Trang chủ Chuyên đề Ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức trong mắt bạn bè quốc tế

Ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức trong mắt bạn bè quốc tế

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

SC.NCS. Nhuận Bình
Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học khóa I, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

Tóm tắt:
Ngọn lửa bi hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như những ngọn lửa thiêng tiếp nối bùng cháy năm 1963 không chỉ để đòi lại sự công bằng, bình đẳng và tự do cho Phật giáo, mà là cuộc đấu tranh để đem lại công bằng cho xã hội, quyền được sống an lành, hạnh phúc và bình yên trong một quốc gia. Cuộc đấu tranh bất bạo động này của Phật giáo được sự ủng hộ, đồng tình của toàn dân và sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ của toàn thế giới, khiến Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông không thể không thức tỉnh và e dè. Kết quả cuối cùng là sự sụp đổ của bộ máy chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Hơn hai mươi thế kỷ đi qua với những được mất, tồn vong, biến cố của Phật giáo Việt Nam luôn thăng trầm cùng vận nước. Sự kiện lịch sử năm 1963 trở thành tiền đề, cũng là tạo cơ duyên để chư vị tôn túc đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo, để đạo Phật phát triển rực rỡ đến hôm nay.

A. MỞ ĐẦU

Có thể nói, thời kỳ Ngô Đình Diệm làm Tổng thống đã để lại những vết nhơ không bao giờ rửa sạch trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi từ khi được Mỹ hỗ trợ lên nắm quyền lãnh đạo ở miền Nam, ông đã đưa ra những chính sách cực kỳ bạo động và đàn áp Phật giáo – một tôn giáo tồn tại lâu đời, luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam suốt hơn 2.000 năm qua. Chính sự kỳ thị, đối xử bất công và đàn áp Phật giáo bạo tàn nên Diệm không được lòng quần chúng nhân dân.

Sự kiện năm 1963 và ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức bùng cháy chính là giọt nước tràn ly, tích hợp nhiều sự kiện trước đó của hệ thống gia đình trị Ngô Đình Diệm. Chính điều này đã khiến giới truyền thông và chính phủ trong cũng như ngoài nước đồng lên án tội ác, bất công mà Ngô Đình Diệm và những nhân vật đứng đầu trong bộ máy của ông đã gây ra cho Phật giáo và nhân dân Việt Nam. Trong khi đó, “Lịch sử đạo Phật cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam, có những bước thăng trầm, thịnh suy, nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào đạo Phật cũng hòa nhập với đời sống dân tộc, cùng chung vận mệnh với dân tộc và có nhiều cống hiến đối với dân tộc”1. Đó là lý do mà chế độ của Diệm ngày càng rơi vào khủng hoảng, dẫn đếp sụp đổ, lụi tàn.

B. NỘI DUNG

I. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NGỌN LỬA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC VÀ PHONG TRÀO PHẬT GIÁO NĂM 1963

Phật giáo có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc lúc hưng thịnh cũng như hưng vong. Khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền lãnh đạo ở miền Nam, ông đã đưa ra nhiều chính sách bất lợi cho Phật giáo, áp dụng nhiều hình thức chèn ép, gây khó khăn đối với Tăng Ni cũng như tín đồ Phật tử khắp nơi. Thái độ phân biệt, kỳ thị Phật giáo thể hiện rõ nét trong đường lối lãnh đạo của Mỹ – Diệm. Trong khi đó, Diệm lại tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Công giáo phát triển – một tôn giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ XVI. “Công giáo Việt Nam phát triển do chính sách kỳ thị Phật giáo một cách có hệ thống của ông Ngô Đình Diệm. Người Công giáo được sử dụng trong các dịch vụ dân sự, trong khi những người Công giáo sống trong những làng mạc thường không bị bắt buộc phải làm những công việc nặng nhọc, làm đường sá và những việc công cộng. Không giống như những chùa Phật giáo, nhà thờ Công giáo được đặc quyền sở hữu tài sản đất đai, cũng như trong thời Pháp thuộc. Với thời gian, sự kỳ thị đối với tuyệt đại đa số dân chúng này đưa đến những phản đối chính trị chống ông Diệm của những nhà sư Phật giáo2

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngon lua bo tat thich quang duc trong mat ban be quoc te 1

Với tư tưởng phân biệt kỳ thị Phật giáo và áp dụng triệt để chế độ độc tài, gia đình trị, Diệm đã đưa Thiên Chúa giáo ngày một có vị thế và phát triển. Vì giúp đỡ cho Thiên Chúa giáo, qua đó ủng hộ cho các anh em trong gia đình làm tốt vai trò truyền đạo tại Việt Nam (Ngô Đình Thục là Giám mục). Phật giáo ngày càng bị áp bức, kỳ thị, bị phân biệt đối xử bất công suốt một thời gian dài, đưa đến những phản đối chính trị, những căm phẫn trong lòng người dân và tín đồ Phật tử khắp nơi.

Với tinh thần từ bi, bất bạo động, Tăng Ni, Phật tử đã thực hiện nhiều cuộc tuyệt thực để phản đối. Nhiều thông cáo chung được gửi đến Diệm để kêu gọi đối xử bình đẳng với Phật giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng dường như mọi cố gắng đều không lay chuyển được chế độ độc tài của Mỹ – Diệm. Biết bao học sinh, sinh viên, Phật tử và Tăng Ni đã ngã xuống. Máu đã rơi, nước mắt đã chảy, nhiều vô số kể. Khi sự đàn áp, bất công dâng lên tột đỉnh, chính là lúc cần một bước ngoặt vĩ đại để thức tỉnh lòng người, để soi sáng nhân gian. Chính “cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục”3. Ngọn lửa của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11-6-1963 tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu) là ngọn đuốc sống, biểu trưng cho tinh thần bất khuất, tư tưởng bình đẳng, tự do, độc lập và dân chủ của đạo Phật Việt Nam và đất nước Việt Nam. Ngọn lửa bùng cháy để báo hiệu cho Mỹ – Diệm biết rằng, những gì bất công, những gì tàn bạo rồi sẽ bị thiêu đốt bởi chính ngọn lửa đó. Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ độc tài Mỹ – Diệm, thức tỉnh nhân tâm, kêu gọi hòa bình nhờ vào sự quan tâm và can thiệp của thế giới. Ngài đã để lại quả tim bất diệt, biểu trưng cho tinh thần từ bi, bất bạo động, tinh thần kính yêu dân tộc, bảo vệ chánh pháp, đòi quyền bình đẳng, tự do dân chủ của quê hương, tôn trọng hòa bình.

Bởi đây không phải là một cuộc đấu tranh bình thường, mà “Đây là cuộc đấu tranh chính trị quyết liệt nhất ở Sài Gòn trong mấy năm nay. Nó đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ độc tài phát xít Mỹ – Diệm, đẩy chúng vào tình thế bị cô lập hơn bao giờ hết”4. Và “Rõ ràng, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp, khắt khe đối với các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam (Sài Gòn) vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động nêu trên”5. Diệm và các thành viên trong gia đình ông, thậm chí cả cộng sự bên cạnh ông đã làm mọi thứ nhằm triệt hạ Phật giáo, khiến Phật giáo không còn chỗ đứng, bởi họ tin rằng khi Phật giáo bị xóa nhòa, thì thế lực của họ sẽ được cũng cố.

Nhưng Diệm đã quên một điều rằng, chính sách tàn bạo và tư tưởng kỳ thị Phật giáo của ông đã đẩy hàng triệu Tăng Ni, tín đồ Phật tử nói riêng và người dân Việt Nam nói chung quay lưng lại với chế độ của ông. Hành động đi ngược lại lời cam kết hóa giải với tín đồ Phật giáo đã khiến ông bị cô lập ngay trên đất nước của mình. Tăng Ni, tín đồ Phật tử và người dân Việt Nam lúc bấy giờ một lòng đấu tranh, chống lại chế độ phát xít Mỹ – Diệm để đòi lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng và sự bình đẳng giữa các tôn giáo. “Trong phong trào chung của các tôn giáo chống chế độ độc tài phát xít Mỹ – Diệm và đòi tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, phong trào đấu tranh của đồng bào theo đạo Phật vừa qua đã ghi đậm nét trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân miền Nam”.6 Sự kiện đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử đòi Mỹ – Diệm thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo đã tạo làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận trong nước và quốc tế. Thậm chí, khi bàn về phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963, Tổng Bí thư Lê Duẩn có viết: “Cả trong thành thị cũng dấy lên làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn. Hoang mang trước sự lớn mạnh và thế tiến công cách mạng, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi tay sai, phế bỏ Ngô Đình Diệm hòng cải thiện tình hình chính trị và quân sự để cứu vãn thất bại. Song Mỹ đã phạm phải sai lầm. Sau sự sụp đổ của Diệm, chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”.7

Như vậy, với sự đồng lòng phản đối chính sách chế độ Mỹ-Diệm của Tăng Ni, Phật tử, đã đưa Phật giáo và đất nước bước sang một trang mới. Đây cũng là cơ hội mở ra cho dân tộc thời kỳ cách mạng dân chủ quyết liệt. Chính quyền sụp đổ, Diệm và tay sai bị ám sát, trang sử mới đã mở ra cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung.

II. NGƯỜI MỸ ĐỐI VỚI NGỌN LỬA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC

Sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu để lại quả tim bất diệt, phản đối chế độ độc tài, kỳ thị tôn giáo của Mỹ – Diệm đã trải qua gần 60 năm, nhưng đó là cuộc cách mạng mang tính quyết định và nhiều thách thức. Ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức đã làm dậy sóng giới truyền thông trong nước lẫn quốc tế. Là cơ hội để Washington phải suy nghĩ lại việc đưa Diệm lên nắm quyền điều hành Việt Nam Cộng hòa. Công cuộc đòi lại tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo và tự do dân chủ của Tăng Ni, Phật tử diễn ra suốt nhiều năm, nhưng phải đợi đến sự bùng cháy của ngọn lửa Thích Quảng Đức mới thật sự khiến giới lãnh đạo cấp cao, truyền thông, tầng lớp tri thức trong nước và quốc tế chú ý và có cái nhìn toàn diện về những hành động của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Ông Robert S. McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 1961 đến năm 1967, trong cuốn Trong dòng hồi ức – Bi kịch và những bài học Việt Nam, xuất bản năm 1995, đã viết ở cuối chương hai như sau: “Khoảng thời gian đó, một cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo đã nổ ra khắp miền Nam Việt Nam. Những người Phật giáo tức giận chế độ Diệm hạn chế tự do tôn giáo, đã tiến hành những cuộc phản đối dẫn đến việc lực lượng an ninh của Diệm trả đũa mạnh mẽ. Phản ứng tàn bạo này đã kích động những cuộc phản đối ngày càng nhiều kể cả việc những tu sĩ Phật giáo hy sinh thân mình gây chấn động. Những sự cố này khiến tôi và những người khác ở Washington (tức các giới chức cấp cao của Mỹtại Washington – người viết) phải kinh hoàng, khiếp đảm, và khiến cho sự thống trị của Diệm trở nên rối loạn hơn bao giờ hết.

Cuối tháng Tám (người viết nhấn mạnh), khi Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân trình bày kế hoạch rút lui theo yêu cầu của tôi, tình hình vẫn còn hỗn loạn. Tuy nhiên, họ cho rằng theo sự tin tưởng của riêng họ thì không nên rút lực lượng Mỹ nào đi cho đến khi cuộc khủng hoảng lắng xuống (người viết nhấn mạnh). Họ đã gợi ý rằng, không một quyết định nào được phê chuẩn nhằm tiến hành kế hoạch rút lui cho đến cuối tháng Mười”.8

Robert S. McNamara đã có cái nhìn khách quan về sự bạo tàn của chính quyền Diệm dành cho Phật giáo, ông phải thốt lên khi nhìn thấy ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức bùng cháy trong sự khủng khiếp kinh hoàng, đồng thời tiên liệu về một sự hỗn loạn dưới chính sách thống trị của Diệm. Bởi chứng kiến cảnh đối xử bất công, những cuộc đàn áp đẫm máu Phật giáo này nên McNamara đã đề xuất rút lực lượng Mỹ khỏi cuộc chiến tranh tại Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, khi chính quyền Mỹ vẫn chưa có động thái đối với Diệm, ông tiếp tục đối xử tàn nhẫn với Phật giáo, với Tăng Ni, Phật tử, bằng cách bắt bớ, ngược đãi, bỏ tù và đập phá chùa chiền khắp nơi. Robert S. McNamara tiếp tục viết trong tác phẩm của mình vào đầu chương ba: “Mâu thuẫn vẫn âm ỉ suốt mùa hè giữa những người Phật giáo và chính quyền miền Nam Việt Nam. Bất ngờ (người viết nhấn mạnh), ngày 21 tháng 8, chính quyền đàn áp thẳng tay. Sau khi Diệm phê chuẩn, Nhu ra lệnh cho một đơn vị quân đội tinh nhuệ bố ráp chùa chiền vào sáng sớm ngày 21-8-1963. Họ đập phá cửa vào đã được dùng làm các chướng ngại vật phòng thủ và ngược đãi những vị tu sĩ phản đối. Nhiều vị tu sĩ bị lôi vào tù”.9

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngon lua bo tat thich quang duc trong mat ban be quoc te 2

Ngày 14-6-1963, Chính phủ Kennedy đã đăng tải trên tờ New York Times như sau: “Nếu Diệm không thực hiện những biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhằm tái lập niềm tin của Phật giáo đối với ông ta, chúng ta sẽ phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với chế độ của ông ta” (Rusk), và Chính phủ Kennedy hẳn là “công khai kết án sự hành xử của Diệm đối với tín đồ Phật giáo trừ phi ông ta có hành động nhanh chóng tiếp nhận, đáp ứng những bất bình của họ”.10

Như vậy, ngoài ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức gây phẫn nộ, bức xúc dư luận trong và ngoài nước, Tổng thống Ngô Đình Diệm còn bị Mỹ và thế giới lên án vì những động thái độc đoán, tàn bạo sau đó. Chính cuộc bố ráp chùa chiền, ngược đãi đánh đập, bắt bớ, bỏ tù Tăng Ni, Phật tử, dùng mọi thủ đoạn để triệt tiêu Phật giáo của Diệm suốt một thời gian dài không những không làm cho Phật giáo bị lung lay mà qua đó gây ra sự căm phẫn ở trong nước và thế giới. Đặc biệt, phía Mỹ khi biết được điều đó đã nghiêm túc xem xét lại con người này. Đây chính là lý do trọng yếu dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Diệm và tay sai.

III. NGỌN LỬA BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC TRONG MẮT CÁC NHÂN VẬT TÊN TUỔI VÀ CHÍNH PHỦ CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

3.1. Sự lên tiếng của những nhân vật trong và ngoài nước

Có thể nói, ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức đã tạo tiếng vang lớn, sự căm phẫn và quay lưng lại với chế độ độc tài Ngô Đình Diệm của đại đa số các bộ phận, các giới cả trong và ngoài nước. Đặc biệt trong đó là sự đồng loạt lên tiếng phản đối mạnh mẽ của nhiều nhân vật tên tuổi trong nước lẫn quốc tế.

Ngày 30-8-1963, sau khi biết được thông tin tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức để đòi lại tự do tôn giáo, Giáo hoàng Phao Lô Đệ Lục đã gửi đến nhân dân Việt Nam bức tâm thư, trong đó có đoạn: “Giáo hoàng đã biểu lộ sự chú tâm và đau đớn theo dõi các biến cố bi thảm đương giày vò nhân dân Việt Nam và sự lo âu của Giáo hoàng ngày càng thêm sâu sắc… Giáo hoàng cầu nguyện để cho tất cả mọi người, trong mối hợp tác khoan dung và trong sự tương kính các quyền tự do chân chính, đoàn kết với nhau để tái lập tương thân và tình huynh đệ”.11 Đoạn văn đã mô tả sự đồng cảm, thương tâm của Giáo hoàng đối với Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam khi bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp. Ông còn gửi lời cầu nguyện để Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam sớm đòi lại được quyền tự do tôn giáo vốn có của mình.

Bên cạnh Giáo hoàng Phao Lô Đệ Lục, Linh mục Lê Quang Oánh cũng bày tỏ thái độ bất bình khi biết được sự ngược đãi Phật giáo của chính quyền độc tài họ Ngô. Ông nói: “Chúng tôi lên án “Tội bất công” đã giết hại đồng bào vô tội. Thật là tàn bạo, dã man, phản dân chủ, phản tự do, phản đạo đức, làm nhục cho quốc thể Việt Nam, một nước văn hiến trên bốn nghìn năm lịch sử. “Dám quả quyết rằng: “Nhân nghĩa sẽ thắng””.12

Mục sư Donald Harrington tại New York khi biết được tâm nguyện của Hòa thượng Th Quảng Đức, phát nguyện tự thiêu – hy sinh chính bản thân mình để phản đối chế độ phát xít của Ngô Đình Diệm, trong một buổi giảng vào ngày 30-6-1963, ông đã bày tỏ sự cảm phục, kính mến của mình dành cho Hòa thượng Th Quảng Đức như sau:

– “Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11-6-1963, vị sư tên Thích Quảng Đức đã ngồi theo kiểu tọa thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Người cầm một xâu chuỗi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật, còn trên chiếc áo cà sa của Người thì đã tẩm ướt đầy xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh sợ. Khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường gì sắp xảy ra nên tất cả đều dừng lại chờ đợi.

Với vẻ yên lặng, bình thản trên khuôn mặt. Ngài Quảng Đức niệm lớn: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Th rồi Người bật một que diêm và ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân thể nhưng Người không hề rên la hay lay động. Người ngồi thẳng trong mười phút, thân hình chìm trong lửa đỏ, và khi lửa tàn, Người nằm xuống bất động…

Người ta có thể hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình thương” của “Hòa bình”, quyết chí tự thiêu?…

Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời này đến chỗ tự tử, thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất đôi khi cũng đã sản xuất những người tử đạo quả cảm nhất trong lịch sử…

Hòa thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới…

Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt da thịt nhưng không một lời kêu than. Người gởi mấy lời của Người cho Tổng thống Diệm, và cho đến nay ông Diệm vẫn chưa chịu nghe hay chú ý. Nhưng dù sao tiếng nói ấy vẫn là tiếng nói của tình thương, tiếng nói mà trong thâm tâm của nó chứa đựng sự giải thoát của miền Nam Việt Nam. Người đã để lại một bóng đen sỉ nhục lên sự huy hoàng của Giáo hoàng Gioan đã mang lại cho Giáo hội Thiên Chúa. Người đã làm và Người phải làm, cho mỗi người Hoa Kỳ đi tìm linh hồn của Người và cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng, trừ phi chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ và tự do dân chủ Việt Nam, tất cả mọi viện trợ của Hoa Kỳ đều phải chấm dứt ngay…

Ngọn lửa ấy có thể thành một tia hy vọng cho những người từ lâu bị áp bức bởi người ngoại quốc hay bởi ngay chính đồng bào của họ…”.13

Sự mô tả chân thực, tỉ mỉ và vô cùng khách quan của vị Mục sư về sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu đã cho chúng ta thấy được bức tranh vô cùng ảm đạm của Phật giáo dưới thời thống trị của Ngô Đình Diệm. Nếu như tình trạng này kéo dài, có khả năng Phật giáo sẽ bị xóa sổ tại Việt Nam. Và nếu không có ngọn lửa của Bồ tát Thích Quảng Đức và sự hy sinh anh dũng của rất nhiều Tăng Ni, tín đồ Phật tử đương thời, người Mỹ và thế giới đã không thể hiểu hết được những đau thương, mất mát mà Phật giáo phải gánh chịu trong nhiều năm qua, kể từ khi chính quyền Ngô Diệm lên điều hành ở miền Nam. Ngọn lửa vào ngày 11-6-1963 theo Mục sư Donald Harrington chính là tia hy vọng cho Phật giáo đồ Việt Nam và sự tự do của người dân Việt Nam. Ngọn lửa và sự hy sinh này còn để thức tỉnh lương tâm của Ngô Đình Diệm, cũng là lời nhắn gửi đến loài người tiến bộ trên thế giới.

Trước sự xôn xao của dư luận trong nước và quốc tế về những hành động sai trái của Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo, thì một thành viên trong gia đình ông, bà Nhu (Trần Lệ Xuân) đã trả lời phỏng vấn báo giới, truyền hình với thái độ khinh thường, kệch cỡm:

“Tất cả những việc mà Phật giáo đóng góp cho đất nước từ trước đến nay không có gì ngoài việc thiêu sống một nhà sư”14… Còn khi nói về cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, bà cho rằng: “Ông Thích Quảng Đức bị chích thuốc và bị cưỡng bách thiêu sống”.15 Để góp cùng tiếng nói với vợ, ông Ngô Đình Nhu (em trai Tổng thống Diệm) đã phát biểu: “Nếu Phật giáo muốn có một vụ nướng thịt khác thì tôi rất vui lòng cung cấp xăng”.16 Dù gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm có phát biểu với thái độ thế nào cũng không che giấu được tội ác họ đã gây ra cho Phật giáo.

Nói về vấn đề Bồ tát Thích Quảng Đức tự tử hoặc bị cưỡng bách thiêu sống, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phát biểu như sau: “Báo chí gọi đó là một hành động tự tử, nhưng thực chất không phải. Ngay cả đó không phải là một hành động phản đối. Điều mà những vị sư đã viết trong những bức thư để lại trước lúc tự thiêu là nhằm cảnh tỉnh, là để chuyển đổi tâm tư của những nhà cầm quyền, và để kêu gọi thế giới quan tâm đến những nỗi thống khổ triền miên của người dân Việt Nam. Người tự thiêu là để chứng tỏ rằng nguyện vọng mà họ đề cập là rất tối ư quan trọng… Tu sĩ Việt Nam tự thiêu là để nói lên với tất cả sức mạnh và quyết chí rằng tôi có thể chịu đựng sự khổ đau cùng cực nhất để bảo vệ cho đồng bào của tôi… để bày tỏ ước vọng bằng cách tự thiêu của một người, vì thế, không phải là một hành động hủy diệt mà là một hành động tạo dựng, đó là, để đau khổ và để chết cho người khác. Như thế, tự thiêu không phải là một hành động tự tử”.17 Theo đó có thể thấy, tâm nguyện tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức chính là mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ để bảo vệ người dân và đạo Phật. Mong nhận được tiếng nói công tâm, khách quan và bình đẳng từ các giới về vấn đề tôn giáo mà chính xác ở đây là Phật giáo đang bị kỳ thị và đàn áp một cách tàn nhẫn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngon lua bo tat thich quang duc trong mat ban be quoc te 3

Để giải thích thêm về vấn đề này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tiếp tục nhấn mạnh: “Tự tử là một hành động tự hủy do những nguyên nhân sau đây: (1) Thiếu ý chí để sống và gặp những khó khăn; (2) Thất bại trong cuộc sống và tuyệt vọng; (3) Không muốn sống… Vị tu sĩ tự thiêu (Thích Quảng Đức) không mất nghị lực, không thiếu hy vọng; cũng như không phải không muốn sống. Trái lại, Ngài có đầy nghị lực, tràn hy vọng và mong ước một cái gì tốt cho tương lai. Ngài không có ý nghĩ tự hủy; nhưng tin vào những hoa trái tốt từ sự hy hiến đời mình cho kẻ khác… Tôi tin chắc rằng tất cả các vị sư tự thiêu không muốn những người cai trị chết, nhưng chỉ nhằm thay đổi chính sách của họ. Kẻ thù của chúng ta không phải là con người. Kẻ thù của chúng ta là sự thiếu khoan dung, cuồng tín, độc tài, tham đắm, hận thù và kỳ thị, chúng đang nằm sẵn trong tâm của con người”.18 Xét theo những gì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nêu, Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu vì mục đích cao cả, với mong muốn sự hy sinh của Ngài sẽ mang đến cho Tăng Ni, Phật tử, đạo pháp và dân tộc một tương lai ngời sáng, một đất nước an lành, hạnh phúc và tự do chọn lựa tín ngưỡng của riêng mình. Đoạn trích trong văn bản về tâm nguyện của Ngài trước lúc tự thiêu như sau:

“Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận (Gia Định).

Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.

Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau.

1. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.

3. Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc. Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.

Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam Mô A Di Đà Phật!

Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão Tỳ kheo Thích Quảng Đức

Kính bạch”.19

3.2. Sự lên tiếng của chính phủ các nước

Sự kiện tử vì đạo của Bồ tát Thích Quảng Đức làm chấn động dư luận khắp nơi. Giới truyền thông trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin, như các trang: Washington Post & New York Times, báo Le Monde, báo La Gazette de Lausanne, báo Journal de Genève, La Croix… Đặc biệt, bức hình tự thiêu sống động của Bồ tát Thích Quảng Đức được truyền thông Trung Quốc – Hoa Lục in ra hàng triệu bản.20 Trong đó, tờ New York Times (Nữu Ước thời báo), số ra ngày 8-8-1963 có đoạn: “… Chính phủ Hoa Kỳ đã tìm đủ mọi cách để buộc ông Diệm phải giải quyết vấn đề Phật giáo. Nhưng người ta hết sức kinh ngạc khi nghe bà Ngô Đình Nhu, em dâu của Tổng thống Diệm, vu khống các lãnh tụ Phật giáo là phiến loạn, sát nhân, và áp dụng chiến dịch cộng sản. Có tin cho biết, chồng bà Nhu, em của Tổng thống Diệm, có thể cầm đầu một cuộc đảo chánh đã làm cho Hoa Kỳ lo ngại. Có nhiều người cho rằng những tin đồn về cuộc đảo chánh như vậy là một phần trong chiến tranh tâm lý chống Phật giáo, và cũng là một sự hăm dọa đối với Hoa Kỳ”.21

Hình tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức cũng là một ấn tượng ảnh hưởng đến Tòa Bạch Ốc. Tôi (Browne) được biết rằng lúc ông Henry Cabot Lodge đến gặp cố Tổng thống Kennedy về việc được bổ nhiệm chức đại sứ tại Việt Nam, Kennedy cũng đã có một bức hình tự thiêu của HT. Thích Quảng Đức trên bàn giấy. Cái chết của ngài Quảng Đức có lẽ là một trong những yếu tố chính cuối cùng Bộ Ngoại giao và Tòa Bạch Ốc chống ông Diệm, và thay đổi một vài chính sách lớn ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam”.22

Sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức thật sự đã để lại dấu ấn khó phai trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Bởi sau khi truyền thông các nước đồng loạt đưa tin về vụ việc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, chính phủ các nước bắt đầu lên tiếng để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của con người.

Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố, rất lo ngại về cuộc khủng hoảng tôn giáo tại Việt Nam và mong mỏi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sớm có giải pháp thích hợp để chấm dứt cuộc khủng hoảng.23

Bên cạnh đó, đất nước Tích Lan – nơi chọn Phật giáo là quốc giáo – đã yêu cầu các đoàn thể Phật giáo đồ trong cả nước treo cờ rủ để tang, nhằm chia sẻ, an ủi, động viên những mất mát, hy sinh mà Tăng Ni và tín đồ Phật tử Việt Nam đã tử vì đạo. Sự chia sẻ từ Thủ tướng Tích Lan: “Ngọn lửa bi hùng của Thích Quảng Đức và sự ngược đãi Phật tử tại Việt Nam khiến bà Sirimavo Bandaranaike, Thủ tướng Tích Lan, vô cùng xúc động. Bà kêu gọi các nước theo Phật giáo tại Á châu ủng hộ Tích Lan trong việc yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp vấn đề đàn áp Phật giáo tại Việt Nam. Ngày 26-8- 63, Hội nghị Phật giáo Tích Lan yêu cầu các đoàn thể Phật giáo trên toàn quốc treo cờ rủ để tang các Phật tử hy sinh vì tín ngưỡng”.24 Động thái của Tích Lan vô cùng quyết liệt, kêu gọi các nước Phật giáo đồ tại Á châu lên tiếng nhờ đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc trước những chính sách và hành động thô bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo Việt Nam.

Thủ tướng Thái Lan, trong ngày 22-8-1963 cũng đề nghị triệu tập hội nghị nhằm đưa vấn đề căng thẳng của Phật giáo Việt Nam ra Liên Hiệp Quốc. Đại tá Mutukhan nhấn mạnh: “Vì đã đàn áp Phật tử Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm sẽ hứng chịu hết những tai họa dưới đủ mọi hình thức, hiểu theo giáo lý nhà Phật, kể cả diệt vong và đọa địa ngục…”.25

Tờ báo “Guandiantai” tại thủ đô Miến Điện đã đăng tải bài viết, trong đó có đoạn: “Mỹ sẽ lầm khi nghĩ rằng tiếp tục ủng hộ một chính phủ đang ngự trị trên thân xác đau thương của những Phật tử Việt Nam mà có thể giữ được nguyên vẹn tình cảm ngoại giao với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á”.26 Qua đó có thể thấy, chính phủ Miến Điện rất căm phẫn và cực lực lên án sự cai trị bạo ngược của chính quyền Ngô Đình Diệm dành cho Phật giáo Việt Nam.

Ngày 23-8-1963, chính phủ Cao Miên ra thông cáo, nhằm lên án, phản đối chính sách bạo ngược của Tổng thống Diệm và bộ máy chính phủ đương thời. Thông cáo viết: “Chính phủ hoàng gia Cam Bốt kinh hãi khi nhận được tin chính phủ Sài Gòn đã đàn áp dã man tín đồ Phật giáo… Chính phủ Hoàng gia Cam Bốt hoàn toàn ủng hộ các Tăng Ni, Phật tử Việt Nam”.27

Tiếp đó, đến ngày 27-8-1963, sau khi biết thêm nhiều thông tin về những sự đàn áp Phật giáo của Diệm, nhiều chùa tiếp tục bị bố ráp, chính phủ Cam Bốt tiếp tục gửi văn bản như sau: “Toàn thể dân tộc Cam Bốt cũng như tất cả các dân tộc khác trên thế giới đều công phẫn và ghê tởm trước những hành động dãmanđànáp Phậtgiáo Việt Nam…”.28

Tại Ấn Độ, Tổng Thư ký Đảng Quốc gia Ấn cảm nhận nỗi đau thương, mất mát mà Phật giáo Việt Nam phải gánh chịu, cũng như bày tỏ sự công phẫn về các hành động ngược đãi Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 25-8-1963 như sau: “Những tin tức loan đi từ Sài Gòn đã làm chấn động dư luận tại Ấn Độ, quê hương của Phật giáo. Những sự tàn bạo mà các đạo hữu Việt Nam là nạn nhân càng làm cho ta phẫn nộ khi nhớ rằng Phật giáo chủ trương bất bạo động”.29

Tại Hoa Kỳ: Sau cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức làm chấn động dư luận khắp nơi trên thế giới, tiếp đó, nhiều chùa tại miền Nam Việt Nam liên tục bị chính quyền tấn công tàn phá dã man, bắt bớ, ngược đãi, giam cầm Tăng Ni… Lúc này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức lên tiếng: “Căn cứ vào các tin loan đi từ Sài Gòn, rõ ràng chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã có những biện pháp đàn áp nghiêm khắc các lãnh tụ Phật giáo Việt Nam. Hành động này là một vi phạm trực tiếp của chính phủ Việt Nam vào lời cam kết theo đuổi một chính sách hòa giải với tín đồ Phật giáo. Hoa Kỳ phiền trách các hành động đàn áp này”.30

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản31, ông Shigenobu, khi tiếp xúc với Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Nhật đã bày tỏ sự đồng cảm, âu lo về sự bất công của chính phủ đối với Phật giáo Việt Nam. Đại đức Kapchong, Hội chủ Tổng hội Phật giáo và tướng Chang Chung Sơn, nhân viên trong Hội đồng Quân nhân cách mạng tại Nam Hàn32, đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lên án việc đàn áp Phật giáo và yêu cầu chấm dứt những hành động tàn ác đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Trước làn sống phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm dữ dội từ phía truyền thông, nhiều nhân vật nổi tiếng đến các chính phủ quốc gia, Liên Hợp Quốc33 chính thức vào cuộc. Họ tổ chức phái đoàn đặc biệt đến Việt Nam điều tra việc chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo vào ngày 24-9-1963. Mặc dù bị Diệm ngăn chặn, không để phái đoàn Liên Hợp Quốc đi lại tự do điều tra nhưng họ cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng xác đáng và đi đến kết luận rằng: “Phật tử Việt Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị, khủng bố, tra tấn, tù đày, giết hại và cải đạo trong nhiều năm qua”34. Với tất cả những tội ác mà chính quyền gia đình trị của Diệm đã gây ra cho Phật giáo và nhân dân Việt Nam, chỉ sau đó không lâu họ đã nhận lại bài học thích đáng cho dã tâm của mình.

C. KẾT LUẬN

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Phật giáo Việt Nam đã chịu không ít những thăng trầm, biến đổi và cả những đấu tranh để sinh tồn. Qua đó mới thấu hết tấm lòng, sự hy sinh cao cả của những bậc tôn túc, những Phật tử thuần thành đã một lòng vì đạo pháp, vì quê hương dân tộc. Họ đã nằm xuống, chấp nhận quyết tử cho đạo pháp, tổ quốc tồn sinh. Chư vị ấy là những tấm gương sáng ngời nhân cách cao cả mà thế hệ hậu lai luôn tri ân và ngưỡng vọng tôn thờ.

Ngọn lửa bi hùng của Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như những ngọn lửa thiêng tiếp nối bùng cháy năm 1963 không chỉ để đòi lại sự công bằng, bình đẳng và tự do cho Phật giáo, mà còn giành lại quyền được sống an lành, hạnh phúc và bình yên trong một quốc gia. Cuộc đấu tranh bất bạo động này của Phật giáo được sự ủng hộ, đồng tình của toàn dân và sự quan tâm, cảm thông, chia sẻ của toàn thế giới, khiến Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông không thể không thức tỉnh và e dè. Sự kiện lịch sử năm 1963 trở thành tiền đề, cũng là cơ duyên để chư vị tôn túc đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo, để đạo Phật phát triển rực rỡ như ngày hôm nay.

SC.NCS. Nhuận Bình
Nghiên cứu sinh chuyên ngành Phật học khóa I, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh
Tham luận tại hội thảo về chủ đề: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước” vào ngày 04-11-2021 tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH

1 Phan Huy Lê, “Hồ Chủ tịch với dòng văn hóa Phật giáo Việt Nam”, Nội san Nghiên cứu Phật học, số đặc biệt kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 1-1991, tr.9.
2 John Guilmartin (1991), America in Vietnam, New York: Military Press, p.69.
3 Trần Văn Giàu (1966), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb Khoa học, Hà Nội, tr. 342.
4 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1985), Những sự kiện lịch sử Đảng, tập III, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, tr. 268.
5 Giao Hưởng, “Những bóng hồng của dinh Độc Lập – “Trái Đắng” của hai dòng họ”, Thanh niên, ngày 22-4-2010. https://thanhnien.vn/thoi-su/nhung-bong-hong-cua-dinh-doc-lap- trai-dang-cua-hai-dong-ho-420290.html (truy cập ngày 30-3-2021).
6 Lê Cung, Bàn thêm về phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. http://www.chuyenlu- an.net/index.php?option=com_content&view=article&id=2255:ban-them-v-phong-trao- pht-giao-vit-nam-nm-1963&catid=102:khao-cuu&Itemid=4 (Truy cập ngày 30-3-2021).
7 Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 248.
8 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb Phương Đông, tr. 74.
9 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 75.
10 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 82.
11 Nhiều tác giả, “1963-2003, bốn mươi năm nhìn lại”, Giao Điểm 2003, tr.126.
12 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 96.
13 Minh Không Vũ Văn Mẫu (1984), “Sáu tháng pháp nạn, 1963”, bản Ronéo, tr.322-324.
14 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 92. 15 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 92. 16 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 93.
17 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 94-95.
18 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 95.
19 Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%E1%BB%A9c (Truy cập ngày 11/5/2021).
20 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 90.
21 Nhiều tác giả, sđd, tr. 147.
22 Malcolm W.Browne, “The New Face of War”, p.263.
23 Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), sđd, tr. 98.
24 Nhiều tác giả, sđd, tr. 136. 25 Nhiều tác giả, sđd, tr. 141. 26 Nhiều tác giả, sđd, tr. 138. 27 Nhiều tác giả, sđd, tr. 133.
28 Nhiều tác giả, sđd, tr. 134.
29 Nhiều tác giả, sđd, tr. 138.
30 Trương Văn Chung và tg khác Chủ Biên (2013), sđd, tr. 99. 31 Trương Văn Chung và tg khác Chủ Biên (2013), sđd, tr. 99. 32 Trương Văn Chung và tg khác Chủ Biên (2013), sđd, tr. 99.
33 Trương Văn Chung và tg khác Chủ Biên (2013), sđd, tr. 99.
34 Trương Văn Chung và tg khác Chủ Biên (2013), sđd, tr. 99.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1985), Những sự kiện lịch sử Đảng, tập III, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội.
John Guilmartin (1991), America in Vietnam, New York: Military Press, p. 69.
Lê Duẩn (1985), Thư vào Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. Malcolm W.Browne, “The New Face of War”, p. 263.
Minh Không Vũ Văn Mẫu (1984), “Sáu tháng pháp nạn, 1963”, bản Ronéo.
Nhiều tác giả, “1963-2003, Bốn mươi năm nhìn lại”, Giao Điểm 2003. Phan Huy Lê, “Hồ Chủ tịch với dòng văn hóa Phật giáo Việt Nam”,
Nội san Nghiên cứu Phật học, số đặc biệt kỷ niệm lần thứ 100
ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 1-1991.
Trần Văn Giàu (1966), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập II, Nxb Khoa học, Hà Nội.
Trương Văn Chung và tác giả khác (Chủ biên) (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb Phương Đông.
Giao Hưởng, “Những bóng hồng của dinh Độc Lập – “Trái Đắng” của hai dòng họ”, Thanh niên, ngày 22-4-2010. https://thanhnien. vn/thoi-su/nhung-bong-hong-cua-dinh-doc-lap-trai-dang- cua-hai-dong-ho-420290.html (truy cập ngày 30-3-2021).
Lê Cung, Bàn thêm về phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963. http://www.chuyenluan.net/index.php?option=com_ content&view=article&id=2255:ban-them-v-phong-trao- pht-giao-vit-nam-nm-1963&catid=102:khao-cuu&Itemid=4 (Truy cập ngày 30-3-2021).
Xemhttps://v i.w i kipedia. org/w i ki/Th%C3%ADch_ Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%E1%BB%A9c (Truy cập ngày 30-3-2021).

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường