04PGs.Ts Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022

Tóm tắt: Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam họp lần thứ nhất từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Tại Đại hội, Hiến chương được thông qua gồm: Lời nói đầu, 11 chương và 46 điều. Lời nói đầu gồm 6 đoạn văn cũng là 6 nội dung: 1 – Phật giáo với dân tộc Việt Nam. 2 – Thống nhất các tổ chức, giáo hội, hệ phái thành lập GHPGVN. 3 – GHPGVN thống nhất trong đa dạng. 4 – Lập trường và mục đích của GHPGVN. 5 – Tính pháp lý của Tổ chức GHPGVN. 6 – Vị thế hoạt động của GHPGVN. Sáu nội dung đó được quy vào một đường hướng hành đạo của GHPGVN, đó là: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH.

Từ khóa: sáu nội dung, một đường hướng, hiến chương, giáo hội;…

I. Sáu nội dung trong lời nói đầu của Hiến chương GHPGVN

1.1. Phật giáo với dân tộc Việt Nam

Ngay từ buổi đầu, hiện diện ở Việt Nam, trải tiến trình lịch sử với tinh thần khế lý, khế cơ, khế thời, khế độ, Phật giáo luôn gắn quyện, đồng hành cùng dân tộc. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo nhưng Phật giáo đã là nền tảng, là cốt lõi, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhờ đó tạo nên sức mạnh để dân tộc ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.

Khổ văn thứ nhất của Lời nói đầu, Hiến chương nhấn mạnh:

“Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên dải đất Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, PGVN bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, từ ngàn xưa, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ngày nay do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(1).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Noi Dung Duong Huong Ban Hien Chuong Ghpgvn Lan Thu 1 1

1.2. Tất yếu thống nhất tổ chức, giáo hội, hệ phái trong ngôi nhà chung – GHPGVN

Dân tộc Việt Nam là một thể thống nhất, liền một dải, là tôn giáo của dân tộc, Phật giáo Việt Nam vì vậy luôn nhận thức thống nhất các tổ chức, giáo hội, hệ phái. Trong lịch sử, thời Trần và sự ra đời của Phật giáo Trúc Lâm quy tụ 3 hệ phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông. Sự thống nhất đó không chỉ tạo sức mạnh cho PGVN mà còn tạo sức mạnh để nhà Trần ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước khi thành lập GHPGVN, PGVN đã trải qua ba lần thống nhất.

Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1951;

Cuộc vận động thống nhất PGVN năm 1958 tại miền Bắc;

Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam(2).

Song “vì cơ duyên chưa hội đủ” hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, âm mưu chia để trị của thực dân cũ và mới, chưa có một tổ chức Phật giáo nào thực sự được thống nhất trọn vẹn, toàn diện đúng với danh xưng.

Vì vậy việc ra đời GHPGVN là “một sự thống nhất thật sự, trọn vẹn và dân chủ”, “đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của tăng, ni và tín đồ”(3).

Dưới đây là nguyên văn khổ văn thứ hai:

“Nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã thực hiện từ lâu nhưng chưa được trọn vẹn. Nay trong bối cảnh dân tộc đã được độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, cả nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, PGVN có đủ cơ duyên thống nhất thật sự để duy trì chính pháp, góp phần tích cực cùng toàn dân đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình, an lạc cho dân tộc và nhân loại”(4).

1.3. GHPGVN thống nhất trong đa dạng

Trong tiến trình truyền bá, phát triển, Phật giáo hiện diện ở Việt Nam với các hệ phái, tông phái cũng như tổ chức giáo hội khác nhau như: Phật giáo Bắc truyền, Phật giáo Nam truyền, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo của người Hoa (cũng có khi gọi là Phật giáo Hoa tông).

Vào thời điểm trước khi thống nhất, PGVN tồn tại 9 tổ chức, giáo hội, hệ phái:

Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam;

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất;

Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam;

Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh;

Các hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam;

Hội đoàn kết sư sãi miền Tây Nam bộ;

Giáo hội Tăng già phái Khất sĩ Việt Nam;

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thiền phái giáo quán tông;

Hội Phật học Nam Việt.

Mỗi tổ chức, giáo hội hệ phái tuy đều trung thành với giáo lý Phật Đà nhưng có những hình thức tu tập, truyền thống và nghi lễ đặc thù. Đó còn là một số khác biệt về y pháp, về thọ thực, về ngôn ngữ… Từ thực tế đó để bảo đảm tính biệt truyền của một số hình thức tu tập, nghi lễ của những hệ phái, pháp môn, trên quan điểm lục hòa, đoạn văn thứ ba trong Lời nói đầu khẳng định: "Thống nhất này xây dựng trên nguyên tắc Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng duy trì”(5).

1.4. Lập trường và mục đích của GHPGVN

Trên cơ sở giáo lý Phật Đà, của truyền thống PGVN trong lịch sử cũng như hiện tại. Đặc biệt trước đòi hỏi trong tình hình mới của Giáo hội, của dân tộc và nhân loại, đoạn văn thứ tư trong Lời nói đầu viết: “Lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp đại chúng, hòa bình và công bằng xã hội của Giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường và mục đích của GHPGVN”(6).

1.5. Tính pháp lý của Tổ chức GHPGVN

Báo cáo về quá trình vận động thống nhất PGVN (do Ban Thư ký trình bày tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo ngày 4/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội) có đoạn: "Từ nay chúng ta không còn phân biệt phật tử miền Bắc, phật tử miền Trung, phật tử miền Nam. Chúng ta chỉ gọi nhau bằng một danh từ quý báu nhất, thiêng liêng nhất. Chúng ta là Phật tử Việt Nam. Thật sự chúng ta không thể không nhớ đến thời điểm đức Phật còn tại thế, khi ấy chỉ có một đạo Phật, không có sự phân biệt các học phái, không có chia rẽ Nam tông, Bắc tông, mọi tăng, ni, phật tử sống hòa mình trong bổn hội chủng để phụng sự đạo pháp, cứu khổ, độ sinh. Ngày nay, đạo Phật Việt Nam được thống nhất, các hệ phái hòa mình trong tổ chức GHPGVN. GHPGVN này là tổ chức duy nhất đại diện cho PGVN trong nước và ngoài nước”(7). Đó chính là nội dung của đoạn văn thứ Năm trong Lời nói đầu: “GHPGVN là tổ chức Phật giáo duy nhất đại điện cho PGVN về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước”(8).

1.6. Vị thế hoạt động của GHPGVN

Là thành phần của dân tộc Việt Nam, hàng giáo phẩm cũng như tín đồ, trong lịch sử cũng như hiện tại luôn nhận thức được rất rõ ràng vừa là người con Phật và là con dân của dân tộc Việt Nam. PGVN chưa bao giờ vượt khỏi lằn ranh của luật pháp. Vì vậy mà đoạn văn thứ sáu trong Lời nói đầu nhận thức rất rõ: “GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”(9).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 11.2022 Noi Dung Duong Huong Ban Hien Chuong Ghpgvn Lan Thu 1 2

II. Đường hướng của GHPGVN

Diễn văn khai mạc Đại hội Đại biểu thống nhất PGVN (do HT.Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động thống nhất PGVN đọc tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4 tháng 11 năm 1981) có đoạn: “Mục đích của chúng ta… là mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại đất nước Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hòa giữa Đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của tăng, ni và đồng bào phật tử theo lời Phật dạy”(10).

Mục đích trên được tóm gọn trong Đường hướng hành đạo của GHPGVN: “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH”. Mục đích này được thể hiện trong phần nội dung: Tóm tắt kết quả Đại hội, Mục E – Hiến chương GHPGVN, với đoạn văn sau đây: “Lập trường và mục đích của GHPGVN là: lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của Giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, tức: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH”(11).

III. Nhận định và kết luận

Kể từ bản Hiến chương đầu tiên, đến thời điểm 2017 (Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII) Hiến chương đã tu chỉnh lần thứ VI. Trong các lần tu chỉnh Lời nói đầu vẫn gồm 6 đoạn văn. Tuy mỗi lần tu chỉnh có thêm bớt một số từ ngữ để làm sáng rõ hơn một ý nào đó, nhưng về cơ bản 6 nội dung vẫn giữ nguyên. Điều này cho thấy công việc chuẩn bị để ban hành Hiến chương trong đó có Lời nói đầu đã được các chư tôn túc chuẩn bị rất chu đáo.

Được biết tại Đại hội IX, vấn đề tu chỉnh Hiến chương được đặt ra. Người viết bài này có một kiến nghị nhỏ ở phần nội dung thứ ba của Lời nói đầu, khi đề cập đến việc tôn trọng truyền thống hệ phái cũng như pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp, nếu có thể xin thêm hai từ Sơn môn. Như vậy câu văn sẽ là: Tuy nhiên các truyền thống hệ phái, sơn môn cũng như pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng duy trì.

Vai trò của sơn môn hết sức quan trọng, các sơn môn kế thừa “Tổ ấn, tông phong” là để nâng đỡ nhau trong tu tập, đồng thời làm phong phú thêm đời sống PGVN.

Về đường hướng hành đạo: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH, từng chỉ được thể hiện trong mục Tóm tắt kết quả Đại hội (Lần thứ nhất), nhưng đường hướng ấy đã được thực hiện ngay từ khi GHPGVN thành lập để rồi đến Hiến chương (được tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV), GHPGVN họp tại Hà Nội ngày 22 – 23 tháng 11 năm 1997, trong Lời nói đầu, đoạn văn thứ tư mới được chính thức hóa: lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường của GHPGVN. Phương châm hoạt động của GHPGVN “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH”(12).

Nội dung, đường hướng: “Đạo pháp – Dân tộc – CNXH” đã được GHPGVN duy trì và thực hiện trong tất cả các kỳ Đại hội là một sự khẳng định “Đạo Phật là một tôn giáo của Dân tộc”.

PGs.Ts Nguyễn Hồng Dương Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***

CHÚ THÍCH: (1) Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cuốn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Trị sự: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Nxb Tôn giáo, 2012, tr 52, 53. (2) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 27 - 28. (3) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 25. (4) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 52. (5) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 52. (6) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 52-53. (7) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 34. (8) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 52. (9) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 53. (10) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 25. (11) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 17. (12) Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Sđd, tr 373. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn phòng Hội đồng Trị sự: Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012), Nxb Tôn giáo, 2012. 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII, Nxb Hải phòng, 2012. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VIII, Hà Nội, 2012. 4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Trị sự: Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tu chỉnh lần thứ VI, Nxb Tôn giáo, 2018.