TÔN TƯ MẠC: “KINH HOA NGHIÊM LÀ KINH LỚN NHẤT”.
Vào niên hiệu Thượng Nguyên (674-676), TÔN TƯ MẠC nhờ uống Lưu châu đan và Vân mẫu phấn (thuốc luyện đơn của các đạo sĩ) nên thọ đến 150 tuổi.
Tướng mạo của ông trông giống như một đồng tử.
Lần nọ, ông đến Trường An, nói về những chuyện xảy ra trong các đời Tề, Ngụy rõ ràng như tận mắt trông thấy.
Ông còn chép bảy trăm năm mươi bộ KINH HOA NGHIÊM.
Vua Thái Tông muốn đọc kinh Phật, nên hỏi Tôn Tư Mạc:
- Kinh nào là lớn nhất?
Tôn Tư Mạc tâu:
- KINH HOA NGHIÊM là kinh LỚN NHẤT.
Vua lại hỏi:
- Gần đây có bộ ĐẠI BÁT NHÃ 600 quyển do tam tạng Huyền Tráng dịch nhưng sao không cho là lớn.
Còn KINH HOA NGHIÊM chỉ có 80 quyển mà lại cho là lớn ư?
Tôn Tư Mạc thưa:
- Pháp giới Hoa Nghiêm đầy đủ tất cả. Trong một môn có thể diễn thành quyển kinh lớn bằng đại thiên thế giới.
Còn KINH BÁT NHÃ chính là một môn trong KINH HOA NGHIÊM mà thôi.
Nghe vậy, vua Thái Tông tỏ ngộ.
Ngài phát tâm thụ trì HOA NGHIÊM NHẤT THỪA BÍ GIÁO, cũng gọi là ĐẠI BẤT TƯ NGHỊ GIẢI THOÁT KINH.
--
Vì kinh Hoa Nghiêm này có công năng lớn nên sự cảm ứng cũng lớn.
Người học đạo muốn tu tập theo tâm tuệ của Phật, thấu rõ cảnh giới Phật, chứng đắc quả vị Phật, nên y theo biển pháp tính Nhất thừa này mà tu hành, thì không cần trải qua các giai vị.
Khi vừa phát tâm, liền thành Chánh Giác ngang bằng với các đức Như Lai trong ba đời.
“Ví như giọt nước từ các dòng sông vừa chảy vào biển, liền được gọi là nước biển”.
*Cũng vậy, nếu người nương theo Đại thừa, Nhị thừa, Quyền giáo mà tu đủ muôn hạnh, thì dù trải qua nhiều kiếp dài lâu, cũng không bằng nghe kinh này.
Chỉ dùng một chút phương tiện liền sớm chứng quả BỒ ĐỀ.
---
Trích "NHỮNG TRUYỆN CẢM ỨNG VỀ KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM”
-Biên soạn: Cư Sĩ Hồ U Trinh.
-Việt Dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
-Hiệu Đính: Định Huệ
“THOÁT ĐẠI NẠN VÀ THÀNH TỰU SỞ NGUYỆN LÀ NHỜ NĂNG LỰC TRÌ KINH HOA NGHIÊM”
Sư THÍCH PHỔ AN họ Quách, người Kinh Dương, Kinh Triệu.
Thuở nhỏ, Sư lễ thiền sư Viên cầu xuất gia.
Sau khi vào đạo, Sư giữ vững tiết tháo, xả bỏ việc đời, tính tình nhu hòa, nhẫn nại, không gây oán.
Sư thường thay chúng làm các việc nặng nhọc, nhận lãnh những điều khó khổ, mà lòng vẫn vui vẻ.
Sư lại còn sợ không có việc để làm.
Khi lớn tuổi, Sư tham học nơi pháp sư Ái.
Thời gian sau, Sư THÍCH PHỔ AN đã tinh thông Tam tạng nhưng thường tu tập theo KINH HOA NGHIÊM.
Sư đọc tụng, suy gẫm, và lấy Kinh HOA NGHIÊM này làm mục đích tu hành.
--
Đến khi nhà Chu hủy diệt Phật pháp, Sư ẩn cư nơi rừng sâu tại Tây Kì ở hang Tiện Tử, núi Chung Nam.
Sư sống nơi rừng sâu, thoát ngoài trần thế.
Đức hạnh của sư trong sạch như suối, tiết tháo vững chắc như đá.
Và hành tung của Sư cũng như dấu chim, bóng cá.
---
Về sau, Sư mời pháp sư Tĩnh Uyên về ở chung nơi rừng vắng, chọn lấy yếu chỉ sâu kín, thể nhận được lý vi diệu.
Sư lại hành trì khổ hạnh, xả thân cho muôn vật.
Có lúc bày thân nơi cỏ rậm cho các loài ruồi muỗi đến đốt, máu chảy khắp thân, nhưng Sư không hề sợ hãi.
Có khi sư nằm như thây chết để thí thân cho loài hổ sói.
Sư mong chúng được sống, còn mình xả thân để hợp bản nguyện, nhưng chúng đến ngửi mà không ăn.
Do đó, trong lòng luôn bất an, hận rằng chẳng tròn tâm nguyện.
--
Gặp lúc đất nước loạn lạc, đạo pháp mịt mờ, lệnh nước lại nghiêm ngặt, không cho tăng ni trốn thoát.
Bấy giờ, hơn 30 vị tăng danh đức ở Kinh đô lánh nạn tại Chung Nam, nhưng chưa có nơi an ổn.
Sư bèn mời tất cả các vị này đến ở yên tại một nơi sâu kín, chủ yếu ở các vùng bờ bãi.
Riêng mình thì lộ diện đi khất thực mà không sợ bị bắt giết.
Cho nên, thức ăn và y phục cung cấp cho chúng tăng đều đầy đủ.
Việc tu hành cũng không ngưng trệ.
“Thời loạn mới biết kẻ sĩ” đúng là Sư đó ư?
--
Lại có lệnh hễ ai bắt được một vị tăng sẽ được thưởng 10 xấp lụa.
Có người bằng lòng đi tìm và muốn bắt Sư.
Sư an ủi họ:
-“Xem ông là người nghèo khổ, ta xin giao mạng sống cho ông để ông được thưởng”.
Thế là, cả hai cùng vào Kinh đô.
--
Bấy giờ, vua bảo người kia:
-“Phép của nước ta nghiêm cấm đạo nhân ở trong nhân gian. Ngươi lại không cho ở trong núi.
Nếu vậy thì họ sống nơi nào?
Trẫm thấy vị Đạo nhân này thần thái chí khí phi thường, không mong cầu được sống, vậy nên thả ông ta vào núi, cũng không cần tra xét”.
Sau này, nhiều lần bị bắt nhưng Sư cũng được thả như trước.
--
Lúc đó, pháp sư Ái đang lánh nạn tại một nhà giàu có tên là Đỗ Ánh ở Nghĩa Cốc.
Ông đào một cái hang để giấu Pháp sư.
Sau khi được thả về, nghe tin này, Sư đến thăm Pháp sư.
Pháp sư nói:
- An Công thần thái chí khí hơn người, không sợ phép cấm nghiêm ngặt. Có lẽ khó ai sánh kịp.
*Sư thưa:
- “Nay tôi được thoát nạn là nhờ năng lực trì tụng KINH HOA NGHIÊM.
Tất cả sở nguyện được thành tựu cũng đều nhờ năng lực trì tụng KINH HOA NGHIÊM này.”
--
Nhân đó, Sư thỉnh pháp sư Ái về núi, tự mình lo liệu mọi thứ.
Bấy giờ, người khắp nơi rầm rộ kéo về.
Sư cùng pháp sư Ái mở rộng trụ xứ.
Điều này được ghi đầy đủ trong Biệt truyện.
--
Đầu đời Tùy Văn Đế (Dương Kiên, 581-604), Phật giáo lại hưng thịnh.
Vua cho tìm khắp các vị tăng hiện còn và y theo phép xưa mà định đặt sắp xếp.
Lúc ấy, hơn 30 vị ở hang Tiện Tử vâng chiếu xuất gia trở lại và ở tại Quan tự.
Tuy Sư rất vui với việc Phật pháp phục hưng, nhưng không chạy theo danh lợi, vẫn sống ở chốn núi rừng.
Khi ấy, bên khe nước giữa 2 hang Tí Ngọ và Báo Lâm, có vị cư sĩ đào một cái hang, làm am thất mời Sư về ở.
Nơi này, vốn có một tảng đá lớn nằm ngay bên trên.
Sợ rơi xuống làm sụp am thất, nên Sư muốn dời tảng đá đi nơi khác.
Sư nghĩ:
“Xin dời tảng đá đi nơi khác, đừng để hư hoại thất này”.
Bỗng nhiên, tảng đá lăn đi nơi khác.
Khiến ai nấy đều khen là lạ.
Sư bảo:
-“Đó là nhờ NĂNG LỰC CỦA KINH HOA NGHIÊM”.
Bên trái khe Thạch Bích phía Đông của am, có Tố đầu-đà là người hung dữ nhất xóm làng, quậy phá cùng khắp.
Hắn ta ngầm ghét Sư, nên toan tính giết hại.
Ông ta cùng với ba người bạn, cầm cung, mang kiếm đến sát hại.
Khi ông vừa giương cung lên bắn thì mũi tên không rời khỏi dây.
Cung thì dính chặt nơi tay.
Mắt trợn ngược, lưỡi cứng đơ, cứ đứng thừ ra suốt đêm, chỉ biết kêu la mà thôi.
Nghe vậy, người đi đường loan truyền, xa gần đều tụ tập.
Bấy giờ, người trong làng đến chí thành đảnh lễ, sám hối.
Sư bảo:
-“Tôi hoàn toàn không biết. Chắc là do THẦN LỰC của Kinh HOA NGHIÊM.
Nếu muốn khỏi nạn, chỉ cần bảo ông ấy sám hối!”
Tố đầu-đà liền làm theo lời dạy, mới thoát khỏi.
----
Lại ở thôn Ngụy nhằm phía Tây của am, có ông Trương Huy sống bằng nghề trộm cướp.
Đêm nọ, ông ta vào thất của Sư, lén lấy bình dầu cúng Phật khoảng 5 lít, rồi vác trên lưng đi ra.
Vừa ra đến cửa, bỗng ông ta thấy đầu óc mờ mịt, như bị trói chặt, không thể cử động.
Thấy vậy, họ hàng, làng xóm đều đến tạ lỗi.
Sư bảo:
-“Tôi không biết gì. Có lẽ là do THẦN LỰC CỦA KINH HOA NGHIÊM.
Hãy bảo ông ta sám hối, trả lại bình dầu”.
Huy làm đúng theo lời dạy, mới thoát khỏi nạn.
--
Lại có một hôm, ông Trương Khanh ngụ tại phía Nam của am, đến trộm tiền của Sư, giấu vào tay áo.
Về đến nhà, ông ta lấy ra không được, lại bị cấm khẩu.
Thấy vậy, thân tộc, hàng xóm dẫn đến Sư, theo KINH HOA NGHIÊM mà sám hối, ông ta mới thoát nạn.
---
Tại thôn Trình Quách, có ông Trình Huy Hòa rất kính tin Tam bảo, thường đến chỗ Sư để nghe pháp yếu.
Có lần, ông ta bị bệnh nặng, chết đã 2 đêm, người ta bó thây, định đưa vào quan tài.
Bấy giờ, trên đường trở về từ huyện Hộ, Sư đến chùa Đức Hạnh ở phía Tây Nam, cách thôn ấy 5 dặm về phía Đông.
Từ xa, Sư gọi:
- Trình Huy Hòa, sao không ra đón ta?
Sư gọi nhiều lần như thế, những người làm ruộng thưa:
- Ông Hòa đã chết lâu rồi! Làm sao ra nghênh đón!
Sư bảo:
- Nói bậy, ta không tin!
Lát sau, Sư đến thôn ấy, lớn tiếng gọi, ông Hòa liền cử động.
Thấy thế, người thân đứng bên cạnh cắt đứt dây.
Sư bước vào nhà, lại gọi to lần nữa.
Ông Hòa liền ngồi dậy, chầm chậm bò đến bên Sư.
Sư bảo người nhà dẹp bỏ quan tài và những đồ tẩm liệm.
Đồng thời, đặt tượng Phật lên cái sọt tre lật úp.
Rồi bảo ông Hòa nhiễu quanh.
Thế là ông Hòa bình phục như xưa, sống thêm khoảng 20 năm.
--
Sau đó, ông ta lại mắc bệnh, lại đến đảnh lễ sư, cầu cứu.
Sư bảo:
- Ông ấy đi đâu thì mặc. Ta không cần biết!
Sư vừa dứt lời. Ông ấy liền mạng chung.
Từ đó, Sư được nhiều người biết đến, xin theo học đạo rất đông.
Sư mở phước hội, thường có nhiều điềm cảm ứng.
--
Lại nữa, tại thôn Bạch phía Bắc ao Cô Minh, có một bà lão bị bệnh nằm liệt giường, câm cả trăm ngày, nên ra dấu cho con là muốn gặp Sư.
Con hiểu ý mẹ, thỉnh Sư về nhà.
Vừa trông thấy Sư, người mẹ bất giác bước xuống đảnh lễ.
Bà thưa hỏi, tới lui giống như ngày thường.
Ngay đó, bà liền khỏi bệnh.
--
Bấy giờ, danh tiếng Sư càng vang xa, xóm làng tụ tập, trỗi nhạc, rao khắp thôn xóm, muốn mở đại hội bố thí.
Tại thôn nọ, gia đình ông Bạch Di Sanh vô cùng nghèo khó, lại có 4 người con gái.
Người vợ chỉ được một tấm vải thô quấn quanh người, các người con gái thì không mảnh vải che thân.
Riêng người con cả, tên là HOA NGHIÊM, tuổi đã 20, có được 2 thước vải thô, định đem cúng dường.
Lúc đó, Sư dẫn những người trong thôn, lần lượt đến nhà cô ta.
Nhưng xót thương cho cảnh nghèo khổ của nhà cô ấy, mọi người đi ngang mà không vào nhà.
Cô ta suy nghĩ:
“Do nghèo khổ, nên ta không dự hội được. Nay lại không làm thiện, đời sau nghèo khổ gấp bội phần”.
Nghĩ thế xong, cô ấy đi xin đồ vật khắp nơi, nhưng không ai cho cả.
Cô ta ngữa mặt lên trời than khóc.
Bấy giờ, thấy một nắm rơm dùng để bít lỗ trống trong nhà, cô kéo lấy, giũ ra thì được hơn 10 hạt lúa, rồi bóc thành gạo.
Cô đem hơn 10 hạt gạo này cùng với mảnh vải trước đây, vui vẻ đến phước hội.
Nhưng vì thân không y phục, nên phải chờ đến đêm tối, cô mới rón rén đi đến chỗ cúng dường.
Đến nơi, từ xa, cô ném mảnh vải vào trong đống đồ bố thí, riêng 10 hạt gạo xin dâng để nấu cơm.
Ngay đó, cô phát nguyện:
“Nghiệp khốn cùng của con là do gieo trồng từ nhiều đời trước.
Nghèo cùng mà hành bố thí là để mong cầu quả báo đời sau.
Nay đem 10 hạt gạo này bỏ vào nồi, với tâm chí thành, nguyện cho con thoát cảnh nghèo khổ.
Nếu cơm nấu xong biến thành màu vàng thì đúng như lời nguyện.
Nếu không cảm ứng thì thân này biết làm sao?”
Phát nguyện xong, cô gạt lệ trở về.
--
Thế là cả một nồi cơm 5 thạch đều biến thành màu vàng.
Đại chúng thấy thế vô cùng kinh ngạc, nhưng không rõ lý do.
Họ tìm hỏi khắp nơi.
Sư bảo:
-“Đó là do nguyện lực của con gái nhà Bạch Di Sanh”.
Lúc đó, trong phước hội thu được 10 hộc lúa, liền đem trợ giúp cho cô.
Về sau, Sư đem việc này trình lên vua.
Vua cho phép độ cho cô Hoa Nghiêm xuất gia. Cô vào chùa, trì tụng KINH HOA NGHIÊM cho đến trọn đời.
--
Tuy Sư ở ẩn, nhưng thường cứu người, giúp vật.
Mỗi năm, vào mùa Xuân và Thu, xóm làng đều có cúng tế, sinh vật bị giết quá nhiều.
Sư đi khắp nơi để chuộc các con vật.
Đồng thời, sư khuyến hóa dân chúng thực hành tín nghĩa, đạo đức.
Sư làm cho 9/10 hội cúng tế trong thôn không còn sát sinh, hại vật.
--
Lần nọ, trong thôn bên cạnh thất của Sư, người dân bắt 3 con heo, định mổ thịt.
Nghe tin này, Sư đến chuộc lại.
Người dân sợ không giết được, nên ra giá 10.000 lượng.
Sư bảo:
-“Bần đạo hiện có 3.000 lượng, có chịu bán không?”
Mọi người không đồng ý, lại còn phẫn nộ.
Bỗng có một đứa bé quấn tấm da dê, đi đến tế đàn giúp Sư mua heo.
Thấy cảnh tranh cãi, đứa bé xin rượu.
Nó vừa ăn uống vừa nhảy múa, phát ra ánh sáng rực rỡ xoay chuyển quanh thân.
Nó khiến những người tại tế đàn đều lóa mắt.
Phút chốc, đứa bé biến mất, nhưng không rõ đi đâu.
--
Sau đó, Sư cầm dao cắt thịt mình, rồi bảo:
-“Người và vật cũng đều là thịt.
Nhưng heo ăn những thứ nhơ uế, mà các ông lại ăn thịt nó. Còn con người ăn cơm, lẽ nào không cao quý hơn sao?”
Nghe Sư nói vậy, họ đồng loạt thả heo.
Sau khi được cứu thoát, heo nhiễu quanh Sư 3 vòng, mũi miệng heo chạm vào Sư để tỏ ý vui mừng cảm tạ.
Vì vậy, cho đến sau này, trong vòng 50 dặm phía Tây Nam Kinh đô, các loài heo gà đều không bị giết để cúng tế.
Những chuyện Sư hành từ, khuyến thiện có cảm ứng đại loại đều như thế.
----
Sư tính vốn thành tín, ưa thích đọc KINH HOA NGHIÊM.
Suốt đời chỉ một bát ba y, trải bao năm tháng lại càng thêm tinh tấn.
Vào năm Khai Hoàng thứ 8 (588), Tùy Văn đế nhiều lần ban sắc mời Sư vào Kinh đô để dạy cho Hoàng thái tử.
Khi ấy, Công chúa trưởng xây dựng chùa Tĩnh Pháp và thỉnh Sư về trụ trì.
Tuy mang danh ở chốn kinh thành, nhưng Sư vẫn thường sống nơi vùng rừng núi.
Vào ngày 5 tháng 11 năm Đại Nghiệp thứ 5 (609), Sư viên tịch tại chùa Tĩnh Pháp, thọ 80 tuổi.
Di hài sư được an táng tại núi Chung Nam.
Sau đó xây tháp tôn thờ bên cạnh chùa Chí Tướng.
------
Trích “TRUYỆN KÝ KINH HOA NGHIÊM”
-Sa môn PHÁP TẠNG
-Dịch và chú thích: Thiện Thuận- Quảng An-Viên Châu-Ngộ Bổn
--
Những Phật tử có nhân duyên với kinh Hoa Nghiêm, muốn tìm hiểu kỹ hơn về bộ kinh tuyệt vời này thì nên tìm đọc “BẢN ĐỒ KINH HOA NGHIÊM- ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH” của THANH LƯƠNG Quốc Sư Sớ Sao, do sư bà HẢI TRIỀU ÂM soạn dịch và toát yếu.
*Ngoài ra, bộ sách giảng giải KINH HOA NGHIÊM của hòa thượng TUYÊN HÓA (do Thích Minh Định dịch Việt) cũng rất thú vị, tuyệt hay và hữu ích. Trọn bộ sách này có 25 tập.
Bản Tiếng Anh của bộ sách là THE FLOWER ADORNMENT (AVATAMSAKA) SUTRA - A Commentary by the Venerable Master HSUAN HUA, do Buddhist Text Translation Society dịch.
Dưới đây là một số hình vẽ về bộ kinh Hoa Nghiêm.
Tranh: Guo Tu-C.T MLS
Bài: Diệu Trí, Tp.HCM
Tranh: Guo Tu- C.T MLS
Bình luận (0)