Đặt vấn đề:

Xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ về mọi mặt đã nâng cao đời sống con người, con người ngày càng văn minh hơn. Tuy nhiên, trong quá trình vận động và phát triển đã nảy sinh những mặt trái của xã hội đương đại. Ngoài những điểm tích cực, còn có những vấn đề tiêu cực đang nổi lên hàng ngày, cần sự quan tâm, chung sức giải quyết ở cấp độ quốc gia và toàn cầu, như: Vấn đền suy thoái đạo đức, con người trở nên vô cảm và thiếu niềm tin; làm sao để phát triển kinh tế bền vững trong khi khí hậu bị biến đổi, thảm hoạ thiên tai ngày một gia tăng và nhiều vấn đề phức tạp khác. Đứng trước những vấn nạn đó, Phật giáo đã có một số đóng góp vào việc đảm bảo an sinh xã hội.

Tag, từ khóa: Phật giáo, an sinh xã hội, hội nhập quốc tế, đóng góp tiến bộ xã hội, đồng hành cùng dân tộc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Những đóng góp của Phật giáo vào việc đảm bảo an sinh xã hội

Phật giáo đóng góp an sinh xã hội qua vấn đề giáo dục, gắn kết gia đình và xã hội

Trong xu thế hội nhập và bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển đa dạng, đời sống được nâng cao, con người có điều kiện để trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng phát sinh, đó là: đạo đức trong gia đình, cơ quan, trường học cũng như xã hội xuống cấp nghiêm trọng; xu hướng tranh giành quyền lợi, quyền lực; lối sống hưởng thụ, hành vi trục lợi, chạy theo đồng tiền bằng nhiều thủ đoạn, làm ảnh hưởng đến lối sống lành mạnh của con người trong xã hội đương đại.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng. Nghiên cứu cho thấy, có sự ly hôn như trên là do mâu thuẫn về “lối sống” là nguyên nhân hàng đầu (27,7%). Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là (1,3%).

Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

Nói về vấn đề này, đức Phật đặc biệt quan tâm đến đời sống hạnh phúc con người, Ngài đã có những bài pháp giảng về đời sống hôn nhân gia đình như trong kinh Đỉnh Lễ Sáu Phương, đức Phật đã dạy: Chồng đối với vợ thì phải thương yêu vợ, chung thủy với vợ, săn sóc đời sống vật chất cho vợ, trao cho vợ quyền quản lý những công việc trong gia đình, kính trọng gia đình vợ; Còn vợ đối với chồng thì phải thương kính chồng, chung thủy với chồng, quản lý gia đình tốt, siêng năng làm việc, đối đãi thân thiện với gia đình chồng và bạn bè của chồng. Đấy là những phép ứng xử rất hợp tình hợp lý, là nếp sống đạo đức lành mạnh, là nhân tố tạo nên hạnh phúc trong đời sống hôn nhân gia đình.

Trong kinh Tăng Chi Bộ I (chương 4), đức Phật dạy: Này các gia chủ, có bốn hạng người sống chung: Một là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Hai là, người đàn ông thấp hèn sống chung với người phụ nữ cao thượng. Ba là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ thấp hèn. Bốn là, người đàn ông cao thượng sống chung với người phụ nữ cao thượng. Đức Phật kết luận, hạng người sống chung thứ tư, tương đồng phẩm chất tâm lý cao thượng là “đời sống nhiều hạnh phúc, chờ đợi hai người.”

Như vậy, giáo lý đức Phật dạy cách đây hơn 2500 năm đã có những bài pháp thoại để xây dựng hạnh phúc gia đình. Bằng trí tuệ và lòng thương yêu, đức Phật đã chỉ dạy những vấn đề hết sức thiết thực và trọng yếu để tạo lập một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Dù ở quốc gia nào hay thời đại nào đi nữa, những lời dạy của đức Phật về hôn nhân gia đình vẫn phù hợp và rất có giá trị.

Phật giáo đóng góp an sinh xã hội qua việc làm từ thiện, nhân đạo

Phát huy tinh thần từ bi, thương người như thể thương thân, ngày nay các tổ chức từ thiện Phật giáo đứng đầu là các tăng, ni đã tích cực tham gia công tác từ thiện và an sinh xã hội như là vận động tăng ni, phật tử tích cực tham gia các phong trào hiến máu nhân đạo, đóng góp quỹ từ thiện, xây nhà tình thương, xây trường học, mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bữa ăn từ thiện tại các bệnh viện và nhiều công tác từ thiện, nhân đạo khác.

Với trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc miễn phí cho bệnh nhân; có trên 10 phòng khám Đông Tây y kết hợp, đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trên 1.000 lớp học tình thương; 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật,…với trên 20.000 em; trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, phụng dưỡng trên 1.1 cụ già; và có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí đã đào tạo và giới thiệu cho hàng nghìn học viên có việc làm.

Hiện nay hoạt động từ thiện được xem là một hình thức nhập thế nổi bật nhất của Phật giáo, và được nhân rộng từ cơ sở chùa, tự viện cho đến cộng đồng phật tử trong và ngoài nước đã mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thông qua đó giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết dân tộc, và cũng là cơ hội để hoằng dương chính pháp, giúp họ trở về với cuộc sống “chân – thiện – mỹ”.

Bằng những việc làm cụ thể, Phật giáo chung tay góp sức cùng nhà nước, các tổ chức xã hội vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đóng góp các hoạt động từ thiện xã hội. Thành lập và phát triển các lớp giáo dục dạy nghề, tình thương, phòng y tế khám, chữa bệnh miễn phí theo chủ trương của Giáo hội và Nhà nước.

Đặc biệt là những nơi vừa xảy ra thiên tai bão lũ, dịch bệnh, và những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra làm thiệt hại kinh tế nặng nề, thì các đoàn thể Phật giáo do tăng, ni dẫn đầu đã thăm hỏi, động viên và trao quà các gia đình gặp nạn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Ngoài những món quà được trao bằng vật chất, tinh thần từ bi của đạo Phật còn mang đến những giá trị tâm linh cao thượng cho con người, như trao sự cảm thông, tình yêu thương, trao niềm tin trong sáng, trao nguồn năng lượng từ bi.

Phật giáo đóng góp an sinh xã hội qua việc phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và làm giảm thảm họa thiên tai

Có người cho rằng, Phật giáo không liên quan gì đến phát triển kinh tế, xin thưa cùng quý vị, Phật giáo là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong toàn xã hội.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, ước tính Việt Nam có 55 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ước tính khoảng 2,28%, tương đương 1,1 triệu người. Tình trạng thất nghiệp dẫn đến gánh nặng cho gia đình, xã hội là rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về kinh tế và gây bất ổn xã hội.

Dưới góc nhìn của nhà tu hành, tôi xin trình bày những khía cạnh giáo lý Phật giáo góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng hiệu quả kinh tế như sau.

Thứ nhất về đạo đức làm kinh tế: Đức Phật khuyên mọi người làm kinh tế bằng chính sức lao động, tiền vốn và trí tuệ của mình, không được buôn gian bán lận, buôn hàng Quốc cấm và các loại hàng hóa gây hại đến sức khỏe của con người và xã hội. Đức Phật khuyên mọi người kiếm sống một cách lương thiện, chân chính. Mỗi người phải lao động, làm việc để tạo ra nguồn của cải, vật chất nuôi sống mình và gia đình. Hạnh phúc của người này không phải bằng cách giẫm đạp lên người khác mà có (Chính Mạng trong Bát Chính Đạo). Như vậy trong nền kinh tế thị trường ngày nay, đạo đức Phật giáo góp phần không nhỏ trong việc giáo dục con người, hướng con người đến điều thiện, từ đó giảm thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những nguy hiểm chết người. Như vậy Phật giáo đã góp phần làm phát triển kinh tế một cách lành mạnh và bền vững.

Thứ hai về kinh tế tâm linh: Ngày nay ngành du lịch tâm linh là loại hình rất được ưa chuộng, những địa danh, như chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch hàng năm và còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội.

Các công trình kiến trúc Phật giáo tạo cơ hội cho các ngành nghề phát triển như nghề điêu khắc tượng, nghề đúc đồng, vào tạo ra nhiều công trình văn hóa tâm linh có giá trị về văn hóa lẫn kinh tế.

Hoạt động tôn giáo đã tạo ra nhiều việc làm cho các công ty kinh doanh trên nền tảng tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo thì loại hình kinh doanh này ngày càng được phát triển tại các thành phố lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội và những nơi có công trình tâm linh thu hút khách du lịch. Với số lượng 53.941 tăng, ni; 18.466 tự viện và hơn 16 triệu phật tử, và hàng chục triệu người tín kính Phật giáo thì nhu cầu phục vụ cho đối tượng tín đồ Phật giáo rất lớn, từ đó Phật giáo đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Thứ ba về công tác phúc lợi xã hội: với hệ thống trên 165 cơ sở khám chữa bệnh tại các chùa, tự viện trên cả nước, hàng năm đã điều trị và phát thuốc miễn phí cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng; các cơ sở đào tạo miễn phí đã dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên. Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng cho toàn xã hội khi nhà nước chưa đủ điều kiện để phục vụ nhân dân, thì Phật giáo đã chung tay giúp đỡ hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, sớm vượt qua ổn định cuộc sống.

Thứ tư về huy động vốn: Với những tín đồ có niềm tin chính tín vào Phật giáo họ sẵn sàng đóng góp một phần kinh phí vào các công trình phúc lợi xã hội như xây chùa, xây trường học, xây nhà tình nghĩa, xây cầu đường và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác đã thực hiện mỗi năm.

Thứ năm về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và làm giảm thảm họa thiên tai: Chúng ta đang đứng trước nhiều thảm họa thiên tai, sự nóng lên của Trái Đất, môi trường ô nhiễm xảy ra liên tục trong những năm gần đây, hàng trăm người bị cướp đi sinh mạng do bão lũ, sạt lở đất, chất thải ngành công nghiệp hủy hoại hệ sinh thái trên diện rộng.

Thuyết Duyên Khởi trong Phật giáo cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài và vạn vật, thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường. Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt.

Việc bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của con người. Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn vạn chúng sinh, khuyến khích việc giữ gìn mối quan hệ thân thiện, sống hoà hợp bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và Vũ Trụ là điều kiện để bảo vệ sự sống.

Gần đây, tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, thiên tai lũ lụt đã gây ra vô số thiệt hại về người và của cải, đây là một hệ quả đáng buồn mà nguyên nhân chính là do con người gây ra như việc khai thác rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi, chất thải công nghiệp, nông nghiệp ra môi trường chưa qua xử lý, các chất phóng xạ,…đang đe dọa trực tiếp đến môi trường, đã làm môi trường biến đổi, giận dữ. Bên cạnh đó còn do các yếu tố bên trong con người như: tham lam, ích kỷ, sống chủ nghĩa thực dụng…gây nên hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là các thảm họa về môi trường có dấu hiệu gia tăng sau mỗi năm.

Đứng trước vấn đề môi trường đang xuống cấp như hiện nay, tính nhập thế của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường qua khuyến khích tín đồ phật tử ăn chay trường, ăn chay ngoài việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân người ăn chay, còn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường sống; tổ chức các khóa tu với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được chú trọng.

Song song đó giáo dục nhận thức rõ con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống và đặc biệt là hướng dẫn mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, là tôn trọng sự sống của vạn loài; khuyến khích tín đồ sống gần gũi với môi trường, hòa mình với thiên nhiên, giảm thiểu các tác động trực tiếp đến môi trường. Tránh việc khai thác các nguồn tài thiên nhiên bừa bãi để trục lợi làm giàu, điều này sẽ gây ra nhiều thảm họa thiên tai, gây ra khổ đau cho con người.

Các chủ đề mà Phật giáo đã và đang triển khai trong thực tế thời gian qua rất thiết thực và đã có những đóng góp nhất định, như: Tuyên truyền và giảng giải ý nghĩa của việc hạn chế sát sinh, không săn bắt các loài thú hoang dã…không phá rừng mà tăng cường trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ không dùng đồ nhựa một lần (chống rác thải nhựa). Phật giáo đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, con người được hưởng sự thanh bình và hạnh phúc, xây dựng một cõi Cực Lạc thực sự tại thế gian.

Hòa thượng TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2021