NNC.Vu Gia Trung tâm Nghiên cứu Phật học Việt Nam

1. Dẫn nhập

Bao đời qua, nhân dân ta rất sợ chuyện trùng tang, nên khi nhà có người vừa tắt thở liền đi đến những thầy bói, thầy cúng trong làng xem ngày giờ tẩm liệm, động quan, hạ huyệt. Nhiều người cho rằng việc làm ấy là để cho con cháu yên ổn làm ăn, có cuộc sống ngày một sung túc. Nhưng có không ít người cho rằng chuyện con cháu có phần phước của con cháu, nên việc xem ngày giờ trước khi đưa người qua đời về với tổ tiên chủ yếu là tránh việc trùng tang.

Theo quan niệm dân gian, trùng tang là hiện tượng người thân trong gia đình vừa qua đời, sau đó là những cái chết liên tiếp đột ngột xảy ra trong thời gian ngắn. Việc trùng tang không phải nói chơi mà là việc có thật, nhiều người thấy, nhiều người nghe, không tin không được. Tránh voi chẳng xấu mặt nào, người ta kiêng thì mình cử, chẳng có ai chê trách, nói ra nói vào. Miệng đời độc lắm, không khéo ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của những người tại thế, bởi sự lo nghĩ không đâu vào đâu. Xưa nay, cái gì không biết mới là cái đáng sợ nhất. Và việc lo sợ tang chồng lên tang đến nay vẫn chưa hết.

Ngay cả các cơ sở thờ tự của các tôn giáo, liên tục có tang chồng tang, chắc chắn không mấy người dám đặt chân đến, dù có viện đủ lý do, đủ chứng cứ khoa học.

2. Góp phần rửa trừ phiền não

Trong bài viết “Truyền thuyết về chùa Liên Phái và bùa trùng tang nổi tiếng tại Hà Nội”, đăng trên trang mạng phatgiao.org.com, ngày 24/5/2019, Thiện Ngôn cho biết: “Theo truyền thuyết, lúc còn sinh thời Lân Giác Thượng sư chứng kiến rất nhiều những cái chết liên tiếp trong gia đình và dòng họ trong một thời gian ngắn, ngày nay vẫn gọi là hiện tượng “trùng tang”. Chính vì lo sợ những điều chẳng lành, ngài đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang.

Lân Giác thượng sư ngoài xây dựng chùa Liên Phái, ngài còn cho khởi công xây dựng chùa Hàm Long tại Bắc Ninh. Ngày nay, chùa Liên Phái là chùa chính chuyên để giải trùng tang và bốc bát hương thờ gia tiên. Còn chùa Hàm Long là nơi chuyên để nhốt trùng tại tỉnh Bắc Ninh.

Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc dân chúng đến xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Thường người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt. Chùa Liên Phái và chùa Hàm Long có một mối quan hệ mật thiết bởi đều do sư tổ Hòa Thượng Trịnh Thập (Như Trừng Lân Giác) phát tâm xây dựng”[1].

Nghe vậy, không ít người lấy làm lạ, vì đạo Phật chỉ đường dẫn lối cho con người thoát khỏi bến mê cập vào bờ giác; những tín đồ đạo Phật chỉ quy y Phật, Pháp, Tăng, không quy y ngoại đạo tà giáo, không quy y trời thần quỷ vật, không mê tín dị đoan,… Kinh Địa Tạng có kể câu chuyện về một hiếu nữ Ba-la-môn được Phật chỉ dạy cách đi tìm mẹ. Khi gặp chúa quỷ, hiếu nữ Bà-la-môn hỏi: “Mẹ tôi mới mất, không biết nghiệp thức thác sinh chỗ nào?”. Chúa quỷ hỏi rằng: “Mẹ cô khi sống quen tạo nghiệp gì?”. Thánh nữ thưa rằng: “Thân mẫu của tôi, dị đoan mê tín, khinh chê Tam Bảo, có lúc tạm tin rồi lại bất kính, chết mới mấy ngày không biết bây giờ thác sinh về đâu?”[2].

Thế nhưng, văn bản viết về đạo Phật đầu tiên ở nước ta là cuốn Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, viết vào những năm cuối thế kỷ thứ 2, có khác biệt khi hiểu về Phật, trong đó có đoạn Mâu Tử trả lời một số thắc mắc của người đương thời:

“Hỏi: Sao chính gọi là Phật? Phật có nghĩa gì?

Mâu Tử đáp: - Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn đươc, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy”[3].

Thời của Tổ Như Trừng – Lân Giác là thời Hậu Lê (vua Lê – chúa Trịnh), nên “Sự học hành về đời Hậu Lê, thì đại khái cũng giống như đời Tiền Lê, trong nước ở đâu cũng lấy Nho học làm trọng”[4]. Và ông Tổ của đạo Nho là Khổng Tử thì không tin quỷ thần.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết. Ảnh: St

Luận ngữ có đoạn: “Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?”. Viết: “Cảm vấn tử”. Viết: “Vị tri sinh, yên tri tử””. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Quý Lộ hỏi đạo thờ quỷ thần. Khổng Tử đáp: “Chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần?”. Lại hỏi: “Con mạo muội hỏi về sự chết”. Đáp: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?”[5]. Trong lúc đó, đạo Phật tin có nhiều cõi trời thần quỷ vật. Kinh Địa Tạng có viết: “Sau khi đức Phật phát ra vô số âm thanh mầu nhiệm, hàng ngàn trời, rồng, ma quỷ, thần linh ở cõi Ta-bà và hành tinh khác đều đến hội hợp tại cung Đao Lợi. Loài trời bao gồm trời Tứ thiên vương, cõi trời Đao-lợi, trời Tu-diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, cõi trời Hóa lạc, Tha hóa tự tại; cõi trời Phạm chúng, cõi trời Phạm phụ, cõi trời Đại phạm; cõi trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, cõi trời Quang âm; cõi trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, cõi trời Biến tịnh; cõi trời Phước sinh, cõi trời Phước ái, cõi trời Quảng quả; cõi trời Vô tưởng; cõi trời Vô phiền, cõi trời Vô nhiệt, cõi trời Thiện kiến, cõi trời Thiên hiện, trời Sắc cứu cánh; trời Đại tự tại, trời Phi phi tưởng.

Ngoài các thiên chúng, còn có các thần ở quốc độ này và quốc độ khác cùng đến hội hợp. Trong đó gồm có thần biển, thần sông, thần rạch, thần cây, thần núi, thần đất, thần suối, thần lúa, thần ngày, thần đêm, thần chủ không gian, thần chủ thiên giới, thần chủ ẩm thực và thần thảo mộc. Có các quỷ lớn ở cõi Ta-bà và cõi khác như quỷ vương Mắt dữ, quỷ vương Ăn huyết, quỷ vương Ăn tinh, quỷ Ăn thai trứng, quỷ Gây hành bịnh, quỷ vương Trừ độc, quỷ vương Từ tâm, quỷ vương Phước lợi, quỷ vương Ái kính”[6].

Do đó, trong quá trình tu tập và hoằng pháp, Tổ Như Trừng – Lân Giác “đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang” như trong bài viết của Thiện Ngôn đã dẫn ở trên, cũng không lấy gì làm lạ, bởi không đi chệch hướng lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Nghĩa: “Nước, nước nào cũng đều rửa được; mà nước giếng chẳng phải nước ao, nước ao chẳng phải nước sông; nước khe rãnh chẳng phải nước biển. Như vậy đức Thế Hùng đối với pháp tự tại ra các pháp cũng như vậy. Nói trước, giữa, sau đều năng rửa trừ phiền não cho chúng sanh”[7]. Lời dạy này cho thấy dùng phương tiện nào cũng được, một khi góp phần rửa trừ được phiền não cho chúng sanh chính là công đức vô lượng vậy.

3. Mật giáo trong Thiền phái Trúc Lâm

Sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ, cho biết Tổ Như Trừng Lân Giác “tên Trịnh Thập con của Phổ Quang Vương, sanh ngày mùng 5 tháng 5 năm Bính Tý nhằm niên hiệu Chính Hòa thứ mười bảy (1696). Trên trán Sư có góc hình như chữ nhật.

Lớn lên, vua Lê Hy Tông gả Công chúa thứ tư cho Sư. Tuy thân sống trong lầu son gác tía, mà tâm hằng gởi gắm trong cửa thiền. Sư có tư dinh tại huyện Thọ Xương ở phường Bạch Mai - Hà Nội, khu đất vườn ao sáu mẫu. Ở sau vườn có gò đất cao chừng bảy tám thước.

Một hôm, Sư sai quân gia đào gò đất ấy xuống tận dưới sâu để làm ao thả cá vàng. Quân gia chợt thấy một cọng sen lớn, đến trình với Sư. Sư cho đó là điềm đi xuất gia. Nhân điềm cọng sen này, Sư liền cải gia vi tự (đổi nhà làm chùa), đặt tên là Liên Tông, viện tên Ly Cấu. Từ đây, Sư quyết chí tham thiền.

Một hôm, Sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được nhà vua chấp thuận. Ngày ấy, Sư đi thẳng đến huyện Đông Triều lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đảnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia”[8].

Như vậy, Tổ Như Trừng Lân Giác thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái này do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Thiền phái Trúc Lâm là thiền phái đầu tiên của người Việt và theo Bách khoa toàn thư mở, thiền phái này “là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỷ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa-lưu-chi cùng với sự pha trộn ảnh hưởng của Tông Lâm Tế. Với việc lập ra phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông đã thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối”[9].

Qua Thiền uyển tập anh, chúng ta được biết ngài Tì-ni-đa-lưu-chi, người Ấn Độ đến nước ta tu ở chùa Pháp Vân (Bắc Ninh ngày nay). Thiền uyển tập anh ghi: “Đến tháng 3 năm Canh Tý đời Chu Đại Tường thứ 2 (580), Sư đến đến nước ta ở tại chùa đó, lại dịch ra kinh Tổng Trì, 1 quyển”[10].

Kinh Tổng Trì có ảnh hưởng như thế nào đến Phật giáo Việt Nam?

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang đã cung cấp cho chúng ta những thông tin khá thú vị: “Kinh Tổng Trì là một kinh về Mật giáo. Sự có mặt của yếu tố Mật giáo trong thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những đặc điểm của thiền phái này.

Mật giáo là giai đoạn phát triển thứ ba của tư tưởng Phật giáo đại thừa ở Ấn Độ (giai đoạn thứ nhất là Bát Nhã, giai đoạn thứ hai là Duy Thức). Giai đoạn này bắt đầu là từ thế kỷ thứ tư, trở nên hưng thịnh từ đầu thế kỷ sau, đến giữa thế kỷ thứ tám thì được hệ thống hóa trong một truyền thống gọi là Kim Cương thừa (Varayana). Từ Kim Cương thừa xuất hiện nhiều hệ thống Mật giáo, trong đó có hệ thống Sahajayana mà giáo lý là thực hành rất giống với thiền, nhấn mạnh đến sự quan trọng của thiền tọa, của trực giác bồ đề, và sử dụng những hình ảnh cụ thể và những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ.

Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát nhã, đồng thời cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian Ấn Độ. Về phương diện sau này, Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn”[11].

Nói tới tín ngưỡng dân gian, thì ở đâu cũng thế chứ không riêng gì Ấn Độ. Thuở bình minh lịch sử, con người đối diện với thiên tai dịch bệnh nên ai nấy đều lo sợ, đều bất an trước những hiện tượng lạ lùng, nguy hiểm mà chưa ai giải thích được, nên thuyết Vạn vật hữu linh (animism: còn gọi là thuyết Duy hồn, thuyết Vật linh) từng bước hình thành.

Với họ, tất cả những gì chung quanh, như đất đá, cỏ cây, sinh vật… đều có linh hồn, đều có sự linh thính, cần tôn trọng để giữ bình yên cho mình, cho gia đình, cho xóm làng, rộng hơn là cho một tộc người, một quốc gia.

Người Việt chúng ta cũng thế, họ tôn trọng, hương khói từ Ông Bình vôi đến Ông Kiềng, Ông Mốc, Ông Mãnh, Ông Tý… trên tinh thần tránh voi chẳng xấu mặt nào; mua đường vắng cho yên, sinh sự sự sinh chứ chẳng ích lợi gì.

Kỉnh nhơn nhơn thường kỉnh là như thế, cho nên Mật giáo đi vào lòng quần chúng cũng là chuyện tự nhiên nhi nhiên.

Ngày đó, phương tiện đi lại khó khăn muôn vạn phần so với bây giờ, thế nhưng tu sĩ Phật giáo Việt Nam cũng có người lên đường qua tận Thiên Trúc (Ấn Độ) cầu học, trở về phục vụ đạo pháp và dân tộc là điều đáng kính nể, góp phần làm cho Mật giáo thịnh hành hơn.

Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang cho biết: “Trong số những người đi du học Ấn Độ, có thiền sư Sùng Phạm (mất 1087) đệ tử của thiền sư Vô Ngại tại chùa Hương Thành. Sùng Phạm thuộc thế hệ thứ 11 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ông ở lại Ấn Độ chín năm, sau khi về nước ông mở trường dạy tại chùa Pháp Vân, đệ tử theo học rất đông, trong số đó có thiền sư Đạo Hạnh sau này rất nổi tiếng về phù chú Mật giáo (Đạo Hạnh cũng lên đường đi Ấn, nhưng chỉ tới Miến Điện thì quay trở về; sau đi tìm thầy gặp được Sùng Phạm). Vua Lê Đại Hành nhiều lần triệu thỉnh Sùng Phạm vào kinh khuyết để tham khảo đạo Phật. Đạo phong của Sùng Phạm còn khiến cho vua Lý Nhân Tông sau này làm một bài kệ tán ca tụng:

Tên Sùng Phạm, nhưng người Nam Quốc

Phật trường về đỗ được Tâm Không

Tai dài tướng tốt đoan trang

Hạnh ngôn đúng pháp trăm đường không chê

(Sùng Phạm cư Nam Quốc

Tâm Không cập đệ quy

Nhĩ trường hồi thụy chất

Pháp Pháp cái ly vi)

Sùng Phạm còn có một đệ tử khác tên là Trì Bát (mất 1117) thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái. Trì Bát cũng học với Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân. Thiền học của Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo. Trong bài kệ thị tịch nói về sinh tử, Trì Bát đã kết thúc bài kệ bằng một câu mật ngữ “án tô rô tô rô tất trị””[12].

Nếu “Mùa Hạ năm Mậu Thân (1728), ngài phát tâm viết kinh “Thập nguyện cứu sinh” để tụng trì”[13] như văn bia “Cứu sinh Trịnh tổ lục bi” hiện có trong khuôn viên chùa Hàm Long đã ghi, thì đã đi vào cuộc sống 295 năm, mãi đến “Ngày nay, chùa Liên Phái là chùa chính chuyên để giải trùng tang và bốc bát hương thờ gia tiên. Còn chùa Hàm Long là nơi chuyên để nhốt trùng tại tỉnh Bắc Ninh.

Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội về việc dân chúng đến xem trùng tang và cho bùa trùng tang. Thường người Hà Nội hay về đây để xem người thân mất có trùng tang hay không và xin ngày giờ liệm, ngày giờ hạ huyệt. Chùa Liên Phái và chùa Hàm Long có một mối quan hệ mật thiết bởi đều do sư tổ Hòa Thượng Trịnh Thập (Như Trừng Lân Giác) phát tâm xây dựng”[14].

Lý giải chuyện này như thế nào?

Nhân dân ta còn sống trong thời kỳ mông muội? Trình độ dân trí của ta còn thấp kém? Ánh sáng văn minh chưa soi rọi tới đất nước này? Những cái được gọi là khoa học đều xa lạ với dân ta?...

Những ngày hôm nay, chắc chắn không ai đồng ý với những câu hỏi như thế và tương tự như thế, bởi những câu hỏi ấy không còn đúng với sự thật.

4. Bố thí pháp của Tổ Như Trừng Lân Giác

Theo các tư liệu hiện tồn, thì Tổ Nguyên Trừng Lân Giác “lập chùa Hộ Quốc ở phường An Xá tại bản huyện. Sau lại chọn được Giác Sơn ở Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh tạo ngôi đại già-lam chùa hiệu Hàm Long. Sau này cho đệ tử Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long”[15]. Nhưng trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn không thấy tên chùa Liên Phái/ Liên Tông hoặc chùa Hộ Quốc, chỉ thấy ghi mỗi chùa Hàm Long ở tỉnh Bắc Ninh: “Chùa Hàm Long: ở sơn phận xã Lam Sơn, huyện Quế Dương, có tháp đá cao chừng 1 trượng, phía đông núi có 2 hốc đá, nước chảy không bao giờ cạn. Tương truyền đấy là chỗ tu hành của sư Dương Không lộ”[16].

Nhân vật Dương Không Lộ, theo Bách khoa toàn thư mở: “Không Lộ sinh ngày 13 tháng 9 năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) đời Lý Thái Tổ, tại doi đất sau này được gọi là làng Lại Trì, phủ Kiến Xương (Thái Bình).

Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Không Lộ là một Thiền sư triều nhà Lý được phong làm Quốc sư, đã từng tu ở các chùa: Hà Trạch, Diên Phúc (sau đổi Viên Quang), Nghiêm Quang (sau đổi Thần Quang – chùa Keo), Chúc Thánh. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.

Ngày mùng 3 tháng 6 năm Giáp Tuất, niên hiệu Hội Phong 3 (1094), thiền sư Không Lộ hóa thọ 79 tuổi.

Gia đình Dương Không Lộ sống ở làng Lại Trì, chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều nơi danh lam thắng cảnh, tuỳ hứng ngâm vịnh và sáng tác thơ ca.

Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Ban đầu ông theo học Noãn cư sĩ làng Bảo Tài (chưa rõ nay ở đâu). Sau ông đắc đạo, trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở nước ta vào đầu thế kỷ thứ IX.

Năm Đinh Dậu (1057) ông chuyển sang theo học thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường thiền sư từng nhận xét về học trò Không Lộ của mình: "Chú này cốt cách phi phàm, sau này tất làm pháp tự". Quả nhiên về sau, Không Lộ trở thành Tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường”[17].

Nếu chùa Hàm Long “là chỗ tu hành của sư Dương Không Lộ” như sách Đại Nam nhất thống chí đã viết thì so với các tư liệu đã hiện tồn thì có chỗ không khớp bởi sư Dương Không Lộ và Tổ Như Trừng Lân Giác cách nhau những mấy trăm năm.

Nếu chùa Hàm Long thờ sư Dương Không Lộ thì chúng tôi không có ý kiến, vì sư “Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường”. Chẳng những vậy, trong quá trình tu hành, ngài Dương Không Lộ không chỉ “Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông mà còn là “Tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường” như Bách khoa toàn thư mở đã ghi. Và hai thiền phái này kết hợp với thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm mà Tổ Như Trừng Lân giác đã tu học.

Nhưng thiền học Vô Ngôn Thông, Thảo Đường khác gì so với thiền học Tì-ni-đa-lưu-chi mà Sơ Tổ Trần Nhân Tông thấy cần phải kết hợp để hình thành Thiền phái Trúc Lâm của Đại Việt?

Theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang, “Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi hầu như chỉ chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ mà ít chịu ảnh hưởng Trung Hoa. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ”[18], còn “Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ, chủ trương con người có thể trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến”[19].

Thiền học Vô Ngôn Thông không có màu sắc Mật giáo, nhưng ở Việt Nam lại có ảnh hưởng Mật giáo khá quan trọng. Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang cho rằng “Ảnh hưởng ấy có thể thấy rõ ở các thiền sư Không Lộ, Giác Hải và Nguyện Học”[20].

Với thiền phái Thảo Đường, theo sách sử, “Kỷ Dậu, [Thiên Huống Bảo Tượng] năm thứ 2 [1069]. Mùa xuân, tháng 2, vua (Lý Thánh Tông) thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người”[21], trong số này có thiền sư Thảo Đường, thuộc truyền thống của thiền sư Tuyết Đậu – Minh Giác ở Trung Hoa. An Nam chí lược viết: “Thảo Đường theo sư phụ đến sống khách ở Chiêm Thành. Xưa Lý Thánh Vương đi đánh Chiêm Thành, bắt được, đem cho vị Tăng lục làm đứa ở. Vị Tăng lục viết Ngữ lục, để trên bàn mà đi, Sư lén sửa lại. Vị Tăng lục lấy làm lạ về đứa ở, đem tâu vua. Vua bèn phong làm Quốc sư”[22].

“Thiền sư Thảo Đường trụ trì tại chùa Khai Quốc, ngay ở kinh thành Thăng Long”[23] và “đã giảng Tuyết Đậu Ngữ Lục nhiều lần tại chùa Khai Quốc, khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca đã từ đó ảnh hưởng tới hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thiền sư Minh Trí (mất 1190) và Quảng Nghiêm (mất 1190) của phái Vô Ngôn Thông chẳng hạn, đã rất hâm mộ Tuyết Đậu Ngữ Lục. Các thiền sư Viên Chiếu (mất 1090) và Trí Bảo (mất 1190) của phái Vô Ngôn Thông và thiền sư Chân Không (mất 1100) của phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi là những người đã chịu ảnh hưởng nhiều về khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca của phái Tuyết Đậu. Sau này thiền phái Trúc Lâm của đời Trần còn tiếp tục chịu ảnh hưởng này”[24].

Với những tóm lược cơ bản về ba thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm của Đại Việt và Tổ Như Trừng Lân Giác – đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm “đã viết ra bộ kinh “Thập nguyện cứu sinh” cùng với bộ ván làm bằng gỗ khắc bùa giải giúp cho những vong hồn đã khuất được siêu thoát, tránh hiện tượng trùng tang” cũng là chính pháp.

Hiện nay, chùa Liên Phái (Hà Nội) là chùa chính chuyên để giải trùng tang và bốc bát hương thờ gia tiên, còn chùa Hàm Long (Bắc Ninh) là nơi chuyên để nhốt trùng cũng là theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, chứ chẳng phải mê tín dị đoan, tà ma ngoại đạo gì.

Đức Phật có dạy: “Đem của bố thí làm cho chúng sinh mến, đem pháp bố thí thường được thế gian kính trọng. Thí của được kẻ ngu mến, thí pháp được người trí trọng, thí của phá trừ cái nghèo cùng về của, thí pháp phá trừ cái nghèo cùng về công đức. Hai món thí này ai chẳng kính trọng. Cho của cho vui hiện tại; cho pháp là cho vui Niết Bàn tương lai. Người có lòng bi hay thương tất cả chúng sanh, mà thương chúng sanh tức là thương mình vậy”[25].

Bách thế luân hồi là thế nào, không được siêu thoát là thế nào, chỉ cần tâm tự tại không thẹn với lòng, ngưỡng mặt không thẹn với trời, cúi mặt không xấu hổ với đất là mãn nguyện rồi, cần gì lo nghĩ xa xôi. Có đời mới có đạo, tâm thành thì linh. Gặp những việc không thể nhìn thấu huyền cơ bên trong thì biện pháp tốt nhất chính là lặng lẽ theo dõi kỳ biến.

Thiên đạo không bằng nhân đạo. Trời có phong vân bất trắc; người có chìm nổi đa đoan, nhất niệm thành thần, chớp mắt nhập ma. Chung quy ai cũng phải nhảy qua thế đạo luân hồi, nên chớ câu chấp quá mà hỏng việc.

NNC.Vu Gia Trung tâm Nghiên cứu Phật học Việt Nam

*** Chú thích: [1] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng, ngày 24/5/2019. [2] Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr19-20. [3] https://thuvienhoasen.org/a24472/b-ban-dich-ly-hoac-luan [4] Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr338. [5] Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ, Nxb. Văn học, Hà Nội,tr184. [6] Kinh Địa Tạng, sđd, trang 9-10. [7] Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch,  Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr149. [8] https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696--1733-doi-phap-thu-37-tong-lam-te [9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm [10] Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb.Hồng Đức, Hà Nội, tr240. [11] Nguyễn Lan (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1,2,2, Nxb.Văn học, Hà Nội, tr125-126. [12] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr128-129. [13] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 [14] https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-d35175.html#, ngày 24/5/2019. [15] https://thientruclam.info/ht-thich-thanh-tu/thien-su-viet-nam/thien-su-nhu-trung-lan-giac-1696--1733-doi-phap-thu-37-tong-lam-te [16] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính,  Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr134. [17] https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Không_Lộ [18] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr145. [19] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr156. [20] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr172. [21] Ngô Đức Thọ dịch và chú thích (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, tr291. [22] Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, sđd, tr485. [23] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr180. [24] Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr181-182. [25]Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr153.

Tài liệu tham khảo chính: 1. Dương Tú Hạc (2012), Kinh Lời vàng, HT. Thích Trí Nghiêm dịch, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội 2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Dương_Không_Lộ 3. https://thientruclam.thien-su-nhu-trung-lan-giac-phap-thu-37-tong-lam-te 4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thiền_phái_Trúc_Lâm 5. Lê Mạnh Thát (2021), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 6. https://thuvienhoasen.org/a24472/b-ban-dich-ly-hoac-luan 7. Ngô Đức Thọ dịch và chú thích(2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 8. Nguyễn Hiến Lê (1995), Luận ngữ, Nxb. Văn học, Hà Nội. 9. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, 3 tập, Nxb. Văn học, Hà Nội 10. http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2177&Catid=478 11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 12. Thích Nhật Từ soạn dịch(2017), Kinh Địa Tạng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội. 13. https://phatgiao.org.vn/truyen-thuyet-ve-chua-lien-phai-va-bua-trung-tang-noi-tieng-tai-ha-noi-d35175.html#, ngày 24/5/2019. 14. Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.