Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản số đầu tiên - Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học - thành tựu và định hướng” là một Phật sự trọng đại và thiêng liêng, là mốc son trong chặng đường hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo nước nhà.
Ba mươi năm qua, ngoài việc xuất bản sách phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu - Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội còn song song xuất bản ấn phẩm là Tạp chí Nghiên cứu Phật học đáp ứng mong cầu của bạn đọc mười phương với định kì 2 tháng một số, đến nay đã tròn 30 năm.
Ba mươi năm ngoảnh lại “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” (Lưu Trọng Lư). Bởi Phật sự tốt lành đó được thắp lên từ những trái tim Bồ Tát, mà vị Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu Phật học cũng là Phân viện Trưởng đầu tiên của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội: Đại lão Hòa thượng - Luật học Kim Cương Tử và nối truyền đuốc tuệ ấy, đến nay là Hòa thượng - Tiến sỹ Thích Gia Quang.
Trên bước đường phát triển - Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngày nay mà tiền thân là tờ Nội san Nghiên Cứu Phật học. Phải sau đúng một thập niên đổi mới - Từ 1986 đến 1996, nội san mới trở thành một tờ tạp chí, được in ấn và phát hành rộng rãi.
Nhìn lại, trước Đổi mới 1986, các hoạt động phật sự chìm lắng, Kinh sách không in mới hoặc tái bản… và hầu như cũng không phổ biến chung một thời gian dài. Mặc dù sau GIẢI PHÓNG: 1975 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành kiện toàn và thống nhất trong cả nước, thông qua kỳ đại hội toàn thể vào tháng 11 năm 1981 tại Thủ đô Hà Nội.
Nhưng rồi ánh sáng đổi mới 1986 của Nhà nước ta thực sự đã tạo duyên lành cho nhận thức mới về những tiến bộ xã hội, trong đó có nhận thức mới về vai trò của tôn giáo nói chung, trong đó có Phật giáo.
Do nắm được cơ hội với nhân duyên thù thắng ấy: Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học được thành lập để đáp ứng mong cầu của mười phương bạn đọc là các nhà Tôn giáo học, các nhà nghiên cứu, giới xuất gia và tại gia, các hành giả Phật giáo ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Những hoạt động song hành của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã tạo nên một DIỆN MẠO MỚI trong hoằng dương Chính Pháp, lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban Tôn giáo Chính phủ nên những khó khăn trở ngại đều sớm được khắc phục. Những đóng góp về mặt học thuật thông qua các bài viết của các nhà tôn giáo học, các nhà nghiên cứu văn hóa, dịch thuật… Ở trong nước và ngoài nước đã được Hội đồng cố vấn thẩm định đối chiếu trước khi in ấn nên đã kịp thời khắc phục sai sót, không xảy ra điều đáng tiếc nào. Trong Ban Biên tập cũng như Hội đồng cố vấn - ngoài giới xuất gia, với các chức sắc trong Giáo hội như Thượng Tọa, Hòa thượng, Đại đức còn có giới tại gia là cư sỹ như: Giang Ngọc Thanh, Giới Minh, Lê Mạnh Thắng, Phùng Anh Tuấn…
Để nâng cao chất lượng ấn phẩm Tạp chí với định kỳ 2 tháng một số - Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã chú ý tổ chức các kỳ gặp mặt trong từng thời kỳ với cộng tác viên để tổng kết đánh giá và chia sẻ, đồng thời cũng đề ra những định hướng mới trong những hoạt động Phật sự của Phân viện Nghiên cứu cũng như tờ Tạp chí. Bởi những nỗ lực, trí tuệ ấy, uy tín của Phân viện Nghiên cứu và tờ Tạp chí Nghiên cứu Phật học ngày một nâng cao. Đội ngũ cộng tác viên ngày càng đông đảo, gồm cả hai giới xuất gia và tại gia là các nhà Tôn giáo học, các nhà nghiên cứu Văn hóa, nghiên cứu Phật học - có hiểu biết sâu rộng cả về Thế học cũng như Đạo học, công tác dịch thuật cũng được chú ý. Ngoài các “chuyên mục” như: Đời sống Phật giáo, Lịch sử triết học, văn hóa danh thắng, suy ngẫm… Trong đó hai chuyên mục được chú trọng là: Phật học và Giáo lý. Ngoài các cộng tác viên là giới xuất gia như: Tiến sỹ Phật học Thích Giác Hiệp, Tỳ kheo Thích Thanh Phước, Đại đức Thích Thanh Thắng, Thích Thanh Lương. Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ - mà nay là Đệ Tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - ngay từ những năm đầu của tờ Tạp chí đã khai tri kiến Phật với bài “Phật vì cứu người mà cầu chính giác” đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 2 tháng 4 năm 1996. Sự minh triết đầy trí tuệ và lòng thuần từ đã thể hiện ngay trong đầu đề của bài viết!
Trong đội ngũ cộng tác viên là các cư sỹ phải kể đến: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng đã có nhiều bài đăng: “Từ lục hòa tịnh lữ đến Phật học tùng thư” (Tạp chí số 4 năm 2005). Rồi: “Mười năm phát triển” (tạp chí NCPH số 1 năm 2006), Nguyễn Đại Đồng còn có bài “Phật giáo thời Pháp thuộc” (1884 - 1945). Nhìn chung các bài nghiên cứu của Nguyễn Đại Đồng giàu tư liệu lịch sử về các hoạt động của Phật giáo nước nhà, trong đó, đáng kể nhất là giai đoạn chấn hưng Phật giáo của những năm 30 thế kỷ 20. Ngoài ra Nguyễn Đại Đồng còn có ấn phẩm xuất bản tại Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.
Về tác giả Thế Hinh cũng là một cư sỹ có bài “Chết không phải là hết” mà trước đó Thế Hinh đã xuất gia đầu Phật, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 1946 của Hồ Chủ Tịch, ông và một số nhà sư khi ấy đã “cởi áo cà sa - khoác chiến bào”. Rồi tại Làng Mai - nước Cộng Hòa Pháp, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng gửi in bài “Đạo Phật đi vào cuộc đời” (Số tạp chí tháng 4 năm 2005). Tác giả Huyền Cương - Lê Trọng Cường ngoài việc dịch thuật còn có các bài viết có tính học thuật cao, đề cập tới đời sống Phật giáo Việt Nam, như bài: “Về bối cảnh ra đời của dòng thiền Trúc lâm Yên Tử” (Tạp chí số 4 - 2006) hay bài: “Buổi bình minh của Pháp Bụt trên quê hương Việt Nam”. Một số bài viết của Huyền Cương - Lê Trọng Cường được in trên tạp chí Nghiên cứu Phật học, trên nguyệt san Giác ngộ (Tp. Hồ Chí Minh) đã được tuyển chọn in trong tuyển tập “Phật giáo trong thế kỷ mới” tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Để việc Phật không xa rời việc thế gian, tác giả Pháp Vương Tử có bài: “Bao giờ ông Bụt hiện lên” (Tạp chí NCPH số 1 - 1997) Tác giả đã khai thác truyện dân gian Tấm Cám - một câu chuyện đặc sắc nói về thiện - ác, qua đó gợi mở tri kiến Phật - đó chính là lòng từ bi, được xem như thành phần chủ yếu của trí tuệ mà biểu tượng trong hình ảnh cứu cánh của Bồ Tát - Một trong những đặc trung căn bản của Phật giáo Đại thừa. Rồi để tạo tiền đề cho những nhận thức mớ - tác giả Pháp Vương Tử đã mạnh dạn đề cập và phân tích tới “hai loại nhân quả” trong bản Kinh được cho là đầu tiền của Phật Thích Ca thuyết pháp sau khi Ngài thành đạo - đó là bài: “Nhân quả luân hồi và nhân quả Giải thoát trong giáo lý Tứ diện Đế” (tạp chí NCPH số tháng 7 năm 2015). Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cũng trăn trở với bài: “Qua dấu tích trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm thời Lý - Trần thử lý giải một vài nguyên nhân của hiện tượng hội nhập văn hóa trong lịch sử dân tộc”. Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo đăng bài tổng kết Hội thảo khoa học về “Bồ Tát Thích Quảng Đức”; “Vị pháp thiêu thân” trên tạp chí NCPH số 7 - 2015 nhằm làm rõ những cống hiến và vai trò của Phật giáo trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang.
Với 30 năm hoạt động của mình - Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã hoàn thành viên mãn những Phật sự trọng đại, tạo dấu ấn không thể nào quên đối với bạn đọc mười phương ở trong nước cũng như ở ngoài nước - Và cũng từ những hoạt động trí tuệ và thiện lành này, những ảnh hưởng của Đạo Phật đã được lan tỏa, được thấm đẫm trong muôn người, góp phần tạo nên một xã hội lành mạnh và thịnh vượng, trong công cuộc đổi mới của Nhà nước ta. Dư luận trong nước còn cho rằng: Đạo Phật ở Ta bây giờ rực rỡ như thời Nhà Lý vậy!
Để phát huy những thành quả của 30 năm ấy, thiết nghĩ: Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học hãy nỗ lực đổi mới hơn nữa trong các hoạt động hoằng pháp có tính đặc thù này. Đó là:
Thứ nhất: Công bố các luận án tiến sỹ (có thể trích một phần) về đề tài Phật giáo - như luận án của Hòa thượng - tiến sỹ Thích Gia Quang, luận án tiến sỹ của Lê Hữu Tuấn… trên tờ tạp chí hoặc in ấn xuất bản.
Thứ hai: Thẩm định để đi đến kết luận cuối cùng về tác giả và thời điểm ra đời “bài thơ thần” đang được cho là của Lý Thường Kiệt - Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam - đã được tác giả Huyền Cương - Lê Trọng Cường đề cập trong một bài viết trên tờ nguyệt san Giác ngộ - số 105 tháng 12 năm 2004, và trước đó cũng có nhiều bài viết về vụ việc này; mà vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan hữu trách.
Thứ ba: Tăng số phát hành Tạp chí Nghiên cứu Phật học: mỗi tháng ra một số.
Những định hướng ấy hết thảy đều nhằm: Không ngừng đổi mới nâng tầm nhận thức về Giáo lý đạo Phật trong thời đại của cuộc cánh mạng công nghệ 4.0, sáng tỏ lời của Đức Từ phụ rằng: Phật pháp bất ly thế gian giác - nghĩa là: Giáo lý đạo Phật không xa rời thế gian để giác ngộ thế gian./.
NNC.Pháp Vương Tử (Nguyễn Hữu Lợi) HỘI HỘI THẢO KHOA HỌC: “30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội & Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Thành tựu và Định hướng”
Bình luận (0)