Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, Ngài Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, cho sự hoan hỷ và hỷ xả, cho may mắn, cho phúc lộc và thịnh vượng no đủ. Có lẽ vậy mà trong truyền thống Phật giáo Việt, các chùa và tự viện thường gọi ngày mồng Một Tết Nguyên Đán là ngày lễ Vía Di LặcMùa xuân gắn liền với đức hạnh từ bi và trí tuệ của vị Bồ Tát có hiệu là Di Lặc, vị Phật tương lai xuất hiện trong cõi đời này. Di Lặc có nghĩa là Từ Thị, lòng từ bi rộng lớn, đem đến nguồn hạnh phúc cho chúng sinh. Lý tưởng của đức Di Lặc là cứu khổ ban vui, luôn hướng cho nhân loại đến một tương lai tuyệt đẹp, xây dựng nếp sống hạnh phúc chân thật. Vì lẽ đó, mùa xuân được mang tên là Xuân Di Lặc. Trong ngày mồng Một đầu năm, người phật tử đi chùa lễ Phật, tụng kinh cầu phúc, sám hối, cầu an, cầu phúc lộc đầy nhà, con cháu sum họp hạnh phúc, thị phi dừng lại ngoài ngõ, tự tại an nhiên trong cuộc sống. Tất cả sự cầu nguyện này có thể hiển ứng qua hình ảnh nụ cười hoan hỷ của Ngài Di Lặc. Lòng vẫn là Xuân không đậm nhạt Nỗi chi so tuổi khách thường xuân Hồn nhiên gió lướt cho trúc hát Bình thản hoa cười chẳng cựu tân. Ngày Tết Nguyên Đán là ngày đầu của một năm. Người phật tử cũng mong chúng ta đều hi vọng tương lai sẽ thành Phật. Chúng ta mong như thế, từ năm này sang năm khác, từ đời này đến đời sau, tới bao giờ thành Phật mới thôi. Tại sao lấy ngày mùng Một Tết làm ngày Vía Bồ Tát Di Lặc? Có lẽ rằng chư vị Tổ sư của chúng ta đã thông minh sáng suốt cho nên mới đặt ngày này là ngày Vía đức Phật Di Lặc. Bởi vì tất cả hàng phật tử xuất gia cũng như tại gia ai cũng nghĩ rằng chúng ta tu để đạt đến cái kết quả cuối cùng là thành Phật. Nhưng chừng nào thì chưa biết. Nghĩa là hi vọng cuối cùng của chúng ta là thành Phật. Như vậy là nhắm tới tương lai về sau, đó là cái hi vọng về sau này chúng ta thành Phật. Phật giáo, là Đạo của an lạc, Đạo của thương yêu, Đạo sống chân thật trong từng phút giây mình có, Đạo của tâm từ luôn hướng người nên tin tưởng vào ngày mai, Đạo của xóa tan bao khổ buồn quá khứ, nên đức Di Đà luôn tiếp dẫn kẻ trầm luân; Đạo là đường đến Niết Bàn tịch tịnh trong hiện tại, nên đức Thích Tôn Bạc Già Phạm ứng thế độ sinh, Đạo của tương lai không bao giờ mất được, làm niềm hy vọng cho bao người duyên chưa đủ, nên xuân về đức Đương Lai Di Lặc lại tươi cười chờ những lộc chồi của Phật Pháp ngày mai. Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, Ngài Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, cho sự hoan hỷ và hỷ xả, cho may mắn, cho phúc lộc và thịnh vượng no đủ. Có lẽ vậy mà trong truyền thống Phật giáo Việt, các chùa và tự viện thường gọi ngày mồng Một Tết Nguyên Đán là ngày lễ Vía Di Lặc, là ngày Phật Di Lặc hạ sinh. Nói một cách nôm na là lễ sinh nhật của Ngài.
Nghe gió Đông về trong trở trăn
Chuyển mình vạn vật đón Xuân hoàng
Thời gian vô tận Xuân vô tận
Vũ trụ vĩnh hằng đời vĩnh hằng
Cũ mới xoay dần cơ tiến hóa
Mất còn tiếp nối cuộc tuần hoàn
Đất trời rạng rỡ mùa giao hội hu mãn
Đông tàn Xuân lại sang.
