Trang chủ Chuyên đề Những đặc điểm về đối tượng thờ cúng tại chùa Liên Phái và chùa Hàm Long

Những đặc điểm về đối tượng thờ cúng tại chùa Liên Phái và chùa Hàm Long

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

TS.Nguyễn Thị Quế Hương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

1. Chùa Liên Phái (Hà Nội) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh)

Chùa Liên Phái[1] hiện tọa lạc tại ngõ Chùa Liên Phái, số 182, phố Bạch Mai, Hà Nội. Theo tấm bia đá khắc năm Tự Đức thứ 10 (1857) hiện còn ở chùa cho biết chùa Liên Phái được xây dựng từ năm Bảo Thái thứ 7 (1726), đời Lê Dụ Tông. Theo lịch sử, chùa có tên là Liên Hoa, đến năm 1733 đổi tên là Liên Tông, sau năm 1841 được đổi tên là Liên Phái. Sở dĩ trước đây chùa có tên là Liên Hoa, có nguyên nhân như sau: Thế tử Trịnh Thập con Tấn Quang Vương Trịnh Bính, là cháu nội chúa Trịnh Căn và là Phò mã vua Lê Huy Tông (Trịnh Thập lấy người công chúa thứ 4) sau khi được cấp đất xây dinh thấy ở gò đất cao sau phủ có một ngó sen, nên Trịnh Thập cho rằng mình có duyên với đạo Phật. Do đó, Ngài quyết định chuyển phủ của mình thành chùa và đặt tên là Liên Hoa (hoa Sen) rồi tầm sư học đạo, trở thành Lân Giác Thượng Sĩ trụ trì chùa Liên Hoa. Đến năm 1733, Tổ Lân Giác (Trịnh Thập lúc đó mới 37 tuổi) đã tịch, xá lị được cất trong tháp Cứu Sinh (xây ở chính nơi tìm thấy ngó sen).

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Lien Phai 1

Chùa Liên Phái, Hà Nội. Ảnh: St

Chùa được xây dựng theo hình chữ “Đinh” với nhiều nhà nhỏ để lưu giữ bia. Tòa thượng điện chính có 3 gian đặt hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối. Các hoa văn chạm nổi trên kiến trúc gỗ, tinh xảo, trang nghiêm.

Một trong những điểm nổi bật tại chùa Liên Phái đó là tòa tháp Cửu phẩm liên hoa đặt ở sân trước chùa. Trước đây, chùa Liên Phái rất nhiều tháp, nhưng đến nay chỉ còn 7 tháp, trong đó có ngọn tháp bằng đá xanh 5 tầng hình tứ giác được trang trí khá đẹp là ngọn tháp Tổ Cứu Sinh – người tạo lập chùa Liên Phái. Ngoài ra, chùa Liên phái còn lưu giữ nhiều di vật phong phú. Theo Cổng thông tin điện tử quận Hai Bà Trưng cho biết, chùa còn 22 tấm bia đá ghi việc hậu Phật, một pho tượng Phật bằng đá, 22 câu đối gỗ, 10 chiếc hương án sơn son thếp vàng lộng lẫy, 16 bức hoành phi, 4 bức tranh gỗ, 2 cuốn thư chạm lá, tứ linh, cửa vòng,… và đặc biệt là pho tượng Nguyễn Đăng Giai – người xây dựng ngôi chùa Liên Trì – cạnh hồ Hoàn Kiếm (hiện nay dấu tích còn lại của ngôi chùa này là tháp Hòa Phong), khi chùa Liên Trì bị phá hủy, tượng của Nguyễn Đăng Giai được đưa về đặt tại chùa Liên Phái để thờ. Với việc sở hữu nhiều giá trị di sản văn hóa Phật giáo, Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận chùa là di tích cấp quốc gia.

Một trong những điểm đặc sắc của chùa Liên Phái đó là việc xem “trùng tang, ban bùa chú giải cứu sinh” cho người dân ở Hà Nội nói chung và người dân vùng lân cận rất có tiếng. Đây là việc làm an ủi về tâm lý cho những gia đình có người mất đúng vào ngày xấu, đại kỵ, đồng thời cũng là hồi hướng cho các vong linh còn chưa thấy chân tâm, cũng như tại chùa Hàm Long nổi tiếng với việc “giữ vong”.

Chùa Hàm Long[2] hiện tại tọa lạc trên khu đất tứ linh tại thôn Thái Bảo, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1988.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chua Ham Long Bac Ninh 1

Chùa Hàm Long, Bắc Ninh. Ảnh: St

Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng vào khoảng từ năm 1110 – 1140 vào thời Lý và theo văn bia trùng tu tại chùa thì đến thời Lê Hy Tông (1676-1705) có vị thế tử của chúa Trịnh là Trịnh Thập đến chùa tu hành có pháp danh là Như Trừng Lân Giác. Ngài chính là vị Tổ đã trùng tu và mở rộng chùa Hàm Long từ đó như Tòa tiền đường, Tam bảo, Tổ đường, tang phòng, vườn tháp,… trải qua năm tháng các hạng mục bị xuống cấp, đến năm 1990, HT. Thích Thanh Dũng đã được trùng tu lại nhiều hạng mục khang trang hơn cũng như bổ sung thêm một số công tình khác tại chùa.

Chùa Hàm Long có hai lớp cổng, cổng cũ được xây dựng từ thời Lê nên đến nay không dùng nữa) mà thay vào là cổng mới do HT. Thích Thanh Dũng xây dựng. Lớp cổng phía trong gồm 3 cổng. Đi vào phía trong qua khoảng sân là Tiền đường. Tiền đường gồm 7 gian, trong đó Tam bảo có 3 gian, trong Tiền đường đều có hoành phi, câu đối. Đặc biệt, tại hai chùa đều gọi nhà Tổ là Ly Trần viện, nơi thờ các vị Tổ của chùa. Trong đó có hai câu đối đáng chú ý nói về việc Tổ Như Trừng và Quốc Sư:

Nguyễn Quốc sư tu chân y nhiên Phật Tích

Trịnh Giác tổ cứu kiếp tại Thần Phù

Tạm dịch: Nguyễn Minh Không Quốc sư tu hành vẫn còn dấu xưa trên Phật tích. Trịnh Hòa thượng Giác tổ cứu kiếp còn lưu bóng dáng cửa Thần Phù.

Ngoài ra, còn có các hạng mục khác như gian thờ Mẫu, nhà khách, nhà Tăng (phía Tây và phía Đông) cùng trường học (là Trung cấp Phật học tỉnh Bắc Ninh) được xây dựng năm 2000. Lầu Quan Âm được xây dựng gần tháp Cứu sinh. Tháp cứu sinh được xây dựng vào năm Long Đức thứ 2 (1733) do Thái phi ban cho Từ Mẫu Trịnh Hòa thượng để đặt xá lị của Ngài ở chùa Hàm Long. Toàn bộ tháp có 7 tầng, được xây bằng đá xanh, không có chất kết dính và cho đến nay vẫn trường tồn, bền vững. Bên cạnh tháp Cứu Sinh còn là hệ thống nhiều tháp khác để di cốt của các Tổ về sau như tháp Tịnh Minh, Từ Quang tháp, tháp Phổ Đồng, tháp Đá, Tâm Điền bảo tháp, tháp Phổ Đà, Phổ Đồng Long tháp, Từ Sơn tháp, Hành Long bảo tháp, Từ Niệm tháp và có 9 tháp không đọc được tên do bị mai một chữ. Các tháp sau đều được xây 3 tầng.

Đặc biệt, tại chùa Hàm Long là nơi “nhốt vong” do chính Tổ Như Trừng Lân Giác đã đặt nền móng cho việc “nhốt vong” này với việc dùng kinh kệ dẫn lối, nhất là kinh Thập nguyện cứu sinh giúp cho linh hồn được siêu sinh. Cho đến ngày nay, vẫn có nhiều người ở nhiều nơi mang vong lên chùa gửi sau khi biết người nhà mất vào giờ, ngày xấu (giờ, ngày tùng tang) và họ đều công nhận sau khi đưa vong “trùng” lên chùa thì gia đình, dòng họ đều được bình an.

