Tác giả: Thạc sĩ Võ Phúc Toàn
Phật giáo là một tôn giáo lớn, có sức ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Từ Ấn Độ, theo các con đường khác nhau, Phật giáo được truyền vào Đông Nam Á từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên (TCN) và trở thành quốc giáo, gắn bó với đời sống chính trị – xã hội một số nước Đông Nam Á. Trong dòng chảy đó, vào thế kỷ thứ XIII – XIV, Phật giáo đồng thời xác lập vị trí quốc giáo tại hai quốc gia trung đại ở Đông Nam Á là Sukhothai (Thái Lan) và Đại Việt (Việt Nam). Tuy nhiên dưới những biến động lịch sử, Phật giáo vẫn giữ vị trí quốc giáo của mình tại Thái Lan, nhưng tại Việt Nam sau thời kì đỉnh cao ở thế kỷ XIV, Phật giáo trở về địa hạt của đời sống dân gian.
PHẬT GIÁO TRUYỀN BÁ VÀO ĐÔNG NAM Á NHƯ THẾ NÀO?
Phật giáo ra đời tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI Trước công nguyên. Đến thế kỷ III Trước công nguyên, nhờ sự ủng hộ của hoàng đế Ashoka, các đoàn truyền giáo được cử đến các nước lân cận để truyền bá giáo lý nhà Phật, như: vùng Tây Bắc của Shravasti (Uttar Pradesh), Pataliputra (Patna ngày nay) ở Ấn Độ; Taxila (Pakistan ngày nay); Sri Lanka (Ceylon); khu vực Trung Á; Trung Hoa; Myanmar; Thái Lan,..Con đường truyền đạo của các phái đoàn này theo hai hướng, dọc theo các con đường thương mại quan trọng của thế giới cổ đại.
Bên cạnh phái đoàn truyền bá do các tăng đoàn cử sang mà ngay nay chúng ta biết được qua các di vật khảo cổ Phật giáo tại các nước như Myanmar và Thái Lan, Phật giáo còn thâm nhập vào xã hội Đông Nam Á cổ đại qua con đường giao thương. Trên các thương thuyền từ Ấn Độ có sự đồng hành của các tăng sĩ để cầu nguyện và cúng dường Tam bảo. Chính những tăng sĩ này đã lập nên trung tâm Phật giáo tại Luy Lâu, miền bắc Việt Nam ngày nay.
Cần lưu ý, từ thế kỷ thứ III Trước công nguyên đến thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, Phật giáo được truyền qua Đông Nam Á theo đường biển có cả truyền thừa Theravada và Mahayana. Các hiện vật Phật giáo theo phong cách Amaravati được phát hiện ở Phù Nam3 và Đồng Dương đã củng cố thêm sự có mặt của dòng truyền thừa Mahayana, bên cạnh dòng truyền thừa Theravada ở Đông Nam Á ngay từ buổi ban đầu Phật giáo du nhập. Trên nền tảng của Phật giáo Đông Nam Á trong thiên niên kỷ thứ I Sau công nguyên, Phật giáo tại Thái Lan và Việt Nam đã phát triển theo những con đường riêng.
Tại Việt Nam, con đường phát triển Phật giáo gặp phải những tác động lớn của lịch sử. Cũng được truyền theo con đường phía nam như các quốc gia Đông Nam Á khác nhưng Phật giáo vào Việt Nam trong thiên niên kỷ đầu sau công nguyên lại theo dòng truyền thừa Mahayana. Phật giáo Phù Nam ở phía nam bán đảo Đông Dương cùng lụi tàn với vương quốc Phù Nam vào thế kỷ VII. Còn ở miền Trung Việt Nam, vương quốc Champa cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ. Bà La Môn chiếm ưu thế trong đời sống chính trị và tinh thần ở đây. Phật giáo Mahayana vẫn tồn tại song song với Bà La Môn nhưng giữ vai trò thứ yếu. Thời kì đỉnh cao của Phật giáo tại Champa gắn với vương triều Indrapura vào cuối thế kỷ thứ IX. Nhà vua Indravarman II của Champa đã cho xây dựng Đồng Dương thành một trung tâm Phật giáo Mahayana lớn ở Đông Nam Á. Sự kiện này là hệ quả của làn sóng truyền bá Mahayana sang Đông Nam Á khi vương triều Pala tại Magadha và Bengala được thành lập ở Ấn Độ vào thế kỷ VIII đến thế kỷ XII.
Hàng loạt công trình Phật giáo Đại thừa đã ra đời ở Đông Nam Á trong giai đoạn này như điện thờ Phật, Bồ tát Padmapani và Vajrapani ở bán đảo Malay vào năm 775; điện thờ Phật Bà Tara ở Java vào năm 778… và tiêu biểu nhất là ngôi đền Borobudur ở miền trung Java, Indonesia được xây dựng từ nửa cuối thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX5. Tuy nhiên, Phật giáo Mahayana tại Champa có thể chỉ chiếm ưu thế đến năm 914. Đây là niên đại của tấm bia kí cuối cùng được phát hiện có nhắc đến Phật giáo ở Champa. Một số tượng đồng và bảo vật Phật giáo Champa vẫn tiếp tục xuất hiện vào thế kỷ X và XI cho thấy sự tồn tại dù hết sức khiêm tốn của Phật giáo Mahayana bên cạnh Bà La Môn.
PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM VÀ THÁI LAN THỜI SƠ KỲ CÓ NHIỀU ĐẶC TRƯNG RIÊNG
Ở miền Bắc Việt Nam bấy giờ, Phật giáo lại có sự phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, từ thế kỷ thứ II sau công nguyên, miền Bắc Việt Nam đã hình thành một trung tâm Phật giáo lớn tại Luy Lâu. Phật giáo vào đây trực tiếp từ Ấn Độ và trung tâm Luy Lâu đã phát triển trước các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương (Trung Hoa). Tuy nhiên từ thế kỷ thứ V trở về sau, Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam lại ngày càng chịu ảnh hưởng của Mahayana Trung Hoa. Hai dòng thiền thành lập ở miền Bắc Việt Nam vào thời kì Bắc thuộc là Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) và Vô Ngôn Thông đều xuất xứ từ Trung Hoa. Đây là bước chuyển quan trọng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến từ việc được truyền thừa Phật giáo Ấn Độ sang Phật giáo Trung Hoa.
Hệ quả cụ thể của sự chuyển biến này là việc sử dụng kinh văn ghi chép từ chữ Hán. Do đó, người muốn am hiểu Phật pháp thì phải học chữ Hán. Từ đây, các thiền sư đã trở thành những người tinh thông chữ Hán, giúp họ có thể am tường kinh sách cả Nho gia và Đạo gia.
Vì thế, khi những nhà nước độc lập đầu tiên ra đời sau một nghìn năm Bắc thuộc, các thiền sư được xem là những cố vấn chính trị quan trọng trong triều đình. Tăng ban là một trong ba ban của triều Ngô, Đinh và Tiền Lê, bên cạnh văn ban và võ ban. Đến thời Lý, Phật giáo càng chiếm được địa vị quan trọng trong đời sống chính trị xã hội Đại Việt, khi trở thành lực lượng ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi sau cái chết của Lê Long Đỉnh vào năm 1009. Phật giáo thời Lý còn hình thành nên dòng Thiền Thảo Đường do nhà sư Thảo Đường sáng lập vào năm 1069. Dòng Thiền này chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc không xuất gia như: vua Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và các đại thần như: Thái phó Đỗ Anh Vũ, Thái phó Đỗ Thường…10 Như vậy đến triều Lý, Phật giáo Mahayana đã phát triển với 3 thiền phái đều xuất phát từ Trung Hoa:
Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường.
Bên cạnh Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông của Mahayana cũng du nhập vào Việt Nam và xuất hiện khá sớm. Nhưng trong ba tông phái này, Thiền Tông chiếm vai trò chủ đạo, các yếu tố của Tịnh Độ và Mật Tông không phát triển thành một hệ phái riêng như ở Trung Hoa, Nhật Bản hay Tây Tạng mà hòa quyện vào Thiền Tông. Sự phát triển của Thiền Tông ở Đại Việt thời Lý (1009-1225) đã tạo điều kiện cho Phật giáo nước ta phát triển đến đỉnh cao trong thế kỷ XIII-XIV.
Trong khi đó, diễn tiến phát triển Phật giáo tại Thái Lan cũng hết sức đặc biệt. Đều cùng một xuất phát điểm tiếp thu trực tiếp Phật giáo Ấn Độ nhưng Việt Nam tiếp thu truyền thừa Mahayana còn vùng đất tương ứng với lãnh thổ Thái Lan ngày nay lại du nhập dòng truyền thừa Theravada. Trước thế kỷ XIII, nơi đây chịu sự kiểm soát bởi các vương quốc của người Môn, Khmer và vương quốc Srivijaya ở Java. Phật giáo truyền vào Thái Lan từ thế kỷ thứ III trước công nguyên, sau lần kết tập kinh điển của vua Ashoka.
Các di chỉ và hiện vật khảo cổ có niên đại cùng thời với Ashoka được tìm thấy ở tỉnh Nakhon Pathom (tiếng Pali là Nagara-pathama – thành phố đầu tiên) đã chứng minh điều đó. Phật giáo thời kì Dvaravati thuộc truyền thống Theravada được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ. Tuy nhiên Phật giáo Mahayana cũng du nhập vào miền Nam Thái Lan dưới sự ảnh hưởng của hai đế quốc hùng mạnh ở Đông Nam Á thời cổ đại là Srivijaya và Angkor.
Vào năm 757, đế chế Srivijaya kiểm soát vùng bán đảo Malay, trong đó có miền Nam Thái Lan ngày nay. Phật giáo Mahayana được truyền vào Nam Thái Lan theo con đường này. Nhiều tháp và tượng Phật, Bồ Tát được tìm thấy số lượng lớn ở Nam Thái Lan cùng chung một phong cách nghệ thuật với Java và Sumatra12. Đến thế kỷ XI, Phật giáo Mahayana lại truyền vào vùng đất Thái Lan từ đế chế Angkor dưới vương triều Suryavarman. Trong khi đó vào năm 1057, Anuruddha Minsaw (Anawratha) trở thành vị vua quyền lực của Pagan (Myanmar ngày nay), mở rộng sức ảnh hưởng tại miền Bắc và Trung Thái Lan (Chiangmai, Lopburi, Nakhon Pathom)13. Và Pagan giai đoạn này theo truyền thống Phật giáo Theravada.
Như vậy, sau thiên niên kỷ thứ nhất, lãnh thổ Thái Lan đang chịu ảnh hưởng của các thế lực chính trị lớn ở Đông Nam Á bấy giờ là Srivijaya, Angkor và Pagan, cùng tồn tại các truyền thống Phật giáo Theravada và Mahayana. Sự thành lập các nhà nước của dân tộc Thái thế kỷ XIII đánh dấu quá trình chuyển biến lịch sử Phật giáo Thái Lan, thống nhất theo con đường Theravada.
Tác giả: Thạc sĩ Võ Phúc Toàn Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo ***Chú thích:
1. Benjamin Z. Kedar and Merry E. Weisner-Hanks (2015), The Cambridge World History Volume 5: Expanding Webs of Exchange and Conflict, 500CE 1500CE, Cambridge University Press, p.450-451. 2. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, tr.26. 3. Đặng Văn Thắng chủ biên (2016), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, Nxb. Đại học Quốc gia TP.HCM, tr.102. 4. Ngô Văn Doanh (2015), Phật viện Đồng Dương một phong cách nghệ thuật của Champa, Nxb. Văn hóa văn nghệ, tr. 45-49. 5. Ngô Văn Doanh (2015), Phật viện Đồng Dương một phong cách nghệ thuật của Champa, sđd, tr.11. 6. Pierre – Bernard Lafont (2012), Vương quốc Champa: Địa dư, Dân cư và Lịch sử, International Office of Champa, tr.75 7. Hà Văn Tấn (2017), Trầm tư dưới mái chùa Việt, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.30. 8. Tì Ni Đa Lưu Chi (?-594) mặc dù là người Ấn Độ nhưng là học trò của Thiền sư Tăng Xán, tổ thứ 3 của Thiền Tông Trung Hoa. Năm 580 sang Giao Châu trụ trì chùa Pháp Vân, dịch kinh Tổng trì. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch (1993), Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, tr.167-168. 9. Vô Ngôn Thông (?-826) là người Quảng Châu, Trung Hoa. Năm 820, ông đến Giao Châu trụ trì chùa Kiến Sơ. 10. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch (1993), Thiền uyển tập anh, sđd, tr.247-248. 11. Hà Văn Tấn (2017), Trầm tư dưới mái chùa Việt, sđd, tr. 291. 12. Karuna Kusalasaya, Buddhism in Thailand – Its past and its present, Buddha Dharma Education Association In, p.13. 13. Karuna Kusalasaya, Buddhism in Thailand – Its past and its present, Buddha Dharma Education Association In, p.15. * Ths Võ Phúc Toàn, Đại học
Bình luận (0)