Trang chủ Chuyên đề Những thuận lợi và khó khăn trong hội chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1920-1945)

Những thuận lợi và khó khăn trong hội chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1920-1945)

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

SC.Huệ Lộc
Học viên Thạc sĩ khóa III, chuyên khoa Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh.
Tu học tại chùa Kiều Đàm ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nam kỳ là nơi khởi nguồn, sau đó Trung kỳ, Bắc kỳ cũng hưởng ứng với sự ra đời lần lượt của An Nam Phật học hội và Hội Phật giáo Bắc kỳ. Tuy nhiên trong việc lập hội của mỗi kỳ lại gặp nhiều khó khăn, bài viết nêu lên những khó khăn chung và khó khăn riêng mà các hội phải đương đầu, bên cạnh những khó khăn đó cũng có những mặt thuận lợi, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ của Tăng sĩ trong thời đại mới.

I. DẪN NHẬP

Như chúng ta đã biết Phật giáo Việt Nam thịnh hành nhất dưới hai triều đại Lý – Trần và dần suy yếu vào thời Lê – Nguyễn, vào những năm đầu thế kỷ XX, Phật giáo suy vi đến mức báo động. Tình trạng tăng đồ thất học, chăm lo lợi dưỡng, ứng phó đạo tràng, tín đồ mê tín, chư sơn pháp phái riêng lẻ. Trước thực trạng đó, một số ít các sư tăng giới đức và cư sĩ tri thức cùng nhau chấn hưng Phật giáo để “làm sáng cái đạo đã mờ” và tiến tới mục tiêu thống nhất Phật giáo về một mối, nhưng không có con đường nào dẫn đến thành công mà không trải qua chông gai thử thách, để có được một tổng hội Phật giáo thống nhất và hòa hợp như ngày hôm nay, các bậc tôn túc trong đạo Phật đã phải lao tâm suy nghĩ và vạch kế hoạch để từng bước hoàn thiện, tuy nhiên trong qua trình thực hiện, các cụ phải đối mặt với nhiều can go thử thách, phần từ phía chính quyền thuộc địa, phần từ phía các Tăng sĩ bảo thủ không muốn canh tân, phần vì điều kiện kinh tế, trong ngoài vây bủa, tuy vậy, mọi vấn đề luôn tồn tại hai mặt song hành, bên cạnh những khó khăn chồng chất may mắn thay vẫn lóe lên tia hi vọng, trong chính quyền thuộc địa vẫn còn có người đồng tình ủng hộ, trong hàng Tăng sĩ thủ cựu cũng có người bị thuyết phục, hàng tín đồ đâu đó vẫn còn người tín tâm hộ trợ. Trải qua bao vất vả cuối cùng cũng có ngày thành công. Vì công lao to lớn của những tăng nhân, người đứng đầu gió ngọn sóng cho Phật giáo Việt Nam tươi sáng, chúng tôi chọn đề tài Những thuận lợi và khó khăn trong hội chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1920-1945).

II. NỘI DUNG

2.1. Khó khăn trong hội chấn hưng Phật giáo

Ngoài những vấn đề nan giải của mỗi hội về quá trình thành lập và hoạt động của hội, ở đây có những điểm khó khăn chung mà miền nào cũng gặp phải.

Một số các vị tu sĩ, các tự viện chưa sẵn sàng tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo, bởi nhiều lý do “họ lo ngài về việc va chạm với chính quyền thuộc địa bởi những sắc lệnh về thuế, về sự quản lí và kê khai tài sản cư trú đối với thầy chùa; thêm vào đó là những khó khăn trong các sinh hoạt từ đời sống khiến cho nhiều Tăng Ni, Phật tử buộc phải chú trọng đến việc kiếm kế sinh nhai mà quên mất việc tu hành.”1

Cư sĩ Chí Thiện đăng trên báo Duy Tâm Phật học số 26 rằng: “Thế mà không biết tại sao ở tỉnh thành chúng tôi lại có một số rất đông tăng già không chịu hưởng ứng với cái phong trào chấn hưng Phật giáo đương bồng bột sôi nổi khắp bán đảo hình chữ S này. Trái lại nhiều vị có danh tiếng có thế lực trong tòng lâm lại còn phản đối bài bác đánh đổ cuộc vận động duy tân cải cách Phật giáo cho phù hợp trình độ thế kỷ XX này. Đứng trước thái độ lạ lùng ấy, anh em cư sĩ chúng tôi không khỏi ngạc nghiên”2 và Chí Thiện lại bộc bạch “chúng tôi sợ một nỗi các vị cao tăng đại đức trong bổn tỉnh không hoan hỷ tán trợ thì chớ, lại còn dùng thế lực mà phá hoại kích bác.”3 Cư sĩ Ngô Đơn Quế viết trong Duy Tâm Phật học số 27 rằng: “Công cuộc chấn hưng các nhà sư quan trọng hơn mà các ngài phần nhiều hãy còn mơ mộng chưa chịu chấn hưng. Các ngài đã tiếm xưng trụ trì, tỷ kheo, tăng bảo mà không giữ theo cái chức vị trụ trì, Tỳ-kheo, tăng bảo… than ôi! Nhà sư ở chùa như thế, thì cái ảnh hưởng ấy làm hại cho tín đồ biết sao mà kể. Các ngài đã dụng tâm thế ấy thì các ngài có ham gì mà nói đến chấn hưng Phật giáo. Vì hễ Phật giáo mà chấn hưng thì còn gì để thủ lợi. Thế rồi các ngài cấm không cho những tín đồ của mình mua sách có tính chấn hưng Phật giáo mà coi, không cho vào làm hội viên hội Phật, lại còn bày điều nói xấu đặt chuyện cấm ngăn.”4

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung thuan loi va kho khan trong hoi chan hung Phat giao 1

Phật giáo đã đến đường suy vi nhưng một số Tăng sĩ lại chưa chịu chấn hưng bởi lẽ họ thực sự không biết về thực trạng của Phật giáo, thậm chí bản thân của những vị tu sĩ đó còn mờ mịt, giới luật họ lãnh thọ còn chưa am hiểu nên không biết phải chấn hưng cái gì, đây là sự thiếu hụt về kiến thức nội điển cơ bản nhất.

Bước khó khăn thứ hai trong chấn hưng Phật giáo đó là chính sách hà khắc của thực dân Pháp đối với Phật giáo: Chính sách đô hộ và bóc lột thuộc địa của Pháp diễn ra gay gắt, dẫn đến sự cách trở về giao thông, địa lý góp phần tạo nên khó khăn trong quá trình thực hiện vận động chấn hưng và liên lạc thông tin của các hội. Bên cạnh đó là sự kiểm soát chặt chẽ về hoạt động của hội, bất cứ làm việc gì đều được Khâm sứ, Thống sứ của Pháp thông qua, và đảm bảo những hành động ấy không mang tính chính trị “Hội Phật giáo cần được giám sát chặt chẽ tránh tình trạng mượn vỏ bọc chấn hưng đạo Phật để khích lệ tinh thần dân tộc bản xứ.”5

Thứ ba đó là khó khăn đáng nhắc đến nhất đó là khó khăn về tài chính: Bất cứ làm cái gì cũng cần kinh phí để vận hành và duy trì hoạt động, nhiều hội và thời báo vì thiếu kinh phí hoạt động mà ra đời chưa bao lâu đã phải đình bản, tờ Viên Âm sau năm 1945 cũng phải nhờ sự trợ giúp của nhà in Đuốc Tuệ mới có thể tục bản. Tờ Duy Tâm ra đời chưa bao lâu cũng phải đình bản, hoặc giả như nguyệt san có duy trì được thì cũng rơi vào tình trạng mực in lấm lem, khổ giấy nhỏ xấu, kém chất lượng, còn “Về phương diện đào tạo tăng tài, Hội chỉ mới cấp đủ học bổng cho 1/3 tăng sinh theo học. Theo nhận định của Ban Trị sự thì các Phật học đường sống chật hẹp và phập phồng với số tiền phân nạp khi đủ khi thiếu của các Tỉnh hội. Về phương diện ấn tống báo chí, do thiếu độc giả mua báo hoặc mua nhưng chưa trả tiền đã dẫn đến sự thiếu hụt ngân sách cho việc in ấn các số tiếp theo…”6

Thứ tư chư sơn pháp phái hoạt động riêng lẻ, các sơn môn giữ vai trò chủ chốt trong đào tào tăng tài và hoằng dương chánh pháp, nhưng tồn tại rời rạc, không có liên hệ với nhau. Sơn môn nào biết việc của sơn môn ấy và chỉ vâng mệnh của thầy tổ, điều này làm cho chư tăng giữa các sơn môn không có một sự kiểm soát chung, dần đến tình trạng có nhiều sơn môn nhưng không có ích lợi cho nhân quần xã hội7. Hòa thượng Huệ Quang viết: “Một điều đáng buồn hơn, các tạp chí ra đời rất nhiều, quý hội Phật học thành lập rất lắm; mục đích đồng chấn hưng mà tôn chỉ lại khác nhau. Báo chí phiên dịch chẳng đồng, lắm điều tranh biện, bỉ thử nhau, công kích nhau.”8 Ngoài những khó khăn chung nổi trội đó, mỗi hội cũng có những khó khăn riêng về phương diện lập hội, ngoài sự am tường thủ tục pháp lý của người trình đơn còn đòi hỏi người đó phải có uy tín đối với chính quyền thực dân, hoặc làm việc trong các cơ quan sở tại, điều đó thì chỉ có các vị cư sĩ mới đủ điều kiện.

Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học gặp nhiều khó nhất về thủ tục pháp lý trong việc thành lập hội. Như chúng ta đã biết phong trào chấn hưng Phật giáo được khơi nguồn từ năm 1920 với hội Lục Hòa dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Khánh Hòa9 cùng với các Hòa thượng Như Nhãn, Từ Phong, Huệ Quang, An Lạc, v.v… hội này cũng và đã cho ra đời tạp chí Pháp Âm là tạp chí Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, nhưng hoạt động chấn hưng vẫn không có gì khởi sắc, cho đến năm 1927 Hòa thượng xin phép Thống đốc Nam Kỳ để thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học (NKNCPH) nhưng không được bởi vì trong bản điều lệ có mục không hợp lý “những người không Phật giáo cũng có thể trở thành thường trợ hội viên.”10 Rồi năm sau, ngày 06-04-1928 ngài lại trình đơn xin lập hội lần nữa, kết quả cũng bất thành, lý do “có một số hội viên có thân thế không trong sạch”“một số vị đã qua đời nhưng vẫn có tên trong ban trị sự tạm thời của hội”, cuối cùng dưới sự trợ giúp của ông Trần Nguyên Chấn, Hội NKNCPH mới được phép thành lập, nhưng trước khi hội có tên NKNCPH thì trước đó phải lập hội gọi là “Ban bảo tồn Phật giáo ở Nam kỳ” sau mới đổi thành hội NKNCPH và hội được thông qua vào ngày 26-08-1931.11 Rồi khi hội đã được thành lập, báo đã được xuất bản, thư viện cùng các công trình phụ cũng được kiến thiết, nhưng ngặt nỗi Phật học đường để dạy giáo lý cho Tăng sĩ lại không được xây dựng nên Hòa thượng Khánh Hòa mới lui về và cùng với sư Thiện Chiếu với một số thầy khác lập hội Phật học Lưỡng Xuyên, và kiến thiết một Phật học đường lưu động, cho xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật học để tiếp tục nhiệm vụ chấn hưng Phật giáo.

Như vậy, để thành lập được Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học các cụ phải trải qua nhiều giai đoạn rất vất vả điều đó nói lên khó khăn bên Thống sứ Pháp gây ra cho Phật giáo, và họ chỉ đồng ý cho Phật giáo lập hội khi mà có người của họ trong hội Phật giáo của ta, những vị đó là những người làm việc trong cơ quan của Pháp như ông Commis Chấn. Đồng thời việc đệ đơn tới lần thứ 3 mới thành công cũng cho thấy những hạn chế về ngoại điển của các cụ nhà ta. Mặc dù đối với nội điển các cụ đã làu thông và dịch được kinh sách chữ hán sang chữ quốc ngữ hay ngược lại, thì đối với những thủ tục hành chánh rườm rà các cụ vẫn chưa am tường. Vả lại cũng không có người tu sĩ nào làm việc trong bộ máy chính quyền (gọi là chức sắc) để có thể đứng ra bảo trợ cho Phật giáo.

Tap chi nghien cuu phat hoc Bac si Tam Minh Le Dinh Tham 1

Tại Trung kỳ, đầu năm 1930 Hòa thượng Giác Tiên đứng ra vận động nhân sĩ để thành lập hội nghiên cứu Phật học. Đến năm 1932 dưới sự chỉ huy của của Hòa thượng Giác Tiên, cư sĩ Lê Đình Thám cùng Nguyễn Phúc Ưng Bàng, Hoàng giáp Đinh Văn Chấp… đệ đơn lên Chính phủ Nam triều và Khâm sứ Trung kỳ để xin thành lập Hội Nghiên cứu Phật học. Ngày 17-9-1932 đã được sự chấp thuận của Khâm sứ Trung kỳ, còn chính phủ Nam triều đã chấp thuận trước đó một tháng với tên gọi “Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý PG Société d’Étude et d’Exercice de la religion Bouddhique”. Hội được thành lập, tạp chí Viên Âm, cơ quan ngôn luận của hội cũng được xuất bản 1-12-1933 nhưng chỉ được ghi “Viên Âm nguyệt san của Hội Phật học Huế”. Cho đến 10-8-1936 Khâm sứ Pháp mới thừa nhận tư cách pháp nhân của Hội qua nghị định số 394-S. Năm 1937 ban trị sự của hội sửa đổi các quy tắc và điều lệ cho phù hợp với quy mô của phong trào, Ngày 15-7-1938 Khâm sứ Graffeuil đã chấp thuận hội tên Hội Phật học An Nam qua nghị định số 2159.12 Nhìn chung, quá trình xin phép để lập hội An Nam Phật học có vẻ dễ hơn hội Nam kỳ và Bắc kỳ. Đầu năm 1932 cư sĩ Tâm Minh đệ đơn lên hai cơ quan chính phủ Nam triều và Khâm sứ Trung kỳ thì 9 tháng sau đã được chấp thuận. Tuy nhiên, dù hội đã được sự chấp thuận của chính quyền nhưng hoạt động của hội vẫn ít được phổ biến trong quần chúng và phải mất tới 6 năm (từ năm 1932 – 1938) hội mới được chính phủ Pháp hoàn toàn ghi nhận và từ đó hội mới bắt đầu có tên An Nam Phật học.

Về Hội Phật giáo Bắc kỳ cũng khó khăn giống ở Nam kỳ trong quá trình lập, để thành lập được hội Phật giáo Bắc kỳ. Ở đây cũng trải qua mấy lần đệ đơn lên Thống sứ Bắc kỳ. Đầu tiên vào năm 1932 có hai cư sĩ là Trần Đình Tiến và Nguyễn Gia Huy đệ đơn lên thống sứ Bắc kỳ xin lập hội Nghiên cứu Phật học. Đến ngày 14-11 cùng năm có các cư sĩ ông Vũ Đình Chung, ông Lê Toại13, ông Trần Văn Giác… cũng đệ đơn xin lập “Hội Phật giáo Lục hòa” nhưng vẫn không có kết quả, lý do “những người sáng lập dường như không đủ tư cách để đảm bảo thực hiện những việc mà hội dự định. Một vài người trong số họ không đủ uy tín và tin cậy đối với chính phủ bảo hộ”. Vì không thành lập được hội nên họ chuyển sang thành lập “Phật học tùng thư” (nơi để gặp gỡ trao đổi, các ý tưởng chấn hưng Phật giáo giữa chư tăng và các nhà thiện tri thức như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Quỳnh), trước đó sư Trí Hải cùng với các thanh niên tăng ở Hà Nam đã lập Lục hòa tịnh lữ (tu theo 6 phép lục hòa), sau những người trong Phật học tùng thư được sự trợ giúp của ông Nguyễn Năng Quốc14 ngày 28/8/1934 ông Quốc trình đơn lên Thống sứ Bắc kỳ hội Phật giáo Bắc kỳ mới được thành lập và được công bố chính thức vào ngày 6-11-1934 theo quyết định số 4283.15 Ở đây, chúng ta lại bắt gặp khó khăn giống với khó khăn ở Nam Kỳ về thủ tục pháp lý trong việc thành lập hội, cũng như sự hạn chế về ngoại điển của các cụ, chỉ khác mỗi một điều là ở Nam kỳ, tư tưởng chấn hưng khởi nguồn từ Tăng sĩ tiêu biểu là cụ Khánh Hòa, còn ở Bắc kỳ tầng lớp cư sĩ đóng vai trò khởi xướng, đầu tiên là Trần Đình Tiến và Nguyễn Gia Huy.

2.2. Thuận lợi của phong trào

Điểm thuận lợi của phong trào chấn hưng Phật giáo đó là nhờ vào tinh thần kiên định và ý chí kiên quyết của các bậc Tăng sĩ đầu nghành, các cụ không những có lòng tin vững chắc vào tương lai của Phật giáo (một tôn giáo song hành cùng đất nước) mà các cụ còn có lòng yêu quê hương đất nước, niềm tin ấy là động lực đưa đến thành công trong việc lập hội chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nói chung và ba miền nói riêng.

Thứ nữa, phong trào chấn hưng được sự ủng hộ của các tầng lớp, đa phần tầng lớp cư sĩ tri thức, nhà Nho yêu nước, một trong các vị cư sĩ tiêu biểu đó là tại Nam kỳ có ông Trần Nguyên Chấn, tại Trung kỳ có cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và tại Bắc kỳ có ông Nguyễn Năng Quốc. Ngoài ra còn có các vị cư sĩ khác làm việc trong hội Phật giáo của ba kỳ “chúng tôi đã được gặp những nhà tri thức, nhà văn, nhà báo lúc bấy giờ như ông Lê Dư, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh. Khi gặp nhau, trao đổi về việc thành lập hội Phật giáo nhằm chấn chỉnh lại tinh thần Phật giáo nước nhà thì tất cả mọi người đều nói là đã có hoài bão từ lâu cả rồi, nhưng chưa gặp được các sư cộng tác cũng như chưa có cơ hội thuận tiện.”16 Ngoài ra sự có mặt của người Pháp tiến bộ cũng ủng hộ việc chấn hưng Phật giáo, điển hình như ông Robert đốc học trường Pháp – Hoa, Chợ Quán, Sài Gòn nói rằng “Việc chấn hưng tuyệt nhiên không có gì là trái với lợi quyền của chính phủ Pháp ở Đông Dương”17, chắc rằng đây là lời nói ngầm ủng hộ việc thành lập hội chấn hưng Phật giáo, điều này tạo ra động lực mạnh cho các cụ thời bấy giờ.

Sự ra đời của các tổ chức Phật giáo góp phần cổ vũ cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Nhiều học viện được khai mở như học viện Trúc Lâm, Tây Thiên, Báo Quốc ở Huế, học viện ở chùa Vĩnh Bửu, học viện Lưỡng Xuyên ở Nam kỳ; Lớp học chùa Bồ Đề, Bà Đá, Hòe Giai… ở Bắc kỳ đã đặt nền móng cho hệ thống giáo dục Tăng Ni một cách toàn diện và hoàn thiện các cấp học cũng như khóa học từ sơ đẳng lên đại học. Bên cạnh đó nhờ những hội này được thành lập mà công tác văn hóa được xúc tiến, nhiều tác phẩm văn học được ra đời, nhiều chùa chiền được trùng tu như ngôi chùa Quán Sứ (Hà Nội), hàng tín đồ lấy lại niềm tin Phật giáo và áp dụng giáo lý Phật giáo vào đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Việc hình thành hội chấn hưng Phật giáo ở ba miền được xem như chất xúc tác để tiến tới thành lập một tổng hội Phật giáo thống nhất sau này. Mục đích trước mắt là “các tổ chức này đều hướng đến mục tiêu là cải tổ đường lối tu tập và cách thức sinh hoạt của tăng già, đổi mới phương thức giáo dục và đào tạo tăng ni sinh, ra báo chí làm hậu thuẫn cho các hoạt động hoằng dương Chánh pháp, Việt hóa kinh sách Phật giáo phục vụ cho hoạt động tu tập và nghiên cứu…”18 hướng tới mục đích tối hậu là “thành lập các hội Phật giáo để làm nền tảng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo và vận động các hội Phật giáo ba  miền để thống nhất giáo hội Tăng già trong toàn quốc bằng cách lập Tổng hội Phật giáo”19“Duy Tâm thường thường lên tiếng kêu gọi thành lập một Phật giáo tổng hội để thống nhất tổ chức Phật giáo Việt Nam.”20

2.3. Bài học kinh nghiệm và liên hệ ngày nay

Từ những khó khăn trong việc thành lập hội chấn hưng Phật giáo ở ba kỳ, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đó là trong giai đoạn ngày nay, ngoài việc am tường nội điển, người tu sĩ còn phải trau dồi cho mình kiến thức về ngoại điển, và việc học phải luôn đi đôi với việc làm, vì đạo Phật là đạo thực hành, nếu học mà không tu là như cái đãy đựng sách mà thôi, còn tu mà không học thì như kẻ tu mù.

Tap chi nghien cuu phat hoc So thang 1.2021 Co Phat giao co tu bao gio 2

Bài học tiếp theo cũng không kém phần quan trọng đó là vai trò và bổn phận của người cư sĩ rất quan trọng đối với hàng Tăng sĩ Phật giáo. Vào thời đức Phật vai trò của người cư sĩ đã phát huy tột độ qua tấm gương của vị Anathapindhika (Cấp Cô Độc) và thái tử Kỳ Đà đã dâng cúng tịnh xá, vua Bimbisara (Bình Sa vương) mộ đạo, hay một phu nhân Thắng Man, hay nữ thí chủ Visākhā (Tỳ Xá Khư)… thì nay những vị cư sĩ như Tâm Minh Lê Đình Thám, Nguyễn Năng Quốc, Trần Nguyên Chấn cũng là những cư sĩ hỗ trợ đắc lực cho Phật pháp.

Phong trào chấn hưng Phật giáo được thành công đó là nhờ vào việc các cụ xác định đúng nguyên nhân làm cho Phật giáo suy đồi, vì có tìm ra nguyên nhân thì mới tìm ra được hướng giải quyết đúng đắn. Ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ “ngu”“dốt” của Tăng sĩ, từ ngu dốt đó nên không biết lấy gì để dẫn dắt tín đồ, dẫn đến tín đồ mê tín. Chính vì vậy mà mục tiêu được chú trọng hàng đầu trong phong trào chấn hưng đó là giáo dục Tăng sĩ “đào tạo tăng tài” “vai trò và vị trí của tăng già đối với sự nghiệp chấn hưng là vô cùng quan trọng. Bởi nếu tăng già đánh mất địa vị và nhân phẩm của mình thì quần chúng sẽ mất dần niềm tin vào Phật pháp, công cuộc chấn hưng sẽ khó đạt đến những thành công.”21 Ngày nay, trình độ của hàng tu sĩ được nâng cao nhưng cũng không thể lơ là, chủ quan được, mà phải trau dồi kiến thức thường xuyên như vậy mới không lạc hậu đối với xã hội, và đảm bảo được tự lợi lợi tha.

III. KẾT LUẬN

Khó khăn không phải là chướng ngại vật cản trở con đường dẫn đến mục đích của hội, mà khó khăn được xem như là chất xúc tác, là động lực thôi thúc hội chấn hưng kiên cường hơn trên đường tiến tới thống nhất thành một tổng hội Phật giáo. Đứng trước khó khăn trong quá trình chấn hưng Phật giáo các cụ đã chọn bước qua khó khăn chứ không đầu hàng khó khăn đó là bài pháp sống cho hàng hậu học chúng ta trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã đem lại nguồn sinh khí cho Phật giáo Việt Nam, các cụ đã làm cái việc mà giống như đức Từ phụ đã làm cách đây hàng ngàn thế kỷ, đó là “dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để ai có mắt có thể thấy sắc.”

SC.Huệ Lộc
Học viên Thạc sĩ khóa III, chuyên khoa Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh.
Tu học tại chùa Kiều Đàm ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

————-

CHÚ THÍCH

1 Dương Thanh Mừng (2020), “Tìm hiểu công tác giáo dục và đào tạo tăng tài của hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934-1945)”, Nghiên cứu Phật học tập 1 (11. 2019) Nxb Hồng Đức, tr.75.
2 Bức thư của cư sĩ Chí Thiện, Duy Tâm Phật học tập 3, số 26, tr. 94.
3 Tlđd, tr. 95.
4 Ngô Đơn Quế, Phải nhờ các bạn thanh niên cư sĩ thì công cuộc chấn hưng mới mau phổ cập, Duy Tâm Phật học tập 3, số 27, tr. 143- 144.
5 Tài liệu lưu trữ quốc gia 2, SC, D9. 56/58, trong Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ (1934-1945) của Ninh Thị Sinh, tr. 74.
6 Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng, tr. 49
7 Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ. Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 39.
8 Huệ Quang, “Cảnh mộng xuân”, Duy Tâm Phật học, số 28, tr. 160-164.
9 HT. Khánh Hòa, thế danh là Lê Văn Hiệp (1877-1947) người quê ở Bến Tre, từ nhỏ đã học chữ Nho, từng theo học với cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhờ vậy nên Hán học rất vững chắc, được HT. Chánh Tâm chùa Kim Cang ở Long An nhận làm đệ tử và đặt pháp danh là Khánh Hòa, hiệu Như Trí. HT. Khánh Hòa nỗ lực học tập đạt được thành tựu thông thạo nội điển lẫn quốc văn. Khi HT chùa Tuyên Linh mất, Phật tử thỉnh HT. Khánh Hòa về trụ trì chùa Tuyên Linh.
10 Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, tr. 73.
11 Ninh Thị Sinh , Sđd, tr. 71-75.
12 Dương Thanh Mừng, Sđd, tr. 53.
13 Lê Toại, Người mộ đạo Phật, ông nêu 10 việc để chấn hưng Phật giáo là: Thành lập hội Phật giáo, mở trường Phật học, phiên dịch kinh điển ra chữ quốc ngữ, lễ bái cầu nguyện theo giáo lý, bài trừ mê tín dị đoan, thực hành từ thiện, phát triển thuốc Nam…, ông còn ủng hộ đảng An Nam độc lập bằng cách phổ biển các bài báo chống Pháp của hội đó. Điều này góp phần dẫn đến bất lợi trong việc thành lập hội Phật giáo Lục hòa.
14 Nguyễn Năng Quốc sinh năm 1870 tại Nha Trang, học tiếng Pháp tại Hà Nội, làm thông dịch viên ở Huế, giữ nhiều chức quan. Ông cũng là thành viên của phái đoàn thường trực của các quan Đông Dương ở Pháp, ông cũng là người có tư tưởng chấn hưng Phật giáo.
15 Ninh Thị Sinh, Sđd, tr. 103.
16 Trí Hải, “Hồi ký thành lập hội Phật giáo Việt Nam”, tr. 27, trong tác phẩn của Ninh Thị Sinh, tr. 91.
17 Bất Tài Tử, “Cái chương trình nên thực hành ngay”, Đông Pháp số 330, ngày 3/3/1927 trong Ninh Thị Sinh, Sđd, tr. 70
18 Dương Thanh Mừng (2017), Sđd, tr. 42.
19 Nguyễn Công Lý (2018), “Quan Điểm của Hòa thượng Khánh Hòa về công cuộc chấn hưng Phật giáo”. Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn, Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr. 84.
20 Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr. 655.
21 Dương Thanh Mừng, Sđd, tr. 89.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Trí Hải, “Hồi ký thành lập hội Phật giáo Việt Nam”, tr. 27, trong tác phẩn của Ninh Thị Sinh.
Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
Dương Thanh Mừng (2020), “Tìm hiểu công tác giáo dục và đào tạo tăng tài của hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934-1945)”, Nghiên cứu Phật học tập 1 (11. 2019) Nxb Hồng Đức.
Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb Đà Nẵng.
Huệ Quang, “Cảnh mộng xuân”, Duy Tâm Phật học, số 28.
Ngô Đơn Quế, “Phải nhờ các bạn thanh niên cư sĩ thì công cuộc chấn hưng mới mau phổ cập”, Duy Tâm Phật học tập 3, số 27.
Ninh Thị Sinh, Bất Tài Tử, “Cái chương trình nên thực hành ngay”, Đông Pháp số 330, ngày 3-3-1927.
Ninh Thị Sinh, Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ Trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020.
Ninh Thị Sinh, Tài liệu lưu trữ quốc gia 2, SC, D9. 56/58.
Bức thư của cư sĩ Chí Thiện, Duy Tâm Phật học tập 3, số 26.
Nguyễn Quốc Tuấn (2018), Thích Đồng Bổn, Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường