Tác giả: Thích nữ Tuệ Uyển Học viên cao học khoá III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
DẪN LUẬN
Lâm Đồng, một vùng đất cao nguyên thuộc phía Nam miền Trung nước Việt. Những thập niên đầu thế kỷ XX, khi nơi đây còn là một nơi đất rộng người thưa, chưa được khai hóa nhiều, với bốn bề là rừng thiêng nước độc trong khung cảnh lạnh giá của một tỉnh được người Pháp tìm ra và đặt cho nó cái tên là Đồng Nai Thượng.
Vào năm 1921, Phật giáo đã chính thức hiện hữu nơi đây với công lao của Hòa thượng Thích Nhơn Thứ, một vị tăng sĩ nơi vùng đất Khánh Hoà, theo đoàn dân di cư lên vùng đất Lâm Đồng trong giai đoạn khó khăn của đất nước nói chung và của tăng, ni Phật giáo nói riêng.
Ngài là vị tăng đầu tiên đem Phật Pháp đến với một vùng đất mà từ trước đó chỉ có sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo, một vùng đất mà những người dân tha hương nơi đây đang ước mong có được một nơi chốn đi về sinh hoạt, lễ lạy trong những ngày sóc, vọng. Phật giáo có mặt trong khoảng thời gian này như một điều may mắn, thỏa được sự mong ước của những người dân tha hương, giúp họ có được một đời sống an bình hơn trong những giai đoạn khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.
NỘI DUNG
1. Hoà thượng Thích Nhơn Thứ (1884 - 1941)
Buổi đầu khi Phật giáo có mặt trên vùng đất “Hoàng Triều Cương Thổ” bằng đường bộ, theo chân vị thầy Thích Nhơn Thứ, có thể nói tương ứng với những ngôi chùa được thành lập là sự có mặt của những vị thầy, những vị Hoà thượng đã có công đem Phật giáo đến với vùng đất mới này, nơi mà số lượng người dân, đặc biệt là cư dân người Kinh vẫn còn rất ít, nơi mà từ khi được phát hiện cho đến khi bước vào giai đoạn định hình, phát triển chỉ có Thiên Chúa giáo tồn tại.
Linh Quang, ngôi chùa đầu tiên đặt cột mốc cho sự hiện hữu của Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng qua công lao lớn nhất của Hoà thượng Nhơn Thứ. Ngài thế danh Trần Xin, tự Trung, sinh năm Giáp Thân (1884) trong một gia đình thuần nông tại xã Văn Hoà, tỉnh Phú Yên. Ngay từ nhỏ Ngài đã mồ côi cha mẹ, tuy nhiên với tố chất thông minh nên Ngài đã được người địa chủ tên Lê Phổ trú thôn Đại Điền, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà, là một Phật tử hiền lương, kính tin Tam Bảo và có tài tiên đoán về tướng số, trong dịp có việc ra Phú Yên, có duyên gặp đã nhận Ngài làm con nuôi, đưa Ngài về Khánh Hoà và cho đi học.
Hạt giống Bồ đề trong Ngài đã bắt đầu được tưới tẩm, khi hàng ngày Ngài thường qua chùa Linh Quang gần nhà chơi và lễ Phật. Nhờ túc duyên gieo trồng căn lành với Phật pháp từ nhiều đời kiếp đó mà hạt giống Bồ đề đã khai hoa, năm 13 tuổi (1897) Ngài xuất gia tu học ngay tại chùa Linh Quang với bổn sư tế độ là Hoà thượng Thích Nhơn Nguyện còn gọi là Tổ Rau, húy thượng Trừng hạ Hoằng, tự Thiện Hóa, dòng Lâm Tế Liễu Quán, đời thứ 42. Ngài được bổn sư đặt pháp danh là Tâm Trung, tự Từ Lý, hiệu Minh Đạo, nối pháp đời thứ 43 dòng Lâm Tế Liễu Quán.
Năm Canh Tuất (1910), tại đại giới đàn Tổ Đình Trùng Khánh (Ninh Thuận), Ngài được thọ giới Sa-di, trong giới đàn này Ngài Chơn Niệm làm Hoà thượng đường đầu truyền giới, Hoà thượng Phước Tường được thỉnh làm Yết Ma A-xà-lê .
Năm 1920 do thầy bổn sư luôn nhập thất tu tập nên Ngài cùng huynh đệ của mình là Hoà thượng Nhơn Hưng được gửi ra Tổ Đình Thiên Bửu (Khánh Hoà) để cầu pháp với Hoà thượng Phước Tường (Bổn sư của Hoà thượng Nhơn Nguyện), được Hoà thượng thâu nhận làm đệ tử y chỉ và được ban pháp hiệu là Nhơn Thứ [3, tr.12].
Theo sự chỉ dạy của Hoà thượng bổn sư, từ Khánh Hoà, năm 1921 Ngài đã theo chân đoàn di dân lên với vùng đất khi đó được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ” tỉnh Đồng Nai Thượng. Khi tìm được mảnh đất phù hợp, chưa có người khai hoá, Ngài bắt tay tạo dựng một thảo am tại đây. Sau đó Ngài cung thỉnh Hoà thượng Phước Tường, Hoà thượng Từ Nhãn và Hoà thượng Nhơn Nguyện lên đây để chứng minh cho sự hình thành của ngôi thảo am đầu tiên trên vùng đất này. Dưới sự chứng minh của quý Hoà thượng, với tấm lòng tri ân, Ngài đã lấy tên hiệu của ngôi chùa Linh Quang (Khánh Hoà) nơi mà Ngài được xuất gia để đặt tên cho ngôi thảo am [3, tr.12-13].
Năm 1927 sau khi Hoà thượng Nhơn Nguyện viên tịch, Ngài trở về chùa Linh Quang (Diên Khánh – Khánh Hoà) cùng huynh đệ lo đám tang cho bổn sư, cũng khoảng thời gian này dưới sự xắp xếp của môn phái, Ngài giữ chức đồng trú trì chùa Linh Quang cùng Hoà thượng Nhơn Hưng chăm lo mọi Phật sự nơi đây. Tiếp đó Ngài lại được cung thỉnh kiêm trú trì chùa Sắc tứ Liên Hoa (Nha Trang – Khánh Hoà), chính vì vậy mà Ngài đã phải thường xuyên đi lại giữa Đà Lạt và Khánh Hoà để chăm lo Phật sự [3, tr.12-13].
Trong thời gian hành đạo của mình, Hoà thượng được người dân biết đến là một bậc cao tăng có đời sống bình dị, được biểu hiện qua những việc như: Ngài luôn tự tạo ra nguồn lương thực cho tăng chúng bằng cách tự tay trồng các loại rau củ, mỗi khi có được nhiều, Ngài nhờ người đem ra chợ bán để đổi lấy những lương thực khác; Tất cả mọi sinh hoạt trong chùa Ngài đều tự tay làm, không nhờ phật tử [3, tr.47].
Hình ảnh thân quen đối với những người phật tử bấy giờ mỗi khi có dịp thăm viếng Ngài, đó là một vị thầy với bộ đồ vạt hò sờn cũ, đầu đội nón lá nhỏ, chân mang guốc mộc, gánh nước tưới những luống rau tự tay thầy trồng. Nơi Hoà thượng làm việc và nghỉ ngơi là một thất nhỏ vách ván lợp tôn, bên trong kê chiếc giường nhỏ được đóng bằng những tấm gỗ cũ ghép lại, bên cạnh là một bàn nhỏ và một chiếc tủ nhỏ chứa đựng một số vật dụng cá nhân của Ngài [3, tr48].
Ngài còn được biết đến là một người nghiêm trì giới luật và hơn hết là hạnh kham nhẫn nơi Ngài. Ngoài ra, bằng nghề thuốc Nam của mình Hoà thượng đã cứu giúp cho rất nhiều người dân nơi đây, tuy nhiên Ngài đều không nhận tiền mà còn phát thuốc miễn phí cho họ [3. Tr.46].
Hoà thượng có rất nhiều bổn đạo, phật tử thời đó là những người thuộc hàng quan chức như ông Võ Đình Dung, Võ Đình Thuỵ,… tuy nhiên Ngài không bao giờ nhận tịnh tài cúng dường của bất cứ ai. Số tiền được phật tử cúng vào Tam Bảo Ngài đều đem chia sẻ cho những chùa khác khó khăn hơn và giúp đỡ những người nghèo khổ. Chính tấm lòng và hạnh nguyện từ bi mà Ngài đã cảm phục được rất nhiều người, thời đó mọi người đều gọi Ngài bằng một cái tên chứa rất nhiều sự thân thương và kính trọng đó là Thầy Đà Lạt [3, tr.46].
Năm 1933, để thuận duyên hơn nữa cho sự nghiệp hoằng truyền chính pháp trên vùng đất vẫn còn rất nhiều khó khăn về mọi mặt này, triều đình nhà Nguyễn (vua Bảo Đại) đã tấn phong cho Ngài chức Tăng cang [3, tr.14]
Ngày 27 tháng 9 năm 1938 niên hiệu Bảo Đại thứ 13, qua công hạnh và đức độ của Ngài, chùa Linh Quang – Đà Lạt đã được vua Bảo Đại và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu quyết định ban biển ngạch Sắc tứ.
Ngày 10 tháng 3 năm 1941, sau một buổi lễ cầu siêu cho gia đình phật tử, khi trở về Ngài cảm thấy trong người không khoẻ nên sai thị giả đỡ lên giường nằm, sau đó Ngài cho gọi chúng tăng vào và dặn dò mọi việc.
Ngài biết mình sắp ra đi nhưng vẫn không muốn làm tăng chúng phải vất vả nhiều vì mình nên Ngài đã gọi một chú điệu lại và nói: “Giác, con nghỉ học ở nhà với thầy chừng ba hôm, rồi sau đó con hãy đi học lại” [3, tr.49]. Ngày 13 tháng 3 năm 1941, vào lúc 21 giờ 45, Ngài nói chúng tăng trong chùa lên chính điện đốt nhang đèn và cử ba hồi chuông trống Bát Nhã và Ngài đã an nhiên thị tịch vào đúng 22 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1941, trụ thế 48 năm [3, tr.49].
Hoà thượng đã đến với vùng đất còn nhiều gian khó, đem giáo lý Phật đà đến với những người dân tha hương nơi đây, giúp họ tìm thấy được một chốn đi về bình yên trong cuộc sống khó khăn gian khổ. Ngài đã sống một cuộc đời bình dị nhất nhưng lại toả sáng nhất bởi đức hạnh của Ngài. Nhờ ân đức của Ngài đã khai sinh ra Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng mà từ đó về sau Phật giáo nơi đây đã ổn định và phát triển lớn mạnh, đồng hành cùng dân tộc trên suốt chiều dài lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc.
2. Hòa thượng Bích Nguyên (1898 - 1987)
Hoà thượng Bích Nguyên thế danh là Nguyễn Tùng, xuất thân trong một gia đình ở làng Duy Hoà, xã Triệu Hoà, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khi còn niên thiếu, có thời gian Hoà thượng đã đến Lào lập nghiệp mưu sinh. Năm 1927 (29 tuổi), Ngài trở về Việt Nam xuất gia tu học tại tổ đình Hải Đức – Huế với Hoà thượng Phước Huệ, được pháp danh là Chơn Thanh [5, tr.293].
Năm 1934, sau thời gian dài tinh chuyên tu tập, được sự chấp thuận của Hoà thượng Bổn sư Ngài được thọ giới Sa Di tại giới đàn chùa Long Sơn Bát Nhã tỉnh Phú Yên.
Năm 1936, nhằm ngày 15 tháng 6 năm Bảo Đại thứ 11, Ngài được thọ Cụ túc giới tại chùa Bích Liên, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định với Hoà thượng đàn đầu là Ngài Bích Liên – Trí Hải [4, tr.91] với pháp tự là Chánh Mậu và pháp hiệu là Bích Nguyên. Sau đó Ngài đã được bổn sư ban kệ phú pháp:
Chơn Thanh Chánh Mậu Tùng
Vô chủ bổn vô công
Bích Nguyên thường trạm tịch
Nhứt mạch vĩnh lưu thông
Sau thọ đại giới, Ngài đã tham học tại một số Phật học đường như Hải Đức – Nha Trang, Báo Quốc – Huế , Ấn Quang – Sài Gòn.
Năm 1941, Ngài đến Đà Lạt và dừng chân tại chùa Linh Quang, cùng vị trú trì lúc này là Hoà thượng Quảng Nhuận tiếp tăng độ chúng. Năm 1945, Hoà thượng đến Trại Hầm – Đà Lạt, lúc này vẫn là vùng đất còn rất hoang sơ, khi ấy chỉ có một số ít người dân từ các tỉnh miền Trung đến làm việc và cư ngụ. Họ đã dựng lên một am nhỏ thờ Phật, lợp tranh để có thể cùng nhau chiêm lễ vào những ngày lễ vọng. Để giúp đỡ những người dân mộ đạo này, Hoà thượng đã bắt đầu khởi công xây dựng một ngôi chùa lấy tên Linh Phong dựa trên đồ án do chính Ngài thiết kế và cũng chính Ngài tự tay xây cổng Tam quan [5, tr.294].
Đến năm 1947, Ngài về trú trì chùa Linh Sơn, nhận trọng trách là Hội trưởng tỉnh giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Viên nhưng đồng thời vẫn chăm lo Phật sự cho ngôi chùa Linh Phong.
Năm 1950, một đạo tràng an cư kiết hạ được Hội Phật học Trung phần mở ra tại chùa Linh Phong với sự tham gia của một số vị như Hoà thượng Quảng Nhuận, hoà thượng Minh Cảnh, Hoà thượng Từ Mãn, Hoà thượng Thiện Minh… Sau khi khoá an cư mãn, nhận thấy ni giới Lâm Viên chưa có sơ sở chính để sinh hoạt nên Hoà thượng đã hoan hỷ cúng ngôi Linh Phong tự làm trụ sở chính cho ni giới tỉnh Lâm Viên thuận theo sự đề nghị của chư tôn đức.
Trong kỳ nhóm Đại Hội đồng thường niên ngày 15 tháng 1 năm 1950 của tỉnh Hội Phật giáo Lâm Viên để bầu ra Ban trị sự mới, được nhóm họp tại chùa Linh Sơn, Hoà thượng đã được bầu cử giữ chức Chánh hội trưởng trong nhiệm kỳ này [7, tr.2].
Năm 1953, khi Hoà thượng Từ Mãn được cử đến trú trì chùa Khải Đoan tỉnh Buôn Mê Thuột, Ngài được Giáo hội suy cử về trú trì chùa Linh Sơn. Trong thời gian trú trì tại đây, Ngài đã tham gia tích cực những Phật sự và trong phong trào đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963, Ngài cũng đã cùng chư tôn đức nơi đây tham gia tranh đấu bảo vệ Phật giáo.
Năm 1961 khi chi nhánh Phật học Viện Hải Đức Nha Trang được mở tại chùa Linh Sơn, Hoà thượng là người trực tiếp chăm lo cho đời sống của tăng sinh, trở thành chỗ dựa tinh thần cho tăng chúng. Hình ảnh Hoà thượng còn đọng mãi trong kí ức của những tăng sinh khi đó:
“Quên làm sao được, trời rất lạnh khuya nào cũng phải dậy sớm… Trước lúc cung phu phải học nghi lễ cả giờ, tán tụng bên sạp trà của thầy. Giọng thầy khàn khàn, nên luyến láy, tinh tế khó đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, bù lại nhịp tang, mõ bài bản vô cùng. Không mấy khi thầy nghỉ thời công phu khuya. Không ít chúng điệu bị thầy ‘bóp’ tại hiện trường vì tán sai nhịp hay ngủ gục” [2, tr.58].
Năm 1964, giao lại chùa Linh Sơn cho Hoà thượng Từ Mãn tiếp quản, Ngài về Cầu Đất trú trì chùa Viên Giác và lãnh đạo chi hội Phật giáo nơi đây dưới sự cung cử của Giáo hội [5, tr.295]. Tại đây Ngài đã lãnh đạo chi hội, đồng hành cùng Phật giáo tỉnh nhà tham gia trong mọi hoạt động cũng như tiếp tăng độ chúng cho đến ngày viên tịch.
3. Hòa thượng Từ Mãn (1918 – 2007)
Hoà thượng Từ Mãn pháp danh là Trừng Chiếu, tự Giác Hạnh, hiệu Hưng Phước, đạo hiệu là Từ Mãn, nối pháp đời thứ 42 tông Lâm Tế pháp phái Liễu Quán.
Hoà thượng sinh ngày 29 tháng 4 năm 1918, là người con thứ 5 trong gia tộc họ Hoàng, một gia tộc nhiều đời thâm tín đạo Phật với 4 thế hệ đều có người xuất gia tại làng Đại Lộc, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; Thân phụ của Ngài là cụ ông Hoàng Ngọc Cử, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Thừa và thế danh của Ngài là Hoàng Ngọc Chân.
Nối tiếp truyền thống gia đình, năm 1930 khi 12 tuổi, Hoà thượng đã xuất gia cầu đạo với Hoà thượng Tâm Khoan, khi đó là vị Tăng Cang của Quốc tự Diệu Đế và trú trì Tổ đình Báo Quốc – Huế và 4 tổ đình lớn khác.
Được sự chấp thuận của bổn sư, năm 1934, khi được 16 tuổi, Ngài được thọ giới Sa-di trong giới đàn phương trượng được tổ chức ngay tại Tổ đình Báo Quốc, với pháp danh Trừng Chiếu, pháp tự là Hưng Phước, Hoà thượng đàn đầu là Hoà thượng Tâm Khoan, bổn sư của Ngài [5, tr.705].
Năm 1937, sau khi bổn sư viên tịch, Ngài đã cầu y chỉ với Ngài Pháp chủ là Hoà thượng Tịnh Khiết.
Năm 1939, Hoà thượng tham dự lớp Phật học trung đẳng tại chùa Tây Thiên, đến năm 1941 khi được 23 tuổi, Hoà thượng được thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn Thuyền Tôn, tổ chức tại chùa Thuyền Tôn kinh đô Huế, Hoà thượng Tịnh Khiết làm Hoà thượng đàn đầu [5, tr.706].
Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, trong tình hình xã hội chung của đất nước, hệ thống giáo dục Phật giáo trong cả nước đã tạm ngưng hoạt động, hoạt động giáo dục tại miền Trung cũng theo tình hình chung này mà tạm dừng [1, tr.153]. Trong hoàn cảnh này Hoà thượng đã trở về tu học tại chùa Kim Tiên, tuy nhiên vì đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn chung của cả nước nên sau đó Hoà thượng đã cùng tăng chúng trở về tổ đình Thuyền Tôn cùng nhau tu tập, lao động sản xuất.
Năm 1947, được sự tín nhiệm của Tổng hội Phật giáo Trung Việt, Hoà thượng được cử lên tỉnh Lâm Viên làm trú trì chùa Linh Sơn – Đà Lạt, lúc này Ngài 29 tuổi.
Trong thời gian trú trì tại đây ngoài việc chăm lo Phật sự cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà, năm 1951 Hoà thượng cũng đã tham gia công tác giáo dục tại chùa tỉnh hội Long Sơn, tiền thân của Phật Học viện Hải Đức Nha Trang.
Sau một thời gian dài từ khi chùa Linh Sơn lạc thành năm 1940, đến cuối năm 1944, Ban Trị sự tỉnh hội Lâm Viên dự định đúc một tượng Phật bổn sư bằng đồng để thay thế cho bức ảnh vẫn luôn được thờ, tuy nhiên mọi việc chưa được thực hiện thì đến năm 1945 cuộc kháng chiến chống Pháp lại một lần nữa diễn ra, vì những khó khăn của thời cuộc nên việc này đã phải tạm dừng.
Năm 1950, sau một chuyến trở về Thừa Thiên, Hoà thượng ghé thăm tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng, như một nhân duyên, nơi đây đang tổ chức lễ an vị pho tượng Phật mới đúc. Lúc này Ngài lại nhớ về dự định của Phật giáo Lâm Viên đã bị trì hoãn bấy lâu nay, Ngài có ý định sẽ tiếp tục thực hiện, vậy nên Ngài đã tiếp xúc và tìm hiểu với ban đúc tượng [6, tr.31-32].
Mang theo tâm nguyện đúc tượng trở về Đà Lạt, Hoà thượng đã nhóm họp ngay với Hoà thượng Bích Nguyên cùng với Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Tỉnh Lâm Viên, cùng tiến hành viết một lá thư xin phép gửi đến Hội đồng Trị sự Trung ương.
Vì một số khó khăn chung của thời cuộc lúc bấy giờ nên phải đến năm 1952 công việc đúc tượng mới bắt đầu được tiến hành, lúc này Hoà thượng đã cung thỉnh Hoà thượng Tịnh Khiết lên chứng minh cho lễ đúc tượng và đại hồng chung này.
Sau khi việc đúc tượng và đại hồng chung hoàn mãn, cũng trong năm 1952, Hoà thượng được hội Phật học Trung Phần cử đến trú trì ngôi Sắc tứ Khải Đoan - Buôn Mê Thuột theo lời mời của đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái Hậu. Trong thời gian hành đạo tại đây, vào năm 1958, Hoà thượng đã đặt đá xây dựng một số ngôi chùa như Hoa Nghiêm, An Lạc, Nam Thiên; ngoài ra trong giai đoạn đấu tranh Phật giáo, Ngài đã lãnh đạo đội ngũ tăng ni và phật tử đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của Phật giáo Việt Nam.
Năm 1964, khi Hoà thượng Bích Nguyên về trú trì chùa Viên Giác ở Cầu Đất, Viện Hoá Đạo đã tái bổ nhiệm Ngài về trú trì chùa Linh Sơn – Đà Lạt và kiêm chức vụ trưởng Ban Quản trị trường Bồ đề Đà Lạt.
Chùa tỉnh hội Linh Sơn là nơi diễn ra tất cả những cuộc họp về hoạt động Phật sự của Phật giáo hai tỉnh Lâm Viên và Lâm Đồng vậy nên để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt chung này, năm 1966, một giảng đường đã được hình thành nhờ sự chung sức của Hoà thượng cùng Ban Đại diện tỉnh hội, việc này nhằm đáp ứng cho nhu cầu giáo dục nói riêng và tất cả những hoạt động phật sự của Phật giáo trên vùng đất này nói chung.
Sau khi trở lại trú trì chùa Linh Sơn, từ năm 1964 trở đi đến năm 1974, Hoà thượng đã cùng tỉnh hội Phật giáo Đà Lạt – Tuyên Đức và tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng thành lập ổn định hệ thống các chi hội và khuôn hội. Ngoài ra còn thành lập một số Ký Nhi Viện như: Nhị Trưng, Kiều Đàm, Thái Phiên và một Chẩn Y Viện của Phật giáo[1][8, tr.449-456].
Năm 1973, Hòa thượng được cung thỉnh làm phó chủ đàn giới tại giới đàn Phước Huệ, được tổ chức tại chùa Long Sơn – Nha Trang, trong giới đàn này đàn đầu là Hoà thượng Phúc Hộ và đàn chủ là Hoà thượng Trí Thủ [8, tr.452].
Năm 1974 cho đến sau này, Hoà thượng giữ chức Chánh Đại diện tỉnh hội Phật giáo Tuyên Đức (sau 1975 là toàn tỉnh Lâm Đồng như hiện nay). Từ đây, Hoà thượng đã cùng chư tôn đức trong đoàn thể Phật giáo nơi đây chung sức tham gia đẩy mạnh các hoạt động Phật sự, nhằm đưa Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng ngày càng phát triển ổn định và vững mạnh hơn cho đến ngày Ngài viên tịch.
KẾT LUẬN
Sự phát triển vững mạnh của Phật giáo dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó mấu chốt quan trọng nhất chính là những vị tăng sĩ. Phật giáo trên vùng đất Lâm Đồng giai đoạn Phật giáo mới du nhập đã có công của rất nhiều những vị tăng tài giỏi. Trên đây là ba trong số những vị Hoà thượng nổi bật nhất của Phật giáo Lâm Đồng trong giai đoạn đầu, đó là những vị Hòa thượng đã tận tâm, tận lực cống hiến và hướng dẫn đội ngũ tăng già nơi đây nói riêng, hàng cư sĩ phật tử nơi đây nói chung, giúp họ có một lối đi đúng chính pháp.
Trong đó có vị Hoà thượng trở thành vị tổ khai sơn Phật giáo Lâm Đồng, những vị tiếp theo đã tiếp nối tinh thần hoằng dương đạo pháp, khai sáng vô minh của chư tổ, tiếp tục con đường hoằng hoá lợi sinh, đồng hành cùng tăng đoàn và nhân sinh nơi đây trải qua những giai đoạn thịnh suy của đất nước nước, của Phật giáo Việt Nam, để tiến tới một nền độc lập, tự do của dân tộc và độc lập, tự do của tôn giáo.
Tác giả: Thích nữ Tuệ Uyển Học viên cao học khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Chú thích: [1] Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn (2011), Chư Tôn thiện đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Tập 2, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 449 – 456. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Dương Thanh Mừng (2018), Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Miền Trung Việt Nam (1932 – 1951), Nxb. Đà Nẵng. 2. Kỷ Yếu Về Cội (2012), Kỷ Niệm 55 Năm Ngày Thành Lập Phật Học Viện Trung Phần (1957 – 2012), Nxb. Tổng Hợp, TP. Hồ Chí Minh 3. Môn phái kế thừa thực hiện, Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hoà Thượng Thích Nhơn Nguyện Khai Sơn Tổ Đình Sắc Tứ Linh Quang, tài liệu lưu hành nội bộ. 4. Thích Đồng Bổn (2009), Biên Niên Sử Giới Đàn Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX, Nxb. Tôn giáo 5. Thích Đồng Bổn (2015), Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam – Tập 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 6. Thích Không Trú chủ biên (2008), Lược sử những ngôi chùa tỉnh Lâm Đồng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 7. Thích Quảng Nhuận chủ nhiệm (1950), Tạp chí Hướng Thiện, số 2, in tại nhà in LANGBIAN 28 Phố Chợ - Đà Lạt 8. Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn (2011), Chư Tôn thiện đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Tập 2, Nxb. Tổng Hợp, Tp. Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)