Trang chủ Lịch sử - Triết học Ảnh hưởng của thiền phái Lâm Tế Liễu Quán ở Phú Yên

Ảnh hưởng của thiền phái Lâm Tế Liễu Quán ở Phú Yên

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích Tâm Ý – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

DẤN NHẬP

Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng hòa mình vào đời sống, tập tục, văn hóa truyền thống, đồng thời những triết lý Phật giáo đã một phần dung hợp trở thành văn hóa Việt Nam. Với tinh thần chủ đạo từ bi hỷ xả, vô ngã, vị tha. Văn hóa và triết lý Phật giáo đã nghiễm nhiên trở thành tư tưởng và văn hóa dân tộc dù trong xã hội có nhiều người không theo đạo Phật hoặc thấu hiểu giáo lý đạo Phật một cách tường tận.

Tinh thần hướng thiện là một trong những yếu tố quan trọng và dễ thấy nhất của đạo Phật, các thông điệp như bình đẳng, hòa bình về phương diện lớn có ý nghĩa quan trọng trong tinh thần hòa hợp trên toàn thế giới, tránh chiến tranh giữa các nước lân bang, các đảng phái trong một nước và ở phương diện nhỏ chính là sự tôn trọng lẫn nhau giữa con người với con người, giữa các mối quan hệ trong một xã hội, công ty, hay một gia đình; tình yêu thương, ban vui cứu khổ chính là những tư tưởng chủ đạo trong lối sống đạo đức của cả dân tộc Việt Nam như những câu ca dao tục ngữ đã đi vào lòng mỗi con người Việt từ khi còn tấm bé qua lời ru, câu hát, câu cửa miệng hay chỉ chập chững bước đến trường ‘bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàng’, ‘lá lành đùm lá rách’, ‘nhường cơm sẻ áo’, ‘chị ngã em nâng’,… để từ đó các hoạn nạn có nhau ‘bà con xa không bằng láng giềng gần’ như bão lụt thiên tai, mất mùa đói kém,….; triết lý vô thường, vô ngã giúp con người nhận chân ra cuộc sống mong manh, xóa tan những ích kỷ hẹp hòi, bào mòn bản chất tham lam, cố chấp từ đó có lối sống rộng rãi, yêu người mến vật, bao dung, rộng lượng thứ tha cho nhau ‘đánh kẻ chạy đi ai đánh người chạy lại’ hay‘mình vì mọi người mọi người vì mình’ tạo nên tâm thái an bình và sự thoải mái cho người khác.

Từ các triết lý trên dần ăn sâu vào tâm khảm mọi người và sự nhập thế của đạo Phật mà ngày nay dần trở thành những phong trào thiện nguyện tốt đẹp khi bất hạnh xảy ra luôn có các bàn tay của những người hảo tâm giúp đỡ không phân biệt kẻ thân người sơ, người có đạo hay không đạo,…. tất cả các tư tưởng và hành động đó đã nói lên cái từ bi mà vô ngã của giáo lý.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ke phai Lieu Quan trong qua trinh hinh thanh Giao hoi Phat giao Viet Nam 2 To Lieu Quan

NỘI DUNG

1. Lối sống sống đạo đức

Một triết lý khác của Phật giáo có sức ảnh hưởng và tác động rất mạnh mẽ đến lối sống đạo đức người Việt chính là ‘hiếu thảo’. Thật không nghi ngờ gì khi nói rằng hiếu đạo là một đạo đức căn bản của loài người, vì sẽ rất khó để lấy một cái tình nào đậm sâu và to lớn để so sánh với tình yêu cha mẹ dành cho con cái.

Trong giáo lý nhà Phật “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật” để thấy rằng hiếu chính là cái nền móng cho đạo đức con người và thánh vị.

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam chúng ta đã từng được nghe “công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hay “mỗi đêm mỗi thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”,… để thấy rằng dân tộc chúng ta vô cùng xem trọng chữ ‘hiếu’, xem nó như một sự thiêng liêng cao cả vô cùng, đồng thời xem đó như là thước đo đạo đức của một con người.

Bên cạnh những triết lý gần gũi, đạo Phật còn dạy con người cần phải biết ‘nhẫn’. Chữ ‘nhẫn’ của Phật giáo không phải là sự cam chịu trong thụ động mà chính là sự kiên định, chấp nhận, nhẫn nại trong chủ động. Đạo Phật dạy chữ ‘nhẫn’ thông qua thấu hiểu nhân quả để chấp nhận hoan hỷ với kết quả hiện tại mà không trốn tránh hiện thực, sống thuận với tự nhiên, tùy duyên với cuộc sống với nhiều chướng duyên nghịch cảnh bởi thấu hiểu các tính ‘duyên sinh’ trong cuộc đời. Chữ ‘nhẫn’ còn chính là lòng kiên định, lòng tin vào chính mình để có thể vượt qua những cám dỗ trong cuộc đời, sự hèn nhát, yếu mềm của bản thân, không đủ dũng khí và sức chịu đựng để theo đuổi một mục tiêu tốt đẹp mà mình mong mỏi. Và dù hiểu ở khía cạnh nào thì chữ ‘nhẫn’ chính là một trong những tư tưởng mà khi nói đến người ta nghĩ ngay đến đạo Phật.

Phú Yên cũng không ngoại lệ, là một phần máu thịt của Việt Nam, không tách rời với những tư tưởng, lối sống đạo đức của cả dân tộc. Khi Phật giáo truyền vào Phú Yên thì Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam đã hơn 18 thế kỷ, đồng thời tông phái đặt nền móng cho Phật giáo Phú Yên có những sắc thái của người Việt và là một điểm đặc biệt của Phật giáo trên vùng đất nam trung bộ.

Trước hết phải nói rằng, giữa Phật giáo Phú Yên và Thiền phái Liễu Quán không quá riêng biệt bởi:

Thứ nhất, Phật giáo Phú Yên do Thiền phái Liễu Quán đặt nền móng và phát triển qua các thời kỳ; thứ hai, hiện tại Phú Yên chỉ có hai Thiền phái chính là Liễu Quán và Chúc Thánh, có những sự đồng nhất nhất định khó có thể phân biệt ở nhiều phương diện như cách tu tập, kiến trúc, lối truyền đạo,… của hai Thiền phái này. Hai Thiền phái này lại hòa hợp với nhau, hỗ trợ cùng phát triển, cho nên hai Thiền phái này đã cấu thành nên Phật giáo Phú Yên, nên tư tưởng Phật giáo Phú Yên chính là tư tưởng Thiền phái Liễu Quán cũng là tư tưởng Thiền phái Chúc Thánh. Từ đó, khi nói về những ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống nhân sinh cũng chính là gián tiếp nói đến những ảnh hưởng của Thiền phái Liễu Quán và ngược lại.

Phú Yên là một vùng đất đầy nắng và gió, ngoài ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11 Âm lịch là mùa mưa, chín tháng còn lại hầu như nắng và nắng không có một giọt mưa nào, mà ba tháng mưa thì không bão thì lụt nước ngập khắp nơi, năm nào cũng thế, không ít thì nhiều. Chính vì yếu tố thời tiết này mà Phú Yên đã dần hình thành một thói quen cho con dân cả tỉnh tính nghị lực kiên cường, chịu thương chịu khó, cần cù, siêng năng,… để có thể chóng chọi với cái thời tiết khắc nghiệt như vậy. Nhưng không phải sống trong môi trường như vậy mà người Phú Yên trở nên khô khan mà không tình cảm, cứng nhắc mà thiếu sự dịu hiền, trong bài thơ ‘Em người con gái Phú Yên’ Nguyễn Công Hoan đã khen ngợi đức hạnh người con gái Phú Yên qua 4 câu thơ rất hay:

“Một đời sống giữa quê hương

Công dung ngôn hạnh khiêm nhường thiện – duyên”[1].

Hay:

“Việc nhà việc nước chăm chuyên

Đảm đang trung hậu giữ nguyên bên lòng”[2].

Trong bài thơ ta thấy chữ ‘thiện – duyên’, chữ ‘thiện’ trong Phật giáo không đơn thuần là ‘hiền’ bởi vì ‘hiền’ đôi khi lại yếu đuối, có thể là bản chất sinh ra đã hiền. Nhưng ‘thiện’ thì khác, ‘thiện’ ngoài bản chất lương thiện vốn có ra thì ‘thiện’ là một quá trình học tập để có nhận thức đúng đắn, từ nhận thức đúng đắn (chính kiến và chính tư duy) sẽ có hành động, lời nói, việc làm đúng, không từ bỏ, khuất phục trước cái ác, điều sai (chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn) luôn tâm niệm, nhớ nghĩ về điều tốt và kiên định với những tư tưởng và hành động của mình (chính niệm và chính định). ‘Thiện’ chính là trí tuệ chứ không đơn thuần là hiền lành, ngốc nghếch, yếu đuối, nhu nhược. Nên nét đẹp của người con gái Phú Yên là duyên dáng nhưng lương thiện, mạnh mẽ, khôn khéo, trí tuệ và dũng cảm. Lại là người ‘công dung ngôn hạnh, khiêm nhường, đảm đang, trung hậu’ quả thật đầy đủ những đức tính của một người phụ nữ Việt Nam chuẩn mực, bên cạnh đó còn là một người phật tử mẫu mực mà Phật giáo hướng đến cho một qua giáo lý giới định tuệ và năm giới căn bản trong đó tình yêu thương tránh sát tâm nổi dậy (tránh sát sinh), biết rộng lòng chia sẻ những khó khăn từ vật chất đến tinh thần với mọi người (không trộm cướp), sống trung trinh, thuần khiết, chung thủy sắt son với người cùng chăn gối (không tà dâm), sống trung thực, ngay thẳng, không gian dối, giữ chữ tín (không nói dối), sống lành mạnh, không say đắm vào rượu chè, tệ nạn để làm nô lệ cho những cảm xúc nhất thời (không uống rượu).

Người Phú Yên “trong gia đình cũng như ngoài xã hội, người Phú Yên chất phát thuần hậu”[3] đúng với cái chất của đạo Phật lương thiện là nền tảng hàng đầu. Cũng vì cái tính tính ấy mà người Phú Yên không quá chú trọng bề ngoài và dần trở thành một thứ đặc sản mà người ta thường gọi là quê mùa cục mịch. Từ cử chỉ hành động cho đến lời nói nó mộc mạc đơn sơ đến mức có vẻ nặng nề như chính cái phát âm vốn có xứ Nẫu như câu ca dao:

“Thương chi cho uổng công tình

Nẫu dìa xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ”.

Hay những câu nói thường ngày mà nghe qua là biết người dân xứ Nẫu chính gốc: ổng (ông đó), bả (bà đó), ảnh (anh đó), chỉ (chị đó), ẻm (em đó), đửng (đừng), dẫy (vậy), cừ (cười), dìa (về), dẫy na (vậy à), đàu gấu (đầu gối),… để chúng ta thấy cái phương ngữ cũng là một phần của tính cách và con người vùng đó. Nên người Phú Yên phần nào hiền lành nhưng khó tính, phóng khoáng nhưng ngang ngạnh, tình cảm nhưng khô khan.

Cũng như người Việt trên cả nước, người Phú Yên cũng cũng lấy đạo ông bà là cái gốc truyền thống hiếu đạo và Phật giáo ảnh hưởng trực tiếp vào cách thờ tự, các nghi lễ cúng vải, chôn cất,… cho đến sự hiếu để đối với ông bà cha mẹ. Trong cái công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của cha mẹ nên người con khi lớn lên phải biết nghe lời cha mẹ, cho đến sự yêu đương trai gái cũng phải có sự chấp thuận của cha mẹ mơi được bước đến chuyện trăm năm, nếu cha mẹ không ưng thuận thì không dám vượt quá giới hạn, làm điều sai trái:

“Bước chân lên Đèo Cả

Trông sang Vạn Giã, ngó xuống Tu Bông

Biết rằng cha mẹ đành không

Anh chờ, em đợi uổng công hai đàng”[4].

Hay lời của một cô gái khi thủ thỉ cùng chàng trai:

“Đêm nằm bàng bạc ánh trăng,

Ngân Sơn bên đó, Mằng Lăng bên này

Thuyền xao bóng nước gió lay

Lòng em xáo động chàng hay chăng chàng?

Một dòng nước chảy Tam Giang

Bởi lời cha mẹ phụ phàng tình anh”[5].

Hay vì người tình mà bỏ mẹ bỏ cha là không thể, một trong những đức hạnh của người phụ nữ là hiếu đạo phải vuông tròn:

“Ham chi con cá ồ rằn

Bỏ cha bỏ mẹ theo thằng Lò Ba”[6].

Từ đó nói lên cái hiếu của người con khi nhớ cái ơn cha mẹ, trong những câu hò khoang Phú Yên có câu:

“Ơn cha nghĩa mẹ tượng rày

Cù lao dưỡng dục, chưa tày non xanh”[7].

Để từ đó nói lên cái lễ nghi, phép tắc của người con cung kính với cha mẹ để thể hiện sự hiếu để, không để lỗi đạo mà sai trái luân thường:

“Con gà kêu đám thuốc

Con cuốc nọ kêu tu oa

Anh về thưa với mẹ cha

Coi ngày nào tốt bứng cây hoa về vườn

Anh để chi nay kính mai nhường

Thất hiếu với cha mẹ, lỗi can thường tại anh

Ngó ra bãi cát sum vầy

Mâm cao sáng giới, cỗ đầy các nơi

Hai bên long dụng nơi nơi

Mời cha với mẹ ngồi nơi án tiền

Tay con bưng chén rượu, miệng truyền trời xanh

Bữa nay chọn đúng ngày lành

Mời cha với mẹ chọn thành lễ nghi

Mời cha với mẹ uống đi

Đặng cho con tỏ lễ nghi lúc đầu

Tay bưng chén rượu hộp trầu

Hai bên cha mẹ cúi đầu đền ơn”[8].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ke phai Lieu Quan trong qua trinh hinh thanh Giao hoi Phat giao Viet Nam 3 To Lieu Quan

Tháp mộ Tổ sư Liễu Quán ở chân núi Thiên Thai, Huế

Một trong những hiếu đạo dễ thấy nhất ở Phú Yên chính là việc thờ cúng ông bà. Dường như những người Phú Yên khi gia đình có hữu sự việc đầu tiên họ làm là đến chùa để nhờ quý thầy hướng dẫn. Ăn chay vào các ngày gia đình có người mất, vào mùng Một và ngày Rằm như một thói quen không thể thiếu trong các gia đình ở nơi này và dần trở thành một tập tục. Việc cúng chay cũng là một hình thức để tránh sát sinh và cầu phúc cho người thân, phóng sinh, bố thí cũng là cách để thể hiện tấm lòng cho người mình muốn hướng đến. Tất cả các việc đó đạo Phật đã thấm nhuần các tư tưởng từ bi, hiếu đạo cho mọi người nơi vùng đất giàu tình cảm và chân chất nơi này.

Ngày nay, ở Phú Yên xuất hiện rất nhiều các đoàn từ thiện, mặc dù không lớn, có tầm vĩ mô, hệ thống nhưng hoạt động rải rác khắp tỉnh, điểm đặc biệt của các đoàn từ thiện này đa phần là các phật tử. Các phật tử này đầu tiên quy y, thấm nhuần Phật pháp, họ bắt đầu dấn thân vào các vấn đề từ thiện xã hội trong tỉnh, len lỏi trong mọi ngóc ngách, các vùng sâu vùng xa, đồng bào thiểu số, các mảnh đời bất hạnh, bệnh tật, mồ côi,… để giúp đỡ. Nhờ vào các công cụ truyền thông hiện đại, những hình ảnh thực tế, những cuộc phỏng vấn tại chỗ và sự rõ ràng ở các khoảng chi thông qua phương tiện truyền thông cá nhân và các cơ quan hội đoàn đã phần nào giúp đỡ rất nhiều các hoàn cảnh khổ đau trong cuộc sống.

Người viết may mắn khi có cơ hội tiếp xúc và trực tiếp tham gia các chương trình thiện nguyện ở các cá nhân và hội từ thiện ở Phú Yên, thông qua những chương trình như thế mới thấy cái bao la và rộng lớn của tinh thần đạo Phật là ‘không phân biệt’.

Ở một vài tôn giáo khác, khi họ làm thiện nguyện họ chỉ chú trọng trên hai phương diện là địa bàn nơi họ sinh hoạt và tín đồ theo đạo họ, còn riêng Phật giáo thì không. Cái cách của thiện nguyện Phật giáo là nhìn vào cái khổ và giải quyết cái khổ trong những nỗi bất hạnh, ngoài ra không một tiêu chí nào khác. Có lẽ chính các tư tưởng bình đẳng không phân biệt, từ bi đến tận cùng mà những thiện nguyện Phật giáo mới làm được như vậy.

Có thể nói từ khi du nhập, hình thành và phát triển, Phật giáo đã thấm nhuần vào đời sống tâm linh của đất, nước, con người Phú Yên. Với quan niệm nhân sinh độc đáo, Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền đạo đức Việt Nam nói chung và với con người đất Phú nói riêng. Phật giáo với cái đích là cứu con người thoát khỏi nỗi khổ muôn đời, với cứu cánh là giải thoát, nó mang đậm tính triết học hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác. Phật giáo chứa đựng một hệ thống những tư tưởng về thế giới quan, nhân sinh quan vô cùng sâu sắc. Những tư tưởng cơ bản của Phật giáo đã và đang có những tác động, ảnh hưởng sâu rộng.

Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm của vùng đất Phú Yên. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, được trời phú cho một miền trù phú như đúng tên gọi của nó, cùng với sự hình thành và phát triển, các hoạt động lao động, sản xuất, chiến đấu học tập, đời sống tâm linh cũng được dần quan tâm chú trọng hơn. Con người Phú Yên mang cái chân chất thật thà của một miền đất đầy nắng gió, “trong giao thiệp, ứng xử tính khí lại dịu dàng, lịch thiệp, trong đàm đạo, ít khi nổi giận và cho rằng nổi giận là xấu. Tính hiếu khách, tính đoàn kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi rất cao, rất thông cảm với nhau, đối xử thành thật, trong sáng… Tính quảng đại hay giúp người nghèo khó, hoạn nạn. Người dưới kính trọng người trên, đặc biệt kính trọng và dành ưu tiên cho người già nua, tuổi tác… Trọng nghĩa tình hơn tranh cãi được thua, can đảm và phẩm cách trong nguy hiểm và chiến đấu… Trong gia đình đề cao tình nghĩa vợ chồng hòa thuận chung thủy. Con cháu hiếu kính cha mẹ, ông bà tổ tiên”[9] đúng chất của người dân xứ ‘nẫu’. Cuộc sống vốn dĩ thuần nông gắn bó với ruộng đồng gò bãi, đánh bắt nên đời sống tâm linh càng được chú trọng, đặc biệt Phật giáo trở thành chỗ dựa vững chắc cho những người dân nơi đây mỗi khi nghĩ đến vấn đề dạy dỗ con cái. Con người dần tin nhân quả, mỗi bước đi đều tin có trời Phật chứng minh, nói lời sai đều có quỷ thần 2 bên chứng giám nên họ thận trọng hơn trong cách ăn nói, hành xử và suy nghĩ.

Bởi tin nhân quả nên họ không dám mua gian bán lận, không dám lọc lừa, họ thận trọng hơn trong từng lời nói, ai đã đã từng đến, làm quen, tiếp xúc và từng biết đến vùng đất và con người Phú Yên đều có chung một nhận xét thật thà chất phác. Phải chăng chính sự gần gũi của đạo Phật, những triết lý phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức thuần lương và thiên nhiên đặc biệt đã hình thành nên một người Phú Yên như vậy.

2. Văn hóa

Văn hóa, chúng ta phải xét trên hai phương diện: khía cạnh vật chất như nhà cửa, kiến trúc, cách ăn mặc,…; khía cạnh phi vật chất như phong tục tập quán, ý niệm tư tưởng, văn chương, thơ ca. Ở Phú Yên, chúng ta sẽ khó tìm thấy những ảnh hưởng của Phật giáo trên phương diện vật chất, nhưng trên phương diện tinh thần thì Phật giáo có một vị trí quan trọng trong nền văn hóa Phú Yên.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc To dinh Sac Tu Tu Quang Phu Yen

Tổ đình Sắc tứ Từ Quang, thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên

Một trong những tư tưởng quan trọng chủ đạo trong nền văn hóa nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng là văn hóa yêu nước. Tư tưởng yêu nước, bảo vệ dân tộc, chống ngoại xâm đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân Việt và Phú Yên cũng thế. Các nhà sư, những người đến với đạo Phật cũng luôn được dạy điều này, tôn trọng lẽ phải, yêu mến hòa bình, tôn trọng sự sống,… đã hình thành nên tính cách của một người đạo Phật luôn đứng về lẽ phải, dân tộc khi có các cuộc chiến tranh trên mọi miền quê hương.

Tại Phú Yên vào những “năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo. Nhiều tăng ni tín đồ, Phật tử chùa Từ Quang tham gia, ủng hộ phong trào. Năm 1887, cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương thất bại, nhưng chùa Từ Quang vẫn là nơi các sĩ phu, văn thân yêu nước bí mật gặp gỡ bàn chuyện chống pháp. Chùa Đá Trắng còn lưu danh trong lịch sử chống Pháp với cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ và Trần Cao Vân khởi xướng và lãnh đạo”[10]. Việc chùa trở thành căn cứ cách mạng, nơi nuôi cán bộ chiến sĩ, các nhà sư, cư sĩ tham gia cách mạng đã không còn quá xa lạ với lịch sử dân tộc. Hay “trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Khánh Sơn là nơi mặt trận Việt Minh tỉnh hợp bàn chuẩn bị tổng khởi nghĩa tháng 8 – 1945. Năm 1946, đồng chí Nguyễn Côn Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chọn tổ chức lớp hợp bồi dưỡng lý luận chính trị… trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Khánh Sơn là căn cứ cách mạng của thị ủy Tuy Hòa – nơi bố trí lực lượng đặc công chuẩn bị giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ”[11].

Trong các giai đoạn lịch sử, hầu như Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc ở các giai đoạn khó khăn nhất và cam go nhất, để mang lại sự ấm no, hạnh phúc, bình an cho mọi người. Việc mong muốn bình an cho chúng sinh trong đạo Phật không chỉ đơn thuần là tụng kinh, lạy Phật, cầu nguyện, mà bên cạnh đó là những việc làm cụ thể hơn và mang nét đặc trưng trong chiến tranh, khi tổ quốc lâm nguy chính là đấu tranh giành độc lập cho quê nhà. Đây là nét vừa đặc trưng vừa độc đáo của đạo Phật Việt Nam. Ở Phú Yên từng có Võ Trứ lãnh đạo phong trào chống Pháp là một tu sĩ, phong trào lớn mạnh, có sức ảnh hưởng mà giặc Pháp gọi là ‘giặc thầy chùa’ và số lượng tu sĩ, cư sĩ tham gia cách mạng thì không kể xiết.

Trong văn học, cửa Phật luôn là biểu tượng của từ bi, là nơi gởi gắm tâm hồn sau những tổn thương, vấp ngã, khổ đau trong cuộc sống. chính cái mặc định như vậy, đặc biệt trong tình yêu khi bị những trở ngăn, vấp ngã thường họ nghĩ đến cửa chùa để nương tựa:

“Ngó lên cẩm tú chùa Hang

Tu thời đằng đó bỏ chàng bơ vơ”[12].

Hay đến cửa chùa để rũ bỏ muộn phiền, khổ đau bởi tình yêu dang dở, đến nơi cửa Phật để cảm nhận sự nhẹ nhõm, dù chỉ là viếng thăm, tản bộ, lễ Phật hay chỉ đứng ngắm tôn dung Ngài:

“Ngó lên chùa Cát cao lầu

Biệt ly quân tử chuỗi sầu ai mang”.[13]

Hay:

“Ngó lên chùa Cát cao lầu

Biệt ly em hỡi bỏ sầu cho anh”.

Hay:

“Ngó lên dốc Mụt chùa Lầu

Cảm thương người bạn buổi đầu thâm ân”[14].

Hay trong những câu chuyện truyền thuyết, thần thoại cũng được đề cập đến phật giáo như một biểu tượng của lòng từ bi, yêu thương. Như trong các truyền thuyết Gành Đá Đĩa có kể câu chuyện có một người rất giàu nhưng chẳng may vợ mất sớm, muốn giữ lòng chung thủy ông có ý định đi tu “Với ý định sau này thành đạo sẽ dùng xây dựng chùa và dâng tặng cho vị minh quân nào có lòng yêu nước, thương dân. Sau thời gian tu luyện, ông đắc đạo và theo Phật về cõi Niết bàn, chưa kịp dùng số của cải kia như đã định”[15]. Sự hiện diện của Phật giáo trong các câu chuyện này còn thể hiện sự hiện diện và vị trí của đạo Phật trong quần chúng nhân dân và sức ảnh hưởng sâu rộng trong tâm tưởng mọi người.

Hay về câu thơ, ca dao thường nhắc đến các địa danh Phật giáo cũng nói lên sự yêu mến của người dân nơi đây đối với chùa chiền:

“Ngó ra Hòn Dứa, Hòn Than

Hòn Chùa bãi cát chứa chang lòng buồn”[16].

Hay:

“Ngó ra hòn dứa Hòn Chùa

Anh đi đánh cá không chừa một con”.

Hoặc là:

“Rủ lên Đá Trắng ăn xoài

Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì”[17].

Về phong tục tập quán, một trong những phong tục đặc sắc vùng này chính là lễ hội cúng đình, lăng người miền biển, để tạ ơn các vị thần, cá ông đã gia hộ cho một mùa bộ thu, yên ổn. Có một điểm không được nhắc đến nhưng rất thường xảy ra, là các buổi lễ trang trọng đó thường có các vị cao đức Phật giáo tham dự và chú nguyện, thậm chí là hành lễ, nhưng không được ghi chép, có lẽ một phần nào không phù hợp cả phương diện chùa chiền và đình lăng trên hình thức. Nhưng trong các bài khấn, sớ để cúng đình, lăng thường có những danh xưng, danh hiệu bên đạo Phật như:

Lễ cúng đình phường 1 (đình Năng Tịnh) để cúng Vua Hùng, Lương Văn Chánh, Thiên Y A Na và các thần Cao Các cúng vào ngày 26 tháng 1 và 20 tháng 8 trong bài văn tế âm hồn có đoạn “Cung thỉnh: Tiêu Diện đại lực sĩ Quỷ Vương lai đáo đình trung, chứng minh lòng thành của Ban quản lý đình Năng Tịnh”[18].
Lễ cúng đình Phú Lâm trong nội dung văn tế âm hồn cô hồn có câu thỉnh “Tiêu Diện đại lực sĩ Diệm Khẩu quỷ vương tôn thần”[19].

Lễ cầu ngư Lạch Long Thủy tổ chức vào ngày 12 tháng 6 âm lịch trong bài khấn của vị chánh tế mở đầu “Nam mô A Di Đà Phật, hôm nay nhân dân ca lễ nhất duyên…”[20], cuối bài kết thúc vẫn là câu Nam mô A Di Đà Phật. Sau lễ nghinh thần đến lễ nghinh ông Sanh, vị chánh tế chắp tay mở đầu bài khấn vẫn là câu Nam mô A Di Đà Phật.

Lễ hội cầu ngư Lạch Phước Đồng tổ chức vào ngày 15 tháng 5 âm lịch, trong văn tế có câu thỉnh “Tiêu diện đại sĩ diễn phổ quỷ vương, thống lãnh tam thục lục bộ thất thập nhị quyết nam, nữ âm hồn-cô hồn, sa ma đẳng đạo, lai đáo bổn lăng đồng lai phối hưởng”[21].

Lễ cúng đất Lạch Phú Câu tổ chức vào ngày 15 đến 18 tháng 3, trong phần thỉnh quái có câu: “cung thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ, diệm khẩu quỷ vương thống lãnh âm hồn, cô hồn, quạnh hồn, oan mộ, vô tự, quạnh tử, yểu vong, ly mị, vọng lượng, hà sa đẳng chúng đồng lai phối hưởng”[22] kết thúc bài khấn là câu Nam mô A Di Đà Phật.

Lễ cúng đất Lạch Đông Tác trong phần phụng thỉnh có đoạn: “Tiên sư như lai khai quang điểm nhãn, pháp sư như lai điểm khai quang nhĩ, tổ sư như lai điểm khai quang tỷ, tổ sư như lai điểm khai quang khẩu, tổ sư như lai điểm khai quang thủ, tổ sư như lai điểm khai quang túc”[23].

Trong đây chúng ta bắt gặp danh hiệu Tiêu Diện Đại Sĩ khá nhiều, đây là một danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm vì lòng thương tưởng đến những chúng sinh trong đường quỷ đói, những vong linh chưa được siêu thoát, nên hóa thân để thu phục chúng ác quỷ, đồng thời là hình ảnh biểu tượng ngăn ngừa cái xấu ác để bảo vệ điều hay lẽ phải, bảo vệ chính pháp khỏi các thế lực phá hoại. Câu Nam mô A Di Đà Phật cũng được nhắc đến trong văn bản, kỳ thật ở Phú Yên đa phần các lễ cũng bái dù lớn hay nhỏ câu đầu tiên và kết thúc khi khấn vái là Nam mô A Di Đà Phật, như một câu cửa miệng. Đây có thể là sự vay mượn thường thấy, nhưng cũng qua đó cho chúng ta thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo đã đi sâu vào trong những tập tục quan trọng trên vùng đất này.

Về vấn đề thờ cúng ông bà tổ tiên: “Trong gia đình người Việt, hầu như nhà nào cũng có cúng giỗ, đám tiệc. Ngày kỵ thường là giỗ cha mẹ, ông bà, người thân, khi đó, họ mời bà con chòm xóm đến dự. Lời mời là đến“uống nước”. Người đi ăn giỗ không phải mang theo quà biếu. Đám giỗ đôi khi dọn ăn cả ngày”[24]. Đây là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, bên cạnh đó là sự hiếu thảo, nhớ ơn với đấng sinh thành, ông bà tổ tiên đi trước.

3. Tư tưởng

Ở Phú Yên “nửa đầu thế kỷ XX về trước một số dòng họ lớn ở nông thôn tổ chức cúng giỗ theo hình thức: Trong chay ngoài mặn. Chay trước mặn sau. Trong chay ngoài bội (hát bội)”[25]. Đây là một hình thức, mà trong đó có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của đạo Phật, nhất là vấn đề ăn chay và cúng chay. Quan niệm này xuất phát từ việc muốn tạo phước và tránh đi nghiệp sát cho người mất khi viêc cúng thức ăn chỉ mang tính biểu tượng là chính. Quan niệm ăn chay và cúng chay đã hiển hiện trên vùng đất này từ khi phật giáo truyền vào và cho đến nay vẫn còn là một bản sắc “Người theo đạo ăn chay là lẽ thường, nhưng có một bộ phận người không theo đạo cũng ăn chay. Người ăn chay mỗi tháng hai ngày gọi là nhị trai, bốn ngày gọi là tứ trai, sáu ngày gọi là lục trai, mười ngày gọi là thập trai. Trai kỳ mỗi năm ăn chay ba tháng là tháng giêng, tháng 7 và tháng 10 âm lịch”[26]. Có lẽ nó được hướng dẫn mỗi khi gia đình có hữu sự “khi nhà có người sắp từ giã cõi trần, nhất là người già, cao tuổi thường mời thầy chùa tụng kinh để đưa tiễn linh hồn người chét và cầu nguyện cho linh hồn ấy siêu thăng yên ổn”[27].

Chúng ta không dám vội vàng kết luận về việc ăn chay, cúng chay này có phải được ghi công cho Thiền phái Liễu Quán hay không? Nhưng chúng ta có quyền tin rằng Thiền phái Liễu Quán có vai trò rất lớn trong việc truyền bá việc cúng chay và ăn chay này. Bởi lẽ về đi cúng, ứng phú đạo tràng thì từ xưa đến nay Thiền phái Liễu Quán rất giỏi và có vị trí ảnh hưởng hơn thiền phái Chúc Thánh, đồng thời sản sinh ra những danh tăng giỏi về nghi lễ cũng rất nhiều. Nên việc dựa vào các đàn tràng, các gia đình hữu sự các vị thuộc Thiền phái Liễu Quán đã dạy bảo và hướng dẫn việc ăn chay và cúng chay là điều có thể chấp nhận.

Về các phong tục trong năm. Trước tiên là lễ Giao thừa “Xưa, Phú Yên lễ giao thừa cử hàng trọng thể ở Đình, chùa, sau đó là gia đình. Tại Đình làng, người ta cúng Thành Hoàng và các vị Thần. Tại chùa lễ Phật, lễ vật dâng cúng là đồ chay được bày ở bàn thờ chư Phật và bàn thờ đức Ông”[28]. Phải biết rằng trong đời sống người dân ta ngày xưa vô cùng vất vả, cuộc sống và các vấn đề như lễ hội, vui chơi giải trí vô cùng thiếu thốn. Chính vì lẽ đó, chùa là nơi được xem như một nơi để vui chơi vào các ngày lễ hội bởi không gian rộng lớn lại thường xuyên có các trai lễ. Hơn thế nữa, chùa là nơi linh thiên, nơi Phật trời an ngự,gia hộ che chở cho mọi người, nơi tượng trưng cho cái thiện, đạo đức. Nên thời khắc quan trọng giao thời, trăm hoa đua nở, vạn phúc hội về nên việc đón chào một năm mới ở chùa, đình là nguyện vọng tốt lành của mọi người khát ngưỡng.

Tết Thượng Nguyên “Người Phú Yên có câu ‘lễ Phật cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng’… Nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành Phật tử, trong diệp này người ta đi lễ chùa rất đông”[29]. Ngoài vấn đề niềm tin trời Phật sẽ ban phước và bình an cả năm ra, thì dữ kiện trên cho chúng ta biết rằm tháng giêng là lễ hội Phật giáo. Người người đến chùa, nhà nhà ăn chay niệm Phật để cầu phước. Mọi người nô nức đến chùa để lễ Phật, cầu cúng để mong được bình an, các chùa thì trang hoàng như ngày tết để đón Phật tử và mọi người đến chùa. Chùa bây giờ không chỉ  là nơi cúng bái mà còn có chức năng cho khách tham quan, vãng cảnh, du ngoạn những ngày sắp hết ‘ba ngày xuân’ để chuẩn bị vào mùa vụ “hàng năm đến ngày mùng 10 và 11 tháng giêng âm lịch. Chùa Đá Trắng tổ chức lễ hội. Du khách về chùa trong những ngày này không chỉ chứng kiến hàng nghìn phật tử và khách tham quan đến niệm phật, tịnh tâm mà có dịp thả mình dươi bóng xoài đá trắng”[30]. Để thấy rằng lễ trong Phật giáo và phong tục nơi đây như hoà quyện vào một, thật khó để phân biệt tết thượng nguyên là của Phật giáo hay của nhân gian tập tục.

Tết Thanh Minh “trong ngày này, tại các nghĩa trang Phật giáo tổ chức tụng kinh cầu nguyện cho tất cả các linh hồn an nghỉ tại đây”[31]. Trong ngày này, ngoài việc các gia đình đi thăm mộ, mọi người sẽ đến chùa và dâng lễ để cầu phúc cho người đã khuất, các chùa sẽ tổ chức các trai đàn để cầu siêu cho các vong được gửi trong chùa, từ đó các thán nhân sẽ đến để hầu kinh và lễ Phật. Nghĩa trang Phật giáo sẽ là nơi được tổ chức lớn nhất và một điểm rất hay ở nơi đây là nghĩa trang này không phải chỉ là người theo Phật giáo mà có rất nhiều người không theo Phật giáo nhưng vì nhiều hoàn cảnh mà họ cũng về an nghỉ nơi này. Nhờ đó, vào ngày này các người thân của các ngôi mộ được cơ hội tiếp xúc đến quý thầy và Phật pháp, dần dần trở thành những Phật tử thuần thành.

Tết Trung Nguyên “trong nửa đầu tháng bảy, những gia đình có người chết trong năm thường tổ chức tụng kinh cầu siêu với ước nguyện linh hồn ấy được siêu thoát… trong các buổi lễ này, họ mời nhà sư đến tụng kinh, đọc sớ…”[32]. Đây là một trong những lễ lớn nhất Phật giáo và có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng hiếu đạo Việt Nam. Phú Yên cũng không ngoại lệ, thậm chí còn được chú trọng và tổ chức vô cùng lớn. Có lẽ sự ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo Phú Yên là trai đàn nên trong ngày lễ này hầu hết các chùa đều tổ chức trai đàn, lớn nhỏ tùy vào chùa và các Phật tử. Sự cầu cúng là một hình thức để thể hiện lòng hiếu thảo, đồng thời thể hiện lòng tôn kính Phật và niềm tin vào oai thần tam bảo. Những bài kinh gần gũi như ‘kinh Vu Lan’ đã tác động mạnh mẽ đến sâu trong tâm khảm những người con chí hiếu, đồng điệu với truyền thống hiếu kính mẹ cha, ông bà. Qua đó, họ được gần gũi Phật pháp và dần cảm nhận được triết lý Phật dạy trong đời sống hiện tại.

KẾT LUẬN

Qua đây, chúng ta thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo nói chung và Thiền phái Liễu Quán nói riêng trên vùng đất này vô cùng sâu rộng. Tác động trực tiếp vào tinh thần, tư tưởng của mọi người từ thế hệ này sang thế khác. Tiếp nối hạt giống yêu thương, trung cang, yêu nước, hòa đồng, thân thiện,… để trở nên đặc thù con người Phú Yên chất phát, dễ thương, đậm tình, mến khách những tính cách ấy phần nào có hương vị của Phật pháp giản đơn qua những lời kinh hay những lời dạy, câu nói, lời khuyên của những bậc thiền tăng mộc mạc.

Tác giả: Thích Tâm Ý – Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Công Hoan, Em người con gái Phú Yên.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Lê Thế Vịnh (2011), Di sản văn hóa Phú Yên, Nxb.Thuận Hóa.

CHÚ THÍCH
[1] Nguyễn Công Hoan, Em người con gái Phú Yên.
[2] Nguyễn Công Hoan, Em người con gái Phú Yên.
[3] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.476.
[4] Đèo Cả, đây là đèo phân chia ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa thuộc dãy núi Đại Lãnh; Vạn Giã, là một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; Tu Bông, là một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
[5] Ngân Sơn, một địa danh, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An; Mằng Lăng: một địa danh thuộc xã An Thạch huyện Tuy An; Tam Giang là một con sông ngắn chảy từ Hòn Kề ra biển Vũng Chào thuộc vịnh Xuân Đài.
[6] Cá Ồ, một loại cá biển rất giống với Cá Ngừ;  Lò Ba tên gọi cũ của làng biển Hòa Hiệp thuộc thị xã Đông Hòa.
[7] Lê Thế Vịnh (2011), Di sản văn hóa Phú Yên, Nxb.Thuận Hóa, tr. 310.
[8] Lê Thế Vịnh (2011), sđd, tr. 315-316.
[9] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên (2003), Địa chí Phú Yên, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 476.
[10] Lê Thế Vịnh (2011), sđd, tr. 159.
[11] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 173.
[12] Chùa Hang: là chùa Minh Sơn thuộc thôn Minh Đức, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa.
[13] Chùa Cát, chùa Bảo Tịnh, thành phố Tuy Hòa.
[14] Dốc Mụt: Nằm ở xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, phía sau chùa Lầu khoảng 50 mét. Hai bên dốc có những mô đất mọc lên giống những búp măng từ gốc tre nhú khỏi mặt đất, do vậy dốc được gọi là dốc Mụt. Chùa Lầu: Có tên chữ là Phước Lâm Tự, thuộc thôn Tuy Dương, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chùa được xây dựng vào đời Hậu Lê, cách nay khoảng 300 năm. Chùa xây dựng trên lưng chừng đồi, do kiến trúc được xây dựng theo lối cổ lầu, nên nhân dân quen gọi là chùa Lầu.
[15] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 41.
[16] Hòn Dứa, một hòn đảo nhỏ thuộc An Chấn huyện Tuy An: Hòn Than, một hòn đảo nằm giữa Hòn Chùa và Hòn Dứa thuộc xã An Phú thành phố Tuy hòa: Hòn Chùa: Hòn đảo nằm trong cụm đảo hòn Dứa, hòn Than ngoài khơi của vùng biển Long Thủy, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
[17] Chùa Đá Trắng: Một ngôi chùa thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Đây là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất của tỉnh Phú Yên với giá trị to lớn về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử xã hội, do nằm trên một triền núi có nhiều tảng đá trắng nên thường được gọi là chùa Đá Trắng. Xung quanh chùa là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng, còn có tên là “xoài Ngự”, “xoài tiến”, tương truyền có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm dịu, vừa ngọt lịm khiến ai đã từng nếm thử đều không thể quên.
Chùa thiên thai gọi đầy đủ là Sơn Thạch Thiên Thai Tự, tọa lạc dưới chân Hòn Dù tại thôn Long Phước, xã Xuân Lâm, Thị xã Sông Cầu.
[18] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 184.
[19] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 195.
[20] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 199.
[21] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 244.
[22] Lê Thế Vịnh, sđd , tr. 267.
[23] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 278.
[24] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr.448.
[25] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr.450.
[26] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr.449.
[27] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr 490.
[28] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr.477 – 478.
[29] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr 478- 479.
[30] Lê Thế Vịnh, sđd, tr. 159.
[31] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sđd, tr 479.
[32] Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, sđd, tr. 480.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường