I. MỞ ĐẦU

Ra đời từ năm 1990, đến nay Tạp chí Nghiên cứu Phật học tròn 30 năm thành lập và phát triển. Trong 30 năm qua, Tạp chí không ngừng phát triển, chất lượng không ngừng được nâng cao, chủ đề ngày càng phong phú đa dạng, trình bày, in ấn ngày càng đẹp. Ngay từ khi mới thành lập, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã thu hút được những nhà nghiên cứu Phật học hàng đầu, có chuyên môn sâu, hiểu biết nhiều về Phật giáo tham gia ban biên tập cũng như tham gia viết bài. Chính vì lẽ đó, Tạp chí Nghiên cứu Phật học có những đặc điểm của một tạp chí chuyên ngành, chuyên sâu, Tạp chí không chỉ là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi học thuật của các nhà tu hành Phật giáo mà còn của cả giới nghiên cứu lý luận và những người quan tâm nghiên cứu Phật giáo trên cả nước.

Trải qua 30 năm phát triển, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có những đóng góp hết sức to lớn đối với việc truyền bá, phổ biến tri thức Phật học, thúc đẩy nghiên cứu chuyên sâu về Phật học, tạo ra diễn đàn trao đổi, giao lưu giữa các học giả, các nhà nghiên cứu…Tạp chí là tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác nghiên cứu, học tập và giảng dạy về Phật giáo, Phật học. Chính vì vậy, Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ có những đóng góp đối với việc nghiên cứu Phật học, Phật giáo nói riêng mà còn có những đóng góp quan trọng đối với ngành Tôn giáo học nói chung.

Trên cơ sở điểm qua các bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi bước đầu rút ra một số những đóng góp cơ bản của Tạp chí đối với ngành Tôn giáo học, đó là những đóng góp trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo; những đóng góp trong nghiên cứu lý luận Phật giáo; những đóng góp trong nghiên cứu văn hoá Phật giáo; những đóng góp trong nghiên cứu vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội.

II. NHỮNG ĐÓNG GÓP CƠ BẢN CỦA TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC ĐỐI VỚI NGÀNH TÔN GIÁO HỌC

1. Những đóng góp của Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo

Nghiên cứu lịch sử Phật giáo là một trong những nội dung hết sức cơ bản của nghiên cứu Phật giáo. Không riêng với Phật giáo, khi nghiên cứu bất kỳ một tôn giáo nào, chúng ta trước hết cần phải làm rõ quá trình ra đời, phát triển của các tôn giáo đó. Phật giáo từ khi ra đời trải qua 2500 năm tồn tại và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, với những thăng trầm khác nhau. Ở mỗi một vùng miền nơi Phật giáo du nhập, lại có những đặc điểm riêng biệt, chính vì vậy, nghiên cứu lịch sử Phật giáo luôn luôn được đề cao.

Các bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã dành một dung lượng đáng kể để đề cập đến vấn đề này, không chỉ nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, các bài viết còn đề cập đến lịch sử Phật giáo các nước trên thế giới: Trung Quốc[1], Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Bhutan, Myanmar,...

Đối với Lịch sử Phật giáo Việt Nam, các bài viết không chỉ đề cập đến lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại mà còn đề cập đến lịch sử Phật giáo Việt Nam trong các giai đoạn trước, những sự kiện Phật giáo tiêu biểu, chẳng hạn phong trào chấn hưng Phật giáo, sự kiện đấu tranh của Phật giáo năm 1963[2],... Một trong những nội dung được Tạp chí Nghiên cứu Phật học thường xuyên đăng tải đó là các bài viết, bài nghiên cứu về các vị thiền sư, các danh tăng các vị cư sỹ tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, về hành trạng, vai trò, đóng góp của các vị đó cho Phật giáo và dân tộc như: Thiền sư Chân Nguyên - bậc thầy hoằng pháp lỗi lạc (Thích Đạo Ngộ, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019);Thiền sư Vạn Hạnh vận dụng tư tưởng Phật giáo xây dựng vương triều nhà Lý, (Thích Thiện Hạnh, Nghiên cứu Phật học, số 4,2018);Thiền sư Từ Đạo Hạnh và đời sống xã hội Đại Việt (Thích Minh Thuận, Nghiên cứu Phật học, số 1,2020);Hòa thượng Nhật Liên và công cuộc hoằng pháp trên nước bạn Lào (Thích Thiện Bảo, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019);Sa Môn Thích Trí Hải - bậc danh tăng lớn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX (Thích Gia Quang, Nghiên cứu Phật học, số 4,2019);Cư sỹ Tâm Minh - Lê Đình Thám (1897-1969) - tấm gương sáng phục vụ Đạo pháp và xã hội (Thích Gia Quang, Nghiên cứu Phật học, số 3,2019)...

Các bài viết về lịch sử Phật giáo đã góp phần bổ sung thêm, làm rõ thêm, chính xác hoá những tri thức về quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm, vai trò, vị trí của Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, làm rõ thêm những sự kiện Phật giáo, nhân vật Phật giáo và những đóng góp của họ. Đồng thời, qua đó cũng góp phần cung cấp thêm thông tin, phát hiện những tư liệu mới về những giai đoạn lịch sử Phật giáo, những sự kiện Phật giáo, những nhân vật Phật giáo hay những di sản Phật giáo,...

2. Những đóng góp của Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong nghiên cứu lý luận Phật giáo

Theo chúng tôi, nghiên cứu lý luận Phật giáo chính là một trong những nội dung cốt lõi và là đặc điểm nổi bật của Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Cũng chính ở điểm này đã làm nên đặc điểm riêng của Tạp chí Nghiên cứu Phật học so với các tạp chí nghiên cứu Phật học khác.

Có thể nói, những bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã góp phần làm rõ giáo lý Phật giáo, kinh điển Phật giáo, nhiều bài viết rất sâu sắc, đi vào những vấn đề rất “phức tạp”, rất “cao siêu” của giáo lý Phật giáo[3]. Bên cạnh đó, nhiều bài viết cũng chỉ ra những nhầm lẫn, những chỗ hiểu sai giáo lý Phật giáo trong nhận thức cũng như thực hành: nhiều bài viết nói đến những nghi lễ, nghi thức thờ cúng không phải của Phật giáo như các bài viết: Những loại tín ngưỡng dân gian không phải là Đạo Phật (Minh mẫn, Nghiên cứu Phật học, số tháng 3,2016); Dâng sao giải hạn không phải là giáo lý nhà Phật (Quảng Tịnh, Nghiên cứu Phật học, số tháng 3,2016); Niệm phật cầu bình an thịnh vượng có đúng với giáo lý nhà Phật (Nghiên cứu Phật học, số tháng 9,2016)...

Một trong những điểm nhấn mà chúng tôi nhận thấy ở Tạp chí Nghiên cứu Phật học đó là hết sức chú trọng luận giải về triết học Phật giáo. Chuyên mục triết học Phật giáo được duy trì thường xuyên đã thu hút được nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu từ góc độ Triết học phân tích, luận giải, làm rõ những vấn đề mà giáo lý, kinh điển Phật giáo đề cập. Qua đó đã góp phần luận giải nhiều vấn đề như bản thể luận, nhận thức luận Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, vấn đề mối quan hệ giữa Phật giáo với khoa học nói chung, với Tâm lý học, logic học, sinh thái học, khoa học công nghệ,... nói riêng.

3. Những đóng góp Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong nghiên cứu văn hoá Phật giáo

Nghiên cứu văn hoá Phật giáo cũng là một nội dung được Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo chú trọng. Thông qua mục Văn hoá-Danh thắng được duy trì thường xuyên, các bài viết đã tập trung làm rõ, luận giải những giá trị văn hoá, đạo đức, lối sống Phật giáo, những đóng góp của Phật giáo trong xây dựng nền văn hoá truyền thống dân tộc. Các bài viết cũng đã đề cập đến những di sản Phật giáo, bao gồm cả di sản vật thể (các ngôi chùa, các công trình, các biểu tượng, các di vật Phật giáo,...) và các di sản phi vật thể của Phật giáo: lễ hội Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, âm nhạc Phật giáo, kiến trúc Phật giáo, văn học Phật giáo, tư tưởng Phật giáo,...

Nhiều bài viết đã nghiên cứu về nét đẹp, giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật các ngôi chùa, các di tích Phật giáo,… như các bài viết: Chùa Kiến Sơ và dòng thiền Vô Ngôn Thông (Hải Thanh, Nghiên cứu Phật học, số 5,2017); Chùa Hoè Nhai và dấu ấn Thiền phái Tào Động (Nguyễn Thị Thuỷ, Nghiên cứu Phật học, số 4,2018);Cội nguồn chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh (Thích Giác Minh Hữu, Nghiên cứu Phật học, số 4,2020);Tượng cổ ở chùa sắc tứ Trường Thọ (Thích Nữ Huyền Nghĩa, Nghiên cứu Phật học, số 3,2020);Nét văn hoá độc đáo chùa Nhẫm Dương, Hải Dương (Thích Thanh Huy, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019),... Đồng thời, nhiều bài viết cũng đề cập đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá Phật giáo.

Ngoài ra, nhiều bài viết tập trung nghiên cứu sự giao thoa, dung hợp giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian, như các bài: Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội Phật giáo tại một ngôi chùa ở Miền Nam (Lương Thị Thu, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Tín ngưỡng dân gian các chùa ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (Thích Nữ Diệu Huyền, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019)…

4. Những đóng góp Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo với đời sống xã hội

Đây là một nội dung thu hút được khá nhiều các bài viết của các tác giả trong và ngoài Giáo hội. Nội dung này đã góp phần làm cho Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ có những nội dung mang tính lý luận thuần tuý mà còn có tính chất sinh động, mang hơi thở cuộc sống, phản ánh thực tiễn đời sống Phật giáo. Các bài viết đã phản ánh các sinh hoạt Phật giáo (hay các hoạt động tôn giáo thuần tuý) như các hoạt động hoằng pháp, giảng dạy giáo lý, tổ chức các nghi lễ Phật giáo, Lễ hội Phật giáo, các hoạt động phật sự,... và các hoạt động xã hội của Phật giáo như các hoạt động từ thiện xã hội, an sinh xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hoạt động cầu nguyện vì hoà bình,... qua đó cho thấy Phật giáo ngày càng có ảnh hưởng to lớn tới đòi sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Những bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ góp phần làm rõ vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội như văn học, nghệ thuật, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,... từ trong lịch sử cũng như hiện tại[4], mà còn đề cập đến những hoạt động Phật giáo như hoạt động hoằng pháp, hoạt động hướng dẫn phật tử, hoạt động giáo dục tăng ni,... của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố[5]. Qua đó cho thấy đời sống Phật giáo phong phú, sôi động trên phạm vi cả nước.

Các bài viết cũng cho thấy đời sống Phật giáo của phật tử và người dân trên cả nước trong sinh hoạt Phật giáo, tham gia vào các hoạt động Phật giáo, các thực hành Phật giáo… qua đó cho thấy sự lan toả và ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống tinh thần của xã hội hiện nay.

III. MỘT VÀI NHẬN XÉT

Trên đây chỉ là một số những đóng góp hết sức cơ bản của Tạp chí Nghiên cứu Phật học đối với ngành Tôn giáo học mà chúng tôi bước đầu khái quát, còn rất nhiều đóng góp khác của Tạp chí đối với các lĩnh vực khác mà chúng tôi chưa có điều kiện trình bày trong bài viết này. Nhưng một điều chắc chắn là, tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ có một vị trí quan trọng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đối với đời sống Phật giáo ở Việt Nam mà còn có vị trí quan trọng trong nghiên cứu học thuật về Tôn giáo học nói chung, về Phật giáo nói riêng.

Ngoài những đóng góp nói trên, Tạp chí cũng góp phần cung cấp thông tin, tư liệu mới cho nghiên cứu Phật giáo, đồng thời, Tạp chí đã tạo ra diễn đàn để trao đổi học thuật thông qua việc duy trì thường xuyên chuyên mục nghiên cứu-trao đổi. Không chỉ nghiên cứu những vấn đề lý luận của Phật giáo mà còn đề cập đến những vấn đề thực tiễn của đời sống Phật giáo Việt Nam, đời sống Phật giáo trên thế giới.

Trong thời gian tới, mong rằng Ban Biên tập Tạp chí tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 30 năm qua, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của Tạp chí cũng như quảng bá rộng rãi hơn nữa Tạp chí với đông đảo bạn đọc. Việc Tạp chí đã được cập nhật khá thường xuyên trên wesite là một việc làm kịp thời trong bối cảnh kỷ nguyên số hiện nay. Mong rằng, Tạp chí sẽ số hoá và đưa lên website đầy đủ các số từ khi Tạp chí ra đời đến nay để giúp cho việc tra cứu được đầy đủ, hệ thống. Mong rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện để Tạp chí phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc tiếp tục duy trì những nội dung, chuyên mục đã có như hiện nay, chúng tôi mong muốn Tạp chí tiếp tục chú trọng những chuyên mục về lý luận Phật giáo, chuyên mục nghiên cứu trao đổi, đồng thời chú trọng duy trì mục hỏi đáp Phật học đểTạp chí không chỉ đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu, các học giả mà còn đáp ứng nhu cầu hiểu biết, học tập, nâng cao nhận thức Phật học của quảng đại quần chúng. Ngoài ra, cũng nên gia tăng những bài của các học giả nước ngoài, các bài viết về Phật giáo trong khu vực và trên thế giới./.

PGS.TS. Chu Văn Tuấn Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”

--------------

[1] Chẳng hạn các bài viết về lịch sử Phật giáo Trung Quốc như: Những đặc điểm của Phật giáo Trung Quốc trong các giai đoạn lịch sử (Thích Nữ Trang Nghiêm, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Thái Hư Đại sư với sự phục hưng của Phật giáo Trung Hoa (Thích Giác Minh Hữu, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019), v.v..

[2] Xem các bài viết như: Đóng góp của HT Thanh Hanh trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX (Thích Minh Hiếu, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Tông Tào Động ở Việt Nam và Sơn môn Hồng Phúc Hoè Nhai, (Thích Giác Ân Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Sự phát triển và đặc điểm của Phật giáo Nam Kỳ giai đoạn 1920-1945 (Thích Đồng Hạnh, Nghiên cứu Phật học, số 3,2020); Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Thanh Hoá (Nguyễn Đại Đồng, Ninh Thị Sinh, Nghiên cứu Phật học, số 3,2020); Những đóng góp của các chúa Nguyễn cho Đại giới đàn Phật giáo đàng trong vào thế kỷ XVII (Trần Thị Hà, Nghiên cứu Phật học, số 1,2020); Tìm hiểu việc phong tăng cương và cấp độ điệp giới đao: trường hợp Tổ Phúc Chỉnh (Nguyễn Đại Đồng, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Chùa Ấn Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 (Phạm Thanh Tuấn, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019); Thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài (Thích ThanhHuy, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019); Một số danh xưng Phật giáo thời Lê qua tư liệu văn bia ở Bắc Ninh (Nguyễn Quang Khải, Nghiên cứu Phật học, số 5,2019); Bảng nhãn Lê Quý Đôn với Phật giáo qua bài văn chuông ở chùa Phúc Khánh (Phạm Minh Đức, Nghiên cứu Phật học, số 2,2019); Thiền phái Tào Động dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (Thích Phước Sơn, Nghiên cứu Phật học, số 6,2018), v.v..

[3] Chẳng hạn như các bài: Nhận thức cuộc sống vô thường qua giáo lý tứ đại ngũ uẩn (Pháp Vương Tử, NCPH, số 5,2020); Thiền học của đệ nhị tổ Pháp Loa (GS. Nguyễn Hùng Hậu, NCPH, số 5,2020); Tìm hiểu “Trí vô lậu” và “Tam vô lậu học” trong giáo lý đạo Phật (Nguyễn Đức Sinh, NCPH, số 4,2020); Pháp “niệm Phật”trong kinh tạng Nikaya (Thích Chiếu Nguyện, NCPH, số 6,2019); Triết lý tam pháp ấn và những ứng dụng trong thực tiễn (Nguyễn Ngọc Trinh, NCPH, số 6,2019); Bốn thiền quán chuyển tâm hướng về giáo pháp (Khenpo Tsultim, La Sơn Phúc Cường dịch, NCPH, số 3,2019); Ba thời đức Phật chuyển pháp luân – quan niệm của Phật giáo Tạng truyền (La Sơn Phúc Cường, NCPH, số 1,2019); Nghiệp lực trong giáo lý đạo Phật (Nguyễn Đức Sinh, NCPH, số 3,2019); Theravada và Đại thừa (NCPH, số 6,2018); 5 loại trí tuệ trong Duy thức tông (La Sơn Phúc Cường, NCPH, số 6,2018); Uy lực 4 thánh đế (Như Không, NCPH, số 5,2018); Ý nghĩa quán pháp trong tứ niệm xứ (Như Không, NCPH, số 4,2018),...

[4] Như: Phật giáo thời Lý và những ảnh hưởng trong đời sống tinh thần ở làng xã, (Nguyễn Quang Khải, Nghiên cứu Phật học, số 5, 2017); Ứng dụng Phật giáo điều trị rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi thanh thiếu niên (Thích Nữ Nhuận Hiệp, Nghiên cứu Phật học, số 4,2020); Tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm trong văn học và nghệ thuật (Thích Minh Lễ, Nghiên cứu Phật học, số 2,2020); Giáo dục Phật giáo cho thế hệ trẻ hiện nay (Hoàng Văn Thuận, Nghiên cứu Phật học, số 1,2020); Phật giáo và phương pháp tiếp cận tâm lý học hiện đại (Lê Thị Thu Dung, Nghiên cứu Phật học, số 6,2019); Phật giáo với công tác từ thiện xã hội (Đức Quỳnh, Nghiên cứu Phật học, số 4,2019); Phật giáo thực hành vì hoà bình trong kỷ nguyên số 4.0 và xã hội 5.0 (Kiều Công Thược, Nghiên cứu Phật học, số 3,2019); Phật giáo chia sẻ trách nhiệm vì sự phát triển xã hội bền vững (Thích Gia Quang, Nghiên cứu Phật học, số 2,2019); Phật giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (Nghiên cứu Phật học, số 1,2016), v.v

[5] Như bài: Hoằng pháp vùng sâu, vùng xa của Phật giáo Kon Tum (Minh Mẫn, Nghiên cứu Phật học, số 7,2015)