HT.TS.Thích Đồng Bổn Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi – Tp.HCM

1. Dẫn nhập

Bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang của Tổ Như Trừng Lân Giác đã đi vào đời sống quần chúng gần 300 năm qua, đến nay sơn môn Liên Phái vẫn tiếp tục tùy duyên hóa độ những mong người người thân tâm an lạc.

Dẫu biết đời người hữu hạn, nhưng con người vẫn tính đến con số “bách niên”, vậy mà tuổi thọ thì chỉ tính 60; ai bước vào tuổi 70 đã xếp vào hạng “xưa nay hiếm”, bởi thực tế vòng đời con người càng về sau càng khổ chứ chẳng ích gì. Nhưng thoát khổ sớm quá cũng chưa chắc đã hay vì chưa khắc lại dấu ấn gì rõ nét ở cõi đời. Riêng trường hợp Tổ Như Trừng Lân Giác (1696-1732 hoặc 1733) lại khác biệt. Dù chỉ có 37 năm sống ở cõi người, nhưng Ngài đã để lại đạo nghiệp sáng rạng cho đến ngày nay.

2. Cần xác định thống nhất ngày viên tịch của Tổ Như Trừng Lân Giác

Trong sách Thiền sư Việt Nam của HT. Thích Thanh Từ ghi: “Sư tên Trịnh Thập con của Phổ Quang Vương, sanh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán Sư có góc hình như chữ nhật.

Lớn lên, vua Lê Hy Tông gả Công chúa thứ tư cho Sư. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa thiền. Sư có tư dinh tại huyện Thọ Xương ở phường Bạch Mai - Hà Nội, khu đất vườn ao sáu mẫu. Ở sau vườn có gò đất cao chừng bảy tám thước.

Một hôm, Sư sai quân gia đào gò đất ấy xuống tận dưới sâu để làm ao thả cá vàng. Quân gia chợt thấy một cọng sen lớn, đến trình với Sư. Sư cho đó là điềm đi xuất gia. Nhân điềm cọng sen này, Sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông, viện tên Ly Cấu. Từ đây, Sư quyết chí tham thiền.

Một hôm, Sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được nhà vua chấp thuận. Ngày ấy, Sư đi thẳng đến huyện Đông Triều lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đảnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia. Thiền sư Chánh Giác hiện giờ đã tám mươi tuổi.

Chánh Giác bảo:

- Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?

Sư thưa:

- Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp.

Chánh Giác bảo:

- Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi.

Từ đây, Sư ngày đêm nghiên cứu Tam tạng đều được thấu suốt.

Một hôm, Sư đầy đủ oai nghi lên xin ngài Chánh Giác thọ giới Cụ túc. Được chấp thuận, thọ giới xong và được truyền tâm pháp rồi, Sư trở về trụ trì tại chùa Liên Tông.

Nơi đây, Sư hoằng hóa rất thạnh, đồ chúng đến tham học rất đông. Do đó lập thành một phái lấy hiệu là Liên Tông.

Năm ba mươi bảy tuổi, bỗng một hôm Sư bảo đại chúng rằng:

- Giờ quy tịch ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi, hãy nghe kệ đây:

Vốn từ không gốc Từ không mà đến Lại từ không mà đi Ta vốn không đến đi Tử sanh làm gì lụy.

(Bản tùng vô bản Tùng vô vi lai Hoàn tùng vô vi khứ Ngã bản vô lai khứ Tử sanh hà tằng lụy.)

Sư lại bảo:

- Thân khổ tứ đại này đâu thể giữ lâu.

Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch, thọ ba mươi bảy tuổi. Năm ấy nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733). Đồ chúng xây tháp thờ Sư ở ba nơi.

To Nhu Trung Lan Giac Son Mon Lien Phai

Bình nhật Sư lập chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được Giác Sơn ở Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi đại già-lam chùa hiệu Hàm Long. Sau này cho đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long”[1].

Từ điển Phật học, viết: “Thiền sư Việt Nam thuộc tông Lâm Tế truyền sang Ðàng ngoài, pháp hệ thứ 37. Sư kế thừa Thiền sư Chân Nguyên, sau thành lập một nhánh thiền gọi là Liên Phái.

Sư tên Trịnh Thập, con của Phổ Quang Vương. Lớn lên, Sư được vua Lê Hi Tông gả công chúa thứ tư cho. Một hôm, Sư sai quân đào đất làm ao nuôi cá bỗng dưng tìm thấy một cọng sen lớn. Sư cho đó là điềm lành liền đổi nhà thành chùa, đặt tên là Liên Tông, viện tên là Li Cấu. Sư cũng dâng sớ xin vua được phép xả tục xuất gia. Vua nhận lời và ngay khi được phép, Sư đến Thiền sư Chân Nguyên Chính Giác tại chùa Long Ðộng.

Chân Nguyên gặp Sư hỏi: “Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?”. Sư thưa: “Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp”. Chân Nguyên bảo: “Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi”.

Từ đây, Sư ngày ngày nghiên cứu, thông suốt Tam tạng. Sư được Chân Nguyên truyền giới và Tâm ấn. Sau đó, Sư trở về trụ trì tại chùa Liên Tông. Ðồ chúng nghe tin đến học rất đông, do đó mà phái thiền Liên Tông hoặc Liên Phái được thành lập.

Một hôm, Sư bảo chúng: “Giờ quy tịch của ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi. Hãy nghe kệ đây:

Bản tòng vô bản

Tòng vô vi lai

Hoàn tòng vô vi khứ

Ngã bản vô lai khứ

Tử sinh hà tằng lụy.

“Vốn từ không gốc

Từ không mà đến

Lại từ không mà đi

Ta vốn không đến đi

Tử sinh làm gì lụy”.

Sư bảo: “Thân khổ Tứ đại này đâu thể giữ lâu”. Nói xong, Sư ngồi yên thị tịch, nhằm niên hiệu Long Ðức thứ 2, thọ 37 tuổi”[2].

Đọc thêm một số bài viết khác khi nói đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ Như Trừng Lân Giác, tôi thấy cơ bản na ná với hai tài liệu trích dẫn trên. Nhưng theo văn bia “Cứu sinh Trịnh tổ lục bi” hiện có trong khuôn viên chùa Hàm Long, được biết một số nét cơ bản về hành trạng của Ngài như sau: “Trịnh Hòa thượng húy là Như Như, biệt danh Thích Trung Trung, hiệu là Lân Giác, họ Trịnh tên Thập, là con thứ 11 của quan Tham tể Tiến Quang vương triều Lê. Mẹ ông là Vũ thị có một đêm nằm mộng thấy một ông lão mặc áo thụng xanh, dắt một đồng tử vui vẻ giao cho bà mẹ ông. Từ đó, phu nhân của Tiến Quang vương có thai. Đến giờ Dần, ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), bà sinh một bé trai kháu khỉnh và đặt tên là Thập. Ngay từ khi mới sinh, trên trán Trịnh Thập có một cái nốt trông như cái sừng, rất lạ. Năm Trịnh Thập lên 7 tuổi, được Trịnh vương nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành. Ngài có dung nhan tươi đẹp, sức vóc khỏe mạnh, lại có khí độ đường hoàng. Các môn: độc giảng, kinh sách, thi thư,… ngài đều thông thạo.

Vua Lê Hy Tông nghe tiếng ông, bèn gả công chúa thứ tư cho. Nhưng Trịnh Thập mặc dù ở nơi vinh hoa phú quý mà trong lòng đã chôn vùi cõi tục. Chuyện công danh đối với ngài tựa hồ như đám phù vân. Các đồ châu ngọc, gấm vóc lụa là cũng chỉ coi như gạch ngói mà thôi. Ngài chỉ một lòng nghĩ đến cuộc sống bố y áo vải, nên quyết tìm nơi xa vắng để tu hành. Khi đó, Trịnh Thập tuy chưa xuất gia mà vẫn ở phường Yên Xá, sáng lập chùa Hộ Quốc và đúc tượng Nguyễn Minh Không.

Năm Bính Ngọ (1726), ngài xuất gia và lên núi Yên Tử, vào chùa Long Động dâng lễ Hòa thượng Chính Giác và Hòa thượng Chân Nguyên thuộc thiền phái Trúc Lâm để được độ. Hai vị Hòa thượng đã giảng giải cho ngài những điều sâu sắc trong Phật pháp để làm bảo khí. Giờ Canh Tý, ngày 10 tháng 3 năm ấy, Trịnh Thập được độ làm tiểu và được đặt pháp danh là Như Như. Như Như bái biệt các sư phụ và trở về kinh thành, định rằng sẽ bắt đầu xuống tóc đi tu. Chúa thượng không bằng lòng. Trịnh Thập cố từ tạ, từ bỏ áo mũ, quyết cắt tóc tu hành. Chúa thượng rất bực nhưng Trịnh Thập vẫn không đổi ý. Ngài nói: “Kẻ nam nhi sinh ra và lớn lên có chí lớn phải quyết thực hiện bằng được, đâu dám không quên thân. Cho nên việc sinh tử cũng chỉ dừng lại trong bốn điều mà thôi”.

Trịnh Thập về bản cung. Ngài bắt đầu quy y và làm lễ cúng dàng. Ngài lại dựng chùa ở bản cung. Lúc đó, có một đóa hoa sen hóa sinh ứng vào lòng Phật như trong điềm báo trước đây. Vì vậy, chùa có tên là chùa Liên Tôn (nay là chùa Liên Phái-TG). Ngài lại xây một tòa đặt tên là Ly Trần viện.

Lúc đầu mới xuất gia, ngài thực hành thập giới, thường làm những điều từ bi, không làm điều ác, lại giảng giải về ngũ giới cho những người tại gia để làm sáng tỏ những điều nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.

Mùa Hạ năm Mậu Thân (1728), ngài phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì. Đến khi xét thấy đã đến kỳ hóa độ, công quả đã viên mãn, ngài bèn đến chùa Vạn Phúc (thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh- TG). Ngài được vị sư tổ ở đó là Gia Sa Pháp Tính cho kết cỏ làm am trụ trì ở đó.

Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), ngài tọa thiền, mặt hướng về phía Tây đoan nhiên mà hóa. Người trong môn phái tâu lên chúa thượng. Chúa thượng cho rước di hài Trịnh Hòa thượng về kinh sư. Thái phi phát tâm cho từ mẫu Hòa thượng và người trong môn phái để dựng tháp để đặt xá lỵ ở chùa Liên Tôn và chùa Hàm Long và cho ghi chép hành trạng Hòa thượng Trịnh Thập vào sử sách. Cũng năm đó, chúa thượng ban sắc phong phong cho Hòa thượng là “Cao Thiền Viên Giác Hòa thượng””[3].

Niên hiệu Long Đức là niên hiệu của vua Lê Thuần Tông. Bách khoa toàn thư mở cho biết: “Lê Thuần Tông (chữ Hán: 黎純宗 16 tháng 3 năm 1699 – 5 tháng 6 năm 1735) là vị Hoàng đế thứ 13 của triều Lê Trung hưng nước Đại Việt, đồng thời là Hoàng đế thứ 24 của nhà Hậu Lê (...) Thuần Tông ngôi khá ngắn ngủi chỉ được 4 năm, thọ 37 tuổi, mất tháng 4 năm 1735 và sau khi băng được quần thần dâng tôn thụy hiệu là Thuần Tông Giản Hoàng đế”[4].

Năm Tổ Như Trừng Lân Giác viên tịch qua mấy tài liệu vừa dẫn đã có khác biệt, cách nhau một năm (niện hiệu Long Đức nguyên niên - 1732 và niên hiệu Long Đức thứ 2 - 1733). Vậy nên xác định thống nhất ngày viên tịch của Tổ Như Trừng Lân Giác là ngày nào?. Trả lời câu hỏi này, quả thật không dễ dẫu Văn bia “Cứu sinh Trịnh tổ lục bi” hiện có trong khuôn viên chùa Hàm Long do đệ tử của Tổ Như Trừng Lân Giác soạn, có nhiều thông tin cụ thể hơn, như ngày viên tịch của Ngài Như Trừng Lân Giác cụ thể hơn nhiều tư liệu khác: “Ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732), ngài tọa thiền, mặt hướng về phía Tây đoan nhiên mà hóa”. Thế nhưng, Bách khoa toàn thư mở cho biết Lê Thuần Tông trị vì từ “tháng 8 năm 1732 – ngày 5 tháng 6 năm 1735”[5]. Như vậy, ngày 15 tháng 2 năm 1732, không thể là niên hiệu Long Đức mà là niên hiệu Vĩnh Khánh đời vua Lê Duy Phường (1709-1735), và năm Nhâm Tý là năm 1733; năm 1732 là năm Tân Hợi.

Văn bia Cứu sinh Trịnh tổ lục bi còn cho biết cụ thể ngày giờ chàng trai Trịnh Thập xuất gia: “Giờ Canh Tý, ngày 10 tháng 3 năm ấy (1726), Trịnh Thập được độ làm tiểu và được đặt pháp danh là Như Như”, nghĩa là Tổ Như Trừng Lân Giác xuất gia lúc 30 tuổi (tính theo âm lịch là 31 tuổi).

Nhưng bài viết về Thiền sư Như Trừng Lân Giác trên trang mạng chonthieng.com lại cho biết: “Năm 1715, khi vừa tròn 20 tuổi, Trịnh Thập đã dâng sớ xin với chúa Trịnh Cương được phép xuất gia đầu Phật”[6], nhưng không nói được chúa Trịnh Cương cho phép hay không và cũng không nói rõ thời gian xuất gia, chỉ viết như truyền thuyết dân gian mà các tài liệu đã công bố: “Một hôm, Sư sai quân gia đào gò đất ấy xuống tận dưới sâu để làm ao thả cá vàng. Quân gia chợt thấy một cọng sen lớn, đến trình với Sư. Sư cho đó là điềm đi xuất gia. Nhân điềm cọng sen này, Sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông, viện tên Ly Cấu. Từ đây, Sư quyết chí tham thiền”[7].

Do đó, tôi nghĩ sơn môn Liên Phái cần xác định thời gian xuất gia, nhất là ngày Tổ Như Trừng Lân Giác viên tịch một cách nhất quán hơn.

3. Tùy duyên hóa độ chúng sinh

Các tài liệu công bố hành trạng của Tổ Như Trừng Lân Giác, cơ bản thống nhất Ngài là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên thuộc thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái Trúc Lâm là một dòng thiền tông Việt Nam hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ). Thiền phái này được xem là tiếp nối nhưng là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi cùng với sự pha trộn ảnh hưởng của Tông Lâm Tế. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối”[8].

Vì thế, chúng ta chẳng lấy làm lạ Tổ Như Trừng Lân Giác “đã viết ra bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang.

Lân Giác thượng sư ngoài xây dựng chùa Liên Phái, ngài còn cho khởi công xây dựng chùa Hàm Long tại Bắc Ninh. Ngày nay, chùa Liên Phái là chùa chính chuyên để giải trùng tang và bốc bát hương thờ gia tiên. Còn chùa Hàm Long là nơi chuyên để nhốt trùng tại tỉnh Bắc Ninh.

Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc dân chúng đến xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Thường người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt. Chùa Liên Phái và chùa Hàm Long có một mối quan hệ mật thiết bởi đều do sư tổ Hòa Thượng Trịnh Thập (Như Trừng Lân Giác) phát tâm xây dựng”[9].

Sở dĩ, chúng tôi nói chẳng lấy làm lạ, vì “Theo Thiền Uyển Tập Anh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì tại chùa Pháp Vân. Kinh Tổng Trì là một kinh về Mật Giáo. Sự có mặt của yếu tố Mật Giáo trong thiền phái Tỷ Ni Đa Lưu Chi là một trong những đặc điểm của thiền phái này”[10].

Cũng theo Nguyễn Lang, “Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát nhã, đồng thời bắt nguồn từ những tín ngưỡng nhân gian Ấn Độ. Về phương diện sau này, Mật Giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật Giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn”[11].

Ngày ấy, Mật tông truyền vào Việt Nam không chỉ có các thiền sư Ấn Độ, Chiêm Thành mà còn có thiền sư người Việt du học ở Ấn Độ về, thậm chí Mật tông Tây Tạng cũng vào cung đình Việt Nam. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Tân Hợi, [Hưng Long] năm thứ 19 [1311] (…) Nhận con gái của nhà sư người Hồ là Du Chi Bà Lam vào cung.

Sư đã sang ta vào thời Nhân Tông, vẻ người già nua, tự nói là 300 tuổi, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép kẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi. Sư chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau dưa, ở mấy năm thì về nước, đến nay lại sang ta. Vua lấy con gái sư là Đa La Thanh vào cung. Nhà sư sau mất ở Kinh sư.

(Đời Minh Tông có sư người Hồ là Bồ Đề Thất Lý sang ta, cũng có thể nổi trên mặt nước, nhưng nằm ngửa mà nổi, không giống như nhà sư Du Chi)”[12].

Việc Tổ Như Trừng Lân Giác “đã viết ra bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang”, đến hôm nay vẫn tồn tại không có gì sai, vì đường lối tu hành của Mật giáo là như thế.

Một trong những công tác hàng đầu của tu sĩ Phật giáo là đem lời dạy của Phật và sự tu học của mình để truyền đạt cho mọi người cùng tham khảo tu học theo. Nhưng để đạt được mục tiêu giáo dục này, đòi hỏi người truyền bá phải biết vận dụng nhuần nhuyễn hợp lý, hợp tình, biết được căn cơ của mọi người. Thiếu đi yếu tố quyết định này, sự hoằng pháp có thể dẫn đến thất bại. Những việc làm này, nhà Phật gọi là tùy duyên hóa độ.

Ngày nay, chùa Liên Phái (Hà Nội) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh) khá nổi tiếng về việc giải trùng, nhốt trùng, nhưng không giống với thầy pháp của Đạo giáo phù thủy, mà từng bước hóa độ chúng sinh.

HT.Thích Gia Quang, trụ trì chùa Liên Phái, có trao đổi với phóng viên Gia Hà, Báo Pháp Luật Việt Nam về việc này, góp phần giúp chúng ta hiểu thêm về quan điểm chính thống của nhà Phật. Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết: “Tại gia, khi có người thân qua đời chúng ta cũng không cần phải giở lịch ra xem coi “người ra đi” tốt hay xấu, chỉ lo niệm Phật trợ duyên cho người thân, nên chẳng có gì phải lo nghĩ phiền muộn, sợ sệt.

Ông mất, chú qua đời, chị họ chết, đó là hiện tượng tử sinh, thân người là vô thường, khổ không và vô ngã, người qua đời như người thay áo cũ mặc vào áo mới, tiếp tục một hành trình khác và đi trong vô tận của cuộc đời, chẳng có gì phải nao núng, làm cho bàn dân thiên hạ động lòng trắc ẩn, nói ra, nói vào rốt rồi cũng bàn đến chuyện có hay không bị “trùng tang”, thật là khổ đau khi gia đình có người thân qua đời? Áp đặt việc “trùng tang liên táng”, được xem như là một “bản án” vô tình kết tội người mới qua đời!

Trùng tang liên táng là một hiện tượng ngẫu nhiên trong cuộc sống, có sống có chết của con người. Nói cho đầy đủ là: “Trùng nhựt, trùng thời, trùng tang, liên táng” thuộc tín ngưỡng dân gian có từ xưa, nhất là ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ít có tài liệu lưu bản.

Theo nhà Phật là hiện tượng thì không có thật, vì không có thật nên Phật tử không phải lo âu. Xưa nay không có nhiều tư liệu viết về hiện tương này, nhưng trong dân gian vẫn truyền miệng với nhau những trường hợp chết phạm vào “trùng tang liên táng” hết sức đau thương, thậm chí có nhà người đông đúc, thế mà chỉ vài ba năm phải chịu cảnh tuyệt tự?

Trùng nhựt, trùng thời là người cùng huyết thống qua đời bất kỳ năm tháng nào, nhưng đến ngày người trực hệ trước qua đời thì có người trực hệ khác tiếp tục qua đời cùng thời gian đó.

Trùng tang có nghĩa là người thân trong họ tộc trực hệ, có cùng huyết thống qua đời, gia đình đang thọ tang 03 năm (thực chất có 24 tháng), trong thời gian còn tang chế lại có người trực hệ cùng huyết thống kế tiếp qua đời, gia đình tiếp tục thọ tang…

Liên táng là gia đình có người thân qua đời vừa chôn cất xong, lại tiếp tục có người qua đời… và như thế! Những cái chết xảy ra liên tục, làm cho gia đình hoảng hốt đi coi Thầy, Thầy nói có thần trùng lai vãng trong nhà?”[13].

Có một số sự thật trong cuộc sống trùng hợp như thế và dân gian đã ghi tâm như thế, nhưng Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: “Theo Phật giáo thì con người sau khi qua đời, thân ngũ uẩn đều được trả về với đất nước lửa gió, thức đại, không đại, không có gì tồn tại trong thế gian, mà chỉ còn lại nghiệp thức, khi sanh tiền tạo nhân nào, lâm chung tái sanh vào thế giới đó.

Do vậy theo Phật giáo thì không kiêng cử ngày giờ, nếu người thân qua đời là người tu hay Phật tử thì chỉ lo tang chay, thỉnh chư Tăng tụng kinh niệm Phật, hoặc gia đình tự tụng kinh niệm Phật thật nhiều và có tâm quyết, làm phước, phóng sanh, bố thí giúp cho hương linh người thân nghe kinh mau siêu thoát, siêu thoát thì không còn bị nhân quả xấu, trả vay vay trả trong 6 nẻo luân hồi sinh tử nữa, làm gì có những hiện tượng xấu đến với người còn sinh tiền"[14].

Thích Gia Quang nhắc nhở: “Làm Phật tử quy y Tam Bảo, nhất nhất tin tưởng Phật pháp, tin Thầy Tổ hướng dẫn đạo, không tin vào những học phái không phải của Phật. Chúng ta có quyền nghiên cứu sâu, học hỏi các tín ngưỡng dân gian khác, nhưng không nghe theo, sẽ làm rối rắm thêm cho gia đình và tâm tư Phật tử”[15].

Nhìn chung, bộ kinh Thập nguyện cứu sinh cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang của Tổ Như Trừng Lân Giác đã đi vào đời sống quần chúng gần 300 năm qua, đến nay sơn môn Liên Phái vẫn tiếp tục tùy duyên hóa độ những mong người người thân tâm an lạc. Cuộc đời của Tổ Như Trừng Lân Giác tồn tại nơi cõi Ta bà này không dài (37 năm), bước đường hoằng pháp của Ngài cũng quá ngắn, thế nhưng đạo nghiệp của Ngài càng lúc càng làm sáng tỏ lời Phật dạy: “Pháp thí thắng mọi thí/ Pháp vị thắng mọi vị/ Pháp hỉ thắng mọi hỉ/ Ái diệt, thắng mọi khổ” (Kinh Pháp Cú số 354).

HT.TS.Thích Đồng Bổn Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi – Tp.HCM ***

Chú thích: [1] https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696--1733-doi-phap-thu-37-tong-lam-te [2] https://www.rongmotamhon.net/daouyen/Data/PH_N/N118.htm [3] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 [4] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Thuần_Tông [5] https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Thuần_Tông [6] https://chonthieng.com/nhan-vat/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696-1733/ [7] https://chonthieng.com/nhan-vat/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696-1733/ [8] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm [9] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noingày 24/5/2019. [10] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,3, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr125. [11] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr125-126. [12] Hoàng Văn Lâu Dịch và chú thích (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr103. [13] https://baophapluat.vn/quan-diem-phat-giao-ve-trung-tang-lien-tang-va-cach-hoa-giai-post361167.html [14] Quan điểm Phật giáo về “trùng tang liên táng” và cách hóa giải, đd. [15] Quan điểm Phật giáo về “trùng tang liên táng” và cách hóa giải, đd. Tài liệu tham khảo chính: 1. https://baophapluat.vn/quan-diem-phat-giao-ve-trung-tang-lien-tang-va-cach 2. Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích(2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 3. https://chonthieng.com/nhan-vat/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696-1733/ 4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Lê_Thuần_Tông 5. https://www.rongmotamhon.net/daouyen/Data/PH_N/N118.htm 6. https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/thien-su-nhu 7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm 8. Nguyễn Quang Khải (2011), "Tìm hiểu Hòa thượng Trịnh Thập qua một số tư liệu ở chùa Hàm Long", Thông báo Hán Nôm học, Hà Nội. 9. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, 2, 3, Nxb. Văn học, Hà Nội 10. https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang