Tác giả: Đặng Xuân Thiện – Tỳ kheo Thích Đạt Ma Tông Huyền Thiền viện Thường Chiếu, Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai
1. Mở đầu
Có thể nói, Phật giáo đời Trần là thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử Phật giáo Việt nam. Phật giáo được coi là Quốc giáo - Phật giáo Nhất tông - Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nền văn hóa thời nhà Trần phù hợp với thuần phong mỹ tục của người dân chân chất hiền thục nước Việt.
Với tư tưởng “Lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình” là lời nhắn nhũ của một vị Thiền sư “Quốc sư Trúc Lâm”, đã hằn sâu vào tâm khảm của ông vua “Thiền sư Trần Thái Tông”. Đây cũng chính là “Tâm từ bi” - tinh thần chủ đạo Thiền phái Trúc Lâm xuyên suốt từ xưa cho đến ngày nay.
Thiền phái Trúc Lâm nhà Trần dần bị mai một. Cho đến cuối Thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Thanh Từ tu hành sáng đạo, khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó đến nay, trải qua trên 47 năm (1975-2022), Thiền phái Trúc Lâm ngày càng phát triển.
Có thể nói, nét đẹp Văn hóa Thiền phái Trúc Lâm rất phù hợp với người dân nước Việt, bởi đó là nét đẹp truyền thống. Mỗi người phật tử có tâm Phật, có Phật trong tâm nên sống hòa thuận hạnh phúc. Sự ảnh hưởng của Văn hóa Phật giáo góp phần tạo nên một xã hội an lạc bền vững, đáng được tôn trọng trân quý.
2. Nội dung
2.1. Ban Quản trị Thiền phái
Trải qua bao biến động thăng trầm, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử rất hưng thịnh thời nhà Trần, Phật giáo là Quốc giáo. Theo quy luật tự nhiên thịnh rồi đến suy. Vào đầu thế kỷ XX, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử gần như mai một hoàn toàn.
Sau thời thời gian tu hành chứng đắc thiền định, Hòa thượng Thanh Từ, đã phát tâm khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời vào những năm 1970. Từ đó đến nay, với tinh thần nhập thế, phù hợp xã hội Việt Nam, đã không ngừng phát triển về số lượng tang, ni, phật tử. Chùa chiền được xây dựng khắp mọi miền. Hòa thượng thành lập ban Lãnh đạo, ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhằm điều hành và lãnh đạo Thiền phái.
2.2. Tư tưởng
Trong sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi” Hòa thượng Thanh Từ nói: “Suốt chiều dài lịch sử ngót 18 thế kỷ, Phật giáo Việt Nam trải qua lắm phen thăng trầm. Ngày nay, chúng ta phải chọn một chặng nào thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, tinh thần khế lý khế cơ giúp tang, ni và phật tử Việt Nam dễ thấy lối đi, tu hành thoát khổ được vui. Qua nhiều năm ưu tư chúng tôi khẳng định lấy Phật giáo đời Trần làm cái mốc để xây dựng Phật giáo Việt Nam hiện thời”.
2.2.1. Tức Tâm tức Phật
Có thể nói Tư tưởng “Tức tâm tức Phật”, xuất phát từ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. Cho đến Việt Nam, vào thời nhà Trần, trong “Thiền Tông Chỉ Nam” của Trần Thái Tông, ghi: Một hôm, vua quyết chí lui về chốn núi rừng, tìm học Phật pháp, đến gặp Quốc Sư Trúc Lâm trên núi Yên tử. Quốc sư bảo: “Trong núi vốn không có Phật, Phật vốn ở trong tâm. Tâm lặng mà biết gọi là chân Phật. Nay Bệ hạ nếu ngộ tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm bên ngoài”.
Từ đây, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lấy “Tâm” làm yếu chỉ tu hành. Sau này Sơ tổ Trúc Lâm “Đại Đầu Đà” Trần Nhân Tông, trong “Cư Trần Lạc Đạo Phú” có dạy: “Tịnh Độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng sôi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc”.
Hòa thượng Thích Thanh Từ, với tâm Lão bà từ bi tha thiết, Ngài đã trên 30 năm vì phật tử, đã giảng dạy giáo lý Thiền tông khai mở cho biết bao nhiêu người thực hành giáo pháp đạt đến chốn hạnh phúc. Mỗi người hãy quay trở lại nhìn vào tâm mình không nên nhìn ra bên ngoài “Phản quán tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” như lời Tuệ Trung Thượng sĩ từng dạy.
2.2.2. Thiền Giáo đồng hành
Trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, chư vị Thiền sư chủ yếu khai thị những Công án, thiền ngữ súc tích, phương pháp “gậy bổng” giúp cho hành giả “Mở trí, khai tâm”. Tuy nhiên, chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm, ông tổ Việt Nam nhẹ nhàng thi vị hơn. Các Tổ sư đã kết hợp hài hòa giữa giáo và thiền, được Giáo thọ giảng dạy Kinh điển Đại thừa, các bộ Ngữ lục cho người tu Thiền học hiểu.
Có thể nói, Thời khóa tọa thiền tại các Thiền viện thuộc Thiền phái rất quan trọng. Trong suốt thời gian công phu thiền tọa, mỗi hành giả quay lại quán chiếu chính mình.
Đầu tiên pháp quán sổ tức, hít vào thở ra đều biết rõ từng niệm. Sau đó là tùy tức là theo dõi hơi thở, hơi thở nhanh chậm nặng nhẹ đều biết rõ ràng. Tiếp đến, hành giả tiếp tục thực hành pháp Thiền Chỉ quán. Đây là pháp môn căn bản trọng yếu của Thiền.
Hòa thượng Thanh Từ đã giảng dạy pháp Biết vọng không theo “Tri Vọng” và pháp môn Trực chỉ “Biết có Chân Tâm”, nghĩa là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, rất phù hợp cho hành giả ngày nay.
Thời gian học giáo lý vào các buổi chiều trong tuần (T.2 - T.7). Tất cả tăng ni, phật tử ở trong các Thiền viện đều học kinh điển. Với Pháp môn Thiền giáo song hành, là nét đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm xưa nay so với Thiền tông Trung Hoa.
Trong giảng đường của Thiền phái có câu liễn “Tu mà không học giáo lý là tu mù, học mà không tu như túi đãy đựng sách”, để răn nhắc Thiền sinh. Thiền kết hợp với giáo như chiếc bè có thêm tay chèo, chắc chắn đưa khách sang đến bờ kia an toàn viên mãn.
2.2.3. Hòa quang đồng trần (Tùy duyên vui đạo)
Phật giáo với tinh thần “vô ngã vị tha” lý tưởng tối thượng là từ bi cứu khổ. Từ khi mới thành đạo, đức Phật đã dạy các đệ tử: “Này các Tỳ-kheo, hãy lên đường vì hạnh phúc an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích hạnh phúc an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Mỗi một hành giả Thiền phái Trúc Lâm xưa và nay với tinh thần tùy duyên nhập thế, hòa nhập vào cuộc sống của quần chúng tùy theo hoàn cảnh thực tế mà làm lợi ích cho mọi người, mọi loài.
Trong “Cư Trần Lạc Đạo Phú”, Sơ tổ Trần Nhân Tông có kệ: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm…”, “dựng cầu đò giồi chiền tháp, ngoại trang nhiêm sự tướng hãy tu”. Có nghĩa là công phu tu hành có được phải hòa nhập vào sự nghiệp vì đất nước xã tắc.
Trên tinh thần giác ngộ giải thoát cho chính mình khỏi sự mê muội khổ đau, cũng chính là bổn phận của người Phật tử Trúc Lâm đưa hạnh phúc an lạc đến cho tha nhân. Hòa thượng Thích Thanh Từ từng nói: “Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sinh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ”.
Tùy duyên tu tập, tùy duyên sống đạo, hòa hạnh phúc của mình vào với hạnh phúc của tất cả mọi người. Hãy cùng một nhịp đập của trái tim nhân hậu thương yêu hết thảy, vì tất cả chúng ta ai cũng có quyền sống, có quyền hạnh phúc bình đẳng.
Tổ sư Trần Nhân Tông dạy:
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, Đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Mỗi người hãy tùy duyên tự tại, sống Thiền an lạc trong từng phút giây, ngay bây giờ và tại đây.
2.3. Pháp môn tu tập
2.3.1. Tu tập Tọa thiền
Trong lời giới thiệu của bản “Thanh quy”, HT.Thanh Từ viết: “Phật dạy ba môn học là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ... Nên biết, có văn, tư mà không tu thì chúng ta không khi nào hết khổ”.
Trọng tâm của các Thiền viện hiện nay là tu thiền. Tất cả thiền sinh ở đây lấy Thiền làm mạng sống. Vì thế, trong bốn oai nghi Thiền sinh lúc nào cũng tỉnh giác, song thực hiện trọn vẹn hơn là những giờ tọa thiền.
Thời gian tọa thiền của đại chúng (Thiền sinh) vào 2 thời Công phu chính. Sáng từ 3g 15-5g 00. Tối từ 19g 30-21g 00. Có thể nói, đây là nét đẹp Văn hóa của người hành giả tu Thiền. Trong suốt thời khóa Tọa thiền, Hành giả ngồi yên lặng, hai chân xếp vào nhau (kiết già) mặt nhìn về phía trước, lưng thẳng tư thế nhẹ nhàng không cử động. Theo dõi hơi thở vào ra, quán chiếu biết rõ vọng tưởng khởi lên lặng đi. Nên nhớ trong lúc ngồi thân, miệng, ý đều thanh tịnh vắng lặng.
2.3.2. Thời Sám hối sáu căn
Theo nghi khóa Thiền phái Trúc Lâm hiện nay, khóa lễ Sám hối sáu căn được thực hành vào buổi chiều tối, trong tất cả các Thiền viện. Hòa thượng Thanh Từ nói: “Mỗi người, ai cũng có thể lầm lỗi nhưng biết sám hối thì lầm lỗi đó sẽ hết, sám hối có công dụng giúp chúng ta tiêu trừ những nghiệp cũ, làm sạch những nghiệp mới. Vì thế sám hối là một điều rất thiết yếu” (Khóa Hư Lục).
Đến thời khóa tụng kinh (5h 55’), toàn chúng đều đắp Y hậu chỉnh tề. Thời tụng kinh (Sám hối sáu căn), thường lễ khoảng 1 tiếng, nhằm giúp cho hành giả quay về với Chính pháp, thanh tịnh. Cầu nguyện cho tất cả mọi loài đều được an vui hạnh phúc, giải thoát mọi khổ đau.
2.3.3. Học tập Kinh, Luận
Thời gian đại chúng học tập kinh luận, thường vào buổi chiều từ thứ 2 - thứ 7 trong tuần, thời gian học từ 2h 00’ - 4h 00’. Chương trình học chủ yếu là các bộ Kinh điển Đại thừa, Luận Ngữ lục Thiền tông. “kinh Thủ Lăng Nghiêm; bộ kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh Đại Bát Nhã”… Các bộ “luận Đại Trí Độ; luận Đại Thừa Khởi Tín; Pháp Bảo Đàn kinh, Khóa Hư Lục (vua Trần Thái Tông), tác phẩm Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông…
2.4. Đào tạo tăng tài, giảng kinh thuyết pháp
2.4.1. Đạo tạo tăng tài
Ngoài thời khóa tu học căn bản, Hòa thượng Trụ trì còn cho Thiền sinh đi học ở Học viện... Hiện nay, tại Tổ đình Thiện viện Thường Chiếu đã thành lập Trường Thiền thời khóa học 3 năm. Lớp Thiền này gồm các thiền sinh trẻ đã học xong Trung học phổ thông. Thiền sinh học tại trường hoàn toàn nội trú suốt 3 năm. Theo Hòa thượng Nhật Quang (Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Đồng Nai), sau khi học xong khóa học tiếp tục học chương trình Cao đẳng Thiền học chuyên sâu (3 năm) tại Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức. Trừ những lý do dặc biệt như Cha mẹ mất, Thầy tổ viên tịch hoặc bị bệnh nặng Thiền sinh mới được phép ra ngoài…
2.4.2. Giảng kinh thuyết pháp
Phần giảng kinh thuyết pháp, chủ yếu là đề tài giáo lý căn bản, giúp Phật tử dễ dàng lãnh hội áp dụng trong tu tập hằng ngày. Đó là những bài pháp về “Tam quy Ngũ giới, Thập thiện”, giáo lý Nhân quả Nghiệp báo. Cũng có những bài pháp nói lên giáo lý cốt tủy như “Tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Với pháp môn tu tập phù hợp với mọi căn cơ của mọi người, đã giúp cho hành giả tu tập đạt được nhiều an lạc. Chỉ rõ con đường tu tập Bồ-tát hạnh, quả vị thánh hiền, giúp cho người Phật tử càng thêm tinh tấn.
Tóm lại, giảng kinh thuyết pháp giúp cho người nghe hiểu được giáo lý Phật dạy áp dụng thực hành, chính là đem lại hạnh phúc an vui cho chính mình và cho mọi người, mọi loài. Thiền giáo song hành là pháp tu căn bản của Thiền phái Trúc Lâm xưa cũng như nay đem lại nhiều lợi ích tự lợi lợi tha.
2.5. Kiến trúc, thờ tự
2.5.1. Kiến trúc
Tuy tiếp nhận về tư tưởng, pháp môn tu tập theo Thiền phái Trúc Lâm thời nhà Trần, song về mặt kiến trúc Thiền phái Trúc Lâm ngày nay có nhiều sự sai khác. Hầu hết các Thiền viện đều có khu ngoại viện và nội viện. Nội viện là nơi tu học sinh hoạt của Tăng chúng xuất gia. Khu Ngoại viện là nơi sinh hoạt của Phật tử, khách tham quan viếng cảnh chùa.
Lối kiến trúc, kết hợp cổ kim tạo nên sự hài hòa trong Văn hoá Việt. Chính điện Nhà tổ, Trai đường, Thiền đường theo lối trực diện trục chính.
Chính điện, Nhà tổ là trung tâm của một ngôi Thiền viện, vì thế, ngôi Chính điện được kiến thiết rộng lớn trang nghiêm. Ngôi Nhà tổ được kết nối với Chính điện tạo nên một không gian thoáng rộng cho những buổi lễ lớn, như ngày lễ Giổ tổ, lễ Khánh tuế của Hòa thượng Viện chủ.
Thiền đường, là nơi Thiền sinh Tọa thiền hằng đêm, nên thường được bố trí sâu vào bên trong Nội viện, vắng vẻ yên tỉnh, thoáng mát rất thích nghi cho việc Tọa thiền của đại chúng. Hằng đêm, vào buổi tối muộn và sáng sớm, tất cả Thiền sinh trong viện đều tập trung lên Thiền đường để tọa Thiền.
Trai đường hay nhà ăn của chư tăng, nơi thọ trai hằng ngày của quý Sư. Phật tử có chỗ ăn riêng gọi là Hương Nhũ đường hay khu hành lang Trai đường.
Nhà khách ngay trong cổng Tam Quan rất thuận lợi cho việc tiếp các đoàn Phật tử đến học Pháp tu tập, viếng chùa. Nhà khách cũng là nơi tập tu sinh hoạt dành cho các vị Phật tử theo nếp sống Thiền môn.
Giảng đường khang trang rộng lớn có thể dung chứa trên 500 -700 người nghe pháp. Xung quanh Giảng đường là các dãy ghế dưới các tàng cây mát mẻ giúp người ngồi nghe pháp, khách tham quan có nơi yên tỉnh lắng tâm, tinh thần thanh thản…
Tất cả quần thể Tùng lâm Thiền viện tạo nên một sự hoàn hảo trong không gian yên tỉnh phù hợp cho một nơi lý tưởng Tu tâm. Tất cả những ai đến đây một lần là nhớ mãi, với những an nhiên tịch tĩnh thoát khỏi chốn bụi trần.
2.5.2. Thờ tự
Việc thờ tự trong các chùa Thiền phái Trúc Lâm xưa và nay cũng có sự sai khác. Chùa Thiền xưa mang tính truyền thống: Bàn thờ giữa Chính điện là Tam thế Phật (Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Dược Sư). Các vị Bồ-tát thường thờ là Quan Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền; các vị Hộ pháp Phạm Thiên Đế Thích, Thiên Vương…
Ngày nay, ngôi Chính điện Thiền phái chỉ thờ tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni lớn tọa Thiền kiết già “Niêm hoa vi tiếu”, tay phải cầm hoa sen ngay tại gian giữa. Phía bên tay phải đức Phật thờ tượng Bồ-tát Phổ Hiền, bên trái thờ tượng Bồ-tát Văn Thù.
Nhà Tổ phái Thiền thường thờ các vị Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma… các vị Tổ thiền phái Trúc Lâm như sơ Tổ Trúc Lâm, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang.
Khu tháp Liên hoa và tháp Tỉnh Hương thờ tượng Bồ-tát Địa Tạng Vương, là vị Vương chủ cõi Địa ngục. Ngài luôn khởi lòng từ bi cứu khổ giải thoát cho mọi loại chúng sinh bị đọa lạc trong cảnh giới vô minh tăm tối.
Ngoài ra còn có Thập bát La Hán đường, Điện Văn Thù, Hương tháp Hòa thượng Viện chủ…
3. Kết luận
Có thể nói, nền Văn hóa của một đất nước là thước đo về văn minh bình đẳng, sự tự do dân chủ của một dân tộc. Đất nước có nền độc lập chủ quyền, kinh tế phát triển thì Văn hóa chắc chắn đem lại nhiều an vui hạnh phúc cho người dân cả tinh thần lẫn vật chất.
Qua lịch sử, chúng ta thấy rất rõ thời đại nhà Trần, nền văn hóa Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong Văn hóa Đại Việt thời bấy giờ.
Nét đẹp Văn hóa Thiền phái Trúc Lâm ngày nay là sự tổng hòa trong sự tu học sinh hoạt, hòa nhập vào xã hội. Từ cơ cấu tổ chức, tư tưởng chủ đạo đến thời khóa tu tập. Đặc biệt là các buổi giảng kinh thuyết pháp… tất cả đều hài hòa trong nét đẹp của truyền thống dân tộc Việt Nam.
Trên tất cả, đó chính là người Phật tử Thiền phái có tấm lòng nhân hậu, có đạo đức, tình thương của một vị Bồ-tát, thương người như thương chính mình. Bởi trong tâm của mỗi người đều là Phật, sẽ thành Phật.
Văn hóa của Phật giáo Thiền phái Trúc Lâm, cũng là nét đẹp truyền thống của người con dân tộc Việt Nam yêu quê hương đất nước, yêu chuộng hòa bình. Thiết nghĩ, nếu được hòa nhập với sự kết hợp chọn lọc những điều tốt đẹp trong xã hội ngày nay hy vọng sẽ là đưa đến cho mọi người mọi loài niềm an vui hạnh phúc, an lạc miên viễn.
Tác giả: Đặng Xuân Thiện – Tỳ kheo Thích Đạt Ma Tông Huyền Thiền viện Thường Chiếu, Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai ***TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. PGS. TS. Lê Cung, PGS TS Lê Thành Nam, TS Hồ Hải Hưng (2018), Tinh Thần Nhập Thế Của Phật Giáo Việt Nam, NXB Tổng Hợp TPHCM. 2. Thích Phước Đạt (2016), Giá Trị Văn Học Trong Tác Phẩm Của Thiền Phái Trúc Lâm, NXB Hồng Đức Hà Nội. 3. Thích Đạt Ma Quán Hiền (2013), Thiền Tông Việt Nam Trên Con Đường Phục Hưng Và Hoằng Hóa (sưu tầm và biên soạn) NXB Tôn Giáo, Hà Nội. 4. Nguyễn Lang (2019), Việt Nam Phật Giáo Sử luận (I, II), NXB Hồng Đức Hà Nội. 5. Thích Chúc Phú (2013), Vài Vấn Đề Phật Giáo Và Nhân Sinh, NXB Hồng Đức Hà Nội. 6. Lê Mạnh Thát (2006) Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (II, III), NXB Tổng Hợp TP HCM. 7. Lê Mạnh Thát (2006) Toàn Tập Trần Nhân Tông, NXB Tổng Hợp TP HCM. 8. Thích Thanh Từ (2008), Tam Tổ Trúc Lâm Giảng Giải, NXB Tổng Hợp TP HCM. 9. Thích Thanh Từ (2003), Kinh Pháp Bảo Đàn, NXB Tôn Giáo Hà Nội. 10. Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Nxb Tổng Hợp TP. HCM. 11. Thích Thanh Từ (2008) Thanh quy, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội. 12. Thích Thanh Từ (2015), Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi, Nxb Tổng Hợp TP. HCM. 13. Thích Thanh Từ (2010), Thiền Sư Việt Nam, NXB Tôn Giáo Hà Nội. 14. Thích Thanh Từ (2008), Khóa Hư Lục Giảng Giải, NXB Tổng Hợp TP HCM. 15. Thích Thanh Từ (2014), Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ XX, NXB Tổng Hợp TP HCM. 16. Thích Thanh Từ (2008), Hai Quảng Đời Của Sơ Tổ Trúc Lâm, NXB Tổng Hợp TP HCM.
Bình luận (0)