2. Đặc điểm về đối tượng thờ cúng tại chùa Liên Phái (Hà Nội) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh)

2.1. Đối tượng thờ cúng tại hai chùa

* Chùa Liên Phái

Tại thượng điện có ba gian giành làm nơi thờ phụng. Gian chính giữa thờ hệ thống tượng Phật rất trang nghiêm.

Tính từ lớp bệ cao nhất là bộ Tam thế Phật (quá khứ – hiện tại – tương lai). Chính giữa là Thích Ca Mâu Ni Phật (hiện tại), phía Đông là Nhiên Đăng cổ Phật (quá khứ), phía Tây là Di lặc tôn Phật (tương lai).

Bệ thứ hai là bộ ba tượng Tây Phương Tam Thánh là tượng Phật A Di Đà (ở giữa), hai bên là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.

Tiếp đến là tượng Thích Ca thuyết pháp, hai bên là Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát. Dưới cùng của Tam bảo là tượng Thích ca sơ sinh đặt trong tòa Cửu Long.

Từ ngoài vào trong Thượng điện ở bên phải là tượng Đức Ông – Trưởng giả Cấp Cô Độc và hai vị thị giả hai bên. Bên trái là tượng Thánh tăng A Nan và hai thị giả hai bên.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nhung Dac Diem Ve Doi Tuong Tho Cung Tai Chua Lien Phai Va Chua Ham Long 1

Sơ đồ bài trí tượng Phật trên Tam bảo tại chùa Liên Phái, Hà Nội

Ngoài ra, hệ thống tượng thờ còn được bài trí ở nhà Tổ. Khu nhà Tổ ở ngay sau thượng điện. Gian chính thờ bộ Tam thánh với Đức A Di Đà, Quan Âm và Thế Chí, đây là tượng được nhà vua ban cho chùa vào niên hiệu Chính Hòa. Hai gian bên thờ các vị Tổ gồm: Như Trừng Lân Giác Thượng sĩ, Tính Tỉnh Trạm Đông hòa thượng, Kiêm Liên Tịch Truyền đại sư, Tường Chiếu khoan Tổ sư, Phổ Tính đại sư, Phức Điền hòa thượng và Đầu Đà chùa Bà Đá.

* Chùa Hàm Long

Tam bảo gồm các hệ thống tượng Phật như sau (nhìn từ ngoài vào trong):

Trên cùng là bộ Tam thế (Nhiên Đăng, Thích Ca và Di lặc): Chính giữa là Thích Ca Mâu Ni Phật (hiện tại), phía Đông là Nhiên Đăng cổ Phật (quá khứ), phía Tây là Di lặc tôn Phật (tương lai). Tuy nhiên, tùy từng ngôi chùa mà có những vị  trí khác nhau của Nhiên Đăng cổ Phật hay A Di Đà Phật.

Ở hàng thứ hai (nhìn từ trên xuống) có bộ Tây phương Tam thánh gồm 3 tượng Bồ tát: Đức Phật A Di Đà Phật (bằng đồng), bên trái là Bồ tát Quan Thế Âm, bên phải là Bô Tát Đại Thế Chí.

Ở phía trong phía tay phải thờ Quan Âm Thị Kính – đây là hình tượng người phụ nữ bồng một đứa bé trên tay với tích Tiểu Kính Tâm[3] mà người Việt đã thờ phụng từ xưa. Đối xứng với Quan Âm Thị Kính là phía bên trái có thờ tượng Quan Âm Chuẩn Đề.

Tiếp đến hàng thứ ba là Phật Di Lặc (ngồi giữa) và hai bên hai thị giả.

Một bộ gồm 4 tượng bằng đồng đặt trước các bệ phía trên là tượng đức Phật Thích Ca hay tượng Đức Thế Tôn. Theo tác giả Nguyễn Quang Khải, Đức Thích Ca được đúc năm 1928, ở tư thế đứng ở giữa. Bên phía tay phải có tượng Ca Diếp và bên trái có tượng A Nan. Cả 3 pho tượng đều được tạc bằng đồng, cao đều nhau là 2,4m. Ngoài ra còn có pho tượng Ma Da phu nhân (phu nhân vua Tịnh Phạn), tượng hình dáng người đàn bà phúc hậu, tay trái đỡ Đức Phật sơ sinh. Các pho tượng Thế Tôn, A Nan, Ca Diếp và Ma Da phu nhân đều được tạc bằng đồng vào các năm 1928, 1944 do HT. Thích Ngọc Uẩn hưng công[4].

Hai bên của tiền đường là hai tượng Hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác đứng hai bên. Tượng Đức Ông (bên phải) và tượng Thánh Hiền (bên trái) là hai tượng đối xứng hai bên. Ngay bên cạnh Đức Ông là tượng Ngọc Hoàng (đối với các chùa khác thường được phối thờ trên Tam bảo) và hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Nhung Dac Diem Ve Doi Tuong Tho Cung Tai Chua Lien Phai Va Chua Ham Long 2

Sơ đồ bài trí tượng Phật trên Tam bảo tại chùa Hàm Long, Bắc Ninh

Ngoài ra, hệ thống tượng thờ còn được bài trí ở nhà Tổ (Ly Trần viện), nhà Mẫu,… tại nhà Tổ, ở vị trí cao nhất là khám thờ Trịnh Hòa thượng (chính giữa), bên trái là khám tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma, bên phải là một vị Tổ. Hai gian bên đều có thờ các vị Tổ. Phía trước khám là Tòa Cửu Long. Gian cuối thờ Địa Tạng Bồ Tát và Đốc học Đỗ Trọng Vĩ (Cử nhân khoa Giáp Tý, đã cáo quan về ẩn tại chùa Hàm Long). Tại nhà Mẫu có thờ Tam tòa Thánh Mẫu cùng hai Cậu (trong tủ kính). Gian bên trái là Sơn Trang, gian bên phải thờ đức Thánh Trần. Phía bên ngoài của nhà Mẫu có thờ Ngũ vị tôn ông.

Phía hậu cung có thờ tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, kế tiếp là Đức Thế Tôn ngồi Kết già trên tòa sen và ngoài cùng là tượng Quan Âm, các pho tượng này đều làm bằng gỗ.

Hầu như, các pho tượng ở chùa Hàm Long đều được tạc bằng đất, gỗ và đồng như tượng Phật, Bồ Tát, Thánh tang, Hộ pháp, Đức ông, Tổ, mẫu…

2.2. Những điểm chung và riêng trong đối tượng thờ cúng tại hai chùa

* Điểm chung

Nhìn một cách bao quát, cả hai chùa đều theo sơn môn tổ đình của Tổ sư Như Trừng nên đối tượng thờ cúng đều có những điểmm giống nhau như thờ Đức A Di Đà làm tâm điểm trên hệ thống thống thờ cúng của Tam bảo, đó là bộ ba tượng Tây Phương Tam Thánh là tượng Phật A Di Đà (ở giữa), hai bên là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Đây là điểm cơ bản và cũng là điểm giống nhau của hệ thống chùa cùng sơn môn Tổ đình.

Một trong những điểm chung mà hầu như chùa ở Bắc Bộ đều có đó là tượng Đức Ông (Trưởng giả Cấp Cô Độc) bên phải (từ ngoài nhìn vào) đối xứng với tượng Thánh Hiền (tượng Thánh tăng A Nan bên trái) đặt phía gần cửa ra vào.

Một điểm chung của hai ngôi chùa này đều liên quan đến việc giải cứu sinh, lo việc “trùng tang, ban bùa chú giải trùng” và “nhốt vong”. Các việc này đều do Tổ Như Trừng khởi tạo với mục đích làm cho thân, tâm của người sống an lạc và vong linh của người mất được độ siêu.

* Điểm riêng

Trước hết, xét tại bệ thứ 3, ở Hàm Long thì lại thờ Đức Phật Di Lặc, trong khi đó ở Liên Phái lại thờ Đức Phật thuyết pháp với hai bên là hai thị giả Văn Thù Bồ tát và Phổ Hiền Bồ tát.

Ở hàng kế tiếp của chùa Liên Phái lại thờ Tòa Cửu Long, trong khi đó trên Tam bảo của chùa Hàm Long chỉ đến bệ thứ 3 (từ trên xuống) thờ Đức Phật Di Lặc và kế tiếp chùa Hàm Long lại đặt bộ 4 tượng được đúc bằng đông cao lớn ở trước Tam bảo. Đồng thời, ở hai bên của Tam bảo lại đặt hai tượng đối xứng là Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Chuẩn Đề.

Đối với tượng Ngọc Hoàng Thượng đế và hai bên Nam Tào, Bắc Đẩu thường được các chùa miền Bắc đặt ở trên ban Tam Bảo, tuy nhiên, tại chùa Hàm Long lại đặt ở ngay bên cạnh ban Đức Ông. Đây cũng là điểm khác so với nhiều chùa.

Theo tác giả Nguyễn Quang Khải khi tìm hiểu về hệ thống câu đối, văn bia và hệ thống thờ tự được biết, chùa Hàm Long không những là Tổ đình của dòng Lâm Tế mà còn là tổ đình của tông Tào Động[5]. Đây chính là điểm khác giữa hai chùa về đối tượng thờ.

Lý giải những điểm khác nhua, chúng tôi cho rằng, việc các chùa ở Việt Nam nói chung, ở miền Bắc nói riêng có sự khác biệt trong cách bài trí đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến và cho rằng sự khác nhau đó chung quy là những tượng thờ ở hàng thứ 3 trở xuống thường được đưa vào sau nên tùy mỗi chùa lại có sự sắp đặt khác nhau.

3. Một vài kết luận

Trước hết, khi nói đến thờ cúng, đó là nói đến một phần của văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới. Hành động thờ cúng có ý nghĩa tôn kính, trân trọng, biết ơn và cầu nguyện xin được các đấng thiêng che chở, mong bình an, may mắn, sức khỏe, tài lộc,… cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia. Với Phật giáo, đối tượng thờ ở chùa là các vị Phật, Bồ Tát, Thánh, Thần,…. và tùy vào từng sơn môn, Tổ đình, hệ phái mà có sự thờ đối tượng thiêng khác nhau.

Tại miền Bắc, do đối tượng thờ được xác định theo sơn môn Tổ đình, nên tại hai chùa Hàm Long (Bắc Ninh) và Liên Phái (Hà Nội) đều thờ đức A Di Đà làm tâm điểm là điều tất yếu. Bởi cả hai chùa đều do Tổ Trừng Như trùng tu và tạo lập.

Sự khác nhau về đối tượng thờ ở một vài điểm tại hai chùa cho thấy sự khác nhau về thổ nhưỡng, về vùng miền, về phong tục tập quán mà ra. Và có thể thấy, chùa Liên Phái, chùa Hàm Long là một trong những chứng tích của một dòng phái Phật giáo tồn tại ở nước ta vào thế kỷ XVII – XVIII, góp phần làm phong phú những di sản quý giá của Phật giáo ở Việt Nam.

TS.Nguyễn Thị Quế Hương
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

***

Chú thích:
[1] Tổng hợp từ: Thích Gia Quang, Nguyễn Tá Nhí, (2009). Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành. Nxb Tôn giáo, Hà Nội. Và trang: Chùa Liên Phái – Chi tiết bài viết – Cổng thông tin điện tử Quận Hai Bà Trưng (hanoi.gov.vn), đăng tải ngày 6/8/2020, truy cập ngày 18/2/2023.
[2] Tổng hợp theo: Nguyễn Quang Khải, (2011). Chùa Hàm Long. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr 10-81.
[3] Nguyễn Quang Khải, (2011). Chùa Hàm Long. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr 39-41.
[4] Nguyễn Quang Khải, sđd. Tr 55, Tr 73.
[5] Nguyễn Quang Khải, sđd. Tr 81.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quang Khải, (2011). Chùa Hàm Long. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
2. Thích Gia Quang, Nguyễn Tá Nhí, (2009). Chùa Liên Phái danh lam nổi tiếng Hà thành. Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
3. Chùa Liên Phái – Chi tiết bài viết – Cổng thông tin điện tử Quận Hai Bà Trưng (hanoi.gov.vn), đăng tải ngày 6/8/2020, truy cập ngày 18/2/2023.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường