Trang chủ Chuyên đề Những đóng góp của các Chúa Nguyễn cho Đại Giới đàn Phật giáo Đàng Trong vào thế kỷ XVII

Những đóng góp của các Chúa Nguyễn cho Đại Giới đàn Phật giáo Đàng Trong vào thế kỷ XVII

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu giới đàn đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức như thế nào, tổ chức ở đâu và ai là người thọ giới đầu tiên. Nhưng các sử liệu lịch sử không có để cho các nhà hậu học như chúng ta tìm hiểu. Nhưng trong một nghiên cứu của Thích Tâm Nhãn đăng trong Hương Tích Phật Học “GIỚI ĐÀN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM, cho rằng Khương Tăng Hội là người thọ Cụ túc giới đầu tiên, giới đàn truyền giới chỉ có ba vị Tỳ kheo chứng minh và giới đàn có từ đó. Nhưng các nghiên cứu chỉ dừng lại ở đó, sau này không có sử liệu nào nhắc đến bất cứ giới đàn nào được tổ chức.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Nhung dong gop cua chua Nguyen 1

Đến thế kỷ XVII thì các Đại Giới đàn được tổ chức có quy mô lớn dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn. Thời kỳ này Phật giáo Đàng Trong phát triển mạnh và có sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc. Giới đàn đầu tiên dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) lúc đó thiền sư Nguyên Thiều làm “Đường đầu”. Đây được xem là giới đàn đầu tiên được tổ chức tại Thuận Hoá (Huế). Nhưng đến thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), thì Đại Giới đàn được tổ chức gắn liền tên tuổi Hoà thượng Thạch Liêm từ Trung Quốc sang Đàng Trong. Hoà thượng Thạch Liêm làm “Đường đầu” trong giới đàn này. Đây được xem là Đại Giới đàn có sức ảnh hưởng lớn cả Đại Việt lúc bây giờ.

1. Giới đàn Nguyên Thiều

Sau biến cố năm 1682, thiền sư Hương Hải [5] dẫn 50 đệ tử bỏ ra Đàng Ngoài vì lý do chính trị, khiến cho Phật giáo vùng đất mới Thuận Hoá (Huế) vốn dĩ đã thiếu tăng sĩ thì nay càng thiếu thốn hơn. Vì vậy, khi Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) buộc phải trọng dụng thiền sư Nguyên Thiều thuộc phái Lâm Tế đang hoạt động tại chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định mời vào Thuận Hoá để thay thế thiền sư Hương Hải. Tại Thuận Hoá, thiền sư Nguyên Thiền lập chùa Phổ Thành ở Hà Trung (sau được sắc tứ thành chùa Hà Trung), và lập chùa Vĩnh Ân (sau được đổi thành chùa Quốc Ân ngày nay là chùa Báo Quốc) ở Phú Xuân.

Năm 1687, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần mất, con là Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) lên ngôi được gọi là Chúa Nghĩa. Cùng với ước vọng như cha ông muốn phát triển Phật giáo lớn mạnh hơn, nhưng thấy tình trạng ở Thuận Hoá thiếu tăng chúng hoằng hoá, nên Chúa mời thiền sư Nguyên Thiều sang Trung Hoa thỉnh danh tăng sang Đàng Trong để truyền pháp. Thiền sư Nguyên Thiều sang Trung Hoa muốn thỉnh Hoà thượng Thạch Liêm nhưng chưa đủ duyên “Kể từ Tiền vương (tức Nghĩa vương) có thư mời, đến nay cả thảy ba lần, mời ba lần tưởng cũng đã thành tâm lắm vậy. Ta chưa đi phương bắc”[7, tr.31]. Chuyến đi thỉnh sư của thiền sư Nguyên Thiền tuy không thỉnh được Hoà thượng Thạch Liêm, nhưng đã thỉnh được rất nhiều nhà sư Trung Hoa thuộc dòng phái Lâm Tế và Tào Động. Ngoài ra, còn thỉnh nhiều kinh sách, pháp tượng và pháp khí đem về Đàng Trong.

