Phật A Di Đà, hoặc ở một số đạo tràng thường hay gọi là “Phật A MI ĐÀ”.
Đặc biệt, ở các đạo tràng là đệ tử của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, sư ông chùa Vạn Đức, Thủ Đức (Hòa thượng được suy tôn là Sơ tổ Tịnh Độ Việt Nam) thì người ta thường gọi là “Phật A MI ĐÀ”.
Nếu gọi “A MI ĐÀ” thì sát với âm tiếng Phạn hơn (Amitabha buddha).
*Trong sách “HƯƠNG SEN VẠN ĐỨC”, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH viết:
“Biết rằng niệm A-MI-ĐÀ được nhiều phần đúng với nguyên âm.
Nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghì, diệt vô số kiếp tội, thành đại thiện căn phước đức, giống như pháp trì chân ngôn (thần chú) của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán.
Nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm.
Nhất là niệm A-MI-ĐÀ được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều.
Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm.
Và mức bất niệm -tự niệm, đây là phần bảo đảm vãng sanh Tịnh Độ cho người chuyên niệm.
Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của đức Giáo chủ Cực Lạc, thì tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật.
Và tôi đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế.
* Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày, ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn Cổ Tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ:
“Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới, và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa. Riêng mình tự tu đã đành, không ngại gì.
Song rồi đây, tất sẽ có người tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm NAM MÔ A-MI-ĐÀ PHẬT.
Một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này sẽ khó khỏi đôi điều thắc mắc:
1. Bàng quan sẽ cho mình lập dị, riêng phái, phá sự đã phổ thông của cổ lệ.
2. Đem sự ngờ vực cho người đã niệm A-DI khi những người này chưa hiểu thế nào là A-DI và thế nào là A-MI.
Và sự ngờ là điều rất chướng của pháp môn niệm Phật.
Tôi tự giải thích:
“Cổ lệ đã sai, thì sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi).
Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thì cũng không ngại gì với chuyện thị phi phê bình của bàng quan”.
Và với sự ngờ của những người chưa nhận chân, sẽ giúp họ tìm tòi, khảo cứu.
Nhờ tìm xét, họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.
Mặc dù tôi tự giải thích với tôi như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn mãi băn khoăn gần suốt ngày.
* Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-MI nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm.
Tôi thử ngó qua hướng khác thì không thấy.
Khi ngó trở lại hướng Tây, thì chữ A-Mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ.
Khổ chữ lớn, khoảng bốn tấc Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn..
--
Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp.
Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học. Và nghe rõ trong ấy, một người xướng và số đông người hòa:
“NAM MÔ A-MI-ĐÀ PHẬT! “
Tôi tự bảo:
“Ủa lạ! Câu NAM MÔ A-MI-ĐÀ PHẬT tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”.
Tôi đứng dừng trước ngõ trường, chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh.
Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ.
Do hai điềm trên đây (chữ A-MI hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa “NAM MÔ A-MI-ĐÀ PHẬT”), bao nhiêu nỗi thắc mắc và băn khoăn nơi lòng tôi đều tan rã như khối tuyết dưới ánh nắng trưa hè…
Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm “A-Di”, mà niệm “A-Mi”.
Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm, mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-MI-ĐÀ.
Đó phải chăng là do cơ duyên thời tiết nó nên như thế!
Và cũng vì cớ ấy mà hôm nay có bài thuyết minh và tự thuật này.
Tôi viết bài này chỉ với mục đích giúp thêm sự nhận chân về câu “NAM MÔ A-MI-ĐÀ PHẬT” cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế.
Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.
*Tôi xin khuyên nhắc các bạn:
Đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu “NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT”, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ. Để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì, mà họ có thể vướng phải.”
(Trích từ sách “HƯƠNG SEN VẠN ĐỨC”, Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH)
Như vậy, đối với những phật tử lâu nay đã quen niệm “NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT”, thì cũng không sao. Các vị cứ tiếp tục niệm như vậy theo tín tâm của mình và nên niệm một cách nhất tâm.
Tuy nhiên, nếu niệm “Nam mô A MI ĐÀ PHẬT” thì gần sát bản gốc tiếng Phạn hơn. Và những người Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… khi nghe câu niệm Phật này thì đều có thể hiểu được, vì họ cũng gọi là “A MI”, chứ không phải là “A DI”:
Người Nhật gọi là 阿弥陀 ( Amida)
Người Hàn Quốc gọi là: 아미타불 (Amitabul )
Người Trung Quốc gọi là: 阿弥陀佛 ( Amítuófó)
Tiếng Phạn: अमिताभ Amitābha, Amitāyus
Dưới đây là một số hình vẽ về Phật A Di Đà đáng kính.
Bài: Diệu Trí, Tp.HCM
Tranh: Guo Tu- C.T MLS
Bình luận (0)