Văn bia hậu Phật là loại hình văn bia độc đáo, mang sắc thái riêng và chỉ có ở Việt Nam. Nó ra đời từ mỹ tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trong sự dung hòa với văn hóa Phật giáo. Với đặc điểm là loại hình ghi công (kỷ công) và ghi việc (kỷ sự), văn bia đã phản ánh sinh động và đầy đủ về các mặt của hoạt động gửi giỗ chùa trong quá khứ.
Tác giả: ThS. Vũ Ngọc Đinh Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức
1. DẪN NHẬP
Văn bia Hậu Phật mang bản chất là một dạng kỷ công (ghi công) và kỷ sự (ghi việc) đối với những người có công đóng góp, ủng hộ tịnh tài tịnh vật cho làng xã hoặc cơ sở tôn giáo, nhưng mang tính chất thực dụng, bởi người có công không chỉ được ghi công mà còn được thờ cúng tại cơ sở tự viện một cách trang trọng. Trên thực tế, văn bia Hậu Phật là một phần trong văn bản giao kết giữa ba bên, gồm: Người đứng ra gửi Hậu, chính quyền làng xã và người quản lý tự viện, hoặc ở mức độ thấp hơn là sự giao kèo giữa người đứng ra gửi Hậu và người quản lý tự viện. Vì vậy, xét dưới góc độ pháp lý, nó là văn bản “giao kèo” mang tính đồng thuận và cho phép của cộng đồng làng xã, của cơ sở tôn giáo đối với người được lập Hậu, gửi Hậu.
Hiện nay, văn bia hậu Phật chiếm một số lượng lớn trong hệ thống văn bia Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên thể loại văn bia này chưa được chú trọng nghiên cứu. Trong nội dung nghiên cứu này, chúng tôi nghiên cứu làm rõ đặc điểm nhận diện để làm cơ sở phân loại loại hình văn bia này.
2. KHÁI NIỆM
Về khái niệm Hậu Phật, xuất phát từ nghĩa của hai từ Hậu Phật (后佛,後佛,厚佛) có thể hiểu thuật ngữ này như sau: “Hậu Phật là những người được gửi giỗ thờ trong không gian thờ tự ở các ngôi chùa”, hay hiểu theo nghĩa khác là “Những người được gửi thờ sau Phật trong chùa”, “Hưởng sự thờ cúng sau Phật”.
Về khái niệm văn bia Hậu Phật, tác giả Phạm Thị Thùy Vinh trong bài viết Lệ bầu Hậu của người Việt qua tư liệu văn bia và một số nhà nghiên cứu khác cho rằng: Bia Hậu là định danh để chỉ loại bia khắc việc lập/bầu/mua hậu Thần/Phật (1). Tác giả Thu Hường trong bài viết Bia gửi giỗ - lưu truyền nét đẹp truyền thống nhận định rằng: Đây là thể loại bia có tính chất làm bằng chứng giao kèo giữa bên gửi giỗ và bên nhận tiền kèm theo những quy định cụ thể trong ngày cúng giỗ (2). Cá nhân tôi cho rằng: “Văn bia hậu Phật là sản phẩm của tục lập Hậu, bầu Hậu. Xét dưới góc độ pháp lý, nó là văn bản “giao kèo” mang tính đồng thuận và cho phép của cộng đồng làng xã đối với người được lập Hậu, bầu Hậu hoặc gửi Hậu” (3).
>> Vãn cảnh văn bia ở chùa Hương, chùa Thầy3. NHẬN DIỆN VÀ PHÂN BIỆT LOẠI HÌNH
Hiện nay, các nhà nghiên cứu về cơ bản có hai quan điểm trong việc nhận diện loại văn bia này: Quan điểm thứ nhất cho rằng, văn bia Hậu Phật để chỉ loại văn bia mà nội dung nhắc đến việc bầu Hậu, lập Hậu, gửi Hậu và phải có chữ “Hậu” ở tên bia. Quan điểm thứ hai cho rằng, bia Hậu là để chỉ chung cho các loại văn bia có nội dung gửi giỗ vào chùa.
Trong bài viết Tục bầu hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa, cá nhân tôi đã bước đầu đưa ra khái niệm và quan điểm nhận diện thuật ngữ này như sau: Hậu Phật là “Người được hưởng thờ cúng sau Phật ở các ngôi chùa”, hay hiểu theo nghĩa rộng là “Người được gửi thờ sau Phật trong chùa”. Từ khái niệm trên, chúng ta thấy có hai đối tượng “hậu Phật”. Đối tượng thứ nhất là “được hưởng thờ cúng” tức là người được bầu làm Hậu, lập làm Hậu và đối tượng thứ hai là “được gửi thờ” tức là người được gửi làm Hậu trong chùa (4). Từ thực tế nội dung văn bia cho thấy, để được làm Hậu phải trải qua quá trình “bầu, lập Hậu” và được sự đồng thuận của chức sắc, nhân dân sở tại. Tuy nhiên còn có trường hợp “gửi Hậu”, tức là chủ Hậu gửi Hậu trực tiếp cho nhà chùa mà không cần thông qua chức sắc và nhân dân địa phương. Đây là điểm khác biệt mấu chốt để phân biệt hai loại hình văn bia này.
Từ quan điểm trên và qua khảo sát nội dung một số văn bia Hậu Phật và Ký kỵ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (5). Chúng tôi đưa ra 2 tiêu chí để nhận diện và phân biệt loại hình văn bia này.
- Tiêu chí về nội dung, đại đa số văn bia Hậu Phật đều thể hiện 5 nội dung (6) sau:
1. Bài ký, phần này tương đối linh hoạt, có thể bắt đầu bằng lời văn ngắn ca ngợi công đức, ca ngợi giáo pháp của Phật hoặc ca ngợi đạo hiếu, đạo đức của con người. Tiếp đến là phần ghi địa chỉ chùa, địa chỉ người gửi giỗ và lý do cung tiến, gửi giỗ, gửi Hậu. Đặc biệt ở phần này luôn có câu “quan viên, chức sắc và nhân dân trên dưới trong thôn đồng thuận lập ông (bà) làm Hậu”. Như vậy, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của việc lập Hậu là phải có sự đồng thuận và do nhân dân cùng chức sắc địa phương lập nên. Như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Đót Tiên ghi: “Các vị Quan viên, hương sắc, xã trưởng xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia cùng trên dưới trong xã đặt bia ghi việc hậu Phật… Nhân đó bản xã trên dưới cùng hứa cho bà Dương Thị Duyên làm Hậu Phật, hưởng lễ sau Phật, cùng hưởng hương thơm mãi mãi”. Văn bia 玉茶社后佛碑記 Ngọc Trà xã hậu Phật bi ký ghi: “Công việc hoàn thành, mọi người trong ấp họp lại có lời muốn bầu các ông sau khi qua đời trở thành Hậu Phật. Hậu Phật tức là đứng phía sau Phật mà hưởng sự cúng dường của người hâm mộ”.
Tuy nhiên, có nhiều văn bia đối tượng gửi Hậu trực tiếp cho nhà chùa mà không cần thông qua cộng đồng dân cư, chỉ cần hai bên giao kết với nhau. Như trường hợp văn bia 寄望后仸碑 Ký vọng hậu Phật bi chùa Hương Quang, phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa ghi: “Có ông Nguyễn Thế Biện người thôn Bào Nội, tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn cậy nhờ gửi giỗ Hậu chùa Hương Quang. Thành tâm cúng tiến bạc 30 đồng, ruộng tốt 2 thửa 2 sào tọa lạc ở xứ Đồng Qua”. Hay văn bia 望后佛碑記 Vọng hậu Phật bi ký chùa Thanh Hà phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa ghi: “Bà Trần Thị Thu người trong vạn, nhân việc Thiền tăng chùa Thanh Hà hiệp cùng bản vạn trùng tu chùa. Bà cấp bạc 100 đồng, ruộng 1 mẫu để lo việc phúc và mong nguyện gửi giỗ hậu cho cha mẹ”.
Như vậy, ngay ở mở đầu của văn bia đã cho chúng ta cái nhìn tương đối rõ nét về tiêu chí để phân biệt loại hình văn bia Hậu Phật, đó là loại “lập Hậu, bầu Hậu” và loại “gửi Hậu”.
2. Ghi công đức, phần này thường được ghi theo mô típ nội dung “nhân chùa tu sửa, tín chủ cúng tiền ruộng để gửi giỗ Hậu cho cha mẹ…” và ghi rõ số tiền, ruộng cúng tiến vào chùa. Trong văn bia Hậu Phật thường có hai kiểu ghi công đức. Kiểu thứ nhất là nhân dân đồng thuận lập làm Hậu rồi mới đến phần ghi công đức. Kiểu thứ hai là phần ghi công đức trước rồi mới đến phần lập hậu, gửi hậu. Trong loại hình văn bia Hậu Phật luôn có cụm từ “lập Hậu, gửi Hậu, giỗ Hậu”, cụm từ này giúp phân biệt với loại hình văn bia Ký kỵ (gửi giỗ).
3. Phần ghi thông tin về người được gửi giỗ. Phần này các văn bia Hậu Phật và Ký kỵ đều giống nhau, đó là thông tin về họ tên, húy hiệu, ngày giỗ của người được gửi Hậu, gửi giỗ.
4. Giao ước về sử dụng tài sản (ruộng, đất, tiền)
Cụm từ “phiền nhờ thiền tăng chùa canh tác thu thuế lấy hoa lợi để bổ sung cho chi phí cúng giỗ” là câu thường xuất hiện trong văn bia Hậu Phật và Ký kỵ. Như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Long Cảm thị trấn Hà Trung ghi: “Kính cẩn thành tâm cúng bạc 120 đồng (tiền nước […] đồng 5 mạch), trợ giúp công đức cùng ruộng riêng 1 sào để gửi giỗ cho gia nương. Hàng năm làm chi phí hương hỏa cúng giỗ mãi mãi. Còn ruộng thì phiền nhờ thiền tăng chùa canh tác thu thuế lấy hoa lợi để bổ sung cho chi phí cúng giỗ”. Văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Sùng Nghiêm phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa ghi: “Có 2 mẫu 5 sào ruộng và 200 dây tiền giao cho làng xóm để làm giỗ và cúng tiết Thường tân, được báo ơn vĩnh viễn. Ngày này có thần linh chứng giám”.
Để thực hiện giao ước một cách lâu dài và đúng với mục đích đã giao kết, đa số các văn bia ngoài phần giao ước sử dụng tài sản cúng tiến vào mục đích gì, còn có phần cam kết thực hiện đúng giao kết giữa hai bên. Như trường hợp văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Đót Tiên phường Thanh Nam, thị xã Nghi Sơn ghi: “Nếu như có người nào trong xã hoặc tăng nhân không tuân theo, tức là vi phạm với điều khoản trong khế ước”. Văn bia Thuần Lộc huyện, Đại Lý xã vạn đại vĩnh thừa tế tự chùa Báo Ân xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc ghi: “Ví như thời thế thay đổi sự việc lâu rồi mà không đoái hoài đến lời định ước trước kia, thì xin có lời nguyền rằng: Trời đất và các vị thần linh sẽ cùng trách phạt”.
5. Giao ước về cúng giỗ
Hầu hết các văn bia Hậu Phật đều có giao ước về cúng giỗ, trong đó các điều lệ quy định về ngày cúng lễ, vật phẩm cúng, nghi thức tế lễ được ghi cụ thể, rõ ràng. Như trường hợp văn bia 忌田文記 Kỵ điền văn ký chùa Đại Khánh phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa ghi: “Mỗi năm có hai tiết, ngày 11 tháng 3 vào lúc sáng sớm là chính giỗ Tông sư. Cỗ chay cúng thì tùy thời đều do Tăng trụ trì, cỗ cúng dù đạm bạc hay thịnh soạn cũng phải đầy đủ dùng hương hỏa đúng theo nghi thức. Có lệ phải kính biếu hàng xã xôi một mâm, trầu cau một phong”. Văn bia 后佛碑記 Hậu Phật bi ký chùa Bạch Hạc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa ghi: “Nay gửi giỗ cha mẹ vợ ở chùa Bạch Hạc trong thôn Tịnh Xá, có tiền văn 100 quan, ruộng 8 sào. Ước định mỗi kỳ giỗ dâng lễ cúng Phật gồm: 30 cái oản cùng quả, trầu. Lễ dâng cúng giỗ gồm: Mâm xôi 2 cân, gà 1 con cùng vàng tiền giấy, trầu rượu đầy đủ”.
Từ xưa, việc vi phạm hoặc làm trái giao ước trong cúng Hậu đã từng xảy ra dẫn đến việc tranh chấp, kiện tụng ra quan phủ. Từ đó, việc cúng Hậu và sử dụng tài sản của người cúng Hậu được quy định trong điều luật của nhà nước. Về việc này, sách Hồng Đức thiện chính thư niên đại Hồng Đức (1470 - 1497) là tài liệu ghi chép về việc này sớm nhất. Điều 319, mục Lệ về hậu Thần và hậu Phật trong sách ghi: “Dân gian, nhà giàu thì muốn mua chuộc cái danh, mà kẻ nghèo lại không xấu hổ việc đó chỉ mong ích kỷ. Nhà giàu bỏ tiền ra làm đình hay công đức dựng chùa. Thế mà người sau giữ việc Hậu không biết báo ơn, chỉ chăm chăm lừa người lấy của. Chẳng bao lâu tình nhạt, lễ bạc, quên cả khoán ước, sinh thói bạc ác, hoặc bỏ cả giỗ chạp không nghĩ đến đời trước, hoặc làm cỗ bàn không đúng như khoán lệ. Vậy con cháu nhà đặt Hậu ở đình hay chùa, mà thấy kẻ sửa lễ làm Hậu nào làm trái lệ, thì trình báo ngay đến nha môn, truy đòi lại tiền tài của người đời trước đã làm Hậu. Nếu cố cưỡng không chịu trả, thì truy thu gấp đôi, chứ không tha thứ” (7). Như vậy, văn bia Hậu Phật chính là bản giao kèo bằng đá thay thế cho văn bản viết trên giấy của làng xã, hoặc của các cơ sở tôn giáo ghi nhận sự đóng góp của người gửi Hậu và trách nhiệm của cơ sở tôn giáo đối với người được lập Hậu, gửi Hậu. Việc lập bia đá nhằm mục đích công bố công khai các điều ước để mọi người cùng biết, cùng kiểm tra giám sát.
- Tiêu chí về tên gọi (tiêu đề) của văn bia, qua khảo sát đa phần văn bia Hậu Phật trên tên bia (tiêu đề) đều có chữ “Hậu”, như: “Hậu Phật bi ký”, “Hậu kỵ bi ký”, “Vọng hậu bi ký”. Đây là điểm đầu tiên và quan trọng để phân biệt loại hình văn bia này với văn bia Ký kỵ (gửi giỗ). Tuy nhiên, khi khảo sát tên gọi cũng như nội dung 66 văn bia mang tiêu đề “Hậu Phật” và “Ký kỵ”, chúng tôi nhận thấy có sự đa dạng trong việc đặt tên bia. Tiêu biểu như hai trường hợp đặt tên điển hình sau đây: Văn bia 進供碑記 Tiến cúng bi ký, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) chùa Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa ghi: “Các vị kỳ lão, chức sắc, lý dịch cùng mọi người trên dưới thuộc thôn Đông Sơn, xã Đông Sơn, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn có việc trùng tu chùa thờ Phật. Nay trong thôn có bà Lê Thị Ninh, hằng tâm tiến cúng tiền 30 đồng và 2 sào ruộng tại xứ Đồng Nạp. Bản thôn nhất trí cho khắc họ tên vợ chồng bà vào bia đá, đặt tại bên phải chùa, từ nay về sau, mỗi khi đến ngày rằm, dâng cúng lễ vật theo đúng nghi tiết”. Văn bia 寄忌佛寺碑記 Ký kỵ Phật tự bi ký niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861) chùa Đại Bi phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa có nội dung như sau: Ông Trần Văn Nghĩa và vợ là bà Phan Thị Triển là người đức độ trong làng, hay làm việc thiện. Nay ông bà cúng cho thôn Mật Sơn, xã Bố Vệ 100 quan tiền và 1 mẫu ruộng để xin gửi giỗ cho bản thân. Quan viên, dân thôn chấp thuận và định lệ cúng giỗ về sau.
Trong các văn bia ở trên, dù tên gọi khác nhau và không có hai chữ “Hậu Phật” ở tên bia, nhưng khi xem xét nội dung thì việc gửi giỗ có sự xác nhận, đồng thuận và giao kết giữa chủ Hậu và chức sắc, cộng đồng cư dân sở tại. Những văn bia có đủ điều kiện này là văn bia Hậu Phật. Bên cạnh đó, nhiều văn bia có tên là Hậu Phật bi ký nhưng chỉ mang tính thỏa thuận giữa nhà chùa và người gửi giỗ, không qua quá trình “bầu, lập Hậu” và sự đồng ý của nhân dân địa phương.
Từ những dẫn chứng và phân tích trên, chúng ta có thể đưa ra một số nhận định về việc nhận diện và phân loại văn bia Hậu Phật tỉnh Thanh Hóa như sau:
1. Không thể chỉ dựa vào hai chữ “Hậu Phật” ở tên bia mà nhận định đó là văn bia Hậu Phật, mà còn phải căn cứ vào nội dung của văn bia, bởi những cách đặt tên như trình bày ở trên mang tính phổ biến và đa dạng trong văn bia hậu Phật ở Thanh Hóa. Tiêu biểu là các văn bia thời Lê Trung Hưng và cuối thời Nguyễn.
2. Sang đến cuối thời Nguyễn, lệ bầu Hậu và lập hậu Phật đã có nhiều thay đổi, vai trò của chức sắc và nhân dân làng xã đã suy giảm, mờ nhạt đi nhiều. Chủ hậu gửi Hậu trực tiếp cho chùa, không thông qua quá trình bầu Hậu theo lệ cũ đã thay thế cho lệ bầu Hậu các thời kỳ trước đây.
3. Loại hình “bầu Hậu, lập Hậu” và “gửi Hậu”, về mặt hình thức và mục đích thờ cúng có nhiều điểm giống nhau, nhưng tính chất và mức độ “trọng vọng” khác nhau. Vai trò, địa vị của người được bầu Hậu, lập Hậu thường ở mức độ cao, được thờ cúng ở cấp độ làng xã. Người gửi Hậu được thờ cúng trong phạm vi tự viện, do tăng nhân trong chùa đảm nhiệm giống như người gửi giỗ (Ký kỵ).
4. Kết luận
Trong hệ thống văn bia Phật giáo, văn bia hậu Phật là loại hình văn bia độc đáo, mang sắc thái riêng và chỉ có ở Việt Nam. Nó ra đời từ mỹ tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trong sự dung hòa với văn hóa Phật giáo. Với đặc điểm là loại hình ghi công (kỷ công) và ghi việc (kỷ sự), văn bia đã phản ánh sinh động và đầy đủ về các mặt của hoạt động gửi giỗ chùa trong quá khứ. Đặc biệt, qua nội dung văn bia, chức năng xã hội của Phật giáo được thể hiện rõ qua vai trò vun bồi văn hóa và giáo dục tư tưởng đạo đức.
Tác giả: ThS. Vũ Ngọc Đinh - Khoa Khoa học Xã hội, trường Đại học Hồng Đức ***Chú thích (1) (4) Phạm Thị Thùy Vinh, Lệ bầu hậu của người Việt qua tư liệu văn bia, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3-2005, tr33-40. (2) Bài viết in trên báo Bắc Giang, ngày 27/8/2017 (đường dẫn http://baobacgiang.com. vn/). (3) Vũ Ngọc Định (2023), Tục bầu hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 410, tr 52-53. (4) Vũ Ngọc Định, Tục bầu hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 410, tr 52-53. (5) Trong nội dung bài viết, chúng tôi khảo sát 66/117 văn bia có mô típ tên gọi là Hậu Phật và Ký kỵ. Không lựa chọn khảo sát 51 văn bia còn lại vì phần tên của văn bia thuộc vào hai trường hợp là Vô đề và tên khác. Sở dĩ chúng tôi chọn khảo sát thêm cả văn bia Ký kỵ là lấy cơ sở để đối chiếu, so sánh. (6) Tuy nhiên, trong thực tế, nội dung biểu đạt văn bia hậu Phật mang tính linh hoạt theo thời kỳ. Phần lớn các văn bia thời Lê Trung Hưng thuộc loại bia ký ghi về công trạng của người được gửi giỗ, trong đó phần gửi giỗ là do nhân dân tưởng nhớ công ơn người đã khuất mà lập họ làm Hậu và thường ở cuối bia. Đến thời Nguyễn, các văn bia hậu Phật tuân theo mô típ nội dung như trình bày ở phía sau. (7) Nguyễn Sĩ Giác (dịch,1959), Hồng Đức thiện chính thư, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn, tr.147-149.
Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Sĩ Giác (dịch,1959), Hồng Đức thiện chính thư, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn. 2. Phạm Thị Thùy Vinh (2005), Lệ bầu hậu của người Việt qua tư liệu văn bia. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 3. 3. Mai Hồng (2003), Tục bầu hậu Thần, hậu Phật qua một số tấm bia ở một làng quê Thái Bình, Thông báo Hán Nôm học. 4. Trần Thị Kim Anh (2004), Bia Hậu Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, số 3. 5. Trịnh Khắc Mạnh (2008), Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 6. Viện Cao học thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (2009), Tổng tập thác bản Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 7. Lê Văn Cường (2022), Mỹ tục bầu Hậu Phật trong văn hóa tín ngưỡng làng xã Việt Nam thời trung đại, Tạp chí VHNT số 500. 8. Vũ Ngọc Định (2023), Tục bầu hậu Phật qua một số văn bia ở Thanh Hóa, Tạp chí văn hóa Phật giáo, số 410. 9. Hoàng Thị Hằng, Tìm hiểu về văn bia Hậu Phật và Ký kỵ tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Dạy và học ngày nay, số tháng 8/2023.
Bình luận (0)