Nội quy này gồm có 04 Chương, 10 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được tu chỉnh sửa đổi sau 01 nhiệm kỳ thực hiện. Các thành viên Ban Kiểm soát phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Nội quy này.

NỘI QUY HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KIỂM SOÁT BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO HÒA HẢO

(Ban hành kèm theo Quyết định số:229/QĐ-BTSTƯ ngày 18 tháng 5 năm 2020 của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo)

Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo đã được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo Hòa Hảo cấp toàn đạo lần V, ngày 04, 05 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Công văn số: 736/TGCP-TGK và Công văn số: 737/TGCP-TGK ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc chấp thuận Hiến chương giáo hội và nhân sự suy cử vào Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhiệm kỳ 2019-2024,

Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo ban hành Nội quy hoạt động của Ban Kiểm soát Ban Trị sự Trung ương như sau:

CHƯƠNG I - CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 1. Ban Kiểm soát là ban chuyên ngành trực thuộc Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, có chức năng giám sát, kiểm tra, hòa giải, xử lý đơn thưa, khiếu kiện và đề xuất xem xét khen thưởng, kỷ luật việc thực hiện Hiến chương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Quy chế, Nội quy hoạt động của tổ chức trong hệ thống giáo hội; các chương trình, kế hoạch đạo sự và sinh hoạt tôn giáo của đồng đạo theo đúng giáo lý, giáo luật và đúng pháp luật Nhà nước; phát hiện và phát huy những nhân tố sống tốt đời, đẹp đạo.

Điều 2. Xét đơn thưa, khiếu nại, tố cáo, hòa giải tranh chấp, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương xử lý vi phạm theo luật đạo, kiến nghị cơ quan Nhà nước xem xét trong trường hợp vi phạm pháp luật.

CHƯƠNG II - CƠ CẤU TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA TỪNG THÀNH VIÊN

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ban Kiểm soát gồm:

- Trưởng ban

- 03 Phó Trưởng ban

- 01 Thư ký

- Các thành viên

Điều 4: Trưởng Ban Kiểm soát do Ủy viên Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương phụ trách và Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương quyết định bổ nhiệm, là người điều hành mọi hoạt động của Ban, chịu trách nhiệm trước ban Trị sự Trung ương và Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương về toàn bộ tiến trình và hiệu quả hoạt động của Ban, cụ thể là:

1. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm nguyên tắc hoạt động của Ban đã được quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 6 của Nội quy này.

2. Báo cáo hoạt động đạo sự kiểm soát ở các cuộc họp định kỳ của Ban Trị sự Trung ương; ở các cuộc họp, phiên họp, hội nghị do Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương phân công.

3. Xem xét các thành viên trong Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ giới thiệu đến Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương để được tuyên dương, khen thưởng, góp ý, kiểm điểm nội bộ, đề xuất kỷ luật đối với các thành viên vi phạm Hiến chương giáo hội, Nội quy hoạt động của Ban và các Tiểu ban thuộc bộ phận mình phụ trách.

4. Thay mặt Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm soát ký:

- Các văn bản được Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương ủy quyền.

- Các văn bản hành chánh đạo sự thuộc chuyên ngành kiểm soát.

Điều 5. Các Phó Trưởng ban, Thư ký và các thành viên khác của Ban Kiểm soát do Trưởng ban đề nghị, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương xem xét, chuẩn y, Trưởng ban Ban Trị sự Trung ương quyết định bổ nhiệm; các Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban. Khi Trưởng ban vắng ủy quyền cho một Phó Trưởng ban thay mặt.

Nhiệm vụ cụ thể của các Phó Trưởng ban:

1. Phó Trưởng ban phụ trách Kiểm soát, Trưởng Tiểu ban Kiểm soát:

1.1. Có nhiệm vụ giúp Trưởng ban trong các việc như ghi ở Điều 1, giám sát, kiểm tra việc chấp hành Hiến chương giáo hội, Quy chế, Nội quy hoạt động của các tổ chức trong hệ thống giáo hội và việc thực hiện chương trình kế hoạch đạo sự các cấp, sinh hoạt tu hành của đồng đạo.

1.2. Tổ chức các cuộc giám sát theo kế hoạch của Ban hoặc theo chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương.

1.3. Tiếp đồng đạo, nhận đơn từ.

2. Phó Trưởng ban phụ trách hòa giải, Trưởng Tiểu ban Hòa giải.

Giúp Trưởng ban trong việc:

2.1. Xem xét giải quyết đơn thưa, khiếu nại, tố cáo của các tổ chức trong hệ thống giáo hội đúng quy định.

2.2. Hòa giải các tranh chấp thuộc phạm vi trách nhiệm được Trưởng ban phân công.

2.3. Phối hợp chặt chẽ với Phó Trưởng ban phụ trách kiểm soát, đề xuất các biện pháp ngăn chặn kịp thời mọi hành vi, biểu hiện làm trái hoặc đi ngược lại tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo và mọi hành vi biểu hiện chia rẽ khối đoàn kết nội bộ, gây tổn thương thanh danh đạo.

2.4. Trong trường hợp cần thiết đề xuất thành lập Đoàn công tác xử lý từng vụ việc cụ thể. Trong Tiểu ban có thể mời một số chức việc liên quan tham gia để đảm bảo nguyên tắc xử lý đúng luật đạo và pháp luật Nhà nước.

3. Phó Trưởng ban phụ trách tuyên dương, kỷ luật, Trưởng Tiểu ban Tuyên dương công đức, Kỷ luật.

3.1. Giúp Trưởng ban trong việc đề xuất với Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương tuyên dương công đức theo tiêu chí quy định và ghi vào số công đức truyền thống đạo; phối hợp với kiểm soát, hòa giải đề xuất kỷ luật những việc làm sai trái Hiến chương, Quy chế và Nội quy

3.2. Phát hiện và phát huy những nhân tố tích cực sống tốt đời, đẹp đạo.

4. Thành viên phụ trách Thư ký:

Ghi chép biên bản các hội nghị, phiên họp của Ban, quản lý lưu trữ hồ sơ của Ban. Dự thảo sơ, tổng kết, báo cáo định kỳ và đột xuất hoạt động của Ban; bảo quản con dấu của Ban.

5. Các thành viên khác:

Các thành viên do Trưởng ban Ban Kiểm soát phân công phụ trách từng lĩnh vực tương ứng theo Điều 1 và Điều 2, Chương I, đảm bảo không ngừng nâng cao hoạt động của Ban.

Điều 6. Trưởng ban được ký tên đóng dấu nội bộ của Ban; các Phó Trưởng ban được ký thay Trưởng ban các văn bản lưu hành nội bộ và đóng dấu nội bộ; Thư ký được ký thừa ủy nhiệm khi được Trưởng ban phân công.

CHƯƠNG III - QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, LỀ LỐI LÀM VIỆC

Điều 7. Ban Kiểm soát làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, (thảo luận dân chủ, Trưởng ban quyết định), nghiêm túc, tuân theo giáo lý, giáo luật, Hiến chương, Quy chế, Nội quy và pháp luật Nhà nước giữ gìn đoàn kết nội bộ bảo vệ thanh danh đạo.

Các Phó Trưởng ban thông qua nhân sự với Trưởng ban Kiểm soát để phân công vào tiểu ban mình phụ trách, đôn đốc, trực nhật tại Ban.

Điều 8. Họp thường xuyên mỗi tháng một lần, 06 tháng sơ kết và tổng kết hoạt động kiểm soát vào cuối năm. Trong trường hợp cần thiết, Ban có thể họp đột xuất do Trưởng ban triệu tập.

Điều 9. Ban Kiểm soát tuân thủ theo phương pháp điều hành và hoạt động như sau:

1. Trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội nghị trong nội bộ và với cấp trên. Ý kiến kết luận của lãnh đạo trong các cuộc họp, hội nghị đều có giá trị thực hiện.

2. Ban Kiểm soát ban hành các loại văn bản: Các chương trình, kế hoạch đạo sự, các tờ trình, kiến nghị; các thông báo, hướng dẫn thuộc phạm vi đạo sự kiểm soát được Ban Trị sự Trung ương, Ban Thường trực Ban Trị sự Trung ương duyệt.

3. Ban Kiểm soát phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống giáo hội, với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội để thống nhất kế hoạch, đảm bảo hoạt động đạo sự kiểm soát đạt hiệu quả.

CHƯƠNG IV - TỔ CHỨC, THỰC HIỆN

Điều 10. Các thành viên Ban Kiểm soát phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Nội quy này.

Nội quy này gồm có 04 Chương, 10 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được tu chỉnh sửa đổi sau 01 nhiệm kỳ thực hiện.

TM. BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG GH PGHH

                                                                                                                                                    TRƯỞNG BAN

                                                                                                                                                         (Đã ký)

                                                                                                                                                 Nguyễn Tấn Đạt

Nguồn link: https://phatgiaohoahao.org.vn/news/?ID=2014&CatID=26