Nhưng theo một nghiên cứu Đại Nam liệt truyện thì lại cho rằng: thiền sư Nguyên Thiều vâng mệnh Nguyễn Phúc Trăn trở về Trung Hoa để mời các danh tăng và thỉnh pháp khí. Nguyên Thiều đã mời được Hoà thượng Thạch Liêm sang Đại Việt [4, tr.192]. Ngay cả thượng toạ Mật Thể cũng đồng quan điểm trên và đưa ra lập luận rằng: “Khi Thọ Tôn Hoà thượng (Nguyên Thiều) vâng mệnh Chúa Nguyễn về Quảng Đông tìm các bậc cao tăng, có nghe tiếng Ngài (Thạch Liêm) liền mời ngài về trụ trì ở chùa Thiên Mụ để dạy chúng đệ tử và thường mời vào cung đàm đạo, sau ngài có lập chùa Khánh Vân gần chùa Thiên Mụ. Ở được ít năm, ngài xin trở về Trung Hoa không qua nữa”[6, tr.186].

Cũng như sự kiện trên, Nguyễn Lang đánh giá ngược lại với Thượng toạ Mật Thể: “Xét kỹ Nguyên Thiều chưa từng mời được Thạch Liêm, cùng qua Đại Việt với Nguyên Thiều cũng có những thiền sư khác nhưng không có mặt Thạch Liêm. Theo ghi nhận của Nguyễn Lang có thể dựa vào Hải ngoại ký sự khi Thạch Liêm viết ông sang Đại Việt vào năm 1695 đi với nhiều đệ tử (tăng chúng theo ta hơn 50 người) của ông chứ Hoà thượng không hề nhắc đến sự có mặt của Nguyên Thiều trong chuyến đi của ông [7, tr.30-31].

Nói vậy, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687- 1691) đã từng biết danh tiếng của Hoà thượng Thạch Liêm trước đó (có thể nhiều đệ tử phái Tào Động đang hoằng pháp tại Đàng Trong và đề cập đến Hoà thượng Thạch Liêm với Chúa Nghĩa), nên Chúa đã viết thư thỉnh Hoà thượng sang Đàng Trong để truyền pháp nhiều lần không được nhận lời.

Trong chuyến đi này, tuy thiền sư Nguyên Thiều không thỉnh được Hoà thượng Thạch Liêm, nhưng lại thỉnh rất nhiều danh Tăng, trong đó có thể có thiền sư Hưng Liên Qủa Hoằng (đệ tử của Thạch Liêm) qua Đàng Trong trong chuyến đi này. Chúa Nghĩa cho tổ chức mở giới đàn truyền giới ở chùa Thiên Mụ và tổ sư Nguyên Thiều làm Hoà thượng “Đường đầu”. Trong giới đàn này các giới tử thuộc thiền phái Trúc Lâm còn sót lại, cũng như một ít giới tử thuộc phái Tào Động cũng phải thọ giới đàn này nếu muốn tiếp tục hoằng pháp tại đây.

Nên kể từ đây thiền phái Lâm Tế được trọng dụng ở Đàng Trong và không còn nhắc đến thiền phái Trúc Lâm nữa. Chính vì vậy, thiền phái Lâm Tế tại Thuận Hoá không còn là thiền phái thuần tuý nữa mà để pha trộn giữa hai thiền phái là Trúc Lâm và Lâm Tế với nhau. Pháp môn tu hành không còn là Thiền Tông nguyên thuỷ của Lâm Tế mà đã phối hợp giữa Thiền tông – Tịnh độ và Mật tông. Trong tu thiền cũng không còn là thiền của Lâm Tế mà nó chịu nhiều ảnh hưởng Lục Tổ Huệ Năng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Nhung dong gop cua chua Nguyen 3

Giới đàn chùa Thiên Mụ vào thời Chúa Nghĩa do thiền sư Nguyên Thiều làm Hoà thượng Đường Đầu, tuy không sử liệu nào ghi lại quy mô tổ chức của giới đàn, nhưng xem đây là giới đàn đầu tiên được tổ chức tại Thuận Hoá. Nhưng nói đến sự quy mô thì phải nói đến Đại Giới Thạch Liêm tổ chức vào năm (1695) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725).

2. Giới đàn Thạch Liêm

Đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) muốn mời Thạch Liêm sang Đàng Trong để truyền pháp, nhưng sau nhiều lần viết thư thỉnh mời vẫn không được chấp nhận. Ngay cả mời Nguyên Thiều sang thỉnh nhưng vẫn chưa đủ nhân duyên.

Đến khi chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) nối nghiệp mới thực hiện ước muốn của cha mình. Đây cũng được xem là mối nhân duyên giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Hoà thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) là đệ tử đời thứ 29 của phái Tào Động [1] từ Trung Quốc sang Đàng Trong để truyền pháp.

Lúc bấy giờ tình hình Phật giáo ở Đàng Trong đang trong giai đoạn suy thoái, thiền sư Hưng Liên Qủa Hoằng giới thiệu với Chúa Nguyễn Phúc Chu về việc mời hoà thượng Thạch Liêm qua Đàng Trong để hoằng hoá Phật pháp. Theo sự chỉ dẫn của thiền sư Hưng Liên Qủa Hoằng, Chúa Nguyễn đã cử người qua Quảng Đông để thỉnh hoà thượng Thạch Liêm, nhưng hoà thượng vẫn chưa nhận lời. Cuối cùng, vào năm Giáp Tuất (1694) Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cử hai vị thiền sư qua Quảng Đông thỉnh hoà thượng Thạch Liêm kèm theo bức thư: “Đại Việt quốc vương ngưỡng mộ lão hoà thượng đã lâu năm, ngày nay đốt hương xa lạy, dâng phong thư trước toà Sư tử, cúi đầu Đạo giá lai lâm, nếu được nhận lời, là phước lớn cho hạ quốc vậy”[7, tr.30], cùng kèm theo một bức thư của đệ tử thỉnh cầu của thiền sư Hưng Liên Qủa Hoằng, chính trong cư duyên này hoà thượng Thạch Liêm mới quyết định qua Đàng Trong.

Sáng ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (12- 3-1695), thuyền buôn đến đảo Tiêm Bút La (Cù Lao Chàm ngày nay), trên thuyền ngoài thiền sư Thạch thêm còn thêm 50 người đi theo Ngài, lại còn mang thêm nhiều pháp tượng, pháp khí và kinh sách… Chúa Nguyễn Phúc Chu cho thuyền ra rước phái đoàn của Hoà thượng Thạch Liêm. Hoà thượng Thạch Liêm diễn tả lại chiếc thuyền mà Chúa Nguyễn đã cho ra rước trong Hải Ngoại Ký Sự như “Thuyền sơn son láng bóng soi mặt được, hai bên thuyền có 25 tay chèo, thuỷ quân rất mạnh mẽ, cửa khoang thuyền chạm rồng và mây, sơn đỏ, trên che đệm có đằng văn, dưới trải chiếu lát mịn màu xanh lục, lò đốt kỳ nam hương, hộp vàng bày trầu cau, có đủ các thứ gối tựa ống rổ”[7, tr.50]. Vài mươi thuỷ quân võng ta xuống, nổi trống đồng hò hát chèo đi.

Quốc sư và Quốc cậu rước phái đoàn Hoà thượng Thạch Liêm về phủ Chúa ở kinh đô Phú Xuân, trong cung có bài trí tượng Phật, phướn tàn, chuông mõ, chẳng khác nào cảnh chùa. Hoà thượng Thạch Liêm bảo “Nhà vua thực khá gọi chẳng quên nghiệp cũ vậy”. Sau mấy lời hàn huyên uý lạo, Chúa Nguyễn đứng dậy thưa rằng: “Đệ tử tâm mộ đạo phong lão hoà thượng đã mấy năm, nay may mắn hoà thượng chẳng vì cớ xa xôi từ khước, cầu xin rủ lòng, bảo đệ tử biết đường chính để noi theo”[7, tr.56]. Hoà thượng bảo: “Đạo nhà vua ở nơi trị nước an dân. Đạo chỉ có một, nhưng địa vị mỗi người mỗi khác nhau. Nếu kẻ cai trị quốc gia, lãng bỏ tất cả pháp lệnh kỷ cương, để cưỡng cầu thanh tịnh, ấy là chẳng biết thanh tịnh vậy. Nếu hay những nhưng không dục vọng, lạnh lẽo không tham cầu, trong lòng hư linh, tuỳ việc thuận lý, tuỳ vật ứng phó, thì tuy ngày xử trí muôn việc cũng chẳng phiền nhiễu mảy may. Bởi thế nước trị dân an, hầu thấy rủ áo vòng tay, không làm mà thành đạo, thanh tịnh tột bậc, Đế vương Phật Tổ nào có phân biệt, gì đâu”[7, tr.56]. Sau Chúa Nguyễn đãi tiệc chay và đưa Hoà thượng Thạch Liêm về chùa Thiền Lâm vào lúc nửa đêm.

Chùa Thiền Lâm nhỏ hẹp, không đủ chỗ cho giáo đoàn của Hoà thượng Thạch Liêm và tăng chúng đi cùng cũng như chỗ để mở giới đàn, nên Chúa Nguyễn Phúc Chu ngay lập tức cử hơn nghìn người đem theo nguyên vật liệu và chỉ trong 3 ngày đã dựng được “Vân trù, Thiền đường, Vân Thuỷ dựng lên phía tả, Thị liêu, trai đường, Độc Luật đường, Am chủ liêu dựng ở phía hữu. Ở giữa làm một giới đàn. Suốt sáng thâu đêm, chỉ trong ba bốn ngày là xong. Ngoài ra, khuân vác khí cụ, hằng ngày trên đường đông như kiến cỏ …” [7, tr.110], công trình này huy động tới hơn 2000 người và sau khi hoàn thành, chùa Thiền Lâm trở thành một Tổ đình của thiền phái Tào Động, một trường hạ cho Tăng chúng cả hai xứ Thuận – Quảng.

Từ ngày Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hoá (1558), khi lần đầu tiên cho trùng tu chùa Thiên Mụ vào năm (1601) và cho đến hộ trì Phật giáo của các chúa Nguyễn sau đó, Phật giáo xứ Đàng Trong phát triển mạnh mẽ đến cuối thế kỷ 17 lúc đó trong nước: “thần dân trong nước hết thảy đều quy y Tam bảo….chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn…” đúng như lời nhận xét của Hoà thượng Thạch Liêm. Nhưng đến thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Phật pháp xứ sở này đang có chiều hướng suy đồi, một phần do chính sách phu quân, bắt lính của chúa Nguyễn, khiến cho “Cha mẹ sợ con phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan, do đó bọn khoác áo nhà chùa rất đông, Phật pháp trở nên hỗn loạn, chẳng những “tôn phái” không ai hỏi đến, mà các việc “Luật”, “luận”, “luật” cũng đều xếp xó bỏ qua, đến đỗi những kẻ mão ni áo tràng, mà nết xấu tật hư, còn quá bọn dâm quê ngoài làng mạ!.”[7, tr.70]. Chúa là phát lệnh bài đi các phủ, triệu hồi Tăng đồ đưa về thọ đủ 3 giới pháp đàn mới cấp giới điệp, lại lệnh cho quyến thuộc, quan lại ai có tín tâm có thể xin quy y (xin làm đệ tử), thọ Bồ tát giới, được đặt pháp danh và đạo hiệu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2020 Nhung dong gop cua chua Nguyen 2

Ngày mùng 1 tháng 4 năm (1695), Hoà thượng Thạch Liêm tổ chức lễ truyền Sa di giới, Quốc chúa mở đàn chay dâng lễ và mời Hoà thượng Thạch Liêm thượng đàn thuyết pháp. Ngày mùng 6 tháng 4 (năm 1695) tổ chức truyền Tỳ kheo giới, có Quốc mẫu và vương huynh đặt tiệc chay và cùng ghi chép lời pháp ngữ. Giới đàn có trên ba ngàn giới tử trong đó số giới tử xuất gia lên tới 1.400 vị vừa Tỳ kheo vừa Sa di. Trong giới đàn này, giới điệp cấp phát cho giới tử đều có đóng kèm ấn của phủ chúa. Cũng trong ngày mùng 6 đó Phật viện trong vương cung được khánh thành, Hoà thượng Thạch Liêm đã tặng một bức hoành phi “Giác viên nội điện” cùng câu đối treo trước đại điện:

“Đẳng giác địa vị Diệu giác địa, thành tâm minh tâm, đồng nhi tam ma trí tuệ chân như tạng”
(Nơi đẳng đổi làm nơi Diệu giác, lòng thành, lòng sáng đồng vào như trí tuệ chân như)

“Nguyễn vương cung kiến Phạm vương cung, tại thế xuất thế, tổng thành nhất phiến nhân từ đại đạo trường”
(Cung Nguyễn vương xây dựng cung Phạm vương, đời tục, đời tu, hợp một trường nhân từ đại đạo)

Đến ngày lễ Phật đản (mùng 8 tháng 4), Quốc chúa mở giới đàn riêng ở Nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ tát giới. Trời thì nắng nóng, Chúa quỳ lâu nên mồ hôi ướt thấm mấy lớp áo nhưng khi người dâng lễ bảo ngồi nghỉ thì Chúa không chịu và bảo “ta ít tuổi, vui lòng chịu giới phạm, chẳng lấy thế làm mệt”. Hoà thượng Thạch Liêm cũng thấy được sự thành tâm của một ông vua, nên Hoà thượng ông viết: “nay mừng thấy nhà vua, thân ở ngôi vua mà linh nguyên chẳng bị mờ tối, y nhiên hành động như kẻ tu hành, ấy điều do mầm bát nhã kiếp trước bồi đắp cao dày, cho nên tuổi trẻ tột bậc giàu sang, trong trường tối lạc, vẫn giữ được niềm tin bền vững như thế. Chỉ một chữ “tín” cũng đủ diệt trừ phiền não, thẳng vào cõi Như lai…”[7, tr.132]. Trong giới đàn này thì cả hoàng tộc đã thọ giới Bồ tát, riêng chúa Nguyễn Phúc Chu được thầy cho pháp danh là Hưng Long.

Ngày 24 tháng 4, chúa Nguyễn mời Hoà thượng Thạch Liêm cùng các đệ tử, tăng chúng mở một kỳ sám tụng Đại bi đà la và tham vấn ý kiến Hoà thượng về việc mình nên làm. Hoà thượng cho rằng: “Việc trai giới chẳng phải chỉ giữ cho sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thoả đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết, nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy. Nói tóm lại, nên đem tất cả các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến nghi lễ đàn trường, tăng chúng y bát, vật dụng hương hoa…sẽ kê đơn chế biện… ”[7, tr.148].

Trong khi chờ đợi thời tiết thuận lợi để trở về Trung Quốc tại Hội An, Hoà thượng Thạch Liêm lưu trú tại chùa Di Đà. Nhưng khi Hoà thượng đến đây chưa được bao nhiêu ngày thì các giới tử chưa kịp thọ giới trong giới đàn ở Thuận Hoá cứ luôn đến xin Hoà thượng truyền giới. Vì ngày về chưa đến nên Hoà thượng quyết định tổ chức một giới đàn khác tại chùa Di Đà vào ngày mồng bảy tháng Bảy Âm lịch năm Ất Hợi (1695). Khoảng trên 300 người đến xin thọ giới. Giới đàn ở đây tổ chức rất đơn giản, nhưng giới điệp cũng được đóng kèm ấn chúa. Trong Hải ngoại ký sự cũng ghi rõ: “tứ chúng giới tử hơn 300 người, đều thụ giới hoàn tất. Khiến quốc sư và Hậu đường cấp phát điệp văn cho họ, mặt khác tư giấy trình quốc vương xin dùng ấn đến đóng kèm điệp văn”[7, tr.242]. Đây là giới đàn cuối cùng Hoà thượng Thạch Liêm truyền giới trước khi trở lại Trung Quốc.

3. Kết luận

Những đóng góp của các chúa Nguyễn cho Phật giáo Đàng Trong về nhiều phương diện như: xây dựng trùng tu chùa chiền, ủng hộ các thiền sư từ Trung Quốc sang hoằng pháp, tổ chức giới đàn tiếp tăng độ chúng… Chính những đóng góp của các chúa Nguyễn trong hai thế kỷ cai trị Đàng Trong, đã làm cho Phật giáo khởi sắc và phát triển mạnh. Phật giáo Đàng Trong đang mang một sắc thái riêng, trong đó ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc rất lớn. Nhưng việc ủng hộ tổ chức giới đàn để tiếp tăng độ chúng là một trong những việc làm có nhiều ý nghĩa đối với Phật giáo Đàng Trong lúc bấy giờ cũng như Phật giáo Việt Nam.

Theo các sử liệu để lại, không thấy bất cứ một tài liệu liên quan đến Phật giáo trước thế kỷ XVII, nói đến việc tổ chức giới đàn truyền giới, mà các tài liệu nghiên cứu tìm thấy chỉ nhắc đến thời kỳ chúa Nguyễn ở Đàng Trong vào thế kỷ XVII.

Nhưng các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo cũng không dám đưa ra quả quyết rằng: giới đàn được tổ chức vào thời các chúa Nguyễn vào thế kỷ XVII là giới đàn đầu tiên của Phật giáo Việt Nam được tổ chức. Nhưng xem đây là tiền đề cho Phật giáo tổ chức giới đàn sau này. Hiện tại, chúng ta thấy các giới đàn được tổ chức hàng năm ở Việt Nam có quy mô lẫn hình thức và số người tham dự rất lớn khắp các tỉnh thành trong nước.

Tác giả: Trần Thị Hà – Học viện PGVN tại TP.Hồ Chí Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2020

———————-

CHÚ THÍCH:
1. Tào Động là tông phái Thiền quang trọng tại Trung Quốc được hai vị Thiền sư sáng lập, là Động Sơn và Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch. Người ta ghép hai chữ đầu của hai tên vị này và gọi là Tào Động. Mặc dù mục đích tu tập trong hai trường phái Lâm Tế và Tào Động như nhau nhưng phương pháp tu tập cụ thể thì khác biệt. Tào Động chú trọng đến phương pháp Mặc chiếu thiền, tức là Chỉ quán đả toạ “chỉ an nhiên Toạ Thiền là đủ”, Lâm Tế tông chủ trương phương pháp Khán thoại thiền, là quán Công án. Thiền Tào Động được thiền sư Thông Giác Thuỷ Nguyệt (1636-1704) truyền sang Việt Nam giữa thế kỷ 17, Thông Giác truyền trao cho Chân Dung Tông Diễn và phái này hoạt động ở Đàng Ngoài, rất thịnh hành cuối thế kỷ 17 và đầu 18.
2. Câu này có ý nói Quốc vương với Đại Sán nguyên kiếp trước cùng tu với nhau một chỗ ở Trung Quốc. Nay Quốc vương đầu sinh làm vua ở Việt Nam, vẫn thờ Phật tụng kinh, chẳng quên việc cũ.
3. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb. TP.HCM
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, Nxb. Thuận Hoá
5. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh
6. Thượng toạ Mật Thể (1960), Sử Lược Việt Nam Phật Giáo, Nxb. Minh Đức.
7. Thích Đại Sán, Hải Ngoại ký sự, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (2015), Nxb.Khoa Học Xã Hội.22

 

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường