Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ khóa 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Triều đại nhà Trần được coi là thời đại hưng thịnh, các chính sách trị nước an dân, văn hóa, xã hội, kinh tế, đời sống, văn chương đều có sự phát triển. Trong đó, Phật giáo có những yếu tố phát triển khá đặc biệt, trong giai đoạn này đã hình thành khái niệm đạo Phật mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Một trong những người có công lớn đối với triều đại này là Trần Thái Tông, vốn là vị vua đầu tiên và cũng là người đã đặt nền móng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời để sau này Trần Nhân Tông là người kế thừa phát triển. Trần Thái Tông viết nhiều tác phẩm, trong đó Khóa Hư Lục nổi bậc nhất, người đời còn gọi nó là Khóa Hư Kinh. Đặc biệt với bút pháp nghệ thuật viết văn luận thuyết có thể nói, đây là một tác phẩm mang tầm quan trọng trong văn học thời Lý – Trần nói riêng, văn học Phật giáo Việt nam nói chung.
“Khóa Hư Lục” với nội dung tư tưởng triết lý đại thừa Phật giáo, mục đích tác phẩm mang tính giáo dục quần chúng. Không những vậy, đây còn là tác phẩm nói lên nỗi niềm thao thức khổ đau và sự giác ngộ của một người mang trách nhiệm với bản thân cũng như với mọi người. Khóa Hư Lục tên đầy đủ là “Trần Triều Thái Tông Ngự Chế Khóa Ngữ Hư Lục” là tác phẩm được Trần Thái Tông ấp ủ dự kiến cho ra đời từ nhiều năm trong cuộc thăng trầm thế sự. Nội dung tác phẩm này bộc lộ rõ những suy tư, trăn trở của tác giả, ngoài ra còn là sự kết tinh nhuần nhuyễn giữa tinh thần Phật giáo với sự kiện phũ phàng trong gia đình của tác giả. Những đau khổ nội tâm mà tác giả phải chịu đựng trong thời trai trẻ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vua quyết tâm học Phật và tu thiền.
Khóa Hư Lục là sản phẩm của bao tháng tư duy và thực hiện tự thân để rồi hình thành một công án tu tập vừa thực tiễn vừa cao siêu, vừa tùy duyên bất biến khi thì bằng những hình ảnh thiên nhiên diễm lệ, lúc thì bằng hiện thực thân tứ đại phô trần. Tác giả đã hình thành một triết học uyên thâm – sống động, cụ thể, có thể nói Khóa Hư Lục có giá trị về mặt Phật học và Thiền học nên được phổ biến trong nhân dân, được trì tụng hàng ngày. Vì vậy mà tác phẩm văn học này được tôn vinh như một quyển kinh, thường được gọi là “Khóa Hư Lục Kinh”, tác phẩm này chính là viên ngọc quý trong kho tàng văn học nước ta nói chung và Phật giáo nói riêng.
Về ý nghĩa tựa đề của Khóa Hư Lục, Khóa: Có nghĩa là thời khóa tu dưỡng thân tâm trong sáu thời ngày và đêm để sám hối sáu căn và ba nghiệp. Hư: Tâm hư học đạo có nghĩa là tâm thanh tịnh trống rỗng không bị bụi trần bám vào. Lục: ghi chép. Học giả Thiều Chửu định nghĩa: “Khóa” là bài học “Hư” là rỗng không nhưng ý nghĩa sâu xa là bài học về sự khiêm tốn, tự biết mình ngu si, mê muội nên cố gắng tu tập, nỗ lực tinh tấn mới thấu được cái hay của Thánh hiền, nhằm tẩy sạch lòng trần đạt đến giác ngộ.
Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng: “Khóa nghĩa là sự hành trì, học tập. Chữ Hư có nghĩa là với thái độ không chấp vào giáo điều. Nhu yếu của “khóa” là sự siêng năng thực tập thiền học không để luống qua vô ích. Nhu yếu của “Hư” là sự phá chấp không kẹt vào khái niệm hình thức. Hai nhu yếu tổng hợp lại thành tinh thần thực tiễn và khai phóng của đạo Phật: Thực tiễn một cách tinh tiến đạo lý giác ngộ trong tinh thần phá chấp tự do và vô niệm…”.
Tóm lại “Khóa Hư Lục” là những bài được ghi chép lại về phương pháp tu tập để đạt tới chân không giác ngộ. Về mục đích “Khóa Hư Lục” nhằm nói lên nhân sinh quan Phật giáo tạo thành con người giác ngộ có những hành động chân chính và kết quả được an lạc và giải thoát trong cuộc đời, đó là biện chứng nhân sinh quan Phật giáo theo quan điểm của Trần Thái Tông.
Khóa Hư Lục là một tác phẩm văn học Phật giáo không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn có giá trị vô cùng to lớn về mặt nội dung tư tưởng. Bởi lẽ tác phẩm này được viết từ cuộc sống hiện thực của một con người sống vì hạnh phúc của nhiều người “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình”. Mặt khác, Khóa Hư Lục được viết bởi một vị minh quân, một thiền sư ngộ đạo nên nó có giá trị vô cùng to lớn không những về chính trị mà còn có giá trị về mặt nhân đạo sâu sắc.Xét về thời đại nào đi nữa thì giá trị của Khóa Hư Lục luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi tính học thuật, nhân văn, giác ngộ qua ngôn từ trong tác phẩm này. Chúng ta không chỉ nhận thấy một luồng sinh khí mới đang tuôn chảy, một chất men xúc tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, một nền chính trị xã hội vững mạnh, một nền đạo đức tối tôn cho nhân thế khi chạm đọc tác phẩm.
Tìm hiểu về tác phẩm Khóa Hư lục, có thể thấy nổi lên trên nhất là nghệ thuật luận thuyết. Cắt nghĩa chia chẻ, nghệ thuật viết văn là bài văn nói về chủ đề nội dung khá rộng, cũng giống phổ thuyết. Luận nghĩa bàn luận, mang ý kiến riêng của tác giả. Thuyết có phần thiên về khách quan. Tác phẩm Khóa Hư Lục, chủ yếu văn biền ngẫu là loại văn xuôi có đối, lời lẽ đanh thép, xen lẫn các thể loại, với ý nghĩa luận bàn về cuộc đời hư ảo, nhân sinh huyễn mộng. Dưới chủ thuyết Phật giáo, chân – giả hiển bày rõ ràng, con đường tu học cũng dần được nhìn nhận với lăng kính của vị Vua – Thiền sư Trần Thái Tông, qua tác phẩm. Mượn văn tả về chân đế hữu vi và chân đế vô vi là điều không dễ dàng, cũng khó có thể mô tả sự chứng đắc của bản thân Thiền sư, phổ cập tới quần chúng. Vậy nhưng, tác giả, bởi lòng từ bi rộng lớn, trí tuệ tu tập không xao lãng, luôn hun đúc lòng thương yêu chúng nhân, mà có thể lấy văn tải đạo.
Cũng như những nghệ thuật khác, văn chương là phản ảnh của thiên nhiên và xã hội. Để có những áng văn học đặc sắc của một thời lịch sử huy hoàng, việc vận dụng ngũ quan là điều cần yếu trong việc quan sát. Nhưng đứng trước nguồn tài liệu vô cùng của thiên nhiên, con người, vạn vật thì cần có phương pháp. Trần Thái Tông như một thi nhân nhìn về các “pháp” với con mắt chân đế, như nhà kiến trúc thấy được mặt trái của những công trình hoàn mỹ, như họa sĩ gia đánh giá về bức họa cuộc đời (kệ bốn núi). Những sống động tinh vi của bức tranh, nguy nga mỹ lệ của cảnh sắc, những âm thanh du dương giữa chốn cung thành, mấy ai có thể chối từ (mùa xuân, muôn vật trời trong, liễu thắm hoa hồng...). Đối với tác giả, có chứ, những cảm xúc, gợi lên hứng thú cầm bút, nhân duyên cảnh mà viết lên những áng văn tuyệt tác cõi nhân gian. Đến phút này, được mấy tác phẩm sánh ngang tầm vị thế đối với Khóa Hư Lục cả về nghệ thuật lẫn giá trị tư tưởng mà tác giả gửi gắm?
Hẳn nhiên cảm giác và ý tưởng, do cửa ngõ ngũ quan lọt vào tim óc, cất giữ nơi tàng thức Lại da, để rồi đủ ngày đủ tháng tác phẩm như cái phôi thai, được ấp ủ lớn lên mỗi ngày, đến lúc được ra đời, đã cho hậu lai được chiêm ngưỡng một kiệt tác, đóng vai trò không nhỏ với nền văn học nước nhà. Xét về tư tưởng nội dung tải hàm Phật giáo, ngoài loại hình luận thuyết thì cũng không thể ngoài khác với những quy cách đặc biệt, nguồn cảm hứng và cách quảng diễn riêng. Nhắc đến văn luận thuyết là lối văn quan hệ và cần thiết trong nghệ thuật viết văn cũng như trong đời sống thường nhật.
Đặc tính của bài luận thuyết là dùng lời văn thẳng và đơn để diễn tả những ý tưởng trừu tượng. Chính điều này, đem đến cho độc giả đường lối chính - tà, thêm rộng kiến văn (những trích dẫn lịch sử Trung Quốc. Từ con người thực tế đến thời đại bấy giờ, đem lại những bài học), giàu kinh nghiệm, trước có thể thêm lớn tinh thần (ý nghĩa cả đời lẫn đạo), sau có thể ứng dụng thực tế (nhận thức của bản thân, khi đứng trước một tình huống cần xử lý thông minh, hợp tình). Luận thuyết về nguyên tắc là lối văn trừu tượng và trực tiếp. Chủ đích của tác giả được nói thẳng thay vì nhiều ẩn ý như thể loại khác. Sử dụng phương pháp trừu tượng nhằm trực tiếp tạo âm hưởng ý nghĩa nhất đến tâm não người đọc. Điều thiết yếu của các nhà tu từ học, khi nói về văn luận thuyết chính là phương pháp lý luận (từ quyển thượng đến hạ).
Bàn về nghiên cứu khoa học thì dựa vào phân tích và tổng hợp thì tu từ lại căn cứ vào diễn dịch và quy nạp. Định nghĩa về diễn dịch tức là bắt đầu từ một ý tưởng bao quát, một ý tưởng nguyên tố mà suy rộng ra đến các điểm đi theo, bàn xét tới nhiều chi tiết. Tuy nhiên, cả hai lối diễn dịch và quy nạp đều có thể được trình bày theo Tam đoạn luận nghĩa là có ba vế: đại tiền đề, tiểu tiền đề và kết luận. Song song theo đó cũng có phương pháp là liên châu luận là chuỗi câu sau bắt đầu từ đuôi câu trước, như một mệnh đề được lặp lại nhằm nhấn mạnh vấn đề gốc và điều cần làm trong hiện tại.
Khóa Hư không lặp lại tuần hoàn câu từ nhưng ý nghĩa thì nối tiếp tạo thành một thể thống nhất nội dung (Thân là gốc khổ, chất là nghiệp nhân... quên chân, quên gốc, hiện ngụy, hiện hư...). Đó là một vài câu từ nối ý trong phần nhỏ, còn xét ở cách sắp xếp ở dàn bài của tác phẩm, cũng thể hiện mối liên hoàn trong tư tưởng từ lời răn ngũ giới theo thứ tự (bởi hợp với căn cơ chúng dân, sống giữa đời ô trọc, vì người xuất gia thì có đảo lại thứ tự các giới), sáu thời sám hối... Bên cạnh đó cũng sử dụng đến lưỡng đao luận, với những vấn đề ngược nhau, rồi cũng quy về điểm chung trong Phật giáo (cung điện Ma Vương lật đổ... gái đá trong nước múa điệu Bà sa, người gỗ thổi kèn hát bài khoản đãi, gặp trường bận rộn, được chốn thảnh thơi, hoặc thõng tay giúp đời, hoặc quay đầu đồng nội... đều là Chân như lý, vén cỏ hiện Bản lai...).
Xét về công dụng của hai lối thì diễn dịch khởi nguyên ở một sự kiện trừu tượng, thường vắn tắt, gọn gàng, mang tính chắc chắn, tuyệt đối (chia rõ từng nội dung: bàn về Giới Định Tuệ, thọ giới, niệm Phật, tọa Thiền, gươm tuệ giáo...rồi nội dung giải rõ từ định nghĩa đến hiện thực và thực hành).
Còn quy nạp lại khởi thủy từ những kinh nghiệm cụ thể, có phần hơi rườm rà nhưng cũng vững vàng tương đối (chủ yếu trong phần kết của từng nội dung đang bàn như về giới: cổ nhân lấy giới làm thuyền bè, người nay lại không nương vào giới để qua mà được đến bờ, sao có thể được...). Văn luận thuyết luôn rõ rệt và có chủ đích, muốn đạt tới chủ đích đặt ra cần nhận định chắc chắn về phương án hướng tới?. Chủ đích là ý tưởng chính đứng là trụ cột, bao nhiêu chi tiết, đều phải xoay quanh và quy hướng về nó nên gọi là luận chứng.
Luận chứng sẽ là rường cột chống đỡ mục đích mà ta chủ trương, từ đó sẽ làm cho bài văn trở nên mạnh mẽ, rõ ràng, bớt trừu tượng, không mơ hồ. Nhờ đó mà nơi mỗi lời văn đều gần gũi độc giả, để nhận thức được, mỗi câu nói đều vì bản thân người đọc văn mà khai thị, chỉ dẫn, tránh hiểu sai ý Tổ, chóng vánh quên đi bổn phận và nhiệm vụ cá nhân giữa chốn nhân gian phiền chướng che mờ. Những luận chứng luôn được khai thác ở bốn nguồn chính: kinh nghiệm, lịch sử, truyện vĩ nhân, văn chương. Hình thức văn luận thuyết, khiến cho người đọc có thể hiểu phần lớn tư tưởng của tác giả. Tất cả mỗi loại hình văn học sẽ có những đường lối sai biệt, cũng không tránh khỏi những ưu, nhược điểm nhất định, cần nhiều thời gian đưa đến hoàn mỹ nhất có thể.
Luận thuyết cũng vậy, với hai đức tính căn bản là văn từ sáng sủa, trong sáng như mặt gương, phản chiếu được tư tưởng tác giả, nhờ đó khiến độc giả có thể nhìn thấu tâm can người cầm bút. Thế mới biết, muốn đươc thế thì suy nghĩ cần chín, khi diễn đạt thấu tình tới lý, tiếng dùng phải gọn gàng, dứt khoát, tránh những sáo ngữ, kiểu cách, hay lời mơ hồ. Không cần hoa mỹ, mà đảm bảo được văn xuôi, đơn sơ và đích xác. Tức có thể là văn hồn nhiên trong sáng hoặc đanh thép nhịp nhàng, văn điệu du dương, ý tứ trung hậu, không dễ gì phân tích hết.
Đối ngược lại lối văn ưu điểm là khuyết điểm thông thường của luận thuyết ru ngủ, lối huấn hỗ dễ khiến cảm nhận kiêu kỳ, chán nản. Do lạm dụng những liên từ, thành ngữ hay nghiện những danh từ chuyên môn, triết học dễ dẫn đến sáo ngữ, tầm thường, mang tính khẩu hiệu hình thức.
Khác biệt nhất của lối văn luận thuyết trong Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông, không để vướng phải lỗi khuyết điểm trên bởi tính logic, luận lý khúc triết, mạch lạc, vấn đề được soi tỏ, đánh động tới tâm can người đọc khi có dịp tiếp xúc tác phẩm.Nhấn mạnh về nền văn hóa Nho học có thể đưa ra nhận định mang tính khái quát nhất của văn hóa Việt Nam, với tính đặc thù, đậm màu sắc dân tộc, tác phẩm một lần nữa khẳng định được giá trị chủ quyền văn hóa là như thế. Nho học chủ ở sự theo thiên lý mà lưu hành, cốt giữ cái tình cảm cho hậu, trọng đạo đức, nhân nghĩa, ưa chất phác, giản dị, gần gũi. Cái hay ở Khóa Hư Lục, được tác giả nhận thức trong cái văn hóa phương Đông, đặc biệt là Nho học Trung quốc thành của dân Việt mà không hề bị ảnh hưởng đồng hóa. Sự khẳng định chủ quyền dân tộc của ông Vua yêu nước, để lại ấn tượng riêng như một niềm tự hào, huy hoàng trong lịch sử, làm mới thêm văn hóa nước nhà. Điểm nghệ thuật của văn luận thuyết Khóa Hư Kinh, chính là nghệ thuật vị nhân sinh. Đây cũng chính là chủ thuyết nhân bản của đức Phật khi thị hiện cõi Sa bà. Điều này minh chứng cho giá trị, công dụng vì nhân sinh, giữa bối cảnh xã hội luôn bền với thời gian. Lại một lần nữa khẳng định được tính nhân văn sâu sắc, vừa lấy con người làm trung tâm chủ thể trong văn chương, vừa đưa hướng đến người đọc vị thế chung mà riêng của mỗi người để tự suy ngẫm. Nhờ nguyên tắc nghệ thuật này mà hậu học về sau khi khảo cứu lại lịch sử, có cơ hội hiểu thêm về đời sống, nhận thức, nếp sinh hoạt thời bấy giờ.
Qua đó cũng thấy rõ được tính chủ đích của văn luận thuyết, trước tiên đặt mục tiêu hướng tới độc giả là ai, đề tài muốn luận thuyết là gì. Đây là loại văn nghị luận tôn giáo nhằm biện luận, thuyết giảng về một vấn đề thuộc về triết học Phật giáo. Thể loại này xuất hiện vào đời Trần với tác phẩm Khóa Hư Lục nổi tiếng của Trần Thái Tông. Trong những bài văn nghị luận này, tác giả thường dùng so sánh, ẩn dụ với những hình ảnh hết sức sinh động, cụ thể để làm dẫn chứng. Cùng với lập luận chặt chẽ, cách dẫn dắt khéo léo, những dẫn chứng xác thực đã mang đến cho bài văn một sức thuyết phục mạnh mẽ. Sau mỗi đoạn hoặc cuối bài thường có thêm bài thơ minh họa với hình ảnh đầy sức gợi và giàu giá trị thẩm mỹ.
Văn học Phật giáo, đặc biệt là thơ thiền thời Lý - Trần, đã góp vào nền văn học dân tộc một thế giới nghệ thuật độc đáo có thể ví như một khu vườn kỳ thú. Ở đó thoạt nhìn, dường như chỉ một màu đạm, không trăm hoa khoe sắc, không ngào ngạt đưa hương, nhưng những sắc màu lung linh huyền diệu chỉ có thể được nhìn thấy bằng ánh sáng của tâm linh khi để lại ngoài cửa mọi phân tích, suy luận lý tính.
Khu vườn ấy càng đi sâu vào càng thấy mới lạ, thu hút không cùng. Bằng những quan niệm nhân sinh đầy ý nghĩa tích cực và giàu tính nhân văn – tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng, không phân biệt; Phật không ở bên ngoài, không có trong sách vở, mỗi người phải tự khơi dậy nội lực của chính mình, chân lý, Niết bàn không xa xôi mà ở ngay trong cuộc sống trần thế, con người cần tùy duyên để hành động cho phù hợp, không câu chấp… văn học Phật giáo thời Lý - Trần tuy cách xa chúng ta đã gần nghìn năm nhưng vẫn luôn gần gũi trong cuộc sống đời thường hôm nay, giúp con người trau dồi nghị lực, nhân cách, sống tốt, sống hạnh phúc và có nhiều cống hiến hữu ích. Mặc dù với đề tài văn học luận thuyết của tác phẩm Khóa hư lục của Trần Thái Tông, ngoài giá trị nghệ thuật cùng giá trị tư tưởng đem lại cho hậu học là tính nhân bản từ thời đức Thế Tôn đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa.
Xét về giá trị giải thoát, giác ngộ thì không chỉ có Vô sư trí bên trong mới chỉ dẫn Ta giác ngộ, mà những pháp trần bên ngoài cũng là nhân duyên ngộ đạo, chứ không tìm đâu xa, như Diễn Nhã chạy đi tìm đầu. Vốn dĩ, Phật – chúng sinh đồng một thể tính, chỉ mải mê chạy theo hình tướng tạm thời mà lầm nhận chân tâm. Tác phẩm quả thật vừa mang giá trị nghệ thuật văn học riêng và chung lại cũng không quên mục đích ban sơ là dĩ văn tải đạo đưa những người hữu duyên bừng tỉnh mộng.
Qua phần tìm hiểu về tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông đã giúp người viết cảm nhận sâu sắc về những giá trị của nền Văn học Phật giáo với những lời lẽ rất dung dị, nhưng lại chứa đựng biết bao nguồn giáo lý sâu xa thông qua hình ảnh nổi bật về một nhân cách sống của vị quân vương Đại Việt. Tác phẩm Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông chỉ cho chúng ta thấy sự vô thường, khổ, vô ngã của cuộc đời. Nhưng không phải nêu ra những vấn đề đó rồi bi quan yếm thế, chán nản như nhiều người đã hiểu lầm, ngược lại những sự thật đưa ra cốt yếu là nhắc nhở, cảnh tỉnh con người.
Nhìn chung, trong tác phẩm Khóa Hư Lục được thể hiện như là phương tiện phản ánh hiện thực mà Trần Thái Tông hướng tới. Với sự vận dụng tư duy triết học Phật giáo, tác phẩm đã mở ra một thế giới nghệ thuật luận thuyết độc đáo, phong phú. Đây là tác phẩm có giá trị về thiền học và Phật học được xem như một cuốn Kinh và được viết bằng chính sự trải nghiệm hiện thực của tác giả trước những đớn đau đã trải qua. Từ đó, tác phẩm khắc họa thành công hình ảnh con người với những hợp thể ngũ uẩn cho tới con người giác ngộ toàn diện với những phẩm hạnh cao quý vị tha rộng mở. Nhưng quan trọng hơn chính là hình ảnh con người nhập thế với một phong cách sống “lòng lặng mà biết”. Một cái thấy biết của sáng suốt, tận cùng khổ đau để hướng tới cuộc sống giải thoát cho mình và cho người. Tác phẩm là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai đang tìm về bến giác nhưng vẫn còn đắm chìm trong danh lợi đảo điên, thức tỉnh với thân ngũ uẩn mà tu tập giác ngộ trở thành con người toàn diện về mọi mặt. Không chỉ có vậy Khóa Hư Lục còn là kim chỉ nam cho những nhà lãnh đạo biết lấy “ước muốn của mọi người làm ước muốn của mình” để thiết lập đất nước được văn minh, giầu đẹp.
Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác Học viên Thạc sĩ khóa 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM
*** TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền Học Trần Thái Tông. NXB Văn Hoá Thông Tin Hà Nội. 2. Thích Thanh Từ (1996), Khoá Hư Lục Giảng Giải, GHPGVN, Ban Văn Hoá Trung Ương, Thiền Viện Thường Chiếu (ấn hành). 3. Cao Huy Giu dịch (2006), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội, NXB Văn Hóa Thông Tin. 4. Nguyễn Khắc Thuần (2002), Nước Đại Việt thời Lý – Trần, NXB Thanh Niên, TP. HCM. 5. Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh Niên, Tp.HCM. 6. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, NXB KHXH, 2021. 7. Nguyễn Tuệ Chân (2008), Nghệ thuật Phật giáo, NXB Tôn giáo. 8. Thích Phước Đạt (2013), Giá Trị Văn Học Trong Tác Phẩm Thiền Phái Trúc Lâm, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 9. Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khóa Hư Lục Nhìn Từ Góc Độ Văn Học, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 10. Đào Duy Anh dịch (1974), Trần Thái Tông, Khóa Hư Lục, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. 11. Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận I, NXB Lá Bối. 12. Thích Minh Cảnh chủ biên (2004), Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập III, NXB Tổng hợp HCM.
Bình luận (0)