Như vậy trong pháp tu của Phật, tinh tấn không thể thiếu được. Nhờ trí tuệ nhận xét, chúng ta biết được giáo lý của đức Phật dạy, nói theo danh từ chuyên môn là chân lý. Biết được chân lý rồi thì phải nỗ lực tiến hành, chứ không phải biết rồi thả trôi từ từ được, mà phải nỗ lực. Nỗ lực đó gọi là tinh tấn. Tinh tấn là một đức tính thiết yếu trên phương diện tu hành. Vì vậy đức Thích Ca nhờ tinh tấn mà thành đạo được sớm, còn Ngài Di Lặc vì “thiếu” tinh tấn cho nên phải kéo dài đến mấy muôn năm so với thời gian trong cõi chúng ta. Đó là điều mà mọi người chúng ta cần phải tu tinh tấn. Như vậy hạnh tinh tấn phải tu cách nào? Chia tổng quát ra làm bốn giai đoạn tu tinh tấn. 1- Lấy Tứ chính cần. 2- Để trừ tam độc. 3- Tinh tấn để trừ hai con quỷ tán loạn và hôn trầm. 4- Đại tinh tấn. Trên đường tu chúng ta chưa thành Phật thì chưa bao giờ hài lòng, ngày nào thành Phật mới thỏa nguyện. Không biết từ bao giờ xuân trong cửa Thiền luôn là niềm háo hức, đón xuân, chúc xuân, xuân thiền, xuân an lạc, xuân Di Lặc… vô số các cụm từ chỉ cho xuân, như làm cho xuân thêm niềm vui mới, như ấm lại cảnh thiền qua một khoảng trời đông. Tết đến, mọi người gác lại tất cả những lo toan phiền muộn và bỏ qua những nỗi bực dọc của những ngày tháng cũ để chào đón năm mới với tâm hồn thanh thản nhẹ nhàng. Người ta thăm viếng nhau, chào đón nhau, chúc tụng nhau bằng những lời tốt đẹp và trao cho nhau những nụ cười hoan hỷ, thân thiện làm cho không khí ngày xuân vốn đã ấm áp lại càng ấm áp thêm. Nhưng rồi khi chim én thôi liệng trên trời cao, tiếng pháo thưa dần nằm xơ xác, im lìm dưới gốc mai vàng buồn bã từng cánh rơi tàn theo cơn gió Hạ và rồi lại đến mùa Thu dịu dàng cười mỉm, làm đắm say bao lòng người thi sĩ. Chưa thỏa lòng giao cảm tình Thu với bao luyến lưu sông núi, cỏ cây, thì lại đến cái giá lạnh của mùa Đông. Xoay vần bốn mùa cứ thế nối tiếp hợp tan làm cho con người cũng vì đó mà trôi theo dòng đời sinh diệt. Càng bị thời gian cuốn trôi và sống trong sự chi phối của ngoại cảnh, chúng ta càng trầm luân trong hợp tan, thương ghét, hạnh phúc, khổ đau. Cứ thế mà đi trong đêm dài vô minh với con đường lầm kiến, chấp trước. Bởi lẽ không thoát ngoài ràng buộc của vọng niệm, nên mùa Xuân của chúng ta chỉ quanh quẩn trong món ăn ngon, quần áo mới và những bóng dáng màu sắc tạm bợ của thế gian. Cho nên có nhiều người muốn trang điểm lộng lẫy cho nàng Xuân của mình, bằng cách sắm cho nhiều những vật chất xa hoa và đốt pháo thật nhiều để vui Xuân cho thỏa lòng một mùa ăn chơi. Nhưng không ngờ sau đó lại nhăn mặt thiếu trước, hụt sau của bao mùa còn lại và phải bon chen lắm điều phiền toái để trả giá cho sự vui Xuân quá độ của mình. Hãy trở lại cuộc sống bình thường và lắng nghe hơi thở của mình với nhịp đập trái tim trong từng giờ, từng phút thì lòng chúng ta mới nhỏ nhẹ “Gọi Xuân”.Xuân về cho lộc trổ tươi cành
Cho nắng vàng hôn nhẹ tóc xanh
Cho áo em cài hoa tỷ muội
Cho duyên em tiệp cánh dành dành
Cho thơ phảng phất hồn sông núi
Cho ý đậm đà nghĩa yến oanh
Cho thấm Xuân xưa lời me dạy:
“Một câu nhường nhịn, chín câu lành”.
Hãy để lòng mình thanh thản, tự tại như các Thiền sư mà nhìn Xuân đến, Xuân đi. Cái nhìn thấu suốt cả sự vật, một bước đi đạp lên tường thành ngã chấp và một tiếng cười vang động cả tam thiên. Nhưng, để có được nụ cười với những hiệu quả của nó đôi lúc lại là một việc không dễ dàng chút nào. Vì thực tế cho thấy, có người suốt ngày chẳng tìm ra được nụ cười dù đó chỉ là nụ cười gượng gạo. Lý do thật dễ hiểu. Cười sao được khi cuộc sống có quá nhiều lo âu phiền muộn, cười sao được khi biết bao đau khổ đang đè nặng trong tâm hồn. Nói cách khác, con người ta chỉ cười khi trong lòng không có phiền muộn lo âu, ít có ai cười trong hoàn cảnh trái ý nghịch lòng. Thế nhưng, cuộc đời càng nhiều đau khổ thì càng cần đến những nụ cười. Bởi vì nụ cười là cửa ngõ của con tim, mở lối cho tình người xích lại gần nhau; nụ cười làm ấm lại một tâm hồn đang bơ vơ lạc lõng, nụ cười làm cho mọi người thông cảm lẫn nhau. Lại nữa, cười có thể làm giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống, cười có thể làm vơi đi nỗi bực dọc, đau khổ trong tâm hồn. Đành rằng những nghịch cảnh trong cuộc sống đôi khi khiến cho con người ta muốn cười cũng không thể nào cười được. Nhưng nếu có thể cười được thì hãy cứ cười. Nụ cười của Bồ Tát Di Lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt xuất phát từ tâm hồn bao dung không bờ bến. Vì thế không ai nhìn vào hình tượng của Ngài mà không cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản nhẹ nhàng. Thật ra không phải ngẫu nhiên mà tượng Phật Di Lặc được tạc theo hình tướng như vậy, mà đây chính là thể hiện mong ước và tâm tư của đạo Phật trong việc đem nụ cười vào trong cuộc đời. Nụ cười biểu trưng cho lòng từ bi và sự hoan hỷ để quên đi những sầu não trong cuộc đời. Chủ nhân của nụ cười bất tử ấy là Bồ Tát Di Lặc. Nụ cười của Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, thế nên thời gian gần đây rất nhiều người đã và đang nhầm lẫn Bồ Tát Di Lặc với Thần Tài, bởi hình tượng ông Thần Tài cũng có nụ cười nở rộ gần như vậy. Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, Ngài Di Lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian”
Trong cuộc sống, chúng ta thường luôn cảm thấy không hài lòng vì những gì ta có được là quá ít so với những gì ta mong muốn. Điều này không chỉ đúng với những người nghèo khó, mà cũng là một tâm lý phổ biến ở cả những người giàu có, thành đạt. Kỳ thật, hạnh phúc của chúng ta lại không đến vào những lúc ta có được trong tay thật nhiều những gì ta mong muốn. Ngược lại, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi có thể buông bỏ được những vật sở hữu. Tất cả mọi vật chất đều bị cuốn trôi theo dòng thời gian. Chúng sinh ra, tồn tại, biến đổi rồi diệt mất. Không một dạng vật chất nào có thể thoát ra khỏi quy luật ấy, ngay cả thân thể hiện nay của ta cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta phải già đi sau hai, ba mươi năm nữa... mà thực sự là đang già đi trong từng giây, từng phút. Đời sống của chúng ta đang từng giây, từng phút bị thu ngắn dần và thậm chí còn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào. Đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận được, nhưng hầu hết chúng ta lại tránh né không chịu đối diện với sự thật như thế, vì chúng ta hoàn toàn không mong muốn nó xảy ra. Nếu chúng ta có đủ dũng khí để chấp nhận sự thật về tính chất giả tạo và tạm bợ của mọi dạng vật chất, ta sẽ thấy là không có sự vật nào có thể đáng để chúng ta tham đắm và bỏ phí đi những phút giây quý giá đang nhanh chóng trôi qua của cuộc sống này. Nhờ sự quán xét đúng thật như thế, chúng ta sẽ thấy được sự vô nghĩa của những ý tưởng sở hữu vật chất. Và vì thế ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi sự lôi cuốn, cám dỗ của lòng tham muốn. Tuy nhiên, một sự tự do hoàn toàn chỉ có thể đạt đến khi chúng ta có thể buông bỏ luôn cả những thứ sở hữu “phi vật chất” không thể nhìn thấy được, chẳng hạn như những định kiến sai lầm, những vướng mắc tình cảm và cả những nhận thức không đúng về sự vật... Khi ấy, chúng ta sẽ thực sự làm chủ được chính mình, thực sự có được những điều kiện tối thiểu để tiếp xúc và cảm nhận được mọi niềm vui chân thật trong cuộc sống. Vì thế mà những phút tạm dừng nghỉ sau một năm dài vất vả bon chen thường có ý nghĩa rất quan trọng. Theo phong tục đã có từ nhiều đời, những ngày cuối năm bao giờ cũng là những ngày tất bật cuối cùng dành cho công việc và hết thảy mọi lo toan trong năm cũ, để rồi cho dù có thể giải quyết xong hay không xong thì tất cả cũng đều phải tạm gác lại. Sau phút Giao thừa thiêng liêng tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, tất cả chúng ta đều trở thành những con người mới: thảnh thơi, vô sự, gạt bỏ hết mọi lo toan, phiền muộn. Ai cũng muốn mình được hoàn toàn vui vẻ, không để trong lòng bất cứ một mối lo nghĩ, một sự suy tính nào. Và trong tâm trạng ấy, chúng ta bước vào năm mới. Vì thế, sự buông xả lại chính là cách tiếp nhận cuộc sống này một cách chân thành nhất, tốt đẹp nhất. Khi chúng ta chưa học biết cách buông xả, thì không bao giờ có thể cảm nhận được hết những giá trị chân thật của đời sống này. Trong dịp xuân về, lễ kính hình tượng Phật Di Lặc và suy xét về ý nghĩa của sự buông xả chính là một cách đón xuân đầy ý nghĩa, có thể giúp mang đến sự an vui thiết thực cho tâm hồn chúng ta. Bởi vì chỉ khi thực hành buông xả được mọi sự tham tiếc, mọi sự trói buộc, chúng ta mới có thể nở được nụ cười vô tư và an ổn giống như Ngài! Xin tất cả mọi người chúng ta bên nhau cùng cảm thông, thứ tha cho nhau những lỗi lầm năm cũ, những thói quen tật xấu và những gì gọi là bị mây vô minh che khuất tâm trí mình. Tất cả cùng nhau mặt nhìn mặt, tay cầm tay tiến bước trên con đường mà mình đã chọn. Chúng ta mãi nguyện bên nhau lòng với lòng, thuần nhất vô ngã, chỉ nhất vị thương, để cùng nhau nhẹ bước đi giữa đất trời bao la mà nhìn “Mùa Xuân mây trắng”. Chúng ta hãy cầu chúc cho nhau đều có đủ trí tuệ sáng suốt, luôn ghi nhớ lời Phật dạy để mãi mãi nỗ lực tinh tấn không lúc nào dám lười biếng, không lúc nào dám giải đãi thì sự tu hành của chúng ta sẽ được như nguyện, đúng theo những gì chúng ta phát tâm mong cầu. Chúc quý vị năm nay và những năm về sau ai cũng được hưởng trọn một mùa Xuân miên viễn. Tác giả: Thượng toạ Thiện Hạnh
Bình luận (0)