còn lại rất đẹp như chùa Liên Phái, chùa Bà Đá, chùa Hòe Nhai, chùa Mía, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Côn Sơn, chùa Bổ Đà, chùa Cổ Lễ,…

10. Kết luận

Để kết thúc bài này, tôi xin nhấn mạnh, 2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng và giữ nước, 2000 năm kiến trúc phật giáo là một tấm gương phản chiếu lịch sử văn hóa – văn minh Việt Nam, 2000 năm kiến trúc chùa tháp Việt Nam là một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc và hiện đang sống trong các cộng đồng người Việt Nam. Một cuốn lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam khoảng 2000 – 5000 trang đồ sộ cần được nghiên cứu và biên soạn để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tác giả: PGS.TS. Tống Trung Tín
Tham luận Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, ngày 15/4/2023 tại hội trường Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội)

***

Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I. Nxb. KHXH. Hà Nội, 1983
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II. Nxb KHXH. Hà Nội, 1988
3. Đại Nam nhất thống chí, tập III. Nxb KHXH. Hà Nội, 1971
4. Đại Nam nhất thống chí. Tập IV. Nxb KHXH. Hà Nội, 1971
5. Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục. Hà Nội, 1971
6. Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục: Hà Nội, 1957
7. Hoàng Văn Khoán và Tống Trung Tín, Vài nét về vật liệu kiến trúc thời Lý. Thông báo khoa học Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Hà Nội, 1996
8. Trần Trọng Kim, Phật lục. Nxb Lê Thăng – Hà Nội, 1943
9. Lê Thị Liên và Tống Trung Tín, “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” một tấm bia thời Lý mới phát hiện ở Hải Hưng”, Khảo cổ học số 1, 1991.
10. Đỗ Văn Ninh và Trịnh Cao Tưởng, “Chùa Lấm (Quảng Ninh) một phế tích đời nhà Trần mới được khai quật”, Khảo cổ học số 15, 1974
11. Cao Xuân Phổ, “Tháp Chương Sơn nhà Lý”, Khảo cố học, số 6-5, 1970
12. Tam tổ thực lục. Bản dịch chữ Hán. Tư liệu Viện Khảo cổ học (D687)
13. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long (1992), Chùa Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội
14. Thiền uyển tập anh. Hà Nội, 1990
15. Đinh Khắc Thuân và Tống Trung Tín, “Về tấm bia thời Trần ở chùa Thiệu Long”. Khảo cổ học số 2, 1991
16. Tống Trung Tín, “Gạch lát nền và hoa văn trang trí gạch lát nền thời phong kiến”, Khảo cổ học số 3, 1982
17. Tống Trung Tín, Tìm hiểu nghệ thuật điêu khắc thời Lý, Trần (Thế kỷ XI – XIV), Luận văn PTS KHLS. Tư liệu Viện Khảo cổ học.
18. Trịnh Cao Tưởng và Nguyễn Văn Sơn, “Khai quật – tháp Tường Long (Hải Phòng)”, Khảo cổ học số 4, 1979
19. Viện Triết học (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH. Hà Nội
20. Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần. Tập I. Nxb KHXH. Hà Nội, 1997
21. Việt Sử lược. Nxb Sử học, 1960
22. L.Bezacier, L’art vietnamien. Paris, 1954.

Chú thích:
1. Thiền Uyển tập anh, 1990
2. Đại Việt sử ký toàn thư 1983: 299; Thơ văn Lý Trần 1977: 403 – 407
3. Nguyễn Du Chi 1952:21
4. Khảo cổ học Việt Nam 2002:83-84
5. Thơ văn Lý Trần 1977: 363
6. Đại Việt sử ký toàn thư 1983: 306
7. Thơ văn Lý Trần 1977: 363
8. Cao Xuân Phổ 1970: 48-63
9. Tam tổ thực lục: 30, 57
10. Phạm Quốc Quân 1986: 118-123
11. Nguyễn Mạnh Cường 1986: 96-103

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường