Ngày 20/11 - ngày để những đàn hậu lai như con được thể hiện tấm lòng tri ân đối với Thầy Cô giáo và đối với những bậc tiền bối đã có công ơn to lớn dạy chúng con nên người, và Thầy cũng vừa là một vị Thầy, và là một người Cô giáo khả kính đã dạy cho con nhân cách sống giữa đời và đạo, để con tỏ niềm tri ân sâu sắc đến Thầy.
Tác giả: Thích Nữ Hòa Thảo - Thiền viện Chơn Không, Thành phố Vũng Tàu.
Nhắc đến Tứ trọng ân là mỗi người trong chúng ta lại nhớ đến :
1/ Ơn cha mẹ.
2/ Ơn thầy tổ
3/ Ơn đàn na tín thí
4/ Ơn Tổ quốc
Cho nên cứ mỗi độ mùa Đông về trên quê hương đất Việt, đó cũng chính là ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 lại đến. Mỗi một chúng ta, ai ai ít nhất đều có một vị Thầy dẫn đường dắt lối, có người đang ngồi trên ghế nhà trường vẫn còn được Thầy Cô giáo giảng dạy nâng bước em đi để sau này em là người có ích cho xã hội; cũng có vị đã trở thành một người giúp ích cho xã hội…..Đó cũng là nhờ ơn Thầy Cô giáo dưỡng không ít.
Cụ Bác Hồ kính yêu, đã từng có câu:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Đêm nay mùa Đông se lạnh trên vùng đất thủ đô Hà Nội, trong không khí tĩnh mịch đêm Đông, con – nơi đất khách tha hương, vướng niệm “vọng nhớ về quê hương, nhớ Cha Mẹ, Thầy Tổ” nơi quê nhà. Bậc cổ nhân thường có câu:
“Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp,
Quê nhà một góc rộng thênh thang.”
Con khó mà lột tả hết được tâm trạng, nhớ đến hình ảnh Thầy, trong buổi dạy Bộ kinh “Tứ Thập Nhị Chương” cho chúng con.
Chiều đó, vẫn như thường lệ, lúc 14 giờ - thầy lên lớp, huynh đệ chúng tôi ai nấy run như cầy sấy. vì sau giờ học hôm trước Thầy đã dặn chúng con nhớ học và ôn hết 42 chương để hôm nay Thầy trả bài: Âm, Nghĩa và viết chính tả chữ Hán. Con thì học bài nào, con ôn luôn bài ấy, nên đối với con thì rất thích thú buổi học cuối kết thúc bộ “ Kinh 42 chương” ấy. Bởi vì trong 42 chương, con tâm đắc nhất chương thứ 33:
Phật dạy: “Người làm đạo, ví như một người chiến đấu cùng muôn người, mặc áo giáp ra ngoài cửa, ý hoặc khiếp nhược, hoặc nửa đường lui về, hoặc chống cự mà chết, hoặc thắng trận trở về. Sa Môn học đạo, phải nên giữ vững tâm mình, tinh tiến dũng nhuệ, không sợ cảnh trước mắt, phá diệt nội ma, mà được đạo quả”.
Cho nên, khi Thầy kêu tôi đứng lên trả bài, tôi đọc làu làu 42 chương âm Hán Việt, kế đó Thầy hỏi:
- Trong 42 chương con tâm đắc nhất chương nào?
- Tôi liền thưa:
- Dạ mô Phật ! Con thưa Thầy con tâm đắc nhất - Chương thứ 33 .
Có lẽ để nhấn chìm tâm ngã mạn của tôi xuống, nên Thầy tôi nghiêm nét mặt bảo:
- Thầy mong con “ hành thuyết tương ưng” chứ đừng “năng thuyết bất năng hành”.
Rồi một ngày nọ, con cầm tờ “Đơn xin đi học” để xin chữ ký của Thầy, chỉ trong thời gian thoáng chốc vụt qua thôi nhưng tôi thấy gương mặt Thầy hiện lên nỗi âu lo. Bởi lẽ:
“Tôi dù là đã 32 tuổi xuân rồi, nhưng có bao giờ tôi xa Thầy, rời chúng nửa bước đâu, mà bây giờ vèo một cái tôi lại xin ra tận ngoài Bắc (Hà Nội) để đi học”
Nét mặt Thầy trầm tư, lặng thinh nhìn chằm chăm, thầy không nói lời nào, nhưng con hiểu Thầy đang vừa buồn vừa lo trong lòng. Lúc ấy, ý chí con cũng muốn chùn bước, dự tính thôi học ở lại chùa tiếp tục tu học bên Thầy cho Thầy được vui, thế nhưng lý trí, trách nhiệm và bổn phận của một người đệ tử (đệ nhị sư huynh ở Thiền viện Chơn Không Ni) đã làm con phải dứt ruột bước đi trong tim dằn xé, để lại bao nỗi tiếc nuối, nhớ thương lưu dấu đầy kỷ niệm tình Thầy - trò. Đây là lần đầu tiên con xa Thầy đến một nơi thật xa, xa lắm Thầy ạ!
Ngồi trên máy bay, lần đầu tiên được bay, lẻ ra cảm giác thích thú để trải nghiệm, thưởng thức, một tâm trạng vui mừng nô nức, nhưng không, con ngồi mà lòng buồn rười rượi, đến khi máy bay cất cánh, con vỡ òa khóc trong bóng tối vì con biết mình đã xa Ba Mẹ, xa Thầy thật rồi! Đánh dấu một chặng đường từ đây con phải tự tưởng thành thôi, bao khó khăn, mệt nhọc con phải tự mình vực dậy, tự mình mạnh mẽ đứng lên bước đi tiếp cho đến ngày vinh quang, chiến thắng trở về.
Những năm tháng đầu học ở Hà Nội, đó là những năm tháng lòng con chơi vơi và nhớ Thầy, nhớ nhà lắm lắm Thầy ạ! Những lúc nhìn lên bầu trời thấy máy bay bay về phía Nam, hay bạn học cùng con mỗi dịp Tết Nguyên Đán hay những lúc học xong được nghỉ hè, con thấy chúng bạn của con lũ lượt sắp xếp đồ đạc trở về với Thầy Tổ, với gia đình, con lại ngậm ngùi nước mắt tự nhiên lăn dài trên gò má. Mặc dù tự nhủ mình phải cứng rắn, phải mạnh mẽ…..luôn cười thật tươi, không được khóc, không được thể hiện sự yếu đuối.
Những năm tháng, con đi học ở thủ đô Hà Nội, bao năm đã trôi qua nhưng con vẫn nhớ lời Thầy đã từng dạy, khi con còn là một Thiền sinh tu học tại Thiền Viện Chơn Không Ni. Có một hôm nọ, con đang ngồi học trên hồ nước, bất chợt Thầy đi làm Văn Hóa về Thầy xuống gặp và nói: Sau này con làm việc Thầy mong con phải nên nhớ lời Thầy dạy, đó là: “Đối mọi việc con nên xét: “Khắc kỷ khoan nhân”
Hồi đó tính con còn trẻ nên rất hiếu chiến, hiếu thắng, mọi việc, con đều muốn phải đỏ đen rạch ròi, chứ không chịu sự thật bóp méo đi, đó là tính khí cứng nhắc của con thuở ấy.
Có lé tính con cương cường nên Thầy cũng không ít lần khổ tâm. Nhưng Thầy ơi! Từ khi con xa Thầy đi học, con mới thấu hiểu được lời Thầy dạy năm xưa, con mới thực sự thấy rằng bây giờ đối với con để làm tỏ rõ mọi việc đúng như sự thật không là quan trọng nữa Thầy ạ, mà quan trọng ở chỗ khi con sống xa Thầy con mới thấu hiểu được Thầy trong tình cảnh của Thầy năm xưa. Thầy muốn tâm từ trong mọi hoàn cảnh, con lớn dần lên cùng với tuổi tác đó là lòng bao dung, độ lượng, từ bi đi cùng trí tuệ, chớ có sống khắt khe với người . Ấy thế mà khi xưa con không hiểu, con đã trách Thầy sống bất công, làm cho trái tim Thầy rất đau vì con quá cương cường.
Thầy ơi! Nhân ngày 20/11, để những đàn hậu lai như con được thể hiện tấm lòng tri ân đối với Thầy Cô giáo và đối với những bậc tiền bối đã có công ơn to lớn dạy chúng con nên người, và Thầy cũng vừa là một vị Thầy, và là một người Cô giáo khả kính đã dạy cho con nhân cách sống đời và đạo, để con tỏ niềm tri ân sâu sắc đến Thầy. Con từ lúc đi học xa Thầy, hầu như năm tháng được ở cạnh bên Thầy không còn nữa, nhưng những lời dạy của Thầy năm xưa luôn vang mãi trong lòng con. Cho nên trong cuộc sống hiện tại, con ở trong một tập thể đông người song con luôn luôn dùng đức: NHẪN – NHỊN - NHƯỜNG để mong sao con sống thật hài hòa với mọi người, con nguyện đem những công đức thiện lành mà con làm được, con nguyện xin hồi hướng kính dâng đến Thầy và Cha Mẹ con được khỏe mạnh, sống bình an là con đã yên lòng rồi Thầy ơi!.
Mùa Đông, 20 tháng 11 năm 2023 Cỏ non xin kính dâng Người!
***Tác giả: Thích Nữ Hòa Thảo
Thiền viện Chơn Không, Thành phố Vũng Tàu.
Bình luận (0)