Tác giả: Tâm Giang Học viên Khóa VI - Học viện PGVN tại Tp.HCM
I. Dẫn nhập
Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác (1937-2021) - Tông trưởng Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng là một Bậc Ni lưu đức hạnh có rất nhiều cống hiến to lớn cho đạo pháp trên nhiều phương diện: đào tạo nhân lực ủng hộ chính pháp; xây dựng tự viện; hoằng pháp,... .Đối với công tác xã hội, nổi bật nhất là công tác từ thiện và bảo vệ môi trường, là “Tấm gương đi đầu trong việc trồng và bảo vệ rừng, người đã góp phần quan trọng xây dựng mạng mạch sống cho dân tộc Việt Nam thời hiện đại.” Những cống hiến to lớn của Ni trưởng đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền ghi nhận bằng những huân, huy chương cao quý của Giáo hội và Nhà nước.
II. Nội dung
Chương 1: Nhân duyên xuất gia và con đường hành đạo
Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, thế danh Nguyễn Thị Cưng, Pháp húy Lệ Cưng, Pháp hiệu Hồng Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 42, trưởng tử của Hòa Thượng Tôn sư Thích Thiện Phước, hiệu Nhựt Ý, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ thứ 41, Tổ khai sáng môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Ni Trưởng sinh ngày mùng 2 tháng 6 năm Đinh Sửu (1937) tại Ấp Chợ, làng Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nay là khu phố Tân Ba, phường Thái Hoà, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương trong một gia đình trung lưu gia giáo, kính tin Tam Bảo, chuyên hành thiện cứu người. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Ngưu, một nhà Nho thâm tín Phật pháp. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Bồng, một Phật tử thuần thành, quy y Tam Bảo, pháp danh Lệ Bồng. Ni Trưởng là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Người anh thứ năm là liệt sĩ Nguyễn Văn Ta, đã hy sinh trong phong trào kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1946.
Thuở thiếu thời, Ni Trưởng thường nghe kệ pháp của thiền sư Cao Minh nên sớm bộc lộ tư chất thông minh, cụ Mã Sấm - nguyên hiệu trưởng trường Tân Ba đã nhận xét: “Đây là người học trò phi thường, có những thiên phú đặc biệt, hay bất kỳ xuất ý thuyết giảng đạo lý”.
Năm 1955, Ni Trưởng quy y ngũ giới với Hoà Thượng Trí Châu, pháp danh Lệ Cưng. Thời nữ sinh áo tím trường Gia Long, Ni Trưởng vẫn hay xuất tâm kệ giúp người hướng thiện tu hành, rất được quý thầy cô giáo ngưỡng mộ và trân trọng. Sau này bà Trần Thị Tỵ - Hiệu trưởng trường Gia Long đã tìm về Quan Âm Tu Viện quy y Tam Bảo với Ni Trưởng.
Năm 1956, đang là nữ sinh trường Gia Long, nhưng khi cơ duyên Phật Pháp đã đến, Ni Trưởng yết kiến Hòa Thượng tôn sư Thiện Phước tại chùa Long Sơn, xin học đạo với Ngài và được ban pháp hiệu Huệ Giác.
Năm 1958, sau thời gian thầm lặng hành đạo trên đất Trấn Biên, Hòa Thượng Tôn sư về núi Dinh Bà Rịa. Tuy là một nữ sinh nhưng Ni trưởng cũng quyết chí theo thầy xuất gia tầm đạo, cùng đi theo Ni Trưởng còn có nhiều thân hữu trí thức.
Ni trưởng thế phát xuất gia ngày mùng 9 tháng giêng năm Mậu Tuất (1958). Vốn mang chủng tử của một sứ giả Như Lai, tuy tuổi trẻ nhưng người đã thể hiện phẩm chất của bậc Ni lưu chí cả trượng phu, đem đạo vào đời để trang nghiêm thánh cảnh Tịnh độ nhân gian tại núi Dinh, nên được đồng đạo coi là nguyên khí của tông phong.
Năm 1965, sau khi thọ giới Sa Di Ni tại giới đàn Liên Tông tự, do HT.Thích Hồng Ảnh làm Hòa Thượng đàn đầu, Người được Trung ương Giáo hội Phật giáo Tịnh Độ Tông cấp giấy phép hành đạo giảng kinh các miền Trung Nam nước Việt.
Ni Trưởng cũng được Tôn sư giao trách nhiệm thuyết giảng kinh pháp cho hơn 600 Tăng Ni chuyên tu tại tổ đình Linh Sơn núi Dinh. Với phạm hạnh thanh bạch, trí đức sáng ngời, Người luôn dùng những phương tiện thiện xảo giáo hoá quần sinh, Phật tử về tu tập ngày một đông, thế nên được Tôn sư ấn khả là người đệ tử tâm đắc.
Năm 1960, Ni Trưởng thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ trên núi Dinh, nuôi dưỡng hơn 200 cô nhi và người già yếu neo đơn, nhiều thi kệ khuyến tu được ra đời từ đây:
Làm người Phật tử Tây phương, Trên non dưới thế tuyết sương bền lòng. Dù cho cực khổ mặn nồng, Chí tâm niệm Phật thoát vòng tử sinh. Khuyên ai thiện trí khách lành, Hiền nhân quân tử tu hành đừng quên.
Năm 1962, Ni Trưởng và hội đồng trưởng lão môn phong thành lập Phật học đường Tây Phương và trường trung tiểu học Lâm Tỳ Ni để đào tạo, giáo dưỡng 250 Tăng Ni sinh trong môn phái.
Năm 1965, Tổ đình và học đường bị chiến tranh tàn phá, toàn thể Tăng Ni sinh môn phái tản cư xuống núi và tạm trú tại nhiều chùa như Phổ Hiền Phật tự, Phổ Thiện Hoà (Bà Điểm), Tịnh xá Thắng Liên Hoa (Cù Lao), Nhứt Nguyên Bửu tự (Lái Thiêu). Tại các ngôi chùa này, Ni Trưởng và quý Trưởng lão môn phong vẫn tiếp tục chương trình giảng dạy giáo lý để sự tu học của Tăng Ni không bị gián đoạn.
Năm 1966, Ni Trưởng thọ giới Thức Xoa Ma Na tại giới đàn Liên Tông tự, do Hòa Thượng Thích Huệ Chiếu làm Hòa Thượng đàn đầu.
Cũng năm 1966, Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa, Đồng Nai) được hình thành, Ni Trưởng đã dời trường trung tiểu học Lâm Tỳ Ni từ tổ đình Linh Sơn về đây và giảng dạy Phật pháp cho hội chúng gần 400 vị, thành lập thư viện, tổ chức giảng pháp hàng tuần cho Tăng Ni và tín đồ Phật tử.
Năm 1967, Ni Trưởng thọ cụ túc và Bồ Tát giới tại Tổ đình Long Thiền (Biên Hoà - Đồng Nai) do Hòa Thượng Tăng Thống Phật Giáo Cổ truyền Thích Huệ Thành làm Hòa Thượng Đàn đầu. Cũng từ năm đó, Ni Trưởng chuyên giảng luật cho chư Ni tông phong tại các trụ xứ: Quan Âm Tu Viện, Tịnh Xá Thắng Liên Hoa và Linh Sơn Cổ tự.
Năm 1968, Ni Trưởng cùng chư Tôn Đức Trưởng lão môn phong tổ chức đại hội lần I, kỷ niệm 10 năm thành lập Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (1957 – 1967).
Năm 1975, đất nước thống nhất, ngoài công tác từ thiện tại cô nhi Phước Lộc Thọ, Ni Trưởng chuyên tâm tâm nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường Phật học Lâm Tỳ Ni.
Năm 1978, cô nhi viện Phước Lộc Thọ giải tán theo chính sách chung, Ni Trưởng dành nhiều thời gian cho việc nhập thất, giảng dạy pháp môn Tịnh Độ và kinh điển Đại Thừa cho Tăng Ni môn phái và Phật tử khắp nơi.
Năm 1982, Hòa Thượng Phó pháp chủ Thích Huệ Thành mời Ni Trưởng chính thức tham gia công tác Giáo hội. Suốt 35 năm, Ni Trưởng đã thừa hành Phật sự với tư cách Uỷ viên Ban Trị Sự, trưởng ban Từ thiện và Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai các nhiệm kỳ III, IV, V, VI và VII.
Năm 2007, Ni Trưởng được tấn phong hàng giáo phẩm tại Đại hội Phật Giáo toàn quốc lần thứ VI tại Hà Nội.
Năm 2007-2012 (nhiệm kỳ VI), Ni Trưởng được cử làm Ủy viên Hội đồng Trị sự TW GHPGVN, Ủy viên Ban Từ thiện xã hội TW GHPGVN.
Năm 2009, Ni Trưởng được đề cử là phó Phân Ban Ni giới TW chuyên trách Từ Thiện XH khi Phân Ban Ni giới TW được tái lập.
Năm 2013, Ni Trưởng làm cố vấn Phân Ban Ni giới TW nhiệm kỳ VII (2012-2017).
Chương 2: Gương đạo đức sáng đời đẹp đạo qua cuộc đời đạo nghiệp và công hạnh của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác
1. Là người đệ tử hiếu đạo, kế thừa Tổ nghiệp, tiếp nối và phát triển Liên Tông Tịnh độ Non Bồng
1.1. Thầy Tổ phó chúc kế vị Tổ nghiệp
Nhận thấy Ni trưởng là bậc đạo hạnh nghiêm minh, tâm đức và tuệ đức luôn ngời sáng, cả cuộc đời hi sinh cho đạo pháp dân tộc, đặc biệt là làm rạng rỡ Tông phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng nên Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước phó chúc cho Ni trưởng là Trưởng tử từ khi Ngài còn sinh tiền, dưới sự Chứng minh tối cao của Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức (1880-1974) - Chứng minh đạo sư Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng và Hội đồng Tăng Lữ trong hệ phái. Ni trưởng Huệ Giác là người tiếp nối và phát triển Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Nơi Tổ đình Linh Sơn – chốn Tổ thiêng liêng cổ kính, Ni trưởng luôn thể hiện phẩm chất người con gái dòng họ Thích, sống đời mô phạm, luôn khép mình trong pháp phục Thiền gia, trọn niềm trung hiếu, chuyên tâm hành Bồ tát hạnh, miệt mài kham nhẫn vun trồng hạt giống bồ đề cho cả giới xuất gia và tại gia. Tổ đình Linh Sơn – Núi Dinh thời đó có hơn 600 vị Tăng Ni chuyên tâm tu tập pháp môn Tịnh Độ, và hàng trăm cư sĩ tại gia vân tập công quả, kệ kinh sớm chiều. Ni trưởng được Đức Tôn sư - Hòa thượng Thiện Phước giao trách nhiệm thuyết Kinh giảng pháp cho toàn thể hội chúng. Do đức hạnh oai nghiêm, trí huệ sáng ngời, đặc biệt là bằng các phương tiện thù thắng giáo hóa chúng sinh nên tiếng lành đồn xa, phật tử về tu tập ngày một đông.
Sau khi Đức Tôn Sư viên tịch vào năm 1986, Ni trưởng được suy tôn là Tông trưởng của môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong niềm tôn kính và hiếu trọng ân sư của toàn thể Tăng Ni sơn môn pháp phái. Hiện nay, tu sĩ trong hệ phái theo thống kê gần nhất là 1.300 vị với hơn 185 tự viện đều một lòng chuyên tu Tịnh độ, góp phần xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển.
1.2. Giáo dạy ni chúng – Lãnh đạo môn phong, tham dự các Giới đàn
Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa thượng thượng Thiện hạ Phước sáng lập, tu tập pháp môn Tịnh Độ, xiển dương chính pháp Phật đà, trong dòng chảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Đặc thù của môn phong là hóa độ cả Tăng - Ni, nhưng trụ xứ riêng biệt. Ni Trưởng đề cao tinh thần thượng tôn giới luật, Tăng Ni tu tập ranh giới rõ ràng và mọi người phải nghiêm túc chấp hành nội quy Ban Tăng Sự cùng các điều lệ của môn phong. Với các đệ tử Ni, Người luôn khuyến tấn nghiêm trì giới luật, tinh tấn công phu tịnh niệm miên mật phát tâm công quả, nuôi dạy cô nhi, chăm sóc người già, trồng rừng, làm rẫy góp phần tự túc kinh tế, như trong thi kệ đã nói:
Hãy lắng đọng tâm hồn người tu nữ, Giới hạnh trang nghiêm mát mẻ cõi lòng Trải trần kiếp thân nương bể tục, Khổ nhọc nhằn lao lý chẳng hề than Không bợn nhơ bụi hồng len lỏi, Hương ngạt ngào, hương đức hạnh toàn chân.
Từ khi Giáo hội Phật giáo Đồng Nai được thành lập, Ni trưởng thường được cung thỉnh vào ban chức sự các giới đàn với tư cách là Phó đàn chủ, Giáo thọ, A xà lê, Tôn chứng sư, thành viên ban giám khảo… Ngoài ra, Ni trưởng là đàn đầu hòa thượng truyền giới cho các giới tử Ni trong những giới đàn như: Ni trưởng là Hòa thượng đàn đầu truyền giới Sa di ni - Đại giới đàn Nguyên Thiều – Tổ đình Long Thiền, Tp. Biên Hòa (2009), là Hòa thượng đàn đầu truyền giới Thức Xoa ma na – Đại giới đàn Nguyên Thiều – Siêu Bạch tại tổ đình Long Thiền, TP.Biên Hòa (2011), là Hòa thượng đàn đầu truyền giới Thức Xoa ma na – Đại giới đàn Minh Vật Nhất Tri tại chùa Tỉnh Hội, TP.Biên Hòa (2013), là Hòa thượng đàn đầu truyền giới Thức Xoa ma na – Đại giới đàn Thiện Khải tại chùa Tỉnh hội, TP. Biên Hòa (2015).
Trong các mùa an cư kiết hạ, Ni trưởng là Phó thiền chủ, giảng sư, kiêm Bố tát sư trường hạ Ni của tỉnh Đồng Nai tổ chức tại chùa Đại Giác; đặc biệt, Quan Âm Tu viện là một trụ xứ có gần 150 vị Ni với hơn 100 tỳ kheo Ni nên giáo hội Đồng Nai cho phép tổ chức an cư kiết hạ tại trụ xứ từ nhiều năm qua. Với cương vị Thiền chủ hạ trường Ni của Quan Âm Tu Viện, Ni trưởng luôn sách tấn Ni giới cấm túc an cư, tu hành nghiêm mật. Hàng tuần Ni trưởng giảng dạy hạ trường một buổi chuyên về giới luật, một buổi dạy Kinh điển Đại thừa và các chuyên đề Tịnh Độ.
Ni trưởng là người có công thành lập và đứng đầu Ni giới Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Gương hạnh về giới luật, phạm hạnh tu hành như Ni sư Diệu Hòa, Ni sư Diệu Thọ, Ni sư Diệu Tín, Ni sư Diệu Tường, Ni sư Ngọc Bửu,... Chư vị Ni sư Giáo thọ Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM, các trường Trung - Sơ cấp Phật học như: Ni sư Kim Sơn, Ni sư Hương Nhũ, Sư cô Diệu Thắng, Sư cô An Diệu, Sư cô Hạnh Hiếu,...
Đến đây, chúng ta thấy rõ Ni trưởng là một bậc Chân sư hiếm có trên đời với công hạnh lớn lao, người dẫn lối đưa đường chỉ bảo hàng môn đệ tử tích cực xiển dương tất cả thiện pháp.
Hội đồng Tông phong công cử Ni trưởng làm viện chủ kiêm trụ trì Quan Âm Tu Viện từ năm 1978 – 2019. Suốt 40 năm ở vai trò lãnh đạo một tông phong, trụ trì một tu viện mà trong đó có trên vị 200 Tăng Ni, điều hành cả một hệ phái trên ngàn tu sĩ và hàng chục vạn Phật tử, Ni trưởng đã hoàn thành các Phật sự làm rạng danh người con gái dòng họ Thích.
Do tuổi cao sức yếu, nên vào tháng giêng năm 2019, Ni trưởng và Hội đồng tông phong đã thành lập Ban quản trị gồm 11 vị giáo phẩm Tăng Ni, trong đó, Hòa Thượng Giác Quang đảm nhận chức vụ Trụ trì tiếp tục điều hành Phật sự tại đây.
1.3. Gìn giữ, phát triển Tông chỉ pháp môn Niệm Phật.
Nói về con đường tu học, đi đúng chính pháp, Ni trưởng Huệ Giác luôn nhắc nhở chư Tăng, Ni và Phật tử phải lấy việc hành trì thoát ly sinh tử làm chính yếu. Phương cách giáo dục và đường hướng tu học của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng hết sức cần thiết cho Chư Tăng, Ni môn phái và Phật tử thời đại ngày nay.
Tông chỉ niệm Phật Tịnh Độ Non Bồng được Đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức hoằng truyền tại miền Tây Nam Bộ Việt Nam, tiếp đến Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, tiếp đến Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác là bậc Tam sư khai sơn Môn phong. Niệm Phật Tịnh độ là pháp môn xưng niệm hồng danh Phật A Di Đà, cầu sinh về thế giới Cực Lạc, nơi Đức Phật A Di Đà làm Giáo chủ và đang thuyết Pháp.
Năm 1965, tại Nhứt Nguyên Bửu Tự, Ni trưởng xin phép Đức Tôn Sư mở khóa tu “Bá Nhựt Trì Danh Niệm Phật”. Khóa tu này y cứ Bát Chu Tam Muội kinh và truyền thống tu tập của Chư Tăng Lưỡng Xuyên Phật học hội ở Trà Vinh. Nội dung của Khóa Niệm Phật là chuyên trì danh niệm Phật. Thời gian từ mùng 8/8 âm lịch đến 17/11 âm lịch hàng năm, đúng 100 ngày là mãn khóa và đúng vào Lễ Vía Phật A Di Đà. Khóa niệm Phật này vẫn được duy trì đến ngày nay.
Kế thừa sự nghiệp Tôn sư hoằng truyền, ngoài pháp môn “Bá Nhựt trì danh niệm Phật” (khóa niệm Phật 100 ngày), Kinh hành niệm Phật, Phát nguyện niệm Phật (niệm Phật lúc 23 giờ mỗi ngày, niệm từ 15 đến 30 phút rồi hồi hướng), Lễ bái niệm Phật (gieo năm vóc thành tâm kính lễ, khi đứng lên niệm Phật, có thể vừa niệm vừa lạy 12 lạy đối với 12 lời nguyện Mẹ Quán Thế Âm, 48 lạy đối với 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, 108 lạy), Lễ bái Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng còn thường xuyên lễ sám Kinh Dược Sư, Lạy Vạn Phật, Lễ sám Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát, lễ bái Tôn Sư, Thầy Tổ, Lễ bái Quý Sư Lớn,... Mặt khác, mỗi tháng tại các tự viện môn phong đều mở khóa trì Chú Đại Bi trong một tuần lễ theo sự chỉ đạo của Ni trưởng.
Ngoài ra, Ni trưởng Huệ Giác còn thuyết giảng hàng ngàn Pháp thoại khuyến tu Niệm Phật như các bài Pháp: Câu niệm Phật bất khả tư nghì, Chỉ có niệm Phật là duy nhất, Chuyên tu niệm Phật đề phòng lâm chung, Niệm Phật gia quyến đồng tu, Niệm Phật phải nhất tâm, Muốn tu niệm Phật phải tu thân sửa mình,.... trong các Khóa Tu Bát Quan Trai hay Giảng dạy dành cho Tăng Ni tại Trường hạ, khóa An Cư Kiết Hạ.
1.4. Trùng tu và xây dựng các tự viện
Ni trưởng được Đức Tôn Sư giao trách nhiệm xây dựng Tu viện Quan Âm và sau ba năm, từ năm 1966 đến năm 1969 thì hoàn thành. Năm 1969, để cho việc xây dựng Quan Âm Tu Viện (Biên Hòa, Đồng Nai) được chu đáo và hoàn chỉnh hơn, Ni trưởng tự thân xuất dương nghiên cứu về học thuật, xây dựng Thiền môn Tự viện các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,... chính cấu trúc quần thể ngôi Quan Âm Tu Viện hiện nay là do Ni trưởng nghiên cứu và mang từ Nhật Bản về để phác họa lại và bổ sung theo cấu trúc Việt Nam. Cho đến ngày nay, Tăng Ni Phật tử có nơi tu học, hành đạo thật an lạc trang nghiêm.
Với công hạnh Bồ Tát cùng với thiên năng sáng tạo, Ni trưởng đã sáng lập và chứng minh hơn 185 ngôi chùa trong hệ phái, trực tiếp chỉ đạo xây dựng những công trình sau: Tổ đình Thành An Tự – Núi Sập – An Giang; Tổ Đình Bửu Quang – Ba Chúc – Núi Dài – An Giang; Bửu Hoa Ni Viện (Long Thành – Đồng Nai); Chùa Long Phước Thọ (Long Phước – Long Thành – Đồng Nai); Chùa Tây Phương – Núi Dinh (BRVT); Huỳnh Mai Tịnh Viện (BRVT); Chùa Chiên Đàn Hương – Đức Trọng – Lâm Đồng; Hương Lâm Tịnh xá – Lộc Ninh – Bình Phước; Chùa Long Phước Điền – Long Thành – Đồng Nai; Chùa Tịnh Vân – Bảo Lộc – Lâm Đồng; Chùa Dược Sư 1 và 2 – Bảo Lộc Lâm Đồng; Chùa Thiên Quang – Dĩ An – Bình Dương; Chùa Hiệp Khánh – Tân Uyên – Bình Dương; Chùa Giác Hoa – Thủ Dầu Một – Bình Dương; Cát Tường Tịnh Viên – TP Ban Mê Thuột – Daklak.
Chỉ đạo đại trùng tu: Tổ đình Linh Sơn 1 – Núi Dinh (BRVT); Tổ đình Linh Sơn 2 – Phú Mỹ – Hội Bài (BRVT); Tam Thiện Tự – Long Thành – Đồng Nai.
Có thể thấy, công tác Phật sự của Ni trưởng Huệ Giác đặc biệt nôỉ bật. Trong đó, “Tu viện Quan Âm không chỉ là một Tổ đình quan trọng của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng, mà còn là trung tâm hành chính của hệ phái. Đặc biệt, Tu viện Quan Âm còn là cơ sở đào tạo Tăng tài không chỉ cho hệ phái mà còn cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, Tu viện Quan Âm còn là trung tâm từ thiện xã hội nổi tiếng của Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Thường xuyên có những hoạt động trợ giúp cho những gia đình gặp khó khăn kinh tế, những gia đình nạn nhân chất độc màu da cam, những nơi xảy ra thiên tai địch họa... Tu viện Quan Âm cũng là nơi khởi xướng nhiều phong trào an sinh xã hội, chương trình khuyến học, xóa đói giảm nghèo...”
Ni trưởng Huệ Giác là người kế thừa, phát triển Tông Môn, từ công tác đào tạo tăng tài, hoằng pháp lợi sinh, đến công tác xây dựng hệ thống tổ đình, tự viện phục vụ nhu cầu tu tập ngày càng cao của tín đồ Phật tử, mà còn phát huy truyền thống của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
1.5. Quan tâm và tham gia công tác giáo dục từ đó xây dựng nền tảng đạo đức cho tăng, ni và phật tử
Trong công tác đào tạo tăng tài, năm 1962, Ni trưởng vâng mệnh tôn sư xây dựng Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, có khoảng 250 Tăng Ni sinh có trình độ khả năng đã theo học. Song đến năm 1965, Phật học đường cùng với Tổ đình Linh Sơn bị chiến tranh phá hủy. Ni trưởng cùng Tôn sư và 600 Tăng Ni phải di tản tu hành ở nhiều nơi như Tịnh xá Thiện Chơn, chùa Phước Thiện An, Phổ Hiền Phật tự, Tịnh xá Thắng Liên Hoa, Nhứt Nguyên Bửu tự,... Năm 1966, Ni trưởng về Tịnh xá Thắng Liên Hoa phụ trách và mở lớp hướng dẫn cho Ni chúng học giáo lý Phật Pháp căn bản, đồng thời đưa các môn thế học và đào tạo như Hán văn, Pháp văn,... tạo tiền đề cho Ni chúng sau này nhập thế tích cực hơn.
Tham gia vào sự nghiệp giáo dục, Ni trưởng tích cực vận động các vị chức sắc, nhà tu hành, đồng bào Phật tử ủng hộ các quỹ khuyến học, khuyến tài; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng học bổng khuyến khích, động viên các em học sinh đạt thành tích tốt trong học tập,... Những việc làm tuy khiêm tốn những đã góp phần thiết thực thúc đẩy “Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.” Riêng đối với công tác đào tạo tăng tài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ni trưởng đã tham gia hiến đất xây dựng Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai và trực tiếp tham gia Ban Giám hiệu nhiều khóa liên tiếp, đồng thời tham gia Ban Bảo trợ cho nhà trường trong nhiều năm.
Từ năm 1978, Ni trưởng dành nhiều thời gian cho việc nhập thất và giảng dạy giáo lý Tịnh độ và Kinh điển Đại thừa cho Tăng Ni trong hệ phái, đặc biệt là quan tâm dạy giới luật cho chư Ni, thuyết pháp hàng tuần cho giới cư sĩ tại Quan Âm Tu Viện. Đông đảo Phật tử về quy y Tam Bảo, phát tâm trường chay niệm Phật.
2. Là người có khả năng khai phóng sự chuyển hóa và giác ngộ bằng năng lượng từ bi
Ni trưởng Huệ Giác đã đưa ra những quan điểm về đạo đức nhân sinh, tâm lý con người trong việc khai phóng sự chuyển hóa và giác ngộ bằng năng lượng từ bi, đồng thời sách tấn huynh đệ trong công tác hoằng pháp kết hợp từ thiện xã hội trong thời đại mới.
Ni trưởng cho rằng: “ ...Giữa những biến động của cuộc sống, của thời đại, trình độ đạo đức của nhân sinh ngày một sa sút. Nghiệp lực của nhân sinh chiêu cảm nên khắp nơi nổi lên chiến tranh, thiên tai, bão lụt, hạn hán bất thường. Đức Phật dạy: Tất cả sự khổ vui đều theo tâm tạo. Muốn chuyển hóa tâm địa con người, chúng ta phải tìm hiểu căn nguyên. Muốn trừ tâm niệm xấu ác phải giúp cho người bớt khổ.”
Ni trưởng cũng sách tấn: “Là những người Sứ giả của Như Lai, ngoài trách nhiệm Hoằng dương Chính pháp, tất cả chúng ta còn luôn sẵn lòng đem tình thương và nguồn an vui đến với chúng sinh. Chính vì vậy, trong các hoạt động của Ban Từ Thiện Xã hội tại tất cả Ban Trị sự tỉnh thành, quận, huyện, xã, phường,... từng người con Phật không quản gian lao, khó khăn, vất vả đi đến những vùng sâu, vùng xa đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt, xây dựng những căn nhà tình thương, những lớp học tình thương, làm cầu đắp đường, đào giếng, lập phòng thuốc Nam, tặng xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, vận động các ca mổ mắt, mổ tim cho người già, trẻ em, ấn tống Kinh cho người mù,... Tất cả chúng ta đã không ngại khó, ngại khổ,... chỉ mong sao xoa dịu được những nỗi đau thương và đem lại chút niềm an vui cho cuộc đời.”
Ni trưởng dạy huynh đệ cách tạo điều kiện để sinh khởi lòng từ bi “Con người vì áp lực của cuộc sống nên khó phát khởi được lòng tốt tự nhiên của mình. Cần phải chứng kiến tận mắt nỗi bất hạnh của tha nhân để phát khởi lòng từ bi vô lượng. Sau khi chứng kiến các cháu bị mù, bị câm, bị điếc, bị dị tật chân tay, sinh hoạt khổ sở như thế nào, ai ai cũng tự nguyện đóng góp tiền, sách bút. Cuộc sống có nhiều lo toan bận rộn nhưng khi đã được chứng kiến tận mắt những mảnh đời bất hạnh thì những tấm lòng nhân ái sẽ dễ dàng mở rộng cho những nghĩa cử cao đẹp, không mảy may toan tính thiệt hơn.” Đó là một cách giáo dục lòng bi mẫn trong tâm hồn của mỗi con người, đặc biệt là giới trẻ biết sống và quan tâm đến mọi người đang khó khăn, đau khổ.
2.1. Công tác hoằng pháp
Trong công tác hoằng pháp, Ni trưởng là người khéo khuyến thiện, tôn trọng người tu sĩ, cư sĩ có tinh thần yêu nước, luôn khuyến tấn tăng, ni, phật tử thực hành Tứ trọng ân. Luôn hướng dẫn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có nhiều hoạt động đúng tinh thần Hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.
Ni trưởng đã giảng dạy gần ngàn pháp thoại cho người xuất gia và tại gia, nhiều lời dạy còn ghi chép lại dưới dạng tác phẩm hay kệ pháp được kết tập dưới các nhan đề:
– Đồng Nai Tiểu Trạch Nhất Minh Đăng, Pháp Môn Tịnh Độ, Từ Bi Thủy Sám giảng luận, Quan Thế Âm Tín Luận giảng giải, Tịnh Độ Bảo Huấn, Kinh Thập Thiện diễn giảng, 38 pháp Hạnh Phúc giảng giải, Rừng Thơ Suối Nhạc (6 tập), Tây phương Du Ký giảng giải, Di Đà yếu giải.
– Tái bản, ấn tống nhiều lần các tác phẩm để xiển dương pháp môn Tịnh Độ như Hương Quê Cực Lạc, Lá Thư tịnh Độ, Niệm Phật Thập yếu, Pháp Sư Ấn Quang Gia Ngôn Lục, Tỳ ni Hương Nhũ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ…
Chính những sáng tác thơ văn của Ni trưởng đã khéo khuyến thiện, khuyến tấn hàng Tăng Ni, Phật tử tu hành tinh tấn, rốt ráo cần chuyên như bài Chơn Phật tử, Khuyến thiện, Vào Cửa Đạo, Đường giải thoát, Lối về của con,...
“Bòn từng chút phước trong câu nói, Góp nhặt đức lành trong việc làm Chớ nói thấp cao lời phải trái, Ta mau cải sửa sám hối rày. Đừng để mốt mai thêm chồng chất, Gây sâu nghiệp tội khổ lắm thay...” (Trích trong bài “Lối về của con”- Ni trưởng Huệ Giác)
Ni trưởng chuyên cần giảng Kinh, thuyết pháp cho hàng chục vạn nam nữ Phật tử đến lễ bái Quy Y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, thọ Bát Quan Trai giới tại Quan Âm Tu viện. Điều đặc biệt là hầu hết những lời dạy của Ni trưởng đều nhắc đến Hòa thượng Tôn Sư Thích Thiện Phước, ôn lại những câu chuyện về công hạnh vượt khó, làm tốt đời đẹp đạo của Hòa Thượng. Người nhắc đến Thầy Tổ bằng tiếng gọi “Thầy Mẹ” kính thương đầy trân trọng. Chẳng vây mà tinh thần “tôn sư trọng đạo”, tri ân, báo ân luôn được trưởng dưỡng trong những người con của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng.
Đạo tràng Bát Quan Trai tại Quan Âm tu viện được Ni trưởng trực tiếp thuyết giảng và đề xuất các Giảng sư thuyết giảng, hướng dẫn tụng niệm, mang danh hiệu “Chúng Đại Trí” qua các khóa tu: Khóa I (1989-2001); Khóa II (2001-2003); Khóa III (2003-2007), Khóa IV (2007-2014); Khóa V (2014); với danh hiệu “Chúng Đại Hạnh” qua các Khóa tu (1989-2004), (2004-2014)... Một Ban Ấn tống kinh sách, băng đĩa cũng được thành lập với 12 Phật tử chuyên lo việc phổ biến rộng rãi kinh sách.
Hiện nay tại trú xứ này cứ mỗi nửa tháng đều có lễ truyền trao giới Bát Quan Trai cho quý vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di lãnh thọ tu học. Mỗi đàn lễ có khoảng từ 100 đến 150 vị tham dự tu học một ngày một đêm, từ sáng ngày Chủ nhật đến sáng Thứ hai thì xả giới.
2.2. Hoạt động từ thiện xã hội
Với tâm nguyện cứu khổ ban vui, cuộc đời của Ni trưởng là cả một sự nghiệp cống hiến và phụng sự cho nhân thế.
Từ năm 1960, Ni trưởng đã sáng lập Trung tâm Phật giáo Từ Thiện Xã Hội Miền Đông với cơ sở là Cô Nhi Viện Phước Lộc Thọ tại núi Dinh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn vất vả từ những năm tháng còn chiến tranh. Cơ sở từ thiện này hoạt động suốt 18 năm liền từ trên núi rồi tiếp nối xuống Quan Âm Tu Viện (1960 – 1978). Suốt thời gian ấy, với cương vị là Giám đốc, Ni trưởng đã trực tiếp đứng ra chỉ đạo nuôi dạy mấy trăm em cô nhi cho đến khi Chính phủ cho lệnh giải tán theo chính sách chung. Thời kỳ đầu trong am sâu cùng cốc trên núi vắng, Ni trưởng và chư Tăng Ni đã vác gạo và lương thực từ dưới đất lên núi Dinh. Thời đó chưa có đường đi, Tăng Ni dấn thân vào cỏ rậm đầy gai góc mà chuyển tải.
Thời chiến tranh, Ni trưởng đã cưu mang rất nhiều người có gia cảnh nghèo khổ, người già neo đơn. Trong số đó có nhiều chiến sĩ tham gia cách mạng ở ẩn nấp trên vùng Núi Dinh suốt nhiều năm trường mà giờ đây họ trở thành nhân chứng sống. Với công hạnh đó, vào năm 2001, chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban tặng Ni trưởng Huân chương Kháng chiến cứu nước hạng 3.
Vào năm 1965, do bom đạn đánh phá, Tăng Ni của hệ phái đã phải tản cư về các chùa dưới miền xuôi. Với tâm từ bi, Ni trưởng đã bồng ẵm từng em bé từ Cô nhi viện Phước Lộc Thọ – Núi Dinh về miền xuôi nuôi dưỡng. Ni trưởng đã thành lập cô nhi viện Từ Ái (Tịnh xá Thắng Liên Hoa), cô nhi viện chùa Phổ Hiền, cô nhi viện chùa Phước Thiện An.
Sau khi xây dựng Quan Âm Tu Viện, Ni trưởng đã thành lập Cô nhi viện Phước Lộc Thọ tại đây, mở viện Liên viện Tịnh độ chăm sóc hàng trăm cụ già neo đơn, hàng ngày sáu thời niệm Phật, sống an tịnh cho đến lúc vãng sinh.
Tâm từ bi và sự hy sinh quên mình để cứu khổ chúng sinh của Ni trưởng là một bài học sống động nên chư Ni một số chùa trong tông phong đã phát tâm nuôi người già yếu như Huỳnh Mai Tịnh Viện, Bửu Hoa Ni Viện; Nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam (chùa Long Phước Điền – Long Thành – Đồng Nai), chăm lo cuộc sống tinh thần và vật chất cho hàng ngàn người mù với phương châm “Mắt mù mà tâm không mù” (tại chùa Thiên Quang – Dĩ An – Tỉnh Bình Dương), thành lập phòng thuốc Nam miễn phí tại Quan Âm Tu Viện; Xóa nạn mù chữ và dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, trẻ mồ côi (Chùa Liên Hoa – Quận 8 – TPHCM)...
Ni trưởng thường xuyên đi ủy lạo những nơi khó khổ, vùng sâu vùng xa, quan tâm đến người nghèo, trẻ mồ côi, người bị si đa, chất độc da cam, người phong cùi, mù lòa, khuyết tật, hay những vùng dân tộc thiểu số, nơi bị thiên tai lũ lụt… Dù xa xôi cách mấy, đi bao nhiêu ngày đường vất vả, Ni trưởng cũng tự thân đến tận nơi trao từng phần quà gói cả tình thương.
Hiểu rõ nhiều việc làm của Ni trưởng Huệ Giác, Ni trưởng Thích Nữ Huệ Từ (hiện là Phó thường trực Phân ban Ni giới Trung Ương) từng chia sẻ: “Những năm cuối của thập niên 70, thành phố Biên Hòa còn khổ lắm. Tôi đã thành lập một tổ hợp Mây tre lá mang tên là hợp tác xã Thành Công để tạo công ăn việc làm cho dân. Cơ sở được khen tặng là lá cờ đầu của tỉnh Đồng Nai trong bảy năm liền. Thành tựu này một phần lớn là nhờ vào công đức thầm lặng của Sư bà Huệ Giác. Khi tôi về thành phố Hồ Chí Minh với cương vị Phó ban Từ thiện Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam suốt hơn hai mươi năm, thì Sư bà Quan Âm Tu Viện lại tiếp tục đồng hành với tôi hỗ trợ đời sống dân nghèo trong cả nước. Sư bà chỉ làm mà ít nói, tâm lượng từ bi như Bồ Tát Quan Âm vậy.”
Ca ngợi tâm từ bi của Ni trưởng, Thi sĩ Thân Thị Ngọc Quế có thơ:
Sớm biết biết Kim Cang cành trúc vắng, Ngày vang Bát Nhã bóng chiều nghe Yêu sao mây trắng vùng cây ngát. Nhớ mãi xuân tàn lối mộng che. Dẫu biết Bồ đề cơn gió thoảng. Vẫn thương nhánh cỏ giọt sương hè.
2.3. Phổ cập kinh điển trong công tác từ thiện đối với người khiếm thị
Dưới sự dẫn dắt của Ni trưởng Huệ Giác, Ban Từ thiện Phật giáo Tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban từ thiện ở tất cả các tỉnh thành, quận huyện tìm hiểu về số lượng những người mù có thể đọc chữ nổi. Theo Ni trưởng: “Nếu trong số họ ai muốn phát tâm tụng đọc kinh điển, chúng tôi sẽ tụng đọc những bản kinh chữ nổi cho họ. Cụ thể như: Kinh Pháp Hoa, Đại Bi và Thập Chú, Kinh Vu Lan, Kinh Địa Tạng, Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư,...” Ni trưởng đã kết hợp công tác Từ thiện xã hội với việc tặng Kinh trong những đợt thăm viếng và tặng quà cũng như hoằng pháp cho người khiếm thị hoặc người mù.
Đây là một việc làm ý nghĩa đem lại một giá trị tinh thần vô giá.
2.4. Phương châm kết hợp công tác Từ thiện xã hội và Hoằng Pháp
Theo Ni trưởng Huệ Giác, việc kết hợp công tác từ thiện xã hội với hoằng pháp, người gọi là “Bước song hành giữa Từ thiện và Hoằng pháp.” là việc làm cần thiết và hoàn toàn có khả năng thực hiện.
Tất cả chúng ta đều là những người thường tiếp cận với những cảnh khổ đau của cuộc đời. Nhiều cảnh thương tâm khiến ta có thể rơi nước mắt. Nhưng nếu chỉ có thể giúp đỡ về mặt vật chất không thì chưa đủ, mà phải xoa dịu sự khổ đau trong tâm và nhọc nhằn trong cuộc sống bằng những Pháp thoại ngắn trước khi tặng những phần quà bé nhỏ. Chính những điều này đôi khi lại có tác dụng tốt đẹp như đem lại niềm tin cho những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hoặc khẳng định Phật tánh trong mỗi cá nhân để cùng tu tập trên lộ trình về bến Giác. Do vậy, nếu người đi cứu trợ có khả năng hoằng pháp sẽ biết cần phải nói điều gì là thiết thực và có tác dụng cho đời sống tinh thần của những người nghèo khó hoặc bất hạnh trong hoàn cảnh đó, bằng không, phải có sự kết hợp giữa người làm công tác từ thiện xã hội với người làm công tác hoằng pháp.
Ni trưởng cũng giải thích: Nhân những lúc khó khăn, lại được được chia sẻ nỗi bất hạnh, người ta dễ dàng có thiện cảm và chịu lắng nghe. Hoặc đơn giản hơn thì hướng dẫn họ niệm danh hiệu Phật. Khi trực tiếp tham gia công tác từ thiện xã hội, cứu trợ những người khó khăn, người khiếm thị, tật nguyền,..., Ni trưởng và đoàn từ thiện thường nói với họ: “Các vị không cần cảm ơn chúng tôi, chỉ cần các vị không làm các điều ác và tập niệm Nam Mô A Di Đà Phật.” Đang lo lắng trước những thiên tai, bỗng nhiên như có Ông Bụt xuất hiện với những phần quà giúp qua cơn khó, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người ta dễ phát tâm tin tưởng như tin có Đức Phật từ bi đã đến giúp họ ngay những lúc không còn biết trông đợi vào đâu. “Khi bước chân người cứu trợ và hoằng pháp cùng bước đến làm cho những người bất hạnh có một niềm tin. Như những giọt nước cành dương rơi vào một trái tim thương tích. Phẩm vật giúp họ phần nào qua cơn đói khổ, nhưng ánh sáng Phật Pháp chiếu soi trong tâm những người không may mắn kia sẽ giúp họ nhiều hơn trong những ngày kế tiếp.”
Nếu thực hiện được phương châm hoằng pháp kết hợp từ thiện thì việc làm từ thiện xã hội sẽ có nhiều kết quả, mới thực sự là “cứu khổ ban vui.”, thực hiện được đúng tinh thần:
“Từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc Bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ”
(Lòng thương yêu có khả năng đem đến cho tất cả chúng sinh an vui. Lòng thương xót có khả năng cứu tất cả chúng sinh thoát khổ).
Với tâm nguyện nhập thế cứu đời, thể hiện tinh thần “bi - trí - dũng”, bằng nhiều công tác từ thiện xã hội có ý nghĩa hướng về nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, Sư Bà Huệ Giác là một tấm gương về lòng từ bi của người đệ tử Phật, một minh chứng sống động của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hoằng pháp và từ thiện, người kết nối giữa đạo và đời, đời và đạo, hòa quyện gắn kết cộng đồng, làm cho con người chuyển hóa các nhận thức tiêu cực, lan tỏa năng lượng an lành, sống an lạc gần nhau, xóa bỏ những mặc cảm về thân phận, cùng nhau tạo dựng “nhân gian Tịnh Độ” ở ngay cõi Ta Bà.
3. Thực hành tinh thần Tứ nhiếp pháp trong Sự nghiệp trồng cây gây rừng - Bảo vệ môi trường xanh
Ngày nay, đứng trước các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, sập vỡ đê điều, thiên tai lũ lụt và cả dịch bệnh, hàng tỷ người không được tiếp cận nguồn nước sạch thì vấn đề sinh thái đang được cả thế giới quan tâm thế nên trồng cây xanh là một trong những vấn đề thiết yếu để bảo vệ trái đất và cuộc sống muôn loài. Với tâm nguyện làm đẹp danh lam thắng cảnh, làm thanh sạch môi trường, Ni Trưởng đã để lại dấu ấn cho đời với kỳ tích trồng ngàn hecta rừng.
Sự nghiệp trồng rừng này được thực hiện với tinh thần Tứ nhiếp pháp. Đó là bốn phương tiện thiện xảo để nhiếp hóa, cảm phục lòng người, cứu độ chúng sinh gồm: Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp.
Bố thí nhiếp là đem những gì mình có bằng vật chất lẫn tinh thần để cứu giúp người khác khi cần thiết, nhằm tạo sự thiện cảm để họ tâm phục, khẩu phục, quý mến mà biết quay về với Chính Pháp. Với sự nghiệp hoằng pháp và từ thiện, Ni trưởng Huệ Giác đã dùng những lời Pháp từ ái, khéo léo (ái ngữ nhiếp) để khuyến thiện hàng đệ tử giác ngộ, giảm bớt phiền não khổ đau, đi theo những nghề nghiệp chân chính, giúp họ biết sinh sống mà không làm tổn hại đến người và vật. Không những vậy, Ni trưởng Huệ Giác còn cống hiến, bố thí sức người, sức của trong việc triển khai trồng cây gây rừng, yêu thương muôn loài:
Từ những năm 1983-1984, Ni trưởng Huệ Giác triển khai việc trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc trước tiên ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó dần mở rộng ra nhiều Tỉnh như Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận. Dưới sự lãnh đạo và quyết tâm của Ni trưởng, hàng trăm hecta rừng tràm, quế và các loại cây công nghiệp được Chư Tăng, Chư Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng ngày đêm khai hoang, chăm sóc để đem lại những cánh rừng xanh thẫm, góp phần cân bằng môi trường sinh thái, đồng thời tự túc kinh tế cho các tự viện trực thuộc Tông phong trong thời điểm cả nước còn khó khăn.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự kiện năm 1984, nhân ngày sinh Bác Hồ, Ni trưởng Huệ Giác đã lần đầu phát động phong trào trồng cây gây rừng, trước sự có mặt của các đại biểu của cơ quan chính quyền, trong đó có ông Phạm Văn Hy - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Ông Lê Văn Nà - Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Ông Lê Hữu Sanh - Giám đốc Sở Lâm Nghiệp thời bấy giờ. Vào dịp này, chính quyền Đồng Nai chính thức giao cho Ni trưởng nhiều khu đất từ Long Phước, Long Thành trải dài đến núi Dinh, xã Hội Bài huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, với diện tích 350 hecta. Ngày nắng đêm sương, gió mưa chẳng quản, những khu rừng này vẫn được chăm sóc, duy trì và mở rộng cho đến hôm nay. Sau đó, Ni trưởng tiếp tục vận động tăng ni và Phật tử trong môn phong mở rộng địa bàn trồng rừng ở Tà Thiết, Lộc Hưng, Lộc Khánh – tỉnh Bình Phước, 200 hecta trồng cây thông và tràm tại Đơn Dương Và Đức Trọng (Lâm Đồng), tại Bảo Lộc trồng 30 hecta tràm và quế, huyện Dateh trồng 200 hecta rừng và cây công nghiệp,… Những khu rừng này đã được duy trì và liên tục mở rộng cho đến ngày nay. Hiện nay, Quan Âm Tu Viện đã mở rộng diện tích trồng rừng phủ xanh đồi trọc lên đến khoảng hơn 1000 hecta, trong đó có 50 hecta rừng phòng hộ với nhiều loại gỗ quý.
Dưới sự lãnh đạo và quyết tâm bền chí của Ni trưởng, hơn nghìn hecta rừng hoang đã được Tăng Ni Liên tông Tịnh Độ Non Bồng dày công khai khẩn đất hoang, phủ xanh đồi trọc, tươi màu hoa lá trái, đem lại môi trường xanh và đẹp cho quê hương, đồng thời tự túc được kinh tế nhà chùa cho các tự viện của tông phong, đáp ứng có hiệu quả Nghị quyết kỳ II Khóa I của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Nhiều ngôi chùa tiêu biểu trong việc trồng cây bảo vệ rừng hiện nay của Liên Tông Tịnh độ Non Bồng như: Tổ đình Linh Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) quản lý 256 hecta, Chùa Tân Lợi (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) giữ 261 hecta, Tịnh thất Công Đức Hoa (Lâm Đồng) trồng 110 hecta, Chùa Long Phước Thọ (Long Thành, Đồng Nai) có 40 heta, Bửu Hoa Ni viện (Long Thành, Đồng Nai) trồng 40 hecta... Nhiều Ni sư, Sư cô là đệ tử của Ni trưởng đi khai khẩn và trồng rừng từ hơn 30 năm trước hiện vẫn đang tiếp tục công việc cho đến nay. Những việc làm và sự đóng góp của Ni trưởng Huệ Giác đã được Nhà nước, chính quyền và xã hội công nhận. Ni trưởng cho biết, khu rừng thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai của Quan Âm Tu Viện đã được chính quyền tỉnh công nhận là khu rừng điểm và được nhiều đoàn khách nước ngoài từ Thụy Điển, Úc Châu, Nhật Bản đến trao đổi kinh nghiệm và học hỏi về phương thức trồng và bảo vệ rừng.
Sự nghiệp trồng rừng này không chỉ của riêng Ni Trưởng Huệ Giác, đây còn là sự nghiệp vĩ đại của cả Tông Phong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Bằng việc lãnh đạo, chỉ dạy khéo léo, thực hiện đúng “Lợi hành nhiếp”, “Đồng sự nhiếp” trong “Tứ nhiếp pháp” của Ni trưởng, với ý nghĩ, lời nói đến hành động dấn thân phụng sự, không quản khó khăn, khiến Tăng Ni, Phật tử cảm phục, theo Ngài học hạnh từ bi hỷ xả với tinh thần tốt đạo đẹp đời. Đại Lão Hòa thượng Thích Minh Chánh - Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi nhắc về Ni trưởng Huệ Giác đã tán thán rằng: “Công hạnh của Ni trưởng là không thể nghĩ bàn!”. Công hạnh nổi bật của Ni trưởng là tiên phong chủ trương Tăng Ni dấn thân trồng rừng sau ngày Giải phóng đất nước mà chẳng nề gian khổ, khó nhọc. Cả ngàn hecta rừng được trồng để phủ xanh đồi trọc, đem lại sự sống cho muôn loài, trải dài từ Tây Nguyên, miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Nơi nào Ni trưởng đặt chân đến là sau đó tái sinh những mảng đường xanh thẳm. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng để Ni giới Việt Nam tự hào!
Trong quá trình tổ chức và triển khai, việc trồng rừng không phải không có những khó khăn trở ngại. Nhưng với quyết tâm và tinh thần vượt khó, Tăng Ni Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng đã cùng dũng cảm vượt núi, xuống bưng để cải tạo đất hoang, gieo mầm xanh cho cuộc đời. Ni trưởng Huệ Giác luôn vững tâm và động viên Chư Ni đi khai khẩn đất hoang bằng bài thơ (ái ngữ nhiếp) với tất cả tâm nguyện mạnh mẽ tinh thần lạc quan đầy hi vọng:
“Rừng là tài sản của quốc gia Rừng là tài nguyên giàu mạnh của nước nhà Rừng là hệ cây xanh bóng mát Làm đẹp tòng lâm thắng cảnh văn hóa sử nước nhà Ni giới Bửu Hòa Phước Thái tự nguyện gây dựng vườn rừng Phủ đồi trọc xanh màu cây rừng hoa trái.....”
Trong tứ nhiếp pháp, “đồng sự nhiếp” là phương pháp hiệu quả nhất. Ni trưởng Huệ Giác và Tăng Ni Tông phong đã cùng đồng hành, cùng làm việc, cùng gánh vác, cùng sẻ chia với công tác trồng rừng, phủ xanh đồi trọc - tạo nên thắng cảnh tòng lâm, gìn giữ “lá phổi xanh” cho quê hương, đất nước. Ni trưởng trở thành một tấm gương sáng ngời, một vị Bồ Tát dấn thân vào đời với hạnh nguyện cao cả, thiêng liêng.
Không những vậy, “Câu chuyện trồng rừng của Ni trưởng Huệ Giác thể hiện tinh thần Bi (coi trọng sự sống muôn loài), Trí (tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại), Dũng (vượt qua khó khăn, không ngại gian khổ).” Qua hoạt động trồng trừng, Ni trưởng đã thể hiện tinh thần nhập thế, xả thân, nói đi đôi với làm, khiêm nhường tột bậc, không màng tiếng tăm. Những việc làm của Ni trưởng từ những năm 80 của thế kỷ trước được Nhà nước, chính quyền đánh giá cao và Tông phong ngưỡng mộ.
“...Ni trưởng Huệ Giác là người đi gieo những hạt giống đẹp cho thiên nhiên và cũng là những hạt giống tinh thần đẹp cho cuộc đời của chúng sinh, góp phần tạo lập một môi trường trong lành, thanh tịnh cho đất nước.”9 Chính bản thân Ni Trưởng cũng là bóng đại thọ che mát cho hàng đệ tử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, kể cả khi Người đã an nhiên về cõi Niết Bàn thì:
Công hạnh trồng rừng còn mãi Hạt giống lành gieo vào đất nở hoa Lòng từ giúp đời không ngại Mang yêu thương ban trải muôn loài
Để rồi:
Bóng Đại Thọ ngày đêm tỏ rạng Đạo nghiệp Ngài sáng mãi ngàn năm!
4. Đóng góp lớn cho Đạo pháp và dân tộc
Những thành tựu Phật sự của Ni trưởng đã được Nhà nước cùng các tổ chức, đoàn thể và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận, tuyên dương công đức và tặng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen cao quý. Thiết nghĩ, tuy những Phật sự người làm là mật hạnh, nhưng sự ghi nhận khen thưởng này cũng góp phân nói lên tấm lòng cao cả, nhiệt huyết vì đạo vì đời của một vị Ni trưởng - ngôi sao sáng cho Ni giới Việt Nam học tập, tự hào.
Năm 2007, ngoài cương vị Phó Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo VN tỉnh Đồng Nai, Ban Trị sự còn suy cử Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác làm Trưởng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, Trung Ương GHPGVN đề cử Ni trưởng làm Phó Phân Ban Ni giới Trung ương GHPGVN ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên (2007-2012). Ni trưởng là chứng minh Phân ban Ni giới Trung ương nhiệm kỳ 2017-2022.
Bên cạnh việc góp sức xây dựng Giáo hội, Ni trưởng còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai khóa VII (nhiệm kỳ 2009-2014) và khóa VIII (nhiệm kỳ 2014-2019). Trong 10 năm tham gia Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Ni trưởng đã có nhiều cống hiến trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh nhà.
Ni giới Đồng Nai luôn kính trọng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, một vị Tôn Đức Ni, giới hạnh trang nghiêm, giàu lòng nhân ái đã dành trọn cả cuộc đời để phụng sự đạo pháp và phụng sự dân tộc. Bày tỏ cảm nghỉ về Ni trưởng Huệ Giác, Ông Nguyễn Xuân Chiến, nguyên Phó Chủ Tịch Thường Trực Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chia sẻ:
“Ni trưởng là một trong những bậc chân tu đã thực hành tốt lời dạy của Đức Phật: Phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật. Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của Ni trưởng càng làm sáng tỏ thêm tinh thần Từ Bi, Hỷ xả, Vô ngã, Vị tha và truyền thống Hộ quốc, an dân của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời góp phần tích cực cùng với các Cấp Ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn và tăng cường, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tấm lòng nhân ái cùng những việc làm cụ thể, thiết thực của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác là tấm gương sáng về kết hợp hài hòa giữa việc Đạo, việc Đời mà các vị Tăng, Ni trẻ cần học tập và phát huy.”
Với những công đức mà Ni trưởng đã đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, Ni trưởng đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng:
– Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng III năm 2001. – Huân chương Lao động hạng III năm 2015. – Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 – Huy hiệu Sao Vàng Đồng Nai năm 2008. – Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại Đoàn kết toàn dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015). – Huy chương vì sự nghiệp Nhân đạo do Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam (2004) – Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2016). – Huy hiệu Trống Đồng Đông Sơn của Thủ tướng chính phủ năm (2016). – 9 Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai. – Nhiều bằng khen của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tỉnh Đồng Nai.
III. Kết luận
Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác là một trong những tấm gương sáng về đạo hạnh, đức hy sinh và lòng nhân ái. Tinh thần thực hành tứ nhiếp pháp tỏa sáng trong cả cuộc đời, đạo nghiệp của Ni trưởng với sự nghiệp lãnh đạo tông phong, hoằng pháp, từ thiện, hộ quốc an dân, tự túc kinh tế, nâng cao giáo dục, và tích cực trồng rừng.... Ni Trưởng mãn báo thân 84 tuổi đời, 54 tuổi đạo. Ngày mùng 9 tháng Chạp năm Canh Tý (ngày 21 tháng 01 năm 2021), trong tiếng trì Đại Bi ngân vang của hàng đệ tử, Ngài đã thâu thần viên tịch tại Quan Âm Tu Viện, Biên Hòa, Đồng Nai. Đạo nghiệp và công hạnh của Ni trưởng mãi tỏa sáng giá trị xương minh, hoằng truyền Tịnh độ.
Ni trưởng Huệ Giác xứng đáng là bậc Ni lưu đức hạnh khiêm ưu trong hàng Ni giới Việt Nam, là tấm gương đạo đức sáng đời đẹp đạo cho hàng hậu học vững bước trên con đường tu tập, hoằng pháp lợi sinh, dấn thân mình phụng sự cho Đạo Pháp.
Tác giả: Tâm Giang Học viên Khóa VI - Học viện PGVN tại Tp.HCM ***CHÚ THÍCH 1) NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt, Ni giới tiên phong bảo vệ môi trường, câu chuyện trồng cây gây rừng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Bài đăng trên Đặc san Hoa Đàm, ra ngày 18/4/2018. 2) Giáo hội Phật Giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - 57 năm hình thành và phát triển PL2560-DL 2016, Nxb. Hồng Đức. 3) ThS. Nguyễn Văn Quý (2018). “Tìm hiểu về Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng: Tiếp cận sử học Tôn giáo”, Nghiên cứu Lịch sử, số 10, tr.75. 4) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng 57 năm hình thành và phát triển, Công Tác từ thiện xã hội - Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, trang 232, Nxb Hồng Đức,2016. 5) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng 57 năm hình thành và phát triển, Công Tác từ thiện xã hội - Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, trang 232, Nxb Hồng Đức,2016. 6) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng 57 năm hình thành và phát triển, Công Tác từ thiện xã hội - Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, trang 234, Nxb Hồng Đức,2016. 7) Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng 57 năm hình thành và phát triển, Công Tác từ thiện xã hội - Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác, trang 234, Nxb Hồng Đức,2016. 8) NS. Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt - Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nữ giới tiên phong bảo vệ môi trường, câu chuyện trồng cây gây rừng - Ni trưởng Huệ Giác, Bài đăng trên Đặc san Hoa Đàm, ra ngày 18/4/2018. 9) TS. Tống Thị Quỳnh Hương - Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ni trưởng Huệ Giác - Người đi gieo hạt giống cho thiên nhiên và cuộc đời, Bài đăng trên Đặc san Hoa Đàm, ra ngày 13/4/2018.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Quan Âm Tu Viện (2016), Liên Tông Tịnh độ Non Bồng 57 năm hình thành và phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 2. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam - Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng - Tổ đình Quan Âm Tu Viện, Ni trưởng Huệ Giác - Con thuyền thanh lương, Nxb. Tổng hợp TP. HCM. 3. Bùi Tấn Huy (2019), “Các họat động công tác xã hội của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (184). 4. Hòa thượng Thích Giác Quang (2010), Tịnh độ giảng lược, Nxb. Phương Đông, Hà Nội. 5. Nguyễn Văn Quý (2018), “Tìm hiểu về Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng: Tiếp cận Sử học tôn giáo”, Nghiên cứu Lịch sử, số 10. 6. Nhiều tác giả (2016), Nữ giới Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM. 7. NS.TS. Thích Nữ Như Nguyệt, Ni giới tiên phong bảo vệ môi trường, câu chuyện trồng cây gây rừng Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác, Bài đăng trên Đặc san Hoa Đàm, ra ngày 18/4/2018 8. TS. Tống Thị Quỳnh Hương - Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ni trưởng Huệ Giác - Người đi gieo hạt giống cho thiên nhiên và cuộc đời, Bài đăng trên Đặc san Hoa Đàm, ra ngày 13/4/2018. 9. TT.TS. Thích Nhật Từ & TT.TS. Thích Đức Thiện chủ biên (2014), Phật giáo góp phần bảo vệ môi trường, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Bình luận (0)