Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành Học viên Cao học Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM

Trước khi đức Thế Tôn xuất hiện, quan điểm về nhất thiết trí, toàn tri, toàn năng đã bám rễ từ lâu trong hệ thống tư tưởng Bà-la-môn giáo và các trường phái ngoại đạo, đồng thời trở thành văn hóa của tôn giáo Ấn Độ. Về sau, Đại chúng bộ và Phật giáo Đại thừa xây dựng hình ảnh một đức Thế Tôn khoác lên những phép thần thông, năng lực vô biên, hào quang chói sáng… đặc biệt được tôn xưng là bậc nhất thiết trí luôn là hình ảnh quen thuộc đối với hành giả tu tập. Tuy nhiên trong nguồn sử liệu của Nhất thiết hữu bộ, cụ thể là tạng kinh A Hàm phần nhiều mô tả đức Phật là con người, từ góc độ con người mà thành Phật cho nên đã phủ nhận tư tưởng đức Phật là bậc nhất thiết trí cho nên có rất nhiều hình ảnh về đức Phật lịch sử dưới hình thức một con người giản dị chân thật nhưng lại là bậc thầy hướng thượng của nhân sinh được đề cập rõ nét trong bộ kinh này.

1. Quan niệm nhất thiết trí theo các trường phái ngoài đạo

Thế kỷ thứ VI TCN là một giai đoạn lịch sử đặc biệt bởi đã xuất hiện các bậc triết gia, giáo chủ lỗi lạc của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Ở Hy Lạp có Heraclites, Phythagoras… Ở Trung Hoa, có Lão Tử và Khổng Tử… Dân tộc Ấn Độ thời xưa được nổi danh là đã un đúc được nhiều vị hiền triết và giáo chủ lỗi lạc, mỗi vị có một quan kiến khác nhau về đời sống tu tập. Đặc biệt, sự ra đời của đức Phật và các ngoại đạo sư đã đánh dấu một bước ngoặc lớn trong hệ thống tư tưởng triết học Ấn Độ nói chung và của nhân loại nói riêng. Lúc bấy giờ, Phật giáo với hệ thống giáo lý mới đã phá vỡ những tư tưởng tồn tại hàng ngàn năm của Bà-la-môn giáo và các giáo giáo phái ngoại đạo. Căn cứ trong kinh Phạm Võng trong kinh trường A Hàm có 62 trường phái ngoại đạo, tất cả tư tưởng của của 62 giáo phái này đức Phật ví như những con cá bị thâu tóm nằm trong lưới không thoát ra khỏi cái lưới kiến chấp sai lầm [1]. Ngoài các nhà luận sư phái trên, có sáu vị đại luận sư danh tiếng nhất theo kinh Sa-môn quả [2], đó là:

Thứ nhất, Phú-lan-na Ca-diếp (Purana Kassapa): tổ sư phái phủ nhận giá trị đạo đức. Theo ông, thiện ác không có tiêu chuẩn nhất định, do tập quán của xã hội mà hình thành nên.

Thứ hai, Mạc-gia-la Câu-xá-da (Makkhali Gosala): vị lãnh đạo phái định mệnh. Chủ trương “cực đoan định mạng luận”, nghĩa là hành vi vận mạng của con người đều do pháp tắc tự nhiên chi phối.

Thứ ba, A-kỉ-dạ Kỳ-xả Khâm-ba-li (Ajita Kesa Kambala): bậc thầy của phái đoạn diệt. Chủ trương “cực đoan duy vật”, cho rằng con người do bốn địa hợp hành, ngoài vật chất ra không có sanh mạng.

Thứ tư, Phù-đa-ca-chiên-diên (Pakudhakac Kàyana): Bậc đạo sư của phái duy vật. Chủ trương “cực đoan thường kiến luận” phản đối phái cực đoan đoạn kiến luận. Vị tổ sư này lập thuyết tâm vật nhị nguyên bất diệt, cho rằng con người do bảy yếu tố: địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và sinh mạng hợp thành, những yếu tố này tan rã con người liền chết, không có gì sau đó.

Thứ năm, Tán-nhĩ-di Tỳ-da-lê-tử (Sanjaya Belatthiputta): Tổ sư của phái hoài nghi, mọi việc trong cuộc sống không có đúng có sai, con người không có quyền quyết định bất cứ điều gì cả, lập luận trườn uốn như con lươn.

Thứ sáu, Ni-kiền-tử Nha-đề-tử (Nigantha Nàtaputta): Vị tổ khai sáng của Kỳ-na giáo và chiếm địa vị quan trọng trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Chủ trương tu tập khổ hạnh, cho rằng thân xác càng khổ bao nhiêu thì nghiệp báo càng mau tiêu trừ bấy nhiêu.

Sáu nhân vật trên là sáu vị tổ sư lỗi lạc của các trường phái ngoại đạo nổi tiếng đương thời. Họ được các đệ tử của giáo phái mình tôn sùng và tự cho mình là bậc nhất thiết kiến. Như trong kinh Tiễn Mao đề cập đến như sau:

“Bạch Cù-đàm, đó là Bất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, vì Bất-lan Ca-diếp tự cho là tự cho thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết không gì không thấy…”. “Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi Tử, Bà-nhã Bệ-la-trì Tử, Ni-kiền Thân Tử, Bà-phù Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi cũng vậy… tự cho thật có Tát-vân-nhiên, biết tất cả, thấy tất cả, không gì không biết không gì không thấy…” [3]

Như vậy, quan niệm nhất thiết trí, nhất thiết kiến vốn được dùng để mô tả về các bậc sáng tạo, các vị tổ sư theo hệ thống tư tưởng các giáo phái của Ấn độ, đặc biệt là Kỳ-na-giáo. Các bậc ấy là những bậc toàn tri nên sự thấy biết của họ không ngăn ngại, không gì không thấy và không gì không biết, kể cả khi ngủ nghỉ.

2. Quan điểm nhất thiết trí theo Đại chúng bộ

Trước quan điểm tự cho mình là bậc nhất thiết trí của các tổ sư Kỳ Na Giáo, người viết nhận thấy trong kinh A Hàm có một số kinh cũng có những lời ghi lại đức Phật, người khai sáng đạo Phật là bậc nhất thiết trí như sau:

Kinh Tăng nhất A Hàm, phẩm Cao tràng 24, kinh số 5, sau khi thành đạo, đức Phật trong bảy ngày nhìn chăm chú vào cây đạo thọ và nói bài kệ sau:

“… Nay ở dưới cây này, Ngồi trên tòa kim cương, Chứng đắc huệ vô ngại, Thành tựu Nhất thiết trí...” [4].

Trong kinh Trung A Hàm, kinh Tần-tì-sa-la vương nghinh Phật cũng đề cập đến việc ngài Ca-diếp đảnh lễ và thưa Đức Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con. Con là đệ tử của Phật. Phật thành tựu Nhất thiết trí. Con không có Nhất thiết trí.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Thật vậy, Ca-diếp, thật vậy, Ca-diếp! Ta có Nhất thiết trí. Ông không có Nhất thiết trí” [5].

Ngoài ra, còn rất nhiều kinh trong bộ kinh A Hàm đề cập đến việc đức Phật tự nói hoặc đệ tử cho mình thành tựu nhất thiết trí. Sở dĩ có sự tương đồng với tư tưởng đó vì kinh A Hàm là bộ kinh được biên tập trong thời kì Phật giáo bộ phái [6] nên tạng kinh này bao gồm các quan điểm khác nhau của Đại chúng bộ và Thượng tọa bộ. Căn cứ trên lời nói của Vu Lan Ba trong tác phẩm Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy nói rằng có hai đức Phật ở thế gian: “Một vị là Phật ở thế gian của lịch sử, có tên gọi là Thích Ca Mâu Ni, còn Một vị là Phật ở trên trời cao, tín ngưỡng- đó là đức Phật mang sắc thái thần thánh huyền diệu bất khả tư nghì”[7]. Bởi lẽ đó, trong tạng kinh A Hàm đặc biệt là tạp A Hàm phần nhiều hàm chứa giáo nghĩa Đại chúng bộ [8]. Đại chúng bộ đã đưa vào những bản kinh thần thánh đức Phật để đáp ứng tín ngưỡng của nhân gian cho rằng đức Phật là bậc nhất thế trí. Những bản kinh này đã trở thành nền tảng căn bản để Phật giáo đại thừa phát triển sau này.

Với sự khảo sát trên, chúng ta sẽ thấy được điểm tương đồng trong quan điểm của Kỳ Na giáo và Đại chúng bộ đều tôn sùng đấng giáo chủ và tôn xưng họ là bậc nhất thiết trí. Tuy nhiên trong sự tương đồng đó vẫn có sự dị biệt. Đối với Kỳ Na giáo vì thấy được đấng giáo chủ là bậc nhất thiết trí nên có khả năng ban phước giáng họa. Còn đối với Đại chúng bộ và Đại thừa việc xem đức Phật là bậc nhất thiết trí với thần thông biến hóa diệu dụng chỉ là đáp ứng tín ngưỡng nhân gian và xem như phương tiện để đưa chúng sanh đến với đạo, sau đó dẫn dắt họ nếu nỗ lực tu tập giải thoát thì cũng có thể trở thành Phật, bậc nhất thiết trí.

Qua đó, ta thấy được rằng tư tưởng nhất thiết trí được các ngoại đạo sư cho rằng họ đối với mọi việc trên thế gian xảy ra đều biết hết tất cả trong mọi lúc mọi thời điểm, liên tục, không gián đoạn. Đây không chỉ tư tưởng riêng của các đạo sư mà còn là tư tưởng chung của văn hóa truyền thống tôn giáo Ấn Độ. Đồng thời, tư tưởng này đã ảnh hưởng ít nhiều đến Phật giáo sau này nhất là Đại chúng bộ và Phật giáo đại thừa. Về sau vì để lan truyền Phật giáo khắp Đông Tây mà đã có nhiều thay đổi để tiếp cận văn hóa tín ngưỡng của các quốc gia nên mô tả đức Phật với sự thần thông, uy quyền… mang tính thần thoại.

3. Đức Phật không phải là bậc nhất thiết trí

Như trên đã trình bày, lục sư ngoại đạo tự cho rằng họ là bậc nhất thiết trí. Bên cạnh đó Đại chúng bộ và Đại thừa vì truyền bá Phật giáo mà khoác lên cho đức Thế Tôn chiếc áo thần thoại với sự trang nghiêm của bậc nhất thiết trí. Tuy nhiên hình ảnh của đức Phật được mô tả trong kinh A Hàm phần nhiều không mang ý nghĩa này. Đức Phật phủ nhận hoàn toàn bởi Ngài vốn là con người lịch sử.

Thông thường các bậc giáo chủ sáng tạo một tôn giáo thường tự xưng mình là đấng cứu thế, thượng đế, phạm thiên… Tuy nhiên, chỉ mình đức Phật xưng mình là con người trong thế gian đã giác ngộ thành Phật:

“Như Lai sinh từ trong thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, vượt khỏi tất cả thế gian” [9].

Với nội dung này, có thể thấy đức Phật vốn là con người, sinh ra lớn lên như bao người bình thường khác, chẳng phải như Đại chúng bộ nhận định đức Phật với quan điểm “Chư Như Lai là bậc xuất thế” [10]. Theo Thượng tọa Thích Hạnh Bình cũng nhận định rằng: “Đức Phật vốn là con người, sinh ra là con người, được nuôi dưỡng và trưởng thành bằng chất liệu con người, cũng từ vị trí con người tu dưỡng mà thành Phật, không phải là thần tiên, không phải là vị trời thần từ cõi khác đến” [11]. Cho nên, Ngài xuất thân từ con người nên vẫn còn bị chi phối bởi thân thể vật lý sinh diệt liên tục trong từng sát na. Dẫu có tam minh lục thông nhưng Ngài vẫn chịu cảnh sinh già bệnh chết, càng không thể làm thay đổi được quy luật thường hằng của vũ trụ, không thể xoay chuyển được lẽ vô thường, không thể thay đổi được định nghiệp của chúng sinh. Như Lai không phải là bậc toàn năng, không phải đấng cứu thế như bao giáo chủ thần thoại của các tôn giáo Ấn Độ. Vì lẽ đó, đức Phật vẫn ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… nhưng tất cả những hoạt động của Ngài đều tiến triển trong sự chính niệm, tỉnh thức. Người thế gian muốn tồn tại sự sống phải ăn uống, đi đứng, ngủ nghỉ… thì đức Phật cũng được nuôi dưỡng lớn lên từ yếu tố đó. Nhưng nếu có khác biệt, đó là con người đã giác ngộ. Hay nói cách khác, cũng cái thân vật lý này nhưng trí tuệ của Ngài là trí tuệ siêu việt, sáng soi thấu rõ các pháp của thế gian cho nên không còn cấu nhiễm bởi tham, sân, si nên rời khỏi các phiền trược dục vọng: “Trí tuệ có nghĩa yểm ly, có nghĩa vô dục, có nghĩa thấy như thật” [12].

Liên quan đến vấn đề sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt đối với giấc ngủ trong một số kinh đề cập đến Ngài ngủ nghỉ trong tỉnh thức: “Thế Tôn trải đại y gấp bốn và nằm xuống như cách nằm con sư tử, thân phía hữu, hai chân trên nhau, chính niệm tỉnh giác, với tâm nghĩ đến lúc ngồi dậy” [13]. Đồng thời, trong đầu đêm giữa đêm Ngài thường thiền định: “Từ ba đến bốn giờ, Ngài nằm định thần, nghiêng về phía tay mặt. Từ bốn đến năm giờ, Ngài nhập Đại Bi Định (Mahā Karuṇā Samāpatti), và rải Tâm Từ đến khắp nơi, làm êm dịu tâm trí tất cả chúng sinh” [14]. Cho nên, Đại chúng bộ nói: “Chư Như Lai không ngủ và không mộng mị” [15] là việc hoàn toàn không thuyết phục. Theo TT. Thích Hạnh Bình nhận định rằng: “Ngài vốn là một con người như bao con người khác do vậy khi ngủ cũng giống như mọi người, nếu có khác đi chăng nữa, Ngài ngủ ít và không mê như con người; ngủ ít không mê không đồng nghĩa là khi Ngài ngủ mọi việc xảy ra đều thấy đều biết” [16]. Người viết hoàn toàn đồng ý với nhận định của TT. Thích Hạnh Bình bởi vấn đề ngủ của đức Phật là ngủ trong tỉnh thức, ngủ trong chính niệm. Hay nói cách khác, Ngài làm chủ được thân thể và ý thức chứ không phải ngủ mà biết được mọi việc xảy ra xung quanh. Bởi lẽ đó, những lời nói tôn xưng Phật là bậc nhất thiết trí, bậc nhất thiết kiến là “họ đã vu khống Ta với điều không thực, hư ngụy” [17].

Ngoài ra, đức Phật cho rằng người tự tôn xưng mình bậc Nhất thiết trí là người thuộc chúng phi pháp vì tự xưng mình là nhất thiết trí mà còn bị đi lạc vào rừng vào hố… nhưng ai hỏi liền ngụy biện nói rằng lầm lẫn. Liên hệ đến điều này trong kinh A Di Na đề cập đến như sau:

“Dị học A-di-na, Sa-môn Man-đầu có thật sự tư duy với năm trăm tư duy; nếu có dị học, Sa-môn, Phạm chí nào là vị nhất thiết tri, nhất thiết kiến, tự cho là ‘Ta biết không sót cái gì, nhưng nếu có lầm lẫn thì cũng phải tự nhận là lầm lẫn” [18].

“Sa-môn Man-đầu nói như vầy, ‘Nếu khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, lúc tối hay ban ngày vẫn thường không chướng ngại tri kiến. Nhưng cũng có khi gặp voi chạy càn, ngựa phóng đại, xe ruỗi nhanh… sa xuống hầm sâu, hoặc đâm vào bụi gai, hoặc thấy thôn ấp mà phải hỏi tên đường, hoặc gặp kẻ trai người gái phải hỏi họ hỏi tên, hoặc nhìn lầm nhà trống, hoặc vào dòng họ nào đó và khi vào rồi được hỏi rằng: ‘Ông ở đâu đến?’ Ta đáp rằng, ‘Này chư Hiền, tôi đi lộn đường” [19].

Trên thực tế, đã là bậc toàn tri cái gì cũng biết cũng thấy, làm gì mà có chuyện lầm lẫn, đi nhầm đường. Cho nên, đức Phật liệt những người này là hạng “Người phi pháp ấy đứng đầu trong chúng phi pháp, theo những điều chính mình đã biết, nhưng lại bằng những lời hư vọng, không chân thật” [20].

Từ hai bài kinh trên, nếu người nào nói đức Phật là bậc nhất thiết trí hay tự xưng mình là bậc nhất thiết trí liền bị Ngài chê trách và phê phán là lời nói hư ngụy, không chân thật, huyễn hoặc. Thế Tôn xem điều đó như trò thần thánh hóa làm mê hoặc chúng sinh khiến chúng sinh trôi lăn trong vòng sinh tử, nên Ngài phủ nhận là nhà huyễn thuật: “Ta biết huyễn thuật ấy, nhưng chính Ta không phải là nhà huyễn thuật” [21]. Cho nên đây là hình ảnh đặc biệt đức Phật xây dựng hoàn toàn khác biệt với các giáo chủ tôn giáo khác. Vì sự đặc biệt này, Ngài được tôn xưng đức hiệu Như Lai nghĩa là: “Những điều Như Lai nói đúng như sự, sự đúng như lời; do đó gọi là Như Lai” [22].

Hơn nữa, nếu đã là con người đối với tất cả mọi chuyện mọi trên thế gian thì không thể biết hết. Đức Phật cũng vậy, Ngài đã hiểu biết một cách toàn diện những gì mình cần biết. Liên quan đến vấn đề này, được phân tích trong kinh Thế Gian: “Nếu có tất cả những gì cần được hiểu biết một cách toàn diện, tất cả những điều đó Như Lai đã biết, thấy, giác ngộ và chứng đắc’’ [23]

Trí tuệ của Như lai là trí tuệ hiểu biết một cách toàn diện những gì cần hiểu biết và những hiểu biết đó liên quan đến đời sống tu tập giác ngộ giải thoát. Đức Phật tuy cũng là con người như chúng sinh, nhưng sự thấy biết của Ngài là sự thấy biết như thật tất cả các pháp do duyên sinh. Vì thấy được duyên sinh nên biết lẽ đời là vô thường, vạn vật là vô ngã và ngũ uẩn này khổ không. Cho nên Ngài đã diệt trừ được các triền phược và được tôn xưng là đấng tối thượng đại hùng:

“Biết tất cả thế gian Ra khỏi mọi thế gian Trọn thế gian như thật Đấng tối tôn đại hùng Giải thoát mọi triền phược Diệt tận hết thảy pháp Sinh tử đều giải thoát” [24].

Có thể nói, đức Phật là con người nhưng đã giác ngộ, đã giải thoát khỏi sinh tử khác hẳn với chúng sinh tầm thường sống giữa thế gian đầy tham, sân, si. Cho nên, đứng trên lập trường riêng của mình đức Phật xác định:

“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến? ‘Đây là khổ’, Ta xác quyết nói ‘Đây là khổ’. ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích’ Ta xác quyết nói… là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn, cho nên Ta xác quyết nói những điều này” [25].

Những gì không liên quan đến phạm hạnh như vấn đề siêu hình [26], bàn chuyện thế sự: việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả… [27], những chuyện không liên quan đến phạm hạnh, đưa đến giác ngộ giải thoát, đức Phật luôn giữ thái độ im lặng và dạy các đệ tử không nên bàn luận . Đặc biệt, vấn đề gì đức Phật không bàn luận thì Ngài không tưởng tượng hay tự dựng lên để mê hoặc tín đồ. Việc vẽ nên hình ảnh đấng giáo chủ siêu nhiên, biết thấy hết thảy các pháp của thế gian mà tự cho mình có khả năng ban phước giáng họa chẳng khác gì việc cho người đời ăn bánh vẽ để họ suốt đời chạy theo tha lực và cầu chứng đạt cái cao siêu vượt bậc. Chính việc đặt niềm tin sai lệch sẽ khiến chúng sinh giống như những kẻ bị trúng tên độc cứ loay hoay tìm kiếm người bắn tên mà không biết điều trước mắt là phải rút cây tên ra để cứ sống mạng mình. Cũng vậy, vì mê lầm chúng sinh cứ tìm những gì không thật, rời xa thực tiễn nên trôi lăn mãi bể khổ luân hồi do vô minh phiền não.

Liên quan đến vấn đề toàn tri, đức Phật cũng phủ nhận:

“Ta nhớ đã từng nói như vầy, trong quá khứ không có, trong tương lai không có, trong hiện tại cũng không có, không có Sa-môn, Bà-la-môn nào trong một thời biết tất cả, trong một thời thấy tất cả” [28].

Đây là lời khẳng định của đức Phật trong ba thời qua khứ, hiện tại, vị lai, không một ai trong một sát na, một nháy mắt, một tích tắc biết tất cả mọi việc, kể cả Sa-môn Cù Đàm cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nếu một thời thấy biết được tất cả đức Phật đã có thể tránh được việc Đề-bà-đạt-da lăn đá mưu hại, hoặc tránh được việc ăn phải nấm độc, thậm chí Ngài có thể ngăn được ngày dòng tộc Sakya bị hủy diệt. Hoặc liên hệ với thực tế, trong một tích tắc sao đức Phật có thể biết được mọi sự việc diễn ra của các đệ tử trong các thành ấp tụ lạc tại Ấn Độ, rộng hơn nữa sao có thể đang ở Ấn Độ thấy biết được các việc xảy ra ở Mỹ, ở việc Nam như thế nào. Đây là tư tưởng trái ngược với Đại chúng bộ: “Chư Như Lai trong một sát na biết được hết thảy các pháp” [29]. Vấn đề thấy biết rõ thấy tất cả các pháp hữu vi hay vô vi của thế gian là việc hoàn toàn không ai có thể làm được.

Qua sự thật trình bày trên, có thể thấy tuy đức Phật chỉ là người bình thường, không phải là bậc toàn tri, bậc nhất thiết trí nhưng giá trị mà cuộc đời Ngài để lại cho nhân loại một hệ thống giáo lý thâm sâu và được tôn xưng là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất lịch sử. điều này đã được thể hiện rõ qua lời nhận xét về đức Phật của Sri Radhakrishna: “Nơi Đức Phật Gotama (Cồ Đàm) ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu, cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng cao thâm huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người Thiện Trí bởi vì, đứng về phương diện trí thức, chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử” [30].

KẾT LUẬN

Việc tìm hiểu trong kinh A Hàm về quan điểm đức Phật không phải là bậc nhất thiết trí đã đưa hành giả trở về với thực tại của một đấng giáo chủ bình thường nhưng không tầm thường. Đức Phật bậc thầy của nhân gian, sinh ra tại nhân gian, giác ngộ trong nhân gian tất cả những gì Ngài thành tựu được đều từ một thực thể con người tại nhân gian. Tuy nhiên nhân cách và đức hạnh của Ngài khi đi vào đời hóa độ nhân sinh là một nhân vật hoàn toàn không tầm thường.

Chính đức Phật tự nhận mình là con người từ con người thành Phật nên Ngài đã phủ nhận hòa toàn mình là bậc nhất thiết trí. Đồng thời Ngài cũng không muốn đem tư tưởng mơ hồ không đúng sự thật về mình để mê hoặc chúng sinh. Với suối nguồn giáo lý toàn thiện, Ngài dạy cho chúng ta một sự thật rằng, tất cả chúng sinh đều có thể tu tập giác ngộ thành Phật nếu chúng ta sống và hành trì đúng với con đường Ngài đã đi qua.

Sau khi Phật Niết bàn, Đại chúng Bộ và Phật giáo Đại thừa vì muốn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà xây dựng hình ảnh đức Phật là đấng siêu xuất thế gian, nhất thiết trí, toàn tri toàn năng… Sự thay đổi thích nghi này của ví như thay chiếc áo mới để thích nghi với buổi tiệc dạ hội, tuy nhiên bản chất người mặc chiếc áo vẫn không thay đổi. Điều đó có nghĩa là dù Đại chúng Bộ hay Phật giáo Đại thừa có thần thánh hóa đức Phật như một vị giáo chủ tối thượng đi chăng nữa thì việc Ngài hiện hữu giữa cõi đời này là một con người lịch sẽ mãi không thể thay đổi được.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Thành Học viên Cao học Khóa V – Học viện PGVN tại Tp.HCM ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Đức Trí dịch, Kinh Trường A Hàm, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2003. 2. Thích Tịnh Hạnh, Kinh Trung A Hàm, Taiwan, 2000, tr.839. 3. Thích Tịnh Hạnh, Kinh Trường A Hàm, Hội Văn Hóa Linh Sơn Giáo Dục Đài Bắc, 2000. 4. Thích Đức Thắng dịch, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Kinh Tạp A-Hàm tập Hội Văn Hóa Linh Sơn Giáo Dục Đài Bắc, 2000. 5. Thích Tuệ Sỹ dịch, Tăng Nhất A- Hàm tập 1, Phẩm Cao Tràng, Nxb Phương Đông TP. Hcm, 2011. 6. Thích Tuệ Sỹ dịch, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, Kinh Tần-Tì-Sa-La Vương Nghinh Phật, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2008. 7. HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, Kinh Hữu Học, Viện NCPHVN ân hành, 2013. 8. HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, Kinh Ba Minh Vacchagotta, Nxb Tôn Giáo Hà Nội, 2012. 9. Thích Hạnh Bình, Nghiên Cứu Khái Niệm A-la-hán Trong Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Hồng Đức, 2019. 10. Vu Lan Ba, Thích Hạnh Bình dịch, Đức Phật Thích Ca Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, Nxb Hồng Đức, 2019. 11. Trương Mạn Đào, Thích Hạnh Bình dịch, Bộ Phái Phật Giáo Và A-Tỳ- Đạt-Ma, Nxb Hồng Đức, 2019. 12. HT. Thích Trí Quang dịch, Dị Bộ Tông Luận, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1995. 13. Thích Hạnh Bình, Đức Phật Và Những Vấn Đề Thời Đại, Nxb Phương Đông, 2014. 14. HT. Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ, Kinh Hữu Học, Viện NCPHVN ân hành, 2013. 15. Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật Và Phật Pháp, Nxb Tổng hợp TP. Hcm, 2008. 16. Sri Radhakrishnan, Gautama The Buddha, Bombay: Hind Kitabs, 1946. 17. 《中阿含經》: (CBETA, T01, no. 26). 18. 《異部宗輪論》: (CBETA, T49, no. 2031)