Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, khi những vật dụng bằng nhựa, inox hay các công nghệ bảo quản tiên tiến đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, hình ảnh những chiếc chum sành, vại sành nơi làng quê xưa dần trở thành ký ức nhạt phai.

Thế nhưng, với những ai từng lớn lên giữa hồn quê mộc mạc, chắc hẳn trong tâm trí vẫn đậm sâu hình bóng của những chum lương thực đầy đặn, những vại muối dưa vàng óng, những chum nước mưa mát lành.

Chum vại không chỉ đơn thuần là vật dụng chứa đựng, đó còn là chứng nhân của cuộc sống lao động miệt mài, là kho tàng ký ức của những ngày tháng no đủ lẫn khi thiếu thốn.

Những chiếc chum, vại tuổi thơ

Những chiếc chum, vại sành, sứ nặn lên từ chất liệu đất sét đúng là vật dụng bất ly thân của bất cứ gia đình nào nơi thôn quê, bởi chum dùng để cất chứa ngô, thóc, đậu đỗ, đựng mắm, đựng tương..., còn vại là đồ vật để mẹ, bà làm dưa, muối cá, hay dùng chứa đựng nước mưa hứng từ giọt gianh xuống để lấy nước phục vụ nhu cầu ăn uống, tắm giặt hàng ngày.

Ngày xưa, khi mà công nghệ đồ nhựa, sắt, tôn chưa phổ biến thì gia đình nào ở quê tôi, cũng như hết thảy các làng quê khác đều có ít nhất dăm, bảy chiếc chum, chiếc vại sành trong nhà. 

Lúc còn nhỏ tôi thường được theo mẹ đi chợ và có không ít buổi quẩn quanh bên dãy hàng đồ sành, sứ để cùng mẹ chọn mua chum, vại. Nhà tôi làm tới trên một mẫu ruộng khoán của hợp tác xã, khi mỗi mùa vụ thu hoạch là rất nhiều thóc, đậu, đỗ, ngô, lạc..., vì vậy mà những chiếc chum dùng để chứa lương thực là luôn rất cần thiết.

Cả gian buồng rộng thênh thang, nơi trái bếp là nơi mẹ đặt những chiếc chum đại to, cao tới gần bằng đầu người lớn. Những chiếc chum to như thế thường chứa được cả chục thúng lương thực. Lương thực sau khi được phơi qua mấy nắng, và đã trở nên kho giòn thì được bỏ vào chum để dự trữ. Muốn cho các loại nông sản không bị mốc, mọt thì trước khi dùng để chứa đồ, những chiếc chum đại ấy thường được bố tôi di chuyển ra ngoài sân phơi nắng để cho lòng trong của chum cũng khô gìn nóng bỏng.

Ngoài những chiếc chum to đại dùng để chứa lương thực dùng ăn dần trong nhiều tháng đó ra, thì trong nhà tôi cũng luôn có rất nhiều chum nhỏ các cỡ mà mẹ thường dùng nó để chứa hạt giống để dành cho mùa gieo trồng sau.

Ví dụ như chum nhỡ thì dùng chứa hạt giống là lúa, chum nhỏ hơn chút nữa thì chứ hạt ngô giống, đậu đỗ, lạc..., còn mấy chiếc chum nhỏ xíu, chứa cỡ được vài ký trọng lượng thì mẹ lại dành để cất hạt giống rau cải, vừng, hay ít hạt muồng để gieo ở bờ vùng bờ thửa để thu hoạch làm củi đun.

Rồi thì, chum dùng chứa mắm cua, cá mà anh chị em húng tôi bắt được ở ngoài đồng mang về để mẹ chế biến trữ ăn dần cũng luôn phải có vài chiếc. Hay như chum dùng ngả tương được đặt dưới mái hiên ngôi nhà tranh vách đất thì nhà tôi cũng luôn có hai chiếc, bởi bao giờ mẹ cũng ngả tới 2 loại tương khác nhau, đó là tương gạo nếp và tương gạo tẻ.

Nói chung, tính tổng thể trong nhà tôi có tới vài, ba chục chiếc chum lớn nhỏ. Vì là đồ sành sứ, mà chỉ sơ ý là bị bể vỡ, vì vậy mà qua mỗi năm việc vỡ vài, ba chiếc chum vại là không thể tránh khỏi.

Tôi còn nhớ, khi ấy đã lên cấp 2, do lơ đễnh không cẩn thận, lúc vào lấy gạo để nấu cơm, tôi đã đánh rơi chiếc nồi gang nặng chịch vào chiếc chum chứa gạo làm nó vỡ toang ra, gạo chảy ra nền nhà tung tóe. Lo bị mẹ quát mắng, cha đánh đòn vì cái tội làm vỡ chum, vậy mà nào ngờ khi từ đồng về mẹ đã chỉ mắng nhẹ và nhắc nhở tôi lần sau cẩn thận hơn.

Từ bữa đó, chẳng bao giờ tôi làm vỡ chum cả. Trong nhà tôi cũng luôn có sự hiện diện của rất nhiều vại sành, bởi vại sành không chỉ là vật dụng dùng muối dưa, cà rất quan trọng, mà nó cũng là vật không thể thiếu dùng để chứa nước mưa. Thật vậy, những bữa cơm sinh hoạt nơi quê nhà giai đoạn ấy, khi mà điều kiện kinh tế của đại đa số mọi nhà còn nghèo khó thì món ăn cũng chỉ quẩn quanh là tương, cà, dưa muối mà thôi, chứ thịt cá thì chỉ họa hoằn mới có.

Trong nhà tôi hầu như lúc nào cũng có một vại cà và vại dưa chua muối mặn dùng ăn dần. Những chiếc vại dùng muối dưa, cà là loại vại nhỡ, chứa được cỡ dăm, bảy ký, vì chỉ cần vại cỡ ấy thôi cũng đủ chứa số lượng dưa, cà cho cả gia đình tôi ăn trong cả chục hôm mới hết.

Với những chiếc vại dùng để chứa nước mưa thì luôn là loại vại cực lớn, có khi  lớn tới mức nó chứa đựng được tới cả gần một mét mối nước. Nhà tôi khi ấy không có giếng khơi, mà tất cả sinh hoạt đều trông vào nguồn nước mưa, vì vậy mà ngoài chiếc bể xây ngầm chứa được khoảng dăm khối nước, bố tôi đã đặt mua từ làng gốm 2 chiếc vại cỡ đại về đặt ngay dưới chân hàng cau, nơi có giàn trầu không xanh ngắt.

Khi cả nhà cứ dùng hết hai vại nước mưa thì bố tôi lại dùng gầu gắn dây thừng múc nước từ bể ngầm đổ đầy vào hai chiếc vại đó. Nếu mùa mưa thì không nói làm gì, vì bể, vại luôn luôn đầy nước, nhưng sang mùa khô, mưa ít thì việc dùng nước là luôn bị bố, mẹ nhắc nhở phải tiết kiệm, nếu không hết nước sẽ phải sang nhà hàng xóm xin nước giếng khơi.

Năm tháng qua đi, khi điều kiện kinh tế khá giả lên, cộng với công nghệ phát triển tân tiến, những loại vật dụng là nhựa, tôn, i-nox tiện dụng hơn đã dần thay thế những chiếc chum, vại, lon, lu cồng kềnh dễ vỡ. Gia đình tôi cũng không là ngoại lệ khi bố mẹ tôi cũng xếp xó những chiếc chum, vại, lon, lu…, để mua về nào thùng nhựa, bể tôn để chứa đồ, chứa nước.

Chum, vại sành sứ vì thế mà không còn đóng góp mấy sự hữu ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân quê, vì vậy nó cứ mai một dần, mất và vắng bóng dần trong không gian của các gia đình.

Ảnh sưu tầm.
Ảnh sưu tầm.

Điều đọng lại...

... trong tôi là những chiếc chum vại không chỉ bảo quản lương thực, mà còn là biểu tượng lặng lẽ cho tinh thần buông xả và lối sống thiểu dục tri túc, tức biết đủ là đủ. Chum đầy không phung phí, chum vơi không buồn phiền. Cũng như cõi lòng con người, nếu biết "chứa đựng" sự biết ơn và niềm vui giản dị, biết trân quý từng điều bé nhỏ quanh mình, thì ta sẽ không còn bị cuốn vào cơn lốc của những mong cầu vô tận.

Mỗi lần nhìn vào chiếc chum, ta như soi thấy tấm gương của đời sống: sự đầy đủ không phải là tràn trề, mà là biết đủ với những gì đang có.

Và khi chum vơi cạn, ta học được bài học sâu sắc về vô thường. Có những ngày mưa thuận gió hòa, chum đầy ắp nước trong; nhưng cũng có khi nắng hạn kéo dài, chum khô đáy. Đó là quy luật tự nhiên như vòng sinh diệt của vạn pháp: có tụ thì có tán, có đầy thì có vơi.

Người xưa khi chum vỡ không tiếc nuối mãi, họ nhẹ nhàng gác lại chiếc chum cũ để chuẩn bị cho mùa mới, một minh chứng giản dị mà sâu sắc.

Những ký ức về chum vại ngày xưa giờ đây có thể đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng giá trị tinh thần mà chúng chuyên chở thì vẫn còn nguyên vẹn.

Đó là bài học về lòng biết ơn với trời đất, với công lao vun trồng của cha mẹ, ông bà; là sự trân trọng từng hạt gạo, từng giọt nước mưa, những điều tưởng chừng như bình dị nhưng lại nuôi dưỡng sự sống này.

Trong nhịp sống hiện đại đầy biến động hôm nay, khi ta biết dừng lại đôi chút để hoài niệm về những chiếc chum vại thuở nào, cũng chính là lúc ta đang tìm về nguồn cội của sự an nhiên. Giữa phố phường nhộn nhịp, giữa những bộn bề lo toan, hình ảnh chiếc chum như lời nhắc nhở dịu dàng: hãy giữ cho tâm mình vững chãi mà rộng mở như chum làng quê, và sống đời như nước trong chum: trong trẻo, thanh sạch, mát lành, mộc mạc mà sâu sắc biết bao.

Tác giả: Lê Thị Kết

Địa chỉ: Ngõ 15, Đường Đa Lộc, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.