Ngôi già lam Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự (金剛山金乗院平間寺), thuộc Đại Bản San Chân Ngôn Tông Trí San phái (真言宗智山派の大本山), tọa lạc 4-48 Daisahi-cho, Khu Kawasaki-ku, thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa (dân số đông thứ 2 tại Nhật Bản, sau Tokyo).

Ngôi già lam Kim Cương sơn Thừa viện Bình Gian tự được kiến tạo vào thời Đại Trị tam niên (1128), do Đại sư Kawasaki (川崎大師) Khai sơn. 

Pháp sư Fujita Takashino (藤田隆乗), thụ phong Phương trượng Trụ trì Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự vào ngày 10/10/2006, tiếp nối Chân Ngôn tông đời thứ 45.

Năm 1813 niên hiệu Văn Hóa thứ 10, Đại tướng Đức Xuyên Gia Tề (徳川家斉), Đức Xuyên Mạc Phủ đời thứ 11 thường niên đến chiêm bái vào đầu Xuân.

Tuyến chính Keikyu (京急本線, Keikyū-honsen) là một tuyến đường sắt ở Nhật Bản, do công ty đường sắt tư nhân Keikyu điều hành, được khai trương với mục đích vận chuyển những người hành hương ngôi già lam cổ tự này.

Trong thời hiện đại, ngôi già lam Kim Cương sơn Thừa viện Bình Gian tự là nơi xuất phát các hoạt động du khách thập phương hành hương chiêm bái danh thắng Phật giáo vào dịp năm mới.

Nhờ các chương trình khuyến mãi của các công ty đường sắt, báo chí, phát thanh truyền hình và các phương tiện truyền thông khác, việc tham quan du lịch tâm linh, đến các cơ sở tự viện Phật giáo bằng tàu hỏa trong những ngày đầu xuân đã trở thành truyền thống ở Nhật Bản.

Thường niên vào những ngày đầu xuân Tân niên, nườm nượp khách du xuân đến tại ngôi già lam Kim Cương sơn Thừa viện Bình Gian tự để cầu phúc cát tường, cầu tài lộc bình an thịnh vượng.

Hàng năm, lượng du khách hành hương chiêm bái, đứng thứ 3 tại Nhật Bản sau Đền Meiji (明治神宮, Meiji Jingū) là một đền thờ Thần đạo ở Shibuya, Tokyo và Chùa Naritasan Shinshoji (成田山新勝寺), tọa lạc tại thành phố Narita tỉnh Chiba.

Ngôi già lam Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự nổi tiếng linh thiêng, mang lại điềm lành đến với du khách như “Thượng lộ Bình an”, “Thi cử đạt thành” . . . Là một trong 3 ngôi già lam cổ tự, thuộc Chân Ngôn tông Trí Sơn phái, đứng hàng thứ ba ở Nhật Bản, có đến khoảng ba triệu lượt du khách thập phương hành hương chiêm bái mỗi năm.

Đôi nét về các công trình của ngôi Ngôi già lam Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự

Đại Bản đường (大本堂)

Vào thời chiến tranh loạn lạc 1945, binh lửa hỏa thiêu Đại Bản đường vào tháng Tư. Tháng 05 năm 1958 được tái tạo lại.

Tháng 05 năm 1964 tổ chức An vị các tôn tượng, Ngài Bản Tôn Ách Từ Hoằng Pháp Đại sư (本尊厄除弘法大師), Bronc Daishi (稚児大師), Cứu Thế Quán Âm (救世觀音), Bất Động Minh Vương (不動明王), Ái Nhiễm Minh Vương (愛染明王), phụng an Kim Cương Giới Mạn Đà la (金剛界曼荼羅), Thai Tạng Giới Mạn Đà la (胎蔵界曼荼羅). . .

Đại Sơn môn (大山門)

Năm 1977, niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 52, tháng 11 Khánh thành Đại Sơn môn nhân dịp Kỷ niệm 850 chu niên ngày Khai sáng ngôi già lam Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự. Trên cổng An vị tôn tượng Dược Sư Như lai (薬師如來) Tứ Thiên vương (四天王).

Bất Động đường (不動堂)

Bất Động đường kiến tạo năm 1890, niên hiệu Minh Trị thứ 23. Bất Động đường  hiện tại được tái kiến vào năm 1964, niên hiệu Chiêu Hòa thứ 39. An vị tôn trí Ngài Bản tôn Bất Động Minh vương (本尊不動明王), Bản tôn Thành Điền sơn Tân Thắng Tự (本尊成田山新勝寺), Quan Đông Tam thập lục Bất Động Linh Tràng Đệ thất phiên (関東三十六不動霊場第七番), Vũ Tướng Bất Động Linh Tràng Đệ nhất phiên Trát sở (武相不動霊場第一番札所).

Bất Động môn (不動門)

Sau chiến tranh, Hoà thượng Thế Long Siêu (世隆超和尚), trụ trì Bình Gian tự, tiếp nối Chân Ngôn tông đời thứ 43 đã kiến lập và di thiết Bất Động môn.

Dược Sư điện (薬師殿)

Dược Sự điện (đáp ứng nhiều tín ngưỡng nhân gian, trong đó nơi cầu đảo xe An toàn giao thông), được tái tạo vào tháng 12 năm 1963, niên hiệu Chiêu Hòa thứ 38.

Trung Hưng Tháp - Bát Giác Ngũ Trùng Tháp (中興塔-八角五重塔)

Ngôi Trung Hưng Tháp được hoàn thành, và lễ lạc thành  vào tháng 03 năm 1984, niên hiệu Chiêu Hòa thứ 59, để kỷ niệm 1150 năm, ngày Viên tịch của Ngài Bản Tôn Ách Từ Hoằng Pháp Đại sư (本尊厄除弘法大師). Ngôi Trung Hưng Tháp xây hình bát giác và năm tầng. Trong Tháp được An vị các tôn tượng Thích Ca Như Lai (釋迦如来), Kim Cương Giới Ngũ Trí Như Lai (金剛界五智如来), Hoà thượng Trung Quả (恵果和尚), Bản Tôn Ách Từ Hoằng Pháp Đại sư (本尊厄除弘法大師), Hưng Giáo Đại sư (興教大師), Lưỡng Giới Mạn Đà La (兩界曼荼羅), Chân Ngôn Bát Tổ (真言八祖).

Kinh Tạng (經藏)

Năm 2004, niên hiệu Bình Thành thứ 16, ngày 01/05 khánh thành. Tôn trí bộ “Càn Long Bản Đại Tạng Kinh; 乾隆版大藏經”, gồm 7.240 tập, phiên mộc bản cuối cùng của thời Trung Hoa Đại Thanh quốc.

Các sự kiện

Thường niên, ngôi già lam Kim Cương san Thừa viện Bình Gian tự tổ chức nhiều sự kiện khác nhau. Trong số đó, nổi bật là Lễ ném đậu Mamemakishiki với hoạt động ném đậu nành rang từ sân khấu, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, xua đuổi vận rủi và ma quỷ.

Ngoài ra, Chợ chuông gió Furin-Ichi được tổ chức vào tháng 7 với nhiều loại chuông gió khác nhau từ khắp nơi trên Nhật Bản, nhằm báo hiệu mùa hè, cũng là một sự kiện thu hút của chùa.

Đây là một trong những ngôi già lam cổ tự nổi tiếng của Nhật Bản. Ngôi chùa được biết đến là nơi giúp xua đuổi ác quỷ (Yakuyoke Daishi). Hằng ngày, các thầy tu sẽ tổ chức buổi lễ cầu nguyện (Gomakito) cầu mong cho ước muốn của các tín đồ được an lạc, hạnh phúc.

Tác giả: Thích Vân Phong