Trang chủ Tự viện-Chùa Nóc nhà Đông Nam Bộ – núi Bà Đen và những điều thú vị

Nóc nhà Đông Nam Bộ – núi Bà Đen và những điều thú vị

Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Đông Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà.

Đăng bởi: Nguyễn Thúy Anh
ISSN: 2734-9195

Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Đông Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà.

Tác giả: Nguyễn Thuý Anh

Vị trí địa lý núi Bà Đen

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 3 1

Ảnh: St

Núi Bà Đen nằm trong một quần thể di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình và nhiều huyền thoại tại Tây Ninh. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam bộ 986 m, biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Núi Bà Đen nằm cách trung tâm thành phố Tây Ninh 12 km, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 52 km, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 95 km.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 3

Ảnh: Thuý Anh

Quần thể di tích núi Bà Đen trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo – Núi Phụng – Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng, ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà.

Lược sử núi Bà Đen

Theo sách “Gia Định Thành Thông Chí”, tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh.

Theo thần thoại Khmer lâu đời đã có nhắc đến một nữ thần, Neang Khmau, người đã để lại dấu chân của mình trên đá núi. Còn tại Việt Nam cũng đã có nhiều truyền thuyết khác nhau tại ngọn núi này như:

Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc lại thành Đen.

Truyền thuyết thứ hai cho rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, văn hay võ giỏi. Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt.

Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Trong một lần lên núi cúng thì Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Để giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết.

Trong mộng, nàng Hương xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa? Vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

tapchinghiencuuphathoc.nui ba den 5

Ảnh: Thuý Anh

Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển “Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh” rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có hai người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, tên thường gọi là Đênh. Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa thờ Phật. Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo.

Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.

Ngày nay, sau nhiều lần trùng tu, xây mới, trên nền xưa của Linh Sơn Tự hiện diện một ngôi chùa khang trang có tên gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự vừa thờ Phật vừa thờ Bà Đen. Sự giao thoa tín ngưỡng mặc nhiên đó đã được người dân chấp nhận. Căn cứ vào các nguồn sử liệu của Quốc Sử quán triều Nguyễn thì Vua Gia Long phong sắc cho Bà Đen. Điều đó có nghĩa là truyền thuyết về Bà Đen có trước khi Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 9

Ảnh: Thuý Anh

Cũng có nghĩa là điện thờ Bà Đen có tên gọi chính thức là Linh Sơn Điện. Như vậy, Linh Sơn Điện là vị trí của ngôi chùa Thượng. Còn một hang đá do các vị sư chi phái Liễu Quán (thuộc phái Lâm Tế Chánh Tông) làm nơi ẩn cư niệm Phật, được gọi là Linh Sơn Thạch Động Tự hoặc chùa Hang.

Điện thờ Bà mang tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn ngôi chùa là tín ngưỡng Phật giáo ẩn cư của chi phái Liễu Quán (Lâm Tế).
Trở lại lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng thuộc Thiền phái Liễu Quán cũng theo làn sóng di cư xuôi Nam đi tìm chốn non hoang, động vắng tu pháp.

Năm 1763, Thiền sư Ðạo Trung Thiện Hiếu là đệ tử của Thiền sư Ðại Cơ và thuộc đời thứ tư của chi phái Liễu Quán tìm đến hang đá hoang vu trên núi Bà làm nơi định thiền. Đó chính là chùa Hang. Lúc đó Thiền sư Đạo Trung đã nhặt được một số tượng đồng cổ. Trong đó có một tượng thánh nữ bằng đồng màu đen. Vị sư đã cất miếu hương khói cho bức tượng này.

Năm 1784, Nguyễn Ánh vào núi lánh nạn Tây Sơn. Năm 1790, Nguyễn Ánh sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu. Năm 1820, Vua Minh Mạng cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành lần thứ 2. Và một lần nữa, Vua Minh Mạng ban sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu cho Bà Đen. Vua Minh Mạng còn ban chỉ cho Lê Văn Duyệt xây cất ngôi Linh Sơn Điện khang trang hơn.

Sau khi xây cất linh điện xong, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã giao cho Thiền sư Hải Hiệp gìn giữ. Tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật hợp nhất trong một ngôi điện thờ. Sau năm 1940, quân Pháp và quân Nhật lần lượt chiếm đóng núi Bà Đen và phá hủy hoàn toàn Linh Sơn Điện. Tượng Bà bằng đồng, màu đen bị chúng cướp và thất lạc.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 7

Ảnh: Thuý Anh

Ngay sau khi phát hiện bức tượng đồng Bà Đen được cất giấu ở chùa Phước Lâm, nhà sư Nguyên Chất – Trụ trì chùa Phước Lâm – cùng nhà giáo Nguyễn Văn Hảo và bạn bè lên núi xây cất lại nơi thờ Bà. Lần xây cất này, công trình được đặt tên là Linh Sơn Tự.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 8

Ảnh: Thuý Anh

Vào khoảng 1970, quân đội Mỹ xây dựng 1 trạm ra đa tình báo đặt trên đỉnh núi để kiểm soát địa bàn Tây Ninh và dòm vào căn cứ Trung ương Cục. Trước khi đưa quân lên núi, giặc Mỹ đã ném hàng tấn bom đạn và hơi cay các loại vào những nơi chúng nghi ngờ có quân ta trú đóng. Do giao tranh ác liệt, ngôi chùa bị cháy bởi bom napal Mỹ. Bức tượng Bà lại thất lạc lần nữa.

Năm 1975, ni sư Diệu Nghĩa, đệ tử đời sau của sư Nguyên Chất đã xây lại chùa. Lần này, ngôi chùa có tên là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Năm 1992, ni sư Diệu Nghĩa đã cùng tín đồ tái thiết ngôi chùa suốt 3 năm. Ngày nay, ngôi chùa khang trang rộng rãi, sẵn sàng cung nghinh khách hành hương viếng Bà, lễ Phật.

Mãi cho đến sau này, tỉnh Tây Ninh cho tôn tạc tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen để tưởng nhớ hình tượng Bà.

Núi Bà Đen thu hút khách du lịch tâm linh

Núi Bà Đen với thảm thực vật, động vật và đá hòa quyện nhau. Tín ngưỡng thờ Bà Linh Sơn không chỉ duy trì trong cộng đồng địa phương mà còn lan tỏa trong cả vùng Nam bộ được các nhà nghiên cứu cho là sự dung hòa từ tục thờ nữ thần của người Việt, Chăm, Khmer cùng với hệ thống tượng Phật, thần Thành Hoàng đa dạng.

Cùng với những huyền tích gắn với nhiều địa danh Suối Vàng, Đá Nứt, động Kim Quang, Huyền Môn, hang Gió, động ông Tà, động Ông Hổ…, các câu chuyện tâm linh được truyền tụng mang màu sắc bí ẩn, thiêng liêng góp phần cho ngọn núi thiêng được định danh “Linh Sơn”, gắn với cả định danh của đối tượng thờ “Linh Sơn thánh mẫu”.

Đặc biệt, ngày 28/01/2024, tại núi Bà Đen đã diễn ra lễ khánh thành, an vị tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, một sự kiện văn hoá tâm linh được tổ chức quy mô nhất từ trước tới nay tại núi Bà Đen. Hơn 500 Hoà thượng, Tăng Ni sư đến từ GHPGVN cùng hàng ngàn Phật tử, du khách thập phương tham dự sự kiện với nhiều nghi lễ thiêng liêng. Hơn 20.000 ngọn đăng do chính tay các Phật tử và du khách viết lời nguyện ước sẽ được thắp sáng trên đỉnh núi để đón mừng lễ an vị tôn tượng Di Lặc Bồ Tát bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới. Đây là đêm hoa đăng lớn nhất và kỳ ảo nhất từng được tổ chức trên đỉnh núi thiêng Bà Đen.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 1

Ảnh: ST

Tọa lạc tại độ cao hơn 900m trên đỉnh núi Bà Đen, đại tượng Phật Di Lặc khổng lồ có chiều cao 36m, chiều rộng lớn nhất 45m, diện tích bề mặt tượng 4.651m2, nặng 5.112 tấn. Tôn tượng được tạo hình theo một phương thức đặc biệt chưa từng có tại Việt Nam: Ghép từ 6.688 viên đá sa thạch tự nhiên theo cảm hứng ruộng bậc thang. So với những bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên thế giới được kiến tạo từ đá, cả về chiều cao và trọng lượng, đại tượng Phật Di Lặc tại Núi Bà Đen là bức Tượng Phật Di Lặc bằng đá sa thạch lớn bậc nhất thế giới.

tapchinghiencuuphathoc.nui ba den6

Ảnh: Thuý Anh

Được tạo tác ở tư thế ngồi trên thác nước chảy tràn với với khuôn mặt hiền từ, nụ cười hoan hỉ, hình tướng mập mạp, cổ đeo tràng hạt, mắt hướng về phía Đông nơi mặt trời mọc như hướng về tương lai, đại tượng Phật Di Lặc trở thành một biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc trên đỉnh núi Bà Đen linh thiêng.

Trong văn hoá Phật giáo, Di Lặc được xem là vị Phật của tương lai. Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ, áp lực của con người thành niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì vậy, Phật Di Lặc còn được gọi là Phật Cười. Người ta tin rằng nụ cười nội tâm của Phật Di Lặc mạnh tới mức luôn toả sáng trên khuôn mặt hiền từ và hoan hỉ.

Phật Di Lặc tới đâu, ở đó có hạnh phúc, có niềm vui, sự an lạc và may mắn. Bởi vậy, lễ khai quang đại tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen trở thành một sự kiện văn hoá tâm linh vô cùng ý nghĩa với ngọn núi thiêng hàng đầu Nam bộ. Với các Phật tử, hành trình hành hương đến với núi Bà Đen để chiêm bái Di Lặc Bồ Tát sẽ là hành trình tìm đến miền đất của sự hoan hỉ, cởi bỏ mọi muộn phiền, âu lo để kiếm tìm niềm hạnh phúc viên mãn.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 2

Ảnh: St

Cầu Ước – cây cầu tâm linh mang tính biểu tượng

Đến chiêm bái Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên núi Bà Đen, du khách còn được đặt chân lên Cầu Ước – cây cầu tâm linh mang tính biểu tượng lần đầu tiên có tại Việt Nam. Cây cầu đặc biệt này có hình bán nguyệt, dài 90m, rộng 15m, được lát gạch phủ men kim loại ánh vàng tạo hình vân mây, tượng trưng cho phước lạc và an bình. Hình dáng Cầu Ước cũng gợi nhắc đến nụ cười hỉ hả, vô ưu của Di Lặc Bồ Tát.

Con đường dẫn du khách xuống Cầu Ước cũng là một trải nghiệm vô cùng độc đáo và thú vị khi được thiết kế tựa như một hang động tự nhiên, với những đường cong uốn lượn mê hoặc và huyền bí.

Bao quanh Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, cây cầu đóng vai trò là cầu nối, dẫn bước vạn vật và nhân sinh đến với thế giới tâm linh màu nhiệm, đến gần hơn với Di Lặc Bồ Tát, cảm nhận nguồn năng lượng hoan hỉ, đức từ bi vô biên của Ngài và thành tâm hướng Phật, nguyện cầu bình an, may mắn. Cây cầu cũng tựa một dải lụa mềm mại, vươn ra giữa mây trời bồng bềnh để khách thập phương buông bỏ muộn phiền, dành trọn tâm trí thư thái thưởng lãm trọn vẹn cảnh sắc ngọn núi Bà Đen xanh mướt thơ mộng, hồ Dầu Tiếng mênh mông phía xa và ngắm toàn cảnh thành phố Tây Ninh trù phú, yên bình từ ngọn núi cao nhất Nam Bộ.

Đứng dưới thác nước, đi trên Cầu Ước, chiêm bái tượng Di Lặc Bồ Tát – vị Phật tượng trưng cho hỷ, xả đang nở nụ cười hoan hỉ, đây là hành trình kiếm tìm hỷ lạc và chạm tới hạnh phúc đích thực của du khách.

Những thách thức khó có thể tưởng tượng

Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát cao bậc nhất thế giới được kiến tạo trên một địa hình vô cùng phức tạp, thật khó tin lại có thể hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục 9 tháng, với 120 nhân công thay phiên nhau làm việc từ sáng đến 21 giờ đêm.

Anh Trần Đức Hòa, Trưởng Ban quản lý dự án Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi từng kiến tạo nhiều công trình kỷ lục như cáp treo Fansipan tại Sa Pa hay tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất châu Á trên đỉnh núi Bà Đen, nhưng Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc thực sự là một thách thức khó có thể tưởng tượng nổi”.

Với anh Hòa, hoàn thiện một công trình khổng lồ đòi hỏi độ chính xác đến từng centimet, tại một điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt trong khoảng thời gian 9 tháng, ban đầu gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. “Nhưng cho đến tháng cuối cùng của năm Quý Mão, chúng tôi đã thực sự biến giấc mơ thành hiện thực. Bao nhiêu mồ hôi và cả nước mắt, với chúng tôi đã trở thành niềm hạnh phúc vỡ òa khi được chứng kiến hàng ngàn du khách đến chiêm bái Tôn tượng Di Lặc vào những ngày đầu xuân năm mới”.

Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM: “Có thể nói, đây là tác phẩm kiệt tác không chỉ của Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng chưa có tác phẩm tinh tế đến như vậy. Đây cũng là dịp để mọi người đến chiêm bái tôn tượng và học hạnh hỷ xả của Bồ Tát Di Lặc”.

Ở độ cao hơn 900m, nằm trên đỉnh phân thủy có địa hình dốc lớn của núi Bà Đen, tôn tượng Bồ Tát Di Lặc lớn hàng đầu thế giới đã thực sự trở thành một kiệt tác kiến trúc Phật giáo, một trong những kỳ quan ai cũng nên chiêm ngưỡng một lần trong đời. Có thể nói, việc tôn tượng Di Lặc Bồ Tát đã góp phần hoàn thiện quần thể văn hoá tâm linh trên đỉnh núi Bà Đen.

tapchinghiencuuphathoc.vn nui ba den 2

Ảnh: Thuý Anh

Tác giả: Nguyễn Thuý Anh (t/h)

Nguồn tham khảo:

Wikipedia

Báo điện tử CAND 

Báo điện tử Nhân Dân

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

1 bình luận

Quang Đạt 05/04/2024 - 17:35

Phong cảnh quá đẹp và linh thiêng.

Trả lời

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường