Trang chủ Trao đổi – Nghiên cứu Nhân quyền trong Phật giáo-giá trị và tính đặc thù

Nhân quyền trong Phật giáo-giá trị và tính đặc thù

Nhân quyền gắn liền với những phẩm giá vốn có của con người, nhưng phẩm giá chân thật này, theo Phật giáo, chính là tính giác ngộ (Phật tính, hòn minh châu) ở trong mỗi con người mà mọi người không hay biết.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Nhân quyền gắn liền với những phẩm giá vốn có của con người, nhưng phẩm giá chân thật này, theo Phật giáo, chính là tính giác ngộ (Phật tính, hòn minh châu) ở trong mỗi con người mà mọi người không hay biết.

Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

Tóm tắt: Trong Phật giáo có thể không có từ nhân quyền, nhưng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng, …đều luôn hiện hữu. Phật giáo thừa nhận quyền được sống mà không một ai có thể huỷ hoại nó, bởi lẽ được làm người là cực kỳ khó. Phật còn đi xa hơn, không chỉ thừa nhận quyền được sống, mà còn đặt ra vấn đề sống như thế nào để được hạnh phúc an lạc mãi mãi, hoặc chí ít sau này lại được làm người. Phật giáo thừa nhận quyền trí tuệ khi mỗi người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, chính mình phải tự làm chủ lấy mình, phải chịu mọi trách nhiệm cho hành động, hành vi, suy nghĩ của chính mình.

Không chỉ thừa nhận nhân quyền, Phật giáo còn đưa ra những giải pháp để con người trở lại với chính mình, không bị tha hóa đánh mất mình, không chạy theo những cái ảo ảnh, phù du, phù phiếm, tạm bợ bên ngoài. Khi giác ngộ, con người hoàn toàn tự do, tự tại; bình thản, an vui, hạnh phúc viên mãn. Đó cũng chính là tính đặc thù của nhân quyền trong Phật giáo.

Từ khoá: Nhân quyền, Phật giáo, Giá trị, Đặc thù

Nhân quyền (hay quyền con người; human rights) là những quyền tự nhiên của con người mà không một ai và không một chính thể nào có thể tước bỏ. Nhân quyền gắn liền với những phẩm giá vốn có của con người, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của mỗi quốc gia; đó là quyền được sống, quyền tự do (như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tín ngưỡng, …), quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng, …. Các quyền này tồn tại không phụ thuộc vào chính phủ, do đó chúng không thể bị luật pháp bãi bỏ cũng như không phụ thuộc vào ý muốn nhất thời của một nguyên thủ nào đó.

Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trích trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:” Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Phật giáo ra đời từ thế kỷ VII tr.CN, trong Phật giáo có thể không có từ nhân quyền, nhưng các quyền tự nhiên của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng, …đều luôn hiện hữu. Quyền được sống thậm chí không chỉ có ở con người, mà còn có ở tất cả chúng sinh, đó cũng là tính đặc thù của nhân quyền trong Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Nhan quyen trong Phat giao Gia tri va tinh dac thu 1

1. QUYỀN ĐƯỢC SỐNG

Phật giáo thừa nhận quyền được sống mà không một ai có thể huỷ hoại nó, bởi lẽ được làm người là cực kỳ khó. Phật thường dạy:” Nhân thân nan đắc”. Trần Thái Tông nói:” Nhất thất nhân thân vạn kiếp bất phục”. Trong Kinh số 406 Tạp A Hàm, đức Phật có nói rằng ví như đất liền đều biến thành biển lớn, có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp; trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi Đông Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không? Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Được làm người khó như vậy, nên Phật giáo luôn tôn trọng sự sống của muôn loài, đặc biệt là con người. Từ đó Phật chủ trương không sát sinh, cấm sát sinh, khuyến khích ăn chay. Phật còn đi xa hơn, không chỉ thừa nhận quyền được sống, mà còn đặt ra vấn đề sống như thế nào để được hạnh phúc an lạc mãi mãi, hoặc chí ít sau này lại được làm người, bởi vì chết chưa phải là hết, chưa phải là chấm dứt mọi cái; cũng giống như anh nợ cuộc đời 10 đồng, anh mới trả được 2 đồng rồi chết thì anh lại phải quay lại trả nốt. Luật của tạo hoá, của tự nhiên rất công bằng. Để trả lời câu hỏi này, Phật chủ trương sống thiện, từ bi, trí tuệ, bằng cách thực hiện Tứ Thánh đế mà Người đã nêu ra.

Từ sự chứng ngộ của bản thân cùng những hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, Đức Phật cho cuộc đời là dukkha, từ đó Người xây dựng lên học thuyết của mình. Dukkha nghĩa là bứt dứt, khó chịu, thất vọng, bực dọc, căng thẳng, lo âu, phật lòng, đau đớn, tuyệt vọng, buồn khổ, khổ sở, bất an, không hài lòng, không hạnh phúc. Ở Việt Nam, dukkha thường được dịch là khổ. Theo tôi, đó là một tiên đề, một lát cắt mà Phật giáo nhìn thẳng vào cuộc đời, không ru ngủ, không né tránh. Còn nếu có người nào đó không tán thành, cho rằng cuộc đời là sướng, từ đó tạo nên học thuyết mới. Không sao, tự do tư tưởng mà. Những chỉ sợ học thuyết của người đó vừa khai sinh thì cũng báo tử.

Khổ có nhiều loại, nhưng trong Phật giáo, phổ biến hơn cả là bát khổ (8 loại khổ): sinh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tăng hội, ngũ thụ uẩn. Ngoài ra khổ còn do thay đổi (vô thường), không hoàn thiện; khổ như một trạng thái bị qui định. Khổ vừa có khía cạnh bi quan, yếm thế, tiêu cực lại vừa có ý nghĩa tích cực, vừa có ý nghĩa lại vừa có giá trị của nó. Ý nghĩa của nó ở chỗ làm cho người ta cố gắng vươn lên, sống tốt, sống thiện hơn để sau này đỡ gặp lại. Giá trị của nó ở chỗ là nơi thử thách con người, trong khổ đau mới thấy rõ phẩm giá; thấy rõ sự vươn lên hay gục ngã trước cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà các vị Bồ tát đều phải trải qua những kiếp người (kiếp người vô cùng quí giá) để thử thách.

Từ đó, đức Phật đi tìm hiểu, lý giải nguyên nhân của khổ, của dukkha. Theo Ngài, sở dĩ con người khổ là do dục vọng (lòng ham muốn mãnh liệt theo nghĩa tiêu cực). Dục vọng thể hiện rõ nhất ở tham, sân, si (vô minh). Ba cái này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Từ tham không được thoả mãn (giả sử có được thoả mãn lại dẫn đến cái tham lớn hơn) dẫn đến sân (giận dữ, bực tức, bực bội, hận thù, …), từ sân dẫn đến si, làm mê mờ tâm tính con người. Giận quá mất khôn. Nguyên nhân của khổ trong Phật giáo còn được lý giải bằng thuyết Thập nhị nhân duyên (Vô minh, hành (Nhân quá khứ), thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ (quả hiện tại), ái, thủ, hữu (nhân hiện tại), sinh, lão, tử (quả vị lai)).

Tìm được nguyên nhân gây ra khổ thì muốn thoát khổ, thoát khỏi dukkha thì phải diệt trừ được nguyên nhân gây ra khổ, nguyên nhân của dukkha và đạt đến Nirvana, khi đó mọi đau khổ, mặc cảm, ám ảnh, lo âu, buồn phiền đều tan biến.

Từ đó, đức Phật đưa ra con đường cụ thể để thoát khổ, đi đến Nirvana. Trong Phật giáo có nhiều con đường đến Niết bàn, tuỳ căn cơ của từng người, nhưng con đường phổ biến hơn cả là Bát chính đạo gồm: 1) Chính kiến (thấy, biết chân chính); 2) Chính tư duy (suy nghĩa đúng đắn, chân chính); 3) Chính ngữ (nói năng chân chính: không nói dối, nói ly gián, ác độc); 4) Chính nghiệp (hành động chân chính: không: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, rượu chè.); 5) Chính mệnh: sinh sống bằng nghề chân chính; 6) Chính tinh tấn: cố gắng, siêng năng; 7) Chính niệm: nghĩ, nhớ chân chính; 8) Chính định: tập trung tư tưởng đúng đắn.

Chính kiến, chính tư duy là tuệ. Chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tấn là giới. Chính niệm, chính định là định. Giới, định, tuệ liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau và tạo nên tam học trong Phật giáo. Cụ thể, muốn có trí tuệ Bát Nhã thì phải định tâm (thiền định).

Muốn có thiền định một cách có hiệu quả thì phải giữ giới, bởi lẽ người ta không thể tập trung tư tưởng được khi trái tim và khối óc của họ tràn đầy tham lam, sân hận, si mê, như ngọn núi lửa bốc lên ngùn ngụt. Đó chính là tam học của đức Phật. Ba cái này liên hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau.

Sống theo lời Phật dạy sẽ hết đau khổ, sống một cuộc đời an vui, lành mạnh, hạnh phúc tràn đầy. Phật không chỉ tôn trọng sự sống, mà còn hướng dẫn con người nên sống như thế nào cho có ý nghĩa, sống thế nào cho hạnh phúc thật sự.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Nhan quyen trong Phat giao Gia tri va tinh dac thu 2

2. QUYỀN TỰ DO

Phật giáo thừa nhận quyền tự do, tu hay không tu, không ai bắt buộc. Khi tu, phương châm của nhà Phật là mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, không ai thắp hộ cho mình, không ai thắp thay cho mình, không ai cai quản mình mà chính mình phải tự làm chủ lấy mình, phải chịu mọi trách nhiệm về mọi hành động, hành vi, suy nghĩa của chính mình. Đức Phật dạy: “Không nên chấp nhận bất cứ điều gì chỉ là niềm tin bởi vì nó sẽ tạo ra cho chúng ta khó khăn trong việc tìm hiểu sự thật”. Niềm tin có thể khiến bạn trở thành một tín đồ mù quáng. Niềm tin trong Phật giáo là niềm tin dựa trên trí tuệ. Đức Phật không nói rằng Phật giáo là tôn giáo chân thật duy nhất còn những tôn giáo khác là sai lầm. Ngài dạy: “Hãy chấp nhận chân lý bất cứ khi nào chân lý ấy có giá trị”. Tinh thần tự do trong Phật giáo khác với tinh thần tự do của thế gian; tự do của thế gian là ta đòi tự do ở bên ngoài xã hội, tự do với những người khác; còn tự do trong Phật giáo là tự do nơi chính mình, tự do của nội tâm, chớ không phải tự do ở ngoại cảnh. Đó cũng là tính đặc thù của tự do trong Phật giáo.

Phật không can thiệp vào cuộc đời của ai, đó cũng chính là bổn phận của người hướng đạo chân thật, ngay thẳng. Đạo Phật không bao giờ áp đặt điều gì cho bất cứ một ai. Đức Phật chỉ vạch ra, chỉ bày cách thức, phương hướng, con đường, còn tùy chúng sanh tự chọn lựa lấy. Lựa chọn không khéo, chọn cái xấu thì cam tâm chịu, chớ đừng có than thân trách phận, trách Phật, trách Trời, trách số mạng chi hết. Từ hiện tượng phổ biến trong cuộc sống, đức Phật cho cuộc đời là khổ (dukkha), từ đó Người xây dựng lên học thuyết của mình. Còn nếu có người nào đó không tán thành, cho rằng cuộc đời là sướng, từ đó tạo nên học thuyết mới. Không sao, tự do tư tưởng mà. Những chỉ sợ học thuyết của người đó vừa khai sinh thì cũng báo tử. Nhân tiện đây xin lưu ý rằng học thuyết của đức Phật chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng, như con thuyền đưa lữ khách qua sông mê biển khổ; tức học không phải để học, thuyết không phải để thuyết; học và thuyết, quan trọng nhất là thực hành để tự mình cứu khổ cho chính mình.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2024 Nhan quyen trong Phat giao Gia tri va tinh dac thu 3

3. QUYỀN BÌNH ĐẲNG

Phật giáo là tôn giáo đề cao quyền bình đẳng. Một trong những tiền đề khiến cho Phật giáo xuất hiện là đức Phật đã nhìn ra sự bất bình đẳng, chế độ đẳng cấp vô cùng khắt khe của xã hội Ấn Độ thế kỷ VII-VI tr.CN. Khi đó xã hội Ấn Độ được phân làm 4 đẳng cấp: Balamon (Tu sĩ), Kshatrya (Vua chúa, võ tướng), Vainshya (thương nhân), Shudra (Những người lao động bình thường, nô lệ). Ngoài ra, còn có những người Paria không được coi là người, không được xếp vào đẳng cấp(1). Sự phân chia đẳng cấp, theo luật Manou, là vô cùng khắt khe. Chẳng hạn, người ở đẳng cấp này không được lấy vợ hay chồng ở đẳng cấp khác.

Đức Phật đã đả phá những quan niệm sai lầm của đẳng cấp Bà la môn và dương cao ngọn cờ tự do bình đẳng thông qua tuyên bố “Không có giai cấp trong cùng dòng máu đỏ, không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn”, “tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”, “tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tính”, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật đang thành”; … Con người, ai cũng như ai, đều được cấu tạo như nhau bởi danh và sắc, từ vua chúa cho đến thứ dân, đều được cấu thành từ 5 yếu tố, bao gồm: sắc (vật chất bao gồm tứ đại: địa (đất) chỉ xương, thịt; thủy (nước) chỉ máu, nước, chất lỏng; hỏa (lửa) chỉ nhiệt, khí nóng; phong (gió), chỉ hô hấp, hơi thở), thụ (những cái chỉ cảm tính, tình cảm, biết do cảm mà biết, tình), tưởng (biểu tượng, tưởng tượng, tri giác, ký ức, trí), hành (ý chí, những yếu tố khiến cho tâm hoạt động, ý), thức (ý thức, cái biết phân biệt). Sống chết chỉ là sự hợp tan của các yếu tố. Khi ngũ uẩn tụ lại thì con người hình thành, khi ngũ uẩn tan ra thì con người trở về cát bụi. Có sinh thì có tử, không một ai có thể trốn tránh được luật sinh tử. Con người là sự kết hợp động của những yếu tố động nên là vô ngã.

Mọi người đều bình đẳng, thậm chí đức Phật còn độ cho Sunita, người gánh phân mà mọi người đều xa lánh vì hôi thối, được vào hàng ngũ xuất gia. Ngài nhắc nhở: “Ta không có quyền ban phúc giáng họa cho ai mà chỉ là người chỉ đường cho chúng sinh, là vị lương y chữa tâm bệnh cho chúng sinh, nếu chúng sinh làm đúng theo lời ta chỉ dẫn”. Phật giáo không phải là định mệnh. Không phải mọi cái ở đời hiện tại đều do quá khứ qui định. Mỗi người ở đời hiện tại, chịu tác động hay bị hai véc tơ lực chi phối, một là nghiệp quá khứ; hai là những hành động, hành vi, suy nghĩ của kiếp sống hiện tại. Nếu đời hiện tại, con người khéo tu, gắng sức, nỗ lực tinh tấn thì có thể làm giảm, thậm chí thay đổi nghiệp quá khứ. Người ta thường nói tu là chuyển nghiệp, đức năng thắng số là như vậy.

Nhân quyền gắn liền với những phẩm giá vốn có của con người, nhưng phẩm giá chân thật này, theo Phật giáo, chính là tính giác ngộ (Phật tính, hòn minh châu) ở trong mỗi con người mà mọi người không hay biết. Do tham, sân, si mà con người làm cho nó lu mờ, thậm chí đánh mất, bởi vậy, Phật giáo đưa ra những giải pháp, con đường để con người trở lại chính mình, không bị tha hóa đánh mất mình, không chạy theo những cái ảo ảnh, phù du, phù phiếm, tạm bợ bên ngoài, và con người trở thành con người với những quyền sống của mình theo đúng nghĩa của nó. Khi giác ngộ, con người hoàn toàn tự do, tự tại; con người tự chủ, bình thản, an vui, bình đẳng, hạnh phúc viên mãn, và niết bàn chính ngay thế giới này, chứ không ở đâu xa lạ. Đó cũng chính là tính đặc thù của nhân quyền trong Phật giáo.

Gs.Ts Nguyễn Hùng Hậu
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp lấy tên tờ báo là Le Paria, người cùng khổ là như vậy
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Hùng Hậu. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996
2. Nguyễn Hùng Hậu. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997
4. Nguyễn Hùng Hậu. Triết lý trong văn hóa phương Đông. Nxb. Đại học Sư phạm. Hà Nội 2004.
5. Nguyễn Hùng Hậu. Đại cương lịch sử triết học Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội 2010.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường