Trang chủ Lịch sử - Triết học Ngài Đạo An thiết lập bộ Quy phạm trong Thiền môn

Ngài Đạo An thiết lập bộ Quy phạm trong Thiền môn

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Lời nói đầu

Phật giáo là một tôn giáo có sự thích nghi diệu kỳ với mọi nền văn hóa hoàn toàn khác biệt nhau và trong quá trình thích nghi hòa nhập này hoàn toàn không có chiến tranh, không có xâm lăng, không có áp bức và giết hại như là một biểu tượng văn hóa từ bi và trí tuệ. Phật giáo khi du nhập vào Trung Quốc gặp không ít khó khăn do nền văn hóa Trung Quốc đã thấm nhuần tư tưởng Lão Trang trước đó. Mặc khác trong tư tưởng của người Trung Quốc đa phần cho mình là trung tâm văn hóa của nhân loại nên khó mà chấp nhận những luồng văn hóa mới từ bên ngoài du nhập vào. Nhưng vào thế kỷ thứ IV triều đại Đông Tấn (317-420) đã xuất hiện nhiều vị cao tăng lỗi lạc hết lòng phù trợ và hoằng dương Phật pháp và nổi bậc hơn cả trong thời kỳ đầu đó chính là ngài Đạo An ngang qua những cống hiến của Ngài.

Lược sử cuộc đời của Ngài Đạo An

Ngài Đạo An sinh ra trong một gia đình Nho giáo nghèo ở đất Thường Sơn nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Sư họ Vệ, sinh năm Nguyên Gia thứ 6 (312), có thuyết nói năm Kiến Hưng thứ 2 (314) đời Đông Tấn. Cha mẹ mất sớm, bảy tuổi Ngài mới được đi học và được mô tả là người thông minh đỉnh ngộ, các sách vỡ đọc qua hai lần đã thuộc. Năm 12 tuổi Ngài phát tâm xuất gia do vì tướng mạo không đẹp nên không nhận được sự chú ý của sư phụ. Vì thế Ngài phải chấp lao phục dịch trong ba năm và cũng không buồn lòng về điều này. Sau ba năm Đạo An vô xin sư phụ học kinh, được sư phụ đưa quyển kinh khoảng năm ngàn chữ, tranh thủ thời gian rảnh sau khi hoàn thành các công việc, từ sáng đến chiều Đạo An đã thuộc lòng. Ngài đem trả kinh và xin học quyển kinh thứ hai, lúc đầu sư phụ ngài không ngạc nhiên vì cho rằng kinh đó do nghe những huynh đệ đọc tụng nên mau thuộc. Tiếp quyển kinh khác tên “Thành Cụ Quang Minh Kinh”, kinh này khoảng mười ngàn chữ, Đạo An học từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau đã thuộc, sư phụ Ngài đưa thêm cuốn nữa cũng học thuộc luôn, làm cho thầy Ngài kinh ngạc, cho rằng Đạo An không phải người tầm thường. Ngài được sư phụ cho thọ giới cụ túc và khuyên nên tha phương cầu học.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngai Dao An 1

Tranh Ngài Đạo An. Ảnh: St

Giai đoạn học đạo với Phật Đồ Trừng

Sau khi thọ cụ túc giới, Đao An mới du phương cầu học, khi tới chùa Nghiệp Trung gặp Ngài Phật Đồ Trừng. Đạo An xin vào nhập chúng và tôn Ngài Phật Đồ Trừng làm thầy. Trong buổi đầu hai thầy trò rất tâm đắc với nhau, thường đàm đạo cả ngày. Trong chúng thấy ngài Đạo An có dung mạo xấu xí sinh tâm khinh thường, ngài Phật Đồ Trừng hiểu ý nên bảo chúng rằng, “người này có kiến thức cao vời, không phải bọn các ông có thể sánh kịp”[1. Tr. 54]. Câu nói này cũng chưa đánh tan được sự nghi ngờ trong chúng tăng, ngày hôm sau khi ngài Phật Đồ Trừng lên pháp tòa thuyết pháp, ngài Đạo An trùng tuyên lại hai lần, thậm chí không sai sót mà còn giảng rõ những chổ thâm áo khiến cho trong chúng càng thêm kính phục. Thầy trò tương ngộ nhau được trên mười năm thì Phật Đồ Trừng giao lại trọng trách cho Ngài Đạo An và thị tịch vào năm 348 SCN. Đến đây Ngài Đạo An đã tiến lên dựng lập chính mình.

Thiết lập bộ “Quy phạm” trong Thiền môn

Trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, Đạo An đã để lại một công trình khiến cho giới tri thức đương thời cũng như những học giả thời nay phải nể phục. Đó chính là thiết lập bộ “Quy phạm” trong Thiền môn đã làm ảnh hưởng lan truyền đến các nước Phật giáo trên thê giới cho đến ngày nay.

Theo bước phát triển của Phật giáo Trung Quốc vào thế kỷ thứ IV tăng ni càng ngày càng đông, sau đó hình thành những đoàn thể tăng già, lập tự viện làm cơ sở hoằng truyền chính pháp.

Bởi vì Phật giáo luôn luôn lấy “Chính Pháp” làm trung tâm. Nhưng khi Phật Pháp hoằng truyền trong nhân gian mà thành Phật giáo, thì Chính Pháp uyển chuyển phân ra làm 02 hình thái: Pháp (Kinh điển) và Tỳ Ni (Luật lệ). Hai loại này, có tính chất công năng đặc thù tương đối của nó. Đại khái mà nói, đấy là cái thuộc Trí, cái thuộc Nghiệp; cái thuộc Nghĩa lý, cái thuộc Chế độ; cái thuộc cá nhân, cái thuộc đoàn thể; cái thuộc khế hợp chân lý, cái thuộc tương thông thế tục; cái thuộc thực chất, cái thuộc nghi thức; cái thuộc hành thiện và cái thuộc dừng ác. Hai loại này tuy có vẻ khác biệt, nhưng là hai thứ không thể tách rời riêng lẻ, mà lại có tính chất tương ứng, có mối quan hệ tương y tương thành.

Phật giáo là sự tổng hợp của hai loại này, nên phát triển Phật giáo cũng chính là sự phát triển một cách quân bình 02 loại này, nghiêng bên nào cũng không được.

Xưa kia, Thượng Tọa Bộ quá chú trọng về Tỳ Ni, nên dần tiến tới quá sức chi ly vụn vặt, từ đó tạo ra ác cảm, phản đối Tỳ Ni ở một số lớn Tăng Ni, như bên Đại Chúng Bộ, tạo thành sự bỏ bê khinh rẻ Tỳ Ni, chú trọng Giáo Pháp. Sự cố chấp quá ở Tỳ Ni hay sự bỏ bê coi thường Tỳ Ni, đều dẫn tới sự mất vẹn toàn của Tăng đoàn Phật giáo, tạo thành hình thức “rồng rắn hỗn tạp”. Bỏ bê Tỳ Ni mà chuyên tâm phát triển Giáo Pháp, không những làm mất đi tinh thần quản trị bằng Giới Luật, mà còn dắt con người ta đi tới chỗ duy tâm (chỉ nói lý suông không thôi, thực tế chẳng thấy được gì)[2].

Từ khi An Thế Cao truyền dịch Kinh điển đời Đông Hán (147) đến khi Đạo An gặp Phật Đồ Trừng (335, năm Phật Đồ Trừng theo Thạch Hổ về Kinh Đô mới ở Nghiệp) thì Tăng đoàn Phật giáo sinh hoạt tự tiện, tùy theo từng vị Thầy giảng dạy thế nào, sống theo thế ấy. Thời Tam Quốc, nhà Ngụy phương Bắc, niên hiệu Gia Bình (249-254) của Hoàng Đế Tào Phương, Đàm Ma Ca La người Trung Ấn Độ đến Kinh Đô Lạc Dương, dịch Luật điển Tứ Phần Luật tâm, tổ chức giới đàn thọ giới…Năm 254 của Tào Ngụy, Đàm Vô Đế (còn gọi Đàm Đế), sang Lạc Dương dịch bộ Yết Ma của Đàm Vô Đức bộ (phái Pháp Tạng bộ). Khương Tăng Khải, năm 252 Tào Ngụy, sang Lạc Dương, dịch Tứ Phần Tạp Yết ma[3]. Như vậy, từ thời Tam Quốc, nước Ngụy, mới bắt đầu có hình thức truyền Giới Đàn, có được bộ Yết Ma (quy tắc biểu quyết đồng thuận khi biện sự – giải quyết công việc Phật sự), riêng bộ Tứ Phần Luật tâm thì chỉ là tóm yếu, tinh hoa của Luật Tứ Phần mà thôi, thuộc về tóm tắt tư tưởng, điều khoản, không phải là hướng dẫn ứng dụng thực tế.

Trúc Pháp Hộ, một cây đại thụ dịch Kinh khi đó (bắt đầu dịch Kinh tại Trường An năm 266, đời Tây Tấn), nhưng chỉ là dịch Kinh, không dịch Luật.

Đến đây, Đạo An tiếp xúc Luật lệ nghi quỹ của Phật giáo, đó là đầu tiên tham gia Đạo tràng của Phật Đồ Trừng (năm 335) tại Nghiệp Cung Tự. Phật Đồ Trừng nổi tiếng là bậc bác học đa tài, tuy sử liệu ghi lại không thấy nói ông chuyên dạy giáo lý gì, chỉ chuyên dạy Thiền, và nói ông tư tưởng khoáng đạt, nhìn xa trông rộng, biết quyền biến vận dụng để đem an ổn tới cho cuộc sống của những người xung quanh. Đối xử với người bằng tình thương từ bi, riêng mình thì cần ăn ngày một bữa, quá Ngọ không ăn, đệ tử trứ danh rất nhiều, thường số theo học có trên 1000 vị. Phật Đồ Trừng lại vốn là người Tây Vực, thuở nhỏ đã sang Kế Tân học Phật Pháp[4]… Với một số thông tin ấy, có thể thấy trung tâm Nghiệp Tự là một nơi tu Thiền học Pháp với nội quy Tùng Lâm vận hành thông lợi thế nào.

Cứ theo lịch sử, năm 348, Phật Đồ Trừng mất, Đạo An (sinh 312, năm 348 là 37 tuổi) bắt đầu lãnh chúng vào núi ở lánh nạn, sau có về lại Nghiệp Đô ít lâu, lại thấy chính trị không ổn, vua mới không có khả năng trị nước, lại dắt chúng vào núi (vốn ở miền Bắc, phía Nam so với Nghiệp Đô, gần chỗ mà xưa kia Phật Đồ Trừng lánh nạn từ lúc mới vào Trung Nguyên năm 310, tỉnh Sơn Tây ngày nay)[8]. Sau, lại xuôi về Nam lánh nạn, đầu tiên xuôi về Nam, vượt sông lánh tại Lục Hồn, cùng chúng trên 500 người ăn cỏ cây lánh nạn; rồi Mộ Dung Tuấn (vua nước Yên) dẫn quân qua Lục Hồn, bèn cùng người bỏ chạy xuôi về Nam, xuống Tân Dã, ngày nghỉ đêm đi, mò mẫm dắt nhau đi, mấy lần thấy nguy quá, phân chia chúng ra mà đi, lần hồi đi tới Tương Dương (khi tới Tương Dương, Đạo An đã 54 tuổi, tức nhằm khoảng năm 363) , được quan trấn thủ thỉnh mời ở lại đó. Tại đó, ông gặp Tập Tạc Xỉ. Tập Tạc Xỉ trong một lần viết thư gởi cho Tạ An, một người hầu như nắm toàn quyền miền Nam (nước Đông Tấn) khi ấy, (Tạ An bắt đầu ra làm quan lớn, từ năm 360)[6] rằng: “Đến đây, thấy vốn thật vượt hơn lời đồn rất nhiều. Tăng, ni thầy trò có đến số trăm. Học Đạo, giảng Kinh không hề lười mõi. [Họ] không có phép mầu biến hóa để làm mê hoặc tai mắt người đời, [Họ] không có thế lực trọng đại để lấn át quần chúng, nhưng thầy trò nghiêm nghiêm chỉnh chỉnh tự tôn kính lẫn nhau, đạo mạo tinh tường. Thật là từ xưa nay tôi chưa từng thấy ai như vậy. Trong lòng thì niềm tin đơn giản rõ ràng, bên ngoài thì bác lãm quần thư, trong ngoài không sách nào không rộng đọc. Âm dương toán số cũng thông hiểu. Phật Kinh thì càng là sở trường. Tác phong thì tợ mấy Ngài [Trúc] Pháp Lan, [Trúc] Pháp Tổ[6] … Tiếc là tôi không thể khiến Túc Hạ (chỉ Tạ An) được gặp sớm, vị ấy (Đạo An) cũng nói là muốn gặp Túc Hạ một lần”[5].

Đến đây, “hơn 500 người học trò chạy loạn theo Đạo An, chạy loạn về tới Tương Dương, sau khi đã tách nhau mấy lần, vẫn còn hơn 100 học trò. Phong độ thanh cao, kính trọng hiếu học, tương nhượng tương kính,… rõ ràng là Đạo An đã vận dụng luật lệ và nghi thức trong Phật môn cho đời sống Thầy trò mình từ lâu, hẳn là ít nhất là từ thời gian bắt đầu chạy loạn, khi sư phụ Phật Đồ Trừng mất năm 348 trở đi”. Với hoài bão truyền đăng tục diệm, hoằng dương Chính pháp, kiến tạo già lam; Ngài Đạo An đã rời Nhạn Môn, đi đến vùng núi Thái Hành – Hằng Sơn (thuộc tỉnh Hà Bắc), thấy nơi đây u nhã, xứng ý, nên đã dừng chân, xây dựng chùa tháp, truyền bá Phật giáo. Tại đây, số người xin xuất gia theo Đạo An và số người được Ngài giáo hóa rất đông. Sự kiện này chứng tỏ rằng, Ngài Đạo An đương thời đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội. Thái thú Lô Hâm rất hâm mộ thanh danh của ngài Đạo An, vì thế nhiều lần sai sứ đi thỉnh Ngài đến để giảng kinh thuyết pháp. Khi Ngài giảng, người đến nghe rất đông ví như góc thành bị sụp đổ[9]. Điều đó cho thấy sự hoằng pháp của Đạo An rất thịnh vậy.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ngai Dao An 2

Ảnh: St

Tương truyền rằng số người xuất gia đông bằng nửa số dân tỉnh Hà Bắc. Nhưng xét nghĩ số lượng này cũng có cơ sở. Vì sao? Đầu tiên là giai đoạn thời đó thế sự nhiễu nhương, binh đao khói lửa liên miên, chốn thiền môn chính là sự lựa chọn để người ta có thể tìm được chút bình an trong thời loạn lạc dãy đầy những hệ lụy khổ đau. Hoặc cũng có thể do vì thanh danh và sức ảnh hưởng của Ngài Đạo An quá lớn, nên đã quy tụ được nhiều người. Đông mà lại đủ loại thành phần nên sinh ra hỗn tạp. Trước tình hình đó Ngài Đạo An đã định chế ra “Quy Phạm” để phổ biến những phương pháp tu trì, tạm thời chỉnh đốn hàng tăng sĩ vào khuôn phép. Bởi vì khi số lượng Tăng ni ngày một đông, hơn 400 người như thế, mà Phật giáo thời bấy giờ, về luật tạng có bốn bộ luật chưa được phiên dịch, luật còn quá ít và thiếu hệ thống khiến tổ chức tăng già trở nên lộn xộn, khó kiểm soát. Để tạm thời khắc phục những khó khăn trên, để cho hàng xuất gia có thể sống một cuộc đời phạm hạnh, tuân thủ giới luật. Cho nên: Những gì Đạo An được mã hóa là: Những dấu vết và mô hình cho Tăng già và tỳ kheo ni, kế đến là khuôn mẫu của Phật pháp được tập hợp lại theo ba loại chính xác sau đây:

Một là: Các quy luật chủ yếu việc dâng hương, ngồi trang nhã ( oai nghi), tụng và đọc trước công chúng.

Hai là: Các quy luật chủ yếu nghi lễ, bữa ăn và tụng kinh, cơ bản tu tập sáu thời mỗi ngày.

Ba là: Các quy luật chủ yếu Upavasatha, mãn hạ an cư, sự sám hối, và những điều tương tự”[7. Tr. 700].

Quy phạm sau khi Ngài Đạo An đặt ra, đã lấy đó làm khuôn mẫu quy chuẩn cho tất cả các hàng Tăng sĩ và tự viện thời bấy giờ. Nhưng ngạc nhiên một điều là những điều Ngài chế định ra không khác mấy so với giới luật sau khi được truyền sang bằng văn bản chính thức. Có chăng chỉ là tạo thêm sự phong phú và tăng thêm phần sinh động cũng như ý nghĩa hơn mà thôi.

Tư liệu để Đạo An tìm hiểu, từ Ngụy Tào đến đấy, duy nhất chỉ có 02 bộ Yết Ma tương đối giống nhau của hai vị Đàm Vô Đế (còn gọi Đàm Đế), năm 254 của Tào Ngụy, sang Lạc Dương dịch bộ Yết Ma của Đàm Vô Đức bộ (phái Pháp Tạng bộ) và Khương Tăng Khải, năm 252 Tào Ngụy, sang Lạc Dương, dịch Tứ Phần Tạp Yết ma[3].

Hiện nay, xét trong Luật Tạng, nội dung của 02 bộ này đều tương đối giống nhau, đó là:

a. Tỳ kheo Yết ma

b. Tỳ kheo ni Yết ma.

Trong 02 phần Yết ma này, mỗi phần đều nhau, như nhau, có 09 mục: 1. Kiết Giới, 2.Thọ Giới, 3.Trừ Tội, 4.Thuyết Giới, 5.An Cư, 6.Tự Tứ, 7. Phân chia Y áo, 8.Y phục thuốc men tịnh pháp, 9. Phòng xá tạp pháp.

09 điều này trong 02 bộ Yết Ma, và “Quy phạm” (dù chưa thành văn bản) trong đời sống tự viện dưới sự chỉ bảo của Phật Đồ Trừng, là căn cứ để Đạo An lập ra Luật Lệ và Nghi Thức cho đệ tử mình và chính mình sống theo, vô hình chung dần trở thành định hình cho hình thức và luật lệ Phật giáo Trung Hoa sau này.

Đây là việc làm cách tân Phật giáo rất lớn của Đạo An lúc bấy giờ, không chỉ trong thời của Ngài Đạo An cho đến nay tất cả các chùa trên toàn quốc đều áp dụng luật nghi do Ngài chế định. Nhờ sự cách tân đó khiến cho Phật giáo là tôn giáo đến từ nước ngoài đã nhanh chóng thích ứng với nền văn hóa Trung Quốc. Do đó Đạo An được coi là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã định lập thanh quy tự viện.

Lời kết

Tóm lại, Ngài Đạo An đã đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp xuất gia tu đạo. Ngài là một bậc danh tăng kiệt xuất không chỉ đơn thuần nổi tiếng về lĩnh vực trước tác, dịch thuật mà Ngài còn mở ra một giai đoạn mới, làm thay đổi Phật giáo Trung Quốc thời bấy giờ. Một đời Ngài phụng sự Phật pháp, xiển dương giáo nghĩa đã gây nên tầm ảnh hưởng to lớn và sâu xa trong tiến trình phát triển của Phật giáo Trung Quốc.

Về phương diện tổ chức nổ lực phiên dịch, chú giải kinh điển, chỉnh lý và giới thiệu kinh điển Phật giáo. Ngài đã tận lực hoằng dương Phật pháp, tích cực bồi dưỡng đệ tử. Không những thế, Ngài còn chế định Quy phạm tăng ni, hiến chương Phật pháp, đặt nền tảng cho quá trình Trung Quốc hóa Phật giáo. Ấn Độ là cái nôi lưu xuất Phật Giáo, nhưng đưa Phật giáo đến đỉnh điểm sự phong phú về hình thức lẫn nội dung thì công đó là của Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được danh xưng “Phật giáo Trung Quốc” thì công đầu chính là của ngài Đạo An.

Thích Nữ Huệ Hằng

—————-

Chú thích
1. HT. Thích Thanh Kiểm (2010), “Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc”, Nxb Tôn Giáo, tr. 54
2. Tham khảo Ấn Thuận, Giáo Chế Giáo Điển dữ Giáo Học, 1.Phiếm luận Trung Quốc Phật giáo chế độ, tr .2.
3. [Lương] Cao Tăng Truyện, quyển 01, Khương Tăng Khải. Huệ Cảo (còn gọi Tuệ Kiểu) soạn.
4. Lương] Cao Tăng Truyện, Thần dị thượng, mục 01, Trúc Phật Đồ Trừng. Huệ Cảo (còn gọi Tuệ Kiểu) soạn.
5. Lương Tăng Hựu, Xuất Tam Tạng Ký tập, quyển 15, Đạo An Pháp sư truyện
6. Theo Tấn Thư, quyển 79, truyện Tạ An
7. Zenryu Tsukamoto. Leon Hurvitz. A HISTORY OF EARLY CHINESE BUDDHISM, Tập 2, Tokyo, 1985, Page 700.
8. Trong thời gian ở núi này, Huệ Viễn đã tìm tới bái sư học Đạo, và đây là thời gian ông bắt đầu biên soạn “Đạo An lục”.
9. Tài liệu giảng dạy của TT.TS. Thích Chơn Minh

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường