Kinh đại Phương Tiện Phật Báo Ân có đoạn “người nào muốn Báo ơn nghĩa to lớn, Không có cách nào hơn là phát tâm Bồ đề cầu giác ngộ, rồi tìm cách hướng dẫn người thân của mình và chúng sinh đồng phát tâm Bồ đề, đó là cách báo ân rốt ráo”.

Chuyện Sư cô Diệu Cúc

Sư cô là tấm gương sáng, điển hình trên con đường tu học và thực hành giáo lý đức Phật. Sư cô sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, là người con út trong gia đình. Song thân vẫn còn đầy đủ. Cơ duyên đến, vào năm 1992 sư cô thế phát xuất gia với Ni trưởng Thích Nữ Thanh Thiện, trụ trì chùa Phật Bửu, Quận 4, Tp.HCM.

Từ khi xuất gia, Sư cô luôn ở bên cạnh chăm sóc cho thầy, vì Ni trưởng Thanh Thiện (Sư phụ của cô) bị mù lòa, không thấy đường và 3 vị Ni trưởng, Ni sư, đều lớn tuổi; không thể tự đi lại và sinh hoạt cá nhân được, kể cả vệ sinh cá nhân.

Sau một thời gian được thầy Bổn sư chỉ dạy, cộng thêm sự chịu khó và ham học hỏi, Sư cô hiểu được lời dạy của thầy Bổn sư và giáo lý nhiệm màu của đức Phật; cảm nhận được sự an lạc do tu tập mà có được. Vào năm 1996, Sư cô đã khuyên người cha và chị cả xuất gia theo Phật. Đến năm 1998, Sư cô lại tiếp tục gieo duyên cho người chị kế xuất gia.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Phật học tại Tp.HCM; nhân duyên đầy đủ Sư cô trở về tỉnh Cà Mau tiếp tục tu học và tham gia công tác phật sự. Tại đây Sư cô hướng dẫn và giác ngộ được nhiều thân quyến, cùng đồng bào phật tử quy y Tam bảo. Tham gia giảng dạy Trường hạ Ni chúng; giảng dạy các khóa tu mùa hè; khóa tu phật thất, hàng năm tại các chùa trong tỉnh. Tham gia chương trình công tác an sinh xã hội và được tặng nhiều bằng và giấy khen của UBMTTQ tỉnh; Giáo hội tỉnh.

Sư cô đã vận động xây dựng mới chùa Phước Hưng, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình; là một trong hai vị có công thành lập BTS GHPGVN huyện Thới Bình.

Với tâm nguyện của mình: “đã sinh ra trong đạo Pháp, phải có công gì với chúng sinh”; Sư cô đã dấn thân không mệt mỏi, hoằng dương chính pháp, phục vụ lợi ích cho đạo pháp, cho dân tộc.

Hiện nay, gia đình Sư cô còn lại người mẹ già và người anh cả. Người mẹ bị tai biến trên 10 năm; anh cả thì có gia đình ở riêng. Người cha và các chị sau khi xuất gia tu học, mỗi người theo nhân duyên đi một hướng riêng: cha, thì tu học ở tỉnh Long An; chị lớn tu học ở tỉnh An Giang; chị kế, sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo Tp.HCM, hiện nay đang đi du học tại Myanmar. Mặc dù bận rộn nhiều chương trình phật sự, nhưng Sư cô thường xuyên quan tâm dành thời gian chăm sóc cho mẹ già, thực hiện trọn vẹn tinh thần “Hiếu dưỡng” và “Hiếu đạo”.

Tấm gương của Sư cô Thích Nữ Diệu Cúc là một tấm gương sáng, điển hình về hiếu đạo và báo hiếu cha mẹ. Sư cô là sự tiếp nối và thể hiện một truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay.

Tấm gương phật tử Diệu Thiện

Đức Phật từng dạy rằng, chăm sóc người ốm cũng như chăm sóc đức Phật. Nếu người ốm đó lại chính là cha mẹ chúng ta, thì sự chăm sóc phải ân cần chu đáo gấp trăm ngàn lần.

Câu chuyện của phật tử Diệu Thiện, thế danh Thượng Thị Hạnh Trinh là một tấm gương điển hình trong số đó.

Cha mất sớm, cô vừa làm công chức nhà nước, vừa làm kinh tế để nuôi mẹ già trên 86 tuổi và hai người chị độc thân. Là một người phật tử thuần thành kính tín Tam bảo, cô đã thực hiện tinh thần hiếu đạo của người con Phật, khi thấm nhuần lời dạy của đức Phật cô đã khuyên mẹ và gia đình quy y Tam bảo.

Trong vai trò Phó đoàn Ca múa nhạc Dân tộc tỉnh Bình Dương, Phó Ban Văn hóa BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương hàng năm cô đều tham gia vào các hoạt động văn nghệ Phật giáo của tỉnh. Cô luôn tận tụy và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó, chính vì vậy cô được đồng nghiệp và mọi người thương mến.

Mỗi lần đứng trước Tam bảo cô phát nguyện: “Tất cả những công đức mà cô đã làm được cho đạo pháp và xã hội đều hồi hướng để cầu nguyện cho mẹ già được khỏe mạnh và tin sâu nhân quả, cầu siêu cho hương linh cha được siêu sinh cõi Phật.”

Thật khó lòng nói hết được tình yêu của cô dành cho cha mẹ và hai người chị độc thân, những hành động hiếu nghĩa đó, cô đã góp phần tạo nên tấm gương điển hình trong xã hội hiện nay, những việc làm tưởng chừng bình dị mà lại sâu sắc trong lòng của người con Phật.

Tấm gương về hiến máu nhân đạo và hoạt động thiện nguyện

Anh Nguyễn Văn Tác 47 tuổi, hiến máu tình nguyện đã trên 65 lần, trở thành một trong những “kỷ lục gia” có số lần hiến máu nhiều nhất ở Tp.Cần Thơ. Anh luôn quan tâm vận động đồng đạo, người thân, bạn bè tham gia hiến máu, tạo nên khí thế rất sôi nổi trong phong trào hiến máu tại địa phương.

Suốt 13 năm làm tài xế miễn phí xe cấp cứu cho Hội Chữ thập đỏ xã, anh đã đặt chân mình đến rất nhiều vùng, miền của tổ quốc với tấm lòng nhân ái, trong sáng. Nhiều lần anh đã trực tiếp hiến máu cho nạn nhân trong cơn thập tử nhất sinh, nhờ đó nhiều bệnh nhân đã được cứu sống kịp thời.

Với thành tích hiến máu nhân đạo , năm 2007 anh đã được báo cáo điển hình tại Hà Nội và nhận nhiều bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương của Bộ Y tế, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Nổi bật với thành tích hiến máu, anh còn tham gia làm từ thiện.

Chiếc xe cấp cứu mang biển số 65A-02908 hàng ngày tất bật lên đường phụng sự xã hội, sau chiếc vô lăng là một khuôn mặt độ lượng, bao dung đang ánh lên những tia sáng ấm áp rất lạ thường.

Những đơn vị máu quý giá đó đã cứu tính mạng của nhiều người bệnh đang cần đến máu.

Hiện nay có nhiều người tham gia hoạt động tình nguyện, mỗi người trong số đó có những cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là mong muốn sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh, mảnh đời còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Chuyện của anh Trần Anh Tuấn, sinh năm 1981 là Cán bộ phòng Công tác Đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng, trường Đại học Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy.

Năm 2014, anh Trần Anh Tuấn phối hợp với các câu lạc bộ thiện nguyện tổ chức hoạt động mang âm nhạc đến bệnh viện Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương và Bệnh viện K (Cơ sở 3 – Tân Triều), đều đặn 1- 3 lần/tháng vào các dịp lễ Tết, hoặc các ngày cuối tuần. Mở lớp dạy đàn guitar miễn phí cho trẻ em khiếm thị tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội vào cuối giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Và tham gia hoạt động từ thiện, cứu trợ, chia sẻ cùng người dân vùng sâu, vùng xa.

Thời gian gần đây, anh Tuấn còn bán chổi giúp đỡ vợ, chồng anh Nhất, chị Thu là người khuyết tật, hội viên của Hợp tác xã Ánh Sáng, thuộc Hội người mù quận Hà Đông. Thấy anh Nhất hàng ngày cắp chổi đi bán rong trên khắp các con phố của Hà Nội, anh Tuấn đã chở anh Nhất đi bán hàng vào giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ tan tầm.

Với tinh thần hăng hái tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, ngày 3/5/2016, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi thư khen ngợi, đánh giá anh là tấm gương hành động tiêu biểu cho hình ảnh, phẩm chất và tinh thần phục vụ của người cán bộ, chiến sĩ Công an.

Xung quanh ta luôn có những con người bình dị, nhưng đằng sau đó là cả tấm lòng “yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ” chính điều đó đã gắn kết tinh thần tương thân, tương ái đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Anh Trần Anh Tuấn (thứ 2 từ phải qua) và các đồng đội biểu diễn văn nghê cho các bệnh nhân nhi.

Phạm Đình Tú và ngôi trường mầm non dạy đệ tử quy

Tại Hà Nội, có một ngôi trường mầm non áp dụng phương pháp giáo dục hết sức đặc biệt. Ở đó, hiệu trưởng cũng như giáo viên luôn khoanh tay, cúi chào khi gặp học sinh và phụ huynh.

Chuyện kể về gia đình anh Phạm Đình Tú, một người cha có trách nhiệm luôn đặt chữ “đạo đức” lên hàng đầu. Chính vì vậy anh luôn trăn trở, thôi thúc suy nghĩ phải dạy con trẻ nhân cách từ những thứ nhỏ nhất. Học ăn, học nói, học gói, học mở, con trẻ cần được dạy đạo đức trước khi được dạy những thứ khác trên đời.

Sau gần 2 năm thành lập và duy trì các lớp học Đệ Tử Quy cho cha mẹ và các con, bằng sự chân thành và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục “đạo đức, lễ nghĩa và nhân cách” cho trẻ.

Phương pháp giáo dục của Trường Mầm non Giáo dục Nhân cách Khai Trí là lấy Đệ Tử Quy làm gốc. Các con được chăm sóc, học tập và dạy dỗ trong một môi trường đầy tính nhân văn, vun bồi nền tảng đạo đức để trở thành một con người Hiếu - Đễ - Cẩn - Tín.

Nhìn thấy các em học Đệ Tử Quy hàng ngày anh tin đất nước sẽ đi lên và phát triển từ những đứa trẻ được vun bồi đạo đức, lễ nghĩa từ tấm bé. Chúng ta hãy cùng đặt hy vọng vào một thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ có trí tuệ, kỹ năng mà còn là những con người có đạo đức, lễ nghĩa và nhân cách.

Anh Tú quan niệm, dù sống trong xã hội nào thì “đạo đức, lễ nghĩa” tinh thần “hiếu đạo” luôn được đề cao và tôn trọng, xã hội phát triển chúng ta lại càng dễ dàng đánh mất đi cái cốt lõi đạo đức của cha ông đã trao truyền. Chính vì vậy những tấm gương điển hình trên đây là minh chứng cho đạo hiếu của dân tộc Việt Nam xưa nay vẫn không thay đổi. Những tấm gương đó có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cảm động hai câu chuyện hiến tạng

ột người hiến tạng có thể cứu sống được 8 đến 10 người khác, bởi vậy hành động không chỉ thể hiện đức hạnh cao cả của con người, khi sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể của mình để cứu giúp người khác; mà đây còn là hành động chỉ những người có đạo hiếu mới có được.

Dù làm được những việc thiêng liêng và vĩ đại như vậy, nhưng những con người “thầm lặng” ấy luôn giữ cho mình sự khiêm tốn và bình dị mỗi khi nghe người khác nhắn đến chuyện hiến tạng của bản thân.

Sư thầy Thích Đạo Cảnh, sinh năm 1961, quê ở Vĩnh Phúc xuất gia, khoác áo tu hành và gắn với ngôi chùa Diên Phúc, huyện Hoài Đức, Hà Nội được khoảng 10 năm nay.

Khi thầy phát hiện bị ung thư, thầy vẫn luôn bình tĩnh và tự tại như không có gì xảy ra, hằng ngày chuyên lo việc tụng kinh, niệm Phật.

Mỗi lần tụng kinh thầy luôn hứa nguyện nếu như có người bệnh cần sự giúp đỡ về mô tạng thì thầy sẽ hoan hỷ hiến tặng.

Khi cơ duyên đã đủ, thầy gặp được một người có các chỉ số trùng hợp với quả thận của mình.

Sư thầy tâm sự, sau khi hiến thận thành công thì thầy lại thấy khỏe hơn. Khối u trong gan cũng đã nhỏ hơn nhưng lại chuyển sang u máu. Bây giờ lại thêm bệnh xơ gan cổ trướng. Nhưng mặc kệ những cơn đau, thầy vẫn ngày đêm niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” và trau dồi giáo lý nhà Phật mỗi ngày.

Hành động cao đẹp, đầy tính nhân văn của thầy chính là đức tính từ bi, tình yêu của thầy đối với chúng sinh mà giáo lý của đức Phật đã chỉ dạy.

Ở Hà Tĩnh có câu chuyện của em Nguyễn Thị Sáng cũng hết sức đặc biệt.

Em Nguyễn Thị Sáng năm nay 19 tuổi, là một người con hiếu thảo, hết lòng chăm sóc gia đình. Ngày 17/03/2017 mẹ em không may bị tai nạn giao thông trong lúc đi bộ qua đường. Trong cơn nguy kịch, đau đớn phải mất đi một người mẹ yêu quý, em đã có một quyết định hết sức dũng cảm, mà ở lứa tuổi đôi mươi ít ai hiểu được.

Đó là quyết định hiến tạng của người mẹ đã chết não, một quyết định hết sức bất ngờ cho mọi người xung quanh, nhưng cũng chính quyết định đó đã góp phần cứu sống 4 bệnh nhân khác trong các ca ghép thận, gan và giác mạc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.HCM.

Hành động hiếu nghĩa cao đẹp của em đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư khen ngợi, động viên và nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm trên cả nước.

Trong thư khen, Chủ tịch nước viết: “Tôi hết sức xúc động… trân trọng và đánh giá cao cháu, tuy còn trẻ nhưng đã vượt qua định kiến xã hội, vượt qua khó khăn, mất mát của gia đình để làm được việc đầy tình người... Mong các cấp chính quyền, đoàn thể, bà con hãy quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình cháu vượt qua thời khắc khó khăn này.”

Trên hết, em đã đóng góp một hành động “hiếu đạo” cao đẹp cho cộng đồng người với người nói chung và người Việt Nam nói riêng. Hành động đó sẽ còn in dấu trong tình yêu thương, và sự biết ơn vô hạn của những người.

Tác giả: Lê Văn Thông Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7